Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 63/2022/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 12 tháng 9 năm 2022

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA BỘ NỘI VỤ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ và Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan ngang bộ;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ.

Điều 1. Vị trí và chức năng

Bộ Nội vụ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực: Tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước; chính quyền địa phương, địa giới đơn vị hành chính; cán bộ, công chức, viên chức và công vụ; hội, tổ chức phi chính phủ; thi đua, khen thưởng; tín ngưỡng, tôn giáo; văn thư, lưu trữ nhà nước; thanh niên và quản lý nhà nước đối với các dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực quản lý của bộ theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

Bộ Nội vụ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP và thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:

1. Trình Chính phủ dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, dự thảo nghị định của Chính phủ, dự thảo nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm của bộ đã được phê duyệt và các dự án, đề án, chương trình, nghị quyết theo sự phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, trung hạn, hàng năm và các dự án, công trình quan trọng quốc gia thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.

2. Trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo quyết định, chỉ thị và các văn bản khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ hoặc theo phân công. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo phân công, ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ.

3. Ban hành thông tư, quyết định, chỉ thị và các văn bản khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.

4. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các đề án, dự án, công trình quan trọng quốc gia đã được ban hành hoặc phê duyệt thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ; thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.

5. Về tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước:

a) Trình Chính phủ đề án cơ cấu tổ chức của Chính phủ theo nhiệm kỳ Quốc hội; đề án, dự thảo nghị định của Chính phủ về thành lập mới, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; dự thảo nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là cấp tỉnh), Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là cấp huyện);

b) Thẩm định dự thảo nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của tổng cục và tổ chức tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; đề án và dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước và các tổ chức tư vấn, phối hợp liên ngành do các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ;

c) Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ rà soát lại lần cuối các dự thảo nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trước khi trình Thủ tướng Chính phủ ký, ban hành;

d) Hướng dẫn việc rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tổng hợp, báo cáo Chính phủ quyết định điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

đ) Hướng dẫn xếp hạng các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

6. Về chính quyền địa phương:

a) Tham mưu, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; hướng dẫn, đôn đốc Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện các quy định của pháp luật về bầu cử, các văn bản hướng dẫn của Hội đồng bầu cử quốc gia và các cơ quan trung ương; báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của công tác bầu cử;

b) Giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của Hội đồng nhân dân; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của Ủy ban nhân dân theo quy định của pháp luật; khi cần thiết tham dự các cuộc họp của Hội đồng nhân dân và của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bàn về lĩnh vực xây dựng chính quyền địa phương và quản lý địa giới đơn vị hành chính;

c) Thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ hồ sơ phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; đề nghị điều động, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

d) Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy định về cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; hướng dẫn tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố;

đ) Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản quy định về tiêu chí, điều kiện, quy trình, thủ tục công nhận xã đảo, xã an toàn khu, vùng an toàn khu; chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận xã đảo, xã an toàn khu, vùng an toàn khu.

7. Về địa giới đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính:

a) Trình Chính phủ để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành văn bản quy định về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính, phân loại đơn vị hành chính, đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính;

b) Trình Chính phủ để trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính; đặt tên, đổi tên và việc giải quyết tranh chấp địa giới đơn vị hành chính các cấp;

c) Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy định về nguyên tắc, hồ sơ, thủ tục xác định địa giới đơn vị hành chính và lập, quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính các cấp;

d) Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập hội đồng thẩm định hồ sơ thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh; chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh;

đ) Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tổ chức thẩm định hồ sơ thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; quyết định phân loại đơn vị hành chính cấp huyện;

e) Hướng dẫn, kiểm tra Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Sở Nội vụ thực hiện các quy định của pháp luật về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính; đặt tên, đổi tên và giải quyết tranh chấp địa giới đơn vị hành chính; việc phân loại đơn vị hành chính.

8. Về quản lý biên chế:

a) Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng biên chế công chức, biên chế công chức làm việc ở nước ngoài của các cơ quan, tổ chức hành chính và biên chế của các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở trung ương theo quy định của pháp luật và cơ quan có thẩm quyền;

b) Trình Thủ tướng Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền quyết định điều chỉnh, bổ sung biên chế công chức của cơ quan, tổ chức hành chính theo quy định của pháp luật và cơ quan có thẩm quyền;

c) Quyết định giao, điều chỉnh, bổ sung biên chế công chức đối với từng cơ quan, tổ chức hành chính và hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở trung ương theo quy định của pháp luật và cơ quan có thẩm quyền;

d) Quyết định giao biên chế công chức làm việc ở nước ngoài đối với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ sau khi được cơ quan có thẩm quyền và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

đ) Thẩm định kế hoạch số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên theo quy định của pháp luật và cơ quan có thẩm quyền.

9. Về cán bộ, công chức, viên chức và công vụ:

a) Thống nhất quản lý về mã số ngạch công chức, mã số chức danh nghề nghiệp viên chức; quy định tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ các ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Nội vụ;

b) Hướng dẫn, kiểm tra việc xác định cơ cấu ngạch công chức, vị trí việc làm trong cơ quan nhà nước;

c) Thẩm định về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục và hồ sơ nhân sự đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định, phê chuẩn theo quy định của pháp luật;

d) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về tuyển dụng, bố trí, sử dụng công chức, viên chức theo vị trí việc làm, bổ nhiệm ngạch, chức danh nghề nghiệp, tổ chức thi hoặc xét nâng ngạch công chức, thay đổi chức danh nghề nghiệp viên chức, đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, tiêu chuẩn chức danh, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu của cán bộ, công chức, viên chức và các nội dung quản lý khác đối với cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật;

đ) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy định của Chính phủ về quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ, tỷ lệ nữ để bổ nhiệm các chức danh trong các cơ quan nhà nước; thu thập, tổng hợp các chỉ tiêu thống kê quốc gia về công tác cán bộ nữ;

e) Xây dựng, hướng dẫn và quản lý dữ liệu quốc gia về đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (bao gồm cả cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố); hướng dẫn việc lập, quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức; thẻ công chức, viên chức.

10. Về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức:

a) Xây dựng, ban hành và quản lý chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức; chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý; chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành Nội vụ; chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm chuyên môn nghiệp vụ ngành Nội vụ;

b) Xây dựng, ban hành, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện kế hoạch bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức bằng nguồn ngân sách nhà nước theo thẩm quyền;

c) Theo dõi, tổng hợp kết quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

11. Về chính sách tiền lương:

a) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về chính sách, chế độ tiền lương, phụ cấp, sinh hoạt phí, tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức từ trung ương đến cấp xã và lao động hợp đồng trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập;

b) Nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền về thực hiện cải cách chính sách tiền lương nhà nước.

12. Về tổ chức hội và các tổ chức phi chính phủ:

a) Giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, tổ chức phi chính phủ trong nước và hoạt động chữ thập đỏ theo quy định của pháp luật;

b) Thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều lệ các hội có Đảng đoàn do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ;

c) Giải quyết theo thẩm quyền và quy định của pháp luật về các thủ tục liên quan đến hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, tổ chức phi chính phủ;

d) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, tổ chức phi chính phủ;

đ) Khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích trong tổ chức, hoạt động của hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, tổ chức phi chính phủ.

13. Về thi đua, khen thưởng:

a) Giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng theo quy định của pháp luật;

b) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về tổ chức thi đua, danh hiệu và tiêu chuẩn danh hiệu thi đua; hình thức, đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng; thẩm quyền quyết định, trao tặng, thủ tục, hồ sơ đề nghị khen thưởng; quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tập thể được tặng danh hiệu thi đua, khen thưởng; xử lý vi phạm về thi đua, khen thưởng;

c) Tổ chức, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các phong trào thi đua, chính sách khen thưởng của Đảng và Nhà nước;

d) Thẩm định hồ sơ đề nghị khen thưởng, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước quyết định khen thưởng theo quy định của pháp luật;

đ) Chuẩn bị hiện vật kèm theo các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện việc cấp phát, cấp đổi, cấp lại hiện vật khen thưởng theo quyết định của cấp có thẩm quyền;

e) Vận động các nguồn tài trợ và quản lý, sử dụng quỹ thi đua, khen thưởng trung ương; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý quỹ thi đua, khen thưởng ở các cấp, các ngành;

g) Làm nhiệm vụ thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương.

14. Về tín ngưỡng, tôn giáo:

a) Giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật;

b) Làm đầu mối liên hệ với các tổ chức tôn giáo trong nước và quốc tế, đối ngoại tôn giáo và đấu tranh nhân quyền;

c) Thực hiện và hướng dẫn các cộng đồng tín ngưỡng, tổ chức, cá nhân tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật;

d) Quản lý thống nhất về xuất bản các ấn phẩm, sách kinh, tác phẩm, giáo trình giảng dạy, văn hóa phẩm thuần túy tín ngưỡng, tôn giáo của các cộng đồng tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động;

đ) Khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng và áp dụng chế độ, chính sách đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.

15. Về văn thư, lưu trữ nhà nước:

a) Giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ nhà nước theo quy định của pháp luật;

b) Quản lý tài liệu Phông Lưu trữ Nhà nước Việt Nam và hoạt động nghiệp vụ lưu trữ;

c) Hướng dẫn, kiểm tra hoạt động dịch vụ lưu trữ; ban hành quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật về văn thư, lưu trữ;

d) Xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia tài liệu lưu trữ điện tử.

16. Về cải cách hành chính nhà nước:

a) Trình cấp có thẩm quyền quyết định chương trình, kế hoạch, đề án chung về cải cách hành chính nhà nước trong từng giai đoạn. Làm thường trực công tác cải cách hành chính của Chính phủ;

b) Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định các chủ trương, chính sách và giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước;

c) Thẩm định đề án thí điểm cải cách hành chính do các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ;

d) Chủ trì triển khai công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cải cách chế độ công vụ; công tác tuyên truyền về cải cách hành chính. Chủ trì xây dựng báo cáo cải cách hành chính hàng quý, 6 tháng và hàng năm, trình Chính phủ tại phiên họp Chính phủ;

đ) Xây dựng, ban hành, hướng dẫn phương pháp theo dõi, đánh giá, xác định chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước;

e) Tổ chức triển khai, xác định và công bố chỉ số cải cách hành chính hàng năm của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước;

g) Hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, thực hiện kế hoạch và báo cáo về công tác cải cách hành chính theo quy định.

17. Về thực hiện công tác dân chủ, dân vận:

a) Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền và hướng dẫn việc thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của pháp luật;

b) Hướng dẫn việc thực hiện công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước và chính quyền các cấp theo quy định của Đảng và của pháp luật.

18. Về hợp tác quốc tế:

a) Quản lý và tổ chức thực hiện hợp tác quốc tế về ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ theo quy định của pháp luật;

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện hợp tác với các nước ASEAN về lĩnh vực công vụ, công chức;

c) Tổ chức đàm phán, ký điều ước quốc tế theo ủy quyền của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; ký kết và tổ chức thực hiện các thỏa thuận quốc tế nhân danh bộ theo quy định của pháp luật; tham gia các tổ chức quốc tế theo phân công của Chính phủ.

19. Quản lý nhà nước về thanh niên:

a) Hướng dẫn việc lồng ghép chính sách, chỉ tiêu, mục tiêu phát triển thanh niên khi xây dựng chính sách, chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, lĩnh vực;

b) Hướng dẫn các bộ, ngành lồng ghép chỉ tiêu thống kê về thanh niên Việt Nam vào hệ thống chỉ tiêu của bộ, ngành;

c) Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên.

20. Thực hiện các dịch vụ công trong ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ theo quy định của pháp luật.

21. Đào tạo, bồi dưỡng và tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ và theo quy định của pháp luật.

22. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và việc thực hiện chính sách, pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ theo quy định của pháp luật. Thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phòng, chống tội phạm; tiếp công dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đối với các vấn đề thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ theo quy định của pháp luật.

23. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành giải quyết kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

24. Tổ chức, chỉ đạo thực hiện công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học; thông tin, truyền thông; ứng dụng công nghệ, dữ liệu thông tin; chuyển đổi số và quản lý dữ liệu chuyên ngành phục vụ chức năng quản lý nhà nước của bộ.

25. Quản lý tổ chức bộ máy; vị trí việc làm, biên chế công chức và cơ cấu ngạch công chức; vị trí việc làm, số lượng người làm việc và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp; số lượng người lao động theo chế độ hợp đồng lao động của Bộ Nội vụ. Thực hiện cải cách hành chính; quyết định và phân cấp thẩm quyền quyết định tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc Bộ Nội vụ theo quy định của Đảng và của pháp luật; quyết định việc bố trí biên chế công chức làm nhiệm vụ chuyên trách công tác đảng, đoàn thể; đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ và thực hiện các chế độ, chính sách khác đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nội vụ.

26. Quản lý tài chính, tài sản được giao và tổ chức thực hiện ngân sách được phân bổ theo quy định của pháp luật.

27. Tổng hợp, thống kê, sơ kết, tổng kết, đánh giá, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ theo quy định của pháp luật, hoặc theo phân công của cấp có thẩm quyền.

28. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức

1. Vụ Tổ chức - Biên chế.

2. Vụ Chính quyền địa phương.

3. Vụ Công chức - Viên chức.

4. Vụ Tiền lương.

5. Vụ Tổ chức phi chính phủ.

6. Vụ Cải cách hành chính.

7. Vụ Hợp tác quốc tế.

8. Vụ Pháp chế.

9. Vụ Kế hoạch - Tài chính.

10. Vụ Công tác thanh niên.

11. Vụ Tổ chức cán bộ.

12. Thanh tra Bộ.

13. Văn phòng Bộ.

14. Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước.

15. Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương.

16. Ban Tôn giáo Chính phủ.

17. Học viện Hành chính Quốc gia.

18. Viện Khoa học tổ chức nhà nước.

19. Tạp chí Tổ chức nhà nước.

20. Trung tâm Thông tin.

Tại Điều này, các đơn vị quy định từ khoản 1 đến khoản 16 là các tổ chức hành chính, giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước; các đơn vị quy định từ khoản 17 đến khoản 20 là các đơn vị sự nghiệp công lập, phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia và danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập khác hiện có thuộc Bộ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Bộ, trừ đơn vị quy định tại khoản 17 Điều này.

Điều 4. Điều khoản chuyển tiếp

1. Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cho đến khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia.

2. Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Ban Tôn giáo Chính phủ tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cho đến khi Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị.

3. Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và Vụ Tổng hợp tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cho đến khi Bộ trưởng Bộ Nội vụ thực hiện xong việc điều chuyển chức năng, nhiệm vụ và sắp xếp nhân sự của đơn vị theo Đề án sắp xếp, kiện toàn các Vụ thuộc Bộ Nội vụ kèm theo Tờ trình số 3500/TTr-BNV ngày 26 tháng 7 năm 2022.

Điều 5. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 9 năm 2022.

2. Nghị định này thay thế Nghị định số 34/2017/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ.

Điều 6. Trách nhiệm thi hành

Bộ trưởng Bộ Nội vụ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các y ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, TCCV (02b).

TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Phạm Bình Minh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Decree No. 63/2022/ND-CP dated September 12, 2022 on defining functions, tasks, powers and organizational structure of Ministry of Home Affairs of Vietnam

  • Số hiệu: 63/2022/ND-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 12/09/2022
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Phạm Bình Minh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/09/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản