Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 26/HD-VKSTC | Hà Nội, ngày 07 tháng 6 năm 2021 |
Kiểm sát thi hành án dân sự (THADS) về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là một nội dung của công tác kiểm sát THADS và là nhiệm vụ quan trọng được Đảng, Nhà nước quan tâm, giao cho ngành Kiểm sát nhân dân trách nhiệm theo dõi, báo cáo. Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao đã có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đưa nhiệm vụ này vào chỉ thị công tác và kế hoạch công tác của Ngành. Hoạt động kiểm sát THADS về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ THADS về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt cho Nhà nước. Tuy nhiên, hoạt động kiểm sát THADS về thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế có tính đặc thù nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể, chi tiết về kỹ năng kiểm sát nên quá trình thực hiện nhiệm vụ, Kiểm sát viên còn gặp nhiều lúng túng, không kịp thời phát hiện vi phạm của Chấp hành viên, cơ quan THADS, của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan, làm hạn chế việc thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát và hiệu quả thu hồi tài sản.
Tại Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 30/12/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2021 và Kế hoạch số 01/KH-VKSTC ngày 05/01/2021 của VKSND tối cao về công tác trọng tâm của VKSND tối cao năm 2021, Vụ Kiểm sát thi hành án dân sự (Vụ 11) được giao nhiệm vụ: “Hướng dẫn một số kỹ năng của Kiểm sát viên khi kiểm sát THADS về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế”.
Triển khai thực hiện nhiệm vụ nêu trên, VKSND tối cao (Vụ 11) hướng dẫn một số kỹ năng của Kiểm sát viên khi kiểm sát loại việc này như sau:
Đối với việc THADS về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là thi hành phần bản án, quyết định hình sự có liên quan đến tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế quy định tại Điều 1 Luật THADS, bao gồm phần tài sản được thu hồi cho Nhà nước (các loại tài sản để sung công quỹ) và tài sản được “trao trả” cho cơ quan, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại, tương ứng với 02 loại việc thi hành án chủ động và thi hành án theo đơn yêu cầu.
Đối với việc thi hành án chủ động quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật THADS, tài sản thu hồi (tài sản để thi hành án) thường là tài sản hiện hữu, đã được Tòa án tuyên kê biên, phong tỏa hoặc duy trì lệnh kê biên, phong tỏa..., được thu hồi cho Nhà nước, thi hành cho: các khoản thu từ hình phạt tiền (với tư cách là hình phạt chính và hình phạt bổ sung); tịch thu tài sản (hình phạt bổ sung); truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính (được hiểu là biện pháp tư pháp “Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 46 và Điều 47 Bộ luật Hình sự); án phí, lệ phí Tòa án; tịch thu sung quỹ Nhà nước, tịch thu tiêu hủy vật chứng, tài sản; truy thu thuế; các khoản thu khác cho Nhà nước.
Đối với việc thi hành án theo đơn yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật THADS, tài sản thu hồi (tài sản để thi hành án) thường là “tài sản đảm bảo” được tuyên rõ trong bản án hoặc tài sản do Chấp hành viên “tìm được” thông qua xác minh điều kiện thi hành án, được tuyên “trao trả” cho cơ quan, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại (phần dân sự trong bản án, quyết định hình sự) và được tổ chức thi hành theo trình tự, thủ tục THADS nói chung.
Đối tượng kiểm sát THADS về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là việc tuân theo pháp luật của các chủ thể: Tòa án, Cơ quan THADS, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động THADS từ khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực thi hành cho tới khi kết thúc việc thi hành án và việc khiếu nại, tố cáo về THADS được giải quyết xong, có căn cứ và đúng quy định của pháp luật.
Khi thực hiện kiểm sát THADS về thu hồi tài sản trong vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, Kiểm sát viên cần lưu ý:
Thứ nhất: Thực hiện đúng các quy định tại Quy chế công tác kiểm sát THADS, HC ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ-VKSTC ngày 20/12/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao (gọi tắt là Quy chế số 810) và Quy định về quy trình, kỹ năng trực tiếp kiểm sát tại cơ quan THADS và quy trình, kỹ năng kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về THADS, HC ban hành kèm theo Quyết định số 94/QĐ-VKSTC ngày 22/3/2021 của Viện trưởng VKSND tối cao (gọi tắt là Quy định số 94/QĐ-VKSTC).
Thứ hai: Việc thỏa thuận thi hành án về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế chỉ được thực hiện đối với việc thi hành án theo đơn yêu cầu (thường là việc thi hành án liên quan đến tội phạm về kinh tế)
Không áp dụng đối với việc thi hành án mà tài sản đã được Tòa án tuyên áp dụng biện pháp kê biên tài sản, tuyên “tịch thu sung vào ngân sách nhà nước” (thường liên quan đến tội phạm về tham nhũng và đã có Lệnh kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản... từ giai đoạn tố tụng). Đây là việc thi hành án chủ động và quyền về tài sản của chủ sở hữu hợp pháp đã không còn ngay khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Do đó, người đang sở hữu, quản lý, sử dụng tài sản (bị án - người phải thi hành án; vợ/chồng bị án; các đồng sở hữu tài sản khác) không còn quyền được thỏa thuận trong thi hành án theo quy định tại Điều 6 và Điều 7a Luật THADS.
Thứ ba: Khi thực hiện kiểm sát việc ra quyết định thi hành án, xác định loại việc thi hành án, cần phân biệt “khoản bồi thường cho Nhà nước, cơ quan Nhà nước hoặc doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trong các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng” thuộc “các khoản thu khác cho Nhà nước” theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 là việc thi hành án chủ động.
Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP quy định: về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan đối với trường hợp bồi thường ... thuộc loại việc thi hành án theo đơn yêu cầu.
Thứ tư: Khi nghiên cứu hồ sơ THADS về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, Kiểm sát viên cần nghiên cứu kỹ các tài liệu sau:
- Về thủ tục thi hành án: Biên bản giao nhận Quyết định, thông báo về thi hành án cho các đương sự đối với các quyết định, thông báo liên quan đến việc tổ chức thi hành án do cơ quan THADS ban hành; Biên bản thông báo, biên bản niêm yết công khai đối với việc bán đấu giá tài sản đã kê biên của tổ chức bán đấu giá tài sản...
- Các quyết định áp dụng các biện pháp bảo đảm và biện pháp cưỡng chế thi hành án được cơ quan THADS áp dụng đối với tài sản để thi hành án, đối với đương sự, người liên quan trong quá trình tổ chức thi hành án.
- Các tài liệu khác: Biên bản xác minh điều kiện thi hành án; Biên bản làm việc giữa Chấp hành viên, Thủ trưởng cơ quan THADS với các đương sự và người có quyền lợi liên quan; Bản tự kê khai tài sản thu nhập của người phải thi hành án; Văn bản trả lời của các cơ quan có thẩm quyền về tài sản, điều kiện của người phải thi hành án đối với cơ quan THADS...
1. Kỹ năng kiểm sát việc chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án cho cơ quan THADS
Kiểm sát việc Tòa án cấp, chuyển giao bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc chưa có hiệu lực pháp luật nhưng được thi hành ngay, quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (gọi tắt là chuyển giao bản án, quyết định) cho Cơ quan THADS, đương sự là nội dung đầu tiên trong kiểm sát việc THADS.
Viện kiểm sát vừa là cơ quan kiểm sát việc Tòa án chuyển giao bản án, quyết định cho cơ quan THADS, vừa là cơ quan kiểm sát việc chuyển giao bản án, quyết định cho Viện kiểm sát để kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án (liên quan đến các khâu công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hình sự, kiểm sát xét xử dân sự, hành chính). Do đó, để thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm sát việc chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án cho cơ quan THADS, Kiểm sát viên cần nắm vững Quy chế liên ngành số 14/2013/QCLN/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, TAND tối cao, VKSND tối cao về việc phối hợp liên ngành trong công tác THADS; Quy chế phối hợp liên ngành (TAND - VKSND - THADS) tại địa phương (nếu có) và quy định phối hợp với khâu nghiệp vụ kiểm sát xét xử hình sự của đơn vị.
Khi kiểm sát việc chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án cho cơ quan THADS, Kiểm sát viên phải xem xét, nghiên cứu Sổ tiếp nhận bản án, quyết định của cơ quan THADS, đối chiếu với sổ nhận văn bản đến của cơ quan THADS và sổ theo dõi số bản án, quyết định của Tòa án đã ban hành của Viện kiểm sát. Trên cơ sở đó, xác định việc Tòa án chuyển giao quá hạn hoặc không chuyển giao bản án, quyết định cho cơ quan THADS (thời hạn chuyển giao là 30 ngày, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, trừ phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại và quyết định của Tòa án giải quyết phá sản thì thời hạn là 15 ngày theo quy định tại khoản 2 Điều 2 và Điều 28 Luật THADS).
Khi phát hiện vi phạm, Kiểm sát viên thực hiện việc tham mưu, đề xuất Lãnh đạo Viện ban hành văn bản yêu cầu hoặc kiến nghị đối với cơ quan Tòa án cùng cấp chuyển giao bản án, quyết định cho cơ quan THADS kịp thời theo quy định tại Điều 28 Luật Tổ chức VKSND năm 2014 là cần thiết. Tuy nhiên, để việc chuyển giao bản án, quyết định nói chung và bản án, quyết định hình sự về tham nhũng, kinh tế nói riêng của Tòa án được thực hiện đúng thời hạn và đúng quy định, trên cơ sở quy định của pháp luật và thực hiện công tác phối hợp, Kiểm sát viên (có thể) định kỳ (tuần, tháng, quý, 06 tháng, năm) cùng Chấp hành viên tiến hành làm việc với bộ phận phát hành văn bản của cơ quan Tòa án cùng cấp để rà soát số bản án, quyết định được ban hành và đã chuyển giao cho cơ quan THADS, cơ quan VKSND (bộ phận kiểm sát xét xử hình sự). Trường hợp thực hiện tốt công tác phối hợp, trao đổi thông tin, Tòa án có thể đồng thời cung cấp bản án, quyết định cho bộ phận kiểm sát THADS và cung cấp cho Viện kiểm sát (khâu nghiệp vụ kiểm sát xét xử hình sự); trường hợp không được cung cấp trực tiếp thì Kiểm sát viên tham mưu, đề xuất Lãnh đạo bộ phận báo cáo Lãnh đạo Viện để xây dựng và hoàn thiện quy định phối hợp giữa đơn vị với khâu nghiệp vụ kiểm sát xét xử hình sự trong việc phô tô và chuyển bản án, quyết định đã nhận được của Tòa án để chủ động thực hiện kiểm sát THADS.
Kiểm sát viên cần lưu ý: Hiện nay, tại nhiều địa phương, cơ quan THADS đã thu hoặc nhận chuyển giao các khoản thu như khoản thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án; tiền là vật chứng của vụ án do các cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến; tiền hoặc tài sản do đương sự hoặc thân nhân của họ nộp để bảo đảm bồi thường thiệt hại... nhưng do không nhận được bản án, quyết định của Tòa án nên cơ quan THADS không xử lý được (nhiều khoản thu từ trước năm 1995). Việc Tòa án không chuyển giao hoặc chuyển giao bản án, quyết định quá hạn cho cơ quan THADS làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và có trách nhiệm của VKSND.
2. Kỹ năng kiểm sát việc thỏa thuận về thi hành án
Khi kiểm sát việc tổ chức THADS nói chung, kiểm sát việc tổ chức thi hành án về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế nói riêng, Kiểm sát viên cần kiểm sát quyền được thỏa thuận của các đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 7, điểm a khoản 1 Điều 7a Luật THADS, Điều 5 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, Điều 7 Quy chế số 810 về thời gian, địa điểm, phương thức, nội dung thi hành án; tự nguyện giao tài sản để thi hành án; việc thỏa thuận thi hành án trước khi cơ quan THADS ra quyết định thi hành án...
Kiểm sát viên cần nghiên cứu kỹ hồ sơ, tài liệu để xác định sự thật của việc thỏa thuận về thi hành án. Về hình thức, việc thỏa thuận về thi hành án phải được lập thành văn bản và kể từ khi có quyết định thi hành án, có thể có sự chứng kiến của Chấp hành viên khi đương sự có yêu cầu.... Thỏa thuận phải đảm bảo không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội và phải đúng với thực tế; không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba hoặc nhằm trốn tránh phí thi hành án (trong trường hợp này, Chấp hành viên có quyền từ chối chứng kiến nhưng phải lập biên bản và nêu rõ lý do).
Để phát hiện vi phạm của Chấp hành viên, cơ quan THADS, Kiểm sát viên cần lưu ý: Khi Chấp hành viên chứng kiến hoặc chấp nhận bất kỳ nội dung nào liên quan đến việc thỏa thuận về thi hành án, bao gồm cả việc thỏa thuận nhằm xác định, phân chia xử lý tài sản chung đối với tài sản để thi hành án quy định tại Điều 74 Luật THADS, thỏa thuận để lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản theo khoản 1 Điều 98 Luật THADS... khi tổ chức thi hành án đối với việc thi hành án chủ động mà tài sản đã được Tòa án tuyên tiếp tục áp dụng biện pháp kê biên tài sản và tuyên “tịch thu sung vào ngân sách nhà nước” (thường liên quan đến tội phạm về tham nhũng và đã có Lệnh kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản... trong giai đoạn tố tụng) thì xác định là vi phạm.
Kết quả kiểm sát việc thi hành án về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế thời gian qua cho thấy, vi phạm phổ biến nhất của Chấp hành viên trong thực hiện thỏa thuận thi hành án là cho phép người phải thi hành án (hoặc người đại diện theo ủy quyền, theo pháp luật của họ), đồng sở hữu của họ được thỏa thuận về phân chia xử lý tài sản chung, thỏa thuận để lựa chọn tổ chức thẩm định giá đối với tài sản để thi hành án đã được Tòa án tuyên áp dụng, tiếp tục áp dụng biện pháp kê biên tài sản và tuyên “tịch thu sung vào ngân sách nhà nước”.
Khi phát hiện vi phạm nêu trên, Kiểm sát viên cần kịp thời báo cáo, tham mưu để Lãnh đạo Viện ban hành Kiến nghị hoặc Kháng nghị yêu cầu khắc phục ngay vi phạm - yêu cầu làm việc với các bên đương sự để giải thích về quyền và nghĩa vụ của họ quy định tại Điều 7, Điều 7a, Điều 7b Luật THADS và hủy bỏ kết quả thỏa thuận trái quy định pháp luật.
3. Kỹ năng kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án
Khi kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án, xác minh tài sản để thi hành án, Kiểm sát viên thực hiện theo quy định tại Điều 10 Quy chế số 810. Về nội dung xác minh điều kiện thi hành án nói chung phải tuân thủ theo quy định tại Điều 44 Luật THADS, Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, Điều 3 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSTC ngày 01/8/2016 của liên ngành Bộ Tư pháp, TAND tối cao, VKSND tối cao quy định một số vấn đề về thủ tục THADS và phối hợp liên ngành trong THADS, cụ thể là: Kiểm sát việc xác minh tài sản, thu nhập, các điều kiện khác để thi hành án; đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm thì còn phải xác minh tại cơ quan có chức năng đăng ký tài sản, giao dịch đó...; xác minh tại cơ quan, tổ chức khác có liên quan đang quản lý, bảo quản, lưu giữ thông tin về tài sản, tài khoản của người phải thi hành án; yêu cầu cơ quan chuyên môn hoặc mời, thuê chuyên gia để làm rõ các nội dung cần xác minh trong trường hợp cần thiết; lập biên bản thể hiện đầy đủ kết quả xác minh có xác nhận của UBND hoặc Công an cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi tiến hành xác minh.
Đối với bản án, quyết định của Tòa án tuyên áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án, khi xác minh phải làm rõ được thực trạng tài sản, thực trạng việc sở hữu, quản lý, sử dụng tài sản... so với bản án, quyết định của Tòa án đã tuyên (ví dụ: số tiền thực có trong tài khoản bị phong tỏa; diện tích quyền sử dụng đất, diện tích và tình trạng tài sản, công trình gắn liền với đất; tình trạng tranh chấp nếu có...). Trên cơ sở kết quả xác minh, đối chiếu với nội dung bản án, lệnh, quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế, nếu xác định có sự khác nhau hoặc chưa rõ ràng thì chưa đủ căn cứ để tổ chức thi hành án. Do đó, cơ quan THADS phải yêu cầu, kiến nghị Tòa án giải thích, đính chính, sửa chữa, bổ sung, giải quyết yêu cầu, kiến nghị đối với bản án, quyết định theo quy định tại Điều 179 Luật THADS, các Điều 268, 486 và 487 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Trường hợp cơ quan THADS không áp dụng quyền yêu cầu, kiến nghị thì Kiểm sát viên đề xuất lãnh đạo Viện thực hiện quyền yêu cầu cơ quan THADS thực hiện để làm căn cứ tổ chức thi hành án.
Trường hợp cơ quan THADS đã thực hiện yêu cầu, kiến nghị đối với cơ quan Tòa án thì Kiểm sát viên phải kiểm sát việc giải quyết yêu cầu, kiến nghị của cơ quan THADS. Đồng thời, thực hiện quyền kiến nghị của Viện kiểm sát đối với cơ quan Tòa án khi phát hiện việc giải thích, đính chính, sửa chữa, bổ sung bản án, lệnh, quyết định có vi phạm theo quy định tại khoản 2 và 3 Điều 5 Quy chế số 810.
Để thu hồi tối đa tài sản trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, Kiểm sát viên đặc biệt lưu ý kiểm sát việc xác minh hoặc trực tiếp xác minh việc chuyển dịch quyền về tài sản (quyền sở hữu, sử dụng hoặc góp vốn) qua nhiều chủ sở hữu (thực hiện kể từ thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật) để xác định dấu hiệu “tẩu tán” tài sản, từ đó yêu cầu cơ quan THADS thực hiện việc kê biên tài sản để thi hành án.
Đối với tài sản đã được Tòa án tuyên “tịch thu sung vào Ngân sách nhà nước” (thường là án tham nhũng) và đã có Lệnh kê biên tài sản của cơ quan tiến hành tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, Kiểm sát viên cần xác định “Lệnh kê biên tài sản” hay quyết định duy trì “Lệnh kê biên tài sản” là một dạng Quyết định của Tòa án. Do đó, nếu kết quả xác minh về tài sản (tài sản thực tế) có sự chênh lệch so với nội dung bản án, quyết định của Tòa án tuyên hoặc nội dung Lệnh kê biên tài sản thì cơ quan THADS phải áp dụng quyền yêu cầu Tòa án giải thích, đính chính... bản án, quyết định đã ban hành.
Theo quy định tại Điều 128 Bộ luật TTHS năm 2015, thì “...chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại...”; quy định Điều 45 Bộ luật Hình sự năm 2015, Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 1999, thì không “tịch thu tài sản” đối với tội phạm ít nghiêm trọng và kết quả định giá sơ bộ tài sản của bị can, bị cáo trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử không còn phù hợp với giá trị tài sản thực tế khi đến giai đoạn thi hành án nên nhiều “tài sản để thi hành án” không được kê biên trong giai đoạn tố tụng. Do đó, Kiểm sát viên cần tăng cường kiểm sát việc xác minh, hoặc trực tiếp xác minh để “tìm” tài sản thi hành án.
4. Kỹ năng kiểm sát việc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án
Khi kiểm sát việc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, Kiểm sát viên thực hiện theo các quy định tại khoản 3 Điều 66 Luật THADS và Điều 13 Quy chế số 810. Kiểm sát viên lưu ý một số nội dung sau:
Hiện nay, Luật THADS và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan chưa quy định chi tiết, cụ thể về các bước trong thực hiện xác minh về thi hành án trước khi áp dụng biện pháp “tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản”. Tuy nhiên, để có căn cứ ban hành quyết định “tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản”, ngoài việc xác minh về thông tin tài sản tại cơ quan có thẩm quyền trước khi kê biên tài sản theo Điều 89 Luật THADS, Chấp hành viên còn phải xác minh sơ bộ giá trị tài sản để lựa chọn tài sản, phần tài sản “tương ứng với nghĩa vụ của người phải thi hành án và các chi phí cần thiết” theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định số 62/2016/NĐ-CP.
Thực tế, việc thi hành án thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế thường liên quan đến nhiều tài sản, tọa tại nhiều địa phương khác nhau. Trong khi đó, khoản 2 Điều 55 Luật THADS quy định “trường hợp người phải thi hành án có tài sản... ở nhiều địa phương thì Thủ trưởng cơ quan THADS ủy thác thi hành án từng phần cho cơ quan THADS nơi người phải thi hành án có điều kiện thi hành án để thi hành phần nghĩa vụ của họ”. Như vậy, không được ủy thác đồng thời cho nhiều cơ quan THADS xử lý các tài sản của người phải thi hành án ngay cả khi xác định sơ bộ việc xử lý toàn bộ tài sản cũng không đủ để thanh toán nghĩa vụ thi hành án; nhất thiết phải xử lý xong tài sản tạm giữ, thu giữ, tài sản kê biên, sau đó ủy thác tiếp cho nơi đủ điều kiện. Quy định này hiện nay được xác định là một trong những bất cập khi tổ chức thi hành án có áp dụng biện pháp bảo đảm để xử lý tài sản nói chung và thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế nói riêng.
Để đảm bảo nguyên tắc thu tối đa tài sản, tránh tình trạng đương sự “tẩu tán” tài sản thi hành án, tài sản để thi hành án bị hư hỏng, bị giảm giá trị trong quá trình tổ chức thi hành án nói chung và thi hành án thu hồi tài sản ở nhiều địa bàn khác nhau, Kiểm sát viên cần lưu ý kiểm sát chặt chẽ việc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án của Chấp hành viên và cơ quan THADS.
Khi kiểm sát, Kiểm sát viên xem xét tài liệu, các Biên bản làm việc, văn bản ủy quyền xác minh về thi hành án của cơ quan THADS đang tổ chức thi hành đối với các tài sản để thi hành án ở các địa phương khác nhau, văn bản trả lời của cơ quan THADS được ủy quyền... hoặc Kiểm sát viên có thể trực tiếp xác minh (khi có căn cứ cho rằng kết quả xác minh của Chấp hành viên, cơ quan THADS không khách quan, không chính xác và được sự đồng ý của lãnh đạo Viện). Trên cơ sở kết quả kiểm sát việc xác minh, kết quả trực tiếp xác minh, Kiểm sát viên xác định việc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án (ban hành Quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm) của Chấp hành viên theo quy định tại khoản 4 Điều 69 Luật THADS là đủ hay chưa đủ cơ sở. Thông thường, biện pháp phong tỏa tài khoản và tạm giữ tài sản, giấy tờ được Chấp hành viên áp dụng do đã có thông tin rõ ràng, cụ thể nơi đang quản lý tài sản nên ít xảy ra vi phạm; biện pháp đảm bảo “tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản” thường có vi phạm khi không xác minh làm rõ tài sản thuộc quyền sở hữu của người phải thi hành án trước khi ban hành quyết định áp dụng.
Khi phát hiện vi phạm của Chấp hành viên, cơ quan THADS trong việc áp dụng biện pháp đảm bảo, Kiểm sát viên cần tham mưu, báo cáo, đề xuất để lãnh đạo Viện ban hành Yêu cầu Chấp hành viên, cơ quan THADS đã ra quyết định thu hồi quyết định áp dụng biện pháp đảm bảo (nếu có đủ hồ sơ, tài liệu, xác định việc ra quyết định là không có cơ sở) hoặc yêu cầu Chấp hành viên, cơ quan THADS đã ra quyết định tiến hành xác minh bổ sung để có đủ cơ sở ra quyết định (Lưu ý, không thực hiện yêu cầu thu hồi quyết định, sau đó xác minh bổ sung - tránh tình trạng đương sự tẩu tán tài sản trong giai đoạn quyết định bị thu hồi và không được áp dụng biện pháp đảm bảo). Trường hợp xác định việc áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp đảm bảo là vi phạm thì Kiểm sát viên phải tham mưu, đề xuất lãnh đạo Viện ban hành kiến nghị hoặc kháng nghị đối với hành vi của Chấp hành viên, thủ trưởng cơ quan THADS theo quy định tại Điều 28 Luật Tổ chức VKSND năm 2014 nhằm kịp thời khắc phục vi phạm.
5. Kỹ năng kiểm sát việc thẩm định giá, bán đấu giá tài sản để thi hành án
Về cơ bản, khi kiểm sát việc thẩm định giá, bán đấu giá tài sản để thi hành án thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế được thực hiện như khi kiểm sát việc thẩm định giá, bán đấu giá tài sản để thi hành án thông thường, theo quy định tại các Điều 25, 26, 27, 98, 101 Luật THADS; Điều 35, 57 Luật Đấu giá; Điều 25, 26, 27 (khoản 2 và 4), 31 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP; Điều 27 (khoản 1, 3, 5) Nghị định số 33/2020/NĐ-CP và khoản 2 Điều 14, Điều 25 Quy chế số 810. Đồng thời, cần nắm được các bước của quy trình thẩm định giá quy định tại Tiêu chuẩn Thẩm định giá Việt Nam số 05, số 06, số 07 ban hành kèm theo Thông tư số 28/2015/TT-BTC ngày 06/3/2015 của Bộ Tài chính; Tiêu chuẩn Thẩm định giá Việt Nam số 08, 09 ban hành kèm theo Thông tư số 126/2015/TT-BTC ngày 20/8/2015 của Bộ Tài chính và Phụ lục ban hành kèm theo năm 2020); Điều 5 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSTC ngày 01/8/2016 của liên ngành Bộ Tư pháp, TAND tối cao, VKSND tối cao quy định một số vấn đề về thủ tục THADS và phối hợp liên ngành trong THADS.
Để tránh tình trạng việc tổ chức THA bị kéo dài, khó khắc phục hậu quả do việc tổ chức định giá, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản để THA có vi phạm, Viện kiểm sát và Kiểm sát viên trong quá trình thực hiện kiểm sát cần lưu ý một số nội dung sau:
- Nghiên cứu kỹ và nắm chắc nội dung việc THA, hồ sơ THA; các quy định về trình tự, thủ tục cưỡng chế kê biên, định giá, thẩm định giá và bán đấu giá tài sản THA; phối hợp với Chấp hành viên để giáo dục, thuyết phục động viên người phải THA tự nguyện THA theo quy định của pháp luật;
- Thực hiện quy chế phối hợp giữa hai ngành (VKS - THADS) hoặc liên ngành để Cơ quan THADS chuyển hồ sơ THA cho Viện kiểm sát trước khi tham gia kiểm sát việc cưỡng chế kê biên, định giá, thẩm định giá và bán đấu giá tài sản THA; hồ sơ THA phải có đầy đủ các tài liệu về cưỡng chế kê biên, định giá, thẩm định giá và bán đấu giá tài sản THA. Kiểm sát viên, công chức được phân công phải lập hồ sơ kiểm sát, nghiên cứu và báo cáo đề xuất để Lãnh đạo cho ý kiến trước khi thực hiện kiểm sát cưỡng chế kê biên, định giá, thẩm định giá và bán đấu giá tài sản THA. Đối với các hồ sơ chưa đầy đủ các tài liệu có liên quan thì yêu cầu cung cấp đầy đủ, kịp thời; đối với hồ sơ có vi phạm không thể khắc phục thì từ chối tham gia và có văn bản yêu cầu tạm dừng việc cưỡng chế kê biên, định giá, thẩm định giá và bán đấu giá tài sản THA theo quy định của pháp luật;
- Viện kiểm sát cấp tỉnh và cấp huyện chú trọng thực hiện kiểm sát 100% các vụ việc THA có áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản của Cơ quan THADS để kịp thời kiểm sát được việc định giá, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản THA (thực hiện ngay từ khi tham gia kiểm sát việc xác minh hiện trạng tài sản đã có lệnh kê biên hoặc khi kê biên tài sản là bất động sản, chú ý kiểm sát việc Hội đồng cưỡng chế kê biên tiến hành đo đạc, kiểm tra hiện trạng tài sản để lập biên bản ghi rõ vị trí, diện tích, ranh giới thửa đất được kê biên theo quy định tại khoản 2 Điều 88, Điều 111 Luật THADS, tránh trường hợp khi kê biên chỉ ghi các thông số theo Giấy chứng nhận QSDĐ);
- Kiểm sát hồ sơ pháp lý của Tổ chức thẩm định giá để xác định rõ chức năng thẩm định giá tài sản của Tổ chức thẩm định giá và tư cách pháp lý của Thẩm định viên về giá thông qua việc xem xét Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định giá tài sản của cơ quan có thẩm quyền, Thẻ thẩm định viên về giá;
- Kiểm sát hồ sơ pháp lý của tổ chức bán đấu giá tài sản THA để xác định rõ chức năng hoạt động đấu giá tài sản của Tổ chức bán đấu giá, của Đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá thông qua việc xem xét Quyết định thành lập tổ chức bán đấu giá, Giấy đăng ký hoạt động, Điều lệ của doanh nghiệp (đối với công ty đấu giá hợp danh) và Chứng chỉ hành nghề đấu giá của Đấu giá viên;
- Thực hiện kiểm sát việc bán đấu giá tài sản THA tại cuộc đấu giá, Kiểm sát viên cần theo dõi diễn biến cuộc đấu giá để xác định thao tác nghiệp vụ của Chấp hành viên và Tổ chức bán đấu giá theo quy định của pháp luật, từ đó linh hoạt, nhạy bén khi xử lý tình huống phát sinh. Trường hợp phát hiện có vi phạm trước, trong và sau khi bán đấu giá của Chấp hành viên hoặc các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thì có văn bản yêu cầu, kiến nghị hoặc kháng nghị để khắc phục vi phạm, bảo đảm cho việc bán đấu giá tài sản THA đạt hiệu quả, đúng pháp luật... Việc tổng hợp các nội dung đưa vào Biên bản đấu giá phải đảm bảo đầy đủ và khách quan, trường hợp phát hiện chưa đúng, chưa đầy đủ thì phải có ý kiến, yêu cầu bổ sung; khi ký Biên bản đấu giá, Kiểm sát viên phải ký nháy vào từng trang theo quy định).
Để kiểm sát việc Chấp hành viên, Cơ quan THADS thực hiện Điều 37 Luật THADS, Kiểm sát viên cần nắm vững quy định tại Điều 24 Quy chế số 810, nắm rõ nội dung hồ sơ vụ việc để xác định việc CHV và Cơ quan THADS đã ban hành các quyết định đối với đương sự. Khi phát hiện vi phạm của Chấp hành viên và Cơ quan THADS trong việc có đủ căn cứ nhưng không ban hành quyết định thu hồi các quyết định nêu trên, Kiểm sát viên thực hiện đề xuất lãnh đạo Viện ban hành văn bản yêu cầu cơ quan THADS ra quyết định thu hồi các quyết định theo đúng quy định của pháp luật hoặc thực hiện quyền kiến nghị hoặc kháng nghị đối với cơ quan THADS, thủ trưởng cơ quan THADS theo quy định tại Điều 28 Luật Tổ chức VKSND năm 2014 nhằm kịp thời khắc phục vi phạm. Ngoài ra, Kiểm sát viên cần lưu ý kiểm sát việc xác nhận kết quả thi hành án; kiểm sát việc đình chỉ thi hành án khi kết thúc thi hành án theo Điều 11 Quy chế số 810.
Trên đây là Hướng dẫn một số kỹ năng thực hiện kiểm sát THADS về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Viện kiểm sát các cấp nghiên cứu, áp dụng trong quá trình kiểm sát THADS về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế để bảo đảm thực hiện thống nhất trong toàn Ngành. Trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc, bất cập báo cáo về Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 11) để giải đáp, hướng dẫn kịp thời./.
| TL. VIỆN TRƯỞNG |
- 1Công văn 227/TTg-CN năm 2020 về xử lý vật tư thu hồi từ thực hiện nhiệm vụ công ích trong lĩnh vực quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Chỉ thị 06/CT-VKSTC năm 2020 tăng cường kiểm sát thi hành án dân sự về thu hồi tài sản bị thất thoát chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 3Thông tư 11/2020/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 24/2017/TT-NHNN quy định về trình tự, thủ tục thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; trình tự, thủ tục thu hồi Giấy phép văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng do Bộ Tài chính ban hành
- 4Chỉ thị 04-CT/TW năm 2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 5Công văn 606/VKSTC-V11 năm 2023 giải đáp, hướng dẫn về khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 6Thông báo 203/TB-VKSTC năm 2021 về vụ án hình sự Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 7Công văn 2637/VKSTC-V11 về giải đáp khó khăn, vướng mắc qua sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về công tác kiểm sát thi hành án dân sự do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 1Bộ Luật Hình sự 1999
- 2Luật thi hành án dân sự 2008
- 3Quy chế 14/2013/QCLN/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự giữa Bộ Tư pháp - Bộ Công an - Tòa án nhân dân tối cao - Viện kiểm sát nhân dân tối cao
- 4Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014
- 5Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014
- 6Thông tư 28/2015/TT-BTC về Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 05, 06 và 07 do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 7Luật đấu giá tài sản 2016
- 8Nghị định 62/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thi hành án dân sự
- 9Thông tư 126/2015/TT-BTC về Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 08, 09 và 10 do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 10Bộ luật hình sự 2015
- 11Bộ luật tố tụng dân sự 2015
- 12Bộ luật tố tụng hình sự 2015
- 13Nghị định 62/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện hoạt động giám định tư pháp xây dựng và thí nghiệm chuyên ngành xây dựng
- 14Thông tư liên tịch 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC Quy định vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự do Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hàn
- 15Quyết định 810/QĐ-VKSTC năm 2016 Quy chế công tác Kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 16Nghị định 33/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 62/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thi hành án dân sự
- 17Công văn 227/TTg-CN năm 2020 về xử lý vật tư thu hồi từ thực hiện nhiệm vụ công ích trong lĩnh vực quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 18Chỉ thị 06/CT-VKSTC năm 2020 tăng cường kiểm sát thi hành án dân sự về thu hồi tài sản bị thất thoát chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 19Thông tư 11/2020/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 24/2017/TT-NHNN quy định về trình tự, thủ tục thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; trình tự, thủ tục thu hồi Giấy phép văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng do Bộ Tài chính ban hành
- 20Chỉ thị 01/CT-VKSTC năm 2020 về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2021 do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 21Quyết định 94/QĐ-VKSTC năm 2021 quy định về quy trình, kỹ năng trực tiếp kiểm sát tại Cơ quan thi hành án dân sự và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 22Chỉ thị 04-CT/TW năm 2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 23Công văn 606/VKSTC-V11 năm 2023 giải đáp, hướng dẫn về khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 24Thông báo 203/TB-VKSTC năm 2021 về vụ án hình sự Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 25Công văn 2637/VKSTC-V11 về giải đáp khó khăn, vướng mắc qua sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về công tác kiểm sát thi hành án dân sự do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
Hướng dẫn 26/HD-VKSTC năm 2021 một số kỹ năng của Kiểm sát viên khi kiểm sát thi hành án dân sự về thu hồi tài sản trong vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- Số hiệu: 26/HD-VKSTC
- Loại văn bản: Hướng dẫn
- Ngày ban hành: 07/06/2021
- Nơi ban hành: Viện kiểm sát nhân dân tối cao
- Người ký: Nguyễn Kim Sáu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 07/06/2021
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra