Hệ thống pháp luật

BỘ NGOẠI GIAO
******

 

Số: 61/2005/LPQT

Hà Nội, ngày 02 tháng 06 năm 2005 

 

Bản ghi nhớ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa In-đô-nê-xi-a về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục có hiệu lực từ ngày 30 tháng 5 năm 2005./.

 

TL. BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG

 



Nguyễn Thị Hoàng Anh

 

BẢN GHI NHỚ

GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA IN-ĐÔ-NÊ-XI-AVỀ HỢP TÁC TRONG LĨNH VỰC GIÁO DỤC

Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa In-đô-nê-xi-a, sau đây gọi là hai bên”;

Căn cứ mối quan tâm chung của hai Bên trong việc phát triển hợp tác trong lĩnh vực giáo dục;

Mong muốn mở rộng và tăng cường hợp tác hai Bên cùng có lợi trong lĩnh vực giáo dục giữa hai nước;

Căn cứ luật và quy định hiện hành của mỗi nước cũng như các thủ tục và chính sách của Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa In-đô-nê-xi-a về hợp tác giáo dục;

Đã thỏa thuận như sau:

Điều 1. Mục tiêu

Mục tiêu của Bản ghi nhớ này là phát triển hợp tác giáo dục trên cơ sở các nguyên tắc bình đẳng, có đi có lại và cùng có lợi, đồng thời thúc đẩy các mối quan hệ và hiểu biết lẫn nhau giữa hai Bên.

Điều 2. Lĩnh vực hợp tác

Hai Bên khuyến khích và tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực sau:

1. Trao đổi thông tin và ấn phẩm về giáo dục mầm non, tiểu học, phổ thông và đại học;

2. Trao đổi giáo viên, cán bộ và sinh viên;

3. Cải thiện các cơ sở giáo dục đào tạo thông qua việc thiết lập quan hệ hợp tác giữa hai Bên như kết nghĩa trường học, mở chương trình chung, hoạt động giao lưu trong sinh viên, liên kết giữa các trung tâm phát triển giáo dục các trung tâm phát triển giáo dục nghề nghiệp;

4. Hợp tác giữa các trường đại học/ trường kỹ thuật/ các trung tâm giáo dục chuyên nghiệp;

5. Thành lập ngành Việt Nam học tại In-đô-nê-xi-a và ngành In-đô-nê-xi-a học tại Việt Nam;

6. Phát triển nguồn nhân lực bao gồm giáo viên, đào tạo kỹ năng lãnh đạo và quản lý;

7. Cùng hợp tác tổ chức các hội thảo, các khóa tập huấn quốc tế với các chủ đề khác nhau;

8. Cung cấp học bổng;

9. Cộng tác nghiên cứu;

10. Các lĩnh vực hợp tác khác do hai Bên thỏa thuận.

Điều 3. Cơ quan thực hiện

Cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện Bản ghi nhớ này là Bộ Giáo dục và Đào tạo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đại diện cho Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Giáo dục Quốc gia nước Cộng hòa In-đô-nê-xi-a đại diện cho Chính phủ nước Cộng hòa In-đô-nê-xi-a.

Điều 4. Thỏa thuận về kỹ thuật

Các chương trình hợp tác được thực hiện trong khuôn khổ Bản ghi nhớ này sẽ được thực hiện thông qua ký kết các thỏa thuận cụ thể.

Điều 5. Thỏa thuận về tài chính

Việc thực hiện các hoạt động trong khuôn khổ Bản ghi nhớ này phụ thuộc vào khả năng tài chính và nhân sự của hai Bên.

Điều 6. Nhóm công tác hỗn hợp

1. Hai Bên có thể thiết lập Nhóm công tác hỗn hợp để thúc đẩy việc thực hiện Bản ghi nhớ này.

2. Nhóm công tác hỗn hợp sẽ có hai đồng chủ tịch, một đại diện của Bộ Giáo dục và Đào tạo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một đại diện của Bộ Giáo dục Quốc gia nước Cộng hòa In-đô-nê-xi-a, với sự tham gia của đại diện các cơ quan hữu quan khác và sẽ họp ít nhất mỗi năm một lần.

3. Nhóm công tác hỗn hợp sẽ định kỳ đánh giá việc thực hiện Bản ghi nhớ này và trình báo cáo cho các cơ quan thực hiện.

Điều 7. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

1. Hai Bên thỏa thuận rằng bất kỳ quyền sở hữu trí tuệ nào có được trong quá trình thực hiện Bản ghi nhớ này sẽ thuộc quyền sở hữu của hai Bên và:

a) Hai Bên được phép sử dụng các quyền sở hữu trí tuệ vì mục đích duy trì, ứng dụng và cải tiến sản phẩm liên quan;

b) Trong trường hợp quyền sở hữu trí tuệ này được một Bên và/hoặc được cơ sở đại diện cho Chính phủ sử dụng vì mục đích thương mại, phía Bên kia có quyền nhận tiền bản quyền tác giả với tỷ lệ công bằng;

c) Mỗi Bên đều có trách nhiệm pháp lý đối với những khiếu nại của bên thứ ba về quyền sở hữu và tính hợp pháp của việc sử dụng quyền sở hữu trí tuệ mà Bên đó đưa vào sử dụng để thực hiện các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Bản ghi nhớ.

2. Hai Bên đảm bảo rằng quyền sở hữu trí tuệ do một Bên mang vào lãnh thổ của Bên kia để thực hiện các hoạt động của các chương trình trong khuôn khổ Bản ghi nhớ này đều không vi phạm các quyền chính đáng của bên thứ ba.

3. Nếu một trong hai Bên muốn công bố những số liệu hoặc/và thông tin bí mật có được nhờ kết quả của những hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Bản ghi nhớ này cho bất kỳ bên thứ ba nào thì Bên công bố phải được Bên kia đồng ý bằng văn bản trước khi công bố.

4. Khi nào một trong hai Bên cần có hợp tác với bất kỳ bên thứ ba nào trong việc sử dụng thương mại các quyền sở hữu trí tuệ trong phạm vi Bản ghi nhớ này thì Bên đó phải dành ưu tiên hợp tác trước tiên cho Bên kia theo Bản ghi nhớ này, ưu tiên này sẽ bị khước từ nếu Bên kia không thể tham gia được theo cách có lợi chung cho hai Bên.

Điều 8. Giới hạn hoạt động của nhân viên

Hai Bên đảm bảo rằng các nhân viên của mình tham gia vào các hoạt động trong khuôn khổ Bản ghi nhớ này sẽ không tham gia vào các hoạt động chính trị hoặc kinh doanh hoặc bất kỳ hoạt động nào khác nằm ngoài chương trình hợp tác của Bản ghi nhớ này khi ở trên lãnh thổ của Bên kia.

Điều 9. Giải quyết tranh chấp

Mọi tranh chấp phát sinh trong việc giải thích và/hoặc thực thi Bản ghi nhớ này sẽ được giải quyết một cách thân thiện thông qua thương lượng hoặc tham khảo ý kiến.

Điều 10. Sửa đổi

Bản ghi nhớ này có thể được xem xét và sửa đổi vào bất cứ thời điểm nào trên cơ sở đồng ý bằng văn bản của hai Bên. Mọi sửa đổi hoặc bổ sung sẽ có hiệu lực vào thời gian do hai Bên xác định và được coi là một phần không thể tách rời của Bản ghi nhớ này.

Điều 11. Ngày hiệu lực, thời hạn hiệu lực và chấm dứt hiệu lực

1. Bản ghi nhớ này có hiệu lực kể từ ngày ký.

2. Bản ghi nhớ này có giá trị trong thời hạn 3 (ba) năm và có thể được mặc nhiên gia hạn từng thời hạn ba năm một, trừ khi một Bên thông báo bằng văn bản cho Bên kia ý định chấm dứt hiệu lực của Bản ghi nhớ này trước đó 6 (sáu) tháng.

3. Việc chấm dứt hiệu lực của Bản ghi nhớ này không làm ảnh hưởng đến giá trị và thời hạn của bất kỳ thỏa thuận, chương trình, hoạt động hoặc dự án đang được thực hiện trong khuôn khổ Bản ghi nhớ này cho đến khi các thỏa thuận, chương trình, hoạt động và dự án đó được hoàn thành, trừ trường hợp hai Bên có quyết định khác.

ĐỂ LÀM BẰNG, những người ký tên dưới đây, được Chính phủ hai Bên ủy quyền hợp thức, đã ký bản ghi nhớ này.

LÀM tại Hà Nội, ngày 30 tháng 5 năm 2005, thành hai bản gốc, mỗi bản bằng tiếng Việt, tiếng In-đô-nê-xi-a và tiếng Anh; các văn bản đều có giá trị như nhau; các văn bản đều có giá trị như nhau. Trong trường hợp có sự giải thích khác nhau về Bản ghi nhớ này, văn bản tiếng Anh sẽ được dùng làm căn cứ./.

THAY MẶT CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO




Nguyễn Minh Hiển

THAY MẶT CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA IN-ĐÔ-NÊ-XI-A
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC QUỐC GIA




Bam-bang Xu-đi-bi-ô









HIỆU LỰC VĂN BẢN

Điều ước số 61/2005/LPQT về việc Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa In-đô-nê-xi-a về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục do Bộ Ngoại giao ban hành

  • Số hiệu: 61/2005/LPQT
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 30/05/2005
  • Nơi ban hành: Bộ Ngoại giao
  • Người ký: Nguyễn Thị Hoàng Anh
  • Ngày công báo: 06/10/2005
  • Số công báo: Từ số 5 đến số 6
  • Ngày hiệu lực: 30/05/2005
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản