Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
------------

Số: 44/2009/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 26 tháng 03 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH PHƯƠNG ÁN KHẨN NGUY TỔNG THỂ ĐỐI PHÓ VỚI HÀNH VI CAN THIỆP BẤT HỢP PHÁP VÀO HOẠT ĐỘNG HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG  

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 12 tháng 7 năm 2006;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành Phương án khẩn nguy tổng thể đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Văn phòng BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- UB Quốc gia tìm kiếm, Cứu nạn
- UB Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các Phó Chủ nhiệm, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KTN (5b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

PHƯƠNG ÁN

KHẨN NGUY TỔNG THỂ ĐỐI PHÓ VỚI HÀNH VI CAN THIỆP BẤT HỢP PHÁP VÀO HOẠT ĐỘNG HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 44/2009/QĐ-TTg ngày 26 tháng 3 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ)

Chương 1.

CÁC NGUYÊN TẮC CHUNG ĐỐI PHÓ VỚI HÀNH VI CAN THIỆP BẤT HỢP PHÁP

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU VÀ PHƯƠNG CHÂM CHỈ ĐẠO ĐỐI PHÓ VỚI CÁC HÀNH VI CAN THIỆP BẤT HỢP PHÁP

1. Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và đối phó có hiệu quả, hạn chế tới mức thấp nhất hậu quả tác hại khi xảy ra hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng; ưu tiên bảo đảm an toàn cho tính mạng con người và chỉ sử dụng biện pháp bạo lực cần thiết khi không còn cách giải quyết nào khác.

2. Ưu tiên trợ giúp cần thiết đối với tàu bay đang bay bị can thiệp bất hợp pháp.

3. Duy trì tối đa khả năng hoạt động bình thường tại nơi xảy ra hành vi can thiệp bất hợp pháp.

4. Tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp Công ước quốc tế về hàng không dân dụng và các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam tham gia.

5. Thực hiện nguyên tắc 4 tại chỗ: Phương án đối phó tại chỗ, lực lượng tại chỗ, trang thiết bị tại chỗ và hậu cần tại chỗ.

II. PHÂN NHÓM HÀNH VI CAN THIỆP BẤT HỢP PHÁP

Căn cứ vào tính chất nghiêm trọng của hành vi, hành vi can thiệp bất hợp pháp được phân thành các nhóm sau:

1. Nhóm hành vi nghiêm trọng cấp độ 1 bao gồm:

a) Chiếm đoạt bất hợp pháp tàu bay;

b) Chiếm đoạt và có khả năng sử dụng tàu bay như vũ khí; sử dụng tàu bay vào mục đích ném bom, rải chất độc, vũ khí sinh học, hóa học và chất phóng xạ;

c) Tấn công vũ trang trên tàu bay đang bay (tàu bay đã cất cánh khỏi mặt đất và chưa tiếp đất);

d) Tấn công vũ trang có tổ chức tại cảng hàng không, sân bay, công trình và trang thiết bị phục vụ hoạt động bay;

đ) Chiếm đoạt, gây bạo loạn khủng bố tại cảng hàng không, sân bay và cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay;

e) Bắt giữ con tin trên tàu bay.

2. Nhóm hành vi nghiêm trọng cấp độ 2 bao gồm:

a) Đưa bom, mìn, súng, đạn, vũ khí sinh học, hóa học, chất phóng xạ trái pháp luật vào tàu bay, cảng hàng không, sân bay và cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay;

b) Tấn công bằng vũ khí vào Lực lượng an ninh hàng không dân dụng, Lực lượng bảo vệ cảng hàng không, sân bay và cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay;

c) Bắt giữ con tin tại cảng hàng không, sân bay và cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay;

d) Đe dọa đặt bom, mìn, vũ khí sinh học và hóa học trên tàu bay đang bay.

3. Nhóm hành vi nghiêm trọng cấp độ 3 bao gồm:

a) Đưa chất cháy, chất nổ, vũ khí thô sơ, chất thông thường tạo thành chất nguy hiểm với mục đích chế tạo chất nổ và các vật phẩm nguy hiểm khác trái pháp luật vào tàu bay, cảng hàng không sân bay và cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay;

b) Đe dọa đặt bom, mìn, vũ khí sinh học, hóa học tại cảng hàng không, sân bay và cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay;

c) Các hành vi phá hoại tàu bay, cảng hàng không, sân bay và cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay;

d) Tấn công lực lượng an ninh hàng không, lực lượng bảo vệ để xâm nhập trái pháp luật vào tàu bay, cảng hàng không, sân bay và cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay.

III. LỰC LƯỢNG ĐỐI PHÓ TRỰC TIẾP

1. Các lực lượng trực tiếp thực hiện phương án đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp bao gồm:

a) Lực lượng hàng không dân dụng:

- Lực lượng an ninh hàng không dân dụng (Lực lượng an ninh mặt đất và bảo vệ trên không);

- Lực lượng khẩn nguy cứu nạn;

- Lực lượng hiệp đồng, điều hành, chỉ huy bay và tìm kiếm cứu nạn;

- Lực lượng bảo vệ chuyên ngành.

b) Lực lượng công an:

- Lực lượng an ninh của Bộ Công an;

- Lực lượng đặc nhiệm của Bộ Công an;

- Lực lượng phòng cháy, chữa cháy;

- Lực lượng của công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quận huyện, xã phường;

- Lực lượng thương lượng chuyên nghiệp.

c) Lực lượng quân đội:

- Hệ thống quản lý vùng trời, quản lý bay;

- Bộ đội đặc công;

- Bộ đội hóa học, bộ đội công binh;

- Lực lượng tìm kiếm cứu nạn;

- Bộ đội biên phòng, Hải quân (Đối với cảng hàng không, sân bay tại hải đảo).

d) Lực lượng y tế:

- Lực lượng y tế dự phòng;

- Lực lượng y tế giao thông vận tải;

- Bệnh viện Trung ương, địa phương.

2. Trách nhiệm đối phó trực tiếp của các lực lượng theo loại hình của hành vi can thiệp bất hợp pháp:

a) Chống các hành vi can thiệp bất hợp pháp đối với tàu bay đang bay: Lực lượng hàng không dân dụng, lực lượng quân đội;

b) Xử lý vũ khí, chất độc hóa học, sinh học, bom, mìn và chất phóng xạ: Lực lượng quân đội;

c) Chống việc sử dụng tàu bay như một vũ khí, sử dụng tàu bay vào mục đích ném bom, rải chất độc, vũ khí sinh học, hóa học và chất phóng xạ: Lực lượng quân đội theo phương án tác chiến phòng không;

d) Tấn công các loại tội phạm có vũ trang, chiếm đoạt, phá hoại, bạo loạn và bắt giữ con tin trên mặt đất: Lực lượng công an, lực lượng hàng không dân dụng, lực lượng quân đội;

đ) Chống hành vi gây rối, đưa vật phẩm nguy hiểm, xâm nhập trái pháp luật vào tàu bay, cảng hàng không, sân bay, công trình và trang thiết bị phục vụ hoạt động bay: Lực lượng hàng không dân dụng, lực lượng công an;

e) Công tác tìm kiếm cứu nạn: Lực lượng hàng không dân dụng; lực lượng quân đội, lực lượng công an;

g) Công tác chăm sóc y tế: Lực lượng y tế, lực lượng hàng không dân dụng.

3. Các lực lượng trực tiếp thực hiện phương án đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp được huy động một cách tương ứng, phù hợp với đặc điểm, quy mô, tính chất của hành vi can thiệp bất hợp pháp và tình hình đối phó cụ thể.

4. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ Giao thông vận tải (Cục Hàng không Việt Nam), Bộ Công an (Cục chống phản động và chống khủng bố (A42); lực lượng phòng cháy, chữa cháy), Bộ Quốc phòng (Cục Tác chiến; Ủy ban tìm kiếm cứu nạn), Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) chỉ đạo xây dựng, đào tạo, huấn luyện, trang bị các phương tiện trang thiết bị kỹ thuật cần thiết cho lực lượng thuộc ngành trực tiếp thực hiện phương án đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp; chỉ đạo xây dựng các phương án điều động lực lượng, chỉ huy, tác chiến và tác nghiệp cụ thể của lực lượng thuộc ngành.

5. Trách nhiệm của người khai thác cảng hàng không, sân bay:

a) Phối hợp với các cơ quan chức năng theo dõi, nắm tình hình, đánh giá các mối đe dọa uy hiếp đến an ninh hàng không tại cảng hàng không, sân bay; tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục Hàng không Việt Nam về áp dụng bổ sung các biện pháp phòng ngừa thích hợp với hành vi can thiệp bất hợp pháp;

b) Xây dựng Kế hoạch khẩn nguy sân bay trình Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt và tổ chức thực hiện;

c) Xây dựng lực lượng đối phó hành vi can thiệp bất hợp pháp tại cảng hàng không, sân bay; chỉ đạo, điều hành phối hợp các đơn vị hàng không hoạt động tại cảng hàng không, sân bay thực hiện phương án khẩn nguy đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp; chịu sự chỉ huy của chỉ huy trưởng điều hành phối hợp các lực lượng trực tiếp thực hiện phương án đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp tại hiện trường;

d) Xây dựng Trung tâm Khẩn nguy cảng hàng không, sân bay, trụ sở chính để chỉ huy, điều hành việc đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp tại cảng hàng không, sân bay.

6. Trách nhiệm của cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay nằm ngoài cảng hàng không, sân bay:

a) Theo dõi, nắm tình hình, đánh giá các mối đe dọa uy hiếp đến an ninh hàng không tại cơ sở; tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục Hàng không Việt Nam về áp dụng bổ sung các biện pháp phòng ngừa thích hợp với hành vi can thiệp bất hợp pháp; ưu tiên trợ giúp tối đa để đảm bảo an toàn cho tàu bay đang bị can thiệp bất hợp pháp;

b) Xây dựng kế hoạch ứng phó không lưu của cơ sở (Đối với cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu), kế hoạch khẩn nguy cơ sở (Đối với các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay khác) trình Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt và tổ chức thực hiện;

c) Xây dựng lực lượng trực thuộc đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp xảy ra tại cơ sở; triển khai thực hiện phương án khẩn nguy đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp, chịu sự chỉ huy của chỉ huy trưởng điều hành phối hợp các lực lượng trực tiếp thực hiện phương án đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp tại hiện trường.

7. Trách nhiệm của các hãng hàng không liên quan: Cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến tàu bay, hành khách cho Ban chỉ huy đối phó, phối hợp giải quyết vụ việc và tạm ứng kinh phí cho việc đối phó.

IV. CHỈ HUY LỰC LƯỢNG TRỰC TIẾP THỰC HIỆN PHƯƠNG ÁN ĐỐI PHÓ VỚI HÀNH VI CAN THIỆP BẤT HỢP PHÁP

1. Lãnh đạo trực khẩn nguy của cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay là chỉ huy trưởng ban đầu thực hiện phương án đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp đối với tàu bay đang bay, hành vi can thiệp bất hợp pháp tại cơ sở. Lãnh đạo trực khẩn nguy của cảng hàng không, sân bay là chỉ huy trưởng ban đầu thực hiện phương án đối phó đối với các hành vi can thiệp bất hợp pháp tại cảng hàng không, sân bay. Chỉ huy trưởng ban đầu, tùy từng trường hợp, bàn giao ngay quyền chỉ huy cho đại diện lực lượng quân đội, đại diện ngành công an sớm nhất khi đại diện đó đã sẵn sàng tiếp nhận quyền chỉ huy.

2. Đại diện ngành công an là chỉ huy trưởng điều hành phối hợp các lực lượng trực tiếp thực hiện phương án đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp tại hiện trường, trừ trường hợp đối với tàu bay đang bay bị can thiệp bất hợp pháp.

3. Đại diện lực lượng quân đội là chỉ huy trưởng điều hành phối hợp các lực lượng trực tiếp thực hiện phương án đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp đối với tàu bay đang bay; bàn giao quyền chỉ huy điều hành phối hợp cho đại diện ngành công an khi tàu bay không còn ở trạng thái tàu bay đang bay và đại diện ngành công an đã sẵn sàng tiếp nhận quyền chỉ huy.

4. Các lực lượng đối phó trực tiếp tại hiện trường tuyệt đối thực hiện lệnh chỉ huy của chỉ huy trưởng.

V. SỬ DỤNG VŨ KHÍ

Lực lượng chỉ huy, lực lượng đối phó trực tiếp tại hiện trường được quyền sử dụng vũ khí trong các trường hợp sau đây:

1. Nổ súng cảnh cáo để uy hiếp đối tượng thực hiện hành vi can thiệp bất hợp pháp.

2. Nổ súng gây thương tích để ngăn chặn phần tử xấu đang đột nhập vào tàu bay, khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay hoặc mục tiêu bảo vệ khác.

3. Nổ súng tiêu diệt để ngăn chặn kẻ dịch, phần tử xấu đang tấn công hoặc chuẩn bị tấn công vũ trang vào tàu bay trong khi bay, tàu bay đang đỗ, khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay hoặc lực lượng đang làm nhiệm vụ.

4. Các trường hợp tác chiến của lực lượng quân đội, công an theo quy định.

VI. CHÍNH SÁCH CHẾ ĐỘ CHO LỰC LƯỢNG ĐỐI PHÓ KHẨN NGUY

Cán bộ, nhân viên của các cơ quan, đơn vị tham gia đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng bị thương, hy sinh được hưởng các chính sách chế độ như thương binh, liệt sĩ theo quy định của pháp luật.

Chương 2.

HỆ THỐNG CHỈ ĐẠO KHẨN NGUY ĐỐI PHÓ VỚI HÀNH VI CAN THIỆP BẤT HỢP PHÁP

I. BAN CHỈ HUY KHẨN NGUY HÀNG KHÔNG QUỐC GIA

1. Ban chỉ huy Khẩn nguy hàng không quốc gia đươc thành lập theo quy định tại Nghị định số 74/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An ninh quốc gia, theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải để chỉ huy đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp nghiêm trọng cấp độ 1 hoặc theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn:

- Quyết định cách thức, tiến trình xử lý đối với hành vi can thiệp bất hợp pháp;

- Đáp ứng hoặc từ chối các yêu sách về chính trị, kinh tế của đối tượng can thiệp bất hợp pháp;

- Cho phép tàu bay đang bay bị can thiệp bất hợp pháp hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay trong lãnh thổ Việt Nam; cho phép tàu bay đang bị can thiệp bất hợp pháp cất cánh để bảo vệ an toàn cho tính mạng của hành khách;

- Cho phép hoặc mời lực lượng của nước ngoài tham gia đối phó;

- Đáp ứng hoặc từ chối các yêu cầu của phía nước ngoài có liên quan đến việc đối phó;

- Quyết định của Trưởng Ban chỉ huy hoặc Phó trưởng Ban chỉ huy chủ trì là quyết định cuối cùng của Ban chỉ huy khi điều hành đối phó với trường hợp xảy ra hành vi can thiệp bất hợp pháp.

3. Trung tâm chỉ huy Khẩn nguy hàng không quốc gia đặt tại Tổng Công ty Bảo đảm hoạt động bay, là trụ sở chính để Ban chỉ huy quốc gia chỉ huy, điều hành việc đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp.

II. BAN CHỈ HUY KHẨN NGUY HÀNG KHÔNG CẤP TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có cảng hàng không, sân bay, cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu quyết định thành lập Ban chỉ huy Khẩn nguy hàng không cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Thành phần:

a) Trưởng ban: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

b) Các Phó trưởng ban:

- Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương – Phó trưởng ban thường trực;

- Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

c) Các ủy viên:

- Tổng giám đốc Tổng Công ty Cảng hàng không khu vực đối với các cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất; Giám đốc Cảng hàng không đối với các cảng hàng không khác;

- Giám đốc Cảng vụ Hàng không khu vực đối với các cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất; Trưởng đại diện Cảng vụ Hàng không tại các cảng hàng không địa phương khác.

- Chánh Văn phòng (hoặc Phó Chánh Văn phòng) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- 01 Thủ trưởng Sư đoàn Không quân, Sư đoàn Phòng không đóng tại cảng hàng không Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất; 01 Thủ trưởng đơn vị không quân, đơn vị phòng không đóng tại các cảng hàng không khác;

- Chỉ huy trưởng đơn vị cảnh sát cơ động, đặc nhiệm công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- 01 Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- 01 Lãnh đạo Trung tâm quản lý bay khu vực tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh; Lãnh đạo bộ phận quản lý bay tại các địa phương khác;

- 01 Lãnh đạo đơn vị xuất nhập cảnh, hải quan, kiểm dịch y tế tại cảng hàng không quốc tế.

d) Cơ quan thường trực: Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Nhiệm vụ, quyền hạn:

a) Được triệu tập theo đề nghị của cơ quan thường trực để chỉ đạo, điều hành các cơ quan, lực lượng Trung ương và địa phương liên quan thực hiện các biện pháp đối phó, biện pháp khắc phục khi xảy ra hành vi can thiệp bất hợp pháp nghiêm trọng cấp độ 1, cấp độ 2 xảy ra tại địa phương hoặc trong trường hợp cần thiết theo yêu cầu của Ban chỉ huy Khẩn nguy hàng không quốc gia, Cục Hàng không Việt Nam;

b) Báo cáo tình hình và xin ý kiến của Ban chỉ huy quốc gia về các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; chịu sự chỉ đạo, điều hành của Ban chỉ huy Khẩn nguy hàng không quốc gia;

c) Quyết định của Trưởng Ban chỉ huy hoặc Phó trưởng Ban chỉ huy chủ trì là quyết định cuối cùng của Ban chỉ huy khi điều hành đối phó với trường hợp xảy ra hành vi can thiệp bất hợp pháp;

d) Cơ quan thường trực của Ban chỉ huy Khẩn nguy hàng không tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ, quyền hạn:

- Là Văn phòng thường trực của Ban chỉ huy;

- Triển khai thực hiện các quyết định, chỉ đạo, điều hành, yêu cầu của Ban chỉ huy, Trưởng ban, Phó trưởng ban chỉ huy;

- Phối hợp với Cảng vụ Hàng không, doanh nghiệp cảng hàng không, doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị liên quan theo dõi, tổng hợp tình hình, đánh giá nguy cơ khủng bố hàng không hoặc mức độ uy hiếp an ninh hàng không tại địa phương; kịp thời báo cáo Ban chỉ huy về nguy cơ xảy ra các hành vi can thiệp bất hợp pháp nghiêm trọng;

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Phương án khẩn nguy đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp cụ thể tại cảng hàng không, sân bay, cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt; thông báo Phương án khẩn nguy cho Cục Hàng không Việt Nam và các đầu mối thực hiện;

- Thay mặt Ban chỉ huy khi Ban chỉ huy chưa được triệu tập trong trường hợp xảy ra các tình huống can thiệp bất hợp pháp; báo cáo khẩn cấp và liên tục diễn biến vụ việc cho Ban chỉ huy để có quyết định kịp thời.

d) Văn phòng công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có cảng hàng không, sân bay, cơ sở bảo đảm hoạt động bay là trụ sở chính để Ban chỉ huy Khẩn nguy hàng không cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, điều hành việc đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp.

III. BAN CHỈ ĐẠO KHẨN NGUY HÀNG KHÔNG CẤP HUYỆN ĐẢO

1. Đối với 02 huyện đảo Côn Đảo, Phú Quốc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đảo quyết định thành lập Ban chỉ huy Khẩn nguy hàng không cấp huyện đảo.

2. Thành phần:

a) Trưởng ban: Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đảo.

b) Các Phó trưởng ban:

- Giám đốc Công an huyện đảo – Phó trưởng ban thường trực;

- Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự huyện đảo.

c) Các ủy viên:

- Giám đốc Cảng hàng không Côn Đảo, Phú Quốc;

- Trưởng đại diện Cảng vụ Hàng không tại Cảng hàng không Côn Đảo, Phú Quốc;

- Chánh Văn phòng (hoặc Phó Chánh Văn Phòng) Ủy ban nhân dân huyện đảo;

- 01 Thủ trưởng đơn vị Phòng không – không quân, đơn vị Hải quân, Bộ đội biên phòng đóng tại huyện đảo;

- Chỉ huy trưởng đơn vị cảnh sát cơ động, đặc nhiệm;

- 01 Phó Phòng y tế huyện đảo;

- 01 Lãnh đạo bộ phận quản lý bay tại Cảng hàng không Côn Đảo, Phú Quốc.

d) Cơ quan thường trực: Công an huyện đảo.

3. Nhiệm vụ, quyền hạn:

a) Được triệu tập theo đề nghị của cơ quan thường trực để chỉ đạo, điều hành các cơ quan, lực lượng Trung ương và địa phương liên quan thực hiện các biện pháp đối phó, biện pháp khắc phục khi xảy ra hành vi can thiệp bất hợp pháp nghiêm trọng cấp độ 1, cấp độ 2 xảy ra tại địa phương hoặc trong trường hợp cần thiết theo yêu cầu của Ban chỉ huy Khẩn nguy hàng không quốc gia, cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục Hàng không Việt Nam;

b) Báo cáo tình hình và xin ý kiến của Ban chỉ huy quốc gia về các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền trong quá trình đối phó; chịu sự chỉ đạo, điều hành của Ban chỉ huy Khẩn nguy hàng không cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

c) Quyết định của Trưởng Ban chỉ huy hoặc Phó trưởng Ban chỉ huy chủ trì là quyết định cuối cùng của Ban chỉ huy khi chỉ đạo, điều hành đối phó với trường hợp xảy ra hành vi can thiệp bất hợp pháp;

d) Cơ quan thường trực của Ban chỉ huy Khẩn nguy hàng không huyện đảo có nhiệm vụ, quyền hạn:

- Là Văn phòng thường trực của Ban chỉ huy;

- Triển khai thực hiện các quyết định, chỉ đạo, điều hành, yêu cầu của Ban chỉ huy, Trưởng ban, Phó trưởng Ban chỉ huy;

- Phối hợp với Cảng vụ Hàng không, doanh nghiệp cảng hàng không và các cơ quan, đơn vị liên quan theo dõi, tổng hợp tình hình, đánh giá nguy cơ khủng bố hàng không hoặc mức độ uy hiếp an ninh hàng không tại địa phương; kịp thời báo cáo Ban chỉ huy về nguy cơ xảy ra các hành vi can thiệp bất hợp pháp nghiêm trọng;

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng Phương án khẩn nguy đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp cụ thể tại cảng hàng không, sân bay, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đảo phê duyệt; thông báo Phương án khẩn nguy cho Cục Hàng không Việt Nam và các đầu mối thực hiện;

- Thay mặt Ban chỉ huy khi Ban chỉ huy chưa được triệu tập trong trường hợp xảy ra các tình huống can thiệp bất hợp pháp; báo cáo khẩn cấp và liên tục diễn biến vụ việc cho Ban chỉ huy để có quyết định kịp thời;

đ) Văn phòng Công an huyện đảo là trụ sở chính để Ban chỉ huy Khẩn nguy hàng không cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, điều hành việc đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp.

Chương 3.

TỔ CHỨC ĐỐI PHÓ TRỰC TIẾP VỚI HÀNH VI CAN THIỆP BẤT HỢP PHÁP

I. TRÁCH NHIỆM ĐỐI PHÓ BAN ĐẦU CỦA NGÀNH HÀNG KHÔNG

1. Cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu là đơn vị đối phó ban đầu với hành vi can thiệp bất hợp pháp đối với tàu bay đang bay. Người chỉ huy giai đoạn đối phó ban đầu triển khai các công việc sau:

a) Triển khai phương án điều hành tàu bay bị can thiệp bất hợp pháp, thực hiện các biện pháp ưu tiên trợ giúp cho tàu bay về điều hành bay và các trợ giúp cần thiết khác;

b) Báo cáo ngay cho Hệ thống quản lý vùng trời – quản lý bay, Bộ Quốc phòng để chuẩn bị tiếp nhận chỉ huy đối phó;

c) Thông báo cho các cảng hàng không, sân bay, hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu Việt Nam và nước ngoài, trung tâm tìm kiếm cứu nạn liên quan chuẩn bị thực hiện phương án khẩn nguy, phương án tìm kiếm cứu nạn;

d) Nhanh chóng đánh giá tình hình ban đầu, báo cáo Cục Hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Bảo đảm hoạt động bay.

2. Doanh nghiệp cảng hàng không là đơn vị đối phó ban đầu với mọi hành vi can thiệp bất hợp pháp tại cảng hàng không, sân bay; đối với trường hợp tàu bay đang bay là đơn vị phối hợp đối phó ban đầu. Người chỉ huy giai đoạn đối phó ban đầu triển khai các công việc sau:

a) Triển khai thực hiện phương án đối phó hành vi can thiệp bất hợp pháp, phương án khẩn nguy của cảng hàng không, sân bay;

b) Lệnh cho các đơn vị hàng không thuộc các phương án triển khai lực lượng; lệnh cho lực lượng an ninh hàng không bao vây, kiểm soát chặt chẽ việc ra, vào khu vực xảy ra hành vi can thiệp bất hợp pháp;

c) Quyết định sơ tán người, phương tiện, trang thiết bị, tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm trong trường hợp xét thấy cần thiết;

d) Tìm cách khống chế đối tượng thực hiện hành vi can thiệp bất hợp pháp; cho phép nổ súng trong trường hợp cần thiết theo quy định;

đ) Quyết định các biện pháp an ninh hàng không tăng cường cần thiết trên toàn cảng hàng không, sân bay;

e) Trong trường hợp có thể, tiến hành đối thoại sơ bộ với đối tượng thực hiện hành vi can thiệp bất hợp pháp nhằm tìm hiểu sự việc, yêu sách của đối tượng và những thông tin cần thiết phục vụ cho việc đối phó;

g) Triển khai các biện pháp có thể nhằm trì hoãn tàu bay cất cánh đối với trường hợp tàu bay đang đỗ tại cảng hàng không, sân bay bị can thiệp bất hợp pháp;

h) Thông tin cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu triển khai phương án điều hành tàu bay đang bay bị can thiệp bất hợp pháp; yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện các biện pháp ưu tiên trợ giúp cho tàu bay bị can thiệp bất hợp pháp hạ cánh, cất cánh;

i) Căn cứ cấp độ nghiêm trọng, loại hình của hành vi can thiệp bất hợp pháp và diễn biến tình hình thực tế, thông báo cho các đầu mối tiếp nhận thông tin của các lực lượng phối hợp đối phó trực tiếp để triển khai thực hiện theo phương án khẩn nguy;

k) Nhanh chóng đánh giá tình hình ban đầu, báo cáo Cục Hàng không Việt Nam, Văn phòng Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, huyện đảo liên quan.

3. Cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay là đơn vị đối phó ban đầu với mọi hành vi can thiệp bất hợp pháp tại cơ sở. Người chỉ huy giai đoạn đối phó ban đầu triển khai các công việc sau:

a) Triển khai thực hiện phương án đối phó của cơ sở;

b) Quyết định sơ tán người, phương tiện, trang thiết bị, tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm trong trường hợp xét thấy cần thiết;

c) Lệnh cho lực lượng an ninh của cơ sở bao vây, kiểm soát chặt chẽ việc ra, vào cơ sở, khu vực có hệ thống, thiết bị kỹ thuật cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay, khu vực xảy ra hành vi can thiệp bất hợp pháp.

d) Tìm cách khống chế đối tượng thực hiện hành vi can thiệp bất hợp pháp; cho phép nổ súng trong trường hợp cần thiết theo quy định;

đ) Trong trường hợp có thể, tiến hành đối thoại sơ bộ với đối tượng thực hiện hành vi can thiệp bất hợp pháp nhằm tìm hiểu sự việc, yêu sách của đối tượng và những thông tin cần thiết phục vụ cho việc đối phó;

e) Báo cáo Tổng Công ty Bảo đảm hoạt động bay để triển khai trợ giúp cung cấp thay thế dịch vụ bảo đảm hoạt động bay;

g) Căn cứ cấp độ nghiêm trọng, loại hình của hành vi can thiệp bất hợp pháp và diễn biến tình hình thực tiễn, thông báo cho các đầu mối tiếp nhận thông tin của các lực lượng phối hợp đối phó trực tiếp để triển khai thực hiện theo phương án khẩn nguy;

h) Nhanh chóng đánh giá tình hình ban đầu, báo cáo Cục Hàng không Việt Nam, Văn phòng Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan.

II. ĐẦU MỐI TIẾP NHẬN THÔNG TIN CỦA CÁC LỰC LƯỢNG PHỐI HỢP ĐỐI PHÓ TRỰC TIẾP.

1. Lực lượng công an:

a) Lực lượng chống phản động và chống khủng bố, lực lượng đặc nhiệm, lực lượng thương lượng chuyên nghiệp;

b) Công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quận huyện, xã phường;

2. Lực lượng quân đội:

a) Các đơn vị quản lý vùng trời, quản lý bay: Trung tâm Điều hành bay quốc gia, đơn vị phòng không, không quân liên quan;

b) Cục Tác chiến – Bộ Tổng tham mưu;

c) Bộ đội Đặc công, Bộ đội Hóa học, Bộ đội Công binh, Bộ đội Biên phòng, Hải quân có liên quan;

d) Lực lượng tìm kiếm cứu nạn: Văn phòng thường trực Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn.

3. Lực lượng y tế: Sở Y tế, bệnh viện trên địa bàn tỉnh, thành phố.

4. Các đầu mối tiếp nhận thông tin của các lực lượng phối hợp đối phó trực tiếp khi nhận được thông báo về hành vi can thiệp bất hợp pháp từ các đơn vị đối phó ban đầu của ngành hàng không, căn cứ cấp độ nghiêm trọng, loại hình của hành vi can thiệp bất hợp pháp và diễn biến tình hình thực tiễn được thông báo, triển khai lực lượng theo phương án đối phó, phương án điều động lực lượng, chỉ huy, tác chiến, tác nghiệp cụ thể của mình.

III. THƯƠNG THUYẾT

1. Trong trường hợp cho phép, việc thương thuyết được thực hiện với những đối tượng can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng, cụ thể như chiếm giữ bất hợp pháp tàu bay, cảng hàng không, sân bay, bắt giữ con tin…; có thông dịch viên trong trường hợp cần thiết.

2. Người thương thuyết phải được lựa chọn kỹ càng, được đào tạo hoặc có năng lực về kỹ thuật thương lượng, tâm lý tội phạm cùng những kiến thức cần thiết khác có liên quan.

3. Việc thương thuyết được thực hiện theo chỉ đạo của chỉ huy trưởng hiện trường.Việc chấp thuận các yêu sách liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự xã hội chỉ được thực hiện nếu được Thủ tướng Chính phủ hoặc trưởng Ban chỉ huy Khẩn nguy hàng không quốc gia cho phép.

IV. CHO PHÉP TÀU BAY BỊ CAN THIỆP BẤT HỢP PHÁP HẠ, CẤT CÁNH

1. Trường hợp tàu bay không mang quốc tịch Việt Nam, thực hiện chuyến bay bị can thiệp bất hợp pháp xin hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam, việc cho phép hạ cánh được chỉ huy trưởng thực hiện phương án đối phó quyết định nếu xét thấy cần thiết vì lý do an toàn cho tính mạng của con người trên tàu bay.

2. Trường hợp tàu bay bị can thiệp bất hợp pháp đang dưới mặt đất thì không cho phép tàu bay cất cánh, trừ trường hợp xét thấy cần thiết vì lý do an toàn cho tính mạng của con người trên tàu bay, được sự cho phép của chỉ huy trưởng thực hiện phương án đối phó.

V. LỰC LƯỢNG AN NINH HÀNG KHÔNG TRÊN TÀU BAY

Trong trường hợp trên tàu bay bị can thiệp bất hợp pháp có Lực lượng an ninh hàng không, việc nhận dạng Lực lượng an ninh, tín hiệu liên lạc ngầm, phương án đối phó của Lực lượng an ninh hàng không phải được thông tin đầy đủ cho Ban chỉ huy, Chỉ huy trưởng tại hiện trường để phối hợp hành động một cách hiệu quả.

VI. HỆ THỐNG THÔNG TIN LIÊN LẠC

1. Trong thời gian đang tổ chức đối phó với trường hợp can thiệp bất hợp pháp, mọi diễn biến vụ việc và công tác đối phó phải được thông tin kịp thời giữa Ban chỉ huy, Chỉ huy trưởng tại hiện trường, các lực lượng đối phó trực tiếp.

2. Đường dây thông tin vô tuyến, hữu tuyến phải được kết nối thông suốt liên tục giữa các trụ sở của Ban chỉ huy các cấp, giữa Ban chỉ huy với Chỉ huy trưởng tại hiện trường, giữa Chỉ huy trưởng tại hiện trường với các lực lượng đối phó trực tiếp.

3. Trưởng Ban chỉ huy, Chỉ huy trưởng lực lượng trực tiếp thực hiện đối phó chỉ định liên lạc viên để bảo đảm thông tin liên lạc trong trường hợp cần thiết.

VII. KẾT THÚC GIAI ĐOẠN ĐỐI PHÓ VỚI HÀNH VI CAN THIỆP BẤT HỢP PHÁP

1. Trưởng Ban chỉ huy Khẩn nguy hàng không thực hiện chức năng chỉ đạo, điều hành thực hiện phương án đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp quyết định kết thúc giai đoạn đối phó; tổ chức rút kinh nghiệm tổng thể toàn bộ quá trình đối phó, báo cáo cơ quan cấp trên; tổ chức họp báo.

2. Chỉ huy trưởng các lực lượng trực tiếp thực hiện phương án đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp tại hiện trường quyết định khoanh vùng duy trì việc bảo vệ khu vực hiện trường cần thiết để phục vụ cho công tác khám nghiệm và điều tra.

3. Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo việc khắc phục hậu quả và khôi phục các hoạt động hàng không trở lại bình thường; báo cáo cho Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế và các quốc gia khác có liên quan về hành vi can thiệp bất hợp pháp theo nghĩa vụ của quốc gia thành viên quy định tại các Công ước quốc tế.

VIII. PHÁT NGÔN

1. Chỉ có Trưởng Ban chỉ huy Khẩn nguy các cấp, Người phát ngôn chính thức được cung cấp thông tin liên quan đến công tác đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp cho các cơ quan thông tin đại chúng, người bị hại hay thân nhân của người bị hại; Ban chỉ huy Khẩn nguy các cấp chỉ định cán bộ là Người phát ngôn chính thức.

2. Cơ quan thường trực các cấp thu xếp địa điểm làm Trung tâm thông tin, cử người tham gia giúp việc cho Người phát ngôn chính thức.

3. Nội dung thông tin chính thức ra bên ngoài phải được Ban chỉ huy kiểm duyệt.

Chương 4.

CƠ SỞ ĐẢM BẢO, TRANG THIẾT BỊ, PHƯƠNG TIỆN VÀ TÀI LIỆU PHỤC VỤ ĐỐI PHÓ

I. TRUNG TÂM KHẨN NGUY HÀNG KHÔNG QUỐC GIA

1. Trung tâm Khẩn nguy hàng không quốc gia đặt tại Tổng Công ty Bảo đảm hoạt động bay.

2. Trung tâm phải đảm bảo thuận lợi cho các bộ phận hoạt động theo từng chức năng riêng và thuận lợi cho việc chỉ huy, điều hành, sinh hoạt của Ban chỉ huy; đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc thông suốt theo quy định.

II. TRUNG TÂM KHẨN NGUY CỦA TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG VÀ HUYỆN ĐẢO

1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, huyện đảo, căn cứ thực tiễn để quyết định vị trí thiết lập Trung tâm Khẩn nguy của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, huyện đảo trong đó có chức năng phục vụ cho việc chỉ đạo, điều hành đối phó với các hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng.

2. Trung tâm phải đảm bảo thuận lợi cho các bộ phận hoạt động theo từng chức năng riêng và thuận lợi cho việc chỉ huy, điều hành và sinh hoạt của Ban chỉ huy; đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc thông suốt theo quy định.

III. TRUNG TÂM KHẨN NGUY CỦA CẢNG HÀNG KHÔNG, SÂN BAY

1. Tại mỗi cảng hàng không, sân bay dân dụng phải thiết lập một Trung tâm Khẩn nguy của cảng hàng không, sân bay, trong đó có chức năng phục vụ cho việc chỉ đạo, điều hành đối phó với các hành vi can thiệp bất hợp pháp và chỉ huy thực hiện phương án khẩn nguy của cảng hàng không, sân bay.

2. Trung tâm Khẩn nguy của cảng hàng không, sân bay phải đảm bảo các yêu cầu sau:

a) Vị trí đặt Trung tâm phải thuận lợi cho việc chỉ huy điều hành đối phó;

b) Trung tâm phải đảm bảo thuận lợi cho các bộ phận hoạt động theo từng chức năng riêng và thuận lợi cho việc chỉ huy, điều hành và sinh hoạt của Ban chỉ huy; đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc thông suốt theo quy định.

3. Trong trường hợp do hành vi can thiệp bất hợp pháp không thể sử dụng được Trung tâm Khẩn nguy của cảng hàng không, sân bay, Trung tâm chỉ huy được chuyển về Trung tâm Khẩn nguy của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, huyện đảo.

IV. TRUNG TÂM CHỈ HUY LƯU ĐỘNG TẠI HIỆN TRƯỜNG

1. Tùy từng trường hợp, có thể thiết lập trung tâm chỉ huy lưu động tại hiện trường, được trang bị đủ trang thiết bị, phương tiện, hệ thống thông tin cần thiết tối thiểu phục vụ cho việc chỉ huy của Chỉ huy trưởng hiện trường và thông tin thông suốt với Ban chỉ huy.

2. Tại mỗi cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất ít nhất phải có hai xe chỉ huy có các trang thiết bị, phương tiện, hệ thống thông tin cần thiết tối thiểu để phục vụ cho việc thiết lập Trung tâm chỉ huy đối phó lưu động tại hiện trường.

V. KHU VỰC TẬP KẾT TẠI CẢNG HÀNG KHÔNG

1. Tại mỗi cảng hàng không, sân bay phải bố trí các khu vực tập kết thích hợp nhằm đảm bảo thuận lợi cho việc đối phó, an toàn cho các hoạt động bình thường khác và tiện lợi cho việc kiểm soát, di chuyển.

2. Các khu vực tập kết gồm:

a) Khu vực tập kết hành khách, hành lý, hàng hóa khi được đưa từ tàu bay xuống;

b) Khu vực tập kết của các lực lượng tham gia đối phó;

c) Khu vực tập kết nạn nhân để tiến hành sơ cấp cứu;

d) Khu vực chứa, vận chuyển và xử lý bom mìn.

VI. KHU VỰC ĐỖ BIỆT LẬP CỦA TÀU BAY BỊ CAN THIỆP BẤT HỢP PHÁP

1. Mỗi cảng hàng không, sân bay phải thiết lập khu vực đỗ biệt lập dành cho tàu bay bị can thiệp bất hợp pháp để ưu tiên sử dụng khi có thể.

2. Khu vực đỗ biệt lập phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Vị trí khu vực đỗ biệt lập không nằm trong sân đỗ chính và phải có một khoảng cách an toàn với nhà ga, nhà xưởng, ít gây ảnh hưởng tới hoạt động bình thường khác tại cảng hàng không, sân bay;

b) Thuận tiện cho việc quan sát và triển khai lực lượng đối phó.

VII. CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRANG THIẾT BỊ, PHƯƠNG TIỆN, HỆ THỐNG THÔNG TIN LIÊN LẠC, TÀI LIỆU VÀ HẬU CẦN, Y TẾ

1. Bảo đảm trang thiết bị

a) Quần áo chuyên dụng xử lý bom mìn, chất phóng xạ, áo giáp mũ chống đạn, mặt nạ phòng độc dùng cho cá nhân;

b) Thiết bị phát hiện, xử lý vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất hóa học và chất phóng xạ;

c) Phương tiện, thiết bị, chứa, vận chuyển, rà, phá, xử lý bom, mìn;

d) Thiết bị nhìn, bao gồm cả thiết bị nhìn ban đêm;

đ) Thiết bị phát hiện đối tượng (Phát hiện đối tượng sau các bức tường bằng bức xạ nhiệt);

e) Thiết bị thông tin liên lạc đặc chủng trang bị cho cá nhân;

g) Thiết bị y tế phục vụ cấp cứu nạn nhân;

h) Trang bị, thiết bị tìm kiếm, cứu nạn theo quy định;

i) Máy tính, vô tuyến, bàn ghế, tủ và các trang thiết bị văn phòng, ống nhòm, đồng hồ các loại cho biết giờ địa phương và giờ quốc tế, bảng trắng, bút đánh dấu, thước chỉ dẫn, đèn pin,…;

k) Màn hình camera để quan sát trực tiếp hiện trường, máy thu băng, vô tuyến truyền hình có thể xem được chương trình của địa phương và máy, màn hình thông báo về các chuyến bay đang hoạt động tại sân bay;

l) Găng tay, mũ, ủng và mặt nạ các loại.

2. Bảo đảm phương tiện

a) Xe chỉ huy (Trực tại các cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất);

b) Xe, thiết bị chữa cháy và các loại nguyên liệu chữa cháy;

c) Phương tiện vận chuyển lực lượng đối phó;

d) Xe cứu thương, lều bạt, cáng thương, dụng dụ y tế và thuốc men cho việc sơ cấp cứu;

đ) Phương tiện tìm kiếm, cứu nạn theo quy định;

e) Phương tiện thông tin liên lạc di động đặc chủng.

3. Bảo đảm hệ thống thông tin liên lạc

a) Hệ thống thu phát vô tuyến lưu động UHF,

b) Máy thu VHF có khả năng thu được tần số trong giải băng tần trên tàu bay từ 117,0 đến 136,0 MHz;

c) Hệ thống thông tin có thể đàm thoại được giữa Trung tâm chỉ huy và tàu bay, giữa Trung tâm chỉ huy với các lực lượng tham gia đối phó và Ban chỉ huy Khẩn nguy hàng không quốc gia, Ban chỉ huy Khẩn nguy các cấp;

d) Hệ thống điện thoại liên lạc được giữa Trung tâm chỉ huy với các cơ quan trọng yếu trong và ngoài cảng hàng không;

đ) Máy Fax, máy điện báo, đường truyền SITA với các hãng hàng không và thiết bị ghi âm;

e) Hệ thống trang thiết bị phục vụ thương thuyết.

4. Bảo đảm tài liệu phục vụ cho hoạt động đối phó.

a) Phương án đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp;

b) Các Chương trình an ninh hàng không;

c) Các phương án khẩn nguy của cảng hàng không, sân bay;

d) Phương án điều hành tàu bay đang bay bị can thiệp bất hợp pháp;

đ) Bản đồ cảng hàng không, sơ đồ hiện trường tỷ lệ 1/2000; 1/500 được vẽ trên giấy kẻ ô vuông (Các chi tiết thiết kế trong từng ô phải được thể hiện);

e) Sơ đồ bên trong của tất cả các loại máy bay đang hoạt động theo lịch tại sân bay (Những chi tiết kỹ thuật như chiều cao khung cửa tính từ mặt đất, các nơi có thể tiếp cận bí mật từ bên ngoài vào trong máy bay phải được thể hiện…)

g) Danh bạ điện thoại của tập thể, cá nhân liên quan đến việc chỉ đạo, chỉ huy, các cơ quan quan trọng của Chính phủ, các Đại sứ quán và các tổ chức, cá nhân cần thiết khác;

h) Tần số bộ đàm và các biểu đồ mạng lưới, danh hiệu để các nhân viên điều hành thiết bị sử dụng;

i) Phương án sơ cứu, cách ly nạn nhân.

5. Bảo đảm hậu cần, y tế

Bảo đảm hậu cần, y tế là việc bảo đảm ăn, ở, đi lại, chăm sóc sức khỏe, cấp cứu y tế cho các lực lượng tham gia đối phó và phục vụ các yêu cầu của quá trình đối phó bao gồm:

a) Lương thực, thực phẩm, nước uống;

b) Thiết bị, thuốc chữa bệnh, sơ cấp cứu tại hiện trường.

Chương 5.

DIỄN TẬP ĐỐI PHÓ

 

I. DIỄN TẬP ĐỐI PHÓ VỚI HÀNH VI CAN THIỆP BẤT HỢP PHÁP CẤP CƠ SỞ

1. Các đơn vị liên quan thuộc các lực lượng tham gia trực tiếp đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp tổ chức diễn tập đối phó cấp cơ sở theo chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, có sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan.

2. Diễn tập đối phó cấp cơ sở được tổ chức tối thiểu 01 năm/01 lần đối với mỗi ngành.

II. DIỄN TẬP ĐỐI PHÓ VỚI HÀNH VI CAN THIỆP BẤT HỢP PHÁP CẤP NGÀNH

1. Cục Hàng không Việt Nam phối hợp Ban chỉ huy Khẩn nguy cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, huyện đảo tổ chức diễn tập đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp cấp ngành, có sự tham gia của các đơn vị thuộc ngành hàng không, các lực lượng liên quan tại địa phương.

2. Diễn tập đối phó cấp ngành được tổ chức tối thiểu 02 năm/01 lần.

III. DIỄN TẬP ĐỐI PHÓ VỚI HÀNH VI CAN THIỆP BẤT HỢP PHÁP CẤP QUỐC GIA

1. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo tổ chức diễn tập đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp cấp quốc gia, có sự tham gia của các lực lượng liên ngành liên quan.

2. Diễn tập đối phó cấp quốc gia có thể được tiến hành cùng với diễn tập tìm kiếm cứu nạn cấp quốc gia do Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn tổ chức.

3. Diễn tập đối phó cấp quốc gia được tổ chức tối thiểu 03 năm/01 lần.

Chương 6.

KINH PHÍ

I. NGUỒN KINH PHÍ

1. Ngân sách Trung ương;

2. Ngân sách địa phương;

3. Kinh phí của doanh nghiệp.

II. NGUYÊN TẮC BỐ TRÍ KINH PHÍ

Lực lượng thuộc cơ quan cấp nào thì bố trí kinh phí và sử dụng từ nguồn kinh phí của cơ quan cấp đó, cụ thể:

1. Đối với kinh phí bảo đảm hoạt động cho Ban chỉ huy Khẩn nguy hàng không quốc gia, Trung tâm Khẩn nguy của Ban chỉ huy quốc gia; kinh phí tổ chức diễn tập đối phó cấp quốc gia, ngành; kinh phí cho hoạt động đào tạo, huấn luyện và mua sắm trang thiết bị của Ban chỉ huy và Trung tâm Khẩn nguy hàng không quốc gia quản lý do ngân sách Trung ương đảm nhận;

2. Đối với kinh phí bảo đảm hoạt động cho Ban chỉ huy Khẩn nguy hàng không tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, huyện đảo, Trung tâm Khẩn nguy của Ban chỉ huy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, huyện đảo; kinh phí tổ chức diễn tập đối phó cấp cơ sở, kinh phí cho hoạt động đào tạo, huấn luyện và mua sắm trang thiết bị của Ban chỉ huy và Trung tâm Khẩn nguy hàng không tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, huyện đảo quản lý do ngân sách địa phương đảm nhận.

3. Kinh phí cho các hoạt động nêu trên được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm. Việc lập, xây dựng dự toán và thanh toán kinh phí thực hiện theo đúng các quy định của Luật ngân sách nhà nước;

4. Các nhiệm vụ do doanh nghiệp thực hiện thì bố trí kinh phí của doanh nghiệp và được hạch toán vào chi phí kinh doanh để thực hiện./.