Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: /2016/TT-BTC | Hà Nội, ngày tháng năm 2016 |
DỰ THẢO |
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ /2016/QĐ-TTG NGÀY THÁNG NĂM 2016 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ BAN HÀNH CƠ CHẾ CHO CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ĐẦU TƯ VAY LẠI TỪ NGUỒN VỐN VAY NƯỚC NGOÀI CỦA CHÍNH PHỦ QUA CƠ QUAN CHO VAY LẠI CHỊU RỦI RO TÍN DỤNG
Căn cứ Luật Quản lý nợ công ngày 17 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 78/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ hướng dẫn về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Nghị định số 78/2010/NĐ-CP);
Căn cứ Nghị quyết số của Chính phủ ngày /2015;
Căn cứ Quyết định số /2016/QĐ-TTg ngày /2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Cơ chế cho chương trình, dự án đầu tư vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ qua cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng (sau đây gọi tắt là Quyết định số /2016/QĐ-TTg)
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại,
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định số /2016/QĐ-TTg ngày /2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Cơ chế cho chương trình, dự án đầu tư vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ qua cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng .
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Thông tư này hướng dẫn thực hiện Quyết định số /2016/QĐ-TTg ngày /2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Cơ chế cho chương trình, dự án đầu tư vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ qua cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng.
2. Phương thức cho chính quyền địa phương vay lại và phương thức cho tổ chức tài chính, tín dụng vay lại theo chương trình, hạn mức tín dụng từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.
3. Trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép, chương trình, dự án đầu tư được vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ qua cơ quan cho vay lại không chịu RRTD.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Các ngân hàng thương mại đủ điều kiện, các chủ chương trình, dự án đầu tư vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc cho chương trình, dự án đầu tư vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ qua cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng.
Điều 3. Xác định tính chất nguồn vốn
1. Vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi, vốn vay thương mại được xác định theo quy định của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, trong đó hai trong số các thông số đầu vào để tính toán thành tố không hoàn lại (GE) của từng khoản vay được quy định cụ thể như sau:
a) Tỉ lệ lãi suất chiết khấu tham chiếu năm (DDR) sử dụng DDR do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố hàng năm, được tra cứu trên trang web của OECD, địa chỉ http:\\oecd.org;
b) Lãi suất là lãi suất đã được tính gộp các chi phí vay (lãi suất, phí cam kết, phí quản lý, phí trả trước và các chi phí vay khác do bên cho vay nước ngoài thu). Ví dụ minh họa một trường hợp cụ thể tính toán lãi suất gộp các chi phí vay nêu tại Phụ lục 1 của Thông tư này.
2. Trường hợp Nhà tài trợ sử dụng DDR và lãi suất khác quy định tại Khoản 1 trên, dẫn đến có GE cao hơn thì việc xác định tính chất nguồn vốn để áp dụng Quyết định số ... /2016/QĐ-TTg thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều này.
Điều 4. Tiêu chí và điều kiện lựa chọn các ngân hàng thương mại làm cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng
1. Ngân hàng thương mại làm cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng phải thuộc danh sách các ngân hàng thương mại đủ điều kiện do Bộ Tài chính lựa chọn hoặc được ít nhất một trong các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế (Moody’s, Fitch và Standard and Poor’s) xếp hạng tín nhiệm ở mức tín nhiệm ngang bằng với mức tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.
2. Trường hợp nhiều ngân hàng thương mại liên kết với nhau hoặc các định chế tài chính phi ngân hàng liên kết với ngân hàng thương mại đủ điều kiện để tham gia làm cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng, việc đánh giá khả năng tham gia làm cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng của các liên kết này chỉ căn cứ vào năng lực và kinh nghiệm của một ngân hàng thương mại đủ điều kiện đứng tên đăng ký tham gia.
3. Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại) thành lập và ban hành quy chế làm việc của Hội đồng đánh giá hồ sơ chào chênh lệch lãi suất/phí chịu rủi ro tín dụng. Tùy theo tính chất và nội dung chương trình, dự án, Hội đồng đánh giá này có nhiệm vụ đánh giá hồ sơ chào chênh lệch lãi suất/phí chịu rủi ro tín dụng cho một hoặc một số chương trình, dự án.
4. Các ngân hàng thương mại đủ điều kiện được Bộ Tài chính lựa chọn làm cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng không phải đánh giá lại năng lực tài chính. Kinh nghiệm cho vay lại và cho vay lại chịu rủi ro tín dụng từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ trong cùng lĩnh vực đang xem xét được tính ưu tiên khi đánh giá hồ sơ chào chênh lệch lãi suất/phí chịu rủi ro tín dụng.
5. Hội đồng đánh giá tiến hành đánh giá các hồ sơ chào chênh lệch lãi suất/phí chịu rủi ro tín dụng theo phương thức chấm điểm, theo hai tiêu chí là tỉ lệ chịu rủi ro tín dụng và chênh lệch lãi suất/phí chịu rủi ro tín dụng (sử dụng thang điểm 100). Trọng số tổng điểm cho mỗi tiêu chí này do Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại) quyết định trước khi Hội đồng đánh giá tiến hành đánh giá, tuy nhiên trọng số điểm cho tiêu chí chênh lệch lãi suất/phí chịu rủi ro tín dụng tối đa là 70%.
6. Các mức chào tỉ lệ chịu rủi ro tín dụng khác nhau được quy đổi về cùng tỉ lệ tỉ lệ chịu rủi ro tín dụng cao nhất được chào. Hệ số quy đổi cho mỗi 01% (một phần trăm) chịu rủi ro tín dụng thấp hơn tỉ lệ chịu rủi ro tín dụng cao nhất được chào là trừ 01 điểm (một điểm).
7. Các mức chào chênh lệch lãi suất/phí chịu rủi ro tín dụng khác nhau được quy đổi về cùng mức chào chênh lệch lãi suất/phí chịu rủi ro tín dụng thấp nhất. Hệ số quy đổi cho mỗi 0,01%/năm (một phần vạn/năm) chênh lệch lãi suất/phí chịu rủi ro tín dụng cao hơn chênh lệch lãi suất/phí chịu rủi ro tín dụng thấp nhất được chào là trừ 01 điểm (một điểm).
8. Chỉ tính điểm cộng ưu tiên cho kinh nghiệm cho vay lại và cho vay lại chịu rủi ro tín dụng từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ trong cùng lĩnh vực nếu các hồ sơ chào có cùng số điểm đánh giá tổng hợp cho cả hai tiêu chí quy định tại Khoản 5 Điều này. Trong trường hợp này, hồ sơ chào của ngân hàng nào có trị giá cho vay lại chịu rủi ro tín dụng và/hoặc trị giá cho vay lại lớn hơn được ưu tiên lựa chọn.
Điều 5. Nhiệm vụ và quyền lợi của cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng
1. Cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chính sau:
a) Làm cơ quan cho vay lại được Bộ Tài chính ủy quyền theo quy định tại Nghị định số 78/2010/NĐ-CP;
b) Chịu rủi ro tín dụng theo tỉ lệ quy định tại Điều 3 Quyết định số .../2016/QĐ-TTg.
2. Cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng khi thực hiện các nhiệm vụ nêu tại Khoản 1 Điều này được hưởng:
a) Phí cho vay lại do thực hiện nhiệm vụ làm cơ quan cho vay lại được Bộ Tài chính ủy quyền theo quy định tại Nghị định số 78/2010/NĐ-CP;
b) Chênh lệch lãi suất/phí chịu rủi ro tín dụng theo tỉ lệ quy định tại Điều 3 Quyết định số .../2016/QĐ-TTg.
3. Bộ Tài chính sẽ ký hợp đồng ủy quyền có chịu rủi ro tín dụng với cơ quan cho vay lại theo mẫu tại Phụ lục 2 của Thông tư này.
Điều 6. Quy trình lựa chọn ngân hàng thương mại làm cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng
1. Xây dựng danh sách ngân hàng thương mại làm cơ quan cho vay lại.
Trên cơ sở phân loại dự án mà cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng (100%, tối thiểu 50%, tối thiểu 30% hoặc tối đa 30%) và xếp hạng tín dụng các ngân hàng thương mại Việt Nam của Moody’s và/hoặc Standard and Poor’s và/hoặc Fitch, Bộ Tài chính thông báo để các ngân hàng đủ điều kiện tự đăng ký tham gia làm cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng của các dự án vay lại. Trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không có ý kiến phản đối, Bộ Tài chính thông báo danh sách các ngân hàng thương mại đủ điều kiện tham gia cho vay lại (danh sách này có thể được điều chỉnh định kỳ hoặc khi cần thiết) cho các cơ quan liên quan và để giới thiệu với các nhà tài trợ.
2. Lựa chọn cơ quan cho vay lại của từng dự án cụ thể.
a) Khi xây dựng báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình, dự án, nếu chương trình, dự án thuộc diện cho vay lại và cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng (100%, tối thiểu 50% tối thiểu 30% hoặc tối đa 30%), Cơ quan chủ quản của chương trình, dự án/Chủ dự án có trách nhiệm lựa chọn ngân hàng thương mại sẽ là cơ quan cho vay lại của chương trình, dự án trong số các ngân hàng thuộc danh sách trên để cùng tham gia thẩm định năng lực tài chính của chủ chương trình, dự án và phương án tài chính của chương trình, dự án (sau đây gọi tắt là thẩm định tài chính chương trình, dự án) để thông báo cho Bộ Tài chính. Ngân hàng được lựa chọn sẽ tham gia vào quá trình thẩm định như quy trình từ Khoản 3 trở đi.
b) Trong trường hợp Cơ quan chủ quản/Chủ chương trình, dự án không có ý kiến về việc chọn cơ quan cho vay lại hoặc không chọn được, Bộ Tài chính sẽ là cơ quan chọn cơ quan cho vay lại cho chương trình, dự án. Quy trình lựa chọn cơ quan cho vay lại tại Bộ Tài chính như sau:
(b.1) Trong số các ngân hàng thương mại thuộc danh sách tại Khoản 1, Bộ Tài chính sẽ đề nghị các ngân hàng bày tỏ quan tâm đối với từng dự án cụ thể sau khi Bộ Tài chính có thông tin về dự án (báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án).
(b.2) Sau khi cơ quan chủ quản chính thức đề xuất chủ trương đầu tư dự án, bao gồm phương án trả nợ theo cơ chế tài chính cho vay lại qua cơ quan CVL chịu RRTD từ nguồn vốn vay nước ngoài, Bộ Tài chính thông báo cho các ngân hàng đủ điều kiện đã đăng ký quan tâm để các ngân hàng nghiên cứu và chào chênh lệch lãi suất/phí chịu RRTD tối đa.
(b.3) Bộ Tài chính sẽ lựa chọn 2 ngân hàng thương mại chào mức chênh lệch lãi suất/phí chịu RRTD tối đa thấp nhất để đề nghị hai ngân hàng này tham gia thẩm định với đoàn thẩm định của nhà tài trợ.
(b.4) Sau khi có chênh lệch lãi suất/phí chịu RRTD tối đa của 2 ngân hàng chào thấp nhất, Bộ Tài chính lấy ý kiến của chủ chương trình, dự án và nhà tài trợ. Nếu các bên không đồng ý, cần đưa ra được lý do thỏa đáng để Bộ Tài chính và ngân hàng trao đổi lại hoặc Bộ Tài chính lựa chọn (các) ngân hàng khác thay thế. Trường hợp các bên thống nhất với đề xuất này, ngân hàng tham gia thẩm định tài chính chương trình, dự án như quy trình từ Khoản 3 trở đi.
3. Các ngân hàng được lựa chọn tham gia thẩm định tài chính chương trình, dự án.
4. Các ngân hàng được lựa chọn chào chênh lệch lãi suất/phí chịu RRTD cuối cùng áp dụng đối với chương trình, dự án để lựa chọn ngân hàng làm cơ quan cho vay lại của chương trình, dự án.
a) Đối với cơ quan cho vay lại do Cơ quan chủ quản/Chủ chương trình, dự án lựa chọn, ngay sau khi ngân hàng chào chênh lệch lãi suất/phí chịu RRTD cuối, Cơ quan chủ quản/Chủ chương trình, dự án có trách nhiệm thông báo với nhà tài trợ và Bộ Tài chính, đồng thời tính toán đầy đủ chênh lệch lãi suất/phí chịu RRTD này vào tổng chi phí của chương trình, dự án.
Trường hợp Cơ quan chủ quản/Chủ dự án và ngân hàng không thỏa thuận được chênh lệch lãi suất/phí chịu RRTD thì báo cáo Bộ Tài chính để Bộ Tài chính thực hiện lựa chọn ngân hàng cho vay lại từ tiết (b.2), điểm b) Khoản 2 Điều này trở đi.
b) Đối với trường hợp Bộ Tài chính chọn cơ quan cho vay lại: ngay trong quá trình thẩm định, hai ngân hàng này phải chào chênh lệch lãi suất/phí chịu RRTD tối đa để Bộ Tài chính chọn ngân hàng có chênh lệch lãi suất/phí chịu RRTD tối đa thấp nhất, chênh lệch lãi suất/phí chịu RRTD này phải được thông báo với nhà tài trợ và chủ chương trình, dự án để tính vào tổng chi phí của chương trình, dự án.
5. Ngân hàng được lựa chọn tham gia vào quá trình đàm phán.
Bộ Tài chính đề nghị ngân hàng do Cơ quan chủ quản/Chủ chương trình, dự án lựa chọn hoặc ngân hàng do Bộ Tài chính lựa chọn có chênh lệch lãi suất/phí chịu RRTD tối đa chào thấp nhất tham gia vào quá trình đàm phán.
Điều 7. Trường hợp ngân hàng thương mại cấp bảo lãnh cho chủ chương trình, dự án vay lại
1. Trường hợp chủ chương trình, dự án có đề nghị và được ngân hàng thương mại đủ điều kiện chấp nhận, ngân hàng thương mại có thể cấp bảo lãnh cho chủ chương trình, dự án được vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ thay cho phương thức cơ quan CVL chịu RRTD.
2. Tỉ lệ vốn vay nước ngoài được bảo lãnh tối thiểu bằng tỉ lệ chịu RRTD tương ứng với từng trường hợp quy định tại Điều 3 Quyết định số /2016/QĐ-TTg.
3. Mức phí bảo lãnh do ngân hàng thương mại và chủ chương trình, dự án tự thỏa thuận theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Điều 8. Chế độ báo cáo
1. Báo cáo quý:
a) Chậm nhất trước ngày 10 của tháng đầu quý, các chủ chương trình, dự án vay lại báo cáo Bộ Tài chính về tình hình rút vốn vay, trả nợ, dư nợ của quý trước; dự kiến rút vốn, đánh giá khả năng trả nợ quý lập báo cáo và đề xuất giải pháp xử lý khó khăn trong trả nợ (nếu có);
b) Chậm nhất trước ngày 20 của tháng đầu quý, cơ quan CVL chịu RRTD báo cáo Bộ Tài chính đối với từng chương trình, dự án vay lại về tình hình rút vốn vay, trả nợ, dư nợ của quý trước; dự kiến rút vốn, đánh giá khả năng trả nợ quý lập báo cáo và đề xuất giải pháp xử lý khó khăn trong trả nợ (nếu có);
2. Báo cáo năm:
a) Chậm nhất trước ngày 20 của tháng 01 hàng năm, các chủ chương trình, dự án vay lại báo cáo Bộ Tài chính về tình hình rút vốn vay, trả nợ, dư nợ của năm trước; dự kiến rút vốn, đánh giá khả năng trả nợ năm lập báo cáo và đề xuất giải pháp xử lý khó khăn trong trả nợ (nếu có);
b) Chậm nhất trước ngày 30 của tháng 01 hàng năm, cơ quan CVL chịu RRTD báo cáo Bộ Tài chính đối với từng chương trình, dự án vay lại về tình hình rút vốn vay, trả nợ, dư nợ của năm trước; dự kiến rút vốn, đánh giá khả năng trả nợ năm lập báo cáo và đề xuất giải pháp xử lý khó khăn trong trả nợ (nếu có);
Điều 9. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày…..tháng....năm 2016.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1Quyết định 46/2012/QĐ-TTg về quản lý sử dụng phí cho vay lại và phần trích phí bảo lãnh tại Bộ Tài chính giai đoạn 2012 - 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Thông tư 29/2013/TT-BTC quy định việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ phí cho vay lại và phí bảo lãnh được trích tại Bộ Tài chính giai đoạn 2012-2015
- 3Thông tư 139/2015/TT-BTC hướng dẫn việc bảo đảm tiền vay cho khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 1Luật Quản lý nợ công 2009
- 2Nghị định 78/2010/NĐ-CP cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ
- 3Quyết định 46/2012/QĐ-TTg về quản lý sử dụng phí cho vay lại và phần trích phí bảo lãnh tại Bộ Tài chính giai đoạn 2012 - 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Thông tư 29/2013/TT-BTC quy định việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ phí cho vay lại và phí bảo lãnh được trích tại Bộ Tài chính giai đoạn 2012-2015
- 5Thông tư 139/2015/TT-BTC hướng dẫn việc bảo đảm tiền vay cho khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định /2016/QĐ-TTg về Cơ chế cho chương trình, dự án đầu tư vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ qua cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: Đang cập nhật
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: Đang cập nhật
- Nơi ban hành: Đang cập nhật
- Người ký: Đang cập nhật
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra