Hệ thống pháp luật

HIỆP ĐỊNH

HỢP TÁC VĂN HOÁ GIỮA CHÍNH PHỦ CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ CỘNG HOÀ LIÊN BANG ĐỨC

Chính phủ Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hoà Liên bang Đức;

Với lòng mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị giữa hai Bên, phát triển và tăng cường sự hợp tác trong các lĩnh vực văn hoá và khoa học;

Đã thoả thuận như sau:

Điều 1.

Hai Bên cam kết hợp tác với nhau trong các lĩnh vực văn hoá và khoa học theo các nguyên tắc tôn trọng độc lập và chủ quyền của nhau, bình đẳng và cùng có lợi nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau về nền văn hoá. Hai Bên sẽ giúp đỡ lẫn nhau trong việc đạt được mục tiêu này.

Điều 2.

1. Hai Bên sẽ tạo điều kiện dễ dàng và khuyến khích việc xây dựng và hoạt động của các cơ sở văn hoá của Bên kia ở nước mình trong khuôn khổ các quy định pháp lý hiện hành của mình và theo các điều kiện mà hai Bên sẽ thoả thuận.

2. Các cơ sở văn hoá theo tinh thần của khoản 1 trước hết là các viện văn hoá, trường học và cơ sở giáo dục ngoài học đường, thư viện và các cơ quan khoa học và văn hoá tương tự.

3. Trong khuôn khổ các quy định pháp lý hiện hành ở nước tiếp nhận, hai Bên bảo đảm cho các cán bộ được cử đến các cơ sở này cũng như thân nhân do họ nuôi dưỡng mọi sự dễ dàng cần thiết cho việc thực hiện nhiệm vụ của họ khi xuất và nhập cảnh, chuyển đến và chuyển đi các tài sản của họ cũng như cấp giấy phép làm việc và lưu trú cần thiết. Ngoài ra hai Bên sẽ cố gắng miễn thuế và các khoản thu nộp khác, trong chừng mực các điều luật và nghị định hiện hành của mỗi Bên cho phép, cho các cơ sở và cán bộ được cử đến công tác đã nêu trong khoản 2.

4. Các chi tiết tiếp theo về quy chế của các cơ sở văn hoá và các cán bộ được cử đến các cơ sở đó sẽ được thoả thuận riêng nếu một trong hai Bên thấy cần thiết.

Điều 3.

Để khuyến khích sự hợp tác dưới mọi hình thức trong lĩnh vực khoa học và giáo dục, bao gồm cả các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu, các trường phổ thông và dạy nghề, các tổ chức và cơ sở đào tạo và bồi dưỡng tay nghề ngoài học đường cho người lớn, các cơ quan quản lý trường học và dạy nghề cũng như các cơ sở giáo dục và nghiên cứu khác, hai Bên sẽ cố gắng:

1. Khuyến khích cử đoàn qua lại để thông tin và trao đổi kinh nghiệm;

2. Khuyến khích việc trao đổi các nhà khoa học, cán bộ quản lý đại học, cán bộ giảng dạy, cán bộ đào tạo, sinh viên và học sinh đi trao đổi thông tin, học tập, nghiên cứu và đào tạo;

3. Khuyến khích việc trao đổi tài liệu khoa học, sư phạm và khoa học đào tạo, tài liệu giảng dạy, trực quan, thông tin và các phim dùng cho giảng dạy cũng như việc tổ chức các cuộc triển lãm chuyên môn tương ứng.

Điều 4.

1. Trong khuôn khổ khả năng của mình, hai Bên sẽ cấp học bổng cho các sinh viên và nhà khoa học giỏi của Bên kia đi đào tạo nâng cao trình độ hoặc thực hiện các công trình nghiên cứu.

2. Hai Bên nhất trí rằng, việc sử dụng các biện pháp đào tạo và bồi dưỡng, và đặc biệt là các chương trình nghiên cứu phục vụ cho mục đích này, sẽ được quyết định bởi sự công nhận thoả đáng ở nước cử đi đối với chứng chỉ về trình độ đã đạt được trong thời gian đào tạo và bồi dưỡng.

3. Do đó hai Bên, nếu một Bên yêu cầu, sẽ tiến hành tham khảo ý kiến để bảo đảm việc công nhận chứng chỉ trình độ đã đạt được trong thời gian đào tạo và bồi dưỡng theo phương thức là trình độ đó tạo điều kiện cho người đã đi học hoạt động nghề nghiệp và phát triển ở mức độ phù hợp với trình độ chuyên môn đã đạt được.

Điều 5.

Hai Bên sẽ cố gắng khuyến khích việc nghiên cứu ngôn ngữ văn hoá và văn học của Bên kia.

Điều 6.

Để tạo điều kiện cho mỗi Bên hiểu biết tốt hơn về nền nghệ thuật, văn học và các lĩnh vực liên quan của Bên kia, hai Bên sẽ cố gắng thực hiện trên cơ sở hỗ tương các biện pháp tương ứng và giúp đỡ lẫn nhau theo khả năng của mình, đặc biệt là:

1. Trong các chuyến đi biểu diễn của các nghệ sĩ và các đoàn nghệ thuật, trong việc tổ chức các buổi hoà nhạc và biểu diễn sân khấu cũng như trong các cuộc biểu diễn nghệ thuật khác;

2. Trong việc tổ chức các cuộc triển lãm cũng như tổ chức các buổi thuyết trình và giảng bài;

3. Trong việc tổ chức các chuyến đi thăm của các nghệ sĩ, kiến trúc sư và cán bộ các nhà xuất bản, thư viện, bảo tàng và viện lưu trữ cũng như các đại diện khác của đời sống văn hoá nhằm phát triển sự hợp tác, trao đổi kinh nghiệm hoặc phục vụ cho các mục đích thông tin;

4. Trong việc khuyến khích các mối quan hệ thuộc lĩnh vực xuất bản, thư viện, lưu trữ và bảo tàng cũng như trong trao đổi chuyên gia và tài liệu;

5. Trong việc ấn hành các bản dịch của các tác phẩm văn học, sách báo khoa học và chuyên môn.

Điều 7.

1. Trong lĩnh vực điện ảnh, vô tuyến truyền hình và phát thanh, theo khả năng của mình, hai Bên sẽ khuyến khích sự hợp tác văn hoá giữa các cơ sở có liên quan cũng như việc trao đổi phim và các phương tiện nghe nhìn khác có thể phục vụ cho các mục tiêu của Hiệp định này;

2. Hai Bên khuyến khích việc trao đổi các phóng viên và cán bộ xuất bản cũng như các thông tin và ấn phẩm về nước bên kia.

Điều 8.

Hai Bên sẽ cố gắng khuyến khích việc trao đổi thanh niên cũng như sự hợp tác giữa các tổ chức thanh niên và các cơ sở đào tạo thanh niên ngoài học đường.

Điều 9.

Hai Bên sẽ khuyến khích các cuộc gặp gỡ giữa các vận động viên và các đội thể thao (kể cả của các trường phổ thông và đại học) và sẽ cố gắng khuyến khích sự hợp tác giữa các tổ chức thể thao của mình.

Điều 10.

Tuỳ theo nhu cầu hoặc theo đề nghị của một Bên, đại diện của hai Bên sẽ luân phiên gặp nhau ở một trong hai nước để đánh giá kết quả việc trao đổi đã được tiến hành trong khuôn khổ Hiệp định này và thảo ra những khuyến nghị cho việc hợp tác văn hoá tiếp theo.

Điều 11.

Hiệp định này cũng có hiệu lực đối với bang Béclin, nếu như ba tháng sau khi Hiệp định có hiệu lực, Chính phủ Cộng hoà Liên bang Đức không trao cho chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam một tuyên bố trái ngược lại.

Điều 12.

Hiệp định này có hiệu lực khi hai Bên thông báo cho nhau biết đã hoàn thành các điều kiện trong nước của mỗi Bên để Hiệp định có hiệu lực. Ngày nhận được thông báo cuối cùng được coi là ngày Hiệp định có hiệu lực.

Điều 13.

Hiệp định này được ký cho thời gian là 5 năm và sau đó mặc nhiên được gia hạn cho một thời gian tương tự, nếu một Bên không tuyên bố huỷ bỏ bằng văn bản ít nhất là 6 tháng trước khi Hiệp định hết hạn.

Làm tại Bonn ngày 10 tháng 5 năm 1990 bằng hai bản gốc, mỗi bản bằng tiếng Việt Nam và tiếng Đức, cả hai văn bản đều có giá trị như nhau.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Hiệp định về hợp tác văn hoá giữa Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hoà Liên bang Đức

  • Số hiệu: Khôngsố
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 10/05/1990
  • Nơi ban hành: Chính phủ Cộng hoà Liên bang Đức, Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
  • Người ký: Người ký:
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản