Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
*******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
******

Số: 04/VKSTC-V12

Hà Nội, ngày 30 tháng 01 năm 2007

 

HƯỚNG DẪN

CÔNG TÁC KIỂM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT CÁC VỤ VIỆC VỀ KINH DOANH, THƯƠNG MẠI, LAO ĐỘNG, VỤ ÁN HÀNH CHÍNH VÀ NHỮNG VIỆC KHÁC THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT NĂM 2007

Ngày 18 tháng 01 năm 2007, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Chỉ thị số 02/CT/2007-VKSTC-VP về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2007, trong đó nêu rõ công tác kiểm sát các vụ việc dân sự về kinh doanh, thương mại lao động, vụ án hành chính và những việc khác theo quy định của pháp luật như sau:

“Viện kiểm sát các cấp nắm vững quy định của BLDS, BLTTDS, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của Viện kiểm sát trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, các vụ án hành chính và những việc khác theo quy định của pháp luật. Vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự phối hợp với Vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, kinh tế, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật hướng dẫn các Viện kiểm sát địa phương sơ kết rút kinh nghiệm và có các giải pháp để nâng cao hiệu quả kiểm sát các bản án, quyết định giải quyết vụ việc dân sự của Tòa án, nhằm phát hiện vi phạm, qua đó kháng nghị, kiến nghị theo quy định của pháp luật; kịp thời hướng dẫn công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự có liên quan đến tổ chức, cá nhân nước ngoài trong điều kiện Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới.

Viện kiểm sát các cấp, trước hết là Viện trưởng các Viện kiểm sát địa phương, phải có biện pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định về dân sự của Tòa án có vi phạm pháp luật. Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao nghiên cứu những vấn đề còn vướng mắc trong cơ chế giải quyết các vụ việc dân sự theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; thống nhất biện pháp đẩy nhanh tiến độ giải quyết các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, không để quá hạn, quá thời hiệu do pháp luật quy định mà không được giải quyết”.

Để thực hiện tốt các nội dung Chỉ thị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Vụ 12 - Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn Viện kiểm sát nhân dân địa phương thực hiện công tác kiểm sát trong lĩnh vực này như sau:

I. CÔNG TÁC KIỂM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT CÁC VỤ VIỆC VỀ KINH DOANH, THƯƠNG MẠI, LAO ĐỘNG VÀ ÁN HÀNH CHÍNH

1. Kiểm sát việc thụ lý vụ việc kinh doanh thương mại, lao động của Tòa án:

Khi nhận được thông báo thụ lý vụ việc kinh doanh thương mại và lao động của Tòa án, kiểm sát viên được phân công theo dõi phải vào sổ thụ lý, kiểm tra việc thực hiện thời hạn gửi về hình thức và nội dung có đảm bảo như quy định tại Điều 174 BLTTDS và Nghị quyết số 02/2006 ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hay không?

Nếu việc thông báo thụ lý của Tòa án không đúng kể cả cấp sơ thẩm và phúc thẩm (không gửi, gửi chậm, vi phạm về hình thức và nội dung) thì tập hợp kiến nghị, yêu cầu Tòa án khắc phục theo quy định tại khoản 1 Điều 21 BLTTDS.

2. Kiểm sát các bản án, quyết định của Tòa án:

Theo quy định tại Điều 179 BLTTDS thì thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án kinh doanh thương mại và lao động là 02 tháng, có thể gia hạn 01 tháng (kể từ ngày thụ lý). Hết thời hạn đó Tòa án phải ra một trong các quy định được quy định tại khoản 2 Điều 179 BLTTDS, các quyết định này Tòa án phải gửi cho Viện kiểm sát, kiểm sát viên phải thực hiện công việc là:

- Khi nhận quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, quyết định tạm đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ vụ án thì phải vào sổ theo dõi, nghiên cứu, lập văn bản về việc nghiên cứu các quyết định trên. Nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm thì có văn bản yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ để nghiên cứu theo quy định tại điểm 2.2 mục I Thông tư liên tịch số 03/2005/TTLT-VKSTC-TANDTC ngày 01/9/2005 của Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao để xem xét việc kháng nghị, báo cáo đề nghị Viện kiểm sát cấp trên kháng nghị hoặc kiến nghị yêu cầu Tòa án khắc phục.

- Đối với các Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, quyết định trưng cầu giám định và một số quyết định khác của Tòa án khi tiếp nhận Kiểm sát viên phải nghiên cứu đầy đủ nội dung và hình thức, tập hợp khiếu nại của đương sự (nếu có) để xác định tính hợp pháp, có căn cứ của các quyết định này nếu có vi phạm thì thực hiện kiến nghị với Tòa án.

- Khi nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử, kiểm sát viên vào sổ theo dõi, nghiên cứu, đối chiếu với đơn khiếu nại của đương sự về việc thu thập chứng cứ của Tòa án (nếu có) để yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ nghiên cứu, lập hồ sơ kiểm sát và tham gia phiên tòa.

- Đối với việc dân sự: Sau khi nhận được quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự về kinh doanh thương mại và lao động kèm hồ sơ thì kiểm sát viên phải nghiên cứu, lập hồ sơ kiểm sát và tham gia phiên họp.

Quá trình nghiên cứu các quyết định, bản án hoặc hồ sơ vụ việc, trong trường hợp cần thiết để có thêm tài liệu, chứng cứ thì kiểm sát viên yêu cầu đương sự, cá nhân, tổ chức, cơ quan cung cấp hồ sơ, tài liệu vật chứng để thực hiện quyền kháng nghị theo thủ tục tố tụng được quy định tại khoản 3 Điều 85 BLTTDS.

Trường hợp Tòa án không gửi hoặc gửi chậm các bản án, quyết định giải quyết vụ việc dân sự thì Viện kiểm sát cùng cấp và cấp trên kiến nghị với Tòa án bằng văn bản.

3. Việc giải quyết đơn khiếu nại của đương sự về việc thu thập chứng cứ của Tòa án.

Khi nhận được đơn khiếu nại của đương sự về việc thu thập chứng cứ của Tòa án (do đương sự gửi trực tiếp hoặc do Tòa án thông báo) vì Viện kiểm sát phải vào sổ nhận đơn, phân công kiểm sát viên nghiên cứu đơn về các nội dung: quan hệ tranh chấp nội dung vụ việc, những quyết định, hành vi cụ thể của Tòa án trong việc thu thập chứng cứ mà đương sự khiếu nại và những yêu cầu cụ thể, tài liệu chứng cứ kèm theo. Trường hợp đương sự gửi đơn khiếu nại đến Viện kiểm sát thì Viện kiểm sát gửi đơn đến Tòa án để Tòa án chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát tham gia phiên tòa.

Trường hợp đơn không đầy đủ các thông tin cần thiết thì Viện kiểm sát hướng dẫn đương sự bổ sung. Nếu thấy cần thiết thì Viện kiểm sát yêu cầu Tòa án xác minh, làm rõ những vấn đề đương sự khiếu nại, yêu cầu phải bằng văn bản nêu rõ nội dung và thời hạn xác minh.

4. Việc kháng nghị theo thủ tục tố tụng:

Kiểm sát viên được phân công kiểm sát bản án, quyết định hoặc tham gia phiên tòa, phiên họp sơ thẩm giải quyết vụ việc dân sự về lao động, kinh doanh thương mại nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ việc, nội dung bản án, quyết định đối chiếu với những quy định của pháp luật tố tụng và nội dung để phát hiện vi phạm, báo cáo Viện trưởng ban hành kháng nghị phúc thẩm. Theo quy định của BLTTDS thì thời hạn kháng nghị phúc thẩm đối với bản án, quyết định sơ thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp rất ngắn (10, 15 ngày) kể từ khi Viện kiểm sát nhận được bản án quyết định hoặc từ khi Tòa án tuyên án mà có sự tham gia của Viện kiểm sát. Do vậy Viện kiểm sát phải tiến hành các thủ tục yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ, nghiên cứu và quyết định kháng nghị phải hết sức khẩn trương. Trường hợp phát hiện ra vi phạm nhưng thời hạn kháng nghị phúc thẩm đã hết thì Viện kiểm sát cấp dưới phải báo cáo Viện kiểm sát cấp trên xem xét kháng nghị. Trong trường hợp này Viện kiểm sát cấp trên kháng nghị hoặc không kháng nghị phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cấp dưới biết.

Đối với những bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nếu phát hiện có vi phạm pháp luật cần xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo thẩm quyền hoặc báo cáo lên Viện kiểm sát cấp trên xem xét kháng nghị.

Khi thực hiện việc kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm Viện kiểm sát các cấp cần lưu ý tính chất, vi phạm, căn cứ kháng nghị để thực hiện việc kháng nghị đảm bảo chất lượng được Hội đồng xét xử chấp thuận. Trường hợp kháng nghị không được chấp nhận Viện kiểm sát đã kháng nghị phải tổ chức nghiên cứu rút kinh nghiệm hoặc báo cáo đề nghị Viện kiểm sát cấp trên kháng nghị tiếp.

5. Một số văn bản pháp luật cần lưu ý khi thực hiện kiểm sát giải quyết vụ việc dân sự về kinh doanh thương mại, lao động.

Ngoài BLTTTDS 2004 và các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật này của TANDTC và VKSNDTC, kiểm sát viên cần nghiên cứu kỹ các văn bản sau đây:

Luật Doanh nghiệp 2005, Luật dân sự 2005, Luật thương mại 2005, Luật Nhà ở 2005, Luật sở hữu trí tuệ 2005, Bộ luật lao động 2002 và sửa đổi năm 2006, Luật chứng khoán 2006; Những quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về tranh chấp thương mại, đầu tư và sở hữu trí tuệ mà Việt Nam đã ký kết hoặc công nhận khi tham gia tổ chức này.

6. Về kiểm sát quá trình tiến hành thủ tục phá sản doanh nghiệp

Về nội dung này đề nghị các đơn vị nghiên cứu mục 5, văn bản số 04 ngày 18/01/2006 của Vụ 12 về việc hướng dẫn công tác kiểm sát giải quyết án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật năm 2006.

Năm 2006, Tòa án cấp tỉnh thụ lý và phải tiến hành giải quyết thủ tục phá sản doanh nghiệp 53 trường hợp (mới 2006 = 40, năm 2005 chuyển qua = 13).

Tuy nhiên số việc đã được Tòa án giải quyết mới 16 việc đạt 30,2% chưa giải quyết 37 việc. Như vậy số lượng về phá sản doanh nghiệp chưa giải quyết còn khá nhiều.

Khi thực hiện công tác kiểm sát giải quyết phá sản doanh nghiệp, một mặt các Viện kiểm sát phải thực hiện quyền hạn, trách nhiệm của mình như Luật định, mặt khác cần chủ động bàn bạc với Tòa án cùng cấp trong việc áp dụng pháp luật để giải quyết nhanh việc yêu cầu phá sản tại Tòa án.

Viện kiểm sát nhân dân tối cao sẽ tập hợp những vướng mắc khi thực hiện công tác kiểm sát giải quyết yêu cầu phá sản doanh nghiệp tại Tòa án sẽ có văn bản hướng dẫn riêng.

7. Về công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính

Năm 2006, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính (sửa đổi, bổ sung) và sau đó Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 04 ngày 04/8/2006 hướng dẫn thi hành một số điều Pháp lệnh nêu trên. Căn cứ vào các văn bản pháp luật này, công tác kiểm sát giải quyết án hành chính cần làm tốt nhiệm vụ quyền hạn sau:

- Kiểm sát việc thụ lý, lập hồ sơ, yêu cầu Tòa án nhân dân hoặc tự mình xác minh những vấn đề cần làm sáng tỏ nhằm giải quyết đúng đắn, vụ án quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002; khoản 1 Điều 24; khoản 1 Điều 25, khoản 1 Điều 59 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung năm 2006 (bao gồm phần sửa đổi, bổ sung và phần không sửa đổi, bổ sung).

- Khởi tố vụ án hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002; Điều 18 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung năm 2006 và mục 21 Nghị quyết 04 nêu trên. Trong trường hợp này, Viện kiểm sát phải cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh cho việc khởi tố của mình là có căn cứ và hợp pháp.

- Tham gia tất cả các phiên tòa xét xử vụ án hành chính ở trình tự sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm. Tại phiên tòa, Kiểm sát viên có nhiệm vụ kiểm sát việc chấp hành trình tự thủ tục phiên tòa của Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng khác, đồng thời Kiểm sát viên có quyền cung cấp chứng cứ mới, hỏi những người tham gia tố tụng và phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án theo quy định tại khoản 3, Điều 21 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002, Điều 18, Điều 43, Điều 63 và Điều 71 Pháp lệnh sửa đổi bổ sung năm 2006.

- Yêu cầu Tòa án nhân dân cùng cấp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định tại khoản 7 Điều 21 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002, khoản 2 Điều 33 Pháp lệnh sửa đổi bổ sung năm 2006.

- Kiểm sát các bản án, quyết định giải quyết vụ án hành chính theo quy định tại khoản 6 Điều 21 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002.

- Kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án quyết định của Tòa án nhân dân theo quy định tại Điều 22 của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002; khoản 1 Điều 55, Điều 68 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung năm 2006.

- Kiến nghị với Tòa án nhân dân cùng cấp và cấp dưới khắc phục những vi phạm pháp luật trong việc giải quyết các vụ án hành chính nếu có dấu hiệu phạm tội thì khởi tố về hình sự theo quy định tại Điều 22 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002.

Việc nghiên cứu và áp dụng pháp luật khi kiểm sát các vụ án hành chính là rất rộng ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Qua theo dõi án hành chính mấy năm nay thì lĩnh vực án hành chính nhiều là xử lý vi phạm hành chính (các khoản 1 đến 5 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính); cấp và thu hồi phép các loại (khoản 6 Điều 11 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính); lĩnh vực quản lý đất đai (khoản 17 Điều 11 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính).

Do vậy đề nghị các Viện kiểm sát địa phương tập trung nghiên cứu các quy định của pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính về những vấn đề nêu trên đồng thời phải nắm chắc những quy định của Luật khiếu nại tố cáo để được sửa đổi bổ sung năm 2005 để vận dụng về thủ tục, điều kiện khởi kiện vụ án hành chính của đương sự.

Vừa qua trên cơ sở ý kiến của một số Viện kiểm sát địa phương, Vụ 12 đã có văn bản số 117/VKSTC-V12 ngày 12/01/2007 về việc trao đổi một số vướng mắc khi áp dụng Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính. Đề nghị các Viện kiểm sát địa phương nghiên cứu thêm văn bản này để thực hiện công tác kiểm sát giải quyết án hành chính năm 2007.

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Về công tác chỉ đạo điều hành

- Viện kiểm sát nhân dân các cấp phải thực hiện nghiêm túc quy chế số 169 ngày 20/12/2004 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác thông tin báo cáo, đảm bảo mọi chỉ thị về nghiệp vụ của Viện kiểm sát cấp dưới phải thực hiện đúng thẩm quyền, thủ tục và Viện kiểm sát cấp trên phải nghiên cứu trả lời kịp thời và đúng quy định của pháp luật.

- Cán bộ kiểm sát viên ở tất cả các cấp kiểm sát khi kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự phải lập hồ sơ kiểm sát. Khi nghiên cứu hồ sơ phải thận trọng tỷ mỷ, toàn diện, thực hiện quyền năng theo tố tụng và quy chế của ngành phải có căn cứ và đúng thẩm quyền.

- Cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp cần tăng cường kiểm tra hoạt động nghiệp vụ đối với cán bộ, đơn vị thuộc quyền. Đối với những việc phức tạp có nhiều quan điểm khác nhau, cán bộ lãnh đạo cần nghiên cứu hồ sơ nếu thấy cần thiết thì báo cáo tập thể lãnh đạo Viện các cấp hoặc Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát cấp tỉnh.

2. Một số chỉ tiêu:

Viện kiểm sát được phân công làm công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự phải quản lý, nắm vững các vụ việc dân sự và án hành chính (theo từng loại án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động, việc dân sự về kinh doanh thương mại, lao động, phá sản doanh nghiệp) để giúp Viện trưởng cấp mình và Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên có số liệu chính xác phục vụ công tác của ngành, cụ thể:

- Số vụ, việc Tòa án gửi thông báo thụ lý cho Viện kiểm sát (cấp huyện và tỉnh).

- Tổng số bản án, quyết định sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm Tòa án gửi cho Viện kiểm sát số bản án, quyết định có thông báo, số bản án, quyết định không có thông báo. Trong số đó Viện kiểm sát kiến nghị, kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm; báo cáo kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm bao nhiêu vụ?

- Tổng số vụ, việc Tòa án đã giải quyết nhưng Viện kiểm sát không nhận được bản án, quyết định.

- Tổng số đơn khiếu nại về việc thu thập chứng cứ của Tòa án mà Viện kiểm sát nhận được.

- Tổng số vụ, việc Viện kiểm sát yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ theo yêu cầu của đương sự.

Tổng số vụ, việc Viện kiểm sát tham gia phiên tòa, phiên họp sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.

- Tổng số kiến nghị, yêu cầu, kháng nghị

- Tổng số vụ, việc Tòa án xử khác quan điểm với Viện kiểm sát

- Tổng số vụ, việc Tòa án cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm xử không chấp nhận kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm của Viện kiểm sát. Số vụ, việc kháng nghị tiếp.

- Tổng số vụ, việc Tòa án cấp phúc thẩm xử sửa, hủy án có Viện kiểm sát tham gia phiên tòa sơ thẩm.

Các số liệu trên Viện kiểm sát các cấp theo dõi chặt chẽ và báo cáo tháng, 6 tháng, năm và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.

3. Tăng cường công tác rút kinh nghiệm, bồi dưỡng nghiệp vụ:

Năm 2007 là năm tiếp tục theo thực hiện BLTTDS , Bộ luật dân sự năm 2005, Luật thương mại và một số văn bản pháp luật khác nên sẽ có nhiều vấn đề mới đặt ra trong quá trình thực hiện chức năng của ngành. Do vậy, Viện kiểm sát các cấp cần chú ý tổng hợp những vấn đề làm tốt, những vướng mắc, khó khăn hạn chế để rút kinh nghiệm và báo cáo Viện kiểm sát cấp trên hướng dẫn chỉ đạo chung.

Các Viện kiểm sát cấp tỉnh chưa tổ chức tập huấn Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính cho cán bộ, kiểm sát viên trong năm 2006 thì tiếp tục thực hiện trong quý I năm 2007.

Viện kiểm sát nhân dân tối cao sẽ tiếp tục tham gia với Tòa án nhân dân tối cao ban hành các Nghị quyết hướng dẫn thi hành một số quy định BLTTDS 2004. Vụ 5 và Vụ 12 Viện kiểm sát nhân dân tối cao sẽ xây dựng Quy chế nghiệp vụ về công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự và Biểu mẫu thống kê, sổ quản lý nghiệp vụ theo tinh thần BLTTDS, Pháp lệnh và thủ tục giải quyết các vụ án hành chính trình lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao ký ban hành để toàn ngành thực hiện.

Trong năm Viện kiểm sát nhân dân tối cao (do Vụ 12 chuẩn bị) sẽ tổ chức tập huấn nghiệp vụ với các nội dung: Quán triệt các văn bản mới của các ngành Trung ương hướng dẫn thi hành BLTTDS năm 2004, Quy chế nghiệp vụ mới ban hành, những quy định về giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại lao động có yếu tố nước ngoài.

Trên đây là những nội dung Vụ 12 hướng dẫn thực hiện Chỉ thị công tác năm 2007 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, các vụ việc dân sự (phần lao động và kinh doanh thương mại) và những việc khác theo quy định của pháp luật. Đề nghị các Viện kiểm sát địa phương nghiên cứu, thực hiện.

 

 

Nơi nhận:
- Viện: KSND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- 3 VKSXXPT 1, 2, 3;
- Đ/c Trí VT-VKSNDTC (thay B/c);
- Đ/c Nga -PVT-VKSTC (thay B/c);
- Lãnh đạo Vụ 12 - VKSNDTC;
- Cán bộ Vụ 12 - VKSNDTC;
- Lưu: VT (2b)-Vụ 12

TL. VIỆN TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG




Phạm Đức Thắng