Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG | ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM |
Số: 28-HD/VPTW | Hà Nội, ngày 19 tháng 12 năm 2013 |
HƯỚNG DẪN
CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN VÀ XỬ LÝ ĐƠN, THƯ Ở VĂN PHÒNG TỈNH ỦY, THÀNH ỦY TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
- Căn cứ Điều lệ Đảng và các văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đảng khóa XI;
- Căn cứ Luật Khiếu nại năm 2011; Luật Tố cáo năm 2011; Luật Tiếp công dân năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành;
- Căn cứ Quyết định số 189-QĐ/TW, ngày 10-4-2013 của Bộ Chính trị khóa XI về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Văn phòng Trung ương Đảng,
Văn phòng Trung ương Đảng hướng dẫn về công tác tiếp công dân và xử lý đơn, thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo (sau đây gọi chung là đơn, thư) ở văn phòng tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là văn phòng tỉnh ủy, thành ủy) như sau:
I- NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
Điều 1. Nhiệm vụ của văn phòng tỉnh ủy, thành ủy trong công tác tiếp công dân và xử lý đơn, thư:
- Giúp tỉnh ủy, thành ủy tổ chức công tác tiếp công dân; tiếp nhận, nghiên cứu, tham mưu, đề xuất xử lý đơn, thư của các tổ chức, cá nhân ở trong nước và ngoài nước gửi đến ban chấp hành đảng bộ, ban thường vụ, thường trực tỉnh ủy, thành ủy và văn phòng tỉnh ủy, thành ủy, thực hiện các thủ tục chuyển đơn, thư; lập hồ sơ lưu trữ có liên quan đến việc tiếp công dân, xử lý và hủy đơn, thư theo quy định.
- Theo dõi, đôn đốc, tổng hợp báo cáo thường trực tỉnh ủy, thành ủy về tình hình tiếp công dân và giải quyết những đơn, thư đã chuyển đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền (đặc biệt đơn, thư có ý kiến chỉ đạo của thường trực tỉnh ủy, thành ủy).
- Phối hợp hoặc chủ trì nghiên cứu, đề xuất về chủ trương, chính sách, các quy định có liên quan đến công tác tiếp công dân, xử lý đơn, thư và giải quyết khiếu nại; tố cáo.
- Hướng dẫn nghiệp vụ về công tác tiếp công dân và xử lý đơn, thư đối với văn phòng cấp ủy cấp dưới.
- Phân công cán bộ làm công tác tiếp công dân và xử lý đơn, thư theo quy định tại Điều 3 của Hướng dẫn này.
- Nơi tiếp công dân và xử lý đơn, thư phải được đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị làm việc theo yêu cầu về hiện đại hóa và tin học hóa công tác văn phòng cấp ủy.
Điều 2. Việc tiếp công dân, tiếp nhận, nghiên cứu, đề xuất ý kiến xử lý đơn, thư phải được đảm bảo khách quan, kịp thời, theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Điều 3. Cán bộ được phân công nhiệm vụ tiếp công dân và xử lý đơn, thư phải có phẩm chất tốt, có năng lực, nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có ý thức trách nhiệm cao, biết làm công tác dân vận, ứng dụng công nghệ thông tin và được hưởng chính sách, chế độ đãi ngộ theo quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước.
II- CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN VÀ PHỤC VỤ LÃNH ĐẠO TIẾP CÔNG DÂN
Điều 4. Tiếp công dân
Định kỳ hoặc đột xuất (khi có yêu cầu của thường trực tỉnh ủy, thành ủy) văn phòng tỉnh ủy, thành ủy cử cán bộ tham gia tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là trụ sở tiếp công dân) hoặc tổ chức tiếp công dân.
Khi tiếp công dân, cán bộ được phân công có nhiệm vụ:
4.1- Chấp hành nghiêm nội quy, quy định của trụ sở tiếp công dân là quy chế phối hợp tiếp công dân giữa các cơ quan có liên quan.
4.2- Tiếp nhận, đăng ký và làm phiếu nhận đơn, thư của các tổ chức, cá nhân có nội dung thuộc 7.2, 7.3 và 7.4, Điều 7 của Hướng dẫn này. Trường hợp có nhiều người đến trình bày cùng một nội dung thì đề nghị cử đại diện để tiếp xúc, hướng dẫn theo quy định của pháp luật.
4.3- Yêu cầu tổ chức, cá nhân khi đến trụ sở tiếp công dân phải thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ của mình theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân; hướng dẫn tổ chức, cá nhân gửi đơn, thư đến đúng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết (nếu vụ việc không thuộc thẩm quyền của tỉnh ủy, thành ủy, ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy).
4.4- Được quyền từ chối tiếp những công dân có hành vi vi phạm pháp luật, không chấp hành nội quy của trụ sở tiếp công dân (sau khi báo cáo lãnh đạo văn phòng tỉnh ủy, thành ủy hoặc cán bộ phụ trách trụ sở tiếp công dân).
4.5- Phối hợp với trụ sở tiếp công dân và các cơ quan có liên quan kịp thời xử lý các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp ở trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân.
Điều 5. Phục vụ lãnh đạo tiếp công dân
Cán bộ được giao nhiệm vụ phục vụ đồng chí bí thư, đồng chí thường trực, tỉnh ủy, thành ủy tiếp công dân phải thực hiện những nhiệm vụ cụ thể sau:
- Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu có liên quan, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nghiên cứu, phân tích tính chất, mức độ, nguyên nhân của vụ việc, đề xuất các biện pháp chỉ đạo xử lý.
- Đề xuất và mời các thành phần dự tiếp công dân (đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan); dự kiến cơ quan, tổ chức chuẩn bị báo cáo, địa điểm và công tác bảo đảm an ninh trật tự cuộc tiếp công dân
- Ghi biên bản cuộc tiếp công dân; soạn thảo văn bản và trình lãnh đạo văn phòng tỉnh ủy, thành ủy ký ban hành thông báo ý kiến kết luận hoặc công văn trả lời công dân.
- Theo dõi, đôn đốc thực hiện và báo cáo thường trực tỉnh ủy, thành ủy về việc thực hiện các kết luận nêu trên (nếu có).
III- TIẾP NHẬN VÀ XỬ LÝ ĐƠN, THƯ
Điều 6. Tiếp nhận đơn, thư
Cán bộ tiếp nhận đơn, thư có trách nhiệm:
- Phân loại và gửi địa chỉ tổ chức, cá nhân gửi đơn, thư (nơi đặt trụ sở của tổ chức, nơi cư trú của cá nhân), đóng dấu, ghi số, đăng ký ngày, tháng, năm đến vào từng đơn, thư để theo dõi và chuyển đến cán bộ được phân công nghiên cứu xử lý theo quy định.
- Báo cáo và kiến nghị lãnh đạo văn phòng tỉnh ủy, thành ủy cho ý kiến xử lý những đơn, thư có gửi kèm theo hồ sơ, giấy tờ là bản gốc, hiện vật…
Điều 7. Nghiên cứu, xử lý đơn, thư
Cán bộ được phân công nghiên cứu, xử lý đơn, thư có trách nhiệm báo cáo tóm tắt nội dung, quá trình giải quyết và đề xuất xử lý đơn, thư để xin ý kiến lãnh đạo văn phòng tỉnh ủy, thành ủy, cụ thể:
7.1- Những đơn, thư không xem xét, giải quyết
- Đơn, thư trùng (không có tình tiết mới so với đơn, thư đã nhận); không có nội dung cụ thể; không có chữ ký hoặc sao, chụp chữ ký; không rõ tên, địa chỉ.
- Đơn, thư gửi đến nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân (trong đó đã gửi đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết).
- Đơn, thư về vụ án, vụ việc đã có kết luận, quyết định giải quyết; đã có hướng dẫn hoặc văn bản trả lời của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cao nhất mà không có nội dung, tình tiết mới; những vụ án, vụ việc đã hết thời hiệu, thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật.
- Đơn, thư rách, bẩn, không đọc được hoặc có nội dung thiếu văn hóa, không có ý thức xây dựng.
7.2- Báo cáo, kiến nghị lãnh đạo văn phòng tỉnh ủy, thành ủy trình xin ý kiến đồng chí bí thư hoặc đồng chí thường trực tỉnh ủy, thành ủy những đơn, thư:
- Kiến nghị những vấn đề lớn về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ở Trung ương và địa phương
- Có nội dung phức tạp, kéo dài; vụ việc đã, đang hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và cá nhân.
- Về các vụ án, vụ việc bức xúc được dư luận xã hội quan tâm.
- Đơn, thư của tổ chức, của cá nhân có uy tín, ảnh hưởng lớn trong xã hội.
- Đơn tố cáo không có tên, mạo danh hoặc không rõ tên, địa chỉ người gửi đơn tố cáo nhưng nội dung tố cáo có bằng chứng cụ thể, rõ ràng, người bị tố cáo là cán bộ lãnh đạo thuộc diện tỉnh ủy, thành ủy, ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quản lý.
7.3- Những đơn, thư được đồng chí bí thư và đồng chí thường trực tỉnh ủy, thành ủy cho ý kiến chỉ đạo:
- Cán bộ nghiên cứu, xử lý đơn, thư soạn thảo văn bản trình Lãnh đạo văn phòng tỉnh ủy, thành ủy ký để chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét; giải quyết.
- Không được nhân sao bút phê ý kiến của đồng chí bí thư, đồng chí thường trực tỉnh ủy, thành ủy đã ghi trên đơn, thư chuyển đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết hoặc theo quy định của thường trực tỉnh ủy, thành ủy.
- Sau khi có ý kiến, của đồng chí bí thư, đồng chí thường trực tỉnh ủy, thành ủy, của lãnh đạo văn phòng tỉnh ủy, thành ủy, cán bộ nghiên cứu, xử lý đơn, thư có trách nhiệm soạn thảo thông báo, giấy báo hoặc thư cảm ơn những tổ chức, cá nhân đã gửi đơn, thư để đồng chí thường trực tỉnh ủy, thành ủy hoặc lãnh đạo văn phòng tỉnh ủy, thành ủy ký.
7.4- Những đơn, thư còn lại (ngoài những đơn, thư nêu tại mục 7.3 của Hướng dẫn này):
Cán bộ nghiên cứu, xử lý đơn, thư đề xuất, trình lãnh đạo văn phòng tỉnh ủy, thành ủy xem xét, quyết định và ký các công văn chuyển hoặc hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi đơn, thư đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết theo quy định của Đảng, Nhà nước.
Điều 8. Theo dõi, đôn đốc, tổng hợp báo cáo việc giải quyết đơn, thư
- Đơn vị, cán bộ được phân công nhiệm vụ nghiên cứu, xử lý đơn, thư có trách nhiệm chủ trì (các đơn vị, cán bộ khác của văn phòng tỉnh ủy, thành ủy có trách nhiệm phối hợp) theo dõi, đôn đốc việc giải quyết của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đã nhận đơn, thư do văn phòng tỉnh ủy, thành ủy chuyển đến, tổng hợp, phân tích và báo cáo về tình hình xử lý đơn, thư theo định kỳ hoặc đột xuất khi có yêu cầu.
- Định kỳ hoặc theo quy định của thường trực tỉnh ủy, thành ủy, Lãnh đạo văn phòng tỉnh ủy, thành ủy cử cán bộ tham gia các đoàn hoặc tổ công tác đôn đốc, kiểm tra, thanh tra việc giải quyết đơn, thư theo thẩm quyền.
IV- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Căn cứ Hướng dẫn này và tình hình thực tiễn của địa phương, văn phòng các tỉnh ủy, thành ủy xây dựng hoặc bổ sung, hoàn thiện quy định tiếp công dân và xử lý đơn, thư ở cơ quan mình cho phù hợp. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc cần sửa đổi Hướng dẫn này, văn phòng tỉnh ủy, thành ủy phản ánh kịp thời đến Văn phòng Trung ương Đảng để xem xét, quyết định.
Hướng dẫn này thay thế Hướng dẫn số 28-HD/VPTW, ngày 29-12-2009 của Văn phòng Trung ương Đảng.
| K/T. CHÁNH VĂN PHÒNG |
- 1Thông tư 01/2021/TT-TTCP quy định về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, trong ngành Thanh tra và cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân do Thanh tra Chính phủ ban hành
- 2Công văn 1066/VKSTC-V12 năm 2021 về giải đáp khó khăn, vướng mắc trong công tác tiếp công dân, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết đơn khiếu nại tố cáo trong hoạt động tư pháp do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 3Công văn 8195/TCHQ-TTKT năm 2020 về chấn chỉnh công tác tiếp công dân, giải quyết kiến nghị do Tổng cục Hải quan ban hành
- 1Luật khiếu nại 2011
- 2Luật tố cáo 2011
- 3Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam 2011
- 4Luật tiếp công dân 2013
- 5Quyết định 189-QĐ/TW năm 2013 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Văn phòng Trung ương Đảng do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 6Thông tư 01/2021/TT-TTCP quy định về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, trong ngành Thanh tra và cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân do Thanh tra Chính phủ ban hành
- 7Công văn 1066/VKSTC-V12 năm 2021 về giải đáp khó khăn, vướng mắc trong công tác tiếp công dân, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết đơn khiếu nại tố cáo trong hoạt động tư pháp do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 8Công văn 8195/TCHQ-TTKT năm 2020 về chấn chỉnh công tác tiếp công dân, giải quyết kiến nghị do Tổng cục Hải quan ban hành
Hướng dẫn 28-HD/VPTW năm 2013 về công tác tiếp công dân và xử lý đơn, thư ở văn phòng tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương do Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- Số hiệu: 28-HD/VPTW
- Loại văn bản: Hướng dẫn
- Ngày ban hành: 19/12/2013
- Nơi ban hành: Ban Chấp hành Trung ương
- Người ký: Nguyễn Văn Quyền
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 19/12/2013
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra