QUỐC HỘI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Luật số: /2017/QH14 |
|
DỰ THẢO 5 |
|
LUẬT
BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG (SỬA ĐỔI)
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi).
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Luật này quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản.
Luật này áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trong nước; người Việt Nam định cư ở nước ngoài; tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến các hoạt động lâm nghiệp tại Việt Nam.
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Lâm nghiệp là ngành kinh tế, xã hội bao gồm các hoạt động về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản, dịch vụ môi trường rừng; đồng thời đảm bảo phát triển bền vững về môi trường quốc phòng an ninh.
2. Rừng là hệ sinh thái bao gồm quần thể thực vật rừng, động vật rừng, vi sinh vật rừng và các yếu tố khác, trong đó thành phần chính là cây gỗ, tre, nứa, họ dừa có chiều cao trên 5 mét đối với hệ thực vật núi đất hoặc trên 2 mét đối với các hệ thực vật khác đạt độ tàn che từ 0,1 trở lên; diện tích liền vùng từ 0,5 héc-ta trở lên.
3. Độ tàn che là mức độ che kín của tán cây gỗ, tre, nứa, họ dừa có chiều cao trên 5 mét đối với hệ thực vật núi đất hoặc trên 2 mét đối với các hệ thực vật khác theo phương thẳng đứng được biểu thị bằng tỷ lệ phần mười trên một đơn vị diện tích rừng.
4. Độ che phủ rừng là tỷ lệ phần trăm giữa diện tích rừng so với tổng diện tích tự nhiên trên một phạm vi địa lý nhất định.
5. Giá trị rừng gồm tổng giá trị các yếu tố cấu thành hệ sinh thái rừng và các giá trị môi trường, cảnh quan rừng tại một thời điểm, trên một diện tích rừng xác định.
6. Giá trị quyền sử dụng rừng gồm tổng giá trị tính bằng tiền của các quyền năng của quyền sử dụng rừng tại một thời điểm, trên một diện tích rừng xác định.
7. Loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp là loài bị đe dọa, có nguy cơ tuyệt chủng cao trong môi trường tự nhiên theo quy định của pháp luật.
8. Lâm sản là sản phẩm khai thác từ rừng gồm thực vật rừng, động vật rừng và các sinh vật rừng khác; bao gồm gỗ, lâm sản ngoài gỗ và sản phẩm đồ gỗ đã chế biến.
9. Dịch vụ môi trường rừng là việc cung ứng các giá trị sử dụng của môi trường rừng để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
10. Chi trả dịch vụ môi trường rừng là trách nhiệm bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng trong việc thanh toán giá trị dịch vụ môi trường rừng cho bên cung ứng dịch vụ.
11. Quản lý rừng bền vững là phương thức quản trị rừng đảm bảo đạt được các mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng, không làm suy giảm các giá trị và nâng cao giá trị rừng, cải thiện sinh kế, bảo vệ môi trường, góp phần giữ vững quốc phòng an ninh.
12. Mẫu vật các loài động vật rừng, thực vật rừng là động vật rừng, thực vật rừng còn sống hay đã chết, bộ phận, dẫn xuất của chúng.
13. Cộng đồng dân cư gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, bon, phum, sóc, tổ dân phố và điểm dân cư tương tự có cùng phong tục, tập quán; có quy ước, hương ước phù hợp với quy định của pháp luật.
Điều 4. Nguyên tắc hoạt động lâm nghiệp
1. Quản lý rừng bền vững cả về diện tích rừng, chất lượng rừng, đảm bảo hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao giá trị dịch vụ môi trường rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu.
2. Bảo đảm hài hoà giữa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của chủ rừng, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp; giữa lợi ích kinh tế với phòng hộ, bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên; giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài.
3. Đảm bảo tổ chức liên kết theo chuỗi từ bảo vệ, phát triển rừng, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến, thương mại lâm sản để nâng cao giá trị rừng.
4. Tăng thu nhập cho người làm lâm nghiệp, góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
5. Phát triển lâm nghiệp bền vững là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; Nhà nước phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý lâm nghiệp, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động lâm nghiệp, bảo đảm sự tham gia của các thành phần kinh tế.
Rừng tự nhiên và rừng trồng được phân thành 3 (ba) loại sau:
1. Rừng đặc dụng sử dụng chủ yếu để bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, nguồn gen sinh vật rừng, nghiên cứu khoa học, bảo tồn di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh kết hợp du lịch, nghỉ dưỡng, gồm:
a) Vườn quốc gia;
b) Khu dự trữ thiên nhiên;
c) Khu bảo tồn loài, sinh cảnh;
d) Khu bảo vệ cảnh quan gắn với bảo vệ môi trường đô thị, khu công nghiệp; bảo tồn di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh, tín ngưỡng;
đ) Khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học; rừng giống quốc gia.
2. Rừng phòng hộ sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hoà khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường, gồm:
a) Rừng phòng hộ đầu nguồn;
b) Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển.
3. Rừng sản xuất sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh lâm sản.
4. Chính phủ quy định tiêu chí phân loại, quy chế quản lý các loại rừng theo quy định tại Điều này.
Điều 6. Phân định ranh giới rừng
1. Diện tích rừng được phân định ranh giới rõ ràng trên bản đồ, trên thực địa và lập hồ sơ quản lý rừng. Hệ thống phân định ranh giới rừng thống nhất trên phạm vi cả nước như sau:
a) Tiểu khu rừng có ranh giới cố định gồm trọn một số khoảnh rừng với diện tích khoảng 1.000 (một nghìn) héc-ta; số hiệu tiểu khu được đánh số theo ký tự số La mã theo hướng từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam trong phạm vi cấp tỉnh.
b) Khoảnh là đơn vị rừng cấu thành tiểu khu rừng gồm trọn một số lô rừng, mỗi khoảnh có diện tích khoảng 100 (một trăm) héc-ta. Khoảnh được đánh số tự nhiên theo hướng từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam trong phạm vi một tiểu khu.
c) Lô rừng là đơn vị diện tích nhỏ nhất trong hệ thống phân định ranh giới rừng, mỗi lô rừng có diện tích khoảng 10 (mười) héc-ta. Lô được xác định theo thứ tự bảng chữ cái Việt Nam theo hướng từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam trong phạm vi một khoảnh.
2. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn cụ thể việc thực hiện phân định ranh giới rừng tại Điều này.
Điều 7. Các hình thức sở hữu rừng
1. Rừng sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu
a) Rừng tự nhiên.
b) Rừng trồng do Nhà nước đầu tư.
2. Rừng sở hữu của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư
Rừng trồng do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đầu tư; nhận chuyển nhượng, tặng cho, nhận thừa kế rừng từ chủ rừng khác theo quy định của pháp luật.
Chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng hoặc tự phục hồi, phát triển rừng được Nhà nước công nhận hoặc nhận chuyển giao rừng từ tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật, gồm:
1. Tổ chức trong nước, gồm:
a) Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ;
b) Tổ chức kinh tế gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam;
c) Đơn vị kinh tế quốc phòng; đơn vị quốc phòng, an ninh khác được Chính phủ phê duyệt (sau đây viết chung là đơn vị thuộc lực lượng vũ trang);
d) Tổ chức nghiên cứu khoa học, công nghệ, đào tạo, dạy nghề về lâm nghiệp.
2. Hộ gia đình, cá nhân trong nước.
3. Cộng đồng dân cư.
4. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Điều 9. Những hành vi bị nghiêm cấm
1. Chặt, phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật; lấn, chiếm, chuyển mục đích sử dụng rừng trái pháp luật; mang trái pháp luật hoá chất độc hại, chất nổ, chất dễ cháy vào rừng.
2. Săn, bắn, bắt, bẫy, nuôi nhốt, giết mổ động vật rừng, thu thập mẫu vật trái pháp luật.
3. Huỷ hoại tài nguyên rừng, hệ sinh thái rừng, công trình bảo vệ và phát triển rừng.
4. Vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng; phòng, trừ sinh vật hại rừng, quản lý các loài ngoại lai xâm hại.
5. Tàng trữ, vận chuyển, chế biến, kinh doanh trái pháp luật mẫu vật động vật rừng, thực vật rừng.
6. Khai thác tài nguyên khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên làm thay đổi cảnh quan tự nhiên của hệ sinh thái rừng.
7. Giao rừng, cho thuê rừng, chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng rừng trái pháp luật.
Điều 10. Nguyên tắc lập quy hoạch lâm nghiệp quốc gia
1. Phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; chiến lược phát triển lâm nghiệp.
2. Đảm bảo quản lý rừng bền vững, hài hòa giữa khai thác, sử dụng rừng với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và các giá trị văn hóa, lịch sử; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và nâng cao sinh kế của người dân.
3. Đảm bảo sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; đảm bảo công khai, minh bạch.
Điều 11. Căn cứ lập quy hoạch lâm nghiệp quốc gia
Việc lập quy hoạch lâm nghiệp quốc gia phải đảm bảo căn cứ sau:
1. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; chiến lược phát triển lâm nghiệp;
2. Quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia; Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ;
3. Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, nguồn lực;
4. Hiện trạng, nhu cầu và khả năng sử dụng rừng, đất để phát triển lâm nghiệp.
Điều 12. Nội dung quy hoạch lâm nghiệp quốc gia
1. Thu thập, phân tích, đánh giá các dữ liệu về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, thực trạng tài nguyên rừng; các chủ trương, định hướng phát triển, các quy hoạch có liên quan; đánh giá nguồn lực phát triển và các vấn đề cần giải quyết.
2. Đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch lâm nghiệp kỳ trước
a) Tình hình quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng.
b) Tình hình sản xuất, kinh doanh.
c) Đầu tư, khoa học công nghệ, lao động.
3. Dự báo về nhu cầu và thị trường lâm sản, dịch vụ môi trường rừng, tác động của biến đổi khí hậu, tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng trong lâm nghiệp.
4. Nghiên cứu bối cảnh, các mối liên kết ngành; xác định yêu cầu của phát triển kinh tế- xã hội đối với ngành.
5. Xác định quan điểm, mục tiêu của quy hoạch.
6. Quy hoạch phát triển bền vững 3 (ba) loại rừng.
7. Quy hoạch chế biến lâm sản.
8. Quy hoạch cơ sở hạ tầng, dịch vụ lâm nghiệp.
9. Giải pháp, tổ chức thực hiện quy hoạch.
10. Kỳ quy hoạch là 10 (mười) năm.
Điều 13. Trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch lâm nghiệp quốc gia
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lập quy hoạch lâm nghiệp quốc gia.
2. Các bộ, ngành; Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây viết chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập quy hoạch lâm nghiệp quốc gia.
Điều 14. Lấy ý kiến về quy hoạch lâm nghiệp quốc gia
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có liên quan; tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý về quy hoạch lâm nghiệp quốc gia.
2. Hình thức và thời gian lấy ý kiến về quy hoạch lâm nghiệp quốc gia
a) Việc lấy ý kiến về quy hoạch lâm nghiệp quốc gia được thực hiện thông qua hình thức công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng; gửi lấy ý kiến bằng văn bản; tổ chức hội nghị, hội thảo.
b) Thời gian lấy ý kiến là 45 (bốn mươi lăm) ngày kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định tổ chức lấy ý kiến.
Điều 15. Thẩm định, phê duyệt, công bố quy hoạch lâm nghiệp quốc gia
1. Thủ tướng Chính phủ lập Hội đồng thẩm định quy hoạch lâm nghiệp quốc gia.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định.
3. Hội đồng thẩm định quy hoạch lâm nghiệp quốc gia tổ chức thẩm định và gửi kết quả thẩm định đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm tiếp thu, giải trình về các vấn đề thẩm định.
4. Nội dung thẩm định quy hoạch lâm nghiệp quốc gia
a) Sự phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh; chiến lược phát triển lâm nghiệp; quy hoạch sử dụng đất của cả nước; thực tiễn, nguồn lực, nhu cầu và khả năng sử dụng rừng đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
b) Cơ sở pháp lý, khoa học của nội dung quy hoạch lâm nghiệp quốc gia quy định tại Điều 12 của Luật này.
c) Hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường.
d) Tính khả thi của quy hoạch.
5. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch lâm nghiệp quốc gia.
6. Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia được phê duyệt phải tổ chức công bố công khai theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
Điều 16. Điều chỉnh quy hoạch lâm nghiệp quốc gia
1. Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia chỉ điều chỉnh khi có thay đổi quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh; chiến lược phát triển lâm nghiệp; quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia làm thay đổi lớn đến các nội dung quy hoạch lâm nghiệp quy định tại Điều 12 của Luật này.
2. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch lâm nghiệp quốc gia.
Điều 17. Thực hiện quy hoạch lâm nghiệp quốc gia
1. Chính phủ thống nhất quản lý quy hoạch lâm nghiệp quốc gia. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm trước Chính phủ về tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát; hàng năm báo cáo Chính phủ về thực hiện quy hoạch lâm nghiệp quốc gia trên phạm vi cả nước.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, rà soát, đảm bảo quy hoạch cấp tỉnh không trái với quy hoạch lâm nghiệp quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát; hàng năm báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thực hiện quy hoạch lâm nghiệp quốc gia trên địa bàn.
Điều 18. Tổ chức tư vấn lập quy hoạch lâm nghiệp quốc gia
1. Tổ chức tư vấn lập quy hoạch lâm nghiệp phải có chức năng và chuyên ngành về lâm nghiệp, phát triển bền vững, có đội ngũ khoa học và chuyên gia về quy hoạch, lâm nghiệp, kinh tế, xã hội và môi trường.
2. Chính phủ quy định chi tiết về tổ chức, hoạt động của tổ chức tư vấn lập quy hoạch lâm nghiệp quốc gia.
Chương III
QUẢN LÝ RỪNG
Mục 1. GIAO RỪNG, CHO THUÊ RỪNG, CHUYỂN MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG RỪNG, THU HỒI RỪNG
Điều 19. Nguyên tắc giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng
1. Giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng phải tuân thủ quy định của luật này; phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác liên quan.
2. Thời hạn, hạn mức giao rừng, cho thuê rừng phù hợp với thời hạn, hạn mức giao đất, cho thuê đất.
Điều 20. Căn cứ giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng
Việc giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng dựa trên các căn cứ sau:
1. Kế hoạch giao, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng rừng của Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây viết chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh duyệt phù hợp với quy hoạch tỉnh;
2. Quỹ rừng, đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp;
3. Nhu cầu sử dụng rừng thể hiện trong dự án đầu tư đối với tổ chức; đơn xin giao rừng, thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư.
4. Năng lực quản lý rừng bền vững của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư.
Nhà nước giao rừng không thu tiền sử dụng rừng cho các đối tượng sau:
1. Rừng đặc dụng
a) Ban quản lý vườn quốc gia, Ban quản lý khu dự trữ thiên nhiên, Ban quản lý khu bảo tồn loài, sinh cảnh.
b) Các tổ chức trong nước nghiên cứu khoa học, công nghệ, đào tạo, dạy nghề về lâm nghiệp đối với rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học.
c) Ban quản lý, tổ chức trong nước, cộng đồng dân cư đối với khu bảo vệ cảnh quan gắn với bảo vệ môi trường đô thị, khu công nghiệp, bảo tồn di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh, tín ngưỡng.
d) Ban quản lý rừng; tổ chức kinh tế, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đào tạo, dạy nghề về lâm nghiệp trong nước đối với rừng giống quốc gia.
2. Rừng phòng hộ: Ban quản lý rừng phòng hộ; hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư cư trú hợp pháp trên địa bàn cấp xã nơi có rừng phòng hộ; đơn vị thuộc lực lượng vũ trang; tổ chức kinh tế trong nước.
3. Rừng sản xuất
a) Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư cư trú hợp pháp trên địa bàn cấp xã nơi có diện tích rừng; đơn vị thuộc lực lượng vũ trang;
b) Ban quản lý rừng phòng hộ đối với diện tích rừng sản xuất xen kẽ trong ranh giới khu rừng phòng hộ;
c) Tổ chức kinh tế trong nước thực hiện nhiệm vụ công ích đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên.
4. Chính phủ quy định về giao rừng quy định tại Điều này.
Điều 22. Cho thuê rừng sản xuất
1. Nhà nước cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân thuê rừng sản xuất trả tiền thuê rừng một lần hoặc trả tiền thuê rừng hàng năm để sản xuất lâm nghiệp, kết hợp sản xuất lâm nghiệp, nông nghiệp, ngư nghiệp, kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo quy chế quản lý rừng.
2. Chính phủ quy định về cho thuê rừng sản xuất quy định tại Điều này.
Điều 23. Thu hồi rừng
1. Nhà nước thu hồi rừng trong các trường hợp do Nhà nước thu hồi đất có rừng, gồm:
a) Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh được quy định tại Điều 61 Luật Đất đai năm 2013;
b) Thu hồi đất để phát triển kinh tế- xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng được quy định tại Điều 62 Luật Đất đai năm 2013;
c) Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai được quy định tại Điều 64 Luật Đất đai năm 2013;
d) Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người được quy định tại Điều 65 Luật Đất đai năm 2013.
2. Các trường hợp thu hồi rừng khác, gồm:
a) Chủ rừng sử dụng rừng không đúng mục đích, cố ý không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước hoặc vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật lâm nghiệp;
b) Sau 12 tháng liên tục kể từ ngày được giao, được thuê rừng mà chủ rừng không tiến hành các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng;
c) Chủ rừng tự nguyện trả lại rừng;
d) Rừng được Nhà nước giao, cho thuê có thời hạn mà không được gia hạn khi hết hạn;
đ) Rừng được giao, được thuê không đúng thẩm quyền hoặc không đúng đối tượng.
3. Bồi thường thiệt hại về rừng khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
Điều 24. Chuyển mục đích sử dụng rừng
1. Việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích sử dụng khác phải phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch cấp tỉnh được duyệt, được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chủ rừng phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp.
2. Tổ chức, cá nhân, chủ dự án được giao, thuê đất từ chuyển mục đích sử dụng rừng phải trồng rừng thay thế ít nhất bằng diện tích rừng được chuyển mục đích sử dụng theo quy định của pháp luật.
3. Thẩm quyền giải quyết chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng
a) Quốc hội quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50 (năm mươi) héc-ta trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng, lấn biển từ 500 (năm trăm) héc-ta trở lên; rừng sản xuất từ 1.000 (một nghìn) héc-ta trở lên.
b) Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn từ 20 (hai mươi) héc-ta đến dưới 50 (năm mươi) héc-ta; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng, lấn biển từ 100 (một trăm) đến dưới 500 (năm trăm) héc-ta; rừng sản xuất từ 200 (hai trăm) héc-ta đến dưới 1.000 (một nghìn) héc-ta.
c) Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ dưới 20 (hai mươi) héc-ta; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng, lấn biển dưới 100 (một trăm) héc-ta; rừng sản xuất dưới 200 (hai trăm) héc-ta.
4. Chính phủ quy định chi tiết về chuyển mục đích sử dụng rừng quy định tại Điều này.
Điều 25. Thẩm quyền giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng đối với tổ chức trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
2. Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư.
3. Trường hợp trong khu vực thu hồi rừng có cả đối tượng quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi rừng hoặc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi rừng.
Mục 2. TỔ CHỨC QUẢN LÝ RỪNG
Điều 26. Nguyên tắc tổ chức quản lý rừng
1. Nhà nước giao, cho thuê rừng, tổ chức quản lý, bảo vệ rừng; đảm bảo diện tích rừng có chủ thực sự.
2. Chủ rừng có trách nhiệm quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng bền vững đúng quy chế quản lý đối với từng loại rừng.
Điều 27. Quản lý rừng bền vững
1. Chủ rừng phải thực hiện các quy định của Nhà nước về quản lý rừng bền vững, bảo đảm kinh doanh rừng lâu dài, liên tục; tối ưu hóa hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường.
2. Chủ rừng là tổ chức phải xây dựng, thực hiện phương án quản lý rừng bền vững đối với diện tích rừng sản xuất được Nhà nước giao, cho thuê.
3. Tổ chức thực hiện cấp chứng chỉ rừng bền vững trong nước, tổ chức nước ngoài là tổ chức phi chính phủ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận, chỉ định.
4. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định bộ tiêu chí quản lý rừng bền vững; hướng dẫn về phương án, chứng chỉ và tổ chức thực hiện cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Điều 28. Thẩm quyền thành lập các khu rừng đặc dụng, phòng hộ
1. Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập các khu rừng đặc dụng, khu rừng phòng hộ có tầm quan trọng quốc gia hoặc liên tỉnh.
2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập các khu rừng đặc dụng, khu rừng phòng hộ ở địa phương ngoài quy định tại Khoản 1 Điều này.
3. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục thành lập các khu rừng đặc dụng, khu rừng phòng hộ.
Điều 29. Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ
1. Ban quản lý rừng đặc dụng
a) Thành lập Ban quản lý rừng đặc dụng đối với vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài, sinh cảnh có diện tích tập trung từ 3.000 (ba nghìn) héc-ta trở lên.
Trường hợp trên địa bàn cấp tỉnh có nhiều khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài, sinh cảnh, diện tích mỗi khu dưới 3.000 (ba nghìn) héc-ta, thì thành lập một Ban quản lý rừng đặc dụng chung trên địa bàn.
Trường hợp trên địa bàn cấp tỉnh chỉ có một khu dự trữ thiên nhiên hoặc khu bảo tồn loài, sinh cảnh diện tích dưới 3.000 (ba nghìn) héc-ta, thì cơ quan Kiểm lâm cấp tỉnh trực tiếp tổ chức quản lý.
b) Các khu rừng đặc dụng ngoài quy định tại điểm a Khoản này, thì chủ rừng thành lập tổ chức quản lý theo quy chế quản lý rừng đặc dụng.
2. Ban quản lý rừng phòng hộ
a) Thành lập Ban quản lý rừng phòng hộ đối với khu rừng phòng hộ đầu nguồn có diện tích tập trung từ 5.000 (năm nghìn) héc-ta trở lên hoặc rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển có diện tích từ 3.000 (ba nghìn) héc-ta trở lên.
b) Trường hợp trên địa bàn cấp tỉnh có nhiều khu rừng phòng hộ, diện tích mỗi khu quy mô nhỏ hơn quy định tại điểm a Khoản này thì thành lập một Ban quản lý rừng phòng hộ chung trên địa bàn.
Mục 3. ĐIỀU TRA, KIỂM KÊ, THEO DÕI DIỄN BIẾN, CƠ SỞ DỮ LIỆU RỪNG
1. Điều tra rừng là hoạt động chuyên ngành để đánh giá, giám sát về diễn thế rừng cả về diện tích, trữ lượng, tăng trưởng của rừng; các chỉ tiêu về sinh thái rừng, đa dạng sinh học, khả năng hấp thụ, phát thải khí nhà kính và các yếu tố cấu thành hệ sinh thái rừng.
2. Hoạt động điều tra rừng
a) Điều tra, phân loại rừng; phân cấp rừng.
b) Điều tra, đánh giá chất lượng rừng, tiềm năng phát triển rừng.
c) Điều tra, đánh giá tình trạng mất rừng và suy thoái rừng.
d) Xây dựng và duy trì hệ thống giám sát diễn thế rừng.
đ) Đo đạc, báo cáo và kiểm chứng về giảm phát thải khí nhà kính từ mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các bon rừng.
3. Tổ chức điều tra rừng
a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện và công bố kết quả điều tra rừng toàn quốc 5 (năm) năm một lần và theo chuyên đề; chỉ đạo việc thực hiện điều tra rừng cấp tỉnh; tổng hợp, công bố kết quả điều tra, đánh giá tài nguyên rừng của cả nước.
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện và công bố kết quả điều tra rừng của địa phương, gửi kết quả về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp.
c) Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc điều tra rừng và điều kiện về năng lực của đơn vị thực hiện điều tra rừng.
1. Kiểm kê rừng thực hiện theo cấp chính quyền gắn với chủ quản lý cụ thể trên phạm vi toàn quốc để xác định hiện trạng diện tích, trữ lượng rừng, đất chưa có rừng quy hoạch cho lâm nghiệp; điều chỉnh, bổ sung cơ sở dữ liệu rừng và đất chưa có rừng.
2. Kỳ kiểm kê rừng 10 (mười) năm một lần phù hợp với thời điểm kiểm kê đất đai.
3. Trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Ban hành và hướng dẫn nội dung, phương pháp kiểm kê rừng; chỉ đạo các đơn vị trong ngành, các địa phương thực hiện việc kiểm kê rừng, công bố kết quả kiểm kê rừng của cả nước.
b) Phối hợp với cơ quan thống kê của Nhà nước lập biểu mẫu về kiểm kê rừng để áp dụng thống nhất trong cả nước và phù hợp với pháp luật về thống kê.
4. Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc thống nhất số liệu về diện tích các loại rừng với diện tích các loại đất rừng cho phù hợp theo quy định của pháp luật về đất đai và quy định của pháp luật về lâm nghiệp.
5. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp
a) Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức và báo cáo kết quả kiểm kê rừng lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
b) Uỷ ban nhân dân cấp huyện tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả kiểm kê rừng lên Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.
c) Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây viết chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) có trách nhiệm tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả kiểm kê rừng lên Uỷ ban nhân dân cấp huyện.
6. Trách nhiệm của chủ rừng
a) Chủ rừng có trách nhiệm kiểm kê rừng theo hướng dẫn và chịu sự kiểm tra của cơ quan chuyên ngành về lâm nghiệp cấp tỉnh đối với chủ rừng là tổ chức; theo hướng dẫn và chịu sự kiểm tra của cơ quan chuyên ngành về lâm nghiệp cấp huyện đối với chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư.
b) Chủ rừng có trách nhiệm kê khai số liệu kiểm kê rừng theo biểu mẫu quy định với Uỷ ban nhân dân cấp xã.
Điều 32. Theo dõi diễn biến rừng hàng năm
1. Theo dõi diễn biến rừng được thực hiện hàng năm nhằm nắm vững diện tích các loại rừng, đất chưa có rừng hiện có; biến động diện tích các loại rừng phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
2. Đơn vị cơ sở theo dõi diễn biến rừng là lô rừng, được tập hợp theo khoảnh, tiểu khu rừng đối với từng chủ rừng và tổng hợp trên địa bàn cấp xã, huyện, tỉnh, cả nước.
3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn nội dung, phương pháp theo dõi diễn biến rừng; công bố kết quả theo dõi diễn biến rừng hàng năm trên phạm vi toàn quốc vào Quý II năm kế tiếp.
1. Cơ sở dữ liệu rừng là tập hợp thông tin, dữ liệu về rừng được thiết lập, cập nhật và duy trì đáp ứng yêu cầu truy nhập, sử dụng thông tin cho công tác bảo vệ và phát triển rừng và các lợi ích khác; đồng thời là bộ phận của hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thiết lập, quản lý cơ sở dữ liệu rừng thống nhất trong phạm vi cả nước.
QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CHỦ RỪNG
Điều 34. Quyền chung của chủ rừng
1. Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng theo quy định của Luật này và pháp luật khác liên quan.
2. Được sử dụng rừng phù hợp với thời hạn giao rừng, cho thuê rừng và thời hạn giao đất, cho thuê đất trồng rừng theo quy định của luật này và Luật Đất đai.
3. Được sản xuất lâm nghiệp, nông nghiệp, ngư nghiệp kết hợp theo quy chế quản lý rừng; được hưởng lợi dịch vụ môi trường rừng theo chính sách của Nhà nước.
4. Được hướng dẫn về kỹ thuật và các hỗ trợ khác để bảo vệ và phát triển rừng bền vững; được hưởng lợi ích do các công trình công cộng bảo vệ, phát triển rừng.
5. Được Nhà nước bồi thường giá trị rừng, tài sản do chủ rừng đầu tư, xây dựng hợp pháp tại thời điểm quyết định thu hồi rừng.
6. Được Nhà nước bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp.
Điều 35. Nghĩa vụ chung của chủ rừng
1. Bảo toàn giá trị rừng và phát triển rừng bền vững; sử dụng rừng đúng mục đích, đúng quy định của Nhà nước, quy chế quản lý rừng.
2. Thực hiện quy định của Nhà nước về theo dõi, báo cáo diễn biến rừng.
3. Chấp hành nghiêm chỉnh việc giao, trả lại rừng khi Nhà nước quyết định thu hồi rừng theo quy định tại Điều 23 của Luật này.
4. Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
5. Bảo tồn đa dạng sinh học rừng, động vật rừng, thực vật rừng theo quy định của pháp luật.
6. Chấp hành sự quản lý, kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Điều 36. Quyền và nghĩa vụ của Ban quản lý rừng đặc dụng
1. Quyền
a) Có các quyền quy định tại Điều 34 của Luật này;
b) Được ngân sách nhà nước đầu tư bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng theo quy định tại Điều 88 của Luật này;
c) Được khai thác rừng theo quy định tại Điều 66 của Luật này;
d) Được ký hợp đồng khoán về bảo vệ và phát triển rừng; được tự tổ chức hoặc cho thuê, liên kết với các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch sinh thái, nghĩ dưỡng, giải trí trong rừng theo dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
đ) Được tiến hành hoặc hợp tác với tổ chức, nhà khoa học thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học, dịch vụ nghiên cứu khoa học theo chương trình, đề tài, dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
e) Tổ chức thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
2. Nghĩa vụ
a) Thực hiện các nghĩa vụ quy định tại Điều 35 của Luật này.
b) Lập và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt phương án quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng bền vững và thực hiện phương án đã được duyệt.
c) Hỗ trợ các cộng đồng dân cư trong vùng đệm ổn định dân sinh, phát triển kinh tế, xã hội.
Điều 37. Quyền và nghĩa vụ của Ban quản lý rừng phòng hộ
1. Quyền
a) Có các quyền quy định tại Điều 34 và điểm d, đ, e Khoản 1 Điều 36 của Luật này.
b) Được ngân sách nhà nước đầu tư bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ theo quy định tại Điều 88 của Luật này.
c) Được khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ, rừng sản xuất theo quy định tại Điều 69, Điều 72, Điều 73 của Luật này.
2. Nghĩa vụ
a) Thực hiện các nghĩa vụ quy định tại Điều 35 của Luật này.
b) Lập và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt phương án quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng bền vững và thực hiện phương án đã được duyệt.
Điều 38. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức được Nhà nước giao rừng giống quốc gia
1. Quyền
a) Có các quyền quy định tại Điều 34 của Luật này.
b) Được Nhà nước đảm bảo kinh phí đầu tư để duy trì và phát triển rừng giống theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
c) Được bán sản phẩm theo giá thị trường để tạo nguồn thu và được quản lý, sử dụng nguồn thu theo quy định của pháp luật về tài chính.
2. Nghĩa vụ:
a) Thực hiện các nghĩa vụ quy định tại Điều 35 của Luật này.
b) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch duy trì và phát triển rừng giống được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 39. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế được Nhà nước giao rừng phòng hộ
1. Quyền
a) Có các quyền quy định tại Điều 34 của Luật này.
b) Được khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ theo quy định tại Điều 69 của Luật này.
c) Được ngân sách nhà nước đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ theo quy định tại Điều 88 của Luật này.
d) Được ký hợp đồng khoán bảo vệ và phát triển rừng; được tự tổ chức hoặc cho thuê, liên kết với các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; nông lâm ngư kết hợp theo dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
2. Nghĩa vụ
a) Có các nghĩa vụ quy định tại Điều 35 của Luật này.
b) Lập và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt phương án quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng phòng hộ bền vững và thực hiện phương án đã được duyệt.
Điều 40. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê rừng sản xuất là rừng trồng
1. Quyền
a) Có các quyền quy định tại Điều 34 của Luật này.
b) Được khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định tại Điều 73 của Luật này; được sở hữu cây rừng, vật nuôi, tài sản gắn liền với rừng trồng do chủ rừng tự đầu tư và được bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Nghĩa vụ
a) Có các nghĩa vụ quy định tại Điều 35 của Luật này.
b) Xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững.
Điều 41. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để trồng rừng
1. Tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất để trồng rừng phòng hộ bằng vốn ngân sách nhà nước có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
a) Có các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 34, Điều 35 của Luật này;
b) Được chủ động tổ chức trồng rừng theo dự toán thiết kế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
c) Được khai thác lâm sản theo quy chế quản lý rừng và được chia sẻ lợi ích từ rừng theo chính sách của Nhà nước.
2. Tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất để trồng rừng phòng hộ bằng vốn tự đầu tư có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
a) Có các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 34, Điều 35 của Luật này;
b) Được sở hữu vật nuôi và tài sản trên đất trồng rừng phòng hộ;
c) Được khai thác lâm sản theo quy định tại Điều 69 của Luật này.
3. Tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê đất để trồng rừng sản xuất có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
a) Có các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 34, Điều 35 của Luật này;
b) Được sở hữu cây rừng, vật nuôi và tài sản trên đất trồng rừng;
c) Được khai thác lâm sản theo quy định tại Điều 73 của Luật này;
d) Được chuyển nhượng rừng sản xuất là rừng trồng; thế chấp bằng giá trị rừng sản xuất là rừng trồng tại tổ chức tín dụng hoạt động hợp pháp tại Việt Nam;
đ) Được góp vốn bằng giá trị rừng sản xuất là rừng trồng với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để kinh doanh rừng;
e) Được cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí.
Điều 42. Quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao rừng phòng hộ
1. Quyền
a) Có các quyền quy định tại Điều 34 của Luật này.
b) Được Nhà nước đảm bảo kinh phí bảo vệ rừng.
c) Được khai thác lâm sản theo quy định tại Điều 69 của Luật này và được chia sẻ lợi ích từ rừng theo chính sách của Nhà nước.
d) Được chuyển đổi diện tích rừng được giao cho hộ gia đình, cá nhân trong cùng xã, phường, thị trấn; cá nhân được cho thừa kế quyền sử dụng rừng theo quy định của pháp luật.
2. Nghĩa vụ
a) Có các nghĩa vụ quy định tại Điều 35 của Luật này.
b) Bảo vệ và phát triển rừng theo quy chế quản lý rừng.
Điều 43. Quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao rừng sản xuất
1. Quyền
a) Có các quyền quy định tại Điều 34 của Luật này.
b) Đối với rừng sản xuất là rừng trồng thì được khai thác theo quy định tại Điều 73 của Luật này và được chia sẻ lợi ích từ rừng theo chính sách của Nhà nước; được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp góp vốn bằng giá trị rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định của pháp luật.
c) Đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên, được khai thác theo quy định tại Điều 72 của Luật này và được chia sẻ lợi ích từ rừng theo chính sách của Nhà nước.
d) Cá nhân được cho thừa kế quyền sử dụng rừng theo quy định của pháp luật.
2. Nghĩa vụ
a) Có các nghĩa vụ quy định tại Điều 35 của Luật này.
b) Bảo vệ và phát triển rừng theo quy chế quản lý rừng.
Điều 44. Quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước cho thuê rừng sản xuất là rừng trồng
1. Quyền
a) Có các quyền quy định tại Điều 34 của Luật này.
b) Được hưởng giá trị cây rừng và sản phẩm nông lâm ngư kết hợp do chủ rừng tự đầu tư trong thời gian được thuê theo quy định của pháp luật.
c) Được thế chấp, góp vốn bằng giá trị rừng sản xuất là rừng trồng tự đầu tư theo quy định của pháp luật.
d) Đối với rừng sản xuất là rừng trồng bằng vốn ngân sách nhà nước, được khai thác theo quy định tại Điều 73 của Luật này và được chia sẻ lợi ích từ rừng theo chính sách của Nhà nước.
2. Nghĩa vụ
a) Có các nghĩa vụ quy định tại Điều 35 của Luật này.
b) Phải xây dựng và thực hiện phương án bảo vệ và phát triển rừng theo hợp đồng thuê.
Điều 45. Quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để trồng rừng
1. Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất để trồng rừng sản xuất, trồng rừng phòng hộ có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
a) Có các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 34, Điều 35 của Luật này;
b) Được sở hữu cây rừng, vật nuôi và tài sản trên đất trồng rừng sản xuất do chủ rừng tự đầu tư;
c) Được sở hữu vật nuôi và tài sản trên đất trồng rừng phòng hộ do chủ rừng tự đầu tư;
d) Được khai thác lâm sản theo quy định tại Điều 69, Điều 73 của Luật này và được chia sẻ lợi ích từ rừng theo chính sách của Nhà nước;
đ) Được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê lại rừng sản xuất là rừng trồng; thế chấp, góp vốn bằng giá trị rừng sản xuất là rừng trồng với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; cá nhân được cho thừa kế theo quy định của pháp luật.
2. Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước cho thuê đất để trồng rừng sản xuất có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
a) Có các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 34, Điều 35 của Luật này;
b) Được sở hữu cây rừng, vật nuôi và tài sản trên đất trồng rừng;
c) Được khai thác lâm sản theo quy định tại Điều 73 của Luật này;
d) Được chuyển nhượng, tặng cho rừng sản xuất là rừng trồng; thế chấp, góp vốn bằng giá trị rừng sản xuất là rừng trồng với tổ chức, cá nhân; cá nhân được cho thừa kế theo quy định của pháp luật.
Điều 46. Quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư được giao rừng
1. Quyền
a) Có các quyền quy định tại Điều 34 của Luật này.
b) Được Nhà nước bảo đảm kinh phí bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng giao cho cộng đồng dân cư.
c) Được hướng dẫn quy hoạch vùng kết hợp sản xuất nông lâm nghiệp, vùng canh tác dưới tán rừng, vùng chăn thả gia súc theo quy chế quản lý rừng; được hỗ trợ phát triển kinh tế rừng, hỗ trợ bảo tồn đa dạng sinh học và phục hồi rừng bằng cây lâm nghiệp bản địa.
d) Được khai thác lâm sản quy định tại Điều 66, Điều 69, Điều 72, Điều 73 và được chia sẻ lợi ích từ rừng theo chính sách của Nhà nước.
2. Nghĩa vụ
a) Có các nghĩa vụ quy định tại Điều 35 của Luật này.
b) Xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước bảo vệ và phát triển rừng phù hợp với quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
c) Đảm bảo duy trì diện tích rừng của cộng đồng; không được chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng rừng.
Điều 47. Quyền và nghĩa vụ của chủ rừng là đơn vị thuộc lực lượng vũ trang
Đơn vị thuộc lực lượng vũ trang được Nhà nước giao rừng phòng hộ, rừng sản xuất có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
1. Có các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 34, Điều 35 của Luật này.
2. Khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ, rừng sản xuất theo quy định tại Điều 69, Điều 72, Điều 73 của Luật này.
3. Đảm bảo duy trì diện tích rừng, không được chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê rừng, thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng rừng.
Điều 48. Quyền và nghĩa vụ của chủ rừng là tổ chức nghiên cứu khoa học, công nghệ, đào tạo, dạy nghề về lâm nghiệp
1. Có các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 34, Điều 35 của Luật này.
2. Được bán sản phẩm rừng trồng, cây giống và các lâm sản khác theo quy chế quản lý rừng.
3. Không được chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê rừng, thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng rừng.
Điều 49. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước cho thuê đất để trồng rừng sản xuất
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần để trồng rừng sản xuất có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
1. Có các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 34, Điều 35 của Luật này;
2. Được sở hữu cây rừng, vật nuôi và tài sản trên đất trồng rừng;
3. Được khai thác lâm sản theo quy định tại Điều 73 của Luật này;
4. Được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê lại rừng, góp vốn bằng giá trị rừng.
Chương V
BẢO VỆ RỪNG
Mục 1. NGHĨA VỤ, TRÁCH NHIỆM BẢO VỆ RỪNG
Điều 50. Nghĩa vụ bảo vệ rừng của toàn dân
1. Cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có trách nhiệm bảo vệ rừng, thực hiện các quy định về bảo vệ rừng theo quy định của Luật này, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, pháp luật về thú y và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có trách nhiệm thông báo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chủ rừng về cháy rừng, sinh vật gây hại rừng và hành vi vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ rừng; chấp hành sự huy động nhân lực, phương tiện của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi xảy ra cháy rừng.
Điều 51. Nghĩa vụ bảo vệ rừng của chủ rừng
1. Chủ rừng có trách nhiệm bảo vệ rừng của mình; xây dựng và thực hiện phương án, biện pháp bảo vệ hệ sinh thái rừng; phòng, chống chặt phá rừng; phòng, chống săn, bắt, bẫy động vật rừng trái phép; phòng cháy, chữa cháy rừng; phòng, trừ sinh vật gây hại rừng theo quy định của Luật này, pháp luật về đất đai, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, pháp luật về thú y và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Chủ rừng không thực hiện các quy định tại Khoản 1 Điều này phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Điều 52. Trách nhiệm bảo vệ rừng của Uỷ ban nhân dân các cấp
1. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh
a) Ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền về bảo vệ rừng trong phạm vi địa phương.
b) Chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng.
c) Tổ chức, chỉ đạo thực hiện và kiểm tra việc phòng cháy, chữa cháy rừng, phòng trừ sinh vật hại rừng ở địa phương.
d) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền huy động lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn để ứng phó khẩn cấp chữa cháy rừng.
đ) Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ rừng trên địa bàn; xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ rừng.
2. Uỷ ban nhân dân cấp huyện
a) Hướng dẫn, chỉ đạo việc thực hiện pháp luật, chính sách, chế độ của Nhà nước về bảo vệ rừng trong phạm vi địa phương mình.
b) Chỉ đạo, tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng.
c) Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cấp xã thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng.
d) Huy động và phối hợp các lực lượng trên địa bàn để ngăn chặn mọi hành vi gây thiệt hại đến rừng, phòng cháy, phòng trừ sinh vật hại rừng.
đ) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền có trách nhiệm huy động lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị để ứng phó khẩn cấp chữa cháy rừng.
e) Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, chính sách, chế độ về bảo vệ rừng trên địa bàn; xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ rừng.
3. Uỷ ban nhân dân cấp xã
a) Hướng dẫn, chỉ đạo việc thực hiện pháp luật, chính sách, chế độ của Nhà nước về bảo vệ rừng trong phạm vi địa phương mình.
b) Chỉ đạo các thôn và đơn vị tương đương xây dựng và thực hiện quy ước bảo vệ rừng trên địa bàn phù hợp với quy định của pháp luật.
c) Phối hợp với các lực lượng kiểm lâm, công an, quân đội, tổ chức lực lượng quần chúng bảo vệ rừng trên địa bàn; phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hành vi xâm phạm, hủy hoại rừng.
d) Tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng; hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng cháy rừng, phòng trừ sinh vật hại rừng.
đ) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trong phạm vi thẩm quyền có trách nhiệm huy động lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị để ứng phó khẩn cấp chữa cháy rừng.
e) Tổ chức bảo vệ rừng và có kế hoạch trình Uỷ ban nhân dân cấp trên đưa rừng vào sử dụng đối với những diện tích rừng Nhà nước chưa giao, chưa cho thuê.
g) Hướng dẫn nhân dân thực hiện bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, sản xuất lâm nghiệp - nông nghiệp - ngư nghiệp kết hợp, làm nương rẫy, định canh, thâm canh, luân canh, chăn thả gia súc theo quy hoạch lâm nghiệp đã được phê duyệt.
h) Kiểm tra việc chấp hành pháp luật, chính sách, chế độ về bảo vệ rừng đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trên địa bàn; xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ rừng.
4. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp dưới chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp trên; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ khi để xảy ra phá rừng, cháy rừng ở địa phương.
Điều 53. Trách nhiệm bảo vệ rừng của các bộ, cơ quan ngang bộ
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện các quy định về bảo vệ rừng theo quy định của Luật này; tổ chức dự báo nguy cơ cháy rừng; xây dựng lực lượng chuyên ngành phòng cháy, chữa cháy rừng.
2. Bộ Công an phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và quy định của Luật này; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng.
3. Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện công tác bảo vệ rừng tại các vùng biên giới, hải đảo và vùng xung yếu về quốc phòng, an ninh; huy động lực lượng tham gia chữa cháy rừng, cứu hộ, cứu nạn; tham gia đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng.
4. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong việc tổ chức bảo vệ rừng trong các rừng đặc dụng có liên quan đến di sản văn hoá.
5. Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong việc tổ chức quản lý, bảo vệ đa dạng sinh học, môi trường rừng.
6. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện công tác tuyên truyền về bảo vệ rừng.
7. Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc bảo vệ rừng.
Mục 2. NỘI DUNG BẢO VỆ RỪNG
Điều 54. Bảo vệ hệ sinh thái rừng
Khi tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc có những hoạt động khác ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái rừng, sinh trưởng và phát triển của các loài sinh vật rừng phải tuân theo quy định của Luật này, pháp luật về bảo vệ môi trường, pháp luật về đa dạng sinh học, pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, pháp luật về thú y và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 55. Bảo vệ thực vật rừng, động vật rừng
1. Những loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp phải được lập danh mục để quản lý, bảo vệ theo chế độ đặc biệt.
2. Khai thác thực vật rừng, động vật rừng, gỗ và lâm sản ngoài gỗ, phải thực hiện theo quy chế quản lý rừng.
3. Chính phủ quy định danh mục, chế độ quản lý, bảo vệ những loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp.
4. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn trình tự, thủ tục khai thác gỗ, lâm sản và việc săn, bắt, bẫy, nuôi nhốt động vật rừng.
Điều 56. Phòng cháy, chữa cháy rừng
1. Chủ rừng có diện tích rừng lớn, tập trung, dễ cháy phải có phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, phải thiết kế và xây dựng đường ranh, kênh, mương ngăn lửa, chòi canh lửa, biển báo, hệ thống thông tin theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; chấp hành sự hướng dẫn, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Trường hợp được đốt lửa trong rừng, gần rừng để dọn nương rẫy, dọn đồng ruộng, chuẩn bị đất trồng rừng, đốt trước mùa khô hanh hoặc dùng lửa trong sinh hoạt thì người đốt lửa phải thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.
3. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân xây dựng, tiến hành các hoạt động trên các công trình đi qua rừng như đường sắt, đường bộ, đường dây tải điện và hoạt động du lịch sinh thái, hoạt động khác ở trong rừng, ven rừng phải chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy; tuân thủ các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chủ rừng.
4. Khi xảy ra cháy rừng, chủ rừng phải kịp thời chữa cháy rừng, thông báo ngay cho cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; khắc phục hậu quả sau cháy rừng và báo cáo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phối hợp chữa cháy rừng kịp thời.
5. Trong trường hợp cháy rừng xảy ra trên diện rộng có nguy cơ gây thảm họa dẫn đến tình trạng khẩn cấp thì việc chữa cháy rừng phải tuân theo các quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp.
6. Cơ quan Kiểm lâm các cấp và Cảnh sát phòng cháy chữa cháy có trách nhiệm hướng dẫn chủ rừng xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng.
7. Chính phủ quy định chi tiết về phòng cháy, chữa cháy rừng, khắc phục hậu quả sau cháy rừng.
Điều 57. Phòng, trừ sinh vật gây hại rừng
1. Việc trồng cây rừng, nuôi hoặc chăn, thả động vật vào rừng phải thực hiện theo đúng pháp luật về đa dạng sinh học, pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, pháp luật về thú y.
2. Chủ rừng phải thực hiện các biện pháp phòng, trừ sinh vật gây hại rừng; khi phát hiện có sinh vật gây hại rừng trên diện tích rừng được giao, được thuê phải báo ngay cho cơ quan bảo vệ và kiểm dịch thực vật, kiểm dịch động vật gần nhất để được hướng dẫn và hỗ trợ các biện pháp phòng trừ.
3. Chủ rừng phải chịu trách nhiệm khi không thực hiện các biện pháp phòng, trừ theo hướng dẫn của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
4. Khuyến khích áp dụng các biện pháp lâm sinh, sinh học vào việc phòng, trừ sinh vật gây hại rừng.
5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo tình hình dịch bệnh, hướng dẫn các biện pháp phòng, trừ sinh vật hại rừng.
6. Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức, chỉ đạo các lực lượng để diệt trừ sinh vật hại rừng trong phạm vi địa phương, không để sinh vật gây hại rừng lây lan sang các địa phương khác.
Điều 58. Tổ chức bảo vệ rừng chuyên trách
1. Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ không có tổ chức Kiểm lâm; doanh nghiệp, tổ chức không thuộc lực lượng vũ trang được Nhà nước giao, cho thuê rừng và đất rừng được thành lập lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của lượng lượng bảo vệ rừng chuyên trách
a) Tuần tra, kiểm tra về bảo vệ rừng.
b) Thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.
c) Thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và một số hoạt động xử lý hành vi vi phạm về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; sử dụng một số công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật.
3. Chủ rừng có trách nhiệm trực tiếp quản lý, chỉ đạo hoạt động của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách; đảm bảo chế độ theo quy định cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách.
4. Chính phủ quy định chi tiết về tổ chức bảo vệ rừng chuyên trách.
Điều 59. Kiểm tra, kiểm soát lâm sản
1. Kiểm tra, kiểm soát lâm sản được thực hiện trong quá trình khai thác, vận chuyển, chế biến, kinh doanh, xuất, nhập khẩu, gây nuôi, trồng cấy nhân tạo, cất giữ lâm sản do tổ chức Kiểm lâm các cấp thực hiện.
2. Tổ chức Kiểm lâm các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với cơ quan công an, bộ đội biên phòng, quản lý thị trường, hải quan và các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
3. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan công an, bộ đội biên phòng, quản lý thị trường, hải quan, các cơ quan tư pháp và các cơ quan, tổ chức liên quan phối hợp với tổ chức Kiểm lâm thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.
4. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định trình tự, thủ tục về kiểm tra, kiểm soát lâm sản.
PHÁT TRIỂN RỪNG
Điều 60. Phát triển giống cây lâm nghiệp
1. Thiết lập hệ thống rừng giống quốc gia để lưu giữ nguồn gen, cung ứng nguồn giống chất lượng cao bền vững.
2. Xây dựng rừng giống, vườn giống, vườn cây đầu dòng của cây lâm nghiệp để cung ứng giống tốt cho sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp.
3. Phát triển giống cây lâm nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về giống cây trồng.
Điều 61. Phát triển rừng đặc dụng
1. Vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài, sinh cảnh
a) Phải duy trì cấu trúc rừng tự nhiên, đảm bảo sự phát triển tự nhiên của rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.
b) Được áp dụng biện pháp bảo vệ, kết hợp tái sinh tự nhiên với làm giàu rừng, trồng rừng bằng các loài cây bản địa trong phân khu phục hồi sinh thái và phân khu dịch vụ hành chính theo dự án, đề án được duyệt.
2. Khu bảo vệ cảnh quan
Duy trì diện tích rừng hiện có, được áp dụng các biện pháp kỹ thuật trồng rừng, khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh tự nhiên, làm giàu rừng để nâng cao chất lượng rừng.
3. Khu rừng nghiên cứu và thực nghiệm khoa học
Việc trồng mới, trồng lại rừng, cải tạo rừng được thực hiện theo các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học do chủ rừng hoặc cấp có thẩm quyền quyết định.
4. Rừng giống quốc gia
Việc duy trì và phát triển rừng giống quốc gia được thực hiện theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
5. Những khu rừng đặc dụng hoặc một phần đất rừng đặc dụng có điều kiện thành lập khu bảo vệ vùng đất ngập nước, khu di sản thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển được xem xét đề nghị công nhận là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, khu di sản thiên nhiên thế giới, khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Điều 62. Phát triển rừng phòng hộ
1. Rừng phòng hộ đầu nguồn
a) Phải được xây dựng thành rừng tập trung, liền vùng, duy trì và hình thành cấu trúc đảm bảo chức năng phòng hộ.
b) Được áp dụng biện pháp bảo vệ, kết hợp khoanh nuôi tái sinh tự nhiên với làm giàu rừng; trồng rừng ở những nơi đất trống, không có khả năng tái sinh tự nhiên thành rừng; trồng hỗn giao nhiều loài cây bản địa, các loài cây đa tác dụng, cây lâm sản ngoài gỗ.
2. Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay
a) Phải thiết lập các đai rừng phù hợp với điều kiện tự nhiên ở từng vùng, có ít nhất một đai rừng chính rộng tối thiểu 20 (hai mươi) mét kết hợp với các đai rừng phụ tạo thành ô khép kín.
b) Được áp dụng biện pháp trồng rừng bằng các loài cây có bộ rễ sâu bám chắc, sinh trưởng được trong điều kiện khắc nghiệt và có khả năng chống chịu với gió bão; được trồng bổ sung tại những nơi chưa đủ tiêu chí thành rừng.
3. Rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển
a) Phải thiết lập ít nhất một đai rừng rộng tối thiểu 30 (ba mươi) mét, nếu có nhiều đai rừng thì các đai rừng có cửa so le nhau theo hướng sóng chính.
b) Được áp dụng biện pháp trồng rừng bằng những loài cây bản địa chịu nước, có bộ rễ sâu, bám chắc; được trồng bổ sung tại những nơi chưa đủ tiêu chí thành rừng.
Điều 63. Phát triển rừng sản xuất
1. Rừng sản xuất để cung cấp lâm sản, sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp, nông nghiệp, ngư nghiệp, kết hợp kinh doanh cảnh quan, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, môi trường.
2. Các biện pháp lâm sinh được áp dụng để phát triển rừng sản xuất gồm:
a) Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên hoặc có trồng bổ sung;
b) Trồng rừng, gồm trồng rừng mới, trồng lại rừng, chăm sóc, nuôi dưỡng rừng;
c) Cải tạo rừng tự nhiên nghèo;
d) Nuôi dưỡng rừng;
đ) Làm giầu rừng.
Điều 64. Phát triển cây phân tán
1. Phát triển cây phân tán để tăng diện tích cây xanh và độ che phủ tại các đô thị, các vùng sản xuất nông nghiệp, khu công nghiệp tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
2. Các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương hàng năm tuyên truyền, phát động toàn dân tham gia trồng, quản lý, bảo vệ cây phân tán.
3. Nhà nước có chính sách hỗ trợ về giống, hướng dẫn kỹ thuật phát triển cây phân tán.
Điều 65. Gây nuôi phát triển động vật rừng bền vững
1. Tổ chức, cá nhân gây nuôi sinh sản, sinh trưởng các loài động vật rừng phải đảm bảo các điều kiện về nguồn giống động vật nuôi hợp pháp; an toàn với người và động vật nuôi, vệ sinh môi trường; không ảnh hưởng tiêu cực đến bảo tồn quần thể loài trong môi trường tự nhiên.
2. Chính phủ quy định gây nuôi sinh sản, sinh trưởng quy định tại Khoản 1 Điều này.
SỬ DỤNG RỪNG
Mục 1. RỪNG ĐẶC DỤNG
Điều 66. Khai thác lâm sản trong rừng đặc dụng
1. Đối với vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài, sinh cảnh
a) Được tận thu cây gỗ đã chết, cây gãy đổ trong phân khu dịch vụ hành chính theo quy định của Nhà nước; được tận dụng gỗ, củi, thực vật rừng ngoài gỗ trong phạm vi giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình theo dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
b) Được khai thác, sử dụng bền vững các loài thực vật rừng ngoài gỗ và không thuộc danh mục các loài nguy cấp trong phân khu phục hồi sinh thái và phân khu dịch vụ hành chính theo đề án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và quy định của pháp luật.
c) Được thu thập mẫu vật, nguồn gen sinh vật theo chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Đối với khu rừng bảo vệ cảnh quan
a) Được tận thu gỗ, củi, thực vật rừng trong quá trình thực hiện các biện pháp lâm sinh để bảo tồn, tôn tạo, khôi phục hệ sinh thái, cảnh quan, văn hóa, lịch sử và trong phạm vi giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình theo dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
b) Được khai thác, sử dụng bền vững các loài thực vật không thuộc danh mục các loài nguy cấp theo đề án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
c) Được thu thập mẫu vật, nguồn gen sinh vật theo chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
d) Đối với rừng tín ngưỡng được tận thu cây gỗ đã chết, cây gãy đổ, thực vật rừng, lâm sản ngoài gỗ; khai thác gỗ phục vụ mục đích tâm linh tín ngưỡng của cộng đồng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
3. Đối với rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học
a) Được phép khai thác lâm sản theo chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học được phê duyệt.
b) Được tận thu gỗ, củi, thực vật rừng trong quá trình thực hiện các tác động điều chỉnh tổ thành rừng, nuôi dưỡng rừng và áp dụng các biện pháp kỹ thuật khác theo chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học được phê duyệt và trong phạm vi giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình theo dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
c) Được khai thác, sử dụng bền vững các loài thực vật, động vật, vi sinh vật phục vụ nghiên cứu khoa học theo chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
d) Được thu thập mẫu vật, nguồn gen sinh vật theo chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học được phê duyệt.
4. Rừng giống quốc gia
a) Được khai thác vật liệu giống theo quy định.
b) Được tận dụng khi thực hiện các biện pháp lâm sinh, nghiên cứu khoa học và giải phóng mặt bằng các dự án khi chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; tận thu cây gỗ bị đỗ gãy, bị chết do thiên tai; gỗ cháy, gỗ khô mục, cành, ngọn còn nằm trong rừng.
5. Việc khai thác lâm sản trong rừng đặc dụng phải thực hiện theo quy chế quản lý rừng đặc dụng.
Điều 67. Hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng dạy, thực tập trong rừng đặc dụng
Hoạt động nghiên cứu khoa học, dịch vụ nghiên cứu khoa học theo chương trình, đề tài, dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 68. Hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng
1. Việc tổ chức hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phải phù hợp với quy hoạch khu rừng đặc dụng và có dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
2. Thực hiện đúng quy định pháp luật về lâm nghiệp, bảo vệ môi trường, du lịch, di sản văn hóa và các quy định pháp luật liên quan.
3. Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định và phê duyệt dự án phát triển du lịch sinh thái và diện tích đất được xây dựng các công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng.
Mục 2. RỪNG PHÒNG HỘ
Điều 69. Khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ
1. Rừng tự nhiên được tận dụng khi thực hiện các biện pháp lâm sinh, giải phóng mặt bằng các dự án khi chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; tận thu cây gỗ bị đỗ gãy, bị chết do thiên tai; gỗ cháy, gỗ khô mục, cành, ngọn còn nằm trong rừng.
2. Rừng trồng được khai thác cây phụ trợ, chặt tỉa thưa khi rừng trồng có mật độ lớn hơn mật độ theo quy định; được khai thác cây trồng chính khi đạt tiêu chuẩn khai thác theo phương thức khai thác chọn hoặc chặt trắng theo băng, theo đám rừng. Sau khi khai thác, chủ rừng phải thực hiện việc tái sinh hoặc trồng lại rừng ngay trong năm trồng rừng kế tiếp và tiếp tục quản lý, bảo vệ.
3. Được phép khai thác các loại lâm sản khác ngoài gỗ mà không làm ảnh hưởng đến khả năng phòng hộ của rừng, trừ các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp bị cấm khai thác.
4. Việc khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ phải thực hiện theo quy chế quản lý rừng phòng hộ.
Điều 70. Hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, nghiên cứu khoa học, giảng dạy, thực tập trong rừng phòng hộ
1. Hoạt động nghiên cứu khoa học, dịch vụ nghiên cứu khoa học theo chương trình, đề tài, dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
2. Việc tổ chức hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phải phù hợp với quy hoạch khu rừng phòng hộ và có dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
3. Thực hiện đúng quy định pháp luật về lâm nghiệp, bảo vệ môi trường, du lịch, di sản văn hóa và các quy định pháp luật liên quan.
4. Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định và phê duyệt dự án phát triển du lịch sinh thái và diện tích đất được xây dựng các công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng phòng hộ..
Điều 71. Nông lâm kết hợp trong rừng phòng hộ
1. Được trồng xen cây dược liệu, cây đặc hữu, chăn nuôi dưới tán rừng tự nhiên nhưng không làm ảnh hưởng khả năng phòng hộ của rừng.
2. Được sử dụng diện tích đất chưa có rừng xen canh để sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp kết hợp nhưng không làm ảnh hưởng khả năng phòng hộ của rừng.
Điều 72. Khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng tự nhiên
1. Điều kiện để được khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng tự nhiên
a) Chủ rừng là tổ chức phải có phương án quản lý rừng bền vững đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
b) Chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư khai thác lâm sản phải có kế hoạch và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng tự nhiên phải thực hiện theo quy chế quản lý rừng sản xuất.
Điều 73. Khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng trồng
1. Chủ rừng tự quyết định khai thác rừng trồng thuộc sở hữu của mình.
2. Trường hợp rừng trồng bằng vốn từ ngân sách nhà nước, chủ rừng phải lập hồ sơ khai thác trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
3. Việc khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng trồng phải thực hiện theo quy chế quản lý rừng sản xuất.
Điều 74. Sản xuất nông lâm kết hợp, kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng sản xuất
1. Trong rừng tự nhiên được trồng xen cây nông nghiệp, dược liệu, sản xuất ngư nghiệp, chăn nuôi dưới tán rừng không làm suy giảm chất lượng rừng.
2. Được sử dụng diện tích đất chưa có rừng để sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp kết hợp nhưng không làm thoái hóa, ô nhiễm đất; không làm thay đổi mục đích sử dụng đất rừng.
3. Được kết hợp kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, nghiên cứu khoa học, đào tạo, thực tập.
4. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định và phê duyệt dự án phát triển du lịch sinh thái và diện tích đất được xây dựng các công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng sản xuất.
Mục 4. DỊCH VỤ MÔI TRƯỜNG RỪNG
Điều 75. Các loại dịch vụ môi trường rừng
1. Bảo vệ đất, hạn chế xói mòn, bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối; chống gió, bão, cát bay, hạn hán, xâm nhập mặn; bảo vệ các cơ sở kinh tế, công trình ven biển phục vụ cho đời sống xã hội.
2. Điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống xã hội.
3. Hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng, chống suy thoái rừng, tăng trưởng xanh.
4. Bảo vệ cảnh quan tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng cho dịch vụ du lịch.
5. Cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn và con giống tự nhiên, sử dụng nguồn nước từ rừng và các yếu tố từ môi trường, hệ sinh thái rừng để nuôi trồng thủy sản.
Điều 76. Nguyên tắc chi trả dịch vụ môi trường rừng
1. Tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng phải chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng của các khu rừng tạo ra dịch vụ đã cung ứng.
2. Thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng bằng tiền thông qua hình thức chi trả trực tiếp hoặc chi trả gián tiếp.
3. Tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng thông qua Quỹ bảo vệ và phát triển rừng là tiền của bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng ủy thác cho Quỹ bảo vệ và phát triển rừng để trả cho các chủ rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng.
4. Tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng là một yếu tố trong giá thành sản phẩm của tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ môi trường rừng.
5. Đảm bảo công khai, dân chủ, khách quan, công bằng; phù hợp với hệ thống pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Điều 77. Các loại rừng, đối tượng, hình thức chi trả và quản lý tiền dịch vụ môi trường rừng
1. Loại rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng gồm: rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất và rừng ngoài quy hoạch cho lâm nghiệp đạt đủ các điều kiện về tiêu chí, chức năng của rừng theo quy định hiện hành.
2. Đối tượng được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng
a) Các chủ rừng được quy định tại Điều 8 của Luật này.
b) Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng ổn định lâu dài với các chủ rừng là tổ chức nhà nước.
c) Các tổ chức khác được Nhà nước giao quản lý rừng có cung ứng dịch vụ môi trường rừng.
3. Đối tượng phải chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng
a) Các cơ sở sản xuất thủy điện phải chi trả tiền dịch vụ về bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng suối; về điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất thủy điện.
b) Các cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch phải chi trả tiền dịch vụ về điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất nước sạch.
c) Các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước trực tiếp từ nguồn nước phải chi trả tiền dịch vụ về điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất.
d) Các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch có hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng phải chi trả tiền dịch vụ về bảo vệ cảnh quan tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng phục vụ cho dịch vụ du lịch.
đ) Các đối tượng phải trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng, bao gồm các cơ sở sản xuất công nghiệp, tổ chức, cá nhân có phát thải khí nhà kính.
e) Các đối tượng phải trả tiền cho dịch vụ cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn và con giống tự nhiên; sử dụng nguồn nước từ rừng và hệ sinh thái rừng để nuôi trồng thủy sản.
4. Hình thức chi trả dịch vụ môi trường rừng
a) Chi trả trực tiếp và chi trả gián tiếp.
b) Nhà nước khuyến khích áp dụng hình thức chi trả trực tiếp cho tất cả các trường hợp nếu bên cung ứng và bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng tự thỏa thuận được mức tiền chi trả.
5. Chính phủ quy định chi tiết về đối tượng, hình thức chi trả, quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng, kiểm tra, giám sát chi trả dịch vụ môi trường rừng.
CHẾ BIẾN, THƯƠNG MẠI LÂM SẢN
Điều 78. Trách nhiệm của Nhà nước về quản lý, phát triển chế biến và thị trường lâm sản
1. Quy hoạch phát triển bền vững hoạt động chế biến lâm sản.
2. Ban hành cơ chế, chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm lâm sản theo nguyên tắc thị trường.
3. Kiểm soát; đánh giá rủi ro; quản lý chế biến, thương mại lâm sản theo chuỗi theo quy định của pháp luật và các cam kết quốc tế.
4. Thiết lập cơ chế, chính sách, hỗ trợ phù hợp để phát triển thị trường lâm sản trong nước và quốc tế, đàm phán, ký kết và thực hiện các hiệp định thương mại; tổ chức thông tin thị trường, hội chợ, quảng bá sản phẩm và các hoạt động liên quan.
Điều 79. Cơ chế, chính sách phát triển chế biến, thương mại lâm sản của Nhà nước
1. Cơ chế tín dụng, cơ chế đất đai, chính sách thuế, phí. Ưu tiên hình thành những cơ sở chế biến lâm sản ứng dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường.
2. Cơ chế chính sách khuyến khích hỗ trợ đầu tư phát triển doanh nghiệp sản xuất thiết bị, phương tiện, sản phẩm phụ trợ cho chế biến lâm sản được hưởng các ưu đãi và hỗ trợ đầu tư thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành.
3. Cơ chế chính sách hỗ trợ hợp tác, liên kết với chủ rừng để tạo vùng nguyên liệu ổn định, quy mô lớn, gắn với áp dụng phương thức quản lý rừng bền vững; liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, các tổ chức nghiên cứu khoa học để tổ chức chuỗi tiết kiệm nguyên liệu, chi phí sản xuất, áp dụng phương thức tăng trưởng xanh, nâng cao giá trị gia tăng, thu nhập, lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường.
4. Chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ phát triển thị trường; ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ và phát triển thị trường lâm sản nội địa, quốc tế.
5. Chính phủ quy định chi tiết về cơ chế, chính sách quy định tại Điều này.
Điều 80. Gây nuôi, chế biến, thương mại động vật rừng
1. Gây nuôi, chế biến nội địa, thương mại các loài động vật rừng phải đảm bảo các quy định hiện hành của pháp luật về đầu tư kinh doanh; đồng thời phải đảm bảo các quy định về nguồn gốc động vật nuôi hợp pháp theo nguyên tắc quản lý bền vững cả nơi nuôi sản xuất, sinh trưởng và quần thể loài trong tự nhiên.
2. Thương mại mẫu vật các loài động vật rừng bao gồm cả hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, quá cảnh phải đảm bảo quy định của pháp luật và các quy định về thương mại quốc tế các loài hoang dã nguy cấp.
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Việt Nam trong Công ước về thương mại quốc tế các loài hoang dã nguy cấp.
Điều 81. Quyền, nghĩa vụ của các cơ sở chế biến thương mại lâm sản
1. Quyền
a) Được chủ động sản xuất, kinh doanh những mặt hàng lâm sản Nhà nước không cấm.
b) Được Nhà nước bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp; hỗ trợ liên kết chuỗi sản xuất, chế biến và áp dụng cơ chế, chính sách quy định tại Điều 79 của Luật này và quy định về đầu tư, khởi nghiệp trong khu vực nông thôn, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa theo quy định hiện hành.
2. Nghĩa vụ
a) Thực hiện đúng quy hoạch của Nhà nước về phát triển bền vững hoạt động chế biến lâm sản.
b) Thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế về sản xuất, kinh doanh, bảo vệ môi trường, quy định về nguồn gốc hợp pháp và truy xuất nguồn gốc lâm sản.
c) Chấp hành sự quản lý, kiểm tra, thanh tra quá trình sản xuất, kinh doanh của các cơ quan có thẩm quyền.
Chương IX
HỢP TÁC QUỐC TẾ TRONG LÂM NGHIỆP
Điều 82. Nguyên tắc hợp tác quốc tế trong lâm nghiệp
Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện hợp tác quốc tế về lâm nghiệp với các nước, vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền, pháp luật của mỗi bên và pháp luật quốc tế.
Điều 83. Hợp tác với các thể chế quốc tế về lâm nghiệp
1. Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tham gia các điều ước quốc tế về lâm nghiệp theo quy định của pháp luật về hợp tác quốc tế, điều ước quốc tế.
2. Điều ước quốc tế đảm bảo phục hồi và phát triển rừng, quản lý rừng bền vững, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, thương mại lâm sản hợp pháp trên toàn cầu, khu vực và trong nước, phù hợp với lợi ích, khả năng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan đề xuất việc ký kết và thực hiện điều ước quốc tế liên quan đến lâm nghiệp.
Điều 84. Cơ chế chính sách mở rộng hợp tác quốc tế về lâm nghiệp của Nhà nước
1. Khuyến khích mở rộng hợp tác về lâm nghiệp với các nước, vùng lãnh thổ, tổ chức, cá nhân nước ngoài hỗ trợ việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, các cam kết về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu và các cam kết quốc tế khác mà Việt Nam tham gia.
2. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân người Việt Nam hợp tác với các tổ chức, cá nhân nước ngoài trong việc bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về lâm nghiệp, nâng cao vị trí, vai trò của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên các diễn đàn về lâm nghiệp trong khu vực và quốc tế.
3. Cơ chế tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư, hỗ trợ hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ về bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên, chế biến và thương mai lâm sản tại Việt Nam; phát triển và sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn lực hợp tác quốc tế cho ngành lâm nghiệp và các sáng kiến quốc tế liên quan đến rừng và biến đổi khí hậu.
4. Thúc đẩy mạnh hợp tác với các nước có chung đường biên giới để giải quyết có hiệu quả các vấn đề về cháy rừng, khói mù xuyên biên giới, phòng chống buôn bán bất hợp pháp về gỗ và mẫu vật các loài động, thực vật hoang dã, bảo tồn thiên nhiên.
Chương X
GIÁ RỪNG, ĐẦU TƯ, TÀI CHÍNH TRONG LÂM NGHIỆP
1. Định giá rừng là hoạt động nhằm xác định tổng giá trị kinh tế của rừng.
2. Nguyên tắc định giá rừng
a) Phù hợp với giá trị lâm sản và giá trị dịch vụ môi trường rừng đang giao dịch trên thị trường tại thời điểm định giá.
b) Phù hợp với từng loại rừng gắn với quy định về quyền sử dụng rừng, khả năng sinh lợi và thu nhập từ rừng.
c) Đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan và khoa học.
3. Chính phủ quy định cụ thể về phương pháp định giá rừng.
4. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định khung giá rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định giá rừng cụ thể trên địa bàn tỉnh.
5. Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân hành nghề định giá được phép cung cấp dịch vụ định giá rừng.
Điều 86. Các trường hợp định giá rừng
1. Khi Nhà nước giao rừng, tổ chức đấu giá quyền sử dụng rừng, cho thuê rừng; tính giá trị bồi hoàn rừng khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích sử dụng khác; tính giá trị khi thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng.
2. Khi Nhà nước thu hồi rừng, thanh lý rừng; xác định giá trị vốn góp trong liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư, kinh doanh; cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.
3. Xác định giá trị phải bồi thường khi gây thiệt hại rừng đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng; thiệt hại do thiên tai, cháy rừng và các thiệt hại rừng khác.
4. Xác định các loại thuế, phí và lệ phí liên quan đến kinh doanh rừng.
Mục 2. ĐẦU TƯ VÀ TÀI CHÍNH TRONG LÂM NGHIỆP
Điều 87. Nguồn tài chính trong lâm nghiệp
1. Ngân sách nhà nước.
2. Đầu tư, đóng góp, ủng hộ, tài trợ từ tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài.
3. Thu từ khai thác các sản phẩm từ rừng; cho thuê rừng, đất rừng và môi trường rừng.
4. Bồi hoàn do làm suy giảm hoặc mất đi giá trị đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng và bồi hoàn do chuyển đổi mục đích sử dụng đất có rừng sang mục đích khác.
5. Thu từ dịch vụ môi trường rừng.
6. Vốn tín dụng từ các tổ chức tài chính trong và ngoài nước.
7. Các nguồn khác theo quy định của pháp luật.
Điều 88. Chi ngân sách nhà nước cho lâm nghiệp
1. Chi thường xuyên cho lâm nghiệp được sử dụng cho các mục đích sau:
c) Hỗ trợ bảo vệ rừng, quản lý rừng bền vững, cấp chứng chỉ rừng; sưu tập tiêu bản, động thực vật rừng; bảo vệ và phát triển các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp; bảo tồn đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng và phòng trừ sinh vật gây hại rừng; cứu hộ các loài động, thực vật rừng nguy cấp; duy tu, bảo dưỡng các công trình lâm nghiệp sau đầu tư;
đ) Đào tạo, khuyến lâm, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ về quản lý bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa rừng;
e) Hợp tác quốc tế và xúc tiến, kêu gọi đầu tư, thương mại trong lâm nghiệp;
g) Thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp;
h) Chi khác có tính đặc thù phục vụ công tác quản lý lâm nghiệp.
2. Chi đầu tư phát triển cho lâm nghiệp được sử dụng cho các mục đích sau:
a) Xây dựng cơ sở hạ tầng tại các ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng giống quốc gia;
b) Đầu tư xây dựng các khu nghiên cứu phát triển và khu công nghệ cao trong lâm nghiệp;
c) Đầu tư phương tiện, trang thiết bị nhằm bảo vệ, khôi phục rừng; quan trắc, cảnh báo nguy cơ cháy rừng; xây dựng các công trình phòng cháy chữa cháy rừng, ngăn chặn nguy cơ mất rừng và suy thoái rừng;
d) Xây dựng nâng cấp, cải tạo đường lâm nghiệp, cơ sở hạ tầng hỗ trợ phát triển lâm nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo cho người dân ở khu vực miền núi;
đ) Thực hiện các dự án trồng và chăm sóc rừng nhằm khôi phục và phát triển rừng bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu;
e) Đầu tư khác liên quan đến phát triển lâm nghiệp bền vững theo quy định của pháp luật.
3. Việc xây dựng dự toán và quản lý sử dụng ngân sách nhà nước cho lâm nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Điều 89. Chính sách đầu tư trong lâm nghiệp
Doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đầu tư vào hoạt động lâm nghiệp được hưởng chính sách ưu đãi về đầu tư, tín dụng theo quy định của Chính phủ.
Điều 90. Quỹ bảo vệ và phát triển rừng
1. Loại hình và mục đích thành lập Quỹ bảo vệ và phát triển rừng
a) Quỹ bảo vệ và phát triển rừng là Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; tổ chức, hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập, do cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập.
b) Quỹ bảo vệ và phát triển rừng được thành lập để huy động các nguồn lực của xã hội cho bảo vệ và phát triển rừng, góp phần thực hiện chủ trương xã hội hoá nghề rừng; nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng của những người được hưởng lợi từ rừng hoặc có các hoạt động ảnh hưởng trực tiếp đến rừng; nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, sử dụng và bảo vệ rừng cho các chủ rừng, góp phần thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp.
2. Nguyên tắc hoạt động của Quỹ
a) Quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận.
b) Quỹ hỗ trợ cho các chương trình, dự án hoặc các hoạt động phi dự án mà ngân sách nhà nước chưa đầu tư hoặc chưa đáp ứng yêu cầu đầu tư.
c) Phải đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả, sử dụng đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật.
3. Cơ cấu tổ chức
a) Quỹ ở trung ương do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập.
b) Quỹ ở cấp tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập.
4. Nguồn tài chính hình thành Quỹ
a) Tài trợ, đóng góp tự nguyện, vốn nhận ủy thác của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước.
b) Tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.
c) Tiền bồi hoàn do làm suy giảm hoặc mất đi giá trị đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng và bồi hoàn do chuyển đổi mục đích sử dụng đất có rừng sang mục đích khác.
d) Các khoản đóng góp bắt buộc do khai thác lâm sản từ rừng do nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư.
đ) Từ các Quỹ và các nguồn tài chính khác.
5. Chính phủ quy định cụ thể về điều kiện thành lập, chức năng, nhiệm vụ; cơ cấu tổ chức; cơ chế quản lý, sử dụng tài chính của Quỹ bảo vệ và phát triển rừng.
Chương XI
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ LÂM NGHIỆP
Mục 1. NỘI DUNG, TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ LÂM NGHIỆP
Điều 91. Nội dung quản lý nhà nước về lâm nghiệp
1. Ban hành, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật và thể chế, chính sách về lâm nghiệp.
2. Xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển lâm nghiệp bền vững.
3. Tổ chức thực hiện việc phân loại rừng; phân định ranh giới các loại rừng; giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng; lập hồ sơ quản lý rừng; điều tra rừng, kiểm kê rừng, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, cơ sở dữ liệu rừng; bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; phát triển rừng, sử dụng rừng, chế biến và thị trường lâm sản; tổ chức thống kê ngành lâm nghiệp; nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, quan hệ hợp tác quốc tế, đào tạo nguồn nhân lực lâm nghiệp; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lâm nghiệp.
4. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật và giải quyết tranh chấp về lâm nghiệp.
Điều 92. Trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về lâm nghiệp.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm trước Chính phủ về thực hiện quản lý nhà nước về lâm nghiệp
a) Trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền về lâm nghiệp và tổ chức thực hiện.
b) Xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp, quy hoạch lâm nghiệp quốc gia.
c) Chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về điều tra rừng, kiểm kê rừng, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, cơ sở dữ liệu rừng; bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; phát triển rừng, sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản; tổ chức thống kê ngành lâm nghiệp; nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, quan hệ hợp tác quốc tế, đào tạo nguồn nhân lực lâm nghiệp; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lâm nghiệp.
d) Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật và giải quyết tranh chấp về lâm nghiệp theo thẩm quyền.
đ) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của Chính phủ.
3. Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện quản lý nhà nước về lâm nghiệp.
4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
a) Ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền về lâm nghiệp để chỉ đạo các cấp, ngành, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thực hiện các quy định của pháp luật.
b) Tổ chức thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp, quy hoạch lâm nghiệp quốc gia tại địa phương.
c) Tổ chức thực hiện việc phân loại rừng; phân định ranh giới các loại rừng; giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng; lập hồ sơ quản lý rừng; điều tra rừng, kiểm kê rừng, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, cơ sở dữ liệu rừng; bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; phát triển rừng, sử dụng rừng, chế biến và thị trường lâm sản; nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, quan hệ hợp tác quốc tế, đào tạo nguồn nhân lực lâm nghiệp; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lâm nghiệp tại địa phương.
d) Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về lâm nghiệp; giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp theo quy định của pháp luật.
5. Ủy ban nhân dân cấp huyện
a) Triển khai thực hiện các quy định của pháp luật, chính sách, chế độ Nhà nước về lâm nghiệp.
b) Tổ chức thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp, quy hoạch lâm nghiệp quốc gia tại địa phương.
c) Tổ chức thực hiện việc phân loại rừng; phân định ranh giới các loại rừng; giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng; lập hồ sơ quản lý rừng; điều tra rừng, kiểm kê rừng, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; phát triển rừng, sử dụng rừng, chế biến lâm sản; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lâm nghiệp tại địa phương.
d) Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về lâm nghiệp; giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp theo quy định của pháp luật tại địa phương.
6. Ủy ban nhân dân cấp xã
a) Triển khai thực hiện các quy định của pháp luật, chính sách, chế độ Nhà nước về lâm nghiệp.
b) Tổ chức thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp, quy hoạch lâm nghiệp quốc gia tại địa phương.
c) Quản lý diện tích, ranh giới các khu rừng; tiếp và xác nhận hồ sơ xin giao rừng, thuê rừng đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư theo thẩm quyền; tổ chức quản lý, bảo vệ diện tích rừng nhà nước chưa giao, chưa cho thuê.
d) Chỉ đạo cộng đồng dân cư xây dựng và thực hiện quy ước bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn phù hợp với quy định của pháp luật; hướng dẫn thực hiện sản xuất lâm nghiệp; canh tác nương rẫy và chăn thả gia súc theo quy hoạch, kế hoạch được duyệt.
đ) Tổ chức hoạt động có hiệu quả của các tổ đội quần chúng bảo vệ rừng; huy động các lực lượng trên địa bàn kịp thời ngăn chặn các hành vi phá rừng và phòng cháy, chữa cháy. Thường xuyên kiểm tra việc sử dụng rừng, đất rừng của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư trên địa bàn xã, giám sát hoạt động của các cơ sở chế biến lâm sản theo quy định của pháp luật, hòa giải các tranh chấp về rừng và đất rừng trên địa bàn, xử phạt vi phạm hành chính các hành vi vi phạm về lâm nghiệp theo quy định của pháp luật.
Mục 2. QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CHUYÊN NGÀNH
Điều 93. Nguyên tắc tổ chức hệ thống cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về lâm nghiệp
1. Hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp được tổ chức theo mô hình thống nhất phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ quản lý nhà nước về lâm nghiệp của địa phương, đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.
2. Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về lâm nghiệp được tổ chức ở Trung ương và theo cấp chính quyền tỉnh, huyện.
3. Phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, không chồng chéo, bỏ sót các chức năng quản lý; đảm bảo công khai, minh bạch và hiện đại hóa các hoạt động quản lý.
Điều 94. Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về lâm nghiệp ở địa phương
1. Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về lâm nghiệp ở địa phương gồm:
a) Cơ quan giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước chuyên ngành về lâm nghiệp là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cơ cấu tổ chức quản lý nhà nước chuyên ngành lâm nghiệp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được xác định phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ quản lý ở địa phương và căn cứ vào diện tích rừng trên địa bàn tỉnh, bao gồm cơ quan có chức năng tham mưu quản lý nhà nước về lâm nghiệp và tổ chức Kiểm lâm
b) Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về lâm nghiệp cấp huyện.
2. Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về lâm nghiệp quy định tại Điều này.
Điều 95. Kiểm lâm
1. Chức năng
Kiểm lâm là tổ chức có chức năng bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp; trực tiếp bảo vệ rừng thuộc sở hữu toàn dân ở nơi Nhà nước chưa giao, chưa cho thuê và ở những khu rừng đặc dụng, phòng hộ quan trọng; tổ chức, hướng dẫn hoạt động đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm hại rừng; là lực lượng chuyên ngành phòng cháy, chữa cháy rừng.
2. Nhiệm vụ
a) Xây dựng chương trình, kế hoạch bảo vệ rừng, phương án phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, phòng cháy, chữa cháy rừng.
b) Tổ chức bảo vệ khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; các khu rừng thuộc sở hữu toàn dân nơi Nhà nước chưa giao, chưa cho thuê.
c) Tổ chức cảnh báo, dự báo nguy cơ cháy rừng và tổ chức lực lượng chuyên ngành phòng cháy, chữa cháy rừng.
d) Thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc bảo vệ rừng, khai thác rừng, sử dụng rừng, lưu thông, vận chuyển, kinh doanh, cất giữ, chế biến lâm sản; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.
đ) Hướng dẫn chủ rừng lập và thực hiện phương án bảo vệ rừng; bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ bảo vệ rừng cho chủ rừng.
e) Tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ và phát triển rừng; tổ chức lực lượng quần chúng bảo vệ rừng ở cơ sở.
g) Tham gia nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.
h) Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân về lâm nghiệp.
i) Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công tác tác được giao.
3. Quyền hạn
a) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc kiểm tra và điều tra; tiến hành kiểm tra hiện trường, thu thập chứng cứ theo quy định của pháp luật;
b) Xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính, khởi tố, điều tra hình sự đối với những hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, pháp luật về hình sự và pháp luật về tố tụng hình sự;
c) Được sử dụng vũ khí và công cụ hỗ trợ, trang phục theo quy định của pháp luật.
4. Chính phủ quy định chi tiết về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, chế độ, chính sách của Kiểm lâm.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày …. tháng…. năm 2018.
Luật này thay thế Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004.
2. Điều khoản chuyển tiếp
a) Đối với diện tích rừng đã được Nhà nước giao, cho thuê trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì chủ rừng tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 đến hết thời hạn được giao, cho thuê.
Trong trường hợp quy định về quyền và nghĩa vụ của chủ rừng được quy định tại Luật này có lợi cho chủ rừng thì áp dụng theo quy định của Luật này.
b) Đối với các dự án thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đã được phê duyệt nhưng chưa thực hiện giải phóng mặt bằng, trồng bù rừng kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo quy định của Luật này.
Điều 97. Trách nhiệm thi hành
Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật này.
Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ…thông qua ngày ... tháng ... năm 2017.
| CHỦ TỊCH QUỐC HỘI |
- 1Thông báo 402/TB-VPCP năm 2015 kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2Nghị định 119/2016/NĐ-CP về chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu
- 3Công văn 8316/VPCP-KTN năm 2016 báo cáo kết quả kiểm tra công tác bảo vệ rừng và giải quyết vấn đề dân di cư tự do đến địa bàn huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 1Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES)
- 2Hiến pháp 2013
- 3Thông báo 402/TB-VPCP năm 2015 kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4Nghị định 119/2016/NĐ-CP về chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu
- 5Công văn 8316/VPCP-KTN năm 2016 báo cáo kết quả kiểm tra công tác bảo vệ rừng và giải quyết vấn đề dân di cư tự do đến địa bàn huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên do Văn phòng Chính phủ ban hành
Dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi)
- Số hiệu: Đang cập nhật
- Loại văn bản: Luật
- Ngày ban hành: Đang cập nhật
- Nơi ban hành: Đang cập nhật
- Người ký: Đang cập nhật
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
- Tình trạng hiệu lực: Đang cập nhật