Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 25/CT-TTg

Hà Nội, ngày 26 tháng 09 năm 2012

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, ĐIỀU HÀNH VÀ BÌNH ỔN GIÁ NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM 2012

Ngay từ đầu năm 2012, các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012, trong đó có nhiệm vụ quản lý, điều hành và bình ổn giá nên đã góp phần tạo sự chuyển biến bước đầu trong nền kinh tế: Tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) có chuyển biến tích cực; kim ngạch xuất khẩu duy trì ở mức cao; chỉ số tồn kho đang từng bước giảm xuống; lạm phát được kiềm chế ở mức thấp (chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 năm 2012 tăng 2,86% so với tháng 12 năm 2011).

Tuy nhiên, tháng 9, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lại tăng ở mức khá cao (2,2%). Nguyên nhân chỉ số giá tiêu dùng tăng cao trong tháng 9 chủ yếu do việc thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về điều chỉnh tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh, học phí, điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường. Một số địa phương thực hiện điều chỉnh giá nước sạch, giá cước xe buýt công cộng được Nhà nước trợ giá... Ngoài ra, tình hình dịch bệnh, thiên tai, cũng như tình trạng lợi dụng chủ trương điều chỉnh giá của Nhà nước để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ cũng góp phần ảnh hưởng đến mặt bằng giá thị trường tháng 9. Tình hình trên báo hiệu, diễn biến chỉ số giá tiêu dùng những tháng cuối là rất phức tạp và việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2012 sẽ khó khăn.

Để thực hiện được mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô như chỉ tiêu Quốc hội đã giao, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu tại các Nghị quyết của Chính phủ: số 01/NQ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2012 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; số 13/NQ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2012 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường; các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, cần tập trung chỉ đạo triển khai ngay một số nhiệm vụ, giải pháp để quản lý, điều hành và bình ổn giá những tháng cuối năm 2012 như sau:

1. Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý giá, thuế, phí đối với những mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân; trước hết là kiểm soát chặt chẽ các loại giá, phí của các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu như: Y tế, giá dục, nước sạch sinh hoạt, cước vận tải, sữa, thuốc chữa bệnh cho người, thuốc bảo vệ động, thực vật, phân bón,... và giá cả các loại hàng hóa là nguyên vật liệu đầu vào của sản xuất. Thực hiện nghiêm, triệt để việc phòng, chống gian lận thương mại, chuyển giá, gian lận giá nhập khẩu và buôn lậu qua biên giới, nhất là các mặt hàng xăng, dầu, thuốc lá, khoáng sản. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

b) Cùng với việc đẩy mạnh thu ngân sách nhà nước theo đúng mục tiêu đề ra phải tăng cường quản lý chi ngân sách nhà nước, bảo đảm tiết kiệm, chặt chẽ và hiệu quả. Kiểm soát để hạn chế tối đa việc ứng thêm ngân sách cho năm 2013, bổ sung ngân sách ngoài dự toán được giao, trừ trường hợp thật sự cấp bách và phải được cơ quan chức năng thẩm định và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định.

c) Điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, quản lý tỷ giá, vàng...

d) Chủ động xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tế theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, không để xảy ra mất cân đối cung cầu, găm hàng, tăng giá làm mất ổn định thị trường, giá cả hàng hóa và dịch vụ; trường hợp vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

2. Các Bộ: Y tế, Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo để giãn thời gian điều chỉnh giá một số hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước định giá, kiểm soát giá như: Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; giá dịch vụ giáo dục (học phí); giá nước sạch sinh hoạt; giá cước xe buýt được Nhà nước trợ giá... đồng thời phải xây dựng phương án, lộ trình điều chỉnh trên cơ sở đánh giá kỹ tác động của việc điều chỉnh giá đến sản xuất và đời sống nhân dân để hạn chế thấp nhất tác động xấu đến sản xuất và đời sống nhân dân, cũng như việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; việc điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến trước khi thực hiện.

3. Bộ Tài chính, Bộ Công Thương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm:

a) Tiếp tục điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định tại Nghị định số 84/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; kết hợp hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng thông qua việc sử dụng linh hoạt công cụ thuế, trích lập và sử dụng quỹ bình ổn giá; bên cạnh đó, cần chú trọng đến mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; chỉ đạo, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tổ chức tốt khâu nhập khẩu và cung ứng xăng dầu, bảo đảm không được để thiếu nguồn, cũng như không được để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, gây tình trạng bất ổn cho thị trường trong nước; thực hiện tiết giảm tối đa chi phí sản xuất kinh doanh để tạo điều kiện giãn tần suất và biên độ tăng giá khi giá thế giới tăng.

b) Xây dựng lộ trình điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo đúng Nghị quyết của Quốc hội, phù hợp với diễn biến kinh tế thế giới và trong nước thời gian tới, nhất là việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ; báo cáo cấp có thẩm quyền trước khi thực hiện.

c) Việc điều chỉnh giá than bán cho sản xuất điện thực hiện theo hướng bảo đảm bằng giá thành toàn bộ, góp phần tháo gỡ khó khăn choo ngành than, bảo đảm ổn định việc làm và đời sống người lao động.

d) Tăng cường kiểm soát các yếu tố hình thành giá và việc xác định giá bán các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống; triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ và thực hiện nghiêm quy định về đăng ký giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giá.

4. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho người dân, nhất là trong dịp tết Nguyên Đán sắp tới; tích cực tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; kích thích tiêu dùng để tăng sức mua, giải quyết hàng tồn kho; phát triển thị trường trong nước, tuyên truyền sâu rộng và thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”; tiếp tục xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là cung ứng vật tư nông nghiệp và tiêu thụ nông sản; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thông tin thị trường để duy trì tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng chủ lực; kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, nhất là các loại hàng hoá không khuyến khích nhập khẩu.

5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, chống buôn lậu gia súc, gia cầm qua biên giới; hướng dẫn người dân thực hiện việc hỗ trợ thu mua nông sản, thủy sản theo đúng quy định, bảo đảm lợi ích của người sản xuất; đẩy mạnh việc phát triện kho dự trữ lúa gạo tại đồng bằng sông Cửu Long để nâng cao hiệu quả xuất khẩu gạo, điều tiết thị trường; đẩy nhanh tiến độ các công trình phòng, chống lụt bão để chủ động ứng phó với những diễn biến phức tạp của thiên tai.

6. Bộ Thông tin và Truyền thông làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền theo đúng chủ trương, chính sách của Đàng, Nhà nước, bảo đảm đầy đủ, công khai, minh bạch để tạo sự đồng thuận của xã hội; tránh việc tuyên truyền quá mức hoặc thông tin không chính xác về hiện tượng tăng giá cá biệt gây hiệu ứng dây chuyền và tâm lý bất ổn trong dư luận xã hội. Các Bộ, cơ quan, địa phương chủ động cung cấp, định hướng thông tin; tổ chức thông tin, đối thoại nhằm tuyên truyền, giải thích về các chủ trương, chính sách chỉ đạo điều hành liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công, nhất là khi có sự thay đổi về cơ chế, chính sách hoặc khi điều chỉnh giá hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá.

7. Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh tiếp tục thực hiện tái cơ cấu sản xuất kinh doanh theo hướng hiệu quả hơn; thực hiện rà soát các định mức kinh tế-kỹ thuật, đổi mới công nghệ và tiết giảm chi phí sản xuất để giảm giá thành, giảm áp lực tăng giá hàng hóa, dịch vụ; đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước, nhất là các mặt hàng mà doanh nghiệp có lợi thế.

8. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc các doanh nghiệp chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Các Tập đoàn, TCT nhà nước;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTTH (3b)

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Directive No. 25/CT-TTg of September 26, 2012, on the enhancement of price stabilization and management in the last months of 2012

  • Số hiệu: 25/CT-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 26/09/2012
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản