HIỆP ĐỊNH RIÊNG
HỖ TRỢ TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ BẰNG PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM GIỮA CHÍNH PHỦ CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM (SAU ĐÂY GỌI LÀ VIỆT NAM) VÀ CHÍNH PHỦ THỤY ĐIỂN (SAU ĐÂY GỌI LÀ THỤY ĐIỂN)
Điều 1. Phạm vi của Hiệp định
Mục tiêu chung của hợp tác, trên cơ sở lâu dài, là góp phần tăng cường quản lý bằng pháp luật ở Việt Nam thông qua củng cố chức năng của Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan và từ đó cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện chương trình cải cách kinh tế.
Các mục tiêu của 4 mục trong chương trình này là:
- Hỗ trợ cho việc thành lập một hệ thống giải quyết tranh chấp kinh tế;
- Thành lập một hệ thống đăng ký doanh nghiệp;
- Cung cấp cơ sở tốt hơn để ra quyết định về việc thành lập các toà án hành chính và soạn thảo luật hành chính;
- Tăng cường năng lực của Bộ Tư pháp để thực hiện vai trò của nó như là cơ quan điều phối trong quá trình lập pháp và cải tiến các thủ tục trong quá trình này;
- Đào tạo các giáo viên luật kinh tế và giáo viên dạy tiếng Anh pháp lý;
- Đào tạo các giáo viên luật kinh tế trong các bộ môn pháp lý liên quan đến phát triển một nền kinh tế thị trường.
Điều 2. Thẩm quyền đại điện
Để thực hiện Hiệp định này, Cơ quan Phát triển Quốc tế Thuỵ Điển (SIDA) sẽ có thẩm quyền đại diện cho Thuỵ Điển và Bộ Tư pháp (MOJ) sẽ có thẩm quyền đại diện cho Việt Nam.
Điều 3. Đóng góp của Thuỵ Điển
Theo các quy định của Hiệp định hoặc được viện dẫn trong Hiệp định này, Thuỵ Điển sẽ cung cấp cho Việt Nam, trong giai đoạn từ 01/11/1991 - 31/10/1993, một khoản viện trợ không hoàn lại (bao gồm ngân quỹ, nhân viên, dịch vụ tư vấn, trang thiết bị và hàng hóa) không vượt quá 7 triệu Curon Thuỵ Điển (7.000.000 Curon).
Đóng góp của Thuỵ Điển trong giai đoạn ban đầu này sẽ lấy từ ngân sách bổ sung ngoài các khoản tài trợ chung cho Việt Nam.
Điều 4. Việc sử dụng các khoản đóng góp của Thụy Điển
Viện trợ của Thuỵ Điển sẽ được sử dụng cho các mục chính sau đây phù hợp với văn bản dự án và kế hoạch làm việc hàng năm được hai Bên thoả thuận. Để thực hiện dự án, Thuỵ Điển sẽ giúp đỡ Việt Nam trong việc ký hợp đồng với một tổ chức tư vấn.
1. Giải quyết các tranh chấp kinh tế
- Các dịch vụ tư vấn ngắn hạn hỗ trợ phát triển hệ thống nhà nước về giải quyết tranh chấp kinh tế và trọng tài tự nguyện;
- Tổ chức cho các chuyên gia Việt Nam đến các nước khác để nghiên cứu về giải quyết tranh chấp kinh tế và trọng tài.
- Chuyên gia Thuỵ Điển sẽ xem xét và nhận xét về dự thảo luật phá sản.
- Các dịch vụ tư vấn ngắn hạn để thiết kế hệ thống đăng ký doanh nghiệp.
- Mua sắm các thiết bị văn phòng được hai bên thoả thuận.
2. Luật và toà án hành chính
- Cung cấp cho các thư viện của Bộ tư pháp và Trường Đại học Luật các tài liệu pháp lý liên quan bằng tiếng Anh và Pháp.
- Các chuyên gia Bắc Âu và có thể cả các chuyên gia quốc tế tham dự vào cuộc hội thảo về tố tụng hành chính và toà án hành chính được tổ chức ở Việt Nam.
- Tổ chức các cuộc đi thăm học tập tại Thuỵ Điển và Phần Lan cho các chuyên gia Việt Nam.
3. Quá trình lập pháp
- Các dịch vụ tư vấn ngắn hạn và có thể cả dài hạn để hỗ trợ Bộ Tư pháp trong các vấn đề liên quan đến soạn thảo luật và các quy định ở mức chung về tổ chức, thủ tục, phương pháp làm việc và xuất bản các cuốn sổ tay pháp lý.
- Cung cấp cho thư viện Bộ Tư pháp các văn bản pháp lý liên quan bằng tiếng Anh và Pháp.
- Cung cấp trang thiết bị văn phòng cơ bản cho Bộ Tư pháp.
4. Đào tạo pháp lý/Trường Đại học Luật
- Đào tạo giáo viên luật kinh tế và giáo viên dạy tiếng Anh pháp lý;
- Đưa các giáo viên luật kinh tế dự các khoá học và hội thảo ngắn hạn ở nước ngoài;
- Đưa các chuyên gia pháp lý nước ngoài vào tổ chức các cuộc hội thảo tại Trường đại học Luật;
- Cung cấp các trang bị kỹ thuật được hai Bên thoả thuận;
- Cung cấp cho thư viện các tài liệu pháp lý liên quan và mua dài hạn các tạp chí pháp lý và kinh tế bằng tiếng Anh và có thể cả tiếng Pháp.
Các đầu vào sẽ được chia cho hai ngành của Trường Đại học Luật.
5. Các cuộc đi thăm và các đầu vào bổ sung khác tiếp theo sẽ được thực hiện trên cơ sở yêu cầu và thoả thuận giữa các Bên có thẩm quyền.
Điều 5.: Đóng góp của Việt Nam
1. Việt Nam sẽ đóng góp tất cả các khoản mà Hiệp định này không quy định là nghĩa vụ của Thuỵ Điển nhưng cần thiết để thực hiện có hiệu quả Dự án. Các khoản này bao gồm cả việc cung cấp đội ngũ các nhân viên và phiên dịch đủ trình độ cũng như ngân quỹ đầy đủ cho các chi phí phát sinh và tiền vốn đầu tư. Kế hoạch chi tiết cho phần đóng góp của Việt Nam sẽ được đề ra trong giai đoạn thực hiện dự án.
2. Bộ Tư pháp tiến hành quản lý và điều phối dự án hợp tác, kể cả việc xuất bản các tài liệu dự án, các báo cáo tiến độ và báo cáo đánh giá theo yêu cầu của quá trình hợp tác.
Điều 6: Giải ngân
Việc giải ngân sẽ được thực hiện phù hợp với các quy định tại Điều III của Hiệp định về hợp tác phát triển cho giai đoạn 1/7/1990 - 30/6/1992 hoặc các Hiệp định thay thế hoặc sửa đổi Hiệp định nói trên.
Việc giải ngân sẽ được Thụy Điển thực hiện phụ thuộc vào nhu cầu tài chính thực tế trên cơ sở dự báo chi tiêu. Phần chính của nguồn tài trợ sẽ được giải ngân cho tổ chức tư vấn đã được ký hợp đồng để thực hiện dự án.
Hai Bên sẽ thoả thuận về điều khoản tham chiếu về các nguồn tư vấn cho dự án. Tất cả công việc giải ngân cho dự án phải dựa trên điều kiện các kế hoạch làm việc và ngân sách hàng năm được xây dựng và được hai Bên thông qua. Tổ chức tư vấn và Bộ Tư pháp sẽ soạn thảo các kế hoạch làm việc hàng năm và SIDA sẽ thông qua các kế hoạch này.
Điều 7: Mua sắm
Việc mua sắm hàng hoá và dịch vụ sẽ do Thuỵ Điển thực hiện trừ trường hợp có thoả thuận khác. Các bên sẽ thoả thuận một kế hoạch mua sắm được bao gồm trong kế hoạch làm việc hàng năm.
Điều 8. :Thông tin, báo cáo và tham khảo ý kiến
1. Bộ Tư pháp cam kết sẽ cung cấp cho Thuỵ Điển:
- Vào cuối hai quý đầu của năm một báo cáo về tiến độ trong thời gian này;
- Vào cuối quý ba hoặc thời gian thuận tiện cho việc xem xét tổng kết hàng năm một báo cáo sơ bộ về tiến trình trong năm cho tới thời điểm đó và một kế hoạch làm việc cho năm tới bao gồm cả các đề nghị điều chỉnh ngân sách;
- Vào cuối quý bốn một báo cáo tổng kết tiến trình hoạt động của năm cũ và nếu cần thiết thì một kế hoạch làm việc được điều chỉnh cho năm tới.
2. Nếu như có sự hợp tác giữa các tổ chức của Việt Nam với các tổ chức Thuỵ Điển hoặc tổ chức quốc tế thì các tổ chức này cùng có trách nhiệm đệ trình các báo cáo như đã quy định tại khoản 1 trên đây.
3. Việt Nam cam kết cung cấp cho Thuỵ Điển các báo cáo kiểm toán tài chính hàng năm về việc sử dụng các nguồn tài chính được cung cấp theo Hiệp định này. Các dịch vụ kiểm toán nước ngoài sử dụng để kiểm toán các khoản chi tiêu địa phương sẽ được tài trợ từ quỹ đóng góp nếu như không được Việt Nam chi trả. Thuỵ Điển bảo lưu quyền kiểm tra các hồ sơ và tài liệu liên quan đến hoạt động hỗ trợ theo Hiệp định này. Việc kiểm tra có thể được tiến hành thông qua một cơ quan thích hợp do Thuỵ Điển chỉ định.
4. Việc trao đổi ý kiến hàng năm sẽ được tổ chức mỗi năm theo thoả thuận của hai Bên. Trên cơ sở các báo cáo được đề cập tại khoản 1 nói trên, các cuộc trao đổi ý kiến sẽ bao gồm cả việc xem xét tiến trình thực hiện chương trình, việc chuẩn bị và thông qua các kế hoạch cho năm tới bao gồm cả kế hoạch giải ngân. Kết quả các cuộc tham khảo ý kiến hàng năm sẽ được ghi nhận tại các Biên bản ghi nhớ bao gồm cả thoả thuận về số lượng ngân sách cho năm tài chính và một kế hoạch chi tiết cho việc sử dụng ngân sách dó.
Mỗi Bên có thể đề nghị tham khảo ý kiến vào bất kỳ lúc nào nhằm thảo luận các vấn đề và tìm các giải pháp mà hai Bên cùng có thể chấp nhận được.
Điều 9: Các vấn đề thủ tục
Các quy định của Hiệp định về Hợp tác Phát triển cho giai đoạn 1/7/1990 - 30/6/1992 và Hiệp định chung về các Điều kiện và Thủ tục cho giai đoạn 1/7/1990 - 30/6/1995 hoặc bất cứ Hiệp định nào thay thế hoặc sửa đổi các Hiệp định nói trên sẽ được áp dụng cho Hiệp định này.
Điều 10: Hiệu lực và chấm dứt
Hiệp định này sẽ có hiệu lực kể từ ngày ký và sẽ có hiệu lực đến ngày 31 tháng 10 năm 1993, hoặc đến khi nào hai Bên đã hoàn thành các nghĩa vụ của mình theo Hiệp định này trừ khí một trong hai Bên thông báo cho Bên kia bằng văn bản trước 6 tháng về việc chấm dứt Hiệp định này.
Làm tại Hà Nội, ngày 24 tháng 10 năm 1991 thành hai bản bằng tiếng Anh.
Hiệp định riêng về hỗ trợ tăng cường quản lý bằng pháp luật ở Việt Nam giữa Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Thuỵ Điển
- Số hiệu: Khôngsố
- Loại văn bản: Điều ước quốc tế
- Ngày ban hành: 24/10/1991
- Nơi ban hành: Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ Thuỵ Điển
- Người ký:
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 24/10/1991
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định