Hệ thống pháp luật

BỘ NGOẠI GIAO

*******

Số : 77/2004/LPQT

 

 

Hà Nội, ngày 18 tháng 8 năm 2004

 

Hiệp định khung về hợp tác trên lĩnh vực nông nghiệp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn nước Cộng hòa Hung-ga-ri có hiệu lực từ ngày 19 tháng 5 năm 2004./.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG


Nguyễn Hoàng Anh

 

HIỆP ĐỊNH KHUNG

VỀ HỢP TÁC TRÊN LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP GIỮA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN NƯỚC CỘNG HÒA HUNG-GA-RI

 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nước Cộng hòa Hung-ga-ri (dưới đây gọi tắt là hai Bên).

- Với nhận thức rằng ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế của mỗi nước.

- Xét tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác giữa các tổ chức và cơ quan liên quan đến các lĩnh vực nghiên cứu nông nghiệp, thương mại và phát triển nông thôn của hai nước.

- Thừa nhận rằng hai Bên đều mong muốn phát triển sự hợp tác kinh tế khoa học công nghệ trên lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm và phát triển nông thôn trên tất cả các lĩnh vực khác hai Bên cùng quan tâm, và

- Nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, khoa học và công nghệ giữa hai nước trên lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Đã thỏa thuận như sau:

Điều 1. Các lĩnh vực thuộc Hiệp định

1. Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp

Hai Bên sẽ nỗ lực tăng cường quan hệ hợp tác giữa các cơ quan của hai nước làm công tác giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn và quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên thông qua trao đổi thông tin và các ấn phẩm nghiên cứu, cũng như thông qua các chương trình trao đổi khoa học của các nhà nghiên cứu.

2. Trồng trọt

Trao đổi kinh nghiệm trên các lĩnh vực sau đây:

- Làm vườn, đặc biệt là cây dược liệu và các loại cây cảnh.

- Trồng cây lương thực.

- Xử lý sản phẩm sau thu hoạch.

- Hệ thống quản lý ngành, sản xuất hạt giống và nhân giống cây trồng.

- Áp dụng công nghệ sinh học trong trồng trọt.

- Nâng cao trình độ sản xuất của các trang trại vừa và nhỏ.

3. Chăn nuôi gia súc và sản xuất thức ăn gia súc.

- Trao đổi kinh nghiệm trên lĩnh vực chăn nuôi bò, lợn, gia cầm và thỏ cũng như nuôi ong, bảo đảm chất lượng sản xuất thịt bò và thịt lợn, trao đổi các số liệu kinh tế, kỹ thuật.

- Trao đổi kinh nghiệm trên lĩnh vực sữa: sản xuất, thu gom và bảo đảm chất lượng.

- Trao đổi kinh nghiệm trên lĩnh vực sản xuất thức ăn gia súc và sử dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn gia súc.

- Trao đổi công nghệ sản xuất vaxin phòng và chữa bệnh đàn gia súc gia cầm.

4. Thủy lợi.

- Trao đổi kinh nghiệm và thông tin liên quan đến việc phát triển và quản lý, khai thác nguồn nước.

- Trao đổi kinh nghiệm và thông tin liên quan đến các công nghệ tưới tiêu hiện đại, xây dựng và quản lý công trình.

- Trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thiết bị thuỷ lợi.

- Trao đổi kinh nghiệm trong việc sử dụng nước thải đã được xử lý vào sản xuất nông nghiệp.

- Trao đổi kinh nghiệm sản xuất trong điều kiện bị hạn hán.

5. Lâm nghiệp

- Trao đổi kinh nghiệm và thông tin liên quan đến công tác nghiên cứu, trồng và quản lý rừng.

- Trao đổi công nghệ và kinh nghiệm chế biến gỗ.

6. Tăng kim ngạch trao đổi hàng hóa nông phẩm

Hai Bên khuyến khích và tìm các giải pháp thích hợp để tăng kim ngạch trao đổi hàng nông, lâm sản và công nghiệp thực phẩm giữa hai nước.

Điều 2. Hai Bên sẽ soạn thảo các chương trình hành động và kế hoạch hợp tác về các lĩnh vực nói trên và về tất cả các lĩnh vực quan trọng khác mà hai Bên cùng quan tâm.

Điều 3. Hai Bên sẽ thúc đẩy các quan hệ đối tác trên lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm.

Điều 4. Các chi phí đi lại quốc tế cho các đoàn đại biểu sang thăm, trao đổi kinh nghiệm, tham gia hội nghị và hội thảo chuyên đề… trong phạm vi hiệp định sẽ do Bên cử đoàn đài thọ. Các chi phí về ăn, ở, đi lại trong lãnh thổ của Bên tiếp nhận sẽ do Bên tiếp nhận đài thọ, trừ trường hợp hai Bên có các thỏa thuận khác.

Điều 5. Hiệp định này có hiệu lực trong thời hạn 05 (năm) năm kể từ ngày ký và mặc nhiên được gia hạn thêm 05 năm tiếp theo, nếu không Bên nào đề nghị bằng văn bản thông qua đường ngoại giao về việc chấm dứt hiệu lực của Hiệp định ít nhất sáu tháng trước khi Hiệp định hết hiệu lực.

Trong trường hợp Hiệp định này chấm dứt hiệu lực, các quy định của Hiệp định vẫn áp dụng đối với các hoạt động được bắt đầu trong khuôn khổ Hiệp định này trước thời điểm Hiệp định chấm dứt hiệu lực cho đến khi các hoạt động này kết thúc.

Làm tại Bu-đa-pét ngày 19 tháng 5 năm 2004, thành hai bản gốc, mỗi bản bằng tiếng Việt, tiếng Hung-ga-ri và tiếng Anh, các văn bản đều có giá trị như nhau. Trong trường hợp có sự hiểu khác nhau giữa các văn bản, văn bản tiếng Anh sẽ được dùng làm cơ sở giải thích.

 

THAY MẶT BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
THỨ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN




Bùi Bá Bổng

THAY MẶT BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN NƯỚC CỘNG HÒA HUNG-GA-RI
PHÓ QUỐC VỤ KHANH BỘ NÔNG NGHIỆP




Nyujto Ferenc

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Hiệp định khung số 77/2004/LPQT về hợp tác trên lĩnh vực nông nghiệp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn nước Cộng hòa Hung-ga-ri

  • Số hiệu: 77/2004/LPQT
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 19/05/2004
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Bùi Bá Bổng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 4
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản