Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 74-CP

Hà Nội, ngày 14 tháng 6 năm 1997

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 74-CP NGÀY 14 THÁNG 6 NĂM 1997 SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU QUY ĐỊNH TẠI NGHỊ ĐỊNH SỐ 100/CP NGÀY 18 THÁNG 12 NĂM 1993 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ KINH DOANH BẢO HIỂM

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Để phù hợp với tình hình thực tế và tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1.- Sửa đổi, bổ sung một số điều trong Nghị định số 100/CP ngày 18 tháng 12 năm 1993 của Chính phủ về kinh doanh bảo hiểm như sau:

1. Điều 3 được sửa đổi như sau:

"Điều 3: Nghị định này áp dụng đối với doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm và đại lý bảo hiểm, không áp dụng đối với bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Nghị định số 299/HĐBT ngày 15 tháng 8 năm 1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) và bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 43/CP ngày 22 tháng 6 năm 1993 của Chính phủ".

2. Điều 4 được sửa đổi như sau:

"Điều 4: Nhà nước bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người được bảo hiểm đồng thời bảo hộ lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Nhà nước khuyến khích mở rộng và phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm; nghiêm cấm các doanh nghiệp bảo hiểm thông qua các tổ chức, cá nhân ép buộc mua bảo hiểm dưới mọi hình thức làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người được bảo hiểm.

Bộ Tài chính quy định nguyên tắc hợp tác trong khai thác bảo hiểm để đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường".

3. Điều 6 được sửa đổi như sau:

"Điều 6: Doanh nghiệp bảo hiểm có thể tái bảo hiểm cho các doanh nghiệp khác.

Trong trường hợp tái bảo hiểm cho các tổ chức bảo hiểm ở ngoài nước; doanh nghiệp bảo hiểm phải tái bảo hiểm một phần trách nhiệm theo hợp đồng tái bảo hiểm đó cho Công ty Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam trên cơ sở bảo đảm lợi ích bình đẳng của hai bên và khả năng của Công ty Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam, theo hướng dẫn cụ thể của Bộ Tài chính".

4. Điều 7 được bổ sung một đoạn vào cuối điều như sau: "Chính phủ quy định loại nghiệp vụ bảo hiểm bắt buộc".

5. Điều 10 được sửa đổi như sau:

"Điều 10:

Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp bảo hiểm phải luôn đảm bảo:

1. Vốn điều lệ không thấp hơn mức vốn pháp định quy định tại Điều 22 Nghị định này;

2. Các yêu cầu về tài chính theo hướng dẫn cụ thể của Bộ Tài chính để thực hiện các cam kết với người được bảo hiểm".

6. Khoản 1 Điều 12 được sửa đổi như sau:

"1. Doanh nghiệp bảo hiểm được phép đầu tư vốn, tài sản vào các loại hình kinh doanh và dưới nhiều hình thức đầu tư khác nhau, đảm bảo an toàn và có hiệu quả, song phải đáp ứng yêu cầu thanh toán thường xuyên phát sinh trong quá trình chi trả bồi thường hoặc tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm".

7. Điều 14 được bổ sung điểm 6 như sau:

"6. Thay đổi người điều hành";

8. Bổ sung Điều 18a như sau:

"Điều 18a:

Đối với nghiệp vụ bảo hiểm bắt buộc, doanh nghiệp bảo hiểm phải tuân thủ quy tắc, điều khoản, biểu phí hoặc khung mức phí bảo hiểm, do Bộ Tài chính ban hành.

Đối với nghiệp vụ bảo hiểm liên quan tới con người, doanh nghiệp bảo hiểm phải trình và được Bộ Tài chính phê chuẩn quy tắc, điều khoản bảo hiểm; đăng ký với Bộ Tài chính biểu phí bảo hiểm trước khi áp dụng.

Đối với các nghiệp vụ bảo hiểm khác, doanh nghiệp bảo hiểm phải báo cáo với Bộ Tài chính quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm trước khi áp dụng".

9. Điều 19 được sửa đổi như sau:

"Điều 19:

Hoạt động đại lý bảo hiểm phải trên cơ sở hợp đồng đại lý ký kết với doanh nghiệp bảo hiểm.

1. Cá nhân hoạt động đại lý bảo hiểm phải có đủ các điều kiện sau:

a) Là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và đang cư trú hợp pháp tại Việt Nam;

b) Có bằng tốt nghiệp phổ thông trung học trở lên;

c) Đã qua khoá đào tạo đại lý bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm hay cơ quan có thẩm quyền tổ chức;

d) Đã ký hợp đồng đại lý với doanh nghiệp bảo hiểm.

2. Cá nhân không được phép hoạt động đại lý bảo hiểm:

a) Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang thi hành án.

b) Là cán bộ, công nhân viên của chính doanh nghiệp bảo hiểm hay của đơn vị tham gia bảo hiểm hay người được bảo hiểm.

3. Doanh nghiệp bảo hiểm được quyền chỉ định đại lý để tiến hành loại nghiệp vụ bảo hiểm được phép kinh doanh và phải chịu trách nhiệm về hoạt động của đại lý.

Nếu không có thoả thuận riêng với doanh nghiệp bảo hiểm đã nhận làm đại lý, đại lý bảo hiểm không được nhận làm đại lý cho một doanh nghiệp bảo hiểm khác.

Việc chi trả hoa hồng bảo hiểm cho đại lý phải theo đúng quy định của Bộ Tài chính. Nghiêm cấm các doanh nghiệp bảo hiểm chi trả hoa hồng cho người tham gia bảo hiểm hay người được bảo hiểm.

Bộ Tài chính ban hành Quy chế hoạt động đại lý bảo hiểm".

10. Điều 34 được sửa đổi, như sau:

"Điều 34:

1. Doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm và đại lý bảo hiểm vi phạm các quy định trong Giấy chứng nhận hoặc vi phạm các quy định trong Nghị định 100/CP và Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định 100/CP, ảnh hướng đến quyền lợi của người được bảo hiểm, tuỳ theo mức độ vi phạm mà bị xử lý xử phạt vi phạm hành chính; bồi thường thiệt hại hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Trường hợp các vi phạm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người được bảo hiểm, ngoài việc xử lý theo khoản 1, Điều này, Bộ Tài chính có thể áp dụng các biện pháp sau:

a) Buộc tăng tài sản có;

b) Hạn chế phạm vi và lĩnh vực hoạt động.

c) Yên cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phong toả tài sản;

d) Yêu cầu tổ chức bảo hiểm thay đổi người điều hành, thành viên Hội đồng quản trị".

Điều 2.- Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 3.- Bộ trưởng Bộ Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Điều 4.- Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)