Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 81/2019/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 2019 |
VỀ PHÒNG, CHỐNG PHỔ BIẾN VŨ KHÍ HỦY DIỆT HÀNG LOẠT
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Điều ước quốc tế ngày 09 tháng 4 năm 2016;
Căn cứ Nghị quyết 1540 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 28 tháng 4 năm 2004;
Căn cứ 40 Khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về phòng chống rửa tiền quốc tế (FATF) tháng 02 năm 2012;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;
Chính phủ ban hành Nghị định về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Nghị định này quy định về nguyên tắc, chính sách, biện pháp, lực lượng, phương tiện phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Nghị định này áp dụng đối với công dân, cơ quan, tổ chức của Việt Nam; tàu thuyền mang cờ quốc tịch Việt Nam và tàu bay mang quốc tịch Việt Nam dù đang ở bất cứ nơi nào; tổ chức quốc tế, tổ chức nước ngoài, người nước ngoài cư trú, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì thực hiện theo điều ước quốc tế đó.
Việc phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt được thực hiện theo quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan, các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và các nghị quyết liên quan được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua theo Chương VII Hiến chương Liên hợp quốc.
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Vũ khí hủy diệt hàng loạt hay còn gọi là vũ khí hủy diệt lớn là các loại vũ khí được chế tạo, sản xuất có khả năng sát thương cao trên diện rộng, có khả năng hủy diệt, gây tổn thất lớn về sinh lực, phương tiện kỹ thuật, cơ sở vật chất, môi trường sinh thái và gây hoảng loạn về tâm lý, tinh thần con người, bao gồm: vũ khí hạt nhân, vũ khí phóng xạ, vũ khí hóa học, vũ khí sinh học và các vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí hủy diệt hàng loạt.
2. Vũ khí hạt nhân là vũ khí dựa trên cơ sở sử dụng năng lượng được giải phóng từ các phản ứng phân chia hạt nhân và phản ứng tổng hợp hạt nhân không điều khiển. Các nhân tố sát thương chủ yếu gồm sóng xung kích, bức xạ quang, bức xạ xuyên, phóng xạ và xung điện từ; đạn dược hạt nhân, phương tiện đưa chúng tới mục tiêu và phương tiện điều khiển là bộ phận không thể tách rời của vũ khí hạt nhân.
3. Vũ khí phóng xạ là vũ khí dùng chất phóng xạ để sát thương sinh lực bằng bức xạ ion hóa làm nhiễm xạ môi trường xung quanh, phương tiện kỹ thuật và các đối tượng khác. Chất phóng xạ có thể lấy từ sản phẩm của lò phản ứng hạt nhân hoặc điều chế nhân tạo. Vũ khí phóng xạ gồm đạn dược chứa chất phóng xạ, phương tiện đưa chúng tới mục tiêu hoặc các thiết bị phun rải khác. Vũ khí phóng xạ tác động bằng tia bức xạ do chiếu ngoài và chiếu trong cơ thể, gây tổn thương các bộ phận của cơ thể và gây bệnh phóng xạ.
4. Vũ khí hóa học là vũ khí dựa trên đặc tính gây độc cao và tác động nhanh của các loại hóa chất. Vũ khí hóa học bao gồm hóa chất độc và các phương tiện sử dụng như đạn dược, phương tiện đưa hóa chất độc đến mục tiêu. Vũ khí hóa học có phạm vi tác động lớn cả về tính chất, mức độ sát thương lẫn không gian, thời gian tác động; hiệu quả sát thương cao, khó phát hiện kịp thời, gây khó khăn, phức tạp cho việc phòng, chống và khắc phục hậu quả; gây thiệt hại lớn cho môi trường sinh thái và hậu quả xấu đến tính mạng và sức khỏe con người.
5. Vũ khí sinh học là vũ khí dựa trên đặc tính gây bệnh hoặc truyền bệnh của các tác nhân sinh học gây dịch giết hại hàng loạt cho người, động vật, thực vật. Thành phần của vũ khí sinh học là tác nhân sinh học như vi khuẩn, virut, nấm, độc to và các phương tiện sử dụng như đạn dược, phương tiện đưa tác nhân sinh học đến mục tiêu.
6. Phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt
a) Là hoạt động làm lan rộng kiến thức, công trình nghiên cứu khoa học, các thành phần tiền chất, vật liệu liên quan của chủ thể nhà nước hoặc phi nhà nước nhằm thực hiện các hoạt động liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt được quy định tại điểm b khoản này;
b) Hoạt động liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt bao gồm: nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sở hữu, mua lại, dự trữ, lưu trữ, phát triển, vận chuyển, bán, cung cấp, chuyển nhượng, chuyển giao công nghệ, xuất khẩu, nhập khẩu, trung chuyển và sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc các hoạt động có liên quan được quy định trong các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có liên quan; hoặc cung cấp đào tạo kỹ thuật, tư vấn, dịch vụ, môi giới, hỗ trợ liên quan đến bất kỳ hoạt động nào được xác định trong điểm này.
7. Vật liệu liên quan tới vũ khí hủy diệt hàng loạt (sau đây gọi tắt là vật liệu liên quan) là các hạng mục, vật liệu, trang thiết bị, hàng hóa, hay công nghệ bao gồm cả vật liệu, công nghệ và thiết bị lưỡng dụng liên quan đến các hoạt động quy định tại điểm b khoản 6 Điều này, hoặc quy định trong các tài liệu của Liên hợp quốc và nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc được thông qua theo Chương VII Hiến chương Liên hợp quốc về phòng chống, triệt tiêu và phá vỡ hoạt động phổ biến và tài trợ cho phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
8. Vật liệu, công nghệ và thiết bị lưỡng dụng là vật liệu, công nghệ và thiết bị có thể dùng cho mục đích dân sự hoặc sản xuất, buôn bán, vận chuyển và các hoạt động khác liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
9. Tiền chất là đơn chất hoặc hợp chất đóng vai trò quyết định được sử dụng trong bất kỳ công đoạn nào của một quá trình công nghệ để tạo thành các tác nhân hóa học, sinh học, phóng xạ hoặc hạt nhân có tính chất gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe con người và môi trường.
10. Tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt là hoạt động cung cấp tiền, tài sản hoặc hỗ trợ tiền, tài sản cho các chủ thể nhà nước hoặc phi nhà nước để phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
11. Phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt là các hoạt động ngoại giao, kinh tế, quân sự, an ninh, thực thi pháp luật, tình báo, hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác nhằm mục đích phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý, ứng phó, khắc phục hậu quả của hoạt động phổ biến, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, giảm thiểu rủi ro hoặc tác nhân nguy hiểm và tiến tới loại bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt.
12. Tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự và Luật Phòng, chống rửa tiền.
13. Tài sản liên quan đến phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt bao gồm:
a) Tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt, kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp, một phần hoặc toàn bộ của tổ chức, cá nhân thuộc danh sách bị chỉ định;
b) Tài sản phát sinh từ tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt, kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp, một phần hoặc toàn bộ của tổ chức, cá nhân thuộc danh sách bị chỉ định;
c) Tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt, kiểm soát của tổ chức, cá nhân được quyền nhân danh tổ chức, cá nhân thuộc danh sách bị chỉ định hoặc dưới sự điều hành của tổ chức, cá nhân này;
d) Tài sản được sử dụng hoặc nhằm để sử dụng vào mục đích phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc tài sản có được từ hành vi phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt;
đ) Tài sản được sử dụng hoặc nhằm để sử dụng vào mục đích phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt có được từ hành vi chiếm đoạt hoặc hành vi vi phạm pháp luật khác mà có.
14. Tài khoản bao gồm:
a) Bất kỳ thể thức hoặc thỏa thuận nào mà một tổ chức tài chính chấp nhận việc ký gửi của một tài sản; cho phép rút hoặc chuyển nhượng một tài sản; thanh toán, nộp vào, rút ra trên một công cụ chuyển nhượng vô danh thay cho bất kỳ người nào khác; cung cấp hộp ký gửi an toàn hoặc bất kỳ hình thức ký gửi an toàn nào khác;
b) Bất kỳ tài khoản nào bị đóng hoặc không hoạt động hoặc có số dư bằng không.
15. Tổ chức, cá nhân bị chỉ định là một nhóm người, một người, pháp nhân hoặc chủ thể tham gia vào việc phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt được liệt kê trong các nghị quyết, thông báo thuộc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ban hành theo Chương VII Hiến chương Liên hợp quốc hoặc do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xác lập.
16. Xác lập danh sách tổ chức, cá nhân bị chỉ định là việc cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam lập danh sách, đưa ra khỏi danh sách, công bố danh sách; đề nghị đưa vào danh sách, đưa ra khỏi danh sách tổ chức, cá nhân bị chỉ định; tiếp nhận, xử lý yêu cầu của quốc gia khác về việc xác định tổ chức, cá nhân liên quan hoặc không liên quan đến phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Điều 5. Nguyên tắc phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt
1. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật; bảo đảm độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; tuân thủ điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh và xử lý hành vi phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; kết hợp phòng, chống phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
2. Việc phối hợp xử lý, giải quyết về công tác phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt phải thận trọng, tích cực, chủ động, kịp thời; đảm bảo sự thống nhất quản lý nhà nước về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng theo sự chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất của Chính phủ; bảo đảm phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng thực thi pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức theo thẩm quyền đúng quy định của pháp luật có liên quan.
3. Tài sản, quyền và lợi ích của bên thứ ba hợp pháp được tôn trọng và bảo vệ theo quy định của pháp luật; thiệt hại về tài sản và lợi ích của cá nhân, tổ chức do hành vi trái pháp luật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền gây ra trong quá trình thực hiện các biện pháp phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt phải được bồi thường theo quy định của pháp luật; các hành vi vi phạm về phòng chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và tài sản liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt được xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 6. Chính sách phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt
1. Nhà nước tạo điều kiện phát triển các sáng kiến nhằm ngăn chặn việc nghiên cứu, phát triển, sản xuất, tàng trữ và sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt và nghiêm trị mọi hành vi phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; sử dụng đồng bộ các biện pháp để tổ chức phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân tham gia phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.
2. Nhà nước có chính sách hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ phục vụ cho hoạt động phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; đầu tư trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, nghiệp vụ và bảo đảm chế độ, chính sách cho lực lượng phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo quy định của pháp luật có liên quan.
3. Nhà nước có chính sách, biện pháp bảo vệ tổ chức, cá nhân trong quá trình tham gia phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; trong trường hợp bị thương tích, tổn hại về sức khỏe hoặc thiệt hại về tính mạng thì bản thân hoặc thân nhân sẽ được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật. Tổ chức, cá nhân có tài sản được huy động để phục vụ phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt nếu bị thiệt hại thì được bồi thường theo quy định của pháp luật có liên quan.
4. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
1. Cơ quan thanh tra của các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phối hợp với Cơ quan đầu mối quốc gia, Đơn vị đầu mối thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt của tổ chức, cá nhân theo quy định của Nghị định này, pháp luật khác có liên quan và kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
2. Thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có một trong những căn cứ sau đây:
a) Thông qua công tác quản lý của mình, cơ quan có thẩm quyền phát hiện thông tin, tài liệu có dấu hiệu vi phạm các quy định của Nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt;
b) Có tin báo, tố giác về các hành vi phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt;
c) Theo đề nghị của cơ quan chức năng hoặc yêu cầu của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước liên quan đến công tác phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo quy định của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.
2. Cơ quan đầu mối quốc gia khi trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu, vật mang tin về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt cho các tổ chức quốc tế theo quy định của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam về bảo vệ bí mật nhà nước trong quan hệ, tiếp xúc với tổ chức, cá nhân nước ngoài.
1. Kinh phí bảo đảm cho hoạt động phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt do ngân sách nhà nước đảm bảo và sử dụng trong dự toán hàng năm của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo phân cấp hiện hành. Việc lập dự toán và thanh quyết toán ngân sách thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.
2. Nguồn kinh phí hợp pháp khác.
TỔ CHỨC PHÒNG, CHỐNG PHỔ BIẾN VŨ KHÍ HỦY DIỆT HÀNG LOẠT
1. Bộ Quốc phòng là Cơ quan đầu mối quốc gia Việt Nam về thực hiện phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (sau đây gọi tắt là Cơ quan đầu mối quốc gia).
2. Bộ Tư lệnh Hóa học thuộc Bộ Quốc phòng là Cơ quan thường trực của Cơ quan đầu mối quốc gia; đại diện cho Cơ quan đầu mối quốc gia giải quyết các công việc liên quan đến công tác phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo quy định tại Điều 11 của Nghị định này và pháp luật có liên quan; tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện trách nhiệm của Bộ Quốc phòng được quy định tại Điều 29 của Nghị định này.
3. Các bộ trừ Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố của bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm Đơn vị đầu mối thực hiện nhiệm vụ phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (sau đây gọi tắt là Đơn vị đầu mối), Công an cấp tỉnh là cơ quan thường trực của Đơn vị đầu mối cấp tỉnh.
Điều 11. Nhiệm vụ của Cơ quan đầu mối quốc gia
1. Tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức, triển khai thực hiện các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
2. Nhận và triển khai, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện theo quy định của pháp luật, yêu cầu của các nghị quyết thuộc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, hoặc điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc theo quy định của Nghị định này.
3. Tiếp nhận thông tin nghi ngờ liên quan đến hoạt động phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt từ các quốc gia, tổ chức quốc tế và bộ, ngành, địa phương báo cáo; phối hợp với Đơn vị đầu mối liên quan xác minh làm rõ và đề xuất phương án xử lý theo quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan hoặc nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; phối hợp với Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và hướng dẫn Đơn vị đầu mối xử lý tài sản có liên quan đến phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt như sau:
a) Trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp trong trường hợp tài sản đó bị người khác chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép vào hoạt động phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt;
b) Chi phí, sử dụng cho các khoản chi thiết yếu phục vụ sinh hoạt của cá nhân có tiên, tài sản bị tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, tạm giữ, xử lý và chi phí cho các nghĩa vụ hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân có tài sản bị tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, tạm giữ, xử lý;
c) Giải tỏa, trả lại nếu tổ chức, cá nhân được đưa ra khỏi danh sách tổ chức, cá nhân bị chỉ định hoặc do bị xác định sai là tổ chức, cá nhân thuộc danh sách tổ chức, cá nhân bị chỉ định.
4. Tiếp nhận thông tin nghi ngờ về vật liệu liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt từ các quốc gia, tổ chức quốc tế và từ các bộ, ngành, địa phương báo cáo; phối hợp với Bộ Công an, Đơn vị đầu mối và các cơ quan, tổ chức liên quan xác minh làm rõ và đề xuất phương án xử lý. Trường hợp nghi ngờ về vật liệu liên quan có tính chất, mức độ nguy hiểm thì chủ trì chỉ đạo lực lượng chuyên ngành phối hợp với các Đơn vị đầu mối và các cơ quan chủ trì phát hiện, bắt giữ xác định tính chất, mức độ nguy hiểm của vật liệu liên quan; nếu có các yếu tố nguy hại của tác nhân hóa học, sinh học, phóng xạ hoặc hạt nhân thì chủ trì phối hợp với chủ thể phát hiện xử lý theo quy trình chuyên ngành để đảm bảo an toàn cho xã hội; trường hợp không có tính chất nguy hiểm của các yếu tố nguy hại trên thì giao cho cơ quan chủ trì phát hiện, bắt giữ xử lý theo quy định của pháp luật liên quan.
5. Chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ triển khai thực hiện các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc được thông qua tại Chương VII Hiến chương Liên hợp quốc và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên liên quan đến phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, có nhiệm vụ:
a) Duy trì tuyên bố công khai rõ ràng trên trang web của Cơ quan đầu mối quốc gia về các nghĩa vụ của Nghị định này áp dụng đối với tất cả các cơ quan, tổ chức và cá nhân tại Việt Nam trong việc tạm ngừng lưu thông, tạm giữ và phong tỏa tài sản không chậm trễ và không cần thông báo trước đối với tài sản hoặc tài sản có liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt của tổ chức, cá nhân bị chỉ định;
b) Việc tạm ngừng lưu thông, tạm giữ và phong tỏa tài sản không chậm trễ và duy trì thực hiện sau 24 giờ kể từ khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông báo, Cơ quan đầu mối quốc gia sẽ cung cấp một liên kết trực tiếp đến trang web của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về nghĩa vụ đối với tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam trong việc áp dụng và theo dõi trang web đó một cách thường xuyên để tuân thủ nghĩa vụ đối với việc tạm ngừng lưu thông, tạm giữ và phong tỏa tài sản;
c) Trong vòng 24 giờ kể từ khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua, phải thông báo danh sách tổ chức, cá nhân bị chỉ định tới tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh biết để chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý phải thực hiện ngay lập tức các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với tổ chức, cá nhân bị chỉ định và thực hiện các biện pháp ngăn chặn phù hợp theo quy định của Nghị định này;
d) Báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tiếp tục triển khai thực hiện nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; trao đổi thông tin và đảm bảo sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả đê các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện không chậm trễ các biện pháp trừng phạt liên quan đến việc phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt;
đ) Nhận báo cáo triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt của các bộ, ngành, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ và gửi báo cáo quốc gia lên Ủy ban trừng phạt của các nghị quyết thuộc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hoặc các điều ước quốc tế khác có liên quan mà Việt Nam là thành viên;
e) Tiếp nhận yêu cầu của quốc gia khác và phối hợp với Đơn vị đầu mối của bộ, ngành, địa phương về việc xác định tổ chức, cá nhân liên quan hoặc không liên quan đến phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; trả lời quốc gia khác khi có kết quả xác minh theo quy định của pháp luật;
g) Tiếp nhận thông tin liên quan và phối hợp với Đơn vị đầu mối đưa vào hoặc đưa ra khỏi danh sách tổ chức, cá nhân bị chỉ định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và thông báo hoặc kiến nghị lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đưa vào danh sách, đưa ra khỏi danh sách tổ chức, cá nhân bị chỉ định và công bố công khai danh sách tổ chức, cá nhân bị chỉ định theo quy định;
h) Chủ trì, phối hợp với các Đơn vị đầu mối kiểm tra, giám sát, thanh tra theo quy định tại Điều 7 của Nghị định này; kiến nghị xử lý hình sự, hành chính hoặc dân sự theo quy định của pháp luật đối với những tổ chức, cá nhân không tuân thủ.
6. Cho phép những tổ chức, cá nhân trong danh sách bị chỉ định được kiến nghị yêu cầu hủy niêm yết tại Đơn vị đầu mối hoặc thông báo cho những cá nhân hoặc tổ chức bị chỉ định kiến nghị trực tiếp với Cơ quan đầu mối quốc gia. Trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân thuộc danh sách bị chỉ định của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhưng không thỏa mãn tiêu chí để xác định là tổ chức, cá nhân liên quan đến phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo quy định của các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc được ban hành trên cơ sở Chương VII Hiến chương Liên hợp quốc thì chủ trì, phối hợp với các Đơn vị đầu mối liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc đề nghị cơ quan có thẩm quyền của Liên hợp quốc đưa tổ chức, cá nhân đó ra khỏi danh sách bị chỉ định của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
7. Khi nhận được yêu cầu của quốc gia khác về việc xác định tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc không liên quan đến phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, thì chủ trì, phối hợp với các Đơn vị đầu mối liên quan xác minh, xem xét. Nếu có căn cứ hợp pháp để cho rằng tổ chức, cá nhân đó có liên quan hoặc không liên quan đến phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt thì đưa ra quyết định đưa hoặc không đưa tổ chức, cá nhân đó vào danh sách bị chỉ định và thông báo cho quốc gia có yêu cầu biết.
8. Khi phát hiện tổ chức, cá nhân thỏa mãn tiêu chí để xác định là tổ chức, cá nhân liên quan đến phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc được ban hành trên cơ sở Chương VII Hiến chương Liên hợp quốc thì có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các Đơn vị đầu mối liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc đề nghị Liên hợp quốc và quốc gia có liên quan đưa tổ chức, cá nhân đó vào danh sách bị chỉ định.
9. Khi phát hiện tổ chức, cá nhân của Việt Nam bị quốc gia khác xác định là tổ chức, cá nhân liên quan đến phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt nhưng không phù hợp với tiêu chí quy định trong các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc được ban hành trên cơ sở Chương VII Hiến chương Liên hợp quốc thì chủ trì, phối hợp với các Đơn vị đầu mối liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ có văn bản đề nghị Liên hợp quốc và quốc gia có liên quan đưa tổ chức, cá nhân đó ra khỏi danh sách tổ chức, cá nhân bị chỉ định.
10. Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đánh giá rủi ro quốc gia về phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt 05 năm một lần; xem xét các xu thế hoạt động phổ biến, tài trợ phổ biến và các loại tội phạm có liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt trong nước và quốc tế nhằm đưa ra các giải pháp trong công tác phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt báo cáo Thủ tướng Chính phủ và phổ biến kết quả đánh giá, phân tích nhằm phát triển những định hướng chung, các tiêu chuẩn và biện pháp, bao gồm những thực tiễn hoạt động hiệu quả trong việc phòng, chống phổ biến, tài trợ phổ biến và hành vi bất hợp pháp liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt cho các bộ, ngành, địa phương; chia sẻ thông tin với các tổ chức quốc tế, khu vực và các quốc gia thành viên khác.
Điều 12. Nhiệm vụ của Đơn vị đầu mối
1. Tham mưu cho Thủ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phối hợp triển khai thực hiện, trao đổi thông tin, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn công tác phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt thuộc phạm vi thẩm quyền, lĩnh vực phụ trách.
2. Thường xuyên cập nhật, tiếp nhận thông tin và phối hợp với Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện các biện pháp về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo quy định của Nghị định này, pháp luật có liên quan hoặc điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
3. Tổng hợp báo cáo Thủ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Cơ quan đầu mối quốc gia về kết quả triển khai thực hiện các quy định của Nghị định này, pháp luật có liên quan và biện pháp trừng phạt theo yêu cầu của các nghị quyết thuộc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hoặc điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
4. Tiếp nhận tin báo và chủ trì xác minh theo thẩm quyền các tổ chức, cá nhân liên quan hoặc không liên quan đến phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; báo cáo Giám đốc Công an cấp tỉnh ra quyết định hoặc hủy bỏ quyết định tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ tiền, tài sản liên quan đến hoạt động phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; đề nghị Cơ quan đầu mối quốc gia đưa vào danh sách hoặc đưa ra khỏi danh sách tổ chức, cá nhân bị chỉ định; thực hiện nhiệm vụ khác khi có yêu cầu.
5. Phối hợp với Cơ quan đầu mối quốc gia kiểm tra, thanh tra theo quy định tại Điều 7 của Nghị định này; kiến nghị xử lý hình sự, hành chính hoặc dân sự theo quy định của pháp luật đối với những tổ chức, cá nhân không tuân thủ.
6. Phối hợp với Cơ quan đầu mối quốc gia và chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi của bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ quản đánh giá rủi ro quốc gia về phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt 05 năm một lần.
1. Thực hiện theo nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 5 của Nghị định này, Luật Phòng, chống rửa tiền, Luật Phòng, chống khủng bố và pháp luật khác có liên quan.
2. Mối quan hệ giữa Cơ quan đầu mối quốc gia với Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia và Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống rửa tiền quốc gia là mối quan hệ phối hợp công tác trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, nhiệm vụ về quốc phòng, phòng chống rửa tiền, phòng chống khủng bố và phòng chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
3. Cơ quan đầu mối quốc gia thiết lập trang thông tin điện tử trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Quốc phòng và đường dây nóng kết nối với Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Đơn vị đầu mối để thường xuyên cập nhật thông tin, công bố danh sách tổ chức, cá nhân bị chỉ định; thông qua liên kết với trang web của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để tiếp nhận và trao đổi thông tin về phòng, chống phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
4. Các bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Đơn vị đầu mối trong phạm vi quản lý của mình có trách nhiệm phối hợp với Cơ quan đầu mối quốc gia nhận và truyền tải thông tin phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt đến cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi quản lý thực hiện; báo cáo về tình hình, thực trạng, chủ trương, biện pháp, kết quả thực hiện, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và thông tin có liên quan về phòng, chống phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; cung cấp thông tin phục vụ cho đánh giá rủi ro quốc gia về phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; kế hoạch và phương án luyện tập, phát hiện, bắt giữ tổ chức, cá nhân có hành vi phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt để xử lý kịp thời, tránh gây thiệt hại, hậu quả nguy hiểm cho xã hội.
5. Việc trao đổi thông tin phải đảm bảo kịp thời, chính xác, cụ thể qua đường dây nóng, trang thông tin điện tử hoặc bằng văn bản do Cơ quan đầu mối quốc gia, Đơn vị đầu mối và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện theo định kỳ 06 tháng, 01 năm hoặc đột xuất.
Điều 14. Lực lượng, phương tiện phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt
1. Lực lượng, phương tiện phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt gồm:
a) Các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ phòng, chống khủng bố thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được giao thực hiện nhiệm vụ phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan;
b) Lực lượng và phương tiện chuyên dụng ứng phó khắc phục hậu quả về hạt nhân, phóng xạ, hóa học, sinh học thuộc Bộ Quốc phòng và các lực lượng khác được quy định tại điểm c, điểm d và điểm đ của Điều này khi có yêu cầu;
c) Các nhà khoa học trong các lĩnh vực về hạt nhân, phóng xạ, hóa học, sinh học, y tế, công nghệ thông tin, an ninh mạng, lĩnh vực tài chính và ngành nghề phi tài chính có liên quan; chuyên gia trong lĩnh vực khác có liên quan;
d) Các tổ chức, chuyên gia và lực lượng quốc tế;
đ) Các cơ quan tổ chức, cá nhân khác được huy động tham gia phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý được quy định tại các điểm a, b khoản 1 Điều này. Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý được quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.
PHÒNG NGỪA PHỔ BIẾN VŨ KHÍ HỦY DIỆT HÀNG LOẠT
Điều 15. Thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt
1. Cơ quan và người có thẩm quyền có trách nhiệm thông tin, tuyên truyền, giáo dục về công tác phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hiệu quả phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt đối với tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của mình.
2. Nội dung thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt bao gồm:
a) Nguy cơ, diễn biến, tình hình phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; thủ đoạn, phương thức hoạt động, tính chất phức tạp, nguy hiểm, tác hại của việc phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt;
b) Quan điểm, chính sách, pháp luật của Nhà nước, biện pháp, kinh nghiệm về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt;
c) Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và thực hiện nghĩa vụ theo nghị quyết hoặc thông báo của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc liên quan đến việc ngăn chặn việc phổ biến và tài trợ vũ khí hủy diệt hàng loạt;
d) Các nội dung cần thiết khác phục vụ cho yêu cầu phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
3. Hình thức thông tin, tuyên truyền
Thực hiện phù hợp với quy định của pháp luật về phổ biến giáo dục pháp luật và thông tin tuyên truyền.
Điều 16. Quản lý nhà nước về an ninh, trật tự
1. Cơ quan và người có thẩm quyền quản lý nhà nước về an ninh, trật tự thông qua hoạt động của mình có trách nhiệm chủ động phát hiện kịp thời âm mưu, thủ đoạn và phương thức hoạt động của tổ chức, cá nhân phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, có biện pháp xử lý phù hợp.
2. Các biện pháp phòng ngừa phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt thông qua quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, bao gồm:
a) Quản lý cư trú, tàng thư, căn cước công dân;
b) Quản lý vũ khí, vật liệu nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ và sinh học, vật liệu liên quan bao gồm vật liệu, công nghệ và thiết bị lưỡng dụng và các công cụ hỗ trợ có thể sử dụng vào việc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt;
c) Tuần tra, kiểm soát, giám sát mục tiêu trọng điểm về an ninh, trật tự ở sân bay, bến cảng, nhà ga, bến xe, cửa khẩu, khu vực biên giới và nơi tập trung đông người, nơi công cộng khác;
d) Quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh;
đ) Các biện pháp quản lý nhà nước về an ninh, trật tự khác.
Điều 17. Kiểm soát hoạt động giao thông vận tải
Cơ quan và người có thẩm quyền thuộc Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành liên quan kiểm soát giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không có trách nhiệm chủ động phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời và thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng hoạt động giao thông vận tải để phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.
Cơ quan và người có thẩm quyền trong hoạt động xuất bản, báo chí, bưu chính, viễn thông, in, phát hành, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, điện tử, phát thanh và truyền hình, thông tin điện tử, thông tấn, thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở có trách nhiệm kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi lợi dụng hoạt động này để phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý việc giới thiệu, thông tin quảng cáo vũ khí hủy diệt hàng loạt trên mạng Internet.
Cơ quan và người có thẩm quyền kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, dược phẩm, mỹ phẩm, bệnh phẩm, phân bón có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi lợi dụng hoạt động này để phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo quy định của pháp luật.
1. Cơ quan và người có thẩm quyền quản lý nhà nước về tác nhân sinh học, hóa học, vật liệu phóng xạ, hạt nhân và thiết bị, hệ thống phát tán thông qua hoạt động của mình có trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ và chủ động phát hiện kịp thời hành vi lợi dụng hoạt động này để phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, có biện pháp xử lý phù hợp theo quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan.
2. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ chủ quản về tác nhân sinh học, hóa học, vật liệu phóng xạ, hạt nhân và thiết bị, hệ thống phát tán quy định tại các Điều 34, Điều 35, Điều 36, Điều 37 Nghị định này và các bộ, ngành liên quan ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện khoản 1 Điều này.
Điều 21. Kiểm soát vật liệu liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt
Cơ quan, người có thẩm quyền chịu trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ vật liệu và các hoạt động liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt được quy định tại điểm b khoản 6 và khoản 7 Điều 4 Nghị định này và pháp luật có liên quan; chủ động phát hiện kịp thời hành vi vi phạm và liên quan đến phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, báo cáo kịp thời cho Đơn vị đầu mối thuộc quyền, đồng thời có biện pháp xử lý phù hợp theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.
1. Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi, quyền hạn phải ngăn chặn tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam cung cấp tiền, tài sản cho cá nhân, tổ chức liên quan đến hoạt động phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, trừ trường hợp được cấp phép, ủy quyền hoặc được thông báo theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có liên quan.
2. Các tổ chức tài chính, tổ chức và cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính, các trung gian thanh toán và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm sau đây:
a) Áp dụng các biện pháp nhận biết, cập nhật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền. Khi có nghi ngờ khách hàng hoặc giao dịch của khách hàng liên quan đến tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt thì phải thực hiện ngay việc tạm ngừng lưu thông, phong tỏa tài sản liên quan đến phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; đồng thời thông báo Đơn vị đầu mối có thẩm quyền việc thực hiện các biện pháp này; chỉ được hủy việc tạm ngừng lưu thông, phong tỏa tài sản khi được Đơn vị đầu mối hướng dẫn; báo cáo Đơn vị đầu mối kết quả hành động tuân thủ bao gồm cả những trường hợp thực hiện không thành công;
b) Thường xuyên cập nhật danh sách tổ chức, cá nhân bị chỉ định; tổ chức, cá nhân được đưa ra khỏi danh sách bị chỉ định; báo cáo cho Cơ quan đầu mối quốc gia hoặc Đơn vị đầu mối bất kỳ tài sản hoặc tài sản liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt bị phong tỏa hoặc kết quả thực hiện theo các yêu cầu của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc liên quan, bao gồm cả các giao dịch đang cố gắng thực hiện;
c) Cung cấp thông tin cho Đơn vị đầu mối và cơ quan có thẩm quyền về công tác phòng, chống phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt;
d) Xây dựng và triển khai quy định nội bộ về phòng, chống phổ biến và và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.
3. Đơn vị đầu mối có thẩm quyền trong thời hạn không quá 03 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của các chủ thể quy định tại khoản 2 Điều này có trách nhiệm xem xét, xử lý; nếu có căn cứ cho rằng tiền, tài sản có liên quan đến phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt thì ra quyết định phong tỏa tài khoản, niêm phong hoặc tạm giữ tài sản; trường hợp không có cơ sở cho rằng tổ chức, cá nhân có liên quan đến phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt thì hướng dẫn cho các chủ thể quy định tại khoản 2 Điều này để chấm dứt ngay việc tạm ngừng lưu thông, phong tỏa đã thực hiện.
4. Trường hợp có căn cứ cho rằng tiền, tài sản có liên quan đến phổ biến, vũ khí hủy diệt hàng loạt thì Đơn vị đầu mối phải thông báo ngay cho tổ chức, cá nhân có liên quan và xem xét, quyết định xử lý tiền, tài sản theo quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền và Luật Phòng, chống khủng bố trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ra thông báo. Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh ở nhiều nơi thì thời hạn ra quyết định không quá 60 ngày; trường hợp phải xác minh, thu thập chứng cứ ở nước ngoài thì thời hạn không quá 90 ngày.
Điều 23. Kiểm soát khu vực biên giới và trên biển
Cơ quan và người có thẩm quyền kiểm soát phương tiện, tiền, vũ khí, hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh và an ninh, trật tự khu vực biên giới và trên biển có trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ các tổ chức, cá nhân cùng phương tiện, hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi lợi dụng hoạt động này để phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.
Điều 24. Xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt
Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi được phân công có trách nhiệm xây dựng chương trình, tổ chức huấn luyện, diễn tập và thực hiện phương án phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; phương án ứng phó, khắc phục hậu quả của việc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
CHỐNG PHỔ BIẾN VŨ KHÍ HỦY DIỆT HÀNG LOẠT
Điều 25. Phát hiện hoạt động phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt
1. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân thông qua hoạt động của mình khi phát hiện có hành vi phổ biến và tài trợ cho hoạt động phổ biến hoặc hành vi vi phạm pháp luật khác về vũ khí hủy diệt hàng loạt phải kịp thời thông báo cho lực lượng được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 14 của Nghị định này hoặc cơ quan quân đội và công an, Ủy ban nhân dân nơi gần nhất để xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Cơ quan đầu mối quốc gia báo cáo Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị lên Ủy ban được thành lập theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đưa vào danh sách bị chỉ định đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
3. Lực lượng phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt quy định tại điểm a khoản 1 Điều 14 của Nghị định này có trách nhiệm triển khai các biện pháp nghiệp vụ, kỹ thuật theo quy định của pháp luật có liên quan để kịp thời phát hiện và ngăn chặn hoạt động phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; đồng thời hướng dẫn, giúp đỡ cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận biết về hành vi phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và cách thức phát hiện, báo tin, tố giác về hoạt động này; áp dụng ngay các biện pháp chống phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.
Biện pháp, trình tự, thủ tục, thẩm quyền áp dụng các biện pháp chống phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng được thực hiện theo quy định của Nghị định này và quy định của pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, Luật Phòng, chống rửa tiền, Luật Phòng, chống khủng bố và Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Điều 27. Thực hiện các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua tại Chương VII Hiến chương Liên hợp quốc liên quan đến việc phòng ngừa, ngăn chặn và phá vỡ hoạt động phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt
1. Khi nghị quyết của Hội đồng Bảo an được thông qua, các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện theo hướng dẫn của Cơ quan đầu mối quốc gia và Đơn vị đầu mối.
2. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp ngăn chặn liên quan đến tài sản và nguồn tài nguyên kinh tế liên quan đến phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt
a) Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 11 của Nghị định này;
b) Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Đơn vị đầu mối phối hợp với Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo quy định của nghị quyết Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, phù hợp với Nghị định này và pháp luật liên quan; hướng dẫn và yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý áp dụng ngay hoặc hủy bỏ ngay việc áp dụng các biện pháp theo quy định của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có liên quan; thông báo cho Cơ quan đầu mối quốc gia về các trường hợp đã áp dụng thành công hoặc không thành công các biện pháp này đối với các tổ chức, cá nhân bị chỉ định;
c) Cơ quan đầu mối quốc gia và các Đơn vị đầu mối phải chia sẻ ngay trên cổng thông tin điện tử và bằng văn bản các thông tin về tài sản liên quan đến tổ chức, cá nhân bị chỉ định và yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng các biện pháp phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; hướng dẫn về nghĩa vụ thực hiện các biện pháp phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt cho các tổ chức tài chính và các cá nhân hoặc tổ chức khác, bao gồm cả các tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan;
d) Cơ quan đầu mối quốc gia và các Đơn vị đầu mối cho phép tiếp tục được nhận bổ sung các khoản thanh toán lãi, thu nhập khác hoặc chi trả theo hợp đồng, thỏa thuận hoặc nghĩa vụ phát sinh trước khi bị đình chỉ vào tài khoản bị phong tỏa bởi nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với điều kiện là những khoản này cũng bị phong tỏa;
đ) Cơ quan đầu mối quốc gia và các Đơn vị đầu mối cho phép thanh toán từ tài khoản bị phong tỏa những khoản theo hợp đồng có trước đó với điều kiện hợp đồng không liên quan đến những hàng hóa bị cấm, vật liệu, thiết bị, công nghệ, hỗ trợ, đào tạo, hỗ trợ tài chính, đầu tư, môi giới hoặc dịch vụ được đề cập trong các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có liên quan; xác định tiền thanh toán không được chuyển trực tiếp hoặc gián tiếp cho những đối tượng bị chỉ định theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; Cơ quan đầu mối quốc gia phải thông báo cho Ủy ban trừng phạt được thành lập theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc thực hiện hoặc nhận các khoản thanh toán hoặc giải tỏa tài sản trong thời hạn 10 ngày trước khi thực hiện hoặc ủy quyền thực hiện;
e) Tổ chức, cá nhân có thể nộp đơn lên Đơn vị đầu mối để xin phép bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình đối với các tài sản bị phong tỏa liên quan đến tổ chức, cá nhân bị chỉ định theo trình tự, thủ tục được quy định tại Bộ luật Dân sự; khi có đủ căn cứ để xem xét, Đơn vị đầu mối thông báo cho Cơ quan đầu mối quốc gia báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép trình vấn đề này lên Ủy ban trừng phạt được thành lập theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc quyết định;
g) Trường hợp khi có giấy phép của Ủy ban trừng phạt thành lập theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Cơ quan đầu mối quốc gia sẽ thông báo giải tỏa đối với các tài sản bị phong tỏa của tổ chức, cá nhân có liên quan đến tổ chức, cá nhân bị chỉ định; yêu cầu không được phép sử dụng tài sản đó tài trợ cho việc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc có thể tạo điều kiện cho các tài sản đó sử dụng vào các mục đích khác có liên quan, hoặc có thể thu hồi giấy phép bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bên thứ 3 đối với tài sản bị phong tỏa do Ủy ban trừng phạt cấp trong trường hợp xét thấy tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật có liên quan;
h) Tổ chức, cá nhân khác có tài sản bị phong tỏa do liên quan đến tổ chức, cá nhân bị chỉ định có thể nộp đơn lên Đơn vị đầu mối để xin phép xử lý đối với hàng hóa đông lạnh;
i) Khi xác nhận tổ chức hay cá nhân bị phong tỏa nhầm do tên trùng hoặc gần giống tên của các tổ chức hay cá nhân bị chỉ định hoặc không liên quan tới tổ chức hay cá nhân bị chỉ định, Đơn vị đầu mối thông báo cho Cơ quan đầu mối quốc gia biết và công khai giải toả tài sản của các cá nhân hay tổ chức bị phong tỏa nhầm;
k) Các đối tượng thuộc danh sách tổ chức, cá nhân bị chỉ định; các trường hợp được đưa ra khỏi danh sách tổ chức, cá nhân bị chỉ định hoặc tài sản bị tạm ngừng lưu thông, phong tỏa hoặc được giải tỏa thuộc đối tượng trong danh sách bị chỉ định được đăng tải chính thức trên trang điện tử của Cơ quan đầu mối quốc gia của Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng để các tổ chức tài chính, cá nhân, tổ chức kinh doanh ngành nghề phi tài chính liên quan và các tổ chức, cá nhân nắm giữ tài sản của người bị chỉ định biết, phối hợp với Đơn vị đầu mối, cơ quan đơn vị có liên quan giải quyết theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan;
l) Cơ quan đầu mối quốc gia chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp cận tài sản bị phong tỏa ở nước ngoài khi Việt Nam xác định có những trường hợp ngoại lệ do các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc quy định và phù hợp với các quy trình nêu trong các nghị quyết.
3. Thực hiện các quyết định về xuất khẩu, chuyển giao vật liệu và hoạt động liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ theo thẩm quyền, bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện theo quy định của nghị quyết thuộc Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, phù hợp với các quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan; đặc biệt là các biện pháp nhằm tăng cường hiệu quả việc kiểm soát vật liệu và hoạt động liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo quyết định trong các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc; thông báo cho Cơ quan đầu mối quốc gia kết quả thực hiện.
4. Thực hiện các quyết định liên quan đến nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh theo quy định của các nghị quyết
Thực hiện cấm nhập cảnh, quá cảnh, xuất cảnh theo danh sách tổ chức, cá nhân bị chỉ định trong nghị quyết liên quan; quản lý theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và có biện pháp tăng cường kiểm soát đối với tổ chức, cá nhân bị chỉ định; thông báo cho Cơ quan đầu mối quốc gia kết quả thực hiện.
TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TRONG PHÒNG, CHỐNG PHỔ BIẾN VŨ KHÍ HỦY DIỆT HÀNG LOẠT
Điều 28. Trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
2. Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Chính phủ chủ trì, phối hợp quản lý nhà nước về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
3. Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm phối hợp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo phạm vi thẩm quyền, lĩnh vực phụ trách.
Điều 29. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng
1. Trong quản lý nhà nước về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt:
a) Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan đầu mối quốc gia được quy định tại Điều 11 của Nghị định này;
b) Đề xuất với Chính phủ việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt;
c) Chủ trì, phối hợp xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chương trình, kế hoạch, phương án, biện pháp phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, bao gồm cả văn bản quy phạm pháp luật về xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và danh mục vật liệu liên quan;
d) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chương trình, kế hoạch, phương án, biện pháp về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt;
đ) Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, các cơ quan, tổ chức có liên quan ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt;
e) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện chế độ báo cáo, tổng kết về công tác phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; kiến nghị, đề xuất giải pháp liên quan đến phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt;
g) Chủ trì thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt;
h) Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan thực hiện hợp tác quốc tế về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo quy định của pháp luật có liên quan.
2. Trong tổ chức thực hiện phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt:
a) Phân công, bảo đảm trang bị cho lực lượng chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt thuộc Bộ Quốc phòng được quy định tại điểm a, điểm b Điều 14 của Nghị định này;
b) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trên phạm vi toàn quốc theo quy định tại các Chương III và IV của Nghị định này; phối hợp với Bộ Công an tổ chức thực hiện phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt thuộc phạm vi Bộ Công an quản lý;
c) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại các Chương III và IV của Nghị định này; phát hiện, điều tra, xử lý tổ chức, cá nhân phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo quy định của pháp luật;
d) Chỉ đạo cơ quan, đơn vị chức năng thuộc quyền quản lý thường xuyên cập nhật tình hình phát triển, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trên thế giới, khu vực và trong nước; phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và chính quyền địa phương đánh giá rủi ro quốc gia, điều tra việc phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trên lãnh thổ Việt Nam; tham mưu đề xuất về công tác phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt để Chính phủ chỉ đạo thực hiện;
đ) Hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật trong việc thực hiện các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên về cấm phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, bao gồm cả việc kiện toàn lực lượng, nghiên cứu, sản xuất trang thiết bị phục vụ tác chiến và đảm bảo an ninh, an toàn; ứng phó kịp thời khắc phục sự cố, tình huống về vũ khí hủy diệt hàng loạt trên lãnh thổ Việt Nam và hợp tác quốc tế về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Điều 30. Trách nhiệm của Bộ Công an
1. Phân công, bảo đảm trang bị cho lực lượng chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt thuộc Bộ Công an.
2. Phối hợp với Bộ Quốc phòng thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản 3 Điều 11; các điểm c, điểm d, điểm đ khoản 1 và điểm b, điểm đ khoản 2 Điều 29 của Nghị định này.
3. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý phối hợp với các cơ quan, đơn vị quân đội trong xây dựng, huấn luyện, diễn tập và tổ chức thực hiện các phương án phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
4. Chỉ đạo cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân phối hợp với các cơ quan, đơn vị Bộ đội Biên phòng, Hải quan và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện các biện pháp phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt thông qua hoạt động kiểm soát người xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh tại các cửa khẩu do Bộ Công an phụ trách.
5. Phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan thực hiện hợp tác quốc tế trong phòng, chống phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo thẩm quyền.
6. Lập danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt thuộc phạm vi quản lý và kiến nghị với Cơ quan đầu mối quốc gia đưa vào hoặc đưa ra khỏi danh sách người bị chỉ định theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về chống phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
7. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý căn cứ chức năng thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Chương III và Chương IV của Nghị định này; phát hiện, điều tra, xử lý các cá nhân, tổ chức phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Điều 31. Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao
1. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức thực hiện hoạt động phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Công Thương và các bộ, ngành có liên quan trong việc thực hiện các cam kết của Việt Nam về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo quy định của Nghị định này và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
3. Phối hợp với Bộ Quốc phòng thực hiện điểm l khoản 2 Điều 27 Nghị định này.
Điều 32. Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
1. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phối hợp với các bộ, ngành trao đổi thông tin, thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; phối hợp thực hiện điểm c khoản 1 Điều 29 của Nghị định này.
2. Tiếp nhận thông tin, báo cáo giao dịch đáng ngờ liên quan đến hoạt động phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt từ tổ chức tài chính, tổ chức và cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính; khi có nghi ngờ liên quan đến hoạt động phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt thì phối hợp với Cơ quan đầu mối quốc gia xác minh làm rõ.
3. Phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan thực hiện hợp tác quốc tế về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo thẩm quyền.
Điều 33. Trách nhiệm của Bộ Tài chính
1. Bộ Tài chính trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phối hợp với Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành trao đổi thông tin, thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trong quản lý nhập khẩu, xuất khẩu hàng hóa và các tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính liên quan theo quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan; phối hợp thực hiện điểm c khoản 1 Điều 29 của Nghị định này.
2. Đảm bảo tài chính cho công tác phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Điều 34. Trách nhiệm của Bộ Công Thương
Bộ Công Thương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình và chủ trì về quản lý hóa chất lưỡng dụng thuộc diện kiểm soát của Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học có trách nhiệm phối hợp với Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành liên quan trao đổi thông tin, thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng hoạt động hóa chất thương mại để phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo quy định tại Nghị định này và quy định khác của pháp luật có liên quan; phối hợp thực hiện điểm c khoản 1 Điều 29 của Nghị định này.
Điều 35. Trách nhiệm của Bộ Y tế
Bộ Y tế trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình và thực hiện Công ước Cấm vũ khí sinh học có trách nhiệm phối hợp với Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành trao đổi thông tin, thực hiện các biện pháp kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, bệnh phẩm nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi lợi dụng hoạt động này để phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan; phối hợp thực hiện điểm c khoản 1 Điều 29 của Nghị định này.
Điều 36. Trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ
Bộ Khoa học và Công nghệ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành trao đổi thông tin, thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng hoạt động về vật liệu phóng xạ và hạt nhân; vật tư, thiết bị và công nghệ lưỡng dụng để phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan; điều động nhân lực, phương tiện tham gia ứng phó tại hiện trường của hoạt động phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt có tác nhân phóng xạ, hạt nhân khi có yêu cầu của Cơ quan đầu mối quốc gia; phối hợp thực hiện điểm c khoản 1 Điều 29 của Nghị định này.
Điều 37. Trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong phạm vi, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành trao đổi thông tin, thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn xử lý kịp thời hành vi lợi dụng hoạt động về thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và các loại hàng hóa, vật tư, thiết bị và công nghệ lưỡng dụng có liên quan sử dụng trong ngành nông nghiệp để phổ biến và tài trợ vũ khí hủy diệt hàng loạt; phối hợp thực hiện điểm c khoản 1 Điều 29 của Nghị định này.
Điều 38. Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải
1. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức thực hiện hoạt động phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; phối hợp thực hiện điểm c khoản 1 Điều 29 của Nghị định này.
2. Chỉ đạo cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý sẵn sàng tham gia phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt khi được huy động.
3. Phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân địa phương:
a) Xây dựng, huấn luyện, diễn tập, tổ chức thực hiện các phương án phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa và các phương tiện giao thông công cộng khác;
b) Thực hiện kiểm soát giao thông vận tải được quy định tại Điều 17 của Nghị định này và pháp luật có liên quan để phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hoạt động phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Điều 39. Trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông
1. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức thực hiện hoạt động phòng, chống phổ biến vũ khí theo quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; phối hợp thực hiện điểm c khoản 1 Điều 29 của Nghị định này.
2. Chỉ đạo cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý sẵn sàng tham gia phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt khi được huy động.
3. Chỉ đạo các cơ quan, doanh nghiệp xuất bản, báo chí, bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
a) Tổ chức bảo đảm an toàn thông tin cho hoạt động phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt;
b) Phối hợp với các đơn vị quân đội, công an xây dựng và triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và kiểm soát hoạt động xuất bản, báo chí, bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin để phát hiện, xử lý hành vi lợi dụng hoạt động này cho việc phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt;
c) Quản lý việc đưa tin về hoạt động phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở; tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt cho cán bộ, nhân dân; chủ động phát hiện các hành vi lợi dụng hoạt động thông tin, truyền thông của tổ chức, cá nhân để phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Điều 40. Trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các bộ, ngành có trách nhiệm phối hợp trao đổi thông tin, thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.
Điều 41. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm phối hợp trao đổi thông tin, thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
1. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan kiểm tra, đôn đốc việc thi hành Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
| TM. CHÍNH PHỦ |
- 1Law No. 29/2018/QH14 dated October 28, 2015 on state secrets protection Law
- 2Law No. 14/2017/QH14 dated June 20, 2017 on management and use of weapons, explosives and combat gears
- 3Law No. 108/2016/QH13 dated April 9th, 2016, on treaties
- 4Law No. 91/2015/QH13 dated November 24, 2015, The Civil Code
- 5Law No. 83/2015/QH13 dated June 25, 2015, on state budget
- 6Law No. 76/2015/QH13 dated June 19, 2015, Organizing The Government
- 7Law No.47/2014/QH13 dated June 16, 2014, entry, exit, transit, and residence of foreigners in Vietnam
- 8Constitution dated November 28, 2013 of the socialist republic of Vietnam
- 9Law No. 28/2013/QH13 of June 12, 2013, on the Anti-Terrorism
- 10Law No. 07/2012/QH13 of June 18, 2012. prevention of money laundering
Decree No. 81/2019/ND-CP on preventing and countering proliferation of weapons of mass destruction
- Số hiệu: 81/2019/ND-CP
- Loại văn bản: Nghị định
- Ngày ban hành: 11/11/2019
- Nơi ban hành: Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra