Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 100/2021/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 2021

 

NGHỊ ĐỊNH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 95/2016/NĐ-CP NGÀY 01 THÁNG 7 NĂM 2016 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC THỐNG KÊ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Luật Thống kê ngày 23 tháng 11 năm 2015;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

 

Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê như sau:

1. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 2 như sau:

a) Bổ sung khoản 4a vào sau khoản 4 như sau:

“4a. Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này bao gồm:

a) Cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước về thống kê được giao;

b) Đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân;

c) Đơn vị sự nghiệp;

d) Cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam;

đ) Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp;

e) Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp gồm: Doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và các đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp (chi nhánh, văn phòng đại diện);

g) Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật Hợp tác xã gồm: Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

h) Các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật.”.

b) Bổ sung khoản 4b vào sau khoản 4a như sau:

“4b. Hộ kinh doanh, hộ gia đình thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này bị xử phạt như đối với cá nhân vi phạm.”.

c) Sửa đổi khoản 7 như sau:

“7. Không áp dụng quy định tại Điều 13 của Nghị định này để xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ quan báo chí, nhà xuất bản.

Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ quan báo chí, nhà xuất bản được thực hiện theo quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.”.

2. Bổ sung Điều 3a vào sau Điều 3 như sau:

“Điều 3a. Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính

1. Các hành vi vi phạm hành chính được xác định đang thực hiện là các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và điểm c, d khoản 5 Điều 5; khoản 5 Điều 7 của Nghị định này.

2. Thời điểm chấm dứt của hành vi vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này được xác định như sau:

a) Đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại điểm a, c khoản 2, khoản 3, 4 Điều 5 của Nghị định này, thời điểm chấm dứt là thời điểm cá nhân, tổ chức hoàn thành việc nộp phiếu, biểu điều tra thống kê;

b) Đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều 6; Điều 8; khoản 1 Điều 9; khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 10 của Nghị định này, thời điểm chấm dứt là thời điểm cá nhân, tổ chức hoàn thành việc nộp báo cáo thống kê;

c) Đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều 11 của Nghị định này, thời điểm chấm dứt là thời điểm cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu thống kê của các chỉ tiêu thống kê, thông tin thống kê chưa được công bố;

d) Đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 2 Điều 11 của Nghị định này, thời điểm chấm dứt là thời điểm cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi sử dụng cơ sở dữ liệu hành chính không vì mục đích thống kê, cung cấp dữ liệu hành chính cho bên thứ ba khi không được sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền quản lý cơ sở dữ liệu;

đ) Đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều 12 của Nghị định này, thời điểm chấm dứt là thời điểm cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội hoặc các ấn phẩm đối với dữ liệu, thông tin trong cơ sở dữ liệu thống kê của thông tin thống kê nhà nước không thuộc danh mục bí mật nhà nước chưa được công bố theo quy định;

e) Đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 2 Điều 12 của Nghị định này, thời điểm chấm dứt là thời điểm cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội hoặc các ấn phẩm đối với thông tin thống kê sai sự thật;

g) Đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 1, 1a Điều 13 của Nghị định này, thời điểm chấm dứt là thời điểm cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi phổ biến, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các ấn phẩm;

h) Đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 13 của Nghị định này, thời điểm chấm dứt là thời điểm cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các ấn phẩm đối với các thông tin thống kê do cá nhân, tổ chức làm sai lệch thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, bộ, ngành, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đã được cơ quan có thẩm quyền công bố;

i) Đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại điểm b khoản 2 Điều 14 của Nghị định này, thời điểm chấm dứt là thời điểm cá nhân, tổ chức để thất lạc phiếu, biểu điều tra, báo cáo thống kê có chứa thông tin thống kê.

k) Đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 15 của Nghị định này, thời điểm chấm dứt là thời điểm cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi tiết lộ thông tin thống kê trong phiếu, biểu điều tra thống kê, báo cáo thống kê và dữ liệu hành chính, dữ liệu thống kê gắn với tên, địa chỉ cụ thể của từng cá nhân, tổ chức khi chưa được sự đồng ý của cá nhân, tổ chức đó.

3. Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính.”.

3. Bổ sung Điều 3b vào sau Điều 3a như sau:

“Điều 3b. Vi phạm hành chính nhiều lần

Trường hợp đối tượng vi phạm thực hiện hành vi vi phạm hành chính nhiều lần đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này thì bị xử phạt về một hành vi vi phạm hành chính và áp dụng tình tiết tăng nặng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7 và Điều 8 của Nghị định này.

4. Bổ sung Điều 3c vào sau Điều 3b như sau:

“Điều 3c. Thời hạn thi hành biện pháp khắc phục hậu quả

1. Đối với biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1, 4, 5, 6 Điều 3 của Nghị định này, thời hạn thi hành biện pháp khắc phục hậu quả là 10 ngày làm việc, kể từ ngày cá nhân, tổ chức nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

2. Đối với biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 2, 3 Điều 3 của Nghị định này, thời hạn thi hành biện pháp khắc phục hậu quả là 30 ngày làm việc, kể từ ngày cá nhân, tổ chức nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

3. Trong trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định thời hạn thi hành thì thực hiện theo thời hạn trong quyết định.”.

5. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 13 như sau:

a) Sửa đổi khoản 1 như sau:

“1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi trích dẫn không ghi rõ nguồn thông tin thống kê khi phổ biến, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các ấn phẩm.”.

b) Bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 như sau:

“1a. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi trích dẫn không đúng nguồn thông tin thống kê khi phổ biến, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các ấn phẩm.”.

c) Sửa đổi điểm a khoản 5 như sau:

“a) Buộc cải chính nguồn thông tin thống kê đã trích dẫn, phổ biến, đăng tải đối với hành vi vi phạm tại khoản 1, 1a Điều này;”.

6. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 14 như sau:

a) Sửa đổi khoản 1 như sau:

“1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi để hư hỏng dưới 50% số lượng chỉ tiêu thông tin thống kê trong phiếu, biểu điều tra, báo cáo thống kê trong thời hạn lưu trữ theo quy định, nhưng còn khả năng khôi phục.”.

b) Bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 như sau:

“1a. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi để hư hỏng từ 50% số lượng chỉ tiêu thông tin thống kê trở lên trong phiếu, biểu điều tra, báo cáo thống kê trong thời hạn lưu trữ theo quy định, nhưng còn khả năng khôi phục.”.

c) Sửa đổi khoản 3 như sau:

“3. Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại phiếu, biểu điều tra, báo cáo thống kê còn khả năng khôi phục đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, 1a Điều này.”.

7. Sửa đổi, bổ sung Điều 17 như sau:

“Điều 17. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

1. Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ có quyền: Phạt cảnh cáo.

2. Chánh Thanh tra sở; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Tổng cục Thống kê; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp sở có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 15.000.000 đồng;

c) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này.

3. Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp bộ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 21.000.000 đồng;

c) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này.

4. Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê; Chánh Thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 30.000.000 đồng;

c) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này.”.

8. Sửa đổi, bổ sung Điều 18 như sau:

“Điều 18. Phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều 5; khoản 1, 2 Điều 7; khoản 1 Điều 8 của Nghị định này.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại Điều 5; Điều 6; khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 7; Điều 8; Điều 9; khoản 1 Điều 10; khoản 1 Điều 11; khoản 1, 1a, 2 và 3 Điều 13; Điều 14 của Nghị định này.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II của Nghị định này.

4. Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ được Chính phủ phân công thực hiện các chỉ tiêu thống kê quốc gia gồm: Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Nội vụ; Bộ Tài chính; Bộ Tư pháp; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Xây dựng; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Công Thương; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Công an; Bộ Quốc phòng; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; các sở và cơ quan tương đương của các bộ, cơ quan ngang bộ nêu tại khoản này có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 5; khoản 1 Điều 7 của Nghị định này.

5. Chánh Thanh tra sở; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Tổng cục Thống kê; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp sở có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại Điều 5; Điều 6; khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 7; Điều 8; Điều 9; khoản 1 Điều 10; khoản 1 Điều 11; khoản 1, 1a, 2 và 3 Điều 13; Điều 14 của Nghị định này.

6. Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp bộ có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại Điều 5; Điều 6; Điều 7; Điều 8; Điều 9; Điều 10; Điều 11; khoản 1 Điều 12; Điều 13; Điều 14 của Nghị định này.

7. Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê; Chánh Thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ quy định tại khoản 4 Điều này có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II của Nghị định này.”

Điều 2. Bãi bỏ khoản 6 Điều 2 Nghị định số 95/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê.

Điều 3. Điều khoản thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
-
Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KTTH (2).

TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Minh Khái

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Decree No. 100/2021/ND-CP dated November 15, 2011 on amendments to some articles of Decree No. 95/2016/ND-CP on penalties for administrative violations against regulations on statistics

  • Số hiệu: 100/2021/ND-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 15/11/2021
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Lê Minh Khái
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản