Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 108/2017/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 20 tháng 9 năm 2017 |
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014 và Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư ngày 22 tháng 11 năm 2016;
Căn cứ Luật doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý phân bón.
Nghị định này quy định quản lý nhà nước về phân bón bao gồm: Công nhận; khảo nghiệm; sản xuất; buôn bán; xuất khẩu; nhập khẩu; quản lý chất lượng; ghi nhãn; quảng cáo, hội thảo và sử dụng phân bón ở Việt Nam.
Phân bón hữu cơ truyền thống do các tổ chức, cá nhân sản xuất để sử dụng không vì mục đích thương mại không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.
Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động liên quan đến lĩnh vực phân bón tại Việt Nam.
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Phân bón là sản phẩm có chức năng cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng hoặc có tác dụng cải tạo đất để tăng năng suất, chất lượng cây trồng.
2. Yếu tố hạn chế trong phân bón là những yếu tố có nguy cơ gây độc hại, ảnh hưởng tới an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường, gồm:
a) Các nguyên tố arsen (As), cadimi (Cd), chì (Pb) và thủy ngân (Hg);
b) Vi khuẩn E. coli, Salmonella và các vi sinh vật gây hại cây trồng, gây bệnh cho người, động vật được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác định.
3. Chất chính (còn gọi là chất dinh dưỡng chính) trong phân bón là chất dinh dưỡng có trong thành phần đăng ký quyết định tính chất, công dụng của phân bón được quy định tại Phụ lục V của Nghị định này.
4. Chỉ tiêu chất lượng phân bón là các thông số kỹ thuật về đặc tính, thành phần, hàm lượng phản ánh chất lượng phân bón được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng tương ứng.
5. Nguyên tố dinh dưỡng trong phân bón là các nguyên tố hóa học cần thiết cho sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng, bao gồm:
a) Nguyên tố dinh dưỡng đa lượng là các nguyên tố đạm (N), lân (P), kali (K) ở dạng cây trồng có thể hấp thu được;
b) Nguyên tố dinh dưỡng trung lượng là các nguyên tố canxi (Ca), magie (Mg), lưu huỳnh (S), silic (Si) ở dạng cây trồng có thể hấp thu được;
c) Nguyên tố dinh dưỡng vi lượng là các nguyên tố bo (B), côban (Co), đồng (Cu), sắt (Fe), mangan (Mn), molipđen (Mo), kẽm (Zn) ở dạng cây trồng có thể hấp thu được.
6. Sản xuất phân bón là việc thực hiện một phần hoặc toàn bộ hoạt động tạo ra sản phẩm phân bón thông qua phản ứng hóa học, sinh hóa, sinh học hoặc các quá trình vật lý như nghiền, trộn, sàng, sấy, bọc, tạo hạt, viên hoặc khuấy trộn, lọc hoặc chỉ đóng gói phân bón.
7. Đóng gói phân bón là việc sử dụng máy móc, thiết bị để san chiết phân bón từ dung tích lớn sang dung tích nhỏ, từ bao bì lớn sang bao bì nhỏ hoặc là hình thức đóng gói từ dung tích, khối lượng cố định vào bao bì theo một khối lượng nhất định mà không làm thay đổi bản chất, thành phần, hàm lượng, màu sắc, dạng phân bón.
8. Buôn bán phân bón là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chào hàng, bày bán, lưu giữ, bảo quản, vận chuyển, bán buôn, bán lẻ, xuất khẩu, nhập khẩu và hoạt động khác đưa phân bón vào lưu thông.
9. Phân bón không bảo đảm chất lượng là phân bón có hàm lượng định lượng các chất chính hoặc có thành phần không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng hoặc quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
1. Phân nhóm phân bón theo nguồn gốc nguyên liệu và quá trình sản xuất
a) Nhóm phân bón hóa học (còn gọi là phân bón vô cơ) gồm các loại phân bón được sản xuất từ nguyên liệu chính là các chất vô cơ hoặc hữu cơ tổng hợp, được xử lý qua quá trình hóa học hoặc chế biến khoáng sản;
b) Nhóm phân bón hữu cơ gồm các loại phân bón được sản xuất từ nguyên liệu chính là các chất hữu cơ tự nhiên (không bao gồm các chất hữu cơ tổng hợp), được xử lý thông qua quá trình vật lý (làm khô, nghiền, sàng, phối trộn, làm ẩm) hoặc sinh học (ủ, lên men, chiết);
c) Nhóm phân bón sinh học gồm các loại phân bón được sản xuất thông qua quá trình sinh học hoặc có nguồn gốc tự nhiên, trong thành phần có chứa một hoặc nhiều chất sinh học như axít humic, axít fulvic, axít amin, vitamin hoặc các chất sinh học khác.
2. Phân loại phân bón hóa học theo thành phần hoặc chức năng của các chất chính trong phân bón đối với cây trồng
a) Phân bón đa lượng là phân bón trong thành phần chất chính chứa ít nhất 01 nguyên tố dinh dưỡng đa lượng, bao gồm phân bón đơn, phân bón phức hợp, phân bón hỗn hợp, phân bón khoáng hữu cơ, phân bón khoáng sinh học;
b) Phân bón trung lượng là phân bón hóa học trong thành phần chất chính chứa ít nhất 01 nguyên tố dinh dưỡng trung lượng, không bao gồm vôi, thạch cao, đá macnơ, đá dolomite ở dạng khai thác tự nhiên chưa qua quá trình xử lý, sản xuất thành phân bón;
c) Phân bón vi lượng là phân bón trong thành phần chất chính chứa ít nhất 01 nguyên tố dinh dưỡng vi lượng;
d) Phân bón đất hiểm là phân bón trong thành phần có chứa nguyên tố Scandium (số thứ tự 21) hoặc Yttrium (số thứ tự 39) hoặc một trong các nguyên tố thuộc dãy Lanthanides (số thứ tự từ số 57-71: Lanthanum, Cerium, Praseodymium, Neodymium, Promethium, Samarium, Europium, Gadolinium, Terbium, Dysprosium, Holmium, Erbium, Thulium, Ytterbium, Lutetium) trong bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học (bảng tuần hoàn Mendeleev);
đ) Phân bón cải tạo đất vô cơ là phân bón có tác dụng cải thiện tính chất lý, hóa, sinh học của đất để tạo điều kiện thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng, phát triển, được sản xuất từ nguyên liệu chính là các chất vô cơ hoặc hữu cơ tổng hợp.
3. Phân loại phân bón đa lượng theo thành phần chất chính hoặc liên kết hóa học của các nguyên tố dinh dưỡng trong phân bón
a) Phân bón đơn là phân bón trong thành phần chất chính chỉ chứa 01 nguyên tố dinh dưỡng đa lượng;
b) Phân bón phức hợp là phân bón trong thành phần chất chính có chứa ít nhất 02 nguyên tố dinh dưỡng đa lượng được liên kết với nhau bằng các liên kết hóa học;
c) Phân bón hỗn hợp là phân bón trong thành phần chất chính có chứa ít nhất 02 nguyên tố dinh dưỡng đa lượng được sản xuất bằng cách phối trộn từ các loại phân bón khác nhau;
d) Phân bón khoáng hữu cơ là phân bón quy định tại các điểm a, b, c của khoản này được bổ sung chất hữu cơ;
đ) Phân bón khoáng sinh học là phân bón quy định tại các điểm a, b, c của khoản này được bổ sung ít nhất 01 chất sinh học (axít humic, axít fulvic, axít amin, vitamin,...).
4. Phân loại phân bón hữu cơ theo thành phần, chức năng của các chất chính hoặc quá trình sản xuất
a) Phân bón hữu cơ là phân bón trong thành phần chất chính chỉ có chất hữu cơ và các chất dinh dưỡng có nguồn gốc từ nguyên liệu hữu cơ;
b) Phân bón hữu cơ vi sinh là phân bón trong thành phần chất chính gồm có chất hữu cơ và ít nhất 01 loài vi sinh vật có ích;
c) Phân bón hữu cơ sinh học là phân bón trong thành phần chất chính gồm có chất hữu cơ và ít nhất 01 chất sinh học (axít humic, axít fulvic, axít amin, vitamin,...);
d) Phân bón hữu cơ khoáng là phân bón trong thành phần chất chính gồm có chất hữu cơ và ít nhất 01 nguyên tố dinh dưỡng đa lượng;
đ) Phân bón cải tạo đất hữu cơ là phân bón có tác dụng cải thiện tính chất lý, hóa, sinh học của đất để tạo điều kiện thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng, phát triển, được sản xuất từ nguyên liệu chính là các chất hữu cơ tự nhiên (không bao gồm các chất hữu cơ tổng hợp);
e) Phân bón hữu cơ truyền thống là phân bón có nguồn gốc từ chất thải động vật, phụ phẩm cây trồng, các loại thực vật hoặc chất thải hữu cơ sinh hoạt khác được chế biến theo phương pháp ủ truyền thống.
5. Phân loại phân bón sinh học theo thành phần hoặc chức năng của chất chính trong phân bón
a) Phân bón sinh học là loại phân bón được sản xuất thông qua quá trình sinh học hoặc có nguồn gốc tự nhiên, trong thành phần có chứa một hoặc nhiều chất sinh học như axít humic, axít fulvic, axít amin, vitamin hoặc các chất sinh học khác;
b) Phân bón vi sinh vật là phân bón có chứa vi sinh vật có ích có khả năng tạo ra các chất dinh dưỡng hoặc chuyển hóa thành các chất dinh dưỡng trong đất mà cây trồng có thể sử dụng được hoặc các vi sinh vật đối kháng có tác dụng ức chế các vi sinh vật gây hại cây trồng;
c) Phân bón cải tạo đất sinh học là phân bón có tác dụng cải thiện tính chất lý, hóa, sinh học của đất để tạo điều kiện thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng, phát triển, được sản xuất thông qua quá trình sinh học hoặc có nguồn gốc tự nhiên, trong thành phần chứa một hoặc nhiều chất sinh học.
6. Phân bón có chất điều hòa sinh trưởng là một trong các loại phân bón quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5 Điều này được bổ sung một hoặc nhiều chất điều hòa sinh trưởng có tổng hàm lượng các chất điều hòa sinh trưởng nhỏ hơn 0,5% khối lượng.
7. Phân bón có chất tăng hiệu suất sử dụng là một trong các loại phân bón quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5 Điều này được phối trộn với chất làm tăng hiệu suất sử dụng.
8. Phân bón có khả năng tăng miễn dịch cây trồng là một trong các loại phân bón quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5 Điều này có chứa chất làm tăng miễn dịch của cây trồng đối với các điều kiện ngoại cảnh bất thuận hoặc với các loại sâu bệnh hại.
9. Phân loại phân bón theo phương thức sử dụng
a) Phân bón rễ là loại phân bón được sử dụng để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng thông qua bộ rễ;
b) Phân bón lá là loại phân bón được sử dụng để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng thông qua thân, lá.
Điều 5. Chính sách của Nhà nước về phân bón
1. Nhà nước có chính sách về tín dụng, thuế, quỹ đất cho việc nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ.
2. Khuyến khích áp dụng công nghệ tiên tiến cho việc sản xuất các loại phân bón thế hệ mới để nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng phân bón.
3. Đầu tư và xã hội hóa đầu tư nâng cao năng lực hoạt động thử nghiệm, chứng nhận sự phù hợp phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng phân bón.
4. Khuyến khích phát triển xã hội hóa các dịch vụ công trong lĩnh vực phân bón.
CÔNG NHẬN PHÂN BÓN VÀ KHẢO NGHIỆM PHÂN BÓN
Mục 1. CÔNG NHẬN PHÂN BÓN LƯU HÀNH TẠI VIỆT NAM
Điều 6. Nguyên tắc chung về công nhận phân bón lưu hành
1. Phân bón là sản phẩm, hàng hóa nhóm 2; kinh doanh có điều kiện được Cục Bảo vệ thực vật công nhận lưu hành tại Việt Nam.
2. Tổ chức, cá nhân trong nước hoặc nước ngoài (có văn phòng đại diện, công ty, chi nhánh công ty đang được phép hoạt động tại Việt Nam) được đứng tên đăng ký công nhận phân bón.
3. Mỗi tổ chức, cá nhân chỉ được đứng tên đăng ký công nhận 01 tên phân bón cho mỗi công thức thành phần, hàm lượng dinh dưỡng phân bón đăng ký.
1. Phân bón không được công nhận lưu hành
a) Có chứa các yếu tố gây hại vượt mức giới hạn tối đa theo quy định tại các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Tiêu chuẩn quốc gia hoặc theo quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này trong thời gian chưa có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Tiêu chuẩn quốc gia và các quy định khác có liên quan;
b) Có bằng chứng khoa học về phân bón có nguy cơ cao gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, môi trường;
c) Trùng tên với phân bón khác đã được công nhận lưu hành.
2. Phân bón bị hủy bỏ Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam
a) Có bằng chứng khoa học về phân bón có nguy cơ cao gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, môi trường;
b) Phát hiện sử dụng tài liệu giả hoặc cung cấp thông tin trong tài liệu không đúng với phân bón đề nghị công nhận lưu hành;
c) Phân bón đã được công nhận lưu hành nhưng hết thời gian lưu hành mà không công nhận lại.
Điều 8. Hình thức công nhận phân bón lưu hành
1. Công nhận lần đầu
a) Phân bón được nghiên cứu hoặc tạo ra trong nước;
b) Phân bón được nhập khẩu lần đầu vào Việt Nam;
c) Phân bón đã được công nhận lưu hành đăng ký thay đổi chỉ tiêu chất lượng.
2. Công nhận lại
a) Phân bón hết thời gian lưu hành;
b) Thay đổi thông tin tổ chức, cá nhân có phân bón đã được công nhận lưu hành; mất, hư hỏng Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam;
c) Chuyển nhượng tên phân bón;
đ) Thay đổi tên phân bón đã được công nhận lưu hành.
Các trường hợp công nhận lại quy định tại điểm b, c, d khoản 2 Điều này chỉ được thực hiện nếu không thay đổi chỉ tiêu chất lượng của phân bón.
Điều 9. Hồ sơ, trình tự, thủ tục công nhận lần đầu phân bón lưu hành tại Việt Nam
1. Nộp hồ sơ
Tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ theo một trong các hình thức trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc qua cổng thông tin điện tử.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, nếu hồ sơ không hợp lệ phải thông báo cho tổ chức, cá nhân để bổ sung hồ sơ.
2. Hồ sơ
a) Đơn đề nghị công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam theo Mẫu số 01 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản thông tin chung về phân bón do nhà sản xuất cung cấp bao gồm: loại phân bón, chỉ tiêu chất lượng chính, hàm lượng yếu tố hạn chế trong phân bón, công dụng, hướng dẫn sử dụng, thông tin chung về tình hình xuất khẩu, nhập khẩu phân bón;
c) Bản chính báo cáo kết quả khảo nghiệm phân bón theo Mẫu số 02 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này (trừ các loại phân bón quy định tại khoản 2 Điều 13 và phân bón có tên trong Danh mục quy định tại khoản 11 Điều 47 Nghị định này) hoặc kết quả của các công trình, đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp bộ, cấp tỉnh và có quyết định công nhận là tiến bộ kỹ thuật (đối với phân bón quy định tại điểm c khoản 2 Điều 13 Nghị định này);
d) Mẫu nhãn phân bón theo đúng quy định tại Điều 33, Điều 34 Nghị định này.
3. Thẩm định hồ sơ, công nhận phân bón lưu hành
Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Bảo vệ thực vật tổ chức thẩm định để đánh giá hồ sơ công nhận.
Nếu hồ sơ đáp ứng các quy định về phân bón thì Cục Bảo vệ thực vật ban hành Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam (sau đây gọi là Quyết định công nhận) theo Mẫu số 03 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; trường hợp không ban hành Quyết định công nhận phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
4. Thời hạn của Quyết định công nhận là 05 năm. Trước khi hết thời gian lưu hành 03 tháng, tổ chức, cá nhân có nhu cầu phải thực hiện công nhận lại theo quy định tại Điều 10 Nghị định này.
Điều 10. Hồ sơ, trình tự, thủ tục công nhận lại đối với trường hợp phân bón hết thời gian lưu hành
1. Nộp hồ sơ
Tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ theo một trong các hình thức trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc qua cổng thông tin điện tử.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, nếu hồ sơ không hợp lệ phải thông báo cho tổ chức, cá nhân để bổ sung hồ sơ.
2. Hồ sơ
a) Đơn đề nghị công nhận lại phân bón lưu hành tại Việt Nam theo Mẫu số 01 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản sao hợp lệ thông báo tiếp nhận công bố hợp quy;
c) Mẫu nhãn phân bón đang lưu thông theo đúng quy định tại Điều 33, Điều 34 Nghị định này,
3. Thẩm định hồ sơ, công nhận lại phân bón
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Bảo vệ thực vật thẩm định hồ sơ.
Nếu hồ sơ đáp ứng quy định thì Cục Bảo vệ thực vật ban hành Quyết định công nhận theo Mẫu số 03 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; trường hợp không ban hành Quyết định công nhận phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
1. Nộp hồ sơ
Tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ theo một trong các hình thức trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc qua cổng thông tin điện tử.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, nếu hồ sơ không hợp lệ phải thông báo cho tổ chức, cá nhân để bổ sung hồ sơ.
2. Hồ sơ
a) Đơn đề nghị công nhận lại phân bón lưu hành tại Việt Nam theo Mẫu số 01 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản chính Quyết định công nhận đã được cấp (trừ trường hợp bị mất, hư hỏng);
c) Bản sao hợp lệ văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về sở hữu trí tuệ hoặc của tòa án về việc vi phạm nhãn hiệu hàng hóa (trường hợp thay đổi tên phân bón; trừ trường hợp thay đổi tên phân bón quy định tại khoản 9 Điều 47 của Nghị định này);
d) Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới (trường hợp thay đổi thông tin tổ chức, cá nhân đăng ký);
đ) Bản chính hoặc bản sao hợp lệ hợp đồng hoặc thỏa thuận chuyển nhượng phân bón (trường hợp chuyển nhượng tên phân bón);
e) Mẫu nhãn phân bón theo đúng quy định tại Điều 33, Điều 34 Nghị định này.
3. Thẩm định hồ sơ, công nhận lại phân bón
a) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Bảo vệ thực vật thẩm định hồ sơ.
Nếu hồ sơ đáp ứng quy định thì Cục Bảo vệ thực vật ban hành Quyết định công nhận theo Mẫu số 03 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; trường hợp không ban hành Quyết định công nhận thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
b) Thời hạn của Quyết định công nhận phân bón lưu hành theo thời hạn của Quyết định đã cấp.
Điều 12. Quy trình hủy bỏ Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam
1. Đối với trường hợp phân bón quy định tại điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định này, Cục Bảo vệ thực vật tổng hợp thông tin đánh giá và xem xét hủy bỏ Quyết định công nhận phân bón lưu hành.
2. Đối với trường hợp phân bón quy định tại điểm b, c khoản 2 Điều 7 Nghị định này, Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra, rà soát hồ sơ, tài liệu công nhận phân bón để xem xét hủy bỏ Quyết định công nhận phân bón lưu hành.
3. Phân bón bị hủy bỏ Quyết định công nhận phân bón lưu hành quy định tại khoản 1 Điều này chỉ được sản xuất, nhập khẩu tối đa 06 tháng, được buôn bán, sử dụng tối đa 12 tháng kể từ ngày quyết định hủy bỏ có hiệu lực.
Điều 13. Nguyên tắc về khảo nghiệm phân bón
1. Phân bón phải khảo nghiệm trước khi được công nhận lưu hành trừ các loại phân bón quy định tại khoản 2 Điều này,
2. Các loại phân bón không phải khảo nghiệm:
a) Phân bón hữu cơ quy định tại các điểm a, e khoản 4 Điều 4 Nghị định này sử dụng bón rễ;
b) Phân bón đơn, phân bón phức hợp quy định tại các điểm a, b khoản 3 Điều 4 Nghị định này sử dụng bón rễ mà trong thành phần không bổ sung các chất tăng hiệu suất sử dụng, chất cải tạo đất, vi sinh vật, chất sinh học, chất điều hòa sinh trưởng hay các chất làm thay đổi tính chất, công dụng, hiệu quả sử dụng phân bón;
c) Phân bón là kết quả của các công trình, đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp bộ, cấp tỉnh được công nhận là tiến bộ kỹ thuật.
3. Phân bón phải khảo nghiệm cả diện rộng và diện hẹp; khảo nghiệm diện rộng chỉ được tiến hành sau khi kết thúc khảo nghiệm diện hẹp.
4. Việc khảo nghiệm phân bón phải thực hiện tại tổ chức được công nhận đủ điều kiện thực hiện khảo nghiệm.
5. Việc khảo nghiệm phân bón thực hiện theo Tiêu chuẩn quốc gia. Trong thời gian chưa có Tiêu chuẩn quốc gia tương ứng, việc khảo nghiệm thực hiện theo quy phạm khảo nghiệm phân bón tại Phụ lục II và báo cáo kết quả khảo nghiệm theo Mẫu số 02 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
6. Lượng phân bón được phép sản xuất, nhập khẩu để khảo nghiệm được xác định dựa trên liều lượng bón cho từng loại cây trồng và diện tích khảo nghiệm thực tế nhưng không được vượt quá lượng sử dụng cho 10 héc ta đối với khảo nghiệm cây trồng hàng năm và 20 héc ta đối với khảo nghiệm cây trồng lâu năm.
Điều 14. Hồ sơ đăng ký khảo nghiệm phân bón
1. Nộp hồ sơ
Tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ theo một trong các hình thức trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc qua Cổng thông tin điện tử.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, nếu hồ sơ không hợp lệ phải thông báo cho tổ chức, cá nhân đề bổ sung hồ sơ.
2. Hồ sơ
a) Đơn đăng ký khảo nghiệm phân bón theo Mẫu số 04 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Tài liệu kỹ thuật đối với phân bón đăng ký khảo nghiệm theo Mẫu số 05 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;
c) Đề cương khảo nghiệm phân bón theo Mẫu số 06 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Thẩm định hồ sơ đăng ký khảo nghiệm
Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Bảo vệ thực vật có trách nhiệm thành lập hội đồng thẩm định hồ sơ hoặc tiến hành soát xét, phê duyệt hồ sơ.
Nếu hồ sơ đáp ứng các quy định về phân bón thì Cục Bảo vệ thực vật ban hành văn bản cho phép khảo nghiệm theo Mẫu số 07 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; trường hợp không cho phép phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Điều 15. Điều kiện công nhận tổ chức thực hiện khảo nghiệm phân bón
1. Tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật.
2. Người trực tiếp phụ trách khảo nghiệm phải có trình độ đại học trở lên một trong các chuyên ngành về lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, nông học, hóa học, sinh học và có Giấy chứng nhận tập huấn khảo nghiệm phân bón.
3. Có ít nhất 05 người thực hiện khảo nghiệm chính thức của tổ chức (viên chức hoặc hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn) đáp ứng các điều kiện sau:
a) Có trình độ tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Có Giấy chứng nhận tập huấn khảo nghiệm phân bón.
4. Có đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác khảo nghiệm phân bón tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.
Điều 16. Hồ sơ, trình tự, thủ tục công nhận tổ chức đủ điều kiện thực hiện khảo nghiệm phân bón
1. Nộp hồ sơ
Tổ chức nộp 01 bộ hồ sơ theo một trong các hình thức trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc qua Cổng thông tin điện tử.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, nếu hồ sơ không hợp lệ phải thông báo cho tổ chức để bổ sung hồ sơ.
2. Hồ sơ
a) Đơn đề nghị công nhận tổ chức đủ điều kiện thực hiện khảo nghiệm phân bón theo Mẫu số 08 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản thuyết minh điều kiện thực hiện khảo nghiệm phân bón theo Mẫu số 09 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Thẩm định và công nhận tổ chức đủ điều kiện thực hiện khảo nghiệm phân bón
Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Bảo vệ thực vật tổ chức thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực tế.
Nếu hồ sơ, điều kiện đáp ứng quy định thì Cục Bảo vệ thực vật ban hành Quyết định công nhận tổ chức đủ điều kiện khảo nghiệm phân bón theo Mẫu số 10 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; trường hợp không công nhận thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Điều 17. Thu hồi Quyết định công nhận tổ chức đủ điều kiện thực hiện khảo nghiệm phân bón
1. Quyết định công nhận tổ chức đủ điều kiện thực hiện khảo nghiệm phân bón bị thu hồi một trong các trường hợp sau:
a) Không thực hiện trách nhiệm quy định tại khoản 2 Điều 44 Nghị định này trong 02 năm liên tiếp;
b) Giả mạo, cấp khống kết quả báo cáo khảo nghiệm phân bón;
c) Tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung quyết định đã được cấp.
2. Việc thu hồi quyết định quy định tại khoản 1 Điều này do Cục Bảo vệ thực vật thực hiện.
3. Tổ chức bị thu hồi quyết định công nhận chỉ được xem xét tiếp nhận hồ sơ công nhận tổ chức đủ điều kiện thực hiện khảo nghiệm phân bón sau 24 tháng kể từ ngày Cục Bảo vệ thực vật ban hành quyết định thu hồi.
MỤC 1. ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT BUÔN BÁN PHÂN BÓN
Điều 18. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
a) Tổ chức, cá nhân được thành lập theo quy định của pháp luật;
b) Có địa điểm sản xuất, diện tích nhà xưởng phù hợp với công suất của dây chuyền, máy móc thiết bị sản xuất phân bón;
c) Dây chuyền, máy móc thiết bị sản xuất từ khâu xử lý nguyên liệu đến sản phẩm cuối cùng đáp ứng quy trình công nghệ.
Các công đoạn, hệ thống bắt buộc phải sử dụng máy thiết bị được cơ giới hóa hoặc tự động hóa quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này.
Máy móc thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn và thiết bị đo lường thử nghiệm phải được kiểm định, hiệu chuẩn, hiệu chỉnh theo quy định của pháp luật;
d) Có khu vực chứa nguyên liệu và khu vực thành phẩm riêng biệt; có kệ hoặc bao lót để xếp đặt hàng;
đ) Có phòng thử nghiệm được công nhận hoặc có hợp đồng với tổ chức thử nghiệm được chỉ định để đánh giá các chỉ tiêu chất lượng phân bón do mình sản xuất;
e) Có hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với ISO 9001 hoặc tương đương, đối với cơ sở mới thành lập, muộn nhất sau 01 năm kể từ ngày thành lập;
g) Người trực tiếp quản lý, điều hành sản xuất có trình độ đại học trở lên một trong các chuyên ngành về lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, nông học, hóa học, sinh học.
2. Đối với các cơ sở chỉ hoạt động đóng gói phân bón thì không phải đáp ứng điều kiện quy định tại điểm đ, e khoản 1 Điều này.
Điều 19. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón
1. Tổ chức, cá nhân buôn bán phân bón phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
a) Tổ chức, cá nhân được đăng ký hoặc thành lập theo quy định của pháp luật;
b) Có cửa hàng buôn bán phân bón. Cửa hàng buôn bán phân bón phải có: Biển hiệu; sổ ghi chép việc mua, bán phân bón; bảng giá bán công khai từng loại phân bón niêm yết tại nơi dễ thấy, dễ đọc;
c) Có khu vực chứa phân bón; có kệ hoặc bao lót để xếp đặt hàng;
d) Người trực tiếp bán phân bón phải có Giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn về phân bón, trừ trường hợp đã có trình độ trung cấp trở lên một trong các chuyên ngành về lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, nông học, hóa học, sinh học.
2. Trường hợp cơ sở buôn bán phân bón không có cửa hàng phải có đăng ký doanh nghiệp; có địa điểm giao dịch cố định, hợp pháp; có sổ ghi chép việc mua, bán phân bón và đáp ứng quy định tại điểm d khoản 1 Điều này.
Điều 20. Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón
1. Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón theo Mẫu số 12 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Bản thuyết minh về điều kiện sản xuất phân bón theo Mẫu số 14 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Bản sao hợp lệ phiếu kiểm định, hiệu chuẩn, hiệu chỉnh đối với máy thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn và các thiết bị đo lường thử nghiệm.
4. Bản sao hợp lệ bằng tốt nghiệp đại học trở lên của người trực tiếp quản lý, điều hành sản xuất quy định tại điểm g khoản 1 Điều 18 Nghị định này.
5. Bản sao hợp lệ Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Quyết định phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết hoặc Giấy xác nhận đăng ký Kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc Cam kết bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành.
6. Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy hoặc phương án chữa cháy của cơ sở theo quy định hiện hành.
Điều 21. Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón
1. Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón theo Mẫu số 13 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Bản thuyết minh điều kiện buôn bán theo Mẫu số 15 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn về phân bón hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên của người trực tiếp buôn bán phân bón quy định tại điểm d khoản 1 Điều 19 Nghị định này.
1. Trường hợp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón hết hạn
Trước thời hạn 03 tháng kể từ ngày Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón hết hạn, tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón có nhu cầu tiếp tục sản xuất phân bón phải nộp hồ sơ đề nghị cấp lại theo quy định tại Điều 20 Nghị định này.
2. Trường hợp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón, Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón (sau đây gọi là Giấy chứng nhận) bị mất, hư hỏng, thay đổi nội dung thông tin ghi trên Giấy chứng nhận.
a) Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận theo Mẫu số 12 hoặc Mẫu số 13 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ sau:
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đã được sửa đổi (đối với trường hợp đề nghị điều chỉnh nội dung về đăng ký doanh nghiệp hoặc địa điểm hoặc thông tin liên quan đến tổ chức, cá nhân đăng ký);
Bản thuyết minh về điều kiện sản xuất phân bón theo Mẫu số 14 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này (đối với trường hợp đề nghị điều chỉnh về điều kiện hoạt động, công suất sản xuất);
Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam hoặc hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc chuyển giao phân bón từ tổ chức, cá nhân khác (đối với trường hợp đề nghị điều chỉnh bổ sung về loại phân bón sản xuất).
c) Bản chính Giấy chứng nhận đã được cấp (trừ trường hợp Giấy chứng nhận bị mất).
1. Nộp hồ sơ
Tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ theo một trong các hình thức trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc qua Cổng thông tin điện tử.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, nếu hồ sơ không hợp lệ phải thông báo cho tổ chức, cá nhân để bổ sung hồ sơ.
2. Thẩm định cấp, cấp lại Giấy chứng nhận
a) Trường hợp cấp Giấy chứng nhận, cấp lại khi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón hết hạn
Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và kết quả thẩm định đáp ứng theo quy định tại Điều 18 của Nghị định này, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và kết quả thẩm định đáp ứng theo quy định tại Điều 19 của Nghị định này, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón.
Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận tổ chức kiểm tra thực tế tại cơ sở sản xuất hoặc cơ sở buôn bán phân bón trước khi cấp Giấy chứng nhận, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón. Biên bản kiểm tra theo Mẫu số 18 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
b) Trường hợp cấp lại Giấy chứng nhận bị mất, hư hỏng, thay đổi nội dung thông tin ghi trên Giấy chứng nhận
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp lại Giấy chứng nhận.
Thời hạn của Giấy chứng nhận giữ nguyên thời hạn của Giấy chứng nhận đã cấp.
c) Trường hợp không cấp, cấp lại Giấy chứng nhận cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
1. Thời hạn Giấy chứng nhận
Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón có thời hạn 05 năm.
2. Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận
a) Cục Bảo vệ thực vật là cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón (trừ cơ sở chỉ hoạt động đóng gói phân bón) theo Mẫu số 16 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật là cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón đối với cơ sở chỉ hoạt động đóng gói phân bón theo Mẫu số 16 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này, Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón theo Mẫu số 17 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận tổng hợp, công bố trên Cổng thông tin điện tử danh sách các tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận.
1. Cơ sở sản xuất hoặc buôn bán phân bón bị thu hồi Giấy chứng nhận trong trường hợp sau đây:
a) Sử dụng tài liệu giả hoặc cung cấp thông tin trong tài liệu không đúng thực tế làm sai lệch bản chất của hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận;
b) Sửa chữa, tẩy xóa làm sai lệch nội dung ghi trong Giấy chứng nhận.
2. Việc thu hồi Giấy chứng nhận quy định tại khoản 1 Điều này do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận thực hiện.
3. Tổ chức, cá nhân bị thu hồi Giấy chứng nhận chỉ được xem xét tiếp nhận hồ sơ cấp Giấy chứng nhận sau 24 tháng kể từ ngày cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi.
Phân bón xuất khẩu phải bảo đảm phù hợp với quy định của nước nhập khẩu, hợp đồng, điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp với nước, vùng lãnh thổ liên quan.
1. Tổ chức, cá nhân có phân bón đã được công nhận lưu hành tại Việt Nam được nhập khẩu hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nhập khẩu thì không cần giấy phép nhập khẩu, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phân bón chưa được công nhận phải có Giấy phép nhập khẩu thuộc một trong các trường hợp dưới đây:
a) Phân bón để khảo nghiệm;
b) Phân bón chuyên dùng cho sân thể thao, khu vui chơi giải trí;
c) Phân bón chuyên dùng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để phục vụ cho sản xuất trong phạm vi của doanh nghiệp; sử dụng trong các dự án của nước ngoài tại Việt Nam;
d) Phân bón làm quà tặng; làm hàng mẫu;
đ) Phân bón tham gia hội chợ, triển lãm;
e) Phân bón nhập khẩu để sản xuất phân bón xuất khẩu;
g) Phân bón phục vụ nghiên cứu khoa học;
h) Phân bón làm nguyên liệu để sản xuất phân bón.
3. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phân bón ngoài các giấy tờ, tài liệu theo quy định về nhập khẩu hàng hóa thì phải nộp cho cơ quan Hải quan Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước chất lượng phân bón nhập khẩu đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 30 Nghị định này; Giấy phép nhập khẩu phân bón (nộp trực tiếp hoặc thông qua Hệ thống Một cửa quốc gia) đối với trường hợp quy định khoản 2 Điều này.
Trường hợp ủy quyền nhập khẩu thì tổ chức, cá nhân nhận ủy quyền phải xuất trình giấy ủy quyền của tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký cho tổ chức cá nhân nhập khẩu tại cơ quan Hải quan.
Điều 28. Hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp Giấy phép nhập khẩu phân bón
1. Hình thức nộp hồ sơ
Tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ theo một trong các hình thức trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc qua Cổng thông tin điện tử.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, nếu hồ sơ không hợp lệ phải thông báo cho tổ chức, cá nhân để bổ sung hồ sơ.
2. Hồ sơ:
a) Đơn đăng ký nhập khẩu phân bón theo Mẫu số 19 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản sao hợp lệ hoặc bản sao (mang theo bản chính để đối chiếu) một trong các giấy tờ sau: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy tờ chứng minh tư cách pháp nhân hoặc Giấy chứng nhận đầu tư (đối với trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) hoặc văn bản phê duyệt chương trình, dự án đầu tư của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (đối với trường hợp dự án của nước ngoài tại Việt Nam) hoặc văn bản phê duyệt chương trình, dự án được doanh nghiệp phê duyệt theo quy định pháp luật;
c) Tờ khai kỹ thuật theo Mẫu số 20 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;
d) Bản tiếng nước ngoài kèm theo bản dịch sang tiếng Việt có xác nhận của cơ quan dịch thuật hoặc của đơn vị đăng ký nhập khẩu về chỉ tiêu chất lượng, công dụng, hướng dẫn sử dụng, cảnh báo an toàn;
đ) Trường hợp nhập khẩu phân bón theo quy định tại điểm a, b, c, d khoản 2 Điều 27 của Nghị định này, ngoài các văn bản, tài liệu quy định tại điểm a, b, c, d khoản này, tổ chức, cá nhân phải nộp bản sao hợp lệ hoặc bản sao (mang theo bản chính để đối chiếu), kèm theo bản dịch ra tiếng Việt có xác nhận của cơ quan dịch thuật hoặc của đơn vị đăng ký nhập khẩu Giấy chứng nhận lưu hành tự do (Certificate of Free Sale - CFS) do nước xuất khẩu cấp hoặc Giấy xác nhận phù hợp quy chuẩn của nước xuất khẩu;
e) Trường hợp nhập khẩu phân bón theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 27 của Nghị định này, ngoài các văn bản, tài liệu quy định tại điểm a, b, c, d khoản này, tổ chức, cá nhân phải nộp Giấy xác nhận hoặc Giấy mời tham gia hội chợ, triển lãm tại Việt Nam;
g) Trường hợp nhập khẩu phân bón theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 27 của Nghị định này, ngoài các văn bản, tài liệu quy định tại điểm a, b khoản này, tổ chức, cá nhân phải nộp bản chính hoặc bản sao hợp lệ hợp đồng nhập khẩu, hợp đồng xuất khẩu hoặc hợp đồng gia công với đối tác nước ngoài;
h) Trường hợp nhập khẩu phân bón theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 27 của Nghị định này, ngoài các văn bản, tài liệu quy định tại điểm a, b, c, d khoản này, tổ chức, cá nhân phải nộp bản sao hợp lệ đề cương nghiên cứu về phân bón đề nghị nhập khẩu.
3. Thẩm định và thẩm quyền cấp Giấy phép nhập khẩu phân bón
Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Bảo vệ thực vật cấp Giấy phép nhập khẩu phân bón theo Mẫu số 21 tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị định này; trường hợp không cấp phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG, NHÃN, ĐẶT TÊN, QUẢNG CÁO, HỘI THẢO PHÂN BÓN
Điều 29. Quản lý chất lượng phân bón
1. Phân bón được quản lý chất lượng theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
2. Việc chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy về phân bón thực hiện theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
3. Căn cứ để chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy về phân bón là các chỉ tiêu chất lượng được quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Trường hợp chưa có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, việc quản lý chất lượng phân bón được thực hiện theo các chỉ tiêu chất lượng, phương pháp thử quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này cho đến khi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được ban hành và có hiệu lực.
4. Tổ chức đánh giá sự phù hợp có nhu cầu tham gia hoạt động thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận chất lượng đối với phân bón phải được chứng nhận lĩnh vực hoạt động theo quy định của Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định theo quy định của Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa và văn bản liên quan.
Điều 30. Kiểm tra nhà nước về chất lượng phân bón nhập khẩu
1. Phân bón nhập khẩu phải được kiểm tra nhà nước về chất lượng trừ trường hợp phân bón nhập khẩu quy định tại điểm a, b, c, d, đ, e, g khoản 2 Điều 27 Nghị định này; phân bón tạm nhập tái xuất, phân bón quá cảnh, chuyển khẩu; phân bón gửi kho ngoại quan; doanh nghiệp chế xuất nhập khẩu phân bón nội địa vào khu chế xuất.
2. Cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng phân bón nhập khẩu là Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
3. Lô phân bón nhập khẩu chỉ được hoàn thành thủ tục hải quan khi có thông báo kết quả kiểm tra nhà nước của cơ quan quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Phân bón được phép đưa về kho bảo quản trước khi có kết quả kiểm tra và thực hiện theo quy định về thủ tục kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
5. Hồ sơ kiểm tra nhà nước về chất lượng phân bón nhập khẩu phải được lưu trong thời hạn 05 năm kể từ ngày ban hành thông báo kết quả kiểm tra nhà nước.
Điều 31. Hồ sơ, trình tự kiểm tra nhà nước về chất lượng phân bón nhập khẩu
1. Nộp hồ sơ
Tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ theo một trong các hình thức trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc qua Cổng thông tin điện tử.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, nếu hồ sơ không hợp lệ phải thông báo cho tổ chức, cá nhân để bổ sung hồ sơ.
2. Hồ sơ
a) Giấy đăng ký kiểm tra nhà nước chất lượng phân bón nhập khẩu theo Mẫu số 22 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
b) Bản sao các giấy tờ sau: Hợp đồng mua bán; danh mục hàng hóa kèm theo: Ghi rõ số lượng đăng ký, mã hiệu của từng lô hàng; hóa đơn hàng hóa; vận đơn (đối với trường hợp hàng hóa nhập theo đường không, đường biển hoặc đường sắt).
3. Trình tự kiểm tra và lấy mẫu
a) Cơ quan kiểm tra nhà nước kiểm tra tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này trong thời gian 01 ngày làm việc.
Trường hợp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan kiểm tra nhà nước tiến hành lấy mẫu theo quy định.
Trường hợp hồ sơ không đầy đủ và hợp lệ, cơ quan kiểm tra nhà nước trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
b) Lấy mẫu kiểm tra chất lượng
Kiểm tra thực tế sự phù hợp của lô phân bón tại địa điểm lấy mẫu so với tài liệu trong hồ sơ đăng ký. Trường hợp phù hợp, tiến hành lấy mẫu phân bón. Mẫu phân bón sau khi lấy phải được niêm phong và lập Biên bản lấy mẫu kiểm tra nhà nước chất lượng phân bón nhập khẩu theo Mẫu số 23 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
c) Thông báo kết quả kiểm tra
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi lấy mẫu kiểm tra, cơ quan kiểm tra nhà nước thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng phân bón nhập khẩu cho tổ chức, cá nhân theo Mẫu số 24 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
Điều 32. Lấy mẫu thử nghiệm phân bón
1. Lấy mẫu phân bón
a) Việc lấy mẫu phân bón để thử nghiệm chất lượng phục vụ quản lý nhà nước phải do người lấy mẫu có Giấy chứng nhận tập huấn lấy mẫu phân bón thực hiện;
b) Phương pháp lấy mẫu áp dụng theo Tiêu chuẩn quốc gia về lấy mẫu phân bón;
c) Đối với loại phân bón chưa có Tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp lấy mẫu thì tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu phân bón phải tự công bố phương pháp lấy mẫu đối với phân bón loại này.
2. Thử nghiệm phân bón
Việc thử nghiệm chất lượng phân bón phục vụ quản lý nhà nước trong sản xuất, lưu thông trên thị trường phải do phòng thử nghiệm được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chỉ định.
1. Tên phân bón khi đăng ký không được trùng với tên phân bón đã được công nhận lưu hành tại Việt Nam.
2. Tên phân bón không làm hiểu sai lệch về bản chất, công dụng, thành phần và loại phân bón.
3. Tên phân bón không được vi phạm thuần phong mỹ tục truyền thống của Việt Nam; không trùng cách đọc hoặc cách viết với tên của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân, các loại thực phẩm, đồ uống, dược phẩm.
4. Trường hợp tên thành phần phân bón sử dụng làm tên phân bón đăng ký trùng với tên phân bón đã được công nhận lưu hành phải bổ sung thêm các ký hiệu riêng để không trùng với tên phân bón đã được công nhận.
5. Đối với tên phân bón hỗn hợp, các nội dung trong tên phân bón đặt theo thứ tự: Tên loại phân bón, thành phần, ký hiệu riêng, chữ số định lượng thành phần có trong tên, ký hiệu riêng khác (nếu có).
Các thành phần và chữ số định lượng thành phần theo thứ tự: Nguyên tố dinh dưỡng đa lượng đạm (N), lân (P), kali (K), nguyên tố dinh dưỡng trung lượng, nguyên tố dinh dưỡng vi lượng, chất hữu cơ, chất bổ sung khác (nếu có).
1. Phân bón lưu thông trong nước, phân bón nhập khẩu phải ghi nhãn theo đúng quy định của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa.
2. Nhãn phân bón ngoài nội dung bắt buộc theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa thì phải ghi thêm loại phân bón và số quyết định công nhận phân bón, đối với phân bón lá phải ghi rõ cụm từ “phân bón lá”.
3. Nội dung ghi trên nhãn đúng với nội dung Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam.
Mục 3. QUẢNG CÁO, HỘI THẢO PHÂN BÓN
1. Tổ chức, cá nhân quảng cáo phân bón phải thực hiện theo quy định của pháp luật về quảng cáo phân bón và được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều này xác nhận nội dung quảng cáo.
2. Nộp hồ sơ
Tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ theo một trong các hình thức trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, nếu hồ sơ không hợp lệ phải thông báo cho tổ chức, cá nhân để bổ sung hồ sơ.
3. Hồ sơ đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo phân bón:
a) Đơn đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo về phân bón theo Mẫu số 25 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản sao hợp lệ bản công bố hợp quy hoặc Quyết định công nhận phân bón lưu hành;
c) Bản sao Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất đối với trường hợp quảng cáo loại phân bón do tổ chức, cá nhân sản xuất;
d) 02 kịch bản quảng cáo và 01 đĩa CD ghi âm, ghi hình hoặc bản thiết kế phù hợp với loại hình và phương thức quảng cáo.
4. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ về yêu cầu xác nhận nội dung quảng cáo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có văn bản xác nhận nội dung quảng cáo theo Mẫu số 26 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này cho tổ chức, cá nhân. Trường hợp không đồng ý phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
1. Giấy tờ, tài liệu đăng ký tổ chức hội thảo
a) Văn bản đăng ký tổ chức hội thảo gồm: Chương trình (ghi rõ nội dung báo cáo); thời gian (ngày/tháng/năm); địa điểm tổ chức (địa chỉ cụ thể); nội dung bài báo cáo và tài liệu phát cho người dự, nội dung mô tả chung về phân bón giới thiệu như nguồn gốc, xuất xứ, đặc điểm, tính năng, công dụng; bảng kê tên, chức danh, trình độ chuyên môn của báo cáo viên;
b) Bản sao hợp lệ bản công bố hợp quy hoặc Quyết định công nhận phân bón lưu hành;
c) Bản sao Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất đối với trường hợp giới thiệu loại phân bón sản xuất trong nước.
2. Tổ chức, cá nhân đăng ký hội thảo gửi các giấy tờ, tài liệu quy định tại khoản 1 Điều này đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước khi tổ chức hội thảo ít nhất 01 ngày để theo dõi, kiểm tra, giám sát.
3. Trường hợp tổ chức, cá nhân đăng ký hội thảo lần thứ hai trở lên mà nội dung hội thảo không thay đổi thì có văn bản đăng ký tổ chức hội thảo nêu rõ thời gian, địa điểm tổ chức, không phải nộp các giấy tờ theo quy định tại khoản I Điều này. Trường hợp có thay đổi về nội dung hội thảo thì nộp văn bản, giấy tờ quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều này.
TẬP HUẤN VỀ KHẢO NGHIỆM, LẤY MẪU, SỬ DỤNG PHÂN BÓN; BỒI DƯỠNG CHUYÊN MÔN VỀ PHÂN BÓN
Điều 37. Tập huấn khảo nghiệm phân bón
1. Nội dung tập huấn khảo nghiệm phân bón
a) Các quy định của pháp luật hiện hành về phân bón;
b) An toàn trong bảo quản và sử dụng phân bón;
c) Quy phạm khảo nghiệm phân bón;
d) Thực hành khảo nghiệm;
đ) Lưu giữ số liệu, báo cáo kết quả khảo nghiệm.
2. Thời gian tập huấn: 10 ngày
Căn cứ kết quả kiểm tra sau khi tập huấn, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận tập huấn khảo nghiệm phân bón theo Mẫu số 27 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Đăng ký, tổ chức tập huấn khảo nghiệm phân bón
Tổ chức, cá nhân có nhu cầu tập huấn khảo nghiệm phân bón đăng ký danh sách người tham gia trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
4. Tài liệu, chương trình tập huấn do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền biên soạn, ban hành và cập nhật hàng năm để thống nhất thực hiện trên toàn quốc.
Điều 38. Tập huấn lấy mẫu phân bón
1. Nội dung tập huấn người lấy mẫu
a) Các quy định của pháp luật hiện hành về phân bón;
b) Phương pháp lấy mẫu phân bón theo Tiêu chuẩn quốc gia;
c) Thực hành lấy mẫu phân bón.
2. Thời gian tập huấn: 05 ngày
Căn cứ kết quả kiểm tra sau khi tập huấn, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận tập huấn lấy mẫu phân bón theo Mẫu số 28 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu tập huấn lấy mẫu phân bón đăng ký danh sách người tham gia trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Tài liệu, chương trình tập huấn do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền biên soạn, ban hành và cập nhật hàng năm để thống nhất thực hiện trên toàn quốc.
Điều 39. Bồi dưỡng chuyên môn về phân bón
1. Nội dung bồi dưỡng chuyên môn về phân bón bao gồm:
a) Các quy định của pháp luật hiện hành về phân bón;
b) Dinh dưỡng cây trồng, thổ nhưỡng, hóa học đất, vật lý đất, đất và phân bón;
c) Phân bón và cách bón phân, hướng dẫn sử dụng phân bón;
d) Thực hành, tham quan thực tế.
2. Thời gian bồi dưỡng chuyên môn về phần bón: 03 ngày
Căn cứ kết quả kiểm tra sau khi tập huấn, đơn vị có trách nhiệm tập huấn cấp Giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn về phân bón theo Mẫu số 29 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu bồi dưỡng chuyên môn về phân bón đăng ký danh sách người tham gia trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến với đơn vị có trách nhiệm tập huấn.
Điều 40. Nội dung tập huấn sử dụng phân bón
1. Hướng dẫn sử dụng phân bón hiệu quả.
2. Cách đọc nhãn phân bón.
3. Bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm.
4. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng phân bón.
Điều 41. Trách nhiệm tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn về phân bón
1. Cục Bảo vệ thực vật xây dựng chương trình, biên soạn bộ tài liệu tập huấn khảo nghiệm, lấy mẫu phân bón, bồi dưỡng chuyên môn về phân bón và cập nhật hàng năm để thống nhất thực hiện trên toàn quốc; chủ trì, phối hợp với các trường, viện tổ chức tập huấn khảo nghiệm, lấy mẫu phân bón.
2. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật xây dựng bộ tài liệu tập huấn sử dụng phân bón theo đúng nội dung chương trình quy định tại Điều 40 của Nghị định này; chủ trì, phối hợp với các hiệp hội, hội về phân bón, doanh nghiệp tổ chức bồi dưỡng chuyên môn về phân bón; tập huấn sử dụng phân bón.
3. Các hiệp hội, hội, cơ sở sản xuất về phân bón chủ động tham gia phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước tuyên truyền, tập huấn chuyên môn cho người trực tiếp sản xuất, buôn bán và sử dụng phân bón.
TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN HOẠT ĐỘNG TRONG LĨNH VỰC PHÂN BÓN
Điều 42. Trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về phân bón.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phân bón như sau:
a) Trình Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý phân bón, các chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch và chính sách phát triển phân bón; xuất khẩu, nhập khẩu phân bón;
b) Xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về phân bón và xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cho sản phẩm phân bón;
c) Quản lý đăng ký, khảo nghiệm, sản xuất, buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu, quản lý chất lượng, ghi nhãn, quảng cáo và sử dụng phân bón ở Việt Nam;
d) Tổ chức nghiên cứu, thu thập và quản lý các thông tin, tư liệu về sản xuất, buôn bán phân bón; hợp tác quốc tế về lĩnh vực phân bón được phân công quản lý;
đ) Tập huấn, bồi dưỡng, tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về phân bón;
e) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về quản lý phân bón;
g) Xây dựng hệ thống phòng thử nghiệm đủ năng lực phục vụ quản lý nhà nước về phân bón;
h) Tổng hợp và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Cục Bảo vệ thực vật danh sách phân bón đã được công nhận lưu hành tại Việt Nam;
i) Phân công Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chuyên ngành thực hiện quản lý nhà nước về phân bón theo quy định pháp luật.
3. Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng các chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch và chính sách đối với sản xuất phân bón vô cơ; chỉ đạo các cơ quan quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động buôn bán phân bón trên địa bàn.
4. Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và công bố tiêu chuẩn quốc gia về phân bón, thẩm định quy chuẩn kỹ thuật về phân bón; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương trong việc tổ chức nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật và quản lý chất lượng phân bón, quản lý sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực phân bón.
5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng các chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách về sản xuất, buôn bán phân bón.
6. Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng các chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường trong sản xuất, buôn bán, quản lý chất lượng và sử dụng phân bón.
7. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
a) Chỉ đạo cơ quan chuyên môn, cơ quan có chức năng, nhiệm vụ trong kiểm tra, kiểm soát chất lượng phân bón thuộc địa bàn quản lý. Chịu trách nhiệm về tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng xảy ra trên địa bàn;
b) Ban hành các chính sách hỗ trợ sản xuất, buôn bán và sử dụng phân bón thuộc địa bàn quản lý;
c) Chỉ đạo hướng dẫn sử dụng phân bón hiệu quả, không gây ô nhiễm môi trường;
d) Tuyên truyền, phổ biến và tổ chức hướng dẫn pháp luật, cung cấp thông tin về chất lượng phân bón, hướng dẫn cách nhận biết phân bón giả, phân bón không bảo đảm chất lượng;
đ) Thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất các tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán phân bón thuộc địa bàn quản lý theo quy định tại Nghị định này; xử lý các vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón theo quy định của pháp luật.
8. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp tỉnh
a) Trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ sản xuất, buôn bán phân bón thuộc địa bàn quản lý;
b) Theo dõi, kiểm tra, giám sát việc công bố hợp quy phân bón của các tổ chức, cá nhân; kiểm tra việc thực hiện khảo nghiệm phân bón tại địa phương; tổng hợp danh sách các tổ chức, cá nhân đã đăng ký công bố hợp quy xác nhận nội dung quảng cáo phân bón;
c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến và tổ chức hướng dẫn pháp luật, cung cấp thông tin về chất lượng phân bón cho tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán và người tiêu dùng;
d) Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón thuộc địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật. Định kỳ kiểm tra điều kiện buôn bán phân bón thuộc địa bàn quản lý theo quy định tại Nghị định này. Tham gia phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ ngành có liên quan trong kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm hoạt động sản xuất, buôn bán phân bón thuộc địa bàn quản lý;
đ) Phân công Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chuyên ngành thực hiện quản lý nhà nước về phân bón tại địa phương theo quy định pháp luật.
Điều 43. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu phân bón
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón
a) Đáp ứng các điều kiện về sản xuất phân bón quy định tại Điều 18 Nghị định này và chỉ được sản xuất phân bón sau khi được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón;
b) Thực hiện đúng nội dung của Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón, các quy định về sản xuất phân bón;
c) Thử nghiệm, lưu kết quả thử nghiệm đối với từng lô phân bón thành phẩm trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường. Lưu kết quả thử nghiệm 02 năm và lưu, bảo quản các mẫu lưu 06 tháng kể từ khi lấy mẫu;
d) Thu hồi, xử lý phân bón không bảo đảm chất lượng và bồi thường thiệt hại gây ra cho người bị hại theo quy định của phát luật;
đ) Báo cáo tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu phân bón với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trước ngày 30 tháng 11 định kỳ hàng năm theo Mẫu số 30 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này hoặc đột xuất khi có yêu cầu;
e) Chấp hành sự kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; chấp hành các quy định của pháp luật có liên quan về sản xuất phân bón;
g) Quảng cáo, thông tin về thành phần, hàm lượng, công dụng, cách sử dụng phân bón đúng với bản chất của phân bón, đúng với quy định của pháp luật;
h) Tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng phân bón; bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn cho người lao động trực tiếp sản xuất phân bón;
i) Phân bón được sản xuất phải có nguồn gốc rõ ràng;
k) Chấp hành quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy, hóa chất, lao động, môi trường.
2. Tổ chức, cá nhân buôn bán phân bón
a) Đáp ứng các điều kiện về buôn bán phân bón quy định tại Điều 19 Nghị định này và chỉ được buôn bán phân bón sau khi được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón;
b) Phân bón phải được xếp đặt riêng, không để lẫn với các loại hàng hóa khác, phải được bảo quản ở nơi khô ráo;
c) Quảng cáo thông tin về thành phần, hàm lượng, công dụng, cách sử dụng phân bón đúng với bản chất của phân bón, đúng với quy định của pháp luật;
d) Kiểm tra nguồn gốc phân bón, nhãn phân bón, dấu hợp chuẩn, hợp quy và các tài liệu liên quan đến chất lượng phân bón;
đ) Chấp hành sự kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong việc thực hiện các điều kiện về buôn bán phân bón theo quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật có liên quan.
e) Lưu giữ chứng từ hợp pháp chứng minh rõ nguồn gốc nơi sản xuất, nơi nhập khẩu hoặc nơi cung cấp loại phân bón;
g) Phân bón buôn bán phải có nhãn hàng hóa theo quy định hiện hành;
h) Xử lý phân bón không bảo đảm chất lượng, phân bón giả và bồi thường thiệt hại gây ra cho người bị hại theo quy định của pháp luật trong trường hợp không xác định được cơ sở sản xuất;
i) Chấp hành quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy, hóa chất, lao động, môi trường.
3. Tổ chức, cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu phân bón
a) Thực hiện quy định về xuất khẩu, nhập khẩu phân bón tại Điều 26, Điều 27 Nghị định này;
b) Tuân thủ các quy định về chất lượng phân bón theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa;
c) Chấp hành sự kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; chấp hành các quy định về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa theo quy định của pháp luật có liên quan.
Điều 44. Trách nhiệm của tổ chức thực hiện khảo nghiệm phân bón
1. Khảo nghiệm phân bón phải khách quan, chính xác.
2. Tuân thủ đúng tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật và các yêu cầu khảo nghiệm.
3. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả khảo nghiệm.
4. Lưu giữ toàn bộ nhật ký đồng ruộng, số liệu thô, báo cáo kết quả khảo nghiệm tối thiểu 05 năm kể từ ngày kết thúc khảo nghiệm.
5. Chịu sự kiểm tra, giám sát hoạt động khảo nghiệm của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
6. Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
7. Báo cáo kết quả khảo nghiệm theo Mẫu số 02 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
8. Trước khi tiến hành khảo nghiệm phải gửi đề cương khảo nghiệm phân bón cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nơi khảo nghiệm để có căn cứ kiểm tra việc thực hiện khảo nghiệm phân bón.
9. Báo cáo kết quả hoạt động của tổ chức khảo nghiệm phân bón với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trước ngày 30 tháng 11 định kỳ hàng năm theo Mẫu số 11 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này hoặc đột xuất theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Điều 45. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng phân bón
1. Tổ chức, cá nhân sử dụng phân bón có quyền sau đây:
a) Được cung cấp thông tin và hướng dẫn sử dụng phân bón hiệu quả;
b) Yêu cầu cơ sở buôn bán phân bón hướng dẫn sử dụng phân bón theo đúng nội dung của nhãn;
c) Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức, cá nhân sử dụng phân bón có nghĩa vụ sau đây:
a) Sử dụng phân bón đã được công nhận lưu hành theo đúng hướng dẫn ghi trên nhãn;
b) Sử dụng phân bón bảo đảm hiệu quả, an toàn cho người, an toàn thực phẩm theo nguyên tắc: Đúng chân đất, đúng loại cây, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng cách bón.
Điều 46. Trách nhiệm của người lấy mẫu
1. Thực hiện lấy mẫu theo đúng quy định, bảo đảm khách quan.
2. Bảo mật các thông tin, số liệu liên quan đến việc lấy mẫu trừ trường hợp cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu báo cáo.
3. Tham gia tập huấn về lấy mẫu phân bón.
4. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động lấy mẫu phân bón.
1. Phân bón có tên trong thông báo tiếp nhận hợp quy của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Sở Công Thương được tiếp tục sản xuất, buôn bán và sử dụng trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành. Trong thời hạn nêu trên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, ban hành Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam mà không phải thực hiện thủ tục công nhận theo quy định tại Nghị định này.
2. Phân bón có tên trong Giấy phép sản xuất phân bón nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy, phân bón hoàn thành khảo nghiệm và nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép sản xuất phân bón trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, ban hành Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam mà không phải thực hiện thủ tục công nhận theo quy định tại Nghị định này.
3. Giấy phép sản xuất phân bón được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp tiếp tục có hiệu lực thi hành 05 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
4. Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép sản xuất phân bón nếu có đề nghị cấp đổi hoặc cấp lại Giấy phép sẽ được xem xét cấp đổi hoặc cấp lại theo tên gọi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định này.
5. Đối với hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép sản xuất phân bón đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương tiếp nhận nhưng chưa cấp Giấy phép trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành sẽ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón theo quy định của Nghị định này.
6. Hàm lượng được chấp nhận giữa kết quả thử nghiệm chỉ tiêu chất lượng so với hàm lượng chỉ tiêu chất lượng công bố của phân bón quy định tại khoản 1, 2, 10, 11 Điều này thực hiện theo quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này cho đến khi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được ban hành và có hiệu lực.
7. Tổ chức, cá nhân đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép thuê sản xuất phân bón vô cơ được tiếp tục thực hiện trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
8. Tổ chức, cá nhân đang hoạt động buôn bán phân bón trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
9. Phân bón quy định tại khoản 1, 2, 11 Điều này nếu có tên không đúng quy định tại khoản 3 Điều 6, Điều 33 Nghị định này thì phải đổi tên trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
10. Phân bón đang thực hiện khảo nghiệm trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành và có chỉ tiêu chất lượng đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này trong thời gian chưa có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thì trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành được sử dụng kết quả khảo nghiệm để xem xét, công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam.
11. Phân bón có tên trong Danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành từ ngày 09 tháng 8 năm 2008 đến ngày 27 tháng 11 năm 2013, phân bón hoàn thành khảo nghiệm (trừ phân bón hoàn thành khảo nghiệm quy định tại khoản 2 Điều này) được xem xét, công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam quy định tại Điều 9 Nghị định này trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
12. Phân bón quy định tại khoản 11 Điều này được nhập khẩu không cần Giấy phép nhập khẩu trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành. Căn cứ để kiểm tra nhà nước chất lượng phân bón nhập khẩu và công bố hợp quy là các chỉ tiêu chất lượng công bố trong danh mục hoặc trong Giấy phép nhập khẩu phân bón để khảo nghiệm.
13. Chứng chỉ đào tạo người lấy mẫu được cấp trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành có giá trị tương đương Giấy chứng nhận tập huấn lấy mẫu phân bón theo quy định của Nghị định này.
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành.
2. Nghị định này thay thế Nghị định số 202/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về quản lý phân bón; bãi bỏ các quy định tại Chương IV Nghị định số 77/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện đầu tư buôn bán trong lĩnh vực mua bán hàng hóa quốc tế, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, phân bón, buôn bán khí, buôn bán thực phẩm thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương;
Bãi bỏ Thông tư số 41/2014/TT-BNNPTNT ngày 13 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số điều của Nghị định số 202/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về quản lý phân bón thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thông tư số 29/2014/TT-BCT ngày 30 tháng 9 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện một số điều về phân bón vô cơ, hướng dẫn việc cấp phép sản xuất vô cơ đồng thời sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác của Nghị định số 202/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về quản lý phân bón; Điều 27, Điều 28 và Phụ lục mẫu số 05/TT, mẫu số 06/TT Thông tư số 04/2015/TT-BNNPTNT ngày 12 tháng 02 năm 2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý, mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; Điều 15 Thông tư số 11/2017/TT-BNNPTNT ngày 29 tháng 5 năm 2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
1. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
| TM. CHÍNH PHỦ |
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|
- 1Decree No. 202/2013/ND-CP dated November 27, 2013, on fertilizer management
- 2Circular No.41/2014/TT-BNNPTNT dated 13 November, 2014, providing guidance Decree No.202/2013/ND-CP of the management of fertilizer under the state management responsibility
- 3Circular No. 29/2014/TT-BCT dated September 30, 2014, detailing and providing guidance on the implementation of a number of articles of inorganic fertilizers, providing guidance on licensing to manufacture inorganic fertilizers, organic fertilizers and other fertilizers in Decree No. 202/2013/ND-CP on fertilizer management
- 4Circular No. 04/2015/TT-BNNPTNT dated February 12, 2015, on guidelines for the Decree No. 187/2013/ND-CP on guidance on the Law on commerce on international trade in goods and commercial agency, trading, processing and transit of goods with foreign countries in the agriculture, forestry and aquaculture fields
- 5Decree No. 77/2016/ND-CP dated July 01, 2016,
- 6Circular No. 11/2017/TT-BNNPTNT dated May 29, 2017
- 7Decree No. 84/2019/ND-CP dated November 14, 2019 on fertilizer management
- 8Integrated document No. 18/VBHN-BCT dated March 13, 2020 Decree amendments to regulations on investment and business conditions in international trade in goods, chemicals, industrial explosives, fertilizers, gas business and food business under the state management of the Ministry of Industry and Trade
- 9Integrated document No. 18/VBHN-BCT dated March 13, 2020 Decree amendments to regulations on investment and business conditions in international trade in goods, chemicals, industrial explosives, fertilizers, gas business and food business under the state management of the Ministry of Industry and Trade
- 1Decree No. 43/2017/ND-CP dated April 14th, 2017, on good labels
- 2Law No. 03/2016/QH14 dated November 22, 2016, on amendment and supplement to Article 6 and Annex 4 on the list of conditional business lines stipulated in the Law on Investment
- 3Law No. 76/2015/QH13 dated June 19, 2015, Organizing The Government
- 4Law No. 67/2014/QH13 dated November 26, 2014, on investment
- 5Law No. 68/2014/QH13 dated November 26, 2014, on enterprises
- 6Law No. 05/2007/QH12 of November 21, 2007, on product and goods quality.
- 7Law No. 68/2006/QH11 of June 29, 2006 on standards and technical regulations