Hệ thống pháp luật

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
ỦY BAN KIỂM TRA
-------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 06-HD/UBKTTW

Hà Nội, ngày 18 tháng 12 năm 2018

 

HƯỚNG DẪN

THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỀU TRONG QUY ĐỊNH SỐ 07-QĐI/TW, NGÀY 28/8/2018 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ XỬ LÝ KỶ LUẬT TỔ CHỨC ĐẢNG VI PHẠM

- Căn cứ Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng;

- Căn cứ Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII;

- Căn cứ Quy định số 07-QĐi/TW, ngày 28/8/2018 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm;

Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn thực hiện một số Điều trong Quy định số 07-QĐi/TW, ngày 28/8/2018 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm, như sau:

Điều 2. Giải thích từ ngữ

* Khoản 11

“Thời hiệu xử lý kỷ luật là thời hạn được quy định trong Quy định này mà khi hết thời hạn đó thì tổ chức đảng vi phạm không bị xử lý kỷ luật.”

Tổ chức đảng vi phạm ở thời điểm nào cũng phải được kiểm tra, xem xét, kết luận và biểu quyết hình thức kỷ luật cụ thể. Sau đó, căn cứ vào kết quả biểu quyết và đối chiếu với quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật để quyết định thi hành hoặc không thi hành kỷ luật đối với tổ chức đảng đó.

Điều 3. Nguyên tắc xử lý kỷ luật

* Khoản 6

“Kỷ luật một tổ chức đảng phải xem xét và quy rõ trách nhiệm của tổ chức, đồng thời, xem xét trách nhiệm của từng cá nhân để xử lý kỷ luật đối với những đảng viên vi phạm có liên quan; những đảng viên không bị kỷ luật về cá nhân vẫn được tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, thực hiện công tác cán bộ theo quy định.”

- Khi thi hành kỷ luật một tổ chức đảng phải xem xét, kết luận rõ trách nhiệm của tổ chức đảng, đồng thời xem xét, kết luận rõ trách nhiệm của từng đảng viên có liên quan trong tổ chức đảng đó để việc xử lý kỷ luật bảo đảm nghiêm minh, chính xác, kịp thời.

- Tổ chức đảng bị xử lý kỷ luật, những đảng viên trong tổ chức đảng đó không bị kỷ luật về cá nhân thì vẫn được xem xét, thực hiện công tác cán bộ theo quy định.

- Tổ chức đảng bị kỷ luật giải tán, nếu đảng viên trong tổ chức đảng đó vi phạm nhưng chưa đến mức phải kỷ luật khai trừ thì tổ chức đảng có thẩm quyền phải xem xét, xử lý kỷ luật trước khi chuyển sinh hoạt đảng cho đảng viên đó.

Điều 5. Thời hiệu xử lý kỷ luật

* Khoản 2

“Thời hiệu xử lý kỷ luật được tính từ thời điểm tổ chức đảng có vi phạm. Nếu trong thời hạn xử lý kỷ luật được quy định tại Điểm 1, Điều này, tổ chức đảng có vi phạm mới thì thời hiệu xử lý kỷ luật đối với vi phạm cũ được tính từ thời điểm thực hiện vi phạm mới.”

- Thời hiệu xử lý kỷ luật tổ chức đảng được tính từ thời điểm tổ chức đảng có hành vi vi phạm đến thời điểm tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, xử lý kỷ luật tổ chức đảng đó. Trường hợp vi phạm xảy ra trong thời gian dài thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm.

- Không tính lại thời hiệu đối với tổ chức đảng đã bị thi hành kỷ luật nhưng sau đó, tổ chức đảng cấp trên quyết định lại (chuẩn y hoặc thay đổi) hình thức kỷ luật đối với tổ chức đảng đó.

Điều 8. Vi phạm về quan điểm chính trị, chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị của Đảng

* Điểm b, Khoản 1

“b) Buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, để nhiều cán bộ, đảng viên trong tổ chức đảng vi phạm. ”

- Có trách nhiệm nhưng không xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện hoặc có xây dựng chương trình, kế hoạch nhưng không triển khai thực hiện; không ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo việc đấu tranh phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, dẫn đến nhiều cán bộ, đảng viên trong tổ chức đảng vi phạm.

- Không lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, không phân công cho các thành viên trong tổ chức đảng phụ trách địa bàn, lĩnh vực chỉ đạo, đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc thực hiện của các tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên thuộc phạm vi quản lý, dẫn đến xảy ra vi phạm nhưng không có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời.

- Không sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh, khắc phục các vi phạm, khuyết điểm (nếu có) và không đề ra chủ trương, biện pháp đấu tranh đối với sự suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

* Điểm a, Khoản 2

“a) Không chấp hành các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, làm tổn hại đến sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, tài chính, tài sản của Đảng, Nhà nước, của tập thể, cá nhân.”

Nội bộ cấp ủy, tổ chức đảng ở địa phương, đơn vị chia rẽ, bè phái, đối phó lẫn nhau; việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của Đảng, Nhà nước, của tập thể và cá nhân không đúng quy định dẫn đến tiêu cực, thất thoát, lãng phí làm mất uy tín của cấp ủy, tổ chức đảng.

Điều 9. Vi phạm trong việc ban hành, tổ chức thực hiện nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước

* Điểm a, Khoản 1

“a) Thực hiện không đúng nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ.”

- Không cụ thể hóa việc tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thành kế hoạch, chương trình hành động và các văn bản chỉ đạo, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng của địa phương, đơn vị.

- Không phân công rõ trách nhiệm cho tổ chức và cá nhân để tiến hành triển khai; không tổ chức kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện; không sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện.

Điều 10. Vi phạm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng

* Điểm d, Khoản 1

“d) Không giữ vững vai trò lãnh đạo, để nội bộ mất đoàn kết, giảm sút ý chí chiến đấu hoặc để cá nhân lợi dụng thâu tóm, thao túng dẫn đến có những quyết định sai trái.”

Nội bộ mất đoàn kết” là nội bộ để xảy ra một trong các trường hợp sau, làm giảm sút vai trò lãnh đạo và uy tín của tổ chức đảng, đảng viên:

- Mâu thuẫn giữa các đảng viên trong tổ chức đảng đến mức chia rẽ, bè phái, kèn cựa, đối phó, bôi nhọ, tố cáo bịa đặt, vu khống lẫn nhau.

- Đấu tranh tự phê bình và phê bình không mang tính xây dựng, vì lợi ích cục bộ, “lợi ích nhóm”, không vì mục tiêu chung của tổ chức, đơn vị hoặc thủ tiêu đấu tranh tự phê bình và phê bình.

Điều 12. Vi phạm các quy định về bầu cử

* Điểm c, Khoản 1

c) Buông lỏng việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức công tác bảo vệ bầu cử theo quy định, để xảy ra các hành vi gây rối hoặc ngăn cản, phá hoại làm mất an ninh, trật tự nơi bầu cử.”

- Không lãnh đạo, chỉ đạo, không xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện; tổ chức thực hiện không đúng yêu cầu, nội dung công tác bảo vệ bầu cử hoặc thiếu đôn đốc, kiểm tra, giám sát để xảy ra hậu quả.

- Không kiên quyết đấu tranh với những quan điểm và việc làm sai trái, ngăn ngừa các biểu hiện tiêu cực trong bầu cử, để xảy ra các hành vi gây rối, ngăn cản, phá hoại, làm mất an ninh trật tự tại nơi bầu cử.

Điều 13. Vi phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài chính, tài sản của Đảng, Nhà nước

* Điểm c, Khoản 1

“c) Chỉ đạo, tổ chức thực hiện trái nguyên tắc, chế độ, quy định về quản lý thu, chi tài chính, tài sản.”

- Chỉ đạo hoặc quyết định xây dựng dự toán, phân bổ, thanh quyết toán tài chính, ngân sách, tài sản trái nguyên tắc, chế độ, quy định, gây thất thoát, lãng phí tài sản của Đảng, Nhà nước.

- Chỉ đạo hoặc quyết định việc thu, chi tài chính, quản lý, sử dụng tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị trái quy định, gây thất thoát, lãng phí tài sản của Đảng, Nhà nước.

* Điểm c, Khoản 2

“c) Có chủ trương, chỉ đạo hoặc quyết định việc đầu tư xây dựng công trình, trụ sở làm việc, khu vui chơi, giải trí, mua sắm trang thiết bị, tài sản công trái quy định.”

- Có chủ trương, chỉ đạo hoặc quyết định đầu tư xây dựng các công trình trụ sở làm việc, khu vui chơi giải trí; mua sắm trang thiết bị, tài sản công trái quy định hoặc khi chưa được cơ quan có thẩm quyền đồng ý.

- Có chủ trương, chỉ đạo hoặc quyết định thay đổi quy hoạch, dự án, chuyển đổi mục đích sử dụng công trình, vốn đầu tư các dự án, công trình hoặc quyết định nhà thầu, tự ý điều chỉnh, thay đổi tổng mức đầu tư dự án, công trình trái quy định.

Điều 14. Vi phạm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân; việc giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội

* Điểm c, Khoản 1

“c) Lợi dụng việc tiếp thu ý kiến để làm sai lệch nội dung ý kiến tham gia góp ý của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và của nhân dân đối với tổ chức đảng, cơ quan nhà nước.”

- Chỉ đạo tổ chức tiếp thu ý kiến tham gia đối với tổ chức đảng, cơ quan nhà nước không đúng với mục đích, yêu cầu của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

- Cố tình tiếp thu, báo cáo, thông báo, thông tin sai nội dung góp ý của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và của nhân dân để che giấu, trốn tránh trách nhiệm.

Điều 15. Vi phạm các quy định về thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán

* Điểm đ, Khoản 1

“đ) Không thực hiện đúng các kết luận hoặc kiến nghị về kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán của cấp có thẩm quyền.”

- Không thực hiện hoặc cố tình trì hoãn, kéo dài thời gian thực hiện các kết luận, kiến nghị về kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền mà không có lý do chính đáng.

- Báo cáo không đúng thực tế với cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán có thẩm quyền về kết quả thực hiện các kết luận, kiến nghị về kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán.

* Điểm a, Khoản 2

“a) Chỉ đạo cản trở, mua chuộc, trả thù cá nhân hoặc tổ chức làm nhiệm vụ thanh tra, giám sát, kiểm tra, kiểm toán, người cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ.”

- Chỉ đạo dùng tiền, vật chất hoặc các lợi ích khác để hối lộ, mua chuộc hoặc khống chế các thành viên đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán.

- Phân công người theo dõi, giám sát để đe dọa, ngăn cản hoặc có hành động trả thù người cung cấp thông tin, chứng cứ cho đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán.

- Quyết định điều chuyển công tác hoặc gây khó khăn, trù dập người cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ cho đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán.

- Có chủ trương bàn bạc, gợi ý, xúi giục tố cáo bịa đặt, vu khống thành viên đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán.

Điều 16. Vi phạm các quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo

* Điểm a, Khoản 1

“a) Ban hành văn bản có nội dung trái với quy định của Đảng và Nhà nước về giải quyết khiếu nại, tố cáo.”

- Ban hành văn bản về giải quyết tố cáo, khiếu nại không đúng thẩm quyền, không đúng với thực tế vụ việc tố cáo, khiếu nại để xảy ra hậu quả.

- Ban hành văn bản không giải quyết tố cáo, khiếu nại của cán bộ, đảng viên và nhân dân với lý do không chính đáng nhằm bao che hoặc trốn tránh trách nhiệm.

* Điểm d, Khoản 1

“d) Không chấp hành quyết định, kết luận của tổ chức đảng có thẩm quyền về giải quyết khiếu nại, tố cáo.”

- Không chỉ đạo hoặc không tổ chức thực hiện các yêu cầu, kiến nghị nêu trong quyết định, kết luận của cấp có thẩm quyền về giải quyết khiếu nại, tố cáo.

- Cố tình trì hoãn, không tổ chức triển khai thực hiện quyết định, kết luận đã có hiệu lực về giải quyết khiếu nại, tố cáo của tổ chức đảng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 17. Vi phạm các quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí

* Điểm c, Khoản 1

“c) Buông lỏng lãnh đạo, quản lý dẫn đến không phát hiện, xử lý kịp thời tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, đơn vị.”

- Có hành vi trốn tránh, bao che, dung túng, không xử lý tham nhũng, lãng phí xảy ra ở cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp quản lý.

- Khi phát hiện về tham nhũng, lãng phí hoặc nhận được chỉ đạo của cấp trên yêu cầu xử lý vi phạm về tham nhũng, lãng phí đối với cơ quan, đơn vị, địa phương do cấp mình trực tiếp quản lý nhưng né tránh không xử lý hoặc xử lý không đúng mức.

Điều 18. Vi phạm các quy định về quốc phòng, an ninh, đối ngoại

* Điểm a, Khoản 3

“a) Cố ý chống lại quan điểm, đường lối, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh, đối ngoại.”

- Cố ý ban hành nghị quyết, quyết định về công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại trái quy định hoặc không thực hiện, không chấp hành đúng nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng và Nhà nước về chính sách quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

- Cố ý chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, thực hiện sai quan điểm, đường lối, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

- Tổ chức kích động, lôi kéo, mua chuộc người khác chống đối đường lối, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Điều 19. Vi phạm các quy định về phòng, chống tội phạm

* Điểm c, Khoản 1

“c) Chỉ đạo thực hiện không đúng các quy định về khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, giám định, thi hành án.”

- Chỉ đạo cấp dưới thực hiện không đúng hoặc trái các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, thực hiện chức năng giám định tư pháp và việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm.

- Chỉ đạo cấp dưới tạm giữ tiền, tài sản là tang vật, vật chứng trong các vụ án không đúng quy định của pháp luật hoặc chỉ đạo gửi tiền tạm giữ, tạm thu hồi trong các vụ án nhằm trục lợi.

- Không có biện pháp chỉ đạo xử lý cơ quan, đơn vị, tổ chức cấp dưới và cán bộ, đảng viên trong cơ quan, tổ chức, đơn vị đó khi có các vi phạm quy định của pháp luật về khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, giám định tư pháp, thi hành án và áp dụng các biện pháp ngăn chặn.

* Điểm c, Khoản 2

“c) Chỉ đạo cấp dưới, cán bộ trực tiếp điều tra, kiểm sát, xét xử làm sai lệch hồ sơ vụ án để không khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử hoặc miễn, giảm tội, thay đổi tội danh cho người phạm tội hoặc gây cản trở, bao che, tiếp tay cho tội phạm.”

- Chỉ đạo lập tài liệu, văn bản, chứng cứ không đúng thực tế vụ việc đã xảy ra hoặc thực hiện không đúng quy trình, thủ tục, chế độ công tác nhằm làm thay đổi hướng điều tra, làm sai lệch hồ sơ vụ án, thay đổi biên bản, tài liệu ghi lời khai, xét hỏi để làm sai lệch nội dung vụ án, để vụ án không đủ điều kiện khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử hoặc để giảm nhẹ hậu quả của hành vi vi phạm so với thực tế.

- Chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử theo sự áp đặt của cấp ủy, tổ chức đảng hoặc chỉ đạo làm sai lệch hồ sơ vụ án để bao che cho quyết định sai trái của tổ chức, cá nhân có liên quan.

- Chỉ đạo cấp dưới hoặc cán bộ trực tiếp điều tra, kiểm sát, xét xử cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án để cản trở quá trình điều tra, truy tố, xét xử nhằm bao che, hoặc tiếp tay cho tội phạm.

Điều 23. Vi phạm các quy định về lĩnh vực giáo dục, văn hóa, xã hội

* Điểm b, Khoản 2

“b) Buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo hoặc thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo xử lý các tệ nạn xã hội trên địa bàn.”

- Không ban hành các nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quy định, kết luận hoặc không chỉ đạo xử lý các tệ nạn xã hội trên địa bàn trực tiếp quản lý.

- Cản trở việc xử lý tệ nạn xã hội trên địa bàn quản lý của cơ quan chức năng.

- Né tránh, thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo hoặc cản trở cấp dưới xử lý về tệ nạn xã hội.

Điều 24. Vi phạm các quy định về an sinh xã hội và chính sách đối với người có công

* Điểm b, Khoản 1

“b) Lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện trái quy định của Đảng và Nhà nước về chính sách ưu đãi đối với người có công, đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ.”

- Ban hành các nghị quyết, chỉ thị, quy định, chương trình, kế hoạch về thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ trái với các quy định của Đảng, Nhà nước.

- Lãnh đạo, chỉ đạo hoặc tổ chức thực hiện không đúng, không kịp thời chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với người có công.

- Không đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, dẫn đến cấp dưới làm trái quy định.

* Điểm c, Khoản 2

“c) Thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc phòng tránh thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, gây thiệt hại.”

- Không có chương trình, kế hoạch và không lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức diễn tập thực hành việc phòng, tránh thiên tai, cứu hộ, cứu nạn dẫn đến khi có sự việc thực tế xảy ra, đã bị động, lúng túng, thiếu các điều kiện cần thiết cho việc cứu hộ, cứu nạn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

- Thiếu trách nhiệm, không kịp thời chỉ đạo, tổ chức thực hiện cứu hộ, cứu nạn khi sự việc xảy ra, gây hậu quả nghiêm trọng.

- Thiếu đôn đốc, kiểm tra, giám sát, để cấp dưới thực hiện không đúng, không kịp thời các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch phòng, tránh thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, gây thiệt hại lớn.

Hướng dẫn này có hiệu lực kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, phát sinh, các cấp ủy, tổ chức đảng, Ủy ban kiểm tra các cấp báo cáo Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, quyết định.

 


Nơi nhận:
- Bộ Chính trị, Ban Bí thư (để b/c),
- Các tỉnh ủy, thành ủy,
- Các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc TW,
- Các đảng ủy đơn vị sự nghiệp TW
- Ủy ban kiểm tra các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc TW
- Các đồng chí thành viên UBKTTW,
- Các vụ, đơn vị thuộc Cơ quan UBKTTW,
- Lưu: VT-LT, Vụ NC (14b).

T/M ỦY BAN KIỂM TRA
CHỦ NHIỆM




Trần Cẩm Tú

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Hướng dẫn 06-HD/UBKTTW năm 2018 thực hiện một số Điều trong Quy định 07-QĐi/TW về xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm do Ủy ban Kiểm tra Trung ương ban hành

  • Số hiệu: 06-HD/UBKTTW
  • Loại văn bản: Hướng dẫn
  • Ngày ban hành: 18/12/2018
  • Nơi ban hành: Ủy ban kiểm tra trung ương
  • Người ký: Trần Cẩm Tú
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/12/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản