Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ 
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 111/2010/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 23 tháng 11 năm 2010

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT LÝ LỊCH TƯ PHÁP

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Lý lịch tư pháp ngày 17 tháng 6 năm 2009;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành khoản 2 Điều 11 về tổ chức của Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia; Điều 14 về bảo vệ và lưu trữ cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; Điều 56 về tra cứu, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp có trước ngày Luật Lý lịch tư pháp có hiệu lực để xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, cấp Phiếu lý lịch tư pháp và một số nội dung khác của Luật Lý lịch tư pháp.

Điều 2. Trách nhiệm của các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.

1. Bộ Tư pháp có trách nhiệm chỉ đạo việc xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trong phạm vi cả nước và chỉ đạo hướng dẫn việc xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại các địa phương.

2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trong phạm vi địa phương mình.

3. Các Bộ, ngành có liên quan có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, ngành phối hợp, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp để xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp và Nghị định này.

Điều 3. Bảo vệ cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp

Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp là tài sản quốc gia phải được bảo vệ chặt chẽ, an toàn. Việc quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp phải tuân theo các quy định của Luật Lý lịch tư pháp và Nghị định này.

Điều 4. Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia

Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia là đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Tư pháp, có chức năng xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trong phạm vi cả nước.

Nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định.

Điều 5. Cung cấp thông tin giữa Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp và cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu khác.

1. Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu về dân cư, hộ tịch, hộ khẩu, chứng minh nhân dân có trách nhiệm cung cấp những thông tin cần thiết theo yêu cầu của Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp để xác định về nhân thân của người bị kết án, người bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

2. Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp có trách nhiệm cung cấp thông tin lý lịch tư pháp theo yêu cầu của cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu về dân cư, hộ tịch, hộ khẩu, chứng minh nhân dân để phục vụ công tác của các cơ quan này theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp và Nghị định này.

Điều 6. Lệ phí và miễn lệ phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp

1. Bộ Tài chính hướng dẫn mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

2. Những trường hợp sau đây được miễn lệ phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp:

a) Người thuộc hộ nghèo theo quy định của pháp luật;

b) Người cư trú tại các xã đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật.

Chương 2.

XÂY DỰNG, LƯU TRỮ VÀ BẢO VỆ CƠ SỞ DỮ LIỆU LÝ LỊCH TƯ PHÁP

MỤC 1. XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU LÝ LỊCH TƯ PHÁP

Điều 7. Hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp

Hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp bao gồm:

1. Tiếp nhận, kiểm tra, phân loại và xử lý thông tin lý lịch tư pháp do các cơ quan, tổ chức cung cấp theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp và Nghị định này.

2. Lập Lý lịch tư pháp theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp và Nghị định này.

3. Cập nhật thông tin lý lịch tư pháp vào Lý lịch tư pháp đã được lập.

Điều 8. Phạm vi xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp về án tích

Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp về án tích đối với những người sau đây:

1. Người bị Tòa án Việt Nam kết án kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2010.

2. Người bị Tòa án Việt Nam kết án trước ngày 01 tháng 7 năm 2010 nhưng từ ngày 01 tháng 7 năm 2010, Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp nhận được thông tin lý lịch tư pháp của người đó do các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp theo quy định tại các điều từ Điều 16 đến Điều 21 của Luật Lý lịch tư pháp.

3. Người bị Tòa án Việt Nam kết án trước ngày 01 tháng 7 năm 2010 nhưng từ ngày 01 tháng 7 năm 2010, Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp được cơ quan Công an, Tòa án, cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Quốc phòng cung cấp thông tin về tình trạng án tích của người đó để cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

4. Công dân Việt Nam bị Tòa án nước ngoài kết án mà trích lục bản án, trích lục án tích của người đó được Viện kiểm sát nhân dân tối cao cung cấp cho Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2010.

5. Công dân Việt Nam bị Tòa án nước ngoài kết án được chuyển giao để chấp hành hình phạt tù tại Việt Nam kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2010.

Điều 9. Phối hợp cung cấp thông tin lý lịch tư pháp về án tích để xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp

1. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp thông tin lý lịch tư pháp từ ngày 01 tháng 7 năm 2010 cho Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp theo quy định tại các điều từ Điều 16 đến Điều 21 của Luật Lý lịch tư pháp.

2. Trong trường hợp cần có thêm thông tin lý lịch tư pháp có trước ngày 01 tháng 7 năm 2010 để xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp đối với người bị kết án quy định tại khoản 2 và 3 Điều 8 của Nghị định này, Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp gửi văn bản đề nghị Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án cung cấp bản sao bản án đối với người bị kết án, cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin về việc chấp hành xong hình phạt, đặc xá, đại xá, thi hành hình phạt tiền, tịch thu tài sản và các quyết định dân sự trong bản án hình sự đối với người bị kết án.

Cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, cơ quan thi hành án dân sự, các cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm cung cấp thông tin theo yêu cầu của Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp theo quy định tại khoản này.

Điều 10. Lập Lý lịch tư pháp đối với người bị Tòa án kết án kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2010

Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp có trách nhiệm Lý lịch tư pháp của những người bị Tòa án kết án kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2010 trên cơ sở thông tin lý lịch tư pháp về án tích do các cơ quan, tổ chức cung cấp theo quy định tại các điều từ Điều 16 đến Điều 21 của Luật Lý lịch tư pháp.

Điều 11. Lập Lý lịch tư pháp đối với người bị kết án trước ngày 01 tháng 7 năm 2010

1. Trường hợp người bị Tòa án Việt Nam kết án trước ngày 01 tháng 7 năm 2010 nhưng từ ngày 01 tháng 7 năm 2010, Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp nhận được thông tin lý lịch tư pháp về án tích của người đó thì Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp gửi văn bản đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cung cấp thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 9 của Nghị định này để lập Lý lịch tư pháp của người bị kết án.

2. Sau khi nhận được bản sao bản án, các thông tin khác do Tòa án và các cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp theo quy định tại khoản 1 Điều này, Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp lập Lý lịch tư pháp của người bị kết án.

Điều 12. Lập Lý lịch tư pháp đối với người bị kết án trước ngày 01 tháng 7 năm 2010 và đã được Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp cấp Phiếu lý lịch tư pháp

1. Người bị Tòa án Việt Nam kết án trước ngày 01 tháng 7 năm 2010 nhưng từ ngày 01 tháng 07 năm 2010, Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp nhận được thông tin về tình trạng án tích của người đó do cơ quan Công an, Tòa án, cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Quốc phòng cung cấp để cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp nơi thực hiện việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp tiến hành lập Lý lịch tư pháp của người đó.

2. Trong trường hợp cần có thêm thông tin về án tích của người bị kết án để lập Lý lịch tư pháp theo quy định tại khoản 1 Điều này thì Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp gửi văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền cung cấp thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 9 của Nghị định này.

Điều 13. Lập Lý lịch tư pháp đối với người bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã

1. Sở Tư pháp có trách nhiệm tiếp nhận trích lục quyết định tuyên bố phá sản có hiệu lực pháp luật kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2010 do Tòa án cung cấp theo quy định tại Điều 37 của Luật Lý lịch tư pháp để lập Lý lịch tư pháp của người bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

2. Trường hợp người bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã đã có Lý lịch tư pháp thì Sở Tư pháp ghi vào Lý lịch tư pháp của người đó các nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 38 của Luật Lý lịch tư pháp.

Điều 14. Thẩm quyền và nội dung lập Lý lịch tư pháp của người bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

1. Sở Tư pháp, nơi người bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã thường trú, lập Lý lịch tư pháp của người đó; trường hợp người đó không có nơi thường trú thì Sở Tư pháp, nơi người đó tạm trú, lập Lý lịch tư pháp.

2. Lý lịch tư pháp được lập riêng cho từng người bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã với các nội dung sau đây:

a) Họ, tên, giới tính, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, quốc tịch, nơi thường trú, tạm trú của người bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã;

b) Chức vụ bị cấm đảm nhiệm, thời hạn không được thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã;

c) Số quyết định, ngày tháng năm của quyết định, Tòa án đã ra quyết định tuyên bố phá sản.

Điều 15. Phối hợp rà soát việc cung cấp thông tin lý lịch tư pháp giữa Sở Tư pháp và Tòa án nhân dân

Định kỳ hằng quý, Sở Tư pháp liên hệ với Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi địa phương mình rà soát, đối chiếu các bản án hình sự, quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, trong đó có nội dung cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã do Tòa án cấp tỉnh, cấp huyện đã tuyên để bảo đảm việc cung cấp thông tin lý lịch tư pháp không bị bỏ sót hoặc chậm trễ.

Điều 16. Phối hợp xác minh, cung cấp thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp

1. Trong quá trình cập nhật thông tin lý lịch tư pháp, trường hợp các thông tin về nhân thân của người bị kết án, người bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã có điểm chưa rõ ràng, chính xác thì Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu về dân cư, hộ tịch, hộ khẩu, chứng minh nhân dân để xác minh, làm rõ.

2. Cơ quan đăng ký hộ tịch khi ban hành quyết định cho phép thay đổi, cải chính hộ tịch cho người từ đủ 14 tuổi trở lên; cấp giấy chứng tử có trách nhiệm gửi bản chính hoặc bản sao quyết định, giấy chứng tử đó cho Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp.

Điều 17. Phối hợp xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích

1. Trong trường hợp người bị kết án đã có đủ thời gian để đương nhiên được xóa án tích theo quy định của Bộ luật hình sự, nhưng chưa nhận được Giấy chứng nhận xóa án tích của Tòa án thì Sở Tư pháp tiến hành xác minh về việc người đó có bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử trong thời hạn đang có án tích hay không. Việc xác minh được thực hiện như sau:

a) Sở Tư pháp gửi văn bản yêu cầu xác minh hoặc trực tiếp xác minh tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã), cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án cư trú, làm việc sau khi chấp hành xong bản án;

b) Trong quá trình xác minh tại Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức, nếu thấy cần thiết, Sở Tư pháp thực hiện xác minh tại cơ quan tiến hành tố tụng có liên quan về việc người bị kết án có đang bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử hay không.

2. Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp thông tin theo yêu cầu của Sở Tư pháp.

Cán bộ tư pháp – hộ tịch giúp Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện xác minh theo yêu cầu của Sở Tư pháp.

3. Sở Tư pháp gửi kết quả xác minh cho Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn thành việc xác minh theo quy định tại khoản 1 Điều này.

4. Trường hợp Lý lịch tư pháp do Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia lập theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 26 của Luật Lý lịch tư pháp, thì Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia tiến hành xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích của người bị kết án theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 18. Cập nhật thông tin lý lịch tư pháp về đương nhiên được xóa án tích sau khi có kết quả xác minh

Căn cứ vào kết quả xác minh theo quy định tại Điều 17 của Nghị định này, Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp cập nhật thông tin vào Lý lịch tư pháp của người bị kết án như sau:

1. Ghi vào Lý lịch tư pháp của người bị kết án là “đã được xóa án tích” nếu người đó thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Không phạm tội mới trong thời hạn đang có án tích theo quy định của Bộ luật hình sự;

b) Có án tích về một tội mà lại bị kết án hoặc bị điều tra, truy tố, xét xử về hành vi phạm tội xảy ra trước hoặc sau thời hạn đang có án tích về tội đó theo quy định của Bộ luật hình sự.

2. Trường hợp người đang có án tích về một tội mà lại bị kết án bằng một bản án đã có hiệu lực pháp luật về hành vi phạm tội xảy ra trong thời hạn đang có án tích về tội đó theo quy định của Bộ luật hình sự thì ghi là “có án tích” đối với tội đó.

3. Nếu người có án tích về một tội mà đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc bị kết án nhưng bản án chưa có hiệu lực pháp luật về hành vi phạm tội xảy ra trong thời hạn đang có án tích về tội đó theo quy định của Bộ luật hình sự thì chưa cập nhật thông tin về đương nhiên xóa án tích trong Lý lịch tư pháp của người đó mà chờ kết quả xét xử của Tòa án.

MỤC 2. LƯU TRỮ VÀ BẢO VỆ CƠ SỞ DỮ LIỆU LÝ LỊCH TƯ PHÁP

Điều 19. Hình thức lưu trữ cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp

1. Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp bao gồm hồ sơ lý lịch tư pháp bằng giấy và dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử.

2. Hồ sơ lý lịch tư pháp bằng giấy bao gồm các văn bản có chứa thông tin lý lịch tư pháp do các cơ quan, tổ chức gửi cho Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp theo quy định tại các điều từ Điều 16 đến Điều 21 Luật Lý lịch tư pháp và Lý lịch tư pháp của cá nhân do Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp lập.

3. Dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử bao gồm thông tin lý lịch tư pháp có trong hồ sơ lý lịch tư pháp bằng giấy đã được chuyển sang dạng dữ liệu điện tử.

4. Hồ sơ lý lịch tư pháp bằng giấy và dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử đều là căn cứ để xác định một người có hay không có án tích, bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản.

Điều 20. Lưu trữ hồ sơ lý lịch tư pháp bằng giấy

1. Việc lưu trữ hồ sơ lý lịch tư pháp bằng giấy phải theo nguyên tắc phân loại, sắp xếp thành hồ sơ của từng cá nhân; mỗi hồ sơ có ký hiệu riêng bảo đảm chính xác và thuận tiện cho việc tra cứu thông tin.

2. Bản sao bản án, trích lục bản án, quyết định thi hành án hình sự, giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt, Lý lịch tư pháp của cá nhân được lưu trữ tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp đến khi cá nhân qua đời.

Các tài liệu khác trong hồ sơ lý lịch tư pháp được lưu trữ có thời hạn và có thể được tiêu hủy khi hết giá trị sử dụng theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

Điều 21. Lưu trữ dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử

1. Dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử được xây dựng trên cơ sở số hóa hồ sơ lý lịch tư pháp bằng giấy, có cấu trúc phù hợp với nội dung của hồ sơ lý lịch tư pháp bằng giấy và được lưu trữ vô thời hạn tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp.

2. Trong trường hợp có sự sai lệch về nội dung giữa dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử và hồ sơ lý lịch tư pháp bằng giấy thì Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp phải tiến hành kiểm tra, xác minh để điều chỉnh cho phù hợp.

Điều 22. Quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp

1. Việc quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp phải tuân theo các quy định của Luật Lý lịch tư pháp và Nghị định này.

2. Công chức, viên chức công tác tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp chỉ được quyền tiếp cận cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trong phạm vi chức trách, nhiệm vụ được giao.

3. Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.

Điều 23. Biện pháp bảo vệ cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp

Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và an ninh đối với cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.

1. Các biện pháp bảo vệ chung:

a) Các biện pháp phòng, chống đột nhập, trộm cắp dữ liệu;

b) Các biện pháp phòng, chống cháy, nổ; phòng, chống thiên tai.

2. Các biện pháp bảo vệ đối với hồ sơ lý lịch tư pháp bằng giấy:

a) Xây dựng hoặc bố trí kho lưu trữ theo đúng tiêu chuẩn quy định;

b) Trang bị đầy đủ các thiết bị kỹ thuật, phương tiện bảo quản hồ sơ;

c) Duy trì nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng phù hợp với hồ sơ;

d) Thực hiện các biện pháp phòng, chống côn trùng, nấm mốc, khử a xít và các tác nhân khác gây hư hỏng hồ sơ;

đ) Tu bổ, phục chế hồ sơ khi bị hư hỏng hoặc có nguy cơ bị hư hỏng.

3. Các biện pháp bảo vệ đối với dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử:

a) Các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh dữ liệu;

b) Các biện pháp bảo đảm an ninh mạng.

Chương 3.

TRA CỨU THÔNG TIN LÝ LỊCH TƯ PHÁP VỀ ÁN TÍCH CÓ TRƯỚC NGÀY 01 THÁNG 7 NĂM 2010 ĐỂ CẤP PHIẾU LÝ LỊCH TƯ PHÁP

Điều 24. Xác định nơi tra cứu thông tin lý lịch tư pháp về án tích

1. Việc tra cứu thông tin lý lịch tư pháp về án tích có trước ngày 01 tháng 7 năm 2010 để cấp Phiếu lý lịch tư pháp được thực hiện tại cơ sở dữ liệu của ngành Công an theo quy định tại Điều 25 của Nghị định này.

2. Trường hợp kết quả tra cứu thông tin tại cơ sở dữ liệu của ngành Công an chưa có đủ căn cứ để kết luận về tình trạng án tích của người xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp hoặc người xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp thuộc trường hợp quy định tại Điều 27 của Nghị định này thì Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp liên hệ với Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Quốc phòng để tra cứu thông tin theo quy định tại Điều 26, Điều 27 của Nghị định này.

3. Trường hợp cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có đầy đủ thông tin lý lịch tư pháp có trước ngày 01 tháng 7 năm 2010 của những người quy định tại các khoản 2 và 3 Điều 8 của Nghị định này thì việc tra cứu thông tin được thực hiện tại cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.

Điều 25. Tra cứu thông tin lý lịch tư pháp về án tích tại cơ quan Công an

1. Trường hợp Sở Tư pháp cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì việc tra cứu thông tin được thực hiện như sau:

a) Trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp hợp lệ, Sở Tư pháp gửi Phiếu xác minh lý lịch tư pháp kèm theo 01 bộ hồ sơ cho cơ quan Công an cùng cấp;

b) Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Phiếu xác minh lý lịch tư pháp, cơ quan Công an cấp tỉnh thực hiện tra cứu thông tin về tình trạng án tích của đương sự và gửi cho Sở Tư pháp kết quả tra cứu; trường hợp phải tra cứu thông tin trong hệ thống hồ sơ, tàng thư của Bộ Công an thì thời hạn không quá 09 ngày làm việc.

2. Trường hợp Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì việc tra cứu thông tin được thực hiện như sau:

a) Trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp hợp lệ, Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia gửi Phiếu xác minh lý lịch tư pháp kèm theo 01 bộ hồ sơ cho cơ quan quản lý hệ thống hồ sơ, tàng thư của Bộ Công an;

b) Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Phiếu xác minh lý lịch tư pháp, cơ quan quản lý hệ thống hồ sơ, tàng thư của Bộ Công an thực hiện tra cứu thông tin và gửi kết quả tra cứu cho Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia.

3. Trong trường hợp khẩn cấp theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, ngay sau khi nhận được yêu cầu, Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công an thực hiện tra cứu thông tin lý lịch tư pháp của đương sự và cấp Phiếu lý lịch tư pháp trong thời hạn 24 giờ, kể từ thời điểm nhận được yêu cầu.

Điều 26. Tra cứu thông tin lý lịch tư pháp về án tích tại Tòa án

Trường hợp sau khi đã tra cứu thông tin lý lịch tư pháp về án tích tại cơ quan Công an mà vẫn chưa đủ căn cứ để kết luận hoặc nội dung về tình trạng án tích của đương sự có điểm chưa rõ ràng, đầy đủ để khẳng đương sự có hay không có án tích thì Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp liên hệ với Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án liên quan đến đương sự để tra cứu hồ sơ.

Thời hạn tra cứu hồ sơ tại Tòa án không quá 5 ngày làm việc.

Điều 27. Tra cứu thông tin lý lịch tư pháp về án tích tại cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Quốc phòng

Trường hợp cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho người đã từng là sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng thì Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp phối hợp với cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Quốc phòng để tra cứu thông tin.

Điều 28. Tra cứu thông tin lý lịch tư pháp đối với trường hợp đã được xác định không có án tích trước ngày 01 tháng 7 năm 2010

Trường hợp người đã được cấp Phiếu lý lịch tư pháp kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2010 mà đã được xác định không có án tích trước ngày 01 tháng 7 năm 2010 thì khi cấp Phiếu lý lịch tư pháp lần thứ hai cho người đó không bắt buộc phải tra cứu thông tin tại các cơ quan Công an, Tòa án, cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Quốc phòng theo quy định tại Chương này.

Chương 4.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 29. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 01 năm 2011.

Điều 30. Trách nhiệm thi hành

1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

2. Bộ trưởng Bộ Công an có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ và Công an địa phương; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan trong Quân đội tổ chức tra cứu, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp có trước ngày 01 tháng 7 năm 2010 theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp và Nghị định này để phục vụ việc xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

3. Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Nghị định và những nội dung cần thiết khác của Nghị định để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, PL (5b)

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Decree No. 111/2010/ND-CP of November 23, 2010, detailing and guiding a number of articles of the law on judicial records

  • Số hiệu: 111/2010/ND-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 23/11/2010
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản