Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
VỀ QUY CHẾ QUẢN LÝ HÀI HOÀ CÁC THIẾT BỊ ĐIỆN VÀ ĐIỆN TỬ CỦA ASEAN
Chính phủ các nước Brunei Darrusalam, Vương quốc Campuchia, Cộng hoà Indonesia, Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào (CHDCND Lào), Malaysia, Liên bang Myanma, Cộng hoà Philipin, Cộng hoà Singapore, Vương quốc Thái Lan và Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thuộc Hiệp hội các nước Đông Nam Á (dưới đây gọi tắt là “ASEAN” đối với toàn Hiệp hội và “nước thành viên” đối với riêng từng quốc gia)
NHẬN ĐỊNH RẰNG năm 1992 những người đứng đầu Chính phủ các quốc gia thuộc Hiệp hội ASEAN đã tuyên bố về việc sẽ thành lập Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) trong khu vực và năm 1998 đã nhất trí đẩy nhanh việc thực hiện khu vực này vào năm 2002;
GHI NHẬN Hiệp định về Hệ thống thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung (CEPT) của Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) ký ngày 28 tháng 1 năm 1992 và Nghị định sửa đổi Hiệp định này ký ngày 15 tháng 12 năm 1995 nhằm mục đích hợp tác để bổ sung và hỗ trợ cho tự do hoá thương mại bao gồm việc hài hoà các tiêu chuẩn, thừa nhận lẫn nhau các kết quả thử nghiệm và chứng nhận sản phẩm;
NHẬN ĐỊNH RẰNG Tuyên bố Hoà hợp ASEAN II (Hoà hợp Bali II) do những người đứng đầu Chính phủ các quốc gia thuộc Hiệp hội ASEAN phê chuẩn tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 9 ở Bali, Indonesia ngày 7 tháng 10 năm 2003 cam kết ASEAN sẽ hội nhập kinh tế trong nước sâu hơn và rộng hơn và gắn kết với sự tham gia của tư nhân để thiết lập một Cộng đồng kinh tế ASEAN;
NHẬN ĐỊNH RẰNG Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ là mục tiêu cuối cùng của hội nhập kinh tế ASEAN như đã đề ra trong Tầm nhìn ASEAN 2020 và Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ đưa ASEAN trở thành một thị trường và nền sản xuất chung, biến tính đa dạng là đặc điểm của khu vực thành cơ hội để hỗ trợ kinh doanh và làm cho ASEAN trở thành một bộ phận năng động và lớn mạnh hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu và trong nền kinh tế thế giới;
NHẮC LẠI các cam kết đối với Hiệp định về Rào cản Kỹ thuật trong thương mại (TBT) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ khuyến khích các Bên ký kết tiến hành đàm phán để ký kết thoả thuận thừa nhận lẫn nhau các kết quả đánh giá sự phù hợp của nhau và bắt buộc các nước khác loại bỏ những cản trở không cần thiết đối với thương mại, kể cả những vấn đề liên quan đến các quy định kỹ thuật;
NHẮC LẠI RẰNG Hiệp định khung ASEAN về các Thoả thuận thừa nhận lẫn nhau ký ngày 16 tháng 12 năm 1998 và Thoả thuận chuyên ngành thừa nhận lẫn nhau của ASEAN về thiết bị điện và điện tử ký ngày 5 tháng 4 năm 2002 nhằm tạo điều kiện để loại bỏ rào cản kỹ thuật đối với thương mại và thúc đẩy thương mại của ASEAN;
QUAN TÂM TỚI Hiệp định khung ASEAN về hội nhập các lĩnh vực ưu tiên, Nghị định thư chuyên ngành ASEAN về hội nhập đối với sản phẩm điện tử và Lộ trình hội nhập các thiết bị điện và điện tử ký ngày 29 tháng 11 năm 2004 tại Viên Chăn, CHDCND Lào.
QUAN TÂM TỚI Hướng dẫn Chính sách của ASEAN về Tiêu chuẩn và Sự phù hợp được Bộ trưởng Kinh tế các nước ASEAN thông qua ngày 28 tháng 9 năm 2005 tại Viên Chăn, CHDCND Lào.
MONG MUỐN xây dựng một Hiệp định nhằm hợp tác sâu hơn và rộng hơn trong lĩnh vực điện và điện tử để góp phần thiết lập Cộng đồng kinh tế ASEAN.
CÙNG NHẤT TRÍ CÁC ĐIỀU DưỚI ĐÂY:
Mục đích của Hiệp định về Quy chế quản lý hài hoà các thiết bị điện và điện tử của ASEAN (sau đây gọi là “Hiệp định”) là:
a) Tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các nước Thành viên nhằm bảo vệ sức khoẻ, an toàn và tài sản của con người và bảo vệ môi trường tới mức có thể, nếu những vấn đề này phát sinh do ảnh hưởng của việc buôn bán các thiết bị điện và điện tử trong ASEAN.
b) Loại bỏ những cản trở trong thương mại đối với các thiết bị điện và điện tử thông qua việc hài hoà các yêu cầu kỹ thuật và đăng ký; và
c) Thuận lợi hoá việc đàm phán để ký kết các Thoả thuận thừa nhận lẫn nhau về đánh giá sự phù hợp giữa ASEAN và các nước khác hoặc nhóm các nước (khối) khác.
ĐIỀU 2. ĐỊNH NGHĨA VÀ PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH CỦA CÁC THIẾT BỊ ĐIỆN VÀ ĐIỆN TỬ
1. Hiệp định này áp dụng cho mọi trường hợp khi các nước Thành viên tiến hành các hoạt động quản lý đối với thiết bị điện và điện tử (EEE).
2. Với mục tiêu của Hiệp định này, EEE có nghĩa là tất cả các loại thiết bị điện và điện tử mới hoặc là được nối trực tiếp hoặc được cắm vào nguồn điện hạ áp hoặc nguồn pin ắc quy, trừ các thiết bị được Điều chỉnh bởi Thoả thuận chuyên ngành thừa nhận lẫn nhau của ASEAN về đánh giá sự phù hợp các thiết bị viễn thông và không áp dụng cho các thiết bị y tế.
ĐIỀU 3. CÁC TÀI LIỆU ĐỐI VỚI CÁC THIẾT BỊ ĐIỆN VÀ ĐIỆN TỬ (EEE)
Những phụ lục sau đây là một phần không tách rời của Hiệp định này:
(i) Thuật ngữ (Phụ lục A)
(ii) Các yêu cầu thiết yếu của ASEAN đối với các thiết bị điện và điện tử (Phụ lục B)
(iii) Thủ tục đánh giá sự phù hợp hài hoà của ASEAN đối với các thiết bị điện và điện tử (Phụ lục C)
(iv) Hồ sơ kỹ thuật (Phụ lục D)
A. Đối với các nước Thành viên đã có quy chế quản lý thiết bị điện & điện tử
1. Hiệp định này yêu cầu các nước Thành viên đã có quy chế quản lý thiết bị điện và điện tử cần tiến hành các biện pháp cần thiết để có thể thực hiện đầy đủ Hiệp định này kể cả các Phụ lục nêu trong Điều 3 không chậm hơn 31 tháng 12 năm 2010, bao gồm:
a) Ban hành các luật và/hoặc các quy định kỹ thuật hoặc các điều khoản hành chính cần thiết.
b) Xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cần thiết để thực hiện Hiệp định này kể cả hệ thống giám sát thị trường có hiệu quả và/hoặc các yêu cầu pháp lý có liên quan của sản phẩm.
2. Các nước Thành viên sẽ trình Uỷ ban hỗn hợp chuyên ngành thiết bị điện & điện tử (sau đây gọi tắt là JSC EEE) qua Ban Thư ký ASEAN dự thảo các văn bản luật và/hoặc điều lệ và các điều khoản hành chính là những văn bản tạo nên Quy chế quản lý điện & điện tử lấy ý kiến góp ý của JSC EEE trong vòng 6 tháng trước khi các luật mới và/hoặc điều lệ và các điều khoản hành chính có hiệu lực. Các nước Thành viên cũng phải cho phép ít nhất 6 tháng là khoảng thời gian kể từ khi các luật mới và/hoặc các điều lệ và các điều khoản hành chính được ban hành cho đến khi các văn bản này có hiệu lực để các nhà sản xuất ở các nước xuất khẩu có điều kiện điều chỉnh sản phẩm hoặc qui trình sản xuất theo yêu cầu mới.
B. Đối với các nước Thành viên chưa có quy chế quản lý các thiết bị điện và điện tử
3. Hiệp định này không bắt buộc các nước Thành viên chưa có quy chế quản lý EEE phải xây dựng một quy chế như vậy.
4. Khi một nước Thành viên quyết định xây dựng Quy chế quản lý EEE, phải tuân thủ Hiệp định này kể cả các Phụ lục nêu trong Điều 3. Trong trường hợp này, nước Thành viên sẽ trình JSC EEE qua Ban Thư ký ASEAN dự thảo các văn bản luật và/hoặc điều lệ và điều khoản hành chính là những văn bản tạo nên Quy chế quản lý điện & điện tử lấy ý kiến góp ý trong vòng 6 tháng trước khi Quy chế quản lý mới có hiệu lực. Các nước Thành viên cũng phải cho phép ít nhất 6 tháng là khoảng thời gian kể từ khi Quy chế quản lý mới được ban hành cho đến khi Quy chế này có hiệu lực để các nhà sản xuất ở các nước xuất khẩu có điều kiện điều chỉnh sản phẩm hoặc qui trình sản xuất theo yêu cầu mới.
ĐIỀU 5. CÁC VẤN ĐỀ KHÁC LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH
1. Các nước Thành viên phải tiến hành các biện pháp cần thiết để đảm bảo các thiết bị điện & điện tử phù hợp với phụ lục B (các yêu cầu thiết yếu của ASEAN) và phải được đăng ký với các cơ quan quản lý có liên quan và nếu có yêu cầu, phải mang dấu phù hợp và/ hoặc dấu đăng ký mới được đưa ra thị trường của ASEAN.
2. Nhà cung cấp khi đưa sản phẩm EEE ra thị trường phải đảm bảo rằng sản phẩm của mình phù hợp với phụ lục B (các yêu cầu thiết yếu của ASEAN) và phải được đăng ký với các cơ quan quản lý có liên quan ở các nước Thành viên và nếu có yêu cầu, phải mang dấu phù hợp và/hoặc dấu đăng ký có liên quan.
3. Dấu phù hợp ASEAN khi sử dụng được gắn lên sản phẩm điện và điện tử để chứng tỏ rằng sản phẩm phù hợp với phụ lục B (các yêu cầu thiết yếu của ASEAN).
ĐIỀU 6. SỰ PHÙ HỢP VỚI CÁC YÊU CẦU THIẾT YẾU
1. Sản phẩm điện và điện tử lưu thông trên thị trường hoặc đưa vào sử dụng phải phù hợp với phụ lục B (các yêu cầu thiết yếu của ASEAN). Danh mục những điểm không phù hợp với phụ lục B do các nước Thành viên cung cấp được coi là không phù hợp với các luật, và/hoặc các quy định kỹ thuật hoặc Điều khoản hành chính của nước Thành viên tương ứng.
2. JSC EEE phải xác định và đạt được sự đồng thuận về danh mục các tiêu chuẩn quốc tế có liên quan sẽ sử dụng để chứng tỏ sự phù hợp của thiết bị điện & điện tử với các yêu cầu thiết yếu của ASEAN nêu trong phụ lục B (các yêu cầu thiết yếu của ASEAN). Trong trường hợp không có tiêu chuẩn quốc tế, các tiêu chuẩn khu vực hoặc quốc gia tương ứng sẽ được sử dụng theo một trình tự tương ứng. Nếu cần thiết, JSC EEE có thể bổ sung các tiêu chuẩn được chỉ định cùng với các yêu cầu quản lý hài hoà đã được thoả thuận lẫn nhau. Nếu các nước Thành viên ASEAN sử dụng các phiên bản khác nhau của tiêu chuẩn quốc tế, hoặc có nhiều tiêu chuẩn được áp dụng cho các thiết bị điện & điện tử cụ thể, thì JSC EEE sẽ xem xét để chỉ định một số tiêu chuẩn áp dụng cho các thiết bị điện và điện tử này. Ban thư ký ASEAN chịu trách nhiệm lưu trữ danh mục các tiêu chuẩn tương ứng và các yêu cầu quản lý hài hoà.
3. Với mục đích chấp nhận lẫn nhau các kết quả thử và/hoặc chứng nhận nhằm thuận lợi hoá thương mại trong ASEAN, các tổ chức đánh giá sự phù hợp (CABs) do Uỷ ban hỗn hợp chuyên ngành điện và điện tử (JSC EE MRA) chỉ định (JSC EE MRA này sẽ được thay thế bằng JSC EEE như đã nêu trong điều 12 của Hiệp định này), phải tiến hành đánh giá sự phù hợp của các thiết bị điện & điện tử với các tiêu chuẩn đã chỉ định và các yêu cầu quản lý hài hoà quy định trong phần 2 nêu trên.
Để tránh những khó khăn không cần thiết khi sản phẩm điện và điện tử thuộc đối tượng quản lý phù hợp với phụ lục B (các yêu cầu thiết yếu của ASEAN), cơ quan quản lý có thẩm quyền (Regulatory Authority) của các nước Thành viên phải tiến hành việc đăng ký không chậm hơn 5 ngày làm việc hoặc 7 ngày theo lịch, tuỳ thuộc vào tình huống nào dài hơn, kể từ khi nhà cung cấp đệ trình giấy chứng nhận sự phù hợp (CoC) và các yêu cầu về hành chính nếu có.
1. Nhà cung cấp khi đưa sản phẩm điện & điện tử ra thị trường chịu trách nhiệm lập, cung cấp và lưu trữ hồ sơ kỹ thuật của thiết bị điện và điện tử phù hợp với các quy định ở phụ lục D để cơ quan quản lý có thẩm quyền ở nước Thành viên liên quan có thể tiếp cận và đọc được.
2. Nhà cung cấp chịu trách nhiệm lưu trữ hồ sơ kỹ thuật không ít hơn 10 năm kể từ khi loạt sản phẩm cuối cùng được xuất đi từ dây chuyền sản xuất.
3. Tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định ở mỗi nước Thành viên phải lưu trữ hồ sơ kỹ thuật của sản phẩm điện và điện tử thuộc đối tượng quản lý đã được thử nghiệm hoặc được chứng nhận phù hợp với phụ lục B (các yêu cầu thiết yếu của ASEAN) không ít hơn 6 năm kể từ ngày giấy chứng nhận phù hợp không còn giá trị (CoC).
ĐIỀU 9. QUYỀN CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ CÓ THẨM QUYỀN
1. Không có Điều nào trong Hiệp định này ngăn cản cơ quản quản lý có thẩm quyền ở một nước Thành viên tiến hành các biện pháp thích hợp và kịp thời trên lãnh thổ của mình khi phát hiện thấy các thiết bị điện và điện tử đã đăng ký có biểu hiện nguy hiểm đến sức khỏe con người, an toàn, môi trường và tài sản hoặc không thoả mãn các yêu cầu của Hiệp định này.
2. Cơ quan quản lý có thẩm quyền của nước Thành viên có liên quan phải thông báo kịp thời cho các cơ quan có thẩm quyền tương ứng ở các nước Thành viên khác và Ban thư ký ASEAN về các biện pháp trên, chỉ ra những lý do đưa ra các quyết định trong bất kỳ trường hợp nào sau đây:
a) Không phù hợp với phụ lục B (các yêu cầu thiết yếu của ASEAN);
b) Áp dụng không đúng các tiêu chuẩn đã quy định;
c) Có những thiếu sót trong các tiêu chuẩn được chỉ định; và
d) Xảy ra tai nạn liên quan đến các thiết bị điện và điện tử đã đăng ký.
ĐIỀU 10. CÁC LĨNH VỰC HỢP TÁC KHÁC
Các nước Thành viên sẽ củng cố và tăng cường các nỗ lực hợp tác hiện có trong lĩnh vực điện và điện tử và hợp tác trong các lĩnh vực không thuộc phạm vi Điều chỉnh bởi các thoả thuận hợp tác hiện hành, bao gồm nhưng không hạn chế đối với những lĩnh vực sau:
a) Thiết lập hoặc cải tiến năng lực hạ tầng liên quan đến thiết bị điện và điện tử; và
b) Khuyến khích và thúc đẩy hợp tác liên quan đến:
(i) Đăng ký nhãn và đăng ký sản phẩm điện & điện tử;
(ii) Thử nghiệm và chứng nhận các sản phẩm điện và điện tử và công nhận và chỉ định các tổ chức đánh giá sự phù hợp (CABs); và
(iii) Tham gia cảnh báo an toàn các thiết bị điện và điện tử nếu thích hợp.
ĐIỀU 11. GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP
Bất kỳ sự khác biệt nào giữa các nước Thành viên liên quan đến cách hiểu hoặc thực hiện Hiệp định này, kể cả các Phụ lục sẽ được giải quyết một cách thân thiện bằng bàn bạc giữa các nước Thành viên có bất đồng. Uỷ ban hỗn hợp chuyên ngành các thiết bị điện và điện tử nếu có thể, và nếu được các nước thành viên có bất đồng nhất trí, sẽ hỗ trợ để giải quyết những bất đồng này. Nếu việc giải quyết không đạt kết quả, thì vụ việc sẽ được giải quyết theo Hiệp định về Cơ chế giải quyết tranh chấp của ASEAN nâng cao ký ngày 29 tháng 11 năm 2004 tại Viên Chăn, CHDCND Lào.
1. JSC EEE chịu trách nhiệm thực hiện có hiệu quả Hiệp định này, bao gồm nhưng không hạn chế, đối với việc Điều phối, xem xét và giám sát việc thực hiện Hiệp định này, kể cả các Phụ lục.
2. JSC EEE trong quá trình thực hiện chức năng của mình, sẽ đưa ra các quyết định và thông qua những điều lệ và các quy trình của mình theo phương pháp đồng thuận.
3. JSC EEE sẽ thành lập hoặc tham vấn với bất kỳ cơ quan hoặc các cơ quan nào để tư vấn về bất kỳ vấn đề khoa học và kỹ thuật nào trong lĩnh vực điện và điện tử.
4. JSC EEE cũng sẽ đảm nhiệm vai trò của JSC EE MRA trong việc chỉ định, đình chỉ, thu hồi và giám sát các phòng thử nghiệm và/ hoặc cơ quan chứng nhận phù hợp với Hiệp định này và Thoả thuận chuyên ngành thừa nhận lẫn nhau các thiết bị điện và điện tử của ASEAN.
5. Uỷ ban tư vấn về Tiêu chuẩn và Chất lượng của ASEAN (ACCSQ) và Ban Thư ký ASEAN sẽ hỗ trợ JSC EEE trong việc điều hành và giám sát việc thực hiện Hiệp định này kể cả các Phụ lục và giúp JSC EEE trong tất cả các vấn đề có liên quan.
1. Hiệp định này có hiệu lực kể từ ngày Chính phủ tất cả các nước ký kết công bố văn kiện phê chuẩn hoặc chấp nhận Hiệp định cho Tổng thư ký ASEAN.
2. Các Điều khoản của Hiệp định này có thể được sửa đổi với sự nhất trí bằng văn bản của tất cả các nước Thành viên. Tất cả các điều sửa đổi sẽ có hiệu lực kể từ ngày có được sự thoả thuận nêu trên.
3. Hiệp định này được lưu ký tại Tổng thư ký ASEAN và Tổng thư ký sẽ trao cho mỗi nước thành viên một bản sao đã được xác nhận.
Hiệp định về Quy chế quản lý hài hoà các thiết bị điện và điện tử của ASEAN được những người với đầy đủ thẩm quyền là đại diện của Chính phủ của họ ký tên dưới đây.
Hiệp định này được ký tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 9 tháng 12 năm 2005 với một bản duy nhất bằng tiếng Anh.
THAY MẶT CHÍNH PHỦ BRUNEI DARUSALAM
……………………………………………..
BỘ TRƯỞNG NGOẠI GIAO VÀ THƯƠNG MẠI
THAY MẶT CHÍNH PHỦ VƯƠNG QUỐC CAMPUCHIA
…………………………………………………
Cham Prasidh
BỘ TRƯỞNG THƯƠNG MẠI
THAY MẶT CHÍNH PHỦ CỘNG HOÀ INDONESIA
………………………………………………
Mari Elka Pangestu
BỘ TRƯỞNG THƯƠNG MẠI
THAY MẶT CHÍNH PHỦ CỘNG HOÀ DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO
………………………………………………
Soulivong Daravong
BỘ TRƯỞNG THƯƠNG MẠI
THAY MẶT CHÍNH PHỦ MALAYSIA
……………………………………………….
Rafidah Aziz
BỘ TRƯỞNG THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ VÀ CÔNG NGHIỆP
THAY MẶT CHÍNH PHỦ LIÊN BANG MYANMA
……………………………………………….
Soe Tha
BỘ TRƯỞNG KẾ HOẠCH QUỐC GIA VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ
THAY MẶT CHÍNH PHỦ CỘNG HOÀ PHILIPIN
……………………………………………………..
Cear V.Purisma
THƯ KÝ THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP
THAY MẶT CHÍNH PHỦ CỘNG HOÀ SINGAPORE
……………………………………………..
Lim Hng Kiang
BỘ TRƯỞNG THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP
THAY MẶT CHÍNH PHỦ VƯƠNG QUỐC THÁI LAN
…………………………………………………….
Watana Muangsook
BỘ TRƯỞNG THƯƠNG MẠI
THAY MẶT CHÍNH PHỦ CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
……………………………………………………….
Truong Dinh Tuyen
BỘ TRƯỞNG THƯƠNG MẠI
Các thuật ngữ chung sử dụng trong Hiệp định này có nội dung ý nghĩa theo các định nghĩa nêu trong Hướng dẫn số 2 (xuất bản năm 2004) và tiêu chuẩn 17000 (xuất bản năm 2004) của Tổ chức Tiêu chuẩn hoá quốc tế (ISO)và Uỷ ban Kỹ thuật điện quốc tế (IEC) hoặc các phiên bản mới nhất ngoại trừ các thuật ngữ được định nghĩa dưới đây:
“Đánh giá sự phù hợp” là việc xem xét một các hệ thống để xác định mức độ mà một sản phẩm, quá trình hoặc dịch vụ đáp ứng được các yêu cầu quy định.
“Tổ chức đánh giá sự phù hợp” là một tổ chức mà hoạt động và kinh nghiệm chuyên môn của nó có thể thực hiện được tất cả hoặc một phần quá trình đánh giá sự phù hợp ngoại trừ việc công nhận.
“Cơ quan có thẩm quyền” là đơn vị thực hiện chức năng pháp lý hoặc hành chính để kiểm soát việc nhập khẩu, sử dụng hoặc bán sản phẩm trong phạm vi quyền hạn của nước Thành viên và có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế để đảm bảo các sản phẩm được lưu thông trong phạm vi quyền hạn của nước thành viên đó phù hợp với các quy định pháp pháp lý hoặc hành chính.
“Chỉ định” là sự giao quyền của một Cơ quan Chỉ định cho một Tổ chức đánh giá sự phù hợp để thực hiện các hoạt động đánh giá sự phù hợp đã được xác định trong Hiệp định này.
“Cơ quan chỉ định” là cơ quan được nước Thành viên cử ra có trách nhiệm xác định, chỉ định và giám sát các tổ chức đánh giá sự phù hợp theo quy định trong Hiệp định này.
“Các quy định bắt buộc” là các quy định kỹ thuật, các điều khoản pháp lý và quản lý, các thoả thuận hành chính điều chỉnh bởi Hiệp định này của một nước Thành viên đối với việc thử nghiệm hoặc chứng nhận thiết bị điện và điện tử mà sự phù hợp với chúng là bắt buộc.
“Giấy chứng nhận sự phù hợp” là tài liệu do các Tổ chức chứng nhận sự phù hợp phát hành theo các điều lệ của hệ thống chứng nhận để tin tưởng rằng sản phẩm, quá trình hoặc dịch vụ hoàn toàn phù hợp với các quy định
“Đăng ký” là quá trình do cơ quan quản lý đăng ký có thẩm quyền tiến hành đối với sản phẩm là đối tưọng quản lý trên cơ sở Giấy chứng nhận sự phù hợp do Tổ chức chứng nhận sự phù hợp ban hành sau khi nhận được yêu cầu của nhà cung cấp. Để tránh nghi ngờ,
“Đăng ký” không đòi hỏi bất kỳ hoạt động đánh giá sự phù hợp nào do cơ quan quản lý có thẩm quyền tương ứng thực hiện ngoài việc đánh giá sự phù hợp do Tổ chức đánh giá sự phù hợp tiến hành.
“Dấu đăng ký” là dấu hiệu cho biết sản phẩm là đối tượng quản lý đã được đăng ký với cơ quan quản lý có thẩm quyền theo hệ thống đăng ký sản phẩm bắt buộc của nước Thành viên nếu có yêu cầu.
“Nhà cung cấp” là người (có nguồn gốc và tư cách pháp nhân) đưa sản phẩm ra thị trường. Người cung cấp bao gồm cả nhà nhập khẩu, nhà sản xuất và thương nhân.
“Hồ sơ kỹ thuật” là bộ tài liệu mà nhà cung cấp có nghĩa vụ phải duy trì theo quy định của pháp luật và là bộ tài liệu chứng tỏ rằng sản phẩm bắt buộc đã được thử nghiệm và chứng nhận phù hợp với phụ lục B (các yêu cầu thiết yếu của ASEAN).
“Các yêu cầu quản lý hài hoà” là những quy định bắt buộc do JSC EEE xây dựng dựa trên đề xuất của các cơ quan quản lý ở các nước Thành viên. Các quy định đó là:
(i) Định rõ:
- Nguồn điện áp và tần số chính
- Cấu hình phích cắm chính
- Điều kiện môi trường
(ii) Cung cấp thông tin:
- Giải thích kịp thời nếu các tiêu chuẩn chỉ định không rõ ràng hoặc mập mờ
- Có những quy định bổ sung nếu các tiêu chuẩn chỉ định không hiệu quả “Thiết bị mới” không phải là thiết bị đã qua sử dụng, được tu bổ hoặc tân trang lại.
“Nguồn điện hạ thế” là nguồn điện với mức điện áp từ 50V đến 1000V đối với dòng điện xoay chiều và từ 75V đến 1500 V đối với dòng điện một chiều.
“Thiết bị điện và điện tử sản xuất tại ASEAN” là sản phẩm được sản xuất bởi nhà sản xuất hợp nhất và hoạt động trên lãnh thổ của ASEAN, tiến hành các hoạt động sản xuất và chịu trách nhiệm về chất lượng của sản phẩm có liên quan.
CÁC YÊU CẦU THIẾT YẾU CỦA ASEAN ĐỐI VỚI THIẾT BỊ ĐIỆN VÀ ĐIỆN TỬ LÀ ĐỐI TưỢNG QUẢN LÝ
Các luật và/hoặc các quy định kỹ thuật và các điều khoản hành chính của các nước thành viên sẽ phù hợp với một hoặc một số các yêu cầu thiêt yếu sau đây:
1. Bất kỳ các thiết bị điện và điện tử nào là đối tượng quản lý (regulated EEE) lưu thông trên thị trường phải không được gây nguy hiểm cho sức khoẻ con người, cho sự an toàn hoặc không được gây thiệt hại cho tài sản khi sử dụng ở điều kiện bình thường cũng như trong các điều kiện không bình thường được dự đoán trước, đặc biệt là, khi trưng bày sản phẩm, ghi nhãn, hướng dẫn để sử dụng và để bán, khi cảnh báo cũng như bất kỳ các chỉ dẫn hoặc thông tin nào khác do nhà sản xuất hoặc do đại lý được nhà sản xuất uỷ quyền hoặc do bất kỳ người nào chịu trách nhiệm về việc đưa sản phẩm ra thị trường cung cấp.
2. Các thiết bị điện và điện tử lưu thông trên thị trường phải không được gây hư hỏng hoặc huỷ hại môi trường trong những điều kiện hợp lý. Có thể có những trường hợp, mong muốn cải thiện môi trường và sử dụng khôn khéo và hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên đòi hỏi phải thiết lập và áp dụng các quy dịnh kỹ thuật bổ sung.
3. Các thiết bị điện và điện tử phải được thiết kế sao cho sự nhiễu loạn điện từ không vượt quá giới hạn có thể gây nhiễu loạn điện từ tới mọi vật trong môi trường đó và cho phép các thiết bị radio và viễn thông hoặc thiết bị điện và điện tử hoạt động bình thường. Thêm vào đó, các thiết bị điện và điện tử phải có mức độ miễn nhiễm nhiễu loạn điện từ hợp lý để có thể hoạt động như mong đợi.
THỦ TỤC ĐÁNH GIÁ SỰ PHÙ HỢP HÀI HOÀ CỦA ASEAN ĐỐI VỚI THIẾT BỊ ĐIỆN VÀ ĐIỆN TỬ
1. Cơ quan chỉ định và tổ chức được chỉ định để đánh giá sự phù hợp
1.1 Cơ quan chỉ định và năng lực cũng như những chuẩn mực để chỉ định Tổ chức đánh giá sự phù hợp (Thử nghiệm và Chứng nhận) được quy định trong Thoả thuận thừa nhận lẫn nhau chuyên ngành của ASEAN về thiết bị điện và điện tử ký ngày 5 tháng 4 năm 2002. Phạm vi chỉ định đối với các Tổ chức đánh giá sự phù hợp (CABs) theo Hiệp định này do JSC EEE quyết định căn cứ vào các tiêu chuẩn được chỉ định và các yêu cầu quản lý hài hoà. Việc chấp nhận các báo cáo thử nghiệm và/hoặc giấy chứng nhận sự phù hợp do Tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định (CABs) phát hành cho các sản phẩm của các nước Thành viên tham gia Hiệp định được tiến hành như sau:
a) Báo cáo thử nghiệm và giấy chứng nhận sự phù hợp do CABs phát hành cho thiết bị điện và điện tử sản xuất tại các nước ASEAN sẽ được thừa nhận lẫn nhau tại tất cả các nước Thành viên tham gia Hiệp định.
b) Đối với thiết bị điện và điện tử sản xuất ngoài phạm vi ASEAN, các báo cáo thử
nghiệm và/hoặc giấy chứng nhận sự phù hợp do các CABs được chỉ định phát hành có thể được thừa nhận theo những Thoả thuận riêng được các nước thành viên có liên quan tham gia ký kết.
1.2 Kết quả thử nghiệm và/hoặc giấy chứng nhận sự phù hợp do các CABs nằm ngoài ASEAN phát hành mà phù hợp với các quy định của Hiệp định này có thể được chấp nhận với điều kiện ASEAN có tham gia Hiệp định thừa nhận lẫn nhau với nước hoặc các nước có các CABs nêu trên đang hoạt động tại đó.
2. Quy trình đánh giá sự phù hợp hài hoà
2.1 Để đảm bảo chắc chắn và duy trì sự phù hợp với phụ lục B (các yêu cầu thiết yếu của ASEAN) và ngăn ngừa việc đưa ra thị trường ASEAN các thiết bị điện và điện tử không phù hợp, Hệ thống Chứng nhận 1 hoặc 5 của ISO sẽ được chấp nhận đối với danh mục các thiết bị điện và điện tử đã thoả thuận. Các qui trình chứng nhận quy định trong Hướng dẫn ISO/IEC 67:2004 “Đánh giá sự phù hợp - Nguyên tắc cơ bản của chứng nhận sản phẩm”, Hướng dẫn ISO/IEC 53:2005 “Đánh giá sự phù hợp- Hướng dẫn sử dụng hệ thống quản lý chất lượng của tổ chức cho chứng nhận sản phẩm” và Hướng dẫn ISO/IEC
28:2004 “Đánh giá sự phù hợp – Hướng dẫn về hệ thống chứng nhận bên thứ ba đối với sản phẩm” hoặc những phiên bản mới nhất của các Hướng dẫn trên phải được tuân thủ.
3. Cấp giấy chứng nhận sự phù hợp
3.1 Tổ chức chứng nhận sự phù hợp được chỉ định phải cấp giấy chứng nhận sự phù hợp (CoC) cho các EEE đã được chứng nhận là phù hợp với các yêu cầu thiết yếu của ASEAN theo 1.1 và 1.2 của Hiệp định này.
3.2 Giấy chứng nhận sự phù hợp được cấp sẽ có hiệu lực tối đa là 3 năm kể từ ngày cấp. Sau thời hạn đó, nhà cung cấp phải đề nghị cấp lại giấy chứng nhận sự phù hợp.
4. Dấu phù hợp và dấu đăng ký
Bất kỳ thiết bị điện và điện tử nào được chứng nhận phù hợp với phụ lục B (các yêu cầu thiết yếu của ASEAN) phải được đăng ký tại cơ quản quản lý có thẩm quyền liên quan và nếu có yêu cầu thì mang dấu phù hợp và/hoặc dấu đăng ký tương ứng.
5. Thiết bị điện và điện tử không phù hợp
5.1 Nếu cơ quan quản lý có thẩm quyền ở một nước Thành viên phát hiện thấy một EEE không phù hợp với Phụ lục B (các yêu cầu thiết yếu của ASEAN) thì phải thông báo ngay cho nhà chức trách ở các nước Thành viên khác và Ban thư ký ASEAN về EEE không phù hợp đó.
5.2 Mỗi nước Thành viên có thể tự quy định thủ tục riêng để giải quyết các EEE không phù hợp như thu hồi, đăng ký lạiv.v
Hồ sơ kỹ thuật bao gồm các tài liệu sau:
1. Giấy chứng nhận sự phù hợp (CoC)
2. Báo cáo thử nghiệm bằng tiếng Anh khẳng định sự phù hợp hoàn toàn với các tiêu chuẩn được chỉ định và các yêu cầu quản lý hài hoà
3. Mạng điện/sơ đồ đấu dây hoặc hướng dẫn sử dụng (sơ đồ đấu dây phải chỉ ra các giá trị của linh kiện hoặc đối với phương án thay thế, là hoá đơn các nguyên vật liệu/danh mục các bộ phận)
4. Ảnh màu mô tả ngoại hình (toàn bộ, trước, sau, đỉnh, bên của EEE, nhãn hiệu cơ sở sản xuất, nhãn ghi các thông số, phích cắm, nguồn . ) và hình bên trong (các linh kiện an toàn quan trọng)
5. Nhãn ghi các thông số (bản gốc, ảnh rõ hoặc chế bản)
6. Hướng dẫn sử dụng (ít nhất phải bằng tiếng Anh)
7. Hồ sơ sửa đổi, nếu có.
Hiệp định về quy chế quản lý hài hoà các thiết bị điện và điện tử của ASEAN
- Số hiệu: Khongso
- Loại văn bản: Điều ước quốc tế
- Ngày ban hành: 09/12/2005
- Nơi ban hành: Chính phủ các nước, Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- Người ký: Trương Đình Tuyển, CHAM PRASIDH, MARI ELKA PANGESTU, SOULIVONG DARAVONG, RAFIDAH AZIZ, CESAR V. PURISIMA, LIM HNG KIANG, WATANA MUANGSOOK, Soe Tha
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra