BỘ NGOẠI GIAO |
|
Số: 53/2010/SL-LPQT | Hà Nội, ngày 12 tháng 10 năm 2010 |
Hiệp định sửa đổi Hiệp định vận tải hàng không giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, ký tại Hà Nội, ngày 18 tháng 5 năm 2010. Có hiệu lực kể từ ngày 04 tháng 10 năm 2010./.
| TL. BỘ TRƯỞNG |
Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chúng quốc Hoa kỳ (sau đây gọi là “các Bên”),
Đã thỏa thuận sửa đổi Hiệp định vận tải hàng không giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, ký tại Oa-sinh-tơn ngày 04/12/2003 (sau đây gọi là “Hiệp định”) như sau:
Điều 17 (Có hiệu lực) của Hiệp định sẽ được sửa đổi như sau:
“Hiệp định này sẽ có hiệu lực khi hoàn tất việc trao đổi công hàm giữa các Bên xác nhận rằng mỗi Bên đã hoàn thành các thủ tục nội bộ cần thiết cho việc hiệu lực của Hiệp định này. Hiệp định này sẽ có hiệu lực cho đến hết ngày 31/3/2012, và có thể được kéo dài bằng thỏa thuận bằng văn bản của các Bên.”
“PHỤ LỤC I
VẬN TẢI HÀNG KHÔNG THƯỜNG LỆ
Phần 1
ĐƯỜNG BAY
Các hãng hàng không của mỗi Bên được chỉ định theo Phụ lục này sẽ được quyền thực hiện vận tải hàng không quốc tế thường lệ, theo các quy định của việc chỉ định, giữa các điểm trên các đường bay sau đây:
A. Đường bay của một hay các hãng hàng không do Chính phủ Hoa Kỳ chỉ định:
1. Từ các điểm phía sau Hoa Kỳ qua Hoa Kỳ và các điểm giữa đến một điểm hoặc các điểm tại Việt Nam và điểm quá.78 CÔNG BÁO/Số 607 + 608 ngày 26-10-2010
2. Đối với (các) chuyến bay chở hàng, giữa Việt Nam và bất kỳ (các) điểm nào.
B. Đường bay của một hay các hãng hàng không do Chính phủ Việt Nam chỉ định:
1. Từ các điểm phía sau Việt Nam qua Việt Nam và các điểm giữa đến một điểm hoặc các điểm tại Hoa Kỳ và điểm quá.
2. Đối với (các) chuyến bay chở hàng, giữa Hoa Kỳ và bất kỳ (các) điểm nào.
Phần 2
KHAI THÁC LINH HOẠT
Mỗi hãng hàng không được chỉ định, trên bất kỳ hay tất cả các chuyến bay và theo quyết định của mình, có thể:
1. Khai thác các chuyến bay theo một hay cả hai chiều;
2. Kết hợp nhiều số hiệu chuyến bay vào một hoạt động khai thác tàu bay;
3. Bay tới các điểm sau, giữa và quá và các điểm trong lãnh thổ của các Bên trên các đường bay với bất cứ sự kết hợp nào và theo bất cứ trật tự nào;
4. Hủy bỏ các điểm dừng tại bất cứ điểm hay các điểm nào; và
5. Chuyển tải từ bất kỳ tàu bay nào của mình sang các tàu bay khác của mình tại bất kỳ điểm nào trên đường bay; và
6. Bay các điểm phía sau bất cứ điểm nào trên lãnh thổ của mình thay đổi hoặc không thay đổi loại tàu bay hoặc số hiệu chuyến bay và có thể tiếp thị và quảng cáo các chuyến bay đó đến công chúng như là các chuyến bay trực thông; mà không chịu bất cứ giới hạn nào về hướng và địa lý và không mất đi bất cứ quyền vận chuyển nào được phép theo Hiệp định này, với điều kiện, trừ các chuyến bay vận chuyển hàng hóa, chuyến bay đó phục vụ một điểm trong lãnh thổ của Bên chỉ định hãng hàng không đó.
Phần 3
THAY ĐỔI TÀU BAY
Trên một hay các chặng của các đường bay nói trên, bất cứ hãng hàng không được chỉ định nào cũng có thể thực hiện vận tải hàng không quốc tế mà không bị các giới hạn về thay đổi, tại bất cứ điểm nào trên đường bay, loại và số lượng tàu bay khai thác; với điều kiện, trừ các chuyến bay vận chuyển hàng hóa, ở hướng bay ra bên ngoài, việc vận chuyển vượt quá điểm đó là sự tiếp tục của việc vận chuyển từ lãnh thổ của Bên đã chỉ định hãng hàng không đó và, ở hướng bay vào trong, việc vận chuyển tới lãnh thổ của Bên đã chỉ định hãng hàng không đó là sự tiếp tục của việc vận chuyển từ điểm quá điểm đó.”
“PHỤ LỤC II
VẬN TẢI HÀNG KHÔNG THUÊ CHUYẾN
Phần 1
A. Các hãng hàng không của một Bên được chỉ định theo Phụ lục này, theo các quy định của việc chỉ định, sẽ có quyền vận tải thuê chuyến quốc tế hành khách (và hành lý của họ) và/hoặc hàng hóa (bao gồm, nhưng không hạn chế ở, các chuyến bay thuê chuyến thực hiện dịch vụ giao nhận hàng hóa, vận chuyển thuê chuyến riêng rẽ hay kết hợp (hành khách/hàng hóa)):
1. Giữa bất kỳ một hay các điểm nào trên lãnh thổ của Bên chỉ định hãng hàng không đó và bất cứ một hay nhiều điểm nào trên lãnh thổ của Bên kia; và
2. Giữa bất kỳ một hay các điểm nào trên lãnh thổ của Bên kia và bất cứ một hay nhiều điểm trên lãnh thổ của một hay nhiều nước thứ ba, với điều kiện, trừ các chuyến bay vận chuyển hàng hóa, chuyến bay như vậy hình thành một phần của một hoạt động khai thác liên tục, có hoặc không sự thay đổi tàu bay, bao gồm chuyến bay đến nước mình với mục đích thực hiện vận tải địa phương giữa nước mình và lãnh thổ của Bên kia.
B. Đối với việc thực hiện các chuyến bay theo Phụ lục này, các hãng hàng không được chỉ định của mỗi Bên theo Phụ lục này cũng sẽ có quyền: (1) có điểm dừng quá cảnh tại bất kỳ điểm nào bên trong hoặc bên ngoài lãnh thổ của các Bên; (2) thực hiện chuyên chở quá cảnh qua lãnh thổ của Bên kia; (3) kết hợp trên cùng một tàu bay vận chuyển bắt đầu từ lãnh thổ của một Bên, vận chuyển bắt đầu từ lãnh thổ của Bên kia, và vận chuyển bắt đầu từ các nước thứ ba; và (4) thực hiện vận tải hàng không quốc tế mà không có bất cứ hạn chế nào về thay đổi, tại bất kỳ điểm nào trên đường bay, loại hoặc số hiệu tàu bay được khai thác; với điều kiện, trừ các chuyến bay vận chuyển hàng hóa thuê chuyến, ở hướng bay ra bên ngoài, vận tải vượt quá điểm đó là sự tiếp tục của vận tải từ lãnh thổ của Bên chỉ định hãng hàng không đó và ở hướng bay vào bên trong, vận tải đến lãnh thổ của Bên chỉ định hãng hàng không đó là sự tiếp tục của vận tải từ quá điểm đó.
C. Mỗi Bên sẽ xem xét có thiện chí đối với đơn của các hãng hàng không của Bên kia xin thực hiện vận chuyển không được quy định tại Phụ lục này trên cơ sở thân thiện và có đi có lại.
Phần 2
A. Mỗi hãng hàng không do một Bên chỉ định thực hiện vận tải hàng không thuê chuyến quốc tế bắt đầu từ lãnh thổ của một trong hai Bên, dù là vận chuyển một chiều hay khứ hồi, sẽ được lựa chọn tuân thủ luật pháp, quy định và các quy tắc về bay thuê chuyến hoặc là của nước mình hoặc của Bên kia. Nếu một Bên áp dụng các quy tắc, quy định, điều khoản, điều kiện hoặc hạn chế khác đối với một hoặc nhiều hãng hàng không của mình, hoặc đối với các hãng hàng không của các nước khác, thì từng hãng hàng không được chỉ định sẽ được điều chỉnh bởi những điều ít hạn chế hơn của các quy định đó.
B. Tuy nhiên, không một điểm nào nêu trong khoản trên giới hạn các quyền của mỗi Bên được yêu cầu các hãng hàng không do một trong hai Bên chỉ định theo Phụ lục này tuân thủ các yêu cầu liên quan tới việc bảo vệ các quỹ hành khách và các quyền hủy vé và hoàn tiền của hành khách.
Phần 3
Trừ các quy tắc bảo vệ người tiêu dùng được nêu tại khoản trên, không Bên nào yêu cầu một hãng hàng không do Bên kia chỉ định theo Phụ lục này, đối với việc vận chuyển từ lãnh thổ của Bên kia đó hoặc một nước thứ ba trên cơ sở vận chuyển một chiều hay khứ hồi, đệ trình nhiều hơn một khai báo tuân thủ luật pháp, quy định và quy tắc hiện hành đã được nói tới tại Phần 2 của Phụ lục này hoặc giấy phép miễn áp dụng luật, quy định, quy tắc đó do nhà chức trách hàng không có thẩm quyền cấp.”
Phụ lục III của Hiệp định (liên quan tới Hệ thống đặt giữ chỗ bằng máy tính) sẽ được bỏ toàn bộ.
“PHỤ LỤC III
ĐIỀU KHOẢN ĐẶC BIỆT
Không tính đến bất kỳ điều khoản nào khác của Hiệp định này, các quy định sau sẽ được áp dụng:
A. Chỉ định, Tần suất, và Đường bay đối với các chuyến bay thường lệ, kết hợp
Các chuyến bay thường lệ, kết hợp, trừ việc vận chuyển chỉ được thực hiện theo các thỏa thuận hợp tác theo Điều 8, khoản 7 (Liên danh), sẽ được giới hạn như sau:
(1) Hai hãng hàng không có thể được mỗi Bên chỉ định cho các chuyến bay đó cho đến ngày 01/3/2006, và hãng thứ ba trong năm tiếp theo.
(2) Các hãng hàng không được chỉ định phù hợp với khoản A(1) có thể khai thác với tần suất lên tới 7 chuyến khứ hồi/tuần đối với chuyến bay thường lệ, kết hợp.
(3) Các hãng hàng không do Hoa Kỳ chỉ định phù hợp với khoản A(1) không được khai thác các điểm tại Pháp hoặc Hàn Quốc như là các điểm trung gian hoặc các điểm quá, và không được chuyên chở nội địa (“thương quyền năm”) (1) giữa Việt Nam và Hồng Kông cho đến ngày 15/10/2005 hoặc (2) giữa Việt Nam và Đài Loan hoặc Nhật Bản.
(4) Các hãng hàng không do Việt Nam chỉ định phù hợp với khoản A(1) không được chuyên chở nội địa (“thương quyền năm”) giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản.
(5) Khi tham gia vào các chuyến bay đó, các hãng hàng không do mỗi Bên chỉ định có thể khai thác:
(a) Các điểm trung gian tại không quá ba nước;
(b) Không quá năm điểm tại lãnh thổ của Bên kia; và
(c) Các điểm quá tại không quá ba nước.
Các điểm quá không được khai thác như các điểm trung gian, hoặc các điểm trung gian không được khai thác như các điểm quá. Mỗi Bên có thể chọn các điểm và các nước cho các hãng hàng không do mình chỉ định khai thác, và có thể thay đổi việc lựa chọn này bằng việc thông báo cho Bên kia biết trước 30 ngày.
B. Chuyến bay thuê chuyến kết hợp
Các hãng hàng không do mỗi Bên chỉ định có thể khai thác tổng cộng 52 (năm mươi hai) chuyến bay khứ hồi thuê chuyến kết hợp một năm.
C. Liên danh
Phù hợp với Điều 8, khoản 7, các hãng hàng không do Việt Nam chỉ định có thể khai thác 25 điểm tại Hoa Kỳ chỉ trên cơ sở liên danh. Nhà chức trách hàng không của Việt Nam có thể thay đổi bất kỳ điểm nào sau khi có thông báo cho Chính phủ Hoa Kỳ trước 30 ngày.”
Hiệp định này sẽ được áp dụng tạm thời kể từ ngày ký và sẽ có hiệu lực khi hoàn tất việc trao đổi công hàm qua đường ngoại giao giữa các Bên xác nhận rằng mỗi Bên đã hoàn thành các thủ tục nội bộ cần thiết cho việc hiệu lực của Hiệp định này.
ĐỂ LÀM CHỨNG những người ký dưới đây được các Chính phủ của mình ủy quyền hợp pháp, đã ký Hiệp định này.
LÀM TẠI Hà Nội, ngày 18 tháng 5 năm 2010, thành hai bản bằng tiếng Việt và tiếng Anh, hai bản có giá trị như nhau./.
THAY MẶT CHÍNH PHỦ | THAY MẶT CHÍNH PHỦ |
Hiệp định sửa đổi Hiệp định vận tải hàng không giữa Việt Nam - Hoa Kỳ
- Số hiệu: 53/2010/SL-LPQT
- Loại văn bản: Điều ước quốc tế
- Ngày ban hành: 18/05/2010
- Nơi ban hành: Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ
- Người ký: Hồ Nghĩa Dũng, Michael W.Michalak
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 607 đến số 608
- Ngày hiệu lực: 04/10/2010
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực