BỘ NGOẠI GIAO ******* Số : 70/2004/LPQT |
Hà Nội, ngày 02 tháng 8 năm 2004 |
Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa hồi giáo Pakistan có hiệu lực từ ngày 25 tháng 4 năm 2004./.
| TL. BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO |
Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Hồi giáo Pa-ki-xtan (sau đây gọi là "hai Bên");
Với lòng mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị giữa hai nước và thúc đẩy phát triển hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ;
Nhận rõ tầm quan trọng của khoa học và công nghệ đối với nền kinh tế quốc dân của hai nước;
Đã thỏa thuận như sau:
Điều 1. Hai Bên sẽ thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ giữa hai nước trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi và phù hợp pháp luật và quy định của nước mình.
Điều 2. Hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định này có thể bao gồm các hình thức sau:
a) Trao đổi thông tin, kiến thức và kinh nghiệm về khoa học và công nghệ.
b) Trao đổi các nhà khoa học và chuyên gia kỹ thuật để khảo sát, tham quan nghiên cứu và đào tạo trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ.
c) Cùng thực hiện hoặc phối hợp thực hiện các chương trình, dự án và các hoạt động nghiên cứu triển khai trên lãnh thổ của một hoặc hai Bên; và
d) Các hình thức hợp tác khác về khoa học và công nghệ được hai Bên thỏa thuận.
Điều 3. Trong khuôn khổ Hiệp định và với mục tiêu tạo thuận lợi cho hợp tác khoa học và công nghệ, hai Bên, nếu cần thiết, sẽ thúc đẩy việc ký kết các thỏa thuận bổ sung để thực hiện các hoạt động hợp tác giữa các cơ quan Nhà nước, các Viện nghiên cứu, các trường Đại học và các cơ quan khác có liên quan của hai Bên. Các thỏa thuận đó sẽ được ký kết phù hợp với pháp luật và quy định hiện hành của hai nước.
Điều 4. Các điều khoản và điều kiện bao gồm cả các chi phí thực hiện sẽ được các Bên thỏa thuận với nhau đối với từng chương trình, dự án hoặc hoạt động được tiến hành theo Hiệp định này.
Điều 5. Thể theo pháp luật và quy định hiện hành của mình, mỗi Bên sẽ dành cho Bên kia mọi sự giúp đỡ cần thiết để tạo thuận lợi cho các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định.
Điều 6. Để thu được lợi ích tối ưu từ Hiệp định này, hai Bên sẽ thành lập Tiểu ban hỗn hợp về hợp tác khoa học và công nghệ thuộc Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục và khoa học kỹ thuật giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Hồi giáo Pa-ki-xtan gồm các đại diện do hai Bên chỉ định.
Nhiệm vụ của Tiểu ban hỗn hợp là:
a) Định kỳ kiểm điểm tiến độ các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định;
b) Xác định các lĩnh vực hợp tác mới trong khuôn khổ Hiệp định; và
c) Thảo luận các vấn đề khác liên quan đến Hiệp định.
Tiểu ban hỗn hợp về hợp tác khoa học và công nghệ sẽ họp luân phiên tại Việt Nam và Pa-ki-xtan trên cơ sở thỏa thuận về thời gian cụ thể.
Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Hồi giáo Pa-ki-xtan sẽ cử các cơ quan có thẩm quyền của mình dưới đây chủ trì thi hành Hiệp định này. Phía Việt Nam là Bộ Khoa học và Công nghệ, phía Pa-ki-xtan là Bộ Khoa học và Công nghệ.
Điều 7. Hai Bên sẽ chú ý thích đáng đến việc bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ hoặc các quyền khác có tính chất sở hữu do hoạt động hợp tác tạo ra trong khuôn khổ Hiệp định và nếu cần thiết sẽ tham khảo ý kiến của nhau nhằm phục vụ mục tiêu này.
Việc xử lý các quyền sở hữu trí tuệ do các hoạt động hợp tác tạo ra trong khuôn khổ Hiệp định sẽ được quy định trong thỏa thuận bổ sung nêu tại Điều 3 của Hiệp định.
Thông tin khoa học và công nghệ do các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định này tạo ra mà không thuộc các đối tượng được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nếu không có thỏa thuận nào khác, sẽ có thể được cung cấp cho một bên thứ ba thông qua các kênh giao lưu thông thường và phù hợp với các thủ tục hiện hành của các cơ quan tham gia.
Điều 8. Để cấp kinh phí cho các dự án nghiên cứu chung mà hai Bên thỏa thuận, phù hợp với Điều 4 của Hiệp định này, một Quỹ Nghiên cứu chung sẽ được thành lập nếu thấy cần thiết và phù hợp với quy định hiện hành. Hai Bên sẽ thỏa thuận chi tiết việc thành lập và vận hành Quỹ này tại khóa họp lần thứ I của Tiểu ban hợp tác khoa học và công nghệ được lập ra theo Điều 6 của Hiệp định này.
Điều 9. Hiệp định này sẽ không ảnh hưởng tới giá trị pháp lý hoặc việc thi hành bất cứ nghĩa vụ nào thuộc các điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận quốc tế mà mỗi Bên ký kết.
Điều 10. Mọi bất đồng liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng Hiệp định này sẽ được giải quyết thông qua trao đổi hoặc đàm phán trực tiếp giữa hai Bên hoặc qua các biện pháp khác mà hai Bên có thể cùng nhau quyết định.
Điều 11. Hiệp định này có thể được sửa đổi hoặc bổ sung với sự đồng ý bằng văn bản của hai Bên theo yêu cầu của một hoặc hai Bên. Mọi sửa đổi hoặc bổ sung nêu trên sẽ là một phần không tách rời của Hiệp định và có hiệu lực vào ngày do hai Bên thỏa thuận.
1. Hiệp định này bắt đầu có hiệu lực sau ba mươi ngày kể từ ngày ký.
2. Hiệp định này có hiệu lực trong thời gian 5 năm và mặc nhiên được gia hạn cho từng 5 năm tiếp theo, trừ phi một Bên thông báo cho Bên kia bằng văn bản ý định chấm dứt Hiệp định sáu tháng trước khi Hiệp định hết hiệu lực.
3. Mặc dù Hiệp định chấm dứt theo khoản 2 của Điều này, mọi chương trình, dự án hoặc hoạt động được ký kết trong khuôn khổ Điều 3 của Hiệp định này sẽ vẫn tiếp tục có hiệu lực cho đến khi được hoàn thành, trừ trường hợp có thỏa thuận khác của hai Bên.
Để làm bằng, những người ký tên dưới đây, được ủy quyền hợp thức của Chính phủ nước mình, đã ký Hiệp định này.
Hiệp định này làm tại I-xla-ma-bát ngày 25 tháng 3 năm 2004, thành hai bản, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Trong trường hợp có sự giải thích khác, văn bản tiếng Anh sẽ được sử dụng làm căn cứ./.
THAY MẶT CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM | THAY MẶT CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA HỒI GIÁO PA-KI-XTAN |
- 1Quyết định 79/2001/QĐ-TTg phê duyệt Hiệp định Thương mại giữa Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hoà Hồi giáo Pakistan do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Công văn về việc Hiệp định Thương mại Việt Nam - Nam Phi và Việt Nam - Pakistan
- 3Thông báo 24/2017/TB-LPQT hiệu lực Hiệp định về hợp tác khoa học và công nghệ giữa Việt Nam - Đức
- 1Quyết định 79/2001/QĐ-TTg phê duyệt Hiệp định Thương mại giữa Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hoà Hồi giáo Pakistan do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Công văn về việc Hiệp định Thương mại Việt Nam - Nam Phi và Việt Nam - Pakistan
- 3Thông báo 24/2017/TB-LPQT hiệu lực Hiệp định về hợp tác khoa học và công nghệ giữa Việt Nam - Đức
Hiệp định số 70/2004/LPQT về việc hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa hồi giáo Pakistan
- Số hiệu: 70/2004/LPQT
- Loại văn bản: Điều ước quốc tế
- Ngày ban hành: 25/03/2004
- Nơi ban hành: Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- Người ký: Hoàng Văn Phong
- Ngày công báo: 17/09/2004
- Số công báo: Từ số 20 đến số 23
- Ngày hiệu lực: 25/04/2004
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết