Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
UBND TỈNH BÌNH ĐỊNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2092/HD-SLĐTBXH-NCC | Bình Định, ngày 06 tháng 11 năm 2014 |
VỀ VIỆC THỰC HIỆN MỘT SỐ CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG
Vừa qua, liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 03/6/2014 hướng dẫn chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe, cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình đối với người có công với cách mạng và thân nhân; quản lý các công trình ghi công liệt sỹ (sau đây gọi tắt là Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC); Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 16/2014/TT-BLĐTBXH ngày 30/7/2014 hướng dẫn một số nội dung xác nhận và thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng (sau đây gọi tắt là Thông tư số 16/2014/TT-BLĐTBXH); Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư liên tịch số 03/2014/TTLT-BNV-BQP-BLĐTBXH ngày 10/10/2014 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” (sau đây gọi tắt là Thông tư liên tịch số 03/2014/TTLT-BNV-BQP-BLĐTBXH).
Để thống nhất thực hiện, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã gửi Email các thông tư trên đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi tắt là Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện). Nay hướng dẫn thêm một số nội dung như sau:
I. Về công tác tuyên truyền phổ biến chính sách
Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện phối hợp với các cơ quan liên quan và UBND xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt UBND cấp xã) tổ chức tuyên truyền, phổ biến các thông tư trên các phương tiện thông tin đại chúng để đối tượng và nhân dân được biết, thực hiện và giám sát việc thực hiện đảm bảo đúng đối tượng và đúng quy định của Nhà nước. Tổ chức hội nghị triển khai các thông tư và công văn này đến lãnh đạo các ngành có liên quan, lãnh đạo UBND cấp xã và cán bộ làm công tác lao động thương binh và xã hội trong tháng 11/2014. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đăng tải các thông tư trên website của Sở để đối tượng, nhân dân biết thực hiện và theo dõi.
II. Triển khai thực hiện chế độ
1. Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã có công văn số 1359/SLĐTBXH-NCC ngày 22/7/2014 hướng dẫn thực hiện Thông tư số 13/2014/TTLT-BLĐTXH-BTC; công văn số 1368/SLĐTBXH-NCC ngày 24/7/2014 về việc phối hợp giải quyết chế độ điều dưỡng, cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình đối với người có công với cách mạng và thân nhân. Nay hướng dẫn bổ sung một số nội dung chủ yếu sau:
1.1. Chế độ hỗ trợ khi đi làm phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình: Thực hiện Điều 9, Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC
- Thương binh, bệnh binh khi đi làm chân giả, tay giả, nẹp chỉnh hình, giày hoặc dép chỉnh hình, răng giả, mắt giả được Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện thực hiện thanh toán tiền đi lại và tiền ăn cho đối tượng (theo khoảng cách từ nơi cư trú đến cơ sở y tế gần nhất đủ điều kiện về chuyên môn kỹ thuật cung cấp dụng cụ chỉnh hình) mỗi niên hạn 01 lần: niên hạn được tính theo niên hạn cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình hoặc thời hạn sử dụng của phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình (không hỗ trợ kinh phí khi đi sửa chữa, bảo hành)
Ví dụ: ông Nguyễn Văn A, là thương binh 2/4, được cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình là chân giả, niên hạn cấp chân giả là 3 năm. Như vậy, trường hợp của ông Nguyễn Văn A được hỗ trợ tiền đi lại và tiền ăn khi đi làm chân giả 01 lần/3 năm (không hỗ trợ khi đi sửa chữa chân giả).
1.2. Xây dựng, quản lý các công trình ghi công liệt sỹ
Thực hiện theo Mục 3, Thông tư số 13/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC. Lưu ý các nội dung sau:
1.2.1. Những trường hợp mộ xây mới, cải tạo, nâng cấp từ sau ngày 20/7/2014 (ngày Thông tư số 13/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC có hiệu lực thi hành) thì phải được thực hiện thống nhất về kích thước, quy cách, 6 nội dung (trên bia khắc biểu tượng ngôi sao vàng năm cánh). Đối với mộ liệt sỹ có đủ thông tin thì ghi vào những dòng tương ứng; đối với mộ liệt sỹ có thông tin nhưng chưa đủ thì ghi những thông tin đã có về liệt sỹ vào các dòng tương ứng, thông tin nào còn thiếu thì để trống, không khắc trên bia; Không xây mới mộ không có hài cốt (mộ gió, mộ vọng) trong nghĩa trang liệt sỹ.
1.2.2. UBND cấp xã lập và lưu giữ sơ đồ mộ liệt sỹ, hồ sơ mộ liệt sỹ; danh sách mộ liệt sỹ trong nghĩa trang liệt sỹ (mẫu số 16-MLS) và danh sách mộ liệt sỹ do gia đình quản lý (mẫu số 18-MLS) phải có chữ ký của người lập danh sách, ký tên và đóng dấu của lãnh đạo UBND cấp xã; phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện sau khi kiểm tra, đối chiếu đúng với các thông tin đang quản lý và thông tin trên bia mộ liệt sỹ, đồng ký vào danh sách mộ liệt sỹ. Mỗi danh sách được lập thành 03 bộ, lưu tại UBND cấp xã 01 bộ, phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện 01 bộ và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (Phòng Người có công) 01 bộ.
Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện hàng năm phối hợp với UBND cấp xã kiểm tra, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện danh sách nghĩa trang liệt sỹ (mẫu số 17-MLS), danh sách mộ liệt sỹ (mẫu số 16- MLS) và danh sách mộ liệt sỹ do gia đình đang quản lý (mẫu số 18-MLS) để lưu giữ và báo cáo về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày 31/12
1.2.3. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện nơi quản lý mộ liệt sỹ hoặc nơi có thông tin hy sinh của liệt sỹ căn cứ giấy giới thiệu, xác nhận về việc thăm viếng mộ liệt sỹ (không thực hiện việc chi hỗ trợ tiền đi lại, tiền ăn cho người đi thăm viếng mộ liệt sỹ). Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định xác nhận đối với những trường hợp trong các giấy tờ có ghi thông tin nơi liệt sỹ hy sinh là tỉnh Bình Định (không rõ huyện, xã nào).
1.2.4. Hỗ trợ kinh phí khi di chuyển hài cốt liệt sỹ: thực hiện theo Điều 18, Thông tư số 13/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC. Việc hỗ trợ tiền đi lại và tiền ăn đối với thân nhân liệt sỹ hoặc người được thân nhân liệt sỹ ủy quyền hoặc người thờ cúng liệt sỹ (không quá ba người), mức hỗ trợ thực hiện theo quy định tại khoản 3, Điều 17, Thông tư số 13/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC .
2. Hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Thông tư số 16/2014/TT-BLĐTBXH
Thông tư số 16/2014/TT-BLĐTBXH hướng dẫn nhiều nội dung xác nhận và thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng bao gồm 15 Điều, trong đó Điều 1, Điều 3, Điều 4, Điều 8, Điều 10, Điều 12, Điều 13, Điều 15 của Thông tư đã hướng dẫn rất rõ, đề nghị Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện nghiên cứu thực hiện, Sở chỉ hướng dẫn một số nội dung như sau:
2.1. Trợ cấp thờ cúng liệt sỹ
2.1.1. Trường hợp liệt sỹ chỉ có một con hoặc chỉ còn một người con duy nhất còn sống thì không phải lập giấy ủy quyền, nhưng phải ghi rõ vào bản khai là người con duy nhất. Trước khi xác nhận những nội dung có trong bản khai, UBND cấp xã phải kiểm tra kỹ hồ sơ, nhất là những trường hợp liệt sỹ còn nhiều con mà thiếu giấy ủy quyền của những người con còn lại, nếu con liệt sỹ đã chết thì phải kèm theo giấy chứng tử hoặc xác nhận của địa phương về ngày tháng năm đã chết, tránh trường hợp hồ sơ phải trả về bổ sung nhiều lần.
2.1.2. Trường hợp liệt sỹ có một người con duy nhất hoặc còn một người con duy nhất mà người con đó bị hạn chế năng lực hành vi, mất năng lực hành vi, cư trú ở nước ngoài hoặc không xác định được nơi cư trú thì UBND cấp xã phải xác nhận cụ thể nội dung vào bản khai để làm căn cứ trợ cấp thờ cúng đối với người được gia đình hoặc tộc họ liệt sỹ ủy quyền.
2.1.3. Trường hợp người đang thờ cúng liệt sỹ mà chết (có giấy chứng tử kèm theo) thì người được gia đình, tộc họ của liệt sỹ ủy quyền thờ cúng liệt sỹ phải có đơn đề nghị thay đổi người thờ cúng liệt sỹ, đơn có xác nhận và đề nghị của UBND cấp xã.
2.1.4. Trường hợp người đang thờ cúng liệt sỹ mà vì lý do nào đó không tiếp tục thực hiện việc thờ cúng liệt sỹ thì có giấy ủy quyền cho một thân nhân khác thực hiện việc thờ cúng. Việc ủy quyền này phải được gia đình hoặc tộc họ của liệt sỹ đồng ý.
2.1.5. Trường hợp liệt sỹ không có hoặc không còn con, vợ hoặc chồng của liệt sỹ có chồng hoặc có vợ khác có nguyện vọng thờ cúng liệt sỹ thì phải được sự ủy quyền của gia đình hoặc tộc họ liệt sỹ.
Thủ tục giải quyết chế độ thờ cúng liệt sỹ thực hiện theo Điều 11, Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH .
2.2. Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học
2.2.1. Quy định hồ sơ, giấy tờ có giá trị pháp lý được lập trước ngày 01/01/2000 chứng minh thời gian tham gia hoạt động kháng chiến tại các vùng mà quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học là những hồ sơ, giấy tờ do các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan, tổ chức của Đảng, Đoàn thể các cấp xác lập trước ngày 01/01/2000, ban hành, lưu trữ theo đúng quy định.
2.2.2. Trường hợp không có vợ hoặc không có chồng hoặc đã có vợ, có chồng nhưng không có con hoặc đã có con trước khi tham gia kháng chiến, sau khi trở về không sinh thêm con, nay đã hết tuổi lao động (nữ đủ 55 tuổi, nam đủ 60 tuổi) thì không cần kết luận đối tượng bị vô sinh của cơ sở y tế. Thủ tục hồ sơ theo quy định tại Khoản 2, Điều 5, Thông tư số 16/2014/TT-BLĐTBXH .
Lưu ý: UBND cấp xã phải xác nhận rõ vô sinh hoặc không có vợ hoặc không có chồng sau khi trở về không sinh thêm con tại bản khai.
2.2.3. Trường hợp thương binh, người hưởng chính sách như thương binh có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 80% trở lên mà bị mắc bệnh, tật thuộc danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học theo quy định tại Điều 2, Thông tư liên tịch số 41/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 18/11/2013 của liên Bộ Y tế - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và được Sở Y tế cấp giấy chứng nhận mắc bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học thì được hưởng trợ cấp hàng tháng đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học như người suy giảm khả năng lao động từ 41% đến 60%.
2.2.4. Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học quy định tại khoản 1, Điều 7, Thông tư số 16/2014/TT-BLĐTBXH có biên bản giám định y khoa đúng theo quy định đã kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, Sở đã thực hiện điều chỉnh trợ cấp, phụ cấp hàng tháng mức 3.394.000 đồng kể từ tháng 7/2013 (theo Nghị định số 101/2013/NĐ-CP ngày 04/9/2013 của Chính phủ) và ban hành Quyết định hưởng trợ cấp người phục vụ từ ngày 01/9/2012.
2.2.5. Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học quy định tại khoản 2, Điều 7, Thông tư số 16/2014/TT-BLĐTBXH là những trường hợp đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên nhưng trong hồ sơ không có biên bản giám định y khoa hoặc có biên bản giám định y khoa nhưng không kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động hoặc hồ sơ có biên bản giám định y khoa không đúng theo quy định, Sở đã thực hiện điều chỉnh trợ cấp, phụ cấp hàng tháng mức 3.394.000 đồng kể từ tháng 7/2013 (theo Nghị định số 101/2013/NĐ-CP ngày 04/9/2013 của Chính phủ).
Những trường hợp này theo quy định thì không được hưởng chế độ phụ cấp và trợ cấp người phục vụ. Vì vậy sẽ dừng chế độ phụ cấp, điều chỉnh mức trợ cấp hưởng là 2.782.000 đồng từ tháng 12/2014 và truy thu số tiền phụ cấp từ tháng 7/2013 đến tháng 11/2014. Đề nghị Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện căn cứ danh sách chi trả, lập danh sách xác nhận thời điểm hưởng và số tiền phụ cấp đã hưởng gửi Sở để thực hiện việc truy thu đảm bảo đúng quy định.
2.2.6. Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học thuộc một trong các trường hợp sau đây chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng như thân nhân của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì thân nhân được hưởng trợ cấp tiền tuất như thân nhân của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên từ trần.
- Người trong hồ sơ có biên bản giám định y khoa đúng theo quy định đã kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên;
- Người đã hưởng trợ cấp hàng tháng theo mức bị mắc bệnh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên quy định tại Nghị định số 47/2012/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng;
- Người được điều chỉnh hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 42 của Nghị định số 31/2013/NĐ-CP .
2.3. Đối với người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày
Mở rộng thêm các giấy tờ làm căn cứ xét duyệt (quy định tại Điều 9, Thông tư số 16/2014/TT-BLĐTBXH).
Lưu ý về quy định bản sao giấy tờ, tài liệu khác có giá trị pháp lý phải được lập từ ngày 01/01/1995 trở về trước có xác định nơi bị tù, thời gian ở tù theo danh mục nhà tù và những nơi được coi là nhà tù trong các thời kỳ kháng chiến. Những hồ sơ, giấy tờ phải do các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan, tổ chức của Đảng, Đoàn thể các cấp xác lập trước ngày 01/01/1995, ban hành, lưu trữ theo đúng quy định.
Những trường hợp cần sao các giấy tờ theo quy định có khai bị địch bắt ở tù trong hồ sơ đang quản lý tại Sở, đề nghị Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện hướng dẫn các xã, phường, thị trấn lập danh sách gửi Sở để thực hiện sao lục, không hướng dẫn đối tượng vào Sở để sao lục hồ sơ.
2.4. Đối với hồ sơ liệt sỹ, hồ sơ thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đã được cấp có thẩm quyền cấp giấy báo tử, giấy chứng nhận bị thương đúng theo quy định, Biên bản giám định của Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh trước ngày 01/6/2013 là những hồ sơ đã được xác lập theo Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26/5/2006 của Chính phủ, Thông tư số 07/2006/TT-BLĐTBXH ngày 26/7/2006 và Thông tư số 25/2007/TT-BLĐTBXH ngày 15/11/2007 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội mà chưa được tặng Bằng Tổ quốc ghi công hoặc chưa được giới thiệu giám định y khoa thì được xem xét giải quyết theo quy định tại khoản 2, khoản 3, Điều 11, Thông tư số 16/2014/TT-BLĐTBXH.
2.5. Bổ sung tình hình thân nhân trong hồ sơ liệt sỹ
Thực hiện theo hướng dẫn tại công văn số 2324/SLĐTBXH-NCC ngày 30/12/2013 và công văn số 771/SLĐTBXH-NCC ngày 29/4/2014 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về việc điều chỉnh họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh. Ngoài ra đề nghị các địa phương lưu ý bổ sung thêm một số giấy tờ theo quy định tại Điều 14 Thông tư số 16/TT-BLĐTBXH.
3. Hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Thông tư liên tịch số 03/2014/TTLT-BNV-BQP-BLĐTBXH
Thông tư liên tịch số 03/2014/TTLT-BNV-BQP-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện khoản 1 Điều 2, Điều 4, Điều 5 và Điều 7 Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” bao gồm 7 Điều, trong đó Điều 1, Điều 2, Điều 5, Điều 6, Điều 7, của thông tư đã hướng dẫn rất rõ, Sở chỉ hướng dẫn đối tượng được xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” một số nội dung như sau:
3.1. Trường hợp liệt sỹ là con đẻ đồng thời là con nuôi
Xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho cả hai bà mẹ nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.
Ví dụ: Bà A có 02 con đẻ là liệt sỹ, trong đó có 01 con là con nuôi của bà B; bà B có 01 con đẻ là liệt sỹ và 01 con nuôi (con của bà A) là liệt sỹ, thì cả bà A và bà B đều được xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
3.2. Liệt sỹ là con của bà mẹ này lại là chồng của bà mẹ khác
Xét tặng hoặc truy tặng đối với bà mẹ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định; trường hợp cả hai bà mẹ đều đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định thì xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho cả hai bà mẹ.
Ví dụ: Bà C có 02 con là liệt sỹ, trong đó có 01 con là chồng của bà H; bà C đủ điều kiện được xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Bà H có chồng là liệt sỹ (con của bà C) và có 01 con là liệt sỹ, bà H cũng được xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
3.3. Bà mẹ là vợ liệt sỹ tái giá hoặc bà mẹ là mẹ liệt sỹ tái giá
a) Xét tặng hoặc truy tặng cho bà mẹ là vợ liệt sỹ tái giá nhưng vẫn có trách nhiệm chăm sóc bố mẹ của liệt sỹ và nuôi con của liệt sỹ đến tuổi trưởng thành hoặc vì thực hiện nhiệm vụ hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc con hoặc bố, mẹ của liệt sỹ. Các trường hợp này phải được chính quyền cấp xã nơi lập hồ sơ xác nhận.
b) Xét tặng hoặc truy tặng cho bà mẹ là mẹ liệt sỹ tái giá mà con của mẹ là liệt sỹ bao gồm con của chồng trước và con của chồng sau.
3.4. Trường hợp mẹ đẻ của 02 liệt sỹ đã chết khi 2 liệt sỹ đều chưa đến tuổi thành niên, mẹ kế có công nuôi dưỡng cả 2 liệt sỹ và đã được hưởng trợ cấp tiền tuất của 2 liệt sỹ thì mẹ kế được xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
Lưu ý: Người có công nuôi dưỡng liệt sỹ là người đã nuôi dưỡng khi liệt sỹ dưới 18 tuổi, thời gian nuôi từ 10 năm trở lên (Khoản 2, Điều 4, Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ).
3.5. Chỉ xét tặng hoặc truy tặng đối với bà mẹ có nhiều con nhưng đều đã chết trước khi người con là liệt sỹ tham gia cách mạng, người con là liệt sỹ được xem là người con duy nhất.
3.6. Những trường hợp đã thực hiện chế độ, quyền lợi gia đình liệt sỹ nhưng Bằng “Tổ quốc ghi công” bị mất, hư hỏng, hoặc chưa được cấp.
3.6.1. Trường hợp đã thực hiện chế độ, quyền lợi gia đình liệt sỹ nhưng Bằng “Tổ quốc ghi công” bị mất, hư hỏng
Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện tham mưu UBND cấp huyện cấp giấy xác nhận đối với những hồ sơ trùng khớp đúng về thông tin liệt sỹ và thân nhân liệt sỹ để làm căn cứ xét duyệt theo quy định (hướng dẫn tại Công văn số 1604/SLĐTBXH-NCC ngày 03/9/2014 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội).
3.6.2. Trường hợp chưa được cấp Bằng “Tổ quốc ghi công”
+ Đối với những bà mẹ được đề nghị xét truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện lập danh sách gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để kiểm tra và làm thủ tục đề nghị cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” theo hướng dẫn tại Điều 13 Thông tư số 16/2014/TT-BLĐTBXH ngày 30 tháng 7 năm 2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” trước khi lập danh sách đề nghị.
+ Đối với những bà mẹ được đề nghị xét phong tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội lập danh sách gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để kiểm tra và thực hiện việc cấp giấy xác nhận về thông tin liệt sỹ.
- Phòng Người có công chịu trách nhiệm tham mưu lãnh đạo Sở hướng dẫn, tổ chức thực hiện, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện các chế độ theo đúng quy định;
- Phòng Kế hoạch - Tài chính Sở cấp phát kinh phí, hướng dẫn Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và Trung tâm Chăm sóc Người có công lập thủ tục thanh quyết toán kinh phí theo đúng quy định;
- Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện tăng cường công tác quản lý đối tượng, quản lý tài chính ưu đãi người có công, kiểm tra, thẩm định danh sách đối tượng được điều dưỡng, cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng đảm bảo đúng quy định, không để sai sót làm thất thoát ngân sách nhà nước; tăng cường công tác quản lý về nghĩa trang liệt sỹ, mộ liệt sỹ và báo cáo về Sở đúng thời gian quy định.
Đề nghị Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện triển khai thực hiện. Nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Sở (phòng Người có công và phòng Kế hoạch - Tài chính) để hướng dẫn, giải quyết./.
Nơi nhận: | KT. GIÁM ĐỐC |
- 1Quyết định 656/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt kinh phí hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg cho các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Bình Định
- 2Quyết định 693/QĐ-UBND phê duyệt kinh phí phục vụ điều dưỡng tập trung người có công với cách mạng năm 2014 do tỉnh Bình Định ban hành
- 3Quyết định 1384/QĐ-UBND năm 2015 bổ sung kinh phí hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn tỉnh Bình Định theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg
- 4Quyết định 642/QĐ-UBND năm 2016 về Đề án bổ sung hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn tỉnh Bình Định theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg
- 1Nghị định 54/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng
- 2Thông tư 07/2006/TT-BLĐTBXH hướng dẫn về hồ sơ, lập hồ sơ thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng do Bộ Lao động, thương binh và xã hội ban hành
- 3Thông tư 25/2007/TT-BLĐTBXH bổ sung việc thực hiện ưu đãi đối với người có công với cách mạng do Bộ Lao động, thương binh và xã hội ban hành
- 4Nghị định 47/2012/NĐ-CP quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng
- 5Nghị định 31/2013/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng
- 6Nghị định 56/2013/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng"
- 7Nghị định 101/2013/NĐ-CP quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng
- 8Thông tư liên tịch 41/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH hướng dẫn khám giám định bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ do Bộ trưởng Bộ Y tế - Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành
- 9Quyết định 656/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt kinh phí hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg cho các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Bình Định
- 10Quyết định 693/QĐ-UBND phê duyệt kinh phí phục vụ điều dưỡng tập trung người có công với cách mạng năm 2014 do tỉnh Bình Định ban hành
- 11Thông tư liên tịch 13/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC hướng dẫn chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe, cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình đối với người có công với cách mạng và thân nhân; quản lý công trình ghi công liệt sĩ do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính ban hành
- 12Thông tư 16/2014/TT-BLĐTBXH hướng dẫn xác nhận và thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 13Thông tư liên tịch 03/2014/TTLT-BNV-BQP-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện Nghị định 56/2013/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định Danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" do Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Bộ Quốc phòng - Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành
- 14Quyết định 1384/QĐ-UBND năm 2015 bổ sung kinh phí hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn tỉnh Bình Định theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg
- 15Quyết định 642/QĐ-UBND năm 2016 về Đề án bổ sung hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn tỉnh Bình Định theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg
Hướng dẫn 2092/HD-SLĐTBXH-NCC năm 2015 thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định ban hành
- Số hiệu: 2092/HD-SLĐTBXH-NCC
- Loại văn bản: Hướng dẫn
- Ngày ban hành: 06/11/2014
- Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
- Người ký: Phan Đình Hòa
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra