Hệ thống pháp luật

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
BAN TUYÊN GIÁO
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
----------------

Số: 20-HD/BTGTW

Hà Nội, ngày 28 tháng 10 năm 2011

 

HƯỚNG DẪN

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 02-NQ/TW, NGÀY 25/4/2011 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC KHOÁNG SẢN VÀ CÔNG NGHIỆP KHAI KHOÁNG ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

Ngày 01 tháng 3 năm 1996, Bộ Chính trị (khóa VII) đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW "Về định hướng chiến lược tài nguyên khoáng sản và phát triển công nghiệp khai khoáng đến năm 2010". Sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, nhận thức của các cấp ủy đảng từ Trung ương đến địa phương về vai trò tầm quan trọng của khoáng sản đã được nâng lên, hầu hết các nội dung chủ yếu của Nghị quyết đã được thực hiện. Ngành công nghiệp khai khoáng đã có bước phát triển đóng góp ngân sách nhà nước hằng năm khoảng 25 - 26%.

Tuy nhiên việc triển khai Nghị quyết còn bộc lộ một số hạn chế, yếu kém: một số cấp ngành chưa thực sự quan tâm đúng mức tới việc tổ chức triển khai Nghị quyết; công tác tuyên truyền phổ biến còn hạn chế, chưa làm rõ vai trò khoáng sản và phát triển ngành khai thác, chế biến khoáng sản trong phát triển kinh tế - xã hội. Ý thức chấp hành pháp luật về lĩnh vực này của nhiều địa phương tổ chức và cá nhân chưa nghiêm túc, còn chạy theo lợi ích cục bộ, gây lãng phí lớn tài nguyên.

Ngày 25-4-2011, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW "về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030". Việc nghiên cứu, quán triệt và thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển khoáng sản và công nghiệp khai khoáng ở nước ta hiện nay.

Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW như sau:

I. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU

1. Mục đích

Nâng cao nhận thức, ý thức hành động và trách nhiệm của các ngành, các cấp, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về khoáng sản và công nghiệp khai khoáng. Thực hiện tốt các quan điểm, mục tiêu, giải pháp phát triển khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đã đề ra trong Nghị quyết 02-NQ/TW.

2. Yêu cầu

- Các cấp ủy, tổ chức đảng từ Trung ương đến địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình, chỉ đạo quán triệt, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch, tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đặc biệt là các bộ, ban, ngành được giao nhiệm vụ cụ thể trong Nghị quyết.

- Trong quá trình thực hiện, các cấp ủy đảng chỉ đạo sơ kết, tổng kết, định kỳ báo cáo việc triển khai thực hiện Nghị quyết. Chú trọng việc phát hiện nhân tố, mô hình tiên tiến, điển hình để tuyên truyền, nhân rộng, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc.

II. NỘI DUNG HỌC TẬP, QUÁN TRIỆT VÀ XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

1. Các cấp ủy, tổ chức đảng từ Trung ương đến địa phương cần tuyên truyền giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc 5 quan điểm cơ bản của Đảng về chiến lược khoáng sản và phát triển công nghiệp khai khoáng trong thời gian tới như sau:

Một là, khoáng sản là tài sản thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý, là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội đất nước, phải được điều tra, thăm dò, đánh giá đúng trữ lượng và có chiến lược, quy hoạch, kế hoạch sử dụng hiệu quả, góp phần vào tăng trưởng chung và bền vững của nền kinh tế. Là đại diện chủ sở hữu về khoáng sản, Nhà nước phải thể hiện đầy đủ quyền của chủ sở hữu, nhất là quyền định đoạt đối với khoáng sản khi giao cho tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác.

Hai là, tài nguyên khoáng sản nước ta đa dạng về chủng loại; một số khoáng sản có tài nguyên, trữ lượng lớn, do vậy cần phải hình thành một số ngành công nghiệp khai thác, chế biến quy mô công nghiệp với thời gian lâu dài như: dầu khí, bô-xít, titan - zircon, đất hiếm, a-pa-tít, đá nguyên liệu xi măng, đá ốp lát, v.v.. Tuy nhiên, khoáng sản là tài nguyên không tái tạo nên phải được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hết sức hợp lý, triệt để tiết kiệm, thật sự có hiệu quả cao.

Ba là, việc khai thác tài nguyên khoáng sản phải tính đến nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài của đất nước, có tính đến xu hướng tiến bộ của khoa học công nghệ trong lĩnh vực sử dụng công nghệ mới và vật liệu thay thế.

Bốn là, nhanh chóng đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, công nhân lành nghề, từng bước làm chủ việc thăm dò và khai thác, chế biến khoáng sản, đầu tư thêm thiết bị và công nghệ tiên tiến cho công tác địa chất, khai khoáng và chế biến khoáng sản.

Năm là, phát triển công nghiệp khai khoáng phải đi đôi với bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan, di tích lịch sử, văn hóa; bảo đảm hài hòa lợi ích thu được từ khai thác và chế biến khoáng sản giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân nơi có khoáng sản được khai thác, chế biến.

2. Nắm vững các mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể về phát triển khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, là:

2.1. Mục tiêu chung

- Thứ nhất, phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành công tác lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1: 50.000 và các diện tích biển ven bờ sâu đến 30 m nước. Xây dựng chuyên ngành điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản ở mức hiện đại, đủ năng lực tìm kiếm, phát hiện mỏ mới với độ sâu đến 1.000 m nhằm đánh giá đầy đủ, toàn diện tiềm năng khoáng sản trên đất liền, ở đáy biển và thềm lục địa của đất nước.

- Thứ hai, nâng tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng trong GDP từ khoảng 10% hiện nay lên 15 - 20% vào năm 2020 và tiếp tục tăng vào những năm tiếp theo; tăng tỷ trọng công nghiệp khai khoáng trong sản xuất công nghiệp. Hình thành và phát triển một số ngành công nghiệp khai thác, chế biến sâu như lọc hóa dầu, sắt thép, đồng, chì - kẽm, phân bón, hóa chất, chế biến kim loại quý hiếm (titan, đất hiếm…), alumin - nhôm, điện (điện than, điện khí, điện nguyên tử, điện địa nhiệt), xi măng, vật liệu xây dựng... có tầm cỡ trong khu vực.

- Tăng dự trữ một số khoáng sản chiến lược vì lợi ích lâu dài của quốc gia.

2.2. Mục tiêu cụ thể

- Thứ nhất, đối với công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản cần:

+ Lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1: 50.000 đạt 90% diện tích phần đất liền, diện tích biển ven bờ sâu đến 30 m nước, diện tích các đảo; làm rõ hơn về cấu trúc địa chất, mức độ phân bố khoáng sản và phát hiện, khoanh định các diện tích có triển vọng về khoáng sản.

+ Điều tra, đánh giá ở độ sâu đến 500 m để làm rõ tiềm năng một số loại khoáng sản quan trọng, chiến lược, có quy mô lớn như: chì, kẽm, đồng, thiếc, vàng, sắt, đất hiếm, urani và đầu tư điều tra, đánh giá tổng thể một số khoáng sản có tiềm năng lớn chưa được đánh giá như: bô-xít, than, nước khoáng - nước nóng, đá hoa trắng, cát thủy tinh, đá ốp lát.

+ Tăng cường năng lực và đổi mới thiết bị, công nghệ tiên tiến, có độ chính xác cao, đáp ứng các yêu cầu về độ sâu điều tra, đánh giá và độ chính xác trong phân tích mẫu địa chất, khoáng sản; xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu thống nhất về địa chất khoáng sản trên phạm vi cả nước.

+ Xây dựng đội ngũ cán bộ điều tra, thăm dò địa chất - khoáng sản có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới; xây dựng chính sách thu hút cán bộ ngành địa chất; tăng cường hợp tác quốc tế về kỹ thuật trong điều tra cơ bản địa chất - khoáng sản.

- Thứ hai, đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản cần:

+ Đầu tư cải tạo, mở rộng đối với các mỏ khoáng sản đang hoạt động theo quy hoạch khoáng sản đã duyệt; đầu tư cải tạo công nghệ, thiết bị hoặc thay thế các cơ sở chế biến khoáng sản đã lạc hậu, hệ số thu hồi khoáng sản thấp, gây ô nhiễm lớn tới môi trường.

+ Đầu tư bằng ngân sách nhà nước để thăm dò một số loại khoáng sản chiến lược như: urani, đất hiếm và một số mỏ khoáng sản để đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

+ Hình thành một số cụm công nghiệp khai thác - chế biến khoáng sản tập trung cho một số loại khoáng sản như than đá, đồng, thép, bô-xít - nhôm, cromit, titan - zircon, đất hiếm, chì - kẽm, đá ốp lát, cát trắng; tăng cường đầu tư các dự án chế biến sâu khoáng sản.

3. Nghiên cứu kỹ các giải pháp cụ thể về phát triển khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đã nêu trong Nghị quyết để vận dụng vào việc xây dựng kế hoạch và chương trình hành động phù hợp với thực tế của từng cấp, ngành, địa phương, như:

3.1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản cần có sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự tham gia của cả hệ thống chính trị nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cả trong nhận thức và hành động của nhân dân, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản dưới nhiều hình thức và phương pháp phù hợp. Tập trung phổ biến, quán triệt nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về khoáng sản.

3.2. Đổi mới cơ chế và chính sách phát triển công nghiệp khai khoáng

- Thứ nhất là, cơ chế, chính sách về đầu tư khoa học và công nghệ, thăm dò và khai thác, chế biến khoáng sản:

+ Tăng đầu tư từ ngân sách hằng năm, tiến tới đủ kinh phí cho công tác điều tra cơ bản về khoáng sản và đổi mới thiết bị, công nghệ để thực hiện có hiệu quả quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản. Có cơ chế thu hút các thành phần kinh tế trong nước đầu tư vào công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản.

+ Khuyến khích đầu tư các dự án khai thác, chế biến khoáng sản có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường; các dự án khai thác, chế biến quặng nghèo, công nghệ chế biến phức tạp, sử dụng triệt để và tiết kiệm khoáng sản. Có cơ chế ưu đãi việc nghiên cứu, phát hiện các công cụ mới của các loại khoáng sản và ứng dụng vào sản xuất.

+ Hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng đầu tư khai thác khoáng sản manh mún, nhỏ lẻ, kém hiệu quả. Có quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về điều kiện đối với tổ chức tham gia thăm dò, khai thác, chế biến từng loại khoáng sản. Chỉ cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn, có năng lực quản lý và công nghệ hiện đại tham gia thăm dò, khai thác, chế biến các loại khoáng sản quan trọng, có ý nghĩa chiến lược. Hạn chế việc thành lập các công ty liên doanh với nước ngoài trong việc khai thác khoáng sản, chỉ cho liên doanh ở khâu chế biến khoáng sản ở một số nơi cần thiết.

+ Có chính sách ưu đãi các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực khoáng sản; đặc biệt, khuyến khích đầu tư ra nước ngoài thăm dò, khai thác, chế biến và đưa về nước các loại khoáng sản quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với nền kinh tế đất nước nhưng Việt Nam không có hoặc có nhưng trữ lượng ít.

- Thứ hai là, về cơ chế, chính sách tài chính:

+ Đổi mới chính sách tài chính đối với các hoạt động điều tra, thăm dò, khai thác, chuyển nhượng khoáng sản.

+ Xác định đúng giá trị tài nguyên khoáng sản được khai thác. Xây dựng cơ chế đấu giá quyền khai thác khoáng sản, bảo đảm lợi ích của Nhà nước phù hợp với đặc điểm của từng loại khoáng sản.

+ Điều chỉnh kịp thời, hợp lý các loại thuế liên quan đến hoạt động khai thác, chế biến và xuất khẩu khoáng sản, tăng thu ngân sách nhà nước; có cơ chế thu hồi kinh phí nhà nước đã đầu tư cho công tác điều tra, thăm dò khoáng sản.

+ Điều chỉnh mức ký quỹ bảo đảm phục hồi môi trường, môi sinh và đất đai trong từng thời kỳ để bảo đảm trách nhiệm của các tổ chức khai thác khoáng sản.

- Thứ ba là, về chính sách dự trữ và xuất khẩu khoáng sản:

+ Bảo đảm cân đối giữa dự trữ với khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản trong từng giai đoạn. Thực hiện nhất quán nguyên tắc khai thác khoáng sản chủ yếu để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu trong nước, góp phần phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

+ Định kỳ xem xét để xác định mức độ quan trọng của từng loại khoáng sản, từ đó điều chỉnh việc khai thác, chế biến, xuất khẩu khoáng sản; xem xét tạm dừng cấp giấy phép khai thác khoáng sản đối với một số loại khoáng sản quý hiếm, khả năng chế biến sâu còn hạn chế, nhu cầu sử dụng chưa cao; công bố danh mục khoáng sản, chất lượng khoáng sản được phép xuất khẩu phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong từng thời kỳ.

+ Hạn chế, tiến tới sớm chấm dứt xuất khẩu khoáng sản thô, chưa qua chế biến hoặc chỉ ở dạng sơ chế; không xuất khẩu các loại khoáng sản quan trọng, có ý nghĩa chiến lược.

- Thứ tư là, về chính sách bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, bảo đảm an ninh, quốc phòng, cảnh quan, di tích lịch sử, văn hóa và môi trường:

+ Tiếp tục nghiên cứu cơ chế bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; cơ chế bảo đảm an ninh, quốc phòng, cảnh quan, di tích lịch sử, văn hóa trong hoạt động khoáng sản ở các địa phương.

+ Nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh giảm sản lượng khai thác một số loại khoáng sản theo hướng ưu tiên phục vụ nhu cầu sử dụng trong nước.

+ Hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản.

3.3. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản

Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về khoáng sản. Rà soát các quy hoạch đã được phê duyệt, xây dựng, phê duyệt quy hoạch khoáng sản để định hướng phát triển ngành công nghiệp khai khoáng, bảo đảm sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài; sớm hoàn thiện và công bố công khai các quy hoạch khoáng sản theo quy định của pháp luật.

Hai là, điều chỉnh việc phân công quản lý nhà nước về khoáng sản theo nguyên tắc một việc chỉ phân công cho một cơ quan chủ trì thực hiện. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổ chức cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản từ Trung ương đến địa phương; nâng cao vị thế, năng lực cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản.

Ba là, tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về khoáng sản các cấp. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ quan thanh tra chuyên ngành khoáng sản. Nghiên cứu áp dụng mô hình thanh tra khu vực nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả của thanh tra chuyên ngành khoáng sản.

Bốn là, rà soát và chấn chỉnh việc phân cấp cấp phép khai thác khoáng sản hiện nay, khắc phục tình trạng sơ hở, gây thất thoát tài nguyên, nhiều tiêu cực trong lĩnh vực này.

III. TỔ CHỨC NGHIÊN CỨU, QUÁN TRIỆT VÀ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH THỰC HIỆN

1. Các cấp ủy, tổ chức đảng từ Trung ương đến địa phương chịu trách nhiệm tổ chức học tập, quán triệt, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch, tổ chức thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cho cán bộ, đảng viên theo phạm vi mình quản lý.

2. Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy tham mưu cho tỉnh, thành ủy tổ chức việc học tập, quán triệt Nghị quyết cho cán bộ chủ chốt trong phạm vi địa phương, xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể thực hiện Nghị quyết này của Bộ Chính trị.

3. Để bảo đảm tiết kiệm thời gian và công sức, việc tổ chức học tập và quán triệt Nghị quyết, triển khai chương trình hành động, cần phối hợp với việc tổ chức học tập và quán triệt các nghị quyết, chỉ thị khác. Hình thức tổ chức học tập và quán triệt Nghị quyết, triển khai chương trình hành động hợp lý, nghiêm túc và có hiệu quả. Nghị quyết này cần được phổ biến trong các buổi họp chi bộ đến từng đảng viên.

4. Định kỳ hàng năm, Ban cán sự đảng các bộ, ngành; đảng đoàn các đoàn thể Trung ương; Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương gửi báo cáo kết quả về quán triệt, triển khai Nghị quyết và thực hiện chương trình hành động cụ thể về Văn phòng Trung ương Đảng và Ban Tuyên giáo Trung ương để tổng hợp trình Ban Bí thư và Bộ Chính trị.

 

 

K/T TRƯỞNG BAN
PHÓ TRƯỞNG BAN




Phạm Văn Linh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Hướng dẫn 20-HD/BTGTW thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TW về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành

  • Số hiệu: 20-HD/BTGTW
  • Loại văn bản: Hướng dẫn
  • Ngày ban hành: 28/10/2011
  • Nơi ban hành: Ban Tuyên giáo Trung ương
  • Người ký: Phạm Văn Linh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản