- 1Resolution No. 50/NQ-CP dated April 17, 2020 on introducing Government’s action program on the Politburo’s Resolution No. 52-NQ/TW on a number of guidelines and policies for active participation in the fourth industrial revolution
- 2Decision No. 2289/QD-TTg dated December 31, 2020 on adopting The National Strategy for Fourth Industrial Revolution by 2030
- 3Decision No. 1316/QD-TTg dated July 22, 2021 on approving Proposal for strengthened management of plastic waste in Vietnam
- 4Decision No. 1658/QD-TTg dated October 01, 2021 on approval for National green growth strategy for 2021 - 2030 period, with a vision by 2050
- 5Decree No. 08/2022/ND-CP dated January 10, 2022 on elaboration of several Articles of the Law on Environmental Protection
- 1Law No. 76/2015/QH13 dated June 19, 2015, Organizing The Government
- 2Law No. 47/2019/QH14 dated November 22, 2019 on amendments to some Articles of the Law on Government Organization and Law on Local Government Organization
- 3Resolution No. 01/NQ-CP dated January 01, 2021 on main tasks and solutions for implementation of socio - economic development plan and state budget estimate of 2021
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 687/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 07 tháng 6 năm 2022 |
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN KINH TẾ TUẦN HOÀN Ở VIỆT NAM
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 1483/TTr-BKHĐT ngày 10 tháng 3 năm 2022,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam” với những nội dung chủ yếu sau:
1. Quan điểm
- Chủ động phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) là tất yếu, phù hợp với xu hướng, yêu cầu tạo đột phá trong phục hồi kinh tế và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG); góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chủ động thích ứng, chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
- Phát triển KTTH phải dựa trên cách tiếp cận mở, hướng nhiều hơn đến tạo dựng không gian và thuận lợi cho phát huy hiệu quả kinh tế, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, bảo đảm huy động và sử dụng hiệu quả tri thức nhân loại, các thành tựu của Cách mạng Công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, các nguồn lực cần thiết từ khu vực kinh tế tư nhân, các tổ chức quốc tế và các đối tác nước ngoài.
- Phát triển KTTH cần bảo đảm khẩn trương, thực chất, hiệu quả, khả thi, có kế thừa những thực tiễn tốt ở các nước và trong nước, và mạnh dạn thử nghiệm trong các lĩnh vực cụ thể, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
- Tập trung ban hành các chính sách dài hạn nhằm khuyến khích, ưu đãi, tạo thuận lợi cho phát triển KTTH, gắn với lộ trình, kết quả cụ thể, đồng thời hoàn thiện cơ sở pháp lý vững chắc và tạo dựng sự linh hoạt, chủ động nhằm sớm phát huy mô hình KTTH theo cấp độ phù hợp ở các ngành, lĩnh vực, địa phương; tránh áp dụng rập khuôn, đồng nhất KTTH cho toàn bộ nền kinh tế.
- Phát triển KTTH bền vững trên cơ sở nâng cao nhận thức, sự chủ động, phát huy đổi mới sáng tạo và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; khuyến khích lối sống có trách nhiệm của từng cá nhân đối với cộng đồng và xã hội, định hướng thế hệ tương lai về văn hóa sống xanh, hình thành xã hội văn minh, hiện đại hài hòa với thiên nhiên và môi trường.
2. Mục tiêu
a) Mục tiêu tổng quát
Phát triển KTTH nhằm tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường hiệu quả, tính gắn kết tuần hoàn giữa các doanh nghiệp và ngành kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu của doanh nghiệp và chuỗi cung ứng trước các cú sốc từ bên ngoài, nhằm góp phần đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
b) Mục tiêu cụ thể
- Góp phần cụ thể hóa mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030 so với năm 2014, hướng tới mục tiêu phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
- Tăng cường nhận thức, sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với mô hình KTTH; đẩy mạnh ứng dụng mô hình KTTH thúc đẩy xanh hóa các ngành kinh tế. Đến năm 2025, các dự án KTTH bước đầu đi vào thực hiện và phát huy hiệu quả kinh tế, xã hội, công nghệ và môi trường; đóng góp vào phục hồi các tài nguyên tái tạo được, giảm tiêu hao năng lượng, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp, tỷ lệ che phủ rừng, tăng cường tỷ lệ tái chế rác thải, tăng cường tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm nông, lâm, thủy sản và công nghiệp xuất khẩu. Đến năm 2030, các dự án KTTH trở thành một động lực chủ yếu trong giảm tiêu hao năng lượng sơ cấp, có năng lực tự chủ phần lớn hoặc toàn bộ nhu cầu năng lượng dựa trên năng lượng tái tạo, và trong tăng cường tỷ lệ che phủ rừng.
- Mô hình KTTH hỗ trợ xây dựng lối sống xanh, khuyến khích phân loại rác thải và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Đến năm 2025, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh; giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương so với giai đoạn trước đây; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt. Tăng đáng kể năng lực tái chế rác thải hữu cơ ở đô thị và nông thôn. Nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân trong sản xuất, tiêu thụ, thải bỏ chất thải nhựa, túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt. Đến năm 2030, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn thông qua các mô hình KTTH đạt 50%; 100% rác thải hữu cơ ở đô thị và 70% rác thải hữu cơ ở nông thôn được tái chế; không làm phát sinh việc chôn lấp trực tiếp chất thải rắn sinh hoạt từ các mô hình KTTH ở đô thị; tối đa hóa tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định ở các khu đô thị.
- Mô hình KTTH góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống và khả năng chống chịu của người dân với biến đổi khí hậu, đảm bảo bình đẳng về điều kiện, cơ hội phát huy năng lực, cải thiện năng suất lao động và thu nhập của người lao động từ KTTH.
3. Nhiệm vụ, giải pháp cụ thể
- Thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2021 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam; Quyết định số 343/QĐ-TTg ngày 12 tháng 03 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 05 tháng 11 năm 2016 của Ban Chấp hành Trung ương về “Thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”; Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17 tháng 04 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Quyết định số 2289/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030; Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20 tháng 8 năm 2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về KTTH, yêu cầu, chủ trương và định hướng phát triển KTTH cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, và người dân. Phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển KTTH tại các lĩnh vực, địa bàn cụ thể thuộc thẩm quyền.
- Xây dựng kế hoạch phát triển KTTH riêng hoặc lồng ghép việc thực hiện phát triển KTTH trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực hoặc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
- Nghiên cứu, lồng ghép phát triển KTTH vào chính sách, dự án liên kết vùng, các hoạt động thực hiện Quyết định 1658/QĐ-TTg ngày 01 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.
- Tăng cường nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và lộ trình thu thập, sử dụng, phân tích thông tin nhằm hỗ trợ các ứng dụng, giải pháp công nghệ thông tin và truyền thông toàn diện, hài hòa gắn với mô hình KTTH.
- Chủ động trao đổi với các nhà tài trợ nước ngoài, các tổ chức quốc tế để tìm kiếm cơ hội tiếp cận tri thức, kỹ năng và nguồn lực phát triển KTTH thông qua các dự án thử nghiệm cụ thể về KTTH, các dự án về công nghệ, dịch vụ (công nghệ thông tin, môi trường...) thân thiện với KTTH.
- Tăng cường đối thoại công - tư về phát triển KTTH, trên cơ sở phát huy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu, vướng mắc của doanh nghiệp, từ đó có biện pháp tháo gỡ, hỗ trợ phù hợp hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ, hỗ trợ ở mức độ phù hợp.
- Rà soát, hoàn thiện khung chính sách và pháp lý nhằm tạo điều kiện cho phát triển KTTH. Nghiên cứu, rà soát thực trạng phát triển KTTH trong một số lĩnh vực ưu tiên/có thể thí điểm triển khai sớm.
- Có cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng đầu tư, phát triển nguồn nhân lực trong phát triển KTTH. Hoàn thiện cơ chế phát triển công nghiệp và dịch vụ môi trường.
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, rà soát thực trạng phát triển và đề xuất thí điểm triển khai phát triển KTTH trong một số lĩnh vực ưu tiên.
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn, trình Chính phủ xem xét vào Quý I năm 2023, trong đó cụ thể hóa các tiêu chuẩn, điều kiện phù hợp nhằm phát triển KTTH.
- Chủ trì nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về khu công nghiệp sinh thái, doanh nghiệp sinh thái để thúc đẩy phát triển KTTH ở Việt Nam.
- Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, cơ quan, địa phương liên quan xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chí về KTTH theo hướng chú trọng khía cạnh kinh tế, gia tăng lợi ích kinh tế từ mô hình KTTH.
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xúc tiến các dự án đầu tư nước ngoài đáp ứng các tiêu chí KTTH, trong đó chú trọng các dự án có tính chất liên kết vùng gắn với chống biến đổi khí hậu.
- Nghiên cứu yêu cầu hoàn thiện hệ thống thông tin, số liệu thống kê để phục vụ thẩm định, theo dõi, đánh giá tác động của các dự án KTTH nói riêng và KTTH ở Việt Nam nói chung.
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương huy động nguồn lực cho các dự án đầu tư gắn với phát triển KTTH, các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh gắn với phát triển KTTH. Chú trọng hợp tác với các tổ chức quốc tế, các đối tác FTA, các đối tác đầu tư chủ chốt; tiếp cận tài chính xanh. Chủ động nghiên cứu khả năng và mức độ phù hợp trong tiếp cận tài chính số phục vụ các dự án KTTH.
- Phối hợp với các tổ chức, chuyên gia quốc tế hỗ trợ các địa phương trong việc tích hợp các nội dung phát triển KTTH trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
- Nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn tốt về phát triển KTTH ở quốc tế và trong nước cho các bộ, ngành, địa phương, trong đó có việc đo lường và giám sát quá trình thực hiện KTTH.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan trong việc xây dựng, ban hành khung hướng dẫn thực hiện kinh tế tuần hoàn theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp theo dõi, sửa đổi, bổ sung các quy định, cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức thực hiện sản xuất, kinh doanh theo hướng KTTH.
- Thực hiện đúng thời hạn, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.
3. Bộ Tài chính
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách, biện pháp khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện KTTH.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và các bộ, ngành liên quan đảm bảo kinh phí thực hiện Đề án từ các nguồn gồm vốn ngân sách nhà nước, tài trợ quốc tế và nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
4. Bộ Công Thương
- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chí về KTTH.
- Xây dựng các mô hình KTTH thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
- Xây dựng chính sách thúc đẩy chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, sạch, bền vững, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo, giảm phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu, năng lượng hóa thạch; tăng cường các giải pháp công nghệ đảm bảo phát triển hài hòa năng lượng mới, năng lượng tái tạo, tăng cường khả năng tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện; giảm tiêu hao năng lượng.
- Xây dựng danh mục và hướng dẫn triển khai các giải pháp kỹ thuật hiện có tốt nhất, kinh nghiệm quản lý môi trường tốt nhất cho các ngành công nghiệp theo điều kiện quốc gia và mức độ phát triển của khoa học và công nghệ; rà soát, xây dựng và ban hành định mức tiêu hao năng lượng cho các ngành công nghiệp. Triển khai giải pháp quản lý và công nghệ trong khai thác, chế biến khoáng sản, chú trọng chế biến sâu, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao.
- Chủ trì trao đổi, phối hợp với các đối tác nhằm tạo thuận lợi thương mại, công nhận lẫn nhau cho các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ từ mô hình KTTH.
- Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về cụm công nghiệp sinh thái, bền vững; áp dụng mô hình KTTH trong xây dựng, vận hành, quản lý các cụm công nghiệp.
5. Bộ Quốc phòng
- Trên cơ sở hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan, chủ động nghiên cứu, lồng ghép, phát triển mô hình KTTH trong các hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế của quân đội, nhiệm vụ kết hợp kinh tế với quốc phòng.
- Chỉ đạo các doanh nghiệp quân đội, đơn vị quân đội nghiên cứu, áp dụng các giải pháp phát triển KTTH trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ: Tăng gia sản xuất, xây dựng đơn vị xanh, sạch, đẹp; sản xuất và tiêu dùng bền vững; sử dụng năng lượng tái tạo trong các hoạt động đảm bảo của quân đội.
6. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc hình thành, phát triển các mô hình KTTH trong nông nghiệp, phát triển nông thôn. Nghiên cứu, thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực tái chế, tái sử dụng phụ, phế phẩm nông nghiệp. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lao động nghiên cứu, triển khai công nghệ xử lý phụ, phế phẩm trong nông nghiệp, đầu tư nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật trong xử lý phế phẩm nông nghiệp.
- Xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án áp dụng KTTH trong phát triển các chuỗi giá trị nông sản chủ lực nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo giá trị gia tăng và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, nước, vật tư đầu vào nhằm giảm suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường.
- Thúc đẩy sự tham gia của các khu vực tư nhân, các tổ chức, từng hộ nông dân vào chuỗi giá trị nông sản tuần hoàn; Các mô hình tăng cường sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên (đất, nước, thủy hải sản).
- Tiếp tục xây dựng và triển khai Chương trình nông nghiệp xanh, phát triển bền vững, KTTH trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Nghiên cứu đề xuất triển khai chương trình mỗi xã nông thôn mới một mô hình KTTH (viết tắt là OCOC).
7. Bộ Khoa học và Công nghệ
- Thúc đẩy hài hòa hóa các tiêu chuẩn đối với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ từ mô hình KTTH.
- Nghiên cứu đánh giá nhu cầu về quy trình xác nhận áp dụng công nghệ môi trường hỗ trợ kỹ thuật chuyển đổi sang KTTH. Thúc đẩy ứng dụng quy trình và xây dựng các cơ chế khuyến khích thử nghiệm đối với các doanh nghiệp áp dụng công nghệ cho quá trình chuyển đổi sang KTTH.
- Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ thân thiện với môi trường vào các ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ liên quan. Thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào thực hiện phát triển KTTH.
- Nghiên cứu, lồng ghép các tiêu chí về KTTH gắn với ứng dụng khoa học và công nghệ trong từng ngành, nghề cụ thể trong các quy hoạch Đề án, dự án liên quan tới phát triển KTTH, kinh tế xanh, phát triển bền vững.
8. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng các cơ chế tài chính, tín dụng nhằm hỗ trợ cho các dự án KTTH ở Việt Nam, bảo đảm phù hợp với các mục tiêu tăng trưởng xanh; ngân hàng xanh; các dự án đầu tư xanh.
9. Bộ Tư pháp
Căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, kiểm tra, giám sát việc xây dựng khung khổ pháp lý, các quy chế, quy định về thực hiện và phát triển KTTH theo đúng pháp luật hiện hành và các cam kết quốc tế.
10. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Chủ động nghiên cứu nhu cầu về lao động, kỹ năng trong các ngành KTTH, xây dựng các chương trình giáo dục nghề nghiệp và tổ chức đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển KTTH trong thời gian tới.
11. Bộ Xây dựng
- Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh, Đề án đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu và Đề án phát triển đô thị thông minh.
- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, lồng ghép các giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn vào các chương trình, cơ chế, chính sách về xử lý rác thải, nước thải đô thị.
12. Bộ Giao thông vận tải
- Xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển kết cấu hạ tầng giao thông xanh; khuyến khích các loại phương tiện sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm, hiệu quả và công nghệ thân thiện với môi trường; giao thông xanh, quy hoạch giao thông theo hướng xanh, bền vững, thân thiện môi trường.
- Ưu tiên các nguồn lực để đầu tư, hoàn thiện và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông xanh đảm bảo hiệu quả về kinh tế và bảo vệ môi trường, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Thực hiện các chương trình nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ đảm bảo sử dụng vật liệu xây dựng, năng lượng hiệu quả trong thực hiện các dự án đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông vận tải công cộng.
13. Các bộ, cơ quan ngang bộ chủ động nghiên cứu, lồng ghép các giải pháp phát triển KTTH vào các chương trình, cơ chế, chính sách thuộc phạm vi lĩnh vực được giao phụ trách; phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan để thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều này.
14. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng, thực hiện lộ trình và các nhiệm vụ, giải pháp để tạo thuận lợi cho các mô hình, dự án KTTH trên địa bàn; giám sát việc thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng, các chương trình sản xuất, tiêu dùng bền vững trên địa bàn.
15. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
- Phối hợp với các đơn vị, Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng doanh nghiệp phát huy trách nhiệm xã hội đối với môi trường nói chung và chủ động tiếp cận mô hình KTTH, thực hiện trách nhiệm xã hội của mình.
- Chủ động trao đổi, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp nhằm nắm bắt nhu cầu, vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến thực hiện mô hình KTTH, từ đó kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ, hỗ trợ ở mức độ phù hợp.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |
Decision No. 687/QD-TTg dated June 07, 2022 on approving the scheme for circular economy development in Vietnam
- Số hiệu: 687/QD-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 07/06/2022
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Lê Minh Khái
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 07/06/2022
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực