Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 742/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 26 tháng 05 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH HỆ THỐNG KHU BẢO TỒN BIỂN VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Thủy sản ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Xét đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM

1. Quy hoạch hệ thống các khu bảo tồn biển nhằm bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái biển, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững ngành thủy sản và góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường sinh thái biển.

2. Xây dựng và phát triển các khu bảo tồn biển phải được coi là nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài của các ngành, các cấp, đặc biệt là trách nhiệm và quyền lợi của cộng đồng dân cư ven biển và hải đảo.

3. Từng bước đa dạng hóa các hình thức đầu tư nhằm khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế, đồng thời khuyến khích sự tham gia quản lý của cộng đồng dân cư ven biển và hải đảo để quản lý bền vững, có hiệu quả các khu bảo tồn biển.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Xây dựng hệ thống khu bảo tồn biển nhằm bảo vệ các hệ sinh thái, các loài thủy sinh vật biển có giá trị kinh tế, khoa học; góp phần phát triển kinh tế biển, cải thiện sinh kế của cộng đồng ngư dân các địa phương ven biển.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Giai đoạn 2010 - 2015:

- Thiết lập và đưa vào hoạt động 16 khu bảo tồn biển.

- Đến năm 2015, có ít nhất 0,24% diện tích vùng biển Việt Nam nằm trong các khu bảo tồn biển và khoảng 30% diện tích của từng khu bảo tồn biển được bảo vệ nghiêm ngặt.

(Danh sách hệ thống 16 khu bảo tồn biển - Phụ lục I kèm theo).

b) Giai đoạn 2016 - 2020:

- Nghiên cứu, đề xuất quy hoạch phát triển mở rộng hệ thống khu bảo tồn biển.

- Điều tra, khảo sát và thiết lập và đưa vào hoạt động một số khu bảo tồn biển mới.

III. PHẠM VI VÀ THỜI GIAN QUY HOẠCH 

1. Hệ thống các khu bảo tồn biển được quy hoạch và xây dựng trên các vùng biển, hải đảo Việt Nam.

2. Thời gian quy hoạch 2010 - 2020.

IV. NHIỆM VỤ QUY HOẠCH

1. Giai đoạn 2010 - 2015:

- Hoàn thiện quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Xây dựng quy hoạch chi tiết, lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền thành lập và đưa vào hoạt động 11 khu bảo tồn biển.

- Rà soát, điều chỉnh quy hoạch chi tiết 05 khu bảo tồn biển hiện có: vịnh Nha Trang, Cù Lao Chàm, Phú Quốc, Cồn Cỏ, Núi Chúa.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống các khu bảo tồn biển Việt Nam.

- Nghiên cứu, bổ sung các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý các khu bảo tồn biển.

- Nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác bảo tồn biển từ Trung ương đến địa phương; tập huấn cho cán bộ và cộng đồng dân cư tại các địa phương có khu bảo tồn về kiến thức cơ bản liên quan.

2. Giai đoạn 2016 - 2020:

- Nghiên cứu, điều tra, khảo sát, đề xuất quy hoạch phát triển mở rộng hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam.

- Xây dựng quy hoạch chi tiết, lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền thành lập và đưa vào hoạt động một số khu bảo tồn biển mới.

- Tổ chức giám sát các biến động về nguồn lợi hải sản, đa dạng sinh học, hệ sinh thái tại từng khu bảo tồn biển được thiết lập.

- Phát triển mô hình quản lý cộng đồng do cộng đồng dân cư địa phương, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia xây dựng và quản lý khu bảo tồn biển, nhằm khai thác, sử dụng các khu bảo tồn biển có hiệu quả tạo sinh kế cho cộng đồng dân cư, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

3. Các dự án ưu tiên thực hiện: (Phụ lục II kèm theo).

V. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là cộng đồng cư dân tham gia đầu tư để thiết lập và quản lý các khu bảo tồn biển; nghiên cứu chính sách cho cộng đồng cư dân quản lý các khu bảo tồn biển được hưởng lợi từ dịch vụ bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái biển, nhằm khuyến khích mạnh mẽ sự tham gia của cộng đồng, bảo đảm sự phát triển bền vững và hiệu quả. Tiếp tục nghiên cứu và xây dựng các quy định pháp luật để triển khai thực hiện việc giao vùng nước biển ven bờ cho chính quyền và cộng đồng quản lý.

2. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về lợi ích và trách nhiệm của xã hội, đặc biệt là cộng đồng cư dân sống trong và xung quanh các khu bảo tồn biển đối với việc thành lập các khu bảo tồn biển. Tổ chức xây dựng và nhân rộng các mô hình quản lý có sự tham gia của cộng đồng để bảo vệ nguồn lợi hải sản trong và xung quanh khu bảo tồn biển. Đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn biển có năng lực quản lý, chuyên môn từ Trung ương đến các địa phương và trong cộng đồng dân cư ven biển.

3. Xây dựng và thực hiện có hiệu quả các đề án, dự án điều tra, nghiên cứu khoa học làm cơ sở xác định, đề xuất mở rộng các khu bảo tồn biển và biện pháp bảo vệ cụ thể đối với từng khu bảo tồn biển.

4. Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm thu hút các nguồn tài trợ, giúp đỡ về tài chính và kỹ thuật trong công tác điều tra, nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ. Tăng cường việc trao đổi thông tin và phối hợp xây dựng các khu bảo tồn biển liên quốc gia với các nước trong khu vực và các tổ chức quốc tế.

5. Về cơ chế đầu tư

Trước mắt, việc đầu tư xây dựng các khu bảo tồn biển được bảo đảm chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước. Sau khi hình thành một số khu do nhà nước thành lập và quản lý, cần nghiên cứu cơ chế chính sách nhằm đa dạng hóa các hình thức đầu tư, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế, khuyến khích sự tham gia quản lý của cộng đồng ngư dân ven biển và hải đảo để đầu tư phát triển và quản lý bền vững các khu bảo tồn biển.

a) Ngân sách trung ương tập trung đầu tư thực hiện các công việc: quy hoạch tổng thể hệ thống và quy hoạch chi tiết các khu bảo tồn biển; xây dựng một số công trình hạ tầng thiết yếu và hỗ trợ hoạt động của Ban quản lý đối với các khu bảo tồn biển có tầm quan trọng quốc gia, quốc tế hoặc nằm trên địa bàn nhiều tỉnh do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; hỗ trợ kinh phí để thực hiện cơ chế chính sách chuyển đổi nghề, tạo sinh kế cho cộng đồng dân cư sống trong và lân cận khu bảo tồn biển.

b) Ngân sách địa phương đầu tư thực hiện: lập dự án và đầu tư xây dựng một số công trình hạ tầng thiết yếu và hỗ trợ hoạt động của Ban quản lý đối với các khu bảo tồn biển do địa phương trực tiếp quản lý theo phân cấp; bố trí kinh phí để thực hiện cơ chế chính sách chuyển đổi nghề, tạo sinh kế cho cộng đồng dân cư sống trong và lân cận khu bảo tồn biển.

c) Huy động vốn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước: lập dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và đảm bảo kinh phí hoạt động của Ban quản lý đối với các khu bảo tồn biển được thành lập theo dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; góp vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc tham gia quản lý các khu bảo tồn biển theo quy định pháp luật.

6. Nhu cầu vốn đầu tư

Tổng nhu cầu vốn đầu tư dự kiến: 460 tỷ đồng (bốn trăm sáu mươi tỷ đồng), trong đó:

a) Giai đoạn 2011 - 2015: dự tính khoảng 300 tỷ đồng

Bao gồm:

- Nguồn vốn ngân sách trung ương: 185 tỷ đồng

- Nguồn vốn ngân sách địa phương: 90 tỷ đồng

- Vốn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, phi Chính phủ: 25 tỷ đồng

b) Giai đoạn 2016 - 2020: dự tính khoảng 160 tỷ đồng

Bao gồm:

- Nguồn vốn ngân sách trung ương: 145 tỷ đồng

- Vốn hỗ trợ của các tổ chức Quốc tế, phi Chính phủ: 15 tỷ đồng

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN 

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương có liên quan để triển khai thực hiện quy hoạch này.

- Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các khu bảo tồn biển theo phân cấp trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng và tổ chức quản lý các khu bảo tồn có giá trị tầm quốc gia, quốc tế và các khu bảo tồn nằm trên địa bàn nhiều tỉnh do Thủ tướng Chính phủ thành lập.

2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển:

- Chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng, trình cấp có thẩm quyền thành lập và tổ chức quản lý các khu bảo tồn biển theo phân cấp; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân lập dự án thành lập và quản lý các khu bảo tồn biển theo quy định.

- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến và giáo dục về lợi ích, trách nhiệm trong việc bảo vệ, tham gia quản lý các khu bảo tồn biển; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực thi pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học; xây dựng các mô hình quản lý khu bảo tồn dựa vào cộng đồng tại địa phương.

- Bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương và có cơ chế chính sách cụ thể phù hợp với tình hình của địa phương để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, khai thác và quản lý có hiệu quả các khu bảo tồn biển tại địa phương.

3. Các Bộ, ngành liên quan

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trên cơ sở quy hoạch này bố trí, cân đối vốn đầu tư cho các dự án cụ thể để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương có liên quan thực hiện tốt quy hoạch.

- Các Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm tham gia, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập và quản lý hệ thống khu bảo tồn biển.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải, Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Kiểm toán Nhà nước;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTN (5b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Hoàng Trung Hải

 

PHỤ LỤC I

DANH SÁCH CÁC KHU BẢO TỒN BIỂN VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 742/QĐ-TTg ngày 26 tháng 5 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ)

STT

Tên gọi khu bảo tồn biển/tỉnh

Tổng diện tích (ha)

Trong đó diện tích biển (ha)

1

Đảo Trần/Quảng Ninh

4.200

3900

2

Cô Tô/Quảng Ninh

7.850

4000

3

Bạch Long Vĩ/Hải Phòng

20.700

10.900

4

Cát Bà/Hải Phòng

20.700

10.900

5

Hòn Mê/Thanh Hóa

6.700

6200

6

Cồn Cỏ/Quảng Trị

2.490

2.140

7

Hải Vân - Sơn Chà/Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng

17.039

7.626

8

Cù Lao Chàm/Quảng Nam

8.265

6.716

9

Lý Sơn/Quảng Ngãi

7.925

7.113

10

Nam Yết/Khánh Hòa

35.000

20.000

11

Vịnh Nha Trang/Khánh Hòa

15.000

12.000

12

Núi Chúa/Ninh Thuận

29.865

7.352

13

Phú Quý/Bình Thuận

18.980

16.680

14

Hòn Cau/Bình Thuận

12.500

12.390

15

Côn Đảo/Bà Rịa - Vũng Tàu

29.400

23.000

16

Phú Quốc/Kiên Giang

33.657

18.700

 


PHỤ LỤC II

DANH MỤC CÁC NHIỆM VỤ - DỰ ÁN THỰC HIỆN QUY HOẠCH HỆ THỐNG KHU BẢO TỒN BIỂN VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 742/QĐ-TTg ngày 26 tháng 5 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Tên dự án

Mục tiêu

Các hoạt động

Đơn vị thực hiện

Cơ quan phối hợp

Thời gian thực hiện

Kinh phí (triệu đồng)

I

GIAI ĐOẠN 2010 - 2015: 275.000.000.000 đ (Hai trăm bảy mươi năm tỷ đồng)

1

Xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống các khu bảo tồn biển.

Thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học, nguồn lợi hải sản, hệ sinh thái biển, đặc điểm kinh tế - xã hội của 16 khu bảo tồn biển.

- Điều tra, nghiên cứu bổ sung về đa dạng sinh học; nguồn lợi hải sản, hệ sinh thái biển.

- Điều tra về kinh tế - xã hội tại 16 khu bảo tồn biển.

- Thiết lập bản đồ số để quản lý các khu bảo tồn biển.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu từng khu bảo tồn biển.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Ủy ban nhân dân các tỉnh/ thành phố ven biển

2010 - 2015

20.000

2

Quy hoạch chi tiết, thiết lập và đưa vào hoạt động hệ thống 16 khu bảo tồn biển thuộc giai đoạn I (2010 - 2015)

Đưa vào hoạt động hệ thống 16 khu bảo tồn biển.

- Quy hoạch chi tiết 11 khu bảo tồn biển và rà soát điều chỉnh quy hoạch 5 khu bảo tồn biển đang hoạt động.

- Thành lập Ban quản lý các khu bảo tồn biển.

- Đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho các khu bảo tồn biển

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Ủy ban nhân dân các tỉnh

Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố ven biển

2010 - 2015

230.000

3

Nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách quản lý hệ thống các khu bảo tồn biển.

Xây dựng hệ thống chính sách thống nhất và hiệu quả từ Trung ương đến địa phương trong công tác thiết lập và quản lý các khu bảo tồn biển.

- Phân tích hiện trạng quản lý ở các khu bảo tồn biển hiện có.

- Xây dựng và ban hành các chính sách và văn bản pháp quy về quản lý các khu bảo tồn biển.

- Nghiên cứu các chính sách về hỗ trợ, chuyển đổi nghề.

- Nghiên cứu đề xuất ban hành phí và lệ phí khu bảo tồn biển.

- Xây dựng các cơ chế, chính sách thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

- Đánh giá nhu cầu tài chính lâu dài cho từng khu bảo tồn biển và toàn hệ thống

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố ven biển

2010 - 2013

5.000

4

Nâng cao năng lực quản lý về bảo tồn biển cho cán bộ quản lý từ Trung ương đến địa phương

Nâng cao năng lực cán bộ quản lý về bảo tồn biển ở Trung ương và địa phương; nâng cao nhận thức và hành vi của cộng đồng cư dân ven biển.

- Tổ chức các khóa tập huấn về chuyên môn cho các cán bộ quản lý.

- Xây dựng bộ tài liệu tập huấn và đào tạo về bảo tồn biển.

- Tiến hành các hoạt động truyền thông về chủ đề liên quan

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố ven biển

2010 - 2015

15.000

5

Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn biển

Tham gia mạng lưới các khu bảo tồn biển giữa các nước trong khu vực và trên thế giới

- Tổ chức và tham gia các diễn đàn, hội thảo quốc tế trong khu vực và trên thế giới về lĩnh vực bảo tồn biển.

- Tham quan, học tập chia sẻ kinh nghiệm với các nước trên thế giới.

- Tham gia xây dựng mạng lưới các khu bảo tồn biển giữa các nước trong khu vực và trên thế giới

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố ven biển

2010 - 2015

5.000

II

GIAI ĐOẠN 2016 - 2020: 145.000.000.000đ (Một trăm bốn mươi năm tỷ đồng)

1

Nghiên cứu, điều tra, khảo sát đề xuất quy hoạch phát triển mở rộng hệ thống khu bảo tồn biển.

Xây dựng các căn cứ khoa học làm cơ sở đề xuất bổ sung các khu bảo tồn biển mới.

- Tiến hành điều tra, khảo sát, thu thập thông tin về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái biển…

- Hoàn thiện quy hoạch mở rộng mạng lưới khu bảo tồn biển.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố ven biển.

2016 - 2017

10.000

2

Thiết lập và đưa vào hoạt động một số khu bảo tồn biển.

Đưa vào hoạt động thêm một số khu bảo tồn biển ngoài hệ thống 16 khu đã thiết lập

- Quy hoạch chi tiết, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và đưa vào hoạt động một số khu bảo tồn biển.

- Thành lập Ban quản lý Khu bảo tồn biển.

- Đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho các khu bảo tồn biển mới được thành lập.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố ven biển

2016 - 2020

100.000

3

Giám sát biến động về nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh học, hệ sinh thái biển tại từng khu bảo tồn biển được thiết lập.

Theo dõi các biến động về nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái biển, chất lượng môi trường tại hệ thống các khu bảo tồn biển được thiết lập.

- Xây dựng các trạm quan trắc tại các khu bảo tồn biển.

- Thực hiện các hoạt động quan trắc, các chỉ số biến động môi trường, nguồn lợi thủy sản.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố ven biển

2016 - 2020

30.000

4

Nghiên cứu đề xuất xây dựng các mô hình thí điểm về xã hội hóa công tác bảo tồn

Thu hút các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước; cộng đồng dân cư cùng tham gia xây dựng và quản lý Khu bảo tồn biển.

- Xây dựng mô hình thí điểm về xã hội hóa công tác bảo tồn tại một tỉnh trọng điểm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố ven biển

2018 - 2020

5.000

 

Cộng I + II = 420.000.000.000 (Bốn trăm hai mươi tỷ đồng)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Decision No. 742/QD-TTg of May 26, 2010, approving the Plan on the system of Vietnam''s marine conservation zones through 2020

  • Số hiệu: 742/QD-TTG
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 26/05/2010
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Hoàng Trung Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/05/2010
  • Ngày hết hiệu lực: 08/01/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản