Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 48/2011/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 31 tháng 08 năm 2011 |
VỀ VIỆC THÍ ĐIỂM THỰC HIỆN CƠ CHẾ HẢI QUAN MỘT CỬA QUỐC GIA
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Hải quan ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Bộ luật Hàng hải ngày 14 tháng 6 năm 2005; Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu ngày 14 tháng 6 năm 2005; Luật Thương mại ngày 14 tháng 6 năm 2005; Luật Quản lý thuế ngày 29 tháng 11 năm 2006 và Luật Giao dịch điện tử ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Hiệp định và Nghị định thư về xây dựng và thực hiện cơ chế một cửa ASEAN;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Thí điểm thực hiện Cơ chế hải quan một cửa quốc gia với nội dung chính như sau:
1. Cơ chế hải quan một cửa quốc gia là hệ thống tích hợp cho phép:
a) Các bên tham gia hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu nộp hoặc gửi thông tin và chứng từ chuẩn hóa tới một điểm tiếp nhận duy nhất;
b) Các cơ quan Nhà nước xử lý dữ liệu, thông tin và ra quyết định dựa trên hệ thống các quy trình, thủ tục thống nhất và đồng bộ; ra quyết định và gửi quyết định này tới hệ thống được thỏa thuận cung cấp và trao đổi thông tin thống nhất giữa các cơ quan Nhà nước; và
c) Cơ quan Hải quan ra quyết định cuối cùng về việc thông quan, giải phóng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hoặc phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh căn cứ vào các quyết định của các cơ quan Nhà nước có liên quan được hệ thống chuyển tới kịp thời theo quy định về cung cấp dịch vụ công.
2. Phạm vi áp dụng:
Cơ chế hải quan một cửa quốc gia thí điểm áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh và phương tiện vận tải nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh (sau đây gọi chung là hàng hóa, phương tiện xuất nhập khẩu) theo quy định của Luật Hải quan.
3. Cơ quan, đơn vị thực hiện thí điểm:
a) Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan Nhà nước ở địa phương có chức năng, nhiệm vụ cấp phép hoặc giải quyết các thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là thủ tục hành chính) có liên quan đến việc thông quan hàng hóa, phương tiện xuất nhập khẩu;
b) Các doanh nghiệp có hàng hóa, phương tiện xuất nhập khẩu đã tham gia thủ tục hải quan điện tử và đáp ứng các điều kiện thực hiện thí điểm Cơ chế hải quan một cửa quốc gia;
c) Cục Hải quan tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai, thực hiện thủ tục hải quan điện tử.
4. Nội dung thí điểm thực hiện Cơ chế hải quan một cửa quốc gia gồm:
a) Lựa chọn, công bố danh mục các thủ tục hành chính áp dụng thí điểm Cơ chế hải quan một cửa quốc gia;
b) Khai và tiếp nhận thông tin khai báo về các thủ tục hành chính thông qua phương tiện điện tử;
c) Phản hồi thông tin và trả kết quả cho cơ quan, đơn vị thực hiện thủ tục hành chính thông qua phương tiện điện tử kết hợp với việc trả hồ sơ giấy (đối với các thủ tục chưa công nhận hồ sơ điện tử);
d) Trao đổi thông tin về cơ quan, đơn vị thực hiện thủ tục hành chính cũng như kết quả ra quyết định của các cơ quan, đơn vị thông qua phương tiện điện tử;
đ) Thanh toán điện tử đối với các khoản thuế, phí và lệ phí thông qua hệ thống ngân hàng thương mại dựa trên thỏa thuận trao đổi và xử lý thông tin thu, nộp, thanh toán thuế, phí, lệ phí giữa các cơ quan Nhà nước có liên quan và các Ngân hàng thương mại;
e) Chứng từ điện tử trao đổi giữa các cơ quan Nhà nước với nhau trên hệ thống hải quan một cửa quốc gia trong việc thực hiện thủ tục hành chính có giá trị pháp lý như chứng từ giấy;
g) Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện trao đổi thông tin về Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) theo Hiệp định ATIGA trong ASEAN và tiến tới công nhận C/O điện tử giữa các nước thành viên ASEAN;
h) Sẵn sàng trao đổi các thông tin cơ bản trên tờ khai hải quan với Hải quan các nước thành viên ASEAN theo khuôn dạng thống nhất.
5. Thời gian, lộ trình thí điểm thực hiện:
a) Từ tháng 10 năm 2011 đến tháng 12 năm 2012: xây dựng văn bản pháp lý, quy trình thủ tục; chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin và xây dựng hệ thống công nghệ thông tin hải quan một cửa quốc gia;
b) Từ tháng 01 đến tháng 12 năm 2013: thí điểm thực hiện ở các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), Bộ Giao thông vận tải và một số cơ quan Nhà nước ở địa phương thuộc các ngành tài chính, công thương và giao thông vận tải;
c) Từ tháng 01 đến tháng 12 năm 2014: mở rộng thí điểm thực hiện ở các cơ quan thuộc Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và một số cơ quan Nhà nước ở địa phương thuộc các ngành y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường.
Tháng 12 năm 2014, tổng kết việc thí điểm và đề xuất phương án triển khai chính thức Cơ chế hải quan một cửa quốc gia trong giai đoạn tiếp theo.
Điều 2. Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan
1. Trách nhiệm của Bộ Tài chính:
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan: tổ chức thực hiện Quyết định này; xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn và cơ chế, chính sách có liên quan đáp ứng yêu cầu thực hiện thí điểm; cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin và ra quyết định trong khuôn khổ Cơ chế hải quan một cửa quốc gia; lựa chọn các doanh nghiệp tham gia thí điểm; tổng hợp báo cáo việc thực hiện thí điểm; tổng kết và đề xuất việc thực hiện chính thức Cơ chế hải quan một cửa quốc gia;
b) Lựa chọn danh mục các thủ tục hành chính, quy định về điều kiện thí điểm thực hiện Cơ chế hải quan một cửa quốc gia thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, ngành mình;
c) Chỉ đạo Tổng cục Hải quan xây dựng, quản lý, vận hành Cổng thông tin hải quan một cửa quốc gia và hệ thống công nghệ thông tin thực hiện thí điểm;
d) Hàng năm (hoặc khi cần thiết), báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia và Thủ tướng Chính phủ về tiến độ, kết quả thực hiện thí điểm.
2. Trách nhiệm của Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường:
a) Chỉ định đơn vị tham gia thực hiện thí điểm; lựa chọn, công bố danh mục các thủ tục hành chính và quy định về điều kiện thí điểm thực hiện Cơ chế hải quan một cửa quốc gia thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, ngành mình;
c) Chủ trì xây dựng, quản lý và vận hành hệ thống công nghệ thông tin phục vụ thí điểm trong phạm vi quản lý của đơn vị mình;
d) Báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia và Thủ tướng Chính phủ tiến độ, kết quả thực hiện thí điểm của Bộ, ngành mình hàng năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu.
3. Trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông: phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hải quan một cửa quốc gia và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin cho hệ thống khi vận hành.
4. Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan xây dựng cơ chế, chính sách liên quan tới thanh toán điện tử đối với các khoản phí, lệ phí, thuế và các khoản thu khác gắn liền với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa và phương tiện vận tải trong khuôn khổ các thủ tục hành chính được triển khai trong Cơ chế hải quan một cửa quốc gia.
5. Trách nhiệm của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam:
Phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan:
a) Tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đào tạo, tập huấn cho cộng đồng doanh nghiệp về yêu cầu, lợi ích, các điều kiện đảm bảo, các quy định cần tuân thủ khi tham gia Cơ chế hải quan một cửa quốc gia;
b) Tổ chức hội thảo, điều tra, khảo sát lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình xây dựng, triển khai thực hiện Cơ chế hải quan một cửa quốc gia.
Điều 3. Trách nhiệm của doanh nghiệp tham gia thí điểm thực hiện cơ chế hải quan một cửa quốc gia
1. Khai và thực hiện các thủ tục hành chính thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử của Cổng thông tin điện tử hải quan một cửa quốc gia.
2. Khai và nộp chứng từ, cung cấp thông tin liên quan đến hàng hóa, phương tiện vận tải xuất nhập khẩu và nộp thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.
3. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự chính xác và trung thực của nội dung đã khai và các chứng từ đã nộp, xuất trình cho các cơ quan; sự thống nhất về nội dung giữa thông tin, chứng từ giấy và thông tin, chứng từ điện tử do doanh nghiệp đã tạo lập.
4. Lưu giữ hồ sơ, sổ sách, chứng từ có liên quan đến việc thông quan hàng hóa, phương tiện vận tải xuất khẩu theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Kinh phí thực hiện và cơ chế đầu tư
1. Về nguyên tắc, việc huy động nguồn vốn và cơ chế đầu tư để thực hiện Cơ chế hải quan một cửa quốc gia là tận dụng tối đa và kết hợp hài hòa các nguồn lực bao gồm: nguồn vốn ODA, nguồn viện trợ không hoàn lại, vốn ngân sách nhà nước và nguồn vốn khác, kể cả nguồn huy động từ khu vực tư nhân theo hình thức hợp tác công - tư.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế đầu tư phù hợp để xây dựng, quản lý, vận hành, duy trì Cổng thông tin điện tử hải quan một cửa quốc gia kết nối với hệ thống thông tin điện tử các Bộ, cơ quan liên quan; nghiên cứu, xây dựng cơ chế thu phí và sử dụng nguồn phí thu được đối với một số dịch vụ công qua hệ thống điện tử hải quan một cửa quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
2. Kinh phí thường xuyên phục vụ cho việc nghiên cứu, ban hành các văn bản hướng dẫn và triển khai thực hiện Cơ chế hải quan một cửa quốc gia được bố trí, cân đối trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của các Bộ, cơ quan theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 10 năm 2011.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | THỦ TƯỚNG |
- 1Joint circular No.84/2013/TTLT-BTC-BCT-BGTVT of June 25, 2013, guiding the implementation of Decision No.48/2011/QD-TTg on the pilot implementation of mechanism of national one-stop-shop customs
- 2Law No. 78/2006/QH11 of November 29, 2006 on tax administration
- 3Law no. 51/2005/QH11 of November 29, 2005 on E-transactions
- 4Commercial Law No.36/2005/QH11, passed by the National Assembly
- 5The Vietnam Maritime Code No. 40/2005/QH11 of June 14, 2005.
- 6Law No. 42/2005/QH11 of June 14, 2005 on amendment of and addition to a number of articles of The Law on Customs
- 7Law No. 45/2005/QH11 of June 14, 2005, on import tax and export.
- 8Law No. 29/2001/QH10 of June 29, 2001 promulgated by The National Assembly on Customs Law
Decision No. 48/2011/QD-TTg of August 31, 2011, on piloting the implementation of national one-stop shop (OSS) customs mechanism
- Số hiệu: 48/2011/QD-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 31/08/2011
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra