Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/HD-UBND

Ninh Bình, ngày 14 tháng 8 năm 2023

 

HƯỚNG DẪN

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA PHÒNG PHÒNG QUẢN LÝ ĐÔ THỊ THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ

Căn cứ Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Nghị định số 108/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Căn cứ Quyết định số 1046/QĐ-TTg ngày 06/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 28-KL/TW ngày 21/02/2022 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Kết luận số 40-KL/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026 và Quy định số 70-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ chính trị về quản lý biên chế của hệ thống chính trị;

Căn cứ Thông tư số 15/2021/TT-BGTVT ngày 30/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về giao thông vận tải thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

Căn cứ Thông tư số 03/2022/TT-BXD ngày 27/9/2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình ban hành hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Phòng Quản lý đô thị thuộc Ủy ban nhân dân thành phố cụ thể như sau:

I. Vị trí, chức năng

Vị trí và chức năng của Phòng Quản lý đô thị thuộc Ủy ban nhân dân thành phố được quy định tại Điều 5 Thông tư số 15/2021/TT-BGTVT ngày 30/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về giao thông vận tải thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Điều 3 Thông tư số 03/2022/TT-BXD ngày 27/9/2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cụ thể như sau:

1. Phòng Quản lý đô thị là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân thành phố quản lý nhà nước về lĩnh vực: Giao thông vận tải; Quy hoạch xây dựng; kiến trúc; hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển đô thị; hạ tầng kỹ thuật; nhà ở; công sở; vật liệu xây dựng trên địa bàn và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo ủy quyền của Ủy ban nhân dân thành phố và theo quy định của pháp luật.

2. Phòng Quản lý đô thị có con dấu và tài khoản riêng; chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, vị trí việc làm, biên chế công chức, cơ cấu ngạch công chức và công tác của Ủy ban nhân dân thành phố; đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ về giao thông vận tải của Sở Giao thông vận tải, lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc ngành xây dựng của Sở Xây dựng.

II. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Trình Ủy ban nhân dân thành phố: Dự thảo quyết định; quy hoạch, kế hoạch phát triển trung hạn và hàng năm; chương trình, biện pháp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nước về giao thông vận, xây dựng tải trên địa bàn; Dự thảo văn bản quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Phòng Quản lý đô thị.

2. Trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố: Dự thảo các văn bản về giao thông vận tải và xây dựng thuộc thẩm quyền ban hành của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố theo phân công.

3. Hướng dẫn và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án và các văn bản khác trong các lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc ngành giao thông, xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật về các lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc ngành giao thông, xây dựng.

4. Trong lĩnh vực Giao thông vận tải

4.1. Trình Ủy ban nhân dân thành phố:

a) Dự thảo quyết định chương trình, giải pháp huy động, phối hợp liên ngành trong thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn.

b) Các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn theo quy định của pháp luật và phân công, phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

c) Dự thảo quyết định phân loại đường thành phố, đường xã theo quy định của pháp luật.

4.2. Tổ chức quản lý, bảo trì, bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mạng lưới công trình giao thông đường bộ, đường sắt đô thị, đường thủy nội địa địa phương đang khai thác do thành phố chịu trách nhiệm quản lý.

4.3. Quản lý hoạt động vận tải trên địa bàn theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

4.4. Tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm phạm công trình giao thông, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông; phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc giải tỏa lấn chiếm hành lang an toàn giao thông trên địa bàn theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành, Sở Giao thông vận tải và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố.

4.5. Phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai hoạt động tìm kiếm cứu nạn đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không xảy ra trên địa bàn.

4.6. Giúp Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện và chịu trách nhiệm về việc thẩm định, đăng ký, cấp các loại giấy phép thuộc phạm vi trách nhiệm, thẩm quyền của phòng theo quy định của pháp luật và theo phân công của Ủy ban nhân dân thành phố.

4.7. Giúp Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện và chịu trách nhiệm về thẩm định, đăng ký, cấp các loại giấy phép thuộc phạm vi trách nhiệm, thẩm quyền của Phòng Quản lý đô thị theo quy định của pháp luật và theo phân công của Ủy ban nhân dân thành phố.

5. Trong lĩnh vực xây dựng

5.1. Tham mưu, giúp cho Ủy ban nhân dân thành phố trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ các lĩnh vực: Quy hoạch xây dựng, kiến trúc; hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển đô thị; hạ tầng kỹ thuật; nhà ở; công sở; vật liệu xây dựng trên địa bàn theo quy định của pháp luật và phân công, phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

5.2. Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện lập quy chế quản lý kiến trúc, quy định quản lý theo đồ án quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị theo phân công, phân cấp và ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố.

5.3. Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện việc cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, thu hồi giấy phép xây dựng công trình và kiểm tra việc xây dựng công trình theo giấy phép được cấp trên địa bàn theo quy định của pháp luật và phân công, phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

5.4. Thực hiện thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở của dự án đầu tư xây dựng, kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng trên địa bàn theo phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

5.5. Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân thành phố lập chương trình phát triển đô thị; phối hợp trong quá trình lập, thẩm định chương trình phát triển đô thị; tham gia lập đề án công nhận đô thị loại V trên địa bàn.

5.6. Tổ chức lập, thẩm định, trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt, hoặc tổ chức lập để Ủy ban nhân dân thành phố trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

5.7. Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân thành phố trong việc tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách về nhà ở và công sở; quản lý quỹ nhà ở và quyền quản lý sử dụng công sở trên địa bàn theo phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; tổ chức thực hiện công tác điều tra, thống kê, đánh giá định kỳ về nhà ở, công sở trên địa bàn.

5.8. Hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng các công trình theo quy chế quản lý kiến trúc, Quy định quản lý theo đồ án quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức công bố, công khai các quy hoạch xây dựng; cung cấp thông tin về quy hoạch xây dựng; quản lý các mốc giới, chỉ giới xây dựng, cốt xây dựng trên địa bàn theo phân cấp.

5.9. Hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện quy định về hạ tầng kỹ thuật theo quy định của pháp luật và phân công, phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân thành phố.

6. Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về các lĩnh vực quản lý của phòng cho cán bộ, công chức xã, phường.

7. Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân thành phố quản lý nhà nước đối với các tổ chức kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân và hướng dẫn hoạt động đối với các tổ chức kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân và hướng dẫn hoạt động đối với các hội, tổ chức phi chính phủ hoạt động trong các lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc ngành giao thông, xây dựng trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

8. Tổ chức ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của phòng.

9. Kiểm tra đối với tổ chức, cá nhân trong việc thi hành pháp luật lĩnh vực quản lý của phòng, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xử lý hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm; giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hiện phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong ngành giao thông, xây dựng theo quy định của pháp luật và phân công của Ủy ban nhân dân thành phố.

10. Theo dõi, tổng hợp, báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao với Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng và các cơ quan có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.

11. Quản lý tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, biên chế công chức, cơ cấu ngạch công chức; thực hiện chế độ tiền lương, chính sách, chế độ đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật, đào tạo và bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ đối với công chức thuộc phạm vi quản lý của phòng theo quy định của pháp luật và theo phân công của Ủy ban nhân dân thành phố.

12. Quản lý tài chính, tài sản của phòng theo quy định của pháp luật và phân công, phân cấp của Ủy ban nhân dân thành phố.

13. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công, phân cấp hoặc ủy quyền của Ủy ban nhân dân thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố và theo quy định của pháp luật.

III. Tổ chức thực hiện

Ủy ban nhân dân huyện căn cứ Hướng dẫn này và Thông tư số 15/2021/TT-BGTVT ngày 30/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Thông tư số 03/2022/TT-BXD ngày 27/9/2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng nghiên cứu, ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Phòng Quản lý đô thị thuộc Ủy ban nhân dân thành phố theo đúng quy định. Báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ).

Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc khó khăn, vướng mắc, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổng hợp, báo cáo bằng văn bản về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ tổng hợp) để kịp thời xem xét, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở: Nội vụ; Giao thông vận tải; Xây dựng;
- UBND các thành phố;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, các VP.
LQ_VP7_NV.2023

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phạm Quang Ngọc

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Hướng dẫn 13/HD-UBND năm 2023 về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Phòng Quản lý đô thị thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, tỉnh Ninh Bình

  • Số hiệu: 13/HD-UBND
  • Loại văn bản: Hướng dẫn
  • Ngày ban hành: 14/08/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
  • Người ký: Phạm Quang Ngọc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/08/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản