Hệ thống pháp luật

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1560/HD-TLĐ

Hà Nội, ngày 08 tháng 10 năm 2019

 

HƯỚNG DẪN

THỰC HIỆN VIỆC THAM GIA KIỂM TRA, GIÁM SÁT CỦA CÔNG ĐOÀN VỀ CHẤP HÀNH QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT LAO ĐỘNG LIÊN QUAN ĐẾN QUYỀN, LỢI ÍCH HỢP PHÁP, CHÍNH ĐÁNG CỦA ĐOÀN VIÊN VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG

Căn cứ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định về công đoàn tham gia kiểm tra, giám sát, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Hướng dẫn thực hiện việc tham gia kiểm tra, giám sát của công đoàn về chấp hành quy định của pháp luật lao động liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU CÔNG ĐOÀN THAM GIA KIỂM TRA, GIÁM SÁT

1. Mục đích

Tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật của Công đoàn nhằm phòng ngừa, phát hiện và kiến nghị xử lý đối với những hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên công đoàn và công nhân lao động; góp phần thực hiện chức năng tham gia quản lý nhà nước, bảo vệ đoàn viên công đoàn và công nhân lao động.

2. Yêu cầu

Việc Công đoàn tham gia với các cơ quan, tổ chức hữu quan thực hiện quyền kiểm tra, giám sát được thực hiện theo kế hoạch, chương trình phối hợp công tác giữa Công đoàn với các cơ quan, tổ chức đó, bao gồm hoạt động kiểm tra, giám sát định kỳ, thường xuyên và đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của đối tượng kiểm tra. Các cấp công đoàn cần phải chủ động đề xuất nội dung, cử cán bộ tham gia khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng kế hoạch thực hiện kiểm tra, giám sát có nội dung liên quan đến chế độ, chính sách, pháp luật về lao động, công đoàn, cán bộ, công chức, viên chức, BHXH, BHYT và chế độ, chính sách, pháp luật khác có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động...

II. NỘI DUNG THAM GIA KIỂM TRA, GIÁM SÁT

1. Theo Điều 10 Hiến pháp ngày 28 tháng 11 năm 2013 quy định: Công đoàn tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động.

2. Theo Khoản 1, Khoản 2, Điều 14 Luật Công đoàn (năm 2012): Công đoàn tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức doanh nghiệp:

- Tham gia, phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật về lao động, công đoàn, cán bộ, công chức, viên chức, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và chế độ, chính sách, pháp luật khác có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; điều tra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

- Khi tham gia, phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát theo quy định tại khoản 1 Điều này, Công đoàn có quyền sau đây:

+ Yêu cầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp thông tin, tài liệu và giải trình những vấn đề có liên quan;

+ Kiến nghị biện pháp sửa chữa thiếu sót, ngăn ngừa vi phạm, khắc phục hậu quả và xử lý hành vi vi phạm pháp luật;

+ Trường hợp phát hiện nơi làm việc có yếu tố ảnh hưởng hoặc nguy hiểm đến sức khoẻ, tính mạng người lao động, Công đoàn có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có trách nhiệm thực hiện ngay biện pháp khắc phục, bảo đảm an toàn lao động, kể cả trường hợp phải tạm ngừng hoạt động.

3. Theo Điểm c, Khoản 2, Điều 12 Nghị định 191/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức công đoàn các cấp quản lý, sử dụng kinh phí công đoàn theo đúng quy định; chủ trì, phối hợp với cơ quan tài chính, thuế, thanh tra lao động cùng cấp kiểm tra, thanh tra việc thực hiện đóng kinh phí công đoàn của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý vi phạm pháp luật về đóng kinh phí công đoàn.

III. QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN VIỆC THAM GIA KIỂM TRA, GIÁM SÁT

1. Kế hoạch kiểm tra, giám sát

Căn cứ vào quy định của pháp luật, quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và chương trình công tác đã được Ban chấp hành thông qua, hàng năm, Công đoàn các cấp tham gia với các cơ quan, tổ chức hữu quan xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát. Kế hoạch kiểm tra, giám sát cần xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, đối tượng và thời gian thực hiện. Bên cạnh đó, qua quá trình làm việc, theo dõi, nếu thấy cơ quan, tập thể, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật về lao động, công đoàn, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động thì tổ chức công đoàn chủ động đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để lập đoàn kiểm tra, giám sát.

2. Quyết định kiểm tra, giám sát

- Quyết định kiểm tra, giám sát do cơ quan chức năng của nhà nước có thẩm quyền ban hành trên cơ sở kế hoạch kiểm tra, giám sát hàng năm hoặc theo đề nghị của tổ chức công đoàn khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên công đoàn và công nhân lao động.

- Quyết định kiểm tra, giám sát bằng văn bản phải được gửi cho đối tượng kiểm tra, giám sát.

- Quyết định kiểm tra, giám sát phải bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra, giám sát bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

+ Căn cứ pháp lý để kiểm tra, giám sát;

+ Đối tượng kiểm tra, giám sát;

+ Nội dung, phạm vi kiểm tra, giám sát;

+ Thời gian kiểm tra, giám sát;

+ Thành viên đoàn kiểm tra, giám sát; quyền và trách nhiệm của người kiểm tra, giám sát;

+ Quyền và nghĩa vụ của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được kiểm tra, giám sát.

3. Thông báo kiểm tra, giám sát

Kiểm tra, giám sát phải được thông báo trước cho đối tượng kiểm tra, giám sát trước khi tiến hành kiểm tra, giám sát theo quy định, trừ trường hợp kiểm tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật của đối tượng kiểm tra. Thông báo kiểm tra, giám sát phải bao gồm các nội dung chủ yếu về nội dung, phạm vi kiểm tra, giám sát; thời gian kiểm tra, giám sát; thành viên đoàn kiểm tra, giám sát; quyền và nghĩa vụ của đối tượng kiểm tra, giám sát.

4. Tiến hành kiểm tra, giám sát

- Kiểm tra, giám sát được tiến hành thông qua việc xem xét báo cáo, ý kiến của đối tượng kiểm tra, giám sát và những cá nhân, tổ chức có liên quan; xem xét các hồ sơ, tài liệu có liên quan đến nội dung kiểm tra, giám sát, làm việc tại hiện trường (nếu có).

- Nội dung kiểm tra, giám sát phải được ghi thành biên bản, có chữ ký của người chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, đối tượng kiểm tra, giám sát. Trường hợp đối tượng kiểm tra, giám sát không ký biên bản kiểm tra, giám sát phải ghi rõ ý kiến vào biên bản kiểm tra, giám sát.

5. Kết luận kiểm tra hoặc kết quả giám sát

- Kết thúc kiểm tra phải có kết luận kiểm tra, kết thúc cuộc giám sát phải có thông báo kết quả giám sát bằng văn bản.

- Nội dung kết luận kiểm tra, thông báo kết quả giám sát phải bảo đảm khách quan, trung thực, đúng pháp luật về những nội dung kiểm tra, giám sát; phải có kiến nghị của đoàn kiểm tra, giám sát với đối tượng kiểm tra, giám sát và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

- Kết luận kiểm tra, thông báo kết quả giám sát được gửi cho đối tượng kiểm tra, giám sát cấp ra quyết định kiểm tra, giám sát và gửi cho các cơ quan, tổ chức có liên quan khi có yêu cầu.

6. Theo dõi việc thực hiện kết luận kiểm tra, kết quả giám sát

Tổ chức Công đoàn tham gia kiểm tra, giám sát có trách nhiệm phối hợp theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận kiểm tra, kết quả giám sát và các kiến nghị của đoàn kiểm tra, giám sát liên quan đến quyền, lợi ích của đoàn viên, CNLĐ. Trường hợp kết luận kiểm tra, kết quả giám sát và kiến nghị kiểm tra, giám sát không được thực hiện, tổ chức công đoàn đã tham gia kiểm tra, giám sát có trách nhiệm đề nghị cơ quan có thẩm quyền thực hiện các giải pháp theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm việc thực hiện kết luận kiểm tra, kết quả giám sát và kiến nghị kiểm tra.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

1.1. Tổ chức tuyên truyền, quán triệt Hướng dẫn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đến Công đoàn cấp dưới để thực hiện.

1.2. Hàng năm, phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan như: Các Ủy ban có liên quan của Quốc hội, Bộ Lao động TB và XH, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ xây dựng, thực hiện các hoạt động kiểm tra, giám sát có liên quan; chỉ đạo, theo dõi Công đoàn các cấp tham gia kiểm tra, giám sát theo kế hoạch hoặc đột xuất (nếu có).

1.3. Tham gia kiểm tra, giám sát các nội dung theo kế hoạch phối hợp.

1.4. Định kỳ, hàng năm báo cáo kết quả tham gia kiểm tra, giám sát của tổ chức Công đoàn Việt Nam với Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Quốc hội, Chính phủ hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu (các kiến nghị, đề xuất).

1.5. Các Ban, đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tham mưu giúp Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lập kế hoạch triển khai Hướng dẫn này.

Ban Quan hệ Lao động phối hợp với Ban Chính sách Kinh tế - Xã hội và Thi đua - Khen thưởng giúp Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam việc theo dõi, kiểm tra, tổng hợp báo cáo kết quả tổ chức thực hiện Hướng dẫn này.

2. Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

2.1. Có văn bản chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, quán triệt đến Công đoàn cấp dưới các nội dung của Hướng dẫn này để thực hiện. Tổ chức thực hiện kế hoạch tham gia kiểm tra, giám sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong phạm vi phân cấp quản lý. Chỉ đạo Công đoàn cấp dưới thực hiện kế hoạch tham gia kiểm tra, giám sát của cấp mình.

2.2. Hàng năm, xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch tham gia kiểm tra, giám sát của cấp mình. Phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở các Bộ, ngành trung ương, địa phương thực hiện kiểm tra, giám sát các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp theo quy định.

2.3. Kiểm tra Công đoàn cấp dưới việc tổ chức thực hiện Hướng dẫn này.

2.4. Định kỳ, hàng năm có báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch tham gia kiểm tra, giám sát về Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Hướng dẫn này được phổ biến đến công đoàn cơ sở.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, có vướng mắc đề nghị các cấp Công đoàn phản ánh kịp thời về Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Chính trị (để báo cáo);
- Ban Bí thư TW (để báo cáo);
- Ban Dân vận TW;
- UBTW MTTQVN (để phối hợp);
- Các UB của Quốc hội (để phối hợp);
- Văn phòng Chính phủ (để phối hợp);
- Bộ Lao động TB & XH (để phối hợp);
- Bộ Y tế (để phối hợp);
- BHXH VN (để phối hợp);
- Thường trực ĐCT TLĐ;
- Các Ban của TLĐ;
- Các LĐLĐ tỉnh, TP: Công đoàn ngành TW; Công đoàn TCTy trực thuộc TLĐ;
- Lưu: Văn thư, QHLĐ,CSKTXH&TĐKT.

TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đình Khang

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Hướng dẫn 1560/HD-TLĐ năm 2019 thực hiện tham gia kiểm tra, giám sát của công đoàn về chấp hành quy định của pháp luật lao động liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 1560/HD-TLĐ
  • Loại văn bản: Hướng dẫn
  • Ngày ban hành: 08/10/2019
  • Nơi ban hành: Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
  • Người ký: Nguyễn Đình Khang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/10/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản