Hệ thống pháp luật

BỘ NGOẠI GIAO
******

 

Số: 50/2005/LPQT

Hà Nội, ngày 09 tháng 05 năm 2005 

 

Hiệp định thành lập Hiệp hội hồ tiêu quốc tế có hiệu lực đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 21 tháng 3 năm 2005./.

TL. BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG
 



Nguyễn Thị Hoàng Anh

 

HIỆP ĐỊNH

THÀNH LẬP HIỆP HỘI HỒ TIÊU QUỐC TẾ

LỜI NÓI ĐẦU

CÁC BÊN KÝ KẾT HIỆP ĐỊNH NÀY,

Tin chắc rằng tình hình hiện tại và triển vọng tương lai về hồ tiêu đòi hỏi các Bên ký kết phải có sự liên kết với nhau để phát triển một chương trình phối hợp hoạt động với kế hoạch hợp lý nhằm giải quyết những khó khăn chung của mình, cũng như đạt được những lợi ích về hợp tác trong các lĩnh vực sản xuất, nghiên cứu và tiếp thị.

Thừa nhận rằng việc thành lập một tổ chức giữa các nước sản xuất hồ tiêu có vai trò quan trọng trong sản xuất và tiếp thị hồ tiêu là một biện pháp cần thiết và hữu hiệu để thực hiện chiến lược cơ bản về cân đối kế hoạch và hợp tác trên cơ sở hàng hóa để đạt được sự phát triển nhanh chóng nền kinh tế của mình,

Tin tưởng rằng một tổ chức như vậy là phù hợp với nguyên tắc đã được ghi nhận tại các kỳ họp lần thứ 23 và 24 của Ủy ban Kinh tế và Xã hội Châu Á – Thái Bình Dương của Liên hợp quốc [1]được tổ chức năm 1967 và năm 1968, tại các kỳ họp lần thứ 43 và 44 của Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc, trong 10 nguyên tắc chung của Định ước cuối cùng của kỳ họp thứ nhất năm 1964 của Hội nghị của Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển và trong tuyên bố của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại phiên họp toàn thể lần thứ 1883 của Đại hội đồng về Chiến lược Phát triển Quốc tế cho Thập niên Phát triển thứ hai,

Nhận thấy rằng việc phối hợp những nổ lực quốc gia giữa các nước sản xuất, có thể được thực hiện bằng một tổ chức như vậy, sẽ dẫn đến việc sử dụng tốt hơn các nguồn nhân lực và đem lại những kết quả nhanh chóng hơn và.

Thừa nhận rằng một tổ chức như vậy sẽ giữ vai trò to lớn trong việc huy động các nguồn lực để cải thiện kinh tế hồ tiêu và thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của nó,

Đã quyết tâm phối hợp sự nỗ lực của mình và nhất trí như sau:

Điều 1. Thành lập hiệp hội

Một tổ chức sẽ được thành lập với tên gọi là “Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế” [2](dưới đây gọi là Hiệp hội) với các thành viên, nhiệm vụ và quyền hạn được quy định sau đây.

Điều 2. Thành viên

1. Ban đầu Hiệp hội sẽ chỉ gồm các Bên ký kết là Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a và Ma-lai-xi-a.

2. Các nước sản xuất hồ tiêu khác có thể làm đơn xin trở thành thành viên của Hiệp hội và có thể trở thành thành viên của Hiệp hội trên cơ sở quyết định nhất trí của các thành viên của Hiệp hội và thông qua việc gia nhập Hiệp định này.

3. Những nước sản xuất hồ tiêu nhỏ có thể làm đơn xin trở thành thành viên liên kết của Hiệp hội và có thể trở thành thành viên liên kết của Hiệp hội trên cơ sở quyết định nhất trí của các thành viên của Hiệp hội.[3]

Điều 3. Mục đích và nhiệm vụ

Nhiệm vụ của Hiệp hội là thúc đẩy, phối hợp và làm hài hòa tất cả các hoạt động liên quan tới kinh tế hồ tiêu nhằm đạt được các mục đích chính sau đây:

1. Phối hợp và khuyến khích nghiên cứu về các khía cạnh kỹ thuật và kinh tế của sản xuất, bao gồm cả nghiên cứu về các bệnh dịch gây ảnh hưởng đối với cây hồ tiêu, nghiên cứu về việc phát triển những loài có khả năng đề kháng bệnh dịch và có sản lượng cao;

2. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi thông tin về các chương trình, chính sách và về bất kỳ khía cạnh nào khác có liên quan tới sản xuất;

3. Phát triển các chương trình để tăng nhu cầu trong các thị trường truyền thống và thị trường mới, bao gồm cả các chương trình hợp tác trong các hoạt động xúc tiến;

4. Tăng cường và phối hợp nghiên cứu về công dụng mới của hồ tiêu;

5. Thúc đẩy hơn nữa các hoạt động chung để giảm bớt các hàng rào thuế quan và phi thuế quan, xóa bỏ các chướng ngại khác đối với thương mại;

6. Phối hợp các tiêu chuẩn chất lượng để tạo thuận lợi cho tiếp thị quốc tế;

7. Liên tục theo dõi các diễn biến liên quan tới cung cầu và giá cả hồ tiêu;

8. Tiến hành điều tra về các nguyên nhân và hậu quả của sự biến động về giá cả hồ tiêu và đề xuất các giảp pháp thích hợp;

9. Tăng cường thông tin thống kê và thông tin khác về sản xuất, tiêu thụ, mua bán và giá cả hồ tiêu, bao gồm cả kỹ thuật sản xuất và dự báo mức tiêu thụ; và

10. Thực hiện những hoạt động và nhiệm vụ khác có thể được coi là thích hợp vì lợi ích của nền kinh tế hồ tiêu thế giới.

Điều 4. Mối quan hệ với các cơ quan của liên hợp quốc

Hiệp hội sẽ duy trì quan hệ chặt chẽ với các Ủy ban và cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc. Trong việc thực hiện các nhiệm vụ của mình trên bất cứ lĩnh vực nào, Hiệp hội có thể tham khảo ý kiến, hợp tác và tìm kiếm sự hỗ trợ của các Ủy ban và cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc có trách nhiệm nhất định trong lĩnh vực đó.

Điều 5. Tổ chức

1. (i) Mỗi Quốc gia thành viên có quyền cử một đại diện toàn quyền trong Hiệp hội và cũng có thể chỉ định một hoặc nhiều người thay thế đại diện toàn quyền đó. Mỗi Quốc gia thành viên cũng có thể chỉ định một hoặc nhiều cố vấn đi cùng với người đại diện hoặc người thay thế của nước mình.

(ii) Mỗi thành viên liên kết có quyền cử một đại diện trong Hiệp hội và cũng có thể chỉ định một hoặc nhiều người thay thế đại diện đó. Mỗi thành viên liên kết cũng có thể chỉ định một hoặc nhiều cố vấn đi cùng người đại diện hoặc người thay thế của nước mình. [4]

2. Đại diện của các Quốc gia thành viên luân phiên giữ chức Chủ tịch Hiệp hội theo tên của các Quốc gia thành viên tính theo vần A B C. Mỗi đại diện sẽ giữ chức vụ trong nhiệm kỳ một năm.

3. Hiệp hội có một Ban thư ký gồm một “ Giám đốc điều hành” [5] và những nhân viên khác do Hiệp hội quyết định. Giám đốc điều hành và các nhân viên này sẽ được Hiệp hội lựa chọn và chỉ định giữ chức vụ trong thời hạn và với điều kiện do Hiệp hội xác định.

4. Trong khi chờ đợi thành lập Ban thư ký, Hiệp hội có thể yêu cầu Ban thư ký của Ủy ban Kinh tế và Xã hội Châu Á – Thái Bình Dương của Liên hợp quốc hỗ trợ công tác của Ban thư ký để phục vụ Hiệp hội.

5. Hiệp hội sẽ trình báo cáo về các hoạt động của mình ít nhất mỗi năm một lần cho các Chính phủ của các Quốc gia thành viên và các thành viên liên kết. [6]

Điều 6. Các cuộc họp của hiệp hội

1. Phù hợp với các quy định của Hiệp định này, Hiệp hội sẽ thông qua những quy tắc thủ tục riêng của Hiệp hội.

2. Hiệp hội sẽ họp khi cần thiết nhưng ít nhất là một lần trong mỗi năm dương lịch. Ngoài ra, Hiệp hội sẽ họp nếu có đề nghị bằng văn bản do hai thành viên bất kỳ của Hiệp hội gửi tới Giám đốc Điều hành. Giám đốc Điều hành có trách nhiệm triệu tập tất cả các cuộc họp của Hiệp hội.

3. Quyết định của Hiệp hội sẽ được đưa ra theo biểu quyết đa số phiếu của các thành viên có mặt và chỉ có hiệu lực khi: a) sản lượng của những thành viên biểu quyết chiếm ít nhất 85% sản lượng của Hiệp hội, hoặc b) khối lượng xuất khẩu của những thành viên biểu quyết chiếm ít nhất 75% khối lượng xuất khẩu của Hiệp hội (tính theo mức sản lượng và khối lượng xuất khẩu trung bình của 4 năm trước đó.

4. Thành viên liên kết của Hiệp hội có quyền tham dự các cuộc họp của Hiệp hội nhưng không được biểu quyết. [7]

Điều 7. Quan sát viên

Hiệp hội có thể mời đại diện của các Chính phủ không phải là Quốc gia thành viên và của các Ủy ban và cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc và của các tổ chức khác tham dự các cuộc họp của Hiệp hội với tư cách quan sát viên không có quyền biểu quyết.

Điều 8. Tài chính

1. Những chi phí hoạt động và hành chính đã được Hiệp hội phê duyệt sẽ được đáp ứng bằng những khoản đóng góp của các Quốc gia thành viên trên cơ sở sau: 50% sẽ được chia đều cho nhau, 25% được chia trên cơ sở sản lượng và 25% còn lại được chia trên cơ sở khối lượng xuất khẩu (tính theo mức sản lượng và khối lượng xuất khẩu trung bình của 4 năm trước đó).

2. Mỗi thành viên liên kết của Hiệp hội sẽ phải đóng góp 5.000 USD vào ngân sách hàng năm của Hiệp hội. [8]

Điều 9. Những quy định chung

1. Phù hợp với các quy định của Hiệp định này, Hiệp hội sẽ thông qua các quy chế bao gồm quy chế tài chính và quy chế nhân viên trong trường hợp cần thiết để thực hiện những quy định của Hiệp định này.

2. Hiệp hội là một pháp nhân riêng biệt, có quyền năng ký kết các hợp đồng và có các quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản.

Điều 10. Ký

Hiệp định này được làm thành một bản chính bằng tiếng Anh, được mở để các đại diện được công nhận hợp thức của các Bên ký kết ký tại Ủy ban Kinh tế và Xã hội Châu Á – Thái Bình Dương của Liên hợp quốc tại Băng Cốc từ ngày 16 tháng 4 năm 1971 tới ngày 31 tháng 8 năm 1971. Sau đó, Hiệp định này được chuyển tới Tổng thư ký Liên hợp quốc.

Điều 11. Phê chuẩn

Hiệp định này phải được các Chính phủ ký Hiệp định phê chuẩn hoặc phê duyệt phù hợp với thủ tục pháp lý quốc gia của mỗi nước.

Văn kiện phê chuẩn hoặc văn kiện phê duyệt sẽ được gửi lưu chiểu tới Tổng thư ký Liên hợp quốc chậm nhất là ngày 31 tháng 3 năm 1972.

Điều 12. Hiệu lực

Hiệp định này có hiệu lực giữa các Bên ký kết đã gửi lưu chiểu văn kiện phê chuẩn hoặc văn kiện phê duyệt nếu ít nhất có ba Bên ký kết đã gửi lưu chiểu những văn kiện đó.

Điều 13. Gia nhập

Các nước sản xuất hồ tiêu khác có thể gia nhập Hiệp định này phù hợp với các quy định tại Điều 2 (2). Văn kiện gia nhập được gửi lưu chiểu tới Tổng thư ký Liên hợp quốc.

Điều 14. Tự nguyện rút khỏi

1. Sau khi Hiệp định này có hiệu lực, một Quốc gia thành viên có thể tự nguyện rút khỏi Hiệp định bằng cách gửi thông báo bằng văn bản về việc rút khỏi đồng thời tới Hiệp hội và Tổng thư ký Liên hợp quốc. Việc rút khỏi sẽ có hiệu lực sau chín mươi ngày kể từ ngày Tổng thư ký Liên hợp quốc nhận được thông báo đó.

2. Một thành viên liên kết của Hiệp hội có thể rút khỏi tư cách thành viên liên kết bằng cách gửi thông báo bằng văn bản về việc rút khỏi tới Giám đốc Điều hành của Hiệp hội và việc rút khỏi này sẽ có hiệu lực sau chín mươi ngày kể từ ngày Giám đốc điều hành của Hiệp hội nhận được thông báo. [9]

Điều 15. Sửa đổi

Hiệp hội có thể sửa đổi các quy định của Hiệp định này thông qua biểu quyết nhất trí của các thành viên có mặt và bỏ phiếu. Tổng thư ký Liên hợp quốc sẽ được thông báo ngay lập tức về bất kỳ sửa đổi nào.

Điều 16. Thông báo của tổng thư ký liên hợp quốc

Tổng thư ký Liên hợp quốc thông báo cho các Bên ký kết về việc gửi lưu chiểu các văn kiện phê chuẩn, văn kiện phê duyệt hoặc văn kiện gia nhập và về ngày Hiệp định này có hiệu lực đối với các Bên ký kết đã gửi lưu chiểu văn kiện phê chuẩn, văn kiện phê duyệt hoặc văn kiện gia nhập.

Để làm bằng, những người ký tên dưới đây, được các Chính phủ của nước mình uỷ quyền hợp thức, đã ký Hiệp định này vào các ngày được ghi đối diện với các chữ ký của họ.

Bản chính của Hiệp định này và bất cứ sửa đổi nào đối với Hiệp định sẽ được gửi lưu chiểu tới bộ phận lưu trữ của Liên hợp quốc và Tổng thư ký Liên hợp quốc sẽ chuyển bản sao Hiệp định có chứng thực cho mỗi Chính phủ ký hoặc gia nhập Hiệp định này./.

THAY MẶT IN-ĐÔ-NÊ-XI-A





MALIK

 

THAY MẶT MA-LAI-XI-A





JOHARI

THAY MẶT ẤN ĐỘ





H.LAL

 

 


[1]Trước đây có tên là “Ủy ban Kinh tế Châu Á và Viễn Đông của Liên hiệp quốc”.

[2]Tên Hiệp hội Hồ tiêu đã được đổi thành Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế tại kỳ họp thứ 8 của Hiệp hội, từ ngày 15 – 17 tháng 9 năm 1980, tại Cochin, Ấn Độ.

[3]Khoản này được sửa tại kỳ họp lần thứ 20 của Hiệp hội, từ ngày 20 – 21 tháng 8 năm 1992, tại Madras, Ấn Độ.

[4]Khoản này được sửa đổi tại kỳ họp thứ 20 của Hiệp hội, từ ngày 20 – 21 tháng 8 năm 1992, tại Madras Ấn Độ.

[5]Trước đây gọi là Giám đốc. Chức danh này được sửa đổi tại kỳ họp thứ 8 của Hiệp hội, từ ngày 15 – 17 tháng 9 năm 1980, tại Cochin, Ấn Độ.

[6]Điểm này được sửa đổi tại lỳ họp thứ 8 của Hiệp hội, từ ngày 15 – 17 tháng 9 năm 1980, tại Cochin, Ấn Độ.

[7]Khoản này được sửa đổi tại kỳ họp thứ 20 của Hiệp hội, từ ngày 20 – 21 tháng 8 năm 1992, tại Madras, Ấn Độ.

[8]Khoản này được sửa đổi tại kỳ họp thứ 20 của Hiệp hội, từ ngày 20 – 21 tháng 8 năm 1992, tại Madras, Ấn Độ.

[9]Khoản này được sửa đổi tại kỳ họp thứ 20 của Hiệp hội, từ ngày 20 – 21 tháng 8 năm 1992, tại Madras, Ấn Độ.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Điều ước số 50/2005/LPQT về việc thành lập Hiệp hội hồ tiêu quốc tế có hiệu lực đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Bộ Ngoại giao ban hành

  • Số hiệu: 50/2005/LPQT
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 09/05/2005
  • Nơi ban hành: Bộ Ngoại giao
  • Người ký: Nguyễn Thị Hoàng Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 5 đến số 6
  • Ngày hiệu lực: 21/03/2005
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản