- 1Law No. 32/2001/QH10 of December 25, 2001 on organization of the Government
- 2Resolution No. 15/2008/QH12 of May 29, 2008, adjusting administrative boundaries of Hanoi city and related provinces
- 3Decision No. 490/QD-TTg of May 5, 2008, approving the planning on construction of hanoi capital region up to 2020, with a vision toward 2050.
- 4Law No. 16/2003/QH11 of November 26, 2003, on Construction.
- 5Law No. 30/2009/QH12 of June 17, 2009, on urban planning
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1259/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 26 tháng 07 năm 2011 |
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG THỦ ĐÔ HÀ NỘI ĐẾN NĂM 2030 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 ngày 29 tháng 5 năm 2008 của Quốc hội khóa XII về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan;
Căn cứ Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 05 tháng 5 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050;
Xét đề nghị của Bộ Xây dựng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với những nội dung chủ yếu sau đây:
1. Phạm vi, thời hạn lập quy hoạch
Phạm vi: Gồm toàn bộ diện tích theo địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội rộng khoảng 3.344,6km2.
Thời hạn quy hoạch: Định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
a) Tính chất
Là Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trung tâm đầu não chính trị, hành chính của cả nước, đô thị loại đặc biệt; là trung tâm văn hóa, giáo dục đào tạo và khoa học kỹ thuật quan trọng của cả nước; là một trong những trung tâm kinh tế, du lịch, thương mại, dịch vụ của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
b) Mục tiêu
Xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển bền vững, có hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, phát triển hài hòa giữa văn hóa, bảo tồn di sản, di tích lịch sử, với phát triển kinh tế, trong đó chú trọng kinh tế tri thức và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh theo hướng liên kết vùng, quốc gia, quốc tế. Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, đô thị phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực và quốc tế; có môi trường sống, làm việc tốt, sinh hoạt giải trí chất lượng cao và có cơ hội đầu tư thuận lợi.
3. Các chỉ tiêu phát triển đô thị
a) Quy mô dân số
Dự báo dân số đến năm 2020, khoảng 7,3 - 7,9 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 58 - 60%. Dân số đến năm 2030, khoảng 9,0 - 9,2 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 65 - 68%. Đến năm 2050, dân số tối đa khoảng 10,8 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 70 - 80%.
b) Quy mô đất đai
Đến năm 2020, tổng diện tích đất xây dựng đô thị và nông thôn khoảng 128.900 ha. Trong đó đất xây dựng đô thị khoảng 73.000 ha (chiếm khoảng 21,8% diện tích tự nhiên), chỉ tiêu khoảng 160 m2/người, bao gồm: Đất dân dụng khoảng 34.200 ha, chỉ tiêu khoảng 70 - 75 m2/người và đất ngoài dân dụng khoảng 38.800 ha.
Đến năm 2030, tổng diện tích đất xây dựng đô thị và nông thôn khoảng 159.600ha, trong đó đất xây dựng đô thị khoảng 94.700 ha (chiếm khoảng 28,3% diện tích tự nhiên), chỉ tiêu khoảng 150 m2/người, bao gồm đất dân dụng khoảng 48.100 ha, chỉ tiêu khoảng 80 m2/người và đất ngoài dân dụng khoảng 46.600 ha.
4. Định hướng tổ chức phát triển không gian
a) Mô hình phát triển không gian đô thị
Thủ đô Hà Nội phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các thị trấn được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia. Đô thị trung tâm được phân cách với các đô thị vệ tinh, các thị trấn bằng hành lang xanh (chiếm 70% diện tích đất tự nhiên của Thành phố).
b) Định hướng phát triển hệ thống đô thị
- Khu vực đô thị trung tâm được phát triển mở rộng từ khu vực nội đô về phía Tây, Nam đến đường vành đai 4 và về phía Bắc với khu vực Mê Linh, Đông Anh; phía Đông đến khu vực Gia Lâm và Long Biên. Là trung tâm chính trị hành chính, kinh tế, văn hóa, lịch sử, dịch vụ, y tế, đào tạo chất lượng cao của Thành phố Hà Nội và cả nước. Dự báo dân số đến năm 2020 đạt khoảng 3,7 triệu người; diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 45.300 ha; đất dân dụng khoảng 26.000 ha, chỉ tiêu khoảng 70m2/người và đất ngoài dân dụng khoảng 19.300 ha. Dân số đến năm 2030 đạt khoảng 4,6 triệu người; diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 55.200 ha; đất dân dụng khoảng 34.900 ha; chỉ tiêu đất xây dựng dân dụng khu vực nội đô khoảng 60 - 65 m2/người, khu vực mở rộng phía Nam sông Hồng khoảng 90 - 95 m2/người; đất ngoài dân dụng khoảng 20.300 ha. Gồm các khu vực sau:
+ Khu vực nội đô gồm:
Khu nội đô lịch sử giới hạn từ phía Nam sông Hồng đến đường vành đai 2, là khu vực bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long, các giá trị truyền thống của người Hà Nội. Bảo tồn, cải tạo không gian kiến trúc cảnh quan đô thị và tôn vinh văn hóa, lịch sử truyền thống của khu phố cổ, khu phố cũ, Hồ Gươm, Hồ Tây, Thành cổ … Điều chỉnh các chức năng sử dụng đất, di dời các cơ sở sản xuất, cơ sở đào tạo, y tế không phù hợp ra bên ngoài. Bổ sung hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, cải tạo chỉnh trang kiến trúc đô thị, cảnh quan, tăng cường cây xanh mặt nước và bảo vệ môi trường sống. Hạn chế phát triển nhà cao tầng và kiểm soát sự gia tăng dân số cơ học, giảm từ 1,2 triệu người xuống khoảng 0,8 triệu người.
Khu Nội đô mở rộng giới hạn từ đường vành đai 2 đến sông Nhuệ, là khu vực phát triển các khu đô thị mới, các trung tâm văn hóa, dịch vụ - thương mại cấp thành phố có chất lượng cao, kiến trúc hiện đại. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng đô thị đồng bộ hiện đại, chỉnh trang kiến trúc một số khu dân cư và làng xóm ven đô trong quá trình mở rộng đô thị. Dân số đến năm 2030 khoảng 0,85 - 0,9 triệu người.
+ Khu mở rộng phía Nam sông Hồng từ sông Nhuệ đến đường vành đai 4 gồm chuỗi các khu đô thị: Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Trì. Là khu vực phát triển dân cư mới đồng bộ và hiện đại, các trung tâm văn hóa, dịch vụ thương mại, tài chính của vùng, quốc gia. Dân số đến năm 2030 khoảng 1,2 - 1,4 triệu người.
+ Khu mở rộng phía Bắc sông Hồng, Nam sông Cà Lồ, gồm 3 khu vực chính:
Khu đô thị Long Biên - Gia Lâm - Yên Viên: phát triển dịch vụ thương mại, giáo dục, trung tâm y tế … gắn với các ngành công nghiệp công nghệ cao theo hướng các quốc lộ 5 và quốc lộ 1. Đến năm 2030 dân số khoảng 0,7 triệu người.
Khu đô thị Đông Anh: Phát triển thương mại giao dịch quốc tế, công nghiệp kỹ thuật cao, du lịch sinh thái, giải trí gắn với bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống khu di tích Cổ Loa, sông Thiếp và đầm Vân Trì; hình thành khu thể thao mới thành phố Hà Nội và Quốc Gia (phục vụ ASIAD), trung tâm triển lãm, thương mại Hà Nội (EXPO) và vui chơi giải trí của Thành phố. Đến năm 2030 dân số khoảng 0,55 triệu người.
Khu đô thị Mê Linh - Đông Anh: phát triển dịch vụ và các ngành công nghiệp sạch, kỹ thuật cao gắn với dịch vụ hàng không, sân bay Nội Bài, trung tâm trưng bày, hội chợ hoa và trung tâm khoa học công nghệ chuyên ngành hoa và cây cảnh. Đến năm 2030 dân số khoảng 0,45 triệu người.
+ Khu vực hai bên Sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô, là nơi bố trí các công viên, công trình văn hóa, giải trí lớn để tổ chức những sự kiện có ý nghĩa của Thủ đô. Khai thác, kế thừa Quy hoạch Cơ bản phát triển sông Hồng đoạn qua Hà Nội (đã được Thành phố Hà Nội tổ chức nghiên cứu) tiếp tục nghiên cứu phát triển đồng bộ hai bên đoạn tuyến chảy quan Thành phố, ảnh hưởng tới trục không gian cảnh quan văn hóa - đô thị Hồ Tây - Cổ Loa. Trên dọc tuyến sông Hồng, phần đất đoạn tuyến đi qua Tứ Liên không xây dựng công trình cao tầng làm ảnh hưởng tới trục không gian cảnh quan kết nối Hồ Tây - Cổ Loa.
- 5 đô thị vệ tinh gồm đô thị Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn, mỗi đô thị vệ tinh có chức năng hỗn hợp và đặc thù riêng, hoạt động tương đối độc lập để hỗ trợ và chia sẻ với đô thị trung tâm về nhà ở, đào tạo, công nghiệp, dịch vụ … Dự báo dân số đến năm 2020 khoảng 0,7 triệu người; đất xây dựng đô thị khoảng 24.300 ha, đất dân dụng khoảng 6.300 ha, chỉ tiêu khoảng 90m2/người và đất ngoài dân dụng khoảng 18.000 ha. Năm 2030 có dân số khoảng 1,3 - 1,4 triệu người, đất xây dựng đô thị khoảng 35.200 ha; đất dân dụng khoảng 11.000 ha; chỉ tiêu đất dân dụng khoảng 60 - 95 m2/người và đất ngoài dân dụng khoảng 24.200 ha. Dân số các đô thị vệ tinh từ nay đến năm 2030 phải phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố trong từng giai đoạn.
Đô thị vệ tinh Hòa Lạc có chức năng chính về khoa học công nghệ và đào tạo. Đầu tư các cơ sở trọng tâm là đại học quốc gia Hà Nội và khu công nghệ cao Hòa Lạc; tiếp tục hoàn thiện Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam gắn với hồ Đồng Mô - Ngải Sơn và vùng du lịch Ba Vì - Viên Nam, phát triển hệ thống hạ tầng đô thị hiện đại và đồng bộ như: Trung tâm y tế, các cơ sở giáo dục đại học, các dự án về đô thị mới như Tiến Xuân - Phú Mãn, Đông Xuân. Là đô thị cửa ngõ phía Tây Hà Nội, được gắn kết với đô thị trung tâm bằng hệ thống giao thông tốc độ cao trên đại lộ Thăng long và trục Hồ Tây - Ba Vì. Khu vực Hòa Lạc có khả năng dung nạp dân số khoảng 0,6 triệu người, đất xây dựng đô thị khoảng 18.000 ha, đất dân dụng khoảng 4.800 - 5.000 ha.
Đô thị vệ tinh Sơn Tây là đô thị văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng; trọng tâm là khu bảo tồn Thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm và phát triển mới trung tâm phục vụ du lịch gắn với hồ Xuân Khanh, các dịch vụ đào tạo, y tế và các đô thị mới. Là đô thị cửa ngõ phía Tây Bắc Hà Nội, được gắn kết với đô thị trung tâm bằng hệ thống giao thông công cộng trên quốc lộ 32 và đường Tây Thăng Long. Đến năm 2030 có dân số khoảng 0,18 triệu người, đất xây dựng đô thị khoảng 4.000 ha, đất dân dụng khoảng 1.700 ha.
Đô thị vệ tinh Xuân Mai là đô thị dịch vụ - công nghiệp hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp và hệ thống làng nghề; Phát triển các khu tiểu thủ công nghiệp, các trung tâm dịch vụ về thương mại, đào tạo đại học, cao đẳng …. Là đô thị cửa ngõ phía Tây Nam Hà Nội kết nối đô thị trung tâm với các tỉnh miền núi Tây Bắc qua hành lang quốc lộ 6 và Nam quốc lộ 6. Đến năm 2030 dân số khoảng 0,22 triệu người, đất xây dựng đô thị khoảng 4.500 ha, đất dân dụng khoảng 2.000 ha.
Đô thị vệ tinh Phú Xuyên là đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông và trung chuyển hàng hóa; xây dựng các khu, cụm công nghiệp để di dời công nghiệp từ các khu vực nội đô, khu vực Hà Tây (cũ) và hỗ trợ phát triển nông nghiệp cho vùng đồng bằng phía Nam sông Hồng. Hình thành các trung tâm dịch vụ trung chuyển hàng hóa, các khu nhà ở công nhân và các tiện ích đô thị khác như y tế chất lượng cao, đào tạo nghề … Xây dựng hệ thống hồ điều tiết nước nhân tạo lớn để phục vụ thoát nước, phù hợp với đặc điểm thấp trũng của khu vực. Là đô thị cửa ngõ phía Nam Hà Nội kết nối với đô thị trung tâm qua tuyến hành lang kinh tế Bắc Nam - quốc lộ 1A: Dân số đến năm 2030 đạt khoảng 0,12 - 0,13 triệu người, đất xây dựng đô thị 2.500 - 3.000 ha, đất dân dụng khoảng 900 ha.
Đô thị vệ tinh Sóc Sơn là đô thị phát triển về công nghiệp và dịch vụ hàng không, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, hình thành mới khu công nghiệp Mai Đình và các khu công nghiệp sạch; trung tâm y tế, khu đại học tập trung. Khai thác tiềm năng Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, hành lang kinh tế xuyên Á Côn Minh - Hà Nội - Quảng Ninh và vùng cảnh quan núi Sóc và chân núi Tam Đảo. Là đô thị cửa ngõ phía Bắc Thủ đô, kết nối với đô thị trung tâm qua tuyến quốc lộ 3, Thăng Long - Nội Bài và Nhật Tân - Nội Bài. Đến năm 2030, dân số khoảng 0,25 triệu người, đất xây dựng đô thị 5.500 ha, đất dân dụng khoảng 1.900 ha.
- Các thị trấn
Xây dựng các thị trấn theo mô hình đô thị sinh thái mật độ thấp, từ các thị trấn huyện lỵ hiện hữu như: Phùng, Tây Đằng, Liên Quan, Kim Bài, Vân Đình, Đại Nghĩa, Thường Tín, Phúc Thọ, Quốc Oai, Chúc Sơn và các thị trấn mới. Phát triển các thị trấn huyện lỵ trở thành trung tâm kinh tế - xã hội của các huyện, đầu mối về: hạ tầng kỹ thuật (cấp điện, cấp nước, giao thông, vệ sinh môi trường), dịch vụ công cộng (hành chính, thương mại, giáo dục, y tế …), sản xuất (công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chuyển giao công nghệ, thông tin, tài chính …) của thành phố. Dự báo đến năm 2020 có dân số khoảng 0,2 triệu người; đất xây dựng đô thị khoảng 3.400 - 3.500 ha, trong đó: đất dân dụng khoảng 1.900 ha, chỉ tiêu khoảng 95m2/người và đất ngoài dân dụng khoảng 1.500 - 1.600 ha. Đến năm 2030 có dân số khoảng 0,23 - 0,25 triệu người, đất xây dựng đô thị khoảng 4.100 - 4.300 ha trong đó: đất dân dụng khoảng 2.100 - 2.200 ha, chỉ tiêu khoảng 90 - 95m2/người và đất ngoài dân dụng khoảng 2.000 - 2.100 ha. Phát triển 3 thị trấn Phúc Thọ, Quốc Oai, Chúc Sơn thành các đô thị sinh thái.
c) Định hướng phát triển nông thôn
Phát triển nông thôn Hà Nội theo mô hình “Nông thôn mới”. Tập trung phát triển giao thông nông thôn, nâng cấp các tuyến đường liên xã, liên thôn, tái định cư tại chỗ dân cư có tuyến đường mới hoặc mở rộng đi qua. Các trung tâm xã tiếp cận với làng xóm và các khu dịch vụ đô thị bằng hệ thống giao thông được nâng cấp và xây dựng mới. Bảo tồn các nghề truyền thống di tích lịch sử văn hóa tôn giáo, cảnh quan thiên nhiên gắn với khai thác du lịch và giải trí. Hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao (vùng lúa năng suất cao, vùng sản xuất rau sạch theo công nghệ tiên tiến, duy trì và mở rộng các vùng trồng rau, hoa quả truyền thống, vùng chăn nuôi tập trung …). Kiểm soát, hạn chế phát triển lấy đất nông nghiệp để xây dựng mới, mở rộng không theo quy hoạch. Xây dựng các khu sản xuất làng nghề tập trung ở ngoài khu dân cư làm xóm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các làng nghề. Đối với nhà ở nông thôn, khuyến khích phát huy phát triển giá trị kiến trúc, bảo tồn không gian làng xóm truyền thống.
d) Định hướng không gian xanh và mặt nước.
- Không gian xanh của thành phố bao gồm hành lang xanh, vành đai xanh dọc sông Nhuệ, các nêm xanh và các công viên đô thị.
Hành lang xanh gồm khu vực nông thôn, hệ thống sông hồ, đồi núi, rừng tự nhiên, vùng nông nghiệp … được bảo vệ nghiêm ngặt để trở thành khu hậu cần phục vụ đô thị, giữ gìn cảnh quan và đảm bảo môi trường sống đô thị.
Vành đai xanh dọc sông Nhuệ là vùng đệm cách biệt giữa khu vực nội đô mở rộng với khu vực đô thị mở rộng phía Nam sông Hồng.
Các nêm xanh là vùng đệm xanh cách các khu đô thị mới dọc phía Đông tuyến đường vành đai 4 và phía Bắc sông Hồng.
Hệ thống công viên đô thị: Nâng cấp các không gian xanh hiện có, bổ sung thêm một phần quỹ đất các khu đất sau khi di dời các công sở, các cơ sở sản xuất công nghiệp …
Trong khu vực nội đô ưu tiên xây dựng mới và hoàn thiện các công viên, vườn hoa. Xây dựng công viên giải trí và chuyên đề như: Công viên lịch sử Cổ Loa; công viên văn hóa giải trí Hồ Tây, vườn thú, công viên Thống Nhất, Yên Sở, Mễ Trì …; công viên sinh thái gắn với hoạt động thể thao, kết nối liên hoàn với hệ thống cây xanh tự nhiên tại các khu vực Sóc Sơn, Ba Vì, Hương Tích và hệ thống sông hồ. Kiểm soát phát triển các làng xóm hiện hữu, xây dựng một số công trình công cộng ở quy mô nhỏ, thấp tầng gắn với đặc trưng sinh thái cây xanh và mặt nước Cổ Loa, sông Thiếp, đầm Vân Trì…
- Mặt nước: Giữ gìn và khôi phục hệ thống sông, hồ, đầm nước để cân bằng môi trường sinh thái, tăng cường khả năng tiêu thoát nước đô thị, phát huy giao thông thủy và hoạt động du lịch và vui chơi giải trí. Thiết lập các tuyến hành lang bảo vệ cho các sông, hồ, đập thủy lợi. Quy hoạch không gian cảnh quan sinh thái bảo vệ môi trường sinh học dọc các tuyến sông nối kết với các không gian xanh, các trung tâm văn hóa, kinh tế, xã hội lớn của thành phố và khu vực nội đô lịch sử để tạo ra các đặc trưng môi trường: Văn hóa, sinh thái, kiến trúc, mặt nước, cây xanh.
5. Định hướng phát triển các khu chức năng chính
a) Hệ thống cơ quan, công sở, an ninh quốc phòng
- Các cơ quan đầu não của Đảng, Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ đặt tại khu vực Ba Đình.
- Rà soát và di dời trụ sở làm việc của một số cơ quan Trung ương ra ngoài nội đô đến khu vực Mễ Trì và Tây Hồ Tây. Ưu tiên vị trí tại khu vực Tây Hồ Tây để bố trí thêm trụ sở các cơ quan Trung ương làm việc, tạo điều kiện liên hệ thuận lợi với trụ sở của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước và Chính phủ.
- Trụ sở cơ quan Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố bố trí tại khu vực xung quanh Hồ Gươm. Trên cơ sở di chuyển trụ sở một số cơ quan bộ - ngành, bố trí trụ sở các Sở, ngành của Thành phố tại các vị trí phù hợp để liên hệ thuận lợi với trụ sở của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố.
- Sắp xếp, nâng cấp, cải tạo chỉnh trang và giữ quỹ đất hiện trạng khu vực an ninh quốc phòng theo quy hoạch chuyên ngành an ninh quốc phòng.
b) Định hướng phát triển nhà ở
Đến năm 2030, diện tích bình quân nhà ở khu vực đô thị tối thiểu là 30m2 sàn sử dụng/người và nhà ở nông thôn tối thiểu là 25m2 sàn sử dụng/người. Khu vực nội đô, cải thiện điều kiện sống trong các khu ở, khu chung cư cũ, kiểm soát về mật độ xây dựng và tầng cao, bổ sung thêm các chức năng công cộng, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật. Kiểm soát quy hoạch và kiến trúc đối với nhà ở dân tự xây. Xây dựng nhà ở đạt tiêu chuẩn quốc gia đáp ứng cho nhiều đối tượng sử dụng trong các đô thị vệ tinh và các khu đô thị mới để giảm tải cho đô thị trung tâm.
c) Định hướng phát triển hệ thống giáo dục đào tạo.
- Các trường đào tạo đại học, cao đẳng:
Phân bố, sắp xếp lại hệ thống các trường đại học và cao đẳng, khu vực nội đô khống chế khoảng 30 vạn sinh viên. Xây dựng mới 3.500 - 4.500 ha các khu, cụm đại học, gồm: Gia Lâm khoảng 200 - 250 ha (5 - 6 vạn sinh viên); Sóc Sơn khoảng 600 - 650 ha (8 - 10 vạn sinh viên); Sơn Tây khoảng 300 - 350 ha (4 - 5 vạn sinh viên); Hòa Lạc khoảng 1.000 - 1.200 ha (12 - 15 vạn sinh viên); Xuân Mai khoảng 600 - 650 ha (8 - 10 vạn sinh viên); Phú Xuyên khoảng 100 - 120 ha (1,5 - 2 vạn sinh viên); Chúc Sơn khoảng 150 - 200 ha (2 - 3 vạn sinh viên). Thực hiện di dời hoặc xây dựng cơ sở 2 cho một số trường từ nội đô ra các đô thị vệ tinh hoặc các tỉnh trong vùng Thủ đô; quỹ đất sau khi di dời sử dụng vào mục đích công cộng phục vụ đô thị.
- Hệ thống giáo dục phổ thông và mầm non: Khu vực nội đô, tăng diện tích xây dựng trường thông qua dự án tái đầu tư quỹ đất chuyển đổi chức năng các cơ sở khu cụm công nghiệp, các trụ sở cơ quan …. Đẩy mạnh chương trình hiện đại hóa, chuẩn hóa các trường mầm non và phổ thông. Các đô thị mới, xây dựng đồng bộ hệ thống giáo dục phổ thông theo quy định hiện hành.
d) Định hướng phát triển hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Nâng cấp các bệnh viện, cơ sở y tế hiện có trong nội đô, khai thác phục vụ cộng đồng theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành; di chuyển các cơ sở y tế điều trị các bệnh truyền nhiễm, mức độ lây nhiễm cao ra khỏi nội đô. Dành quỹ đất cho các cơ sở nghiên cứu - đào tạo - khám chữa bệnh chất lượng cao.
Đầu tư xây dựng các tổ hợp công trình y tế chất lượng cao tầm cỡ quốc tế, quốc gia, như: trung tâm đào tạo - khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, sản xuất dược - trang thiết bị y tế và cơ sở 2 cho các bệnh viện Trung ương và Thành phố tại Gia Lâm - Long Biên (khoảng 50 ha), Hòa Lạc (khoảng 200 ha); Sóc Sơn (khoảng 80 - 100 ha); Phú Xuyên (khoảng 200 ha), Sơn Tây (khoảng 50 ha). Các khu đô thị mở rộng, đô thị vệ tinh, đô thị sinh thái và các thị trấn hiện hữu xây dựng hệ thống bệnh viện thành phố, quận huyện và phòng khám đa khoa theo tiêu chuẩn và quy chuẩn xây dựng Việt Nam. Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở.
đ) Định hướng phát triển hệ thống công trình văn hóa.
Hoàn chỉnh mạng lưới công trình văn hóa theo tầng bậc ở các khu đô thị và các điểm dân cư nông thôn tại Hà Nội. Cải tạo chỉnh trang các trung tâm văn hóa hiện có của khu vực nội đô lịch sử và các khu dân cư hiện hữu. Xây dựng mới và tiếp tục hoàn thiện Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam, các công trình văn hóa tiêu biểu của Thủ đô như bảo tàng, nhà hát … gắn với cảnh quan thiên nhiên sông Hồng, khu vực Tây Hồ Tây; Cổ Loa, Hoàng thành Thăng Long và trên các trục giao thông không gian chính, các trung tâm văn hóa lớn của Hà Nội. Thiết lập hệ thống quảng trường văn hóa, các không gian giao lưu cộng đồng, các không gian đi bộ gắn với các công trình tượng đài, tượng đường phố, tranh tường nghệ thuật lớn … gắn kết với các khu cây xanh, công viên, cơ quan, công trình hành chính công cộng, cơ quan công sở, khu vui chơi giải trí.
e) Định hướng phát triển hệ thống công trình thể dục thể thao.
Xây dựng mới trung tâm thể dục thể thao tầm cỡ quốc tế và khu vực tại phía Bắc sông Hồng phục vụ ASIAD (hoặc Olympic trong tương lai), trung tâm thể thao Hồ Tây, các trung tâm giải trí thể thao gắn với công viên giải trí lớn của Thủ đô như: Trung tâm thể thao địa hình, tổ hợp thể thao đa loại hình … Hoàn thiện trung tâm thể thao quốc gia Mỹ Đình. Cải tạo và nâng cấp các cơ sở thể dục thể thao cũ trong thành phố. Xây dựng hoàn chỉnh các công trình thể thao trong các khu đô thị mới, khu dân cư cũ và các trường học.
g) Định hướng phát triển hệ thống dịch vụ thương mại.
- Khu vực đô thị trung tâm: xây dựng mới trung tâm hội chợ triển lãm thương mại cấp quốc gia, quốc tế tại Mễ Trì và Đông Anh; trung tâm tài chính, ngân hàng, thương mại dịch vụ quốc tế tại Tây Hồ Tây và Đông Anh; trung tâm dịch vụ thương mại tài chính ngân hàng tại các khu đô thị Hà Đông, Đan Phượng, Hoài Đức, Thường Tín - Thanh Trì và dọc tuyến đường vành đai 4. Xây dựng mới trung tâm thương mại tổng hợp của thành phố khoảng 10 - 15 ha/khu tại Thượng Đình, Vĩnh Tuy … trên đất các khu công nghiệp, công sở chuyển đổi; cải tạo và nâng cấp các công trình thương mại dịch vụ đã có theo tầng bậc phục vụ các cấp. Khuyến khích sử dụng không gian ngầm trong các công trình thương mại dịch vụ, nhà ga đầu mối để phát triển các dịch vụ thương mại.
- Tại các đô thị vệ tinh và các thị trấn: xây dựng mới các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ … đồng bộ, hiện đại và các tuyến, trục phố thương mại.
- Tại khu vực nông thôn: cải tạo và nâng cấp các chợ truyền thống; phát triển mở rộng các chợ đầu mối thu mua nông sản, trung tâm mua sắm - thương mại dịch vụ tổng hợp vừa và nhỏ, chợ bán lẻ.
- Khu vực đầu mối giao thông: hình thành 02 khu dịch vụ, phân phối, trung chuyển hàng hóa tại Sóc Sơn và Phú Xuyên. Xây dựng mạng lưới chợ đầu mối nông sản tổng hợp cấp vùng khoảng 20 - 30 ha/chợ gắn với các vùng nông nghiệp lúa, rau, hoa quả, sản lượng cao tại 05 khu vực: Phía Bắc (Mê Linh), phía Nam (Phú Xuyên), phía Tây (Quốc Oai), phía Đông (Long Biên, Gia Lâm), phía Tây Bắc (Sơn Tây). Xây dựng mạng lưới trung tâm bán buôn và mua sắm cấp vùng khoảng 20 ha/trung tâm gắn với khu vực đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh và các đầu mối giao thông liên Vùng tại Sóc Sơn, Phú Xuyên, Hòa Lạc, Chúc Sơn, Gia Lâm.
h) Định hướng phát triển du lịch
Xây dựng cụm du lịch lịch sử - văn hóa quốc gia Hồ Tây - Cổ Loa - Vân Trì, khu du lịch văn hóa sinh thái Đồng Quan núi Sóc; cụm du lịch nghỉ dưỡng Ba Vì - Suối Hai; du lịch văn hóa tâm linh chùa Thầy, chùa Tây Phương, chùa Trăm gian …; khu du lịch thể thao Đồng Mô - Ngải Sơn, Ao Vua, Khoang Xanh, Suối Hai, vườn Quốc gia Ba Vì … Hình thành khu du lịch thắng cảnh, văn hóa tâm linh Hương Sơn và các cụm sinh thái, nghỉ dưỡng Viên Nam. Hình thành cụm du lịch văn hóa tâm linh, làng nghề Hà Đông - Quan Sơn - Hương Sơn. Phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp, sinh thái rừng và làng nghề gắn với bảo vệ phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các di tích lịch sử, di sản văn hóa, cảnh quan sinh thái núi, sông, hồ, đầm, nông - lâm nghiệp … và các khu khoa học nghệ thuật đặc sắc của Hà Nội. Phát triển du lịch đường thủy trên các sông Hồng, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tích.
i) Định hướng phát triển công nghiệp.
Phát triển công nghiệp sạch, ít ô nhiễm, các khu công nghệ cao; Di dời các cơ sở công nghiệp đã có trong các quận nội thành theo loại hình ngành nghề phù hợp. Quỹ đất công nghiệp sau khi di dời một phần dành để xây dựng hệ thống hạ tầng xã hội, cây xanh, bãi đỗ xe và dịch vụ công cộng …
Hình thành các khu công nghệ cao, khu cụm công nghệ khoảng 8.000 ha. Phía Bắc bao gồm Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm, Từ Liêm khoảng 3.200 ha; Ưu tiên phát triển công nghiệp điện tử - công nghệ thông tin, cơ khí, sản xuất ôtô, công nghiệp vật liệu mới, hóa dược - mỹ phẩm, dệt may … Phía Nam thuộc Thường Tín, Phú Xuyên khoảng 1.500 ha: Ưu tiên phát triển ngành công nghiệp sinh học phục vụ nông nghiệp (nông nghiệp công nghệ cao), chế biến nông sản công nghệ hiện đại với nguyên liệu đầu vào từ vùng phát triển nông nghiệp thuộc các tỉnh phía Nam Hà Nội; phát triển công nghiệp hỗ trợ (dệt may, da giày, cơ khí chế tạo, điện tử tin học, sản xuất và lắp ráp ôtô) … Phía Tây là Hòa Lạc, Xuân Mai, Miếu Môn khoảng 1.800 ha: Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chủ đạo là công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp, hóa dược - mỹ phẩm, công nghệ điện tử, cơ khí chính xác, công nghệ vật liệu mới, công nghệ nano, công nghệ năng lượng mới, vật liệu xây dựng, nội thất cao cấp …. Tại các thị trấn khoảng 1.400 - 1.500 ha: Ưu tiên phát triển công nghiệp sinh thái, chế biến nông sản thực phẩm chất lượng cao …
Quy hoạch phát triển hệ thống cơ sở sản xuất làng nghề hiện có trong vùng nông thôn: Kiểm tra các cơ sở sản xuất và các làng nghề hiện đang nằm đan xen trong các làng xóm và điểm dân cư nông thôn để có biện pháp quản lý chặt chẽ về môi trường và hạ tầng. Giữ gìn và phát triển các nghề thủ công truyền thống, những làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường phải được đưa vào khu, cụm công nghiệp tập trung. Phát triển giao thông kết nối giữa điểm sản xuất với các tuyến đường chính, xây dựng trung tâm dịch vụ hỗ trợ tại chỗ để phục vụ cho khách tham quan làng nghề và giới thiệu mua bán sản phẩm.
6. Định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật
a) Về hệ thống giao thông
- Định hướng chung:
Tăng cường phát triển hệ thống giao thông vận tải hành khách công cộng nhằm đáp ứng phần lớn nhu cầu đi lại của thành phố như: Xe buýt nhanh (BRT), đường sắt đô thị; xây dựng một số tuyến đường nhiều tầng từ vành đai 4 trở vào. Xây dựng hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống giao thông vận tải đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố theo từng giai đoạn. Tổ chức giao thông hợp lý tại các nút giao thông, các tuyến đường, đảm bảo lưu thông trong nội đô và tại các cửa ngõ của đô thị, góp phần giải quyết ách tắc và tai nạn giao thông.
Tỷ lệ đất giao thông khu vực đô thị trung tâm chiếm 20% - 26% đất xây dựng đô thị. Vận tải hành khách công cộng năm 2020 đáp ứng 35% tổng lượng hành khách, năm 2030 khoảng 55%; tỷ lệ đất giao thông các đô thị vệ tinh chiếm 18% - 23% đất xây dựng đô thị, vận tải hành khách công cộng năm 2020 đáp ứng 26%; năm 2030 khoảng 43%; tỷ lệ đất giao thông các thị trấn chiếm 16% - 20%.
Liên kết khu vực đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh bằng các loại phương tiện vận tải hành khách công cộng: đường sắt ngoại ô, BRT, ôtô buýt.
- Giao thông đối ngoại:
+ Giao thông đường bộ: Xây dựng, hoàn thiện hệ thống đường cao tốc hướng tâm, bao gồm 7 tuyến: Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hạ Long, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Hòa Bình, Cao tốc Tây Bắc - Quốc lộ 5, Hà Nội - Ninh Bình - Thanh Hóa. Xây dựng mới và cải tạo đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2. Hoàn thiện các tuyến vành đai 3, 4 và 5; cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ hướng tâm: QL 1A, QL 6, QL 21B, QL32, QL2, QL3, QL5. Xây mới các trục giao thông kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh và các trục giao thông nội vùng: Ngọc Hồi - Phú Xuyên, Hà Đông - Xuân Mai, trục Hồ Tây - Ba Vì, Tây Thăng Long, Đỗ Xá - Quan Sơn, trục kinh tế Bắc - Nam, Miếu Môn - Hương Sơn, trục kinh tế phía Nam, Lê Văn Lương kéo dài - Chúc Sơn và các tuyến tỉnh lộ hướng tâm quan trọng.
Trên các tuyến trục chính đô thị, quy hoạch các cụm tổ hợp công trình phục vụ công cộng, văn phòng, theo hướng không gian mở, kiến trúc hiện đại, tạo đặc trưng đô thị. Phát triển có kiểm soát về kiến trúc, cảnh quan các trục không gian hướng tâm về nội đô Hà Nội.
Xây mới 8 cầu và hầm qua sông Hồng. Xây dựng mới 03 cầu, cải tạo và hoàn chỉnh 02 cầu qua sông Đuống; xây dựng mới 02 cầu qua sông Đà và cải tạo xây dựng hệ thống các bến, bãi đỗ xe liên tỉnh và đầu mối kết hợp các điểm đầu cuối xe buýt.
+ Giao thông đường sắt: Xây dựng và cải tạo hệ thống đường sắt và ga đường sắt quốc gia và quốc tế: Hà Nội- Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội - Lào Cai; Hà Nội - Hạ Long, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Nguyên; xây dựng mới đường sắt vành đai dọc theo vành đai 4; nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội - Vinh; các tuyến đường sắt nội vùng: Hà Nội - Hòa Bình, Hà Nội - Bắc Giang, Hà Nội - Hải Dương, Hà Nội Hưng Yên, Hà Nội - Phủ Lý. Xây dựng các trung tâm tiếp vận nhằm phân phối và trung chuyển hành khách, hàng hóa giữa các loại hình vận tải đường sắt với đường bộ gắn với hệ thống ga đầu mối như: ga Ngọc Hồi, ga Bắc Hồng, ga Cổ Bi, ga Tây Hà Nội.
+ Giao thông đường hàng không: Nâng cấp cảng hàng không quốc tế Nội Bài sau năm 2030 đạt 50 triệu hành khách/năm; sân bay Gia Lâm phục vụ nội địa tầm ngắn; sân bay Hòa Lạc, Miếu Môn chủ yếu phục vụ quân sự, có thể phục vụ dân sự khi có nhu cầu, sân bay Bạch Mai là sân bay cứu hộ, trực thăng.
Giao thông đường thủy: Cải tạo nạo vét luồng tuyến, nâng cấp xây mới các cảng, bến thủy dọc sông sông Đà, sông Đuống, sông Hồng phục vụ giao thông thủy liên kết với mạng lưới toàn quốc. Cải tạo sông Đáy, sông Tích, sông Nhuệ, sông Cà Lồ phục vụ cho du lịch.
- Giao thông đô thị
+ Giao thông đường bộ:
Khu vực đô thị trung tâm: Tiếp tục, xây dựng, cải tạo, hoàn thiện liên thông các tuyến đường vành đai, các trục hướng tâm, các trục chính đô thị đồng bộ với các nút giao thông. Hoàn thiện và xây dựng đường tầng một phần của tuyến vành đai 2, vành đai 3 và một số tuyến hướng tâm.
Các đô thị vệ tinh: Hệ thống giao thông được quy hoạch thống nhất đồng bộ và hiện đại, phù hợp tính chất chức năng, quy mô và điều kiện đặc thù của các đô thị, đảm bảo liên hệ nhanh chóng với đô thị trung tâm và các đô thị khác.
Các thị trấn: Mạng lưới đường phát triển trên cơ sở kết hợp giữa nâng cấp cải tạo hệ thống đường hiện có với xây dựng mới đồng bộ và hiện đại, phù hợp với điều kiện tự nhiên sinh thái đặc thù của các thị trấn, đảm bảo liên hệ nhanh chóng với đô thị trung tâm và các đô thị khác.
+ Giao thông tĩnh: Tăng cường hệ thống bãi đỗ xe ngầm tại các công viên, vườn hoa, dưới các tổ hợp công trình quy mô lớn, bố trí các bãi đỗ xe tập trung kết hợp với các chức năng sử dụng đất khác trên cơ sở quỹ đất chuyển đổi các khu công nghiệp, trụ sở cơ quan, trường học trong nội đô.
+ Giao thông đường sắt:
Xây mới các tuyến đường sắt đô thị kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh. Đô thị trung tâm xây dựng 8 tuyến đường sắt đô thị theo các giai đoạn. Kết hợp xây dựng công trình dịch vụ, công cộng với xây dựng các ga đường sắt đô thị.
+ Giao thông đường thủy:
Cải tạo, bổ sung điều tiết nguồn nước vào mùa cạn cho các tuyến sông Cà Lồ, Sông Đáy, sông Tích, sông Thiếp - Ngũ Huyện Khê, hệ thống sông Nhuệ - Tô Lịch phục vụ khai thác vận tải thủy du lịch, nghỉ ngơi bằng tàu nhỏ. Xây dựng các bến thuyền du lịch dọc các sông.
b) Về chuẩn bị kỹ thuật đất đai
Quy hoạch san đắp nền phải kết hợp chặt chẽ với quy hoạch thoát nước mưa, phải đảm bảo không bị ảnh hưởng của lũ lụt, các tác động bất lợi của thiên nhiên và việc biến đổi khí hậu. Cao độ nền khống chế của từng đô thị được lựa chọn theo chế độ thủy văn của sông, suối ảnh hưởng trực tiếp tới đô thị; tuân thủ quy chuẩn hiện hành, mức độ quan trọng, không mâu thuẫn với các quy hoạch đã được duyệt và hài hòa với các khu vực đã xây dựng liền kề.
c) Về thoát nước mặt
Thoát nước mặt đô thị phù hợp với quy hoạch tiêu thủy lợi về phân chia 3 lưu vực chính Tả Đáy, Hữu Đáy và Bắc Hà Nội. Hướng thoát nước theo địa hình tự nhiên là chính và về các trạm bơm tiêu được xây dựng trong vùng.
Hệ thống hồ điều hòa phân bổ đều trên các lưu vực và đạt tỷ lệ 5% - 7% diện tích lưu vực. Khai thông, mở rộng, nạo vét các trục tiêu chính đi qua đô thị như: Sông Hồng, sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tích, sông Hang, kênh La Khê, kênh Vân Đình, sông Hoàng Giang - Ngũ Huyện Khê, sông Cà Lồ …
Xây dựng kè tất cả các đoạn sông xung yếu, các đoạn sông đi qua lòng đô thị để tránh sạt lở, đảm bảo mỹ quan và tránh lấn chiếm.
d) Về phòng chống lũ lụt
Tuân thủ mức đảm bảo phòng, chống lũ và chỉ giới thoát lũ theo các quy hoạch phòng chống lũ trên hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình, quy hoạch phòng chống lũ của từng tuyến sông có đê trên địa bàn Hà Nội đã được phê duyệt. Các công trình phân lũ, chậm lũ sẽ thực hiện theo các quy định cụ thể của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và thành phố Hà Nội.
Chống lũ ngang khu vực Chương Mỹ, nâng cấp hai hồ chứa Đồng Sương và Văn Sơn, xây dựng tuyến mương hở phía Tây đường Hồ Chí Minh để gom lũ bảo đảm không tràn vào đô thị.
đ) Về cấp nước
Khai thác sử dụng hợp lý các nguồn nước, ưu tiên nước mặt và dần thay thế nguồn nước ngầm bằng nguồn nước mặt từ sông Đà, sông Đuống và sông Hồng, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và tăng tỷ lệ tái sử dụng nước trong công nghiệp, sinh hoạt, công cộng.
Các công trình đầu mối cấp nước chính: Nâng công suất nhà máy nước mặt sông Đà đạt 1.200.000 m3/ngày đêm; Xây dựng mới các nhà máy nước mặt sông Hồng đạt 450.000 m3/ngày đêm; sông Đuống đạt 600.000 m3/ngày đêm. Tổng công suất các nhà máy nước ngầm đạt 475.000 m3/ngày đêm, các trạm cấp nước khu vực nông thôn khoảng 250.000 m3/ngày đêm. Xây dựng hệ thống đường ống truyền tải, phân phối, trạm bơm, bể chứa, công trình phụ trợ, hệ thống cấp nước chữa cháy.
e) Về cấp điện và chiếu sáng đô thị
Mở rộng nâng cấp trạm 500 kV Thường Tín, xây mới các trạm 500 kV Quốc Oai, Đông Anh, Đan Phượng và Hiệp Hòa (trên địa bàn tỉnh Bắc Giang) đến năm 2030 đạt tổng công suất là 11.700 MVA. Xây dựng mới tuyến 500 kV Thường Tín – Quốc Oai – Đan Phượng và đấu nối với tuyến 500 kV từ Sơn La đi Hiệp Hòa, tuyến 500 kV Hiệp Hòa – Đông Anh – Phố Nối. Cải tạo mở rộng 05 trạm 220 kV hiện có là Sóc Sơn, Mai Động, Chèm, Hà Đông, Xuân Mai và xây dựng mới 21 trạm khác với tổng công suất đến năm 2030 đạt 14.250 MVA.
Từng bước, ngầm hóa các đường dây 220 kV, 100 kV hiện có trong phạm vi đô thị trung tâm. Lưới điện xây dựng mới và cải tạo lại trong phạm vi đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh phải đi ngầm. Trạm điện trong khu vực đô thị sử dụng trạm kín, đồng bộ để tiết kiệm quỹ đất và đảm bảo cảnh quan.
Cải tạo, hoàn chỉnh hệ thống chiếu sáng đô thị phù hợp với tính chất chức năng của công trình và tiêu chuẩn quy định. Tỷ lệ 100% đường đô thị và trên 90% đường ngõ xóm được chiếu sáng hiệu suất cao. Hình thành nên trung tâm điều khiển chiếu sáng tập trung cho toàn bộ các khu vực đô thị.
g) Về thoát nước thải, xử lý chất thải rắn và nghĩa trang
- Thoát nước thải:
Tỷ lệ thu gom nước thải đô thị đạt 100%. Cải tạo, nâng cấp hệ thống cống tại các khu vực nội thành, các khu đô thị cũ; khu đô thị mới phải xây dựng hệ thống thoát nước thải riêng, xử lý nước thải tập trung. Các trạm xử lý nước thải khu vực đô thị phải đảm bảo vệ sinh môi trường, có dây chuyền công nghệ hiện đại, hợp khối, tiết kiệm quỹ đất và giảm khoảng cách ly đến các khu dân cư. Khu vực nông thôn xây dựng hệ thống thoát nước chung, ưu tiên xử lý nước thải sinh học trong điều kiện tự nhiên. Các cơ sở y tế, công nghiệp phải thu gom nước thải riêng và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường.
- Chất thải rắn:
Tỷ lệ thu gom chất thải đô thị đạt 90 – 100%, vùng nông thôn đạt trên 85%, cần phân loại rác thải từ nguồn. Xây dựng mới và mở rộng 12 khu xử lý chất thải rắn tập trung có quy mô lớn tại các huyện: Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Phú Xuyên, Thanh Oai, Chương Mỹ, Thạch Thất, Sơn Tây và xây dựng mới khu xử lý chất thải rắn liên tỉnh tại Lương Sơn. Tổng nhu cầu đất xây dựng các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt khoảng 356 ha, trong đó diện tích xây dựng mới bổ sung khoảng 230 ha.
Các khu xử lý CTR có quy mô lớn chọn công nghệ hiện đại, tỷ lệ tái chế, đốt rác để sản xuất điện đạt 60 – 85%; chôn lấp hợp vệ sinh đạt 15 – 40%. Các khu xử lý quy mô nhỏ tại khu vực nông thôn ưu tiên sử dụng công nghệ chôn lấp và tái chế phục vụ nông nghiệp. Trên địa bàn mỗi huyện cần xây dựng khu xử lý CTR phục vụ nhu cầu từng địa phương.
- Nghĩa trang:
Tỷ lệ hỏa táng dự kiến đạt trên 40%. Từng bước ngừng hung táng tại các nghĩa trang tập trung hiện có từ năm 2013: Vạn Phúc (Hà Đông); Xuân Đỉnh (Từ Liêm), Mai Dịch 1, Yên Kỳ 1. Nghĩa trang Văn Điển chỉ duy trì hỏa táng, cát táng. Đóng cửa các nghĩa trang phân tán đã lấp đầy trong khu vực nội đô và trồng cây xanh cách ly đảm bảo môi trường cảnh quan.
Mở rộng và xây dựng mới các nghĩa trang tập trung và xây dựng mới nhà hỏa táng để phục vụ đô thị tại các huyện ngoại thành; kết hợp sử dụng nghĩa trang công viên tại các tỉnh trong vùng Thủ đô. Trên địa bàn mỗi huyện cần xây dựng khu nghĩa trang phục vụ nhu cầu từng địa phương. Các nghĩa trang nhân dân nằm rải rác phải dành quỹ đất để trồng cây xanh ngăn cách.
h) Về thông tin liên lạc
Hệ thống thông tin liên lạc xây dựng theo công nghệ mới, hiện đại, hội tụ được các loại hình viễn thông, Internet, truyền hình và tiếp thu công nghệ mới của thế giới.
Nâng cấp mở rộng hệ thống chuyển mạch, truyền dẫn toàn Thành phố. Triển khai đồng bộ mạng cáp ngầm theo hệ thống công trình ngầm đô thị. Đầu tư nâng cấp hạ tầng thông tin để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và làm cơ sở triển khai Chính phủ điện tử. Hoàn thành việc xây dựng mạng diện rộng của Thành phố phục vụ các hoạt động kinh tế - xã hội - văn hóa và quản lý phát triển đô thị của Thủ đô.
Quản lý và tối ưu hệ thống hạ tầng khung cho phát triển mạng thông tin di động, khai thác các vệ tinh viễn thông phát triển dịch vụ. Phát triển, nâng cao chất lượng mạng lưới bưu chính, kết hợp cung cấp các dịch vụ công ích với các dịch vụ thương mại đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội.
i) Định hướng bảo vệ môi trường.
- Định hướng giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Giảm thiểu ô nhiễm bằng việc thiết lập hệ thống giao thông công cộng hiện đại kết hợp với sử dụng nhiên liệu hiệu quả trong hoạt động giao thông.
Di dời các cơ sở công nghiệp cũ, cơ sở y tế điều trị các bệnh truyền nhiễm ra khỏi nội thành, góp phần làm giảm áp lực ô nhiễm môi trường đối với đô thị trung tâm. Bảo tồn các hệ sinh thái và đa dạng sinh học với 70% tổng diện tích đất tự nhiên dành cho hành lang xanh nhằm giữ cân bằng sinh thái đô thị, điều hòa khí hậu, giảm thiểu ô nhiễm, tăng sức tải môi trường.
- Phân vùng kiểm soát, bảo vệ môi trường.
Vùng bảo tồn hạn chế phát triển gồm các khu phố cổ, phố cũ, đô thị Sơn Tây, Hương Sơn, các vùng di tích văn hóa, các khu vực bảo tồn di sản, bảo vệ cảnh quan và phục hồi môi trường.
Vùng kiểm soát chất lượng môi trường tại khu vực đô thị trung tâm mới phát triển, dọc các đường vành đai 2, vành đai 3. Kiểm soát chất lượng môi trường không khí do hoạt động giao thông, chất lượng nước các sông hồ, cải thiện môi trường các khu ở cũ.
Kiểm soát các cơ sở gây ô nhiễm như: khu vực công nghiệp cũ phía Nam Hà Nội (Thượng Đình, Minh Khai, Pháp Vân, Văn Điển), Đức Giang, Long Biên, Đông Anh … Xử lý triệt để các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm, phục hồi các kênh mương, hồ ô nhiễm, cải tạo hệ thống thoát nước, giảm thiểu ô nhiễm không khí, tiếng ồn.
Kiểm soát môi trường đô thị và khu công nghiệp khu vực đô thị lõi mở rộng từ sông Nhuệ đến vành đai 4. Cải thiện môi trường làng nghề, giảm nhẹ tác động do thay đổi sử dụng đất, nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo việc làm, tái định cư, kiểm soát ô nhiễm môi trường đô thị và công nghiệp.
Khu vực đô thị mới Hòa Lạc, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Xuân Mai, Mê Linh – Đông Anh, Phú Xuyên giám sát ô nhiễm, phát triển nông nghiệp sinh thái, xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.
Vùng phòng hộ môi trường dọc 2 bên sông Hồng, giảm nhẹ tác động lũ lụt, phòng ngừa sự cố, bảo vệ hệ sinh thái; Hành lang xanh 2 bên sông Nhuệ: Xử lý rác thải, nước thải, phục hồi môi trường sông Nhuệ, kiểm soát ô nhiễm, hình thành các hệ sinh thái ven sông, điều hòa vi khí hậu; Hành lang xanh thuộc vùng xả lũ sông Đáy và sông Tích: Giảm nhẹ tác động lũ lụt, xử lý rác thải, nước thải, cải thiện ô nhiễm làng nghề, cải tạo sông Đáy, xây dựng các mô hình làng sinh thái.
Vùng bảo vệ nghiêm ngặt hệ sinh thái rừng đặc dụng, đất ngập nước: Khu vực Ba Vì, Đồng Mô, Suối Hai, Quan Sơn, Hồ Tây, Sóc Sơn, Hương Sơn. Bảo tồn di sản, bảo vệ cảnh quan sinh thái, đa dạng sinh học, xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường.
Vùng kiểm soát môi trường nông thôn, làng nghề đối với các khu vực Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức, Thanh Oai, ứng Hòa, Thường Tín, Phú Xuyên. Bảo tồn giá trị văn hóa, kiểm soát ô nhiễm, giảm nhẹ tác động do tái định cư, thay đổi sử dụng đất.
Các nội dung định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật sẽ được tiếp tục bổ sung, nghiên cứu, xác định cụ thể trong các đồ án quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết.
7. Định hướng bảo tồn di sản văn hóa lịch sử và thiên nhiên
- Bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa Thăng Long – Hà Nội. Quản lý kiến trúc cảnh quan đô thị và bảo tồn giá trị văn hóa tại trung tâm Chính trị Ba Đình, di sản thế giới khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, khu phố cổ, khu phố cũ, khu vực ven hồ Tây, khu di tích thành Cổ Loa, thành cổ Sơn Tây, các làng nghề truyền thống, các cụm di tích và di tích đơn lẻ.
- Khu vực nội đô lịch sử hạn chế phát triển công trình cao tầng, giảm mật độ xây dựng và mật độ cư trú, bảo tồn đặc trưng, cấu trúc đô thị cũ và bảo vệ phát huy các giá trị cảnh quan các công trình kiến trúc có giá trị văn hóa – lịch sử - tôn giáo, kiến trúc đặc trưng các thời kỳ phát triển xây dựng Thủ đô.
- Các di tích lịch sử, văn hóa, các thành cổ, làng cổ, di tích cách mạng, tôn giáo tín ngưỡng, … được khoanh vùng bảo vệ và có quy chế kiểm soát chặt chẽ các hoạt động bảo tồn di tích, hoạt động xây dựng và hoạt động tham quan khác.
- Bảo tồn các vùng cảnh quan sinh thái đặc biệt quan trọng như vườn Quốc gia Ba Vì, Núi Sóc, Hồ Tây, hồ Đồng Mô, Hương Sơn, vùng ven sông Hồng, sông Đáy … Kiểm soát xây dựng, quản lý và khai thác nguồn lợi của các khu vực thiên nhiên, không được phát triển các khu dân cư, đô thị.
8. Các chương trình ưu tiên đầu tư.
a) Đầu tư xây dựng cải tạo phát triển đô thị mới và các cơ sở kinh tế - xã hội chính.
- Cải tạo các khu chung cư cũ; Phát triển các khu đô thị mới phía Đông đường vành đai 4, Đông Anh, Mê Linh – Đông Anh.
- Nhà ở xã hội và tái định cư; Công viên cây xanh và hồ điều tiết nước.
- Phát triển hệ thống trung tâm thương mại và văn hóa, thể thao; xây dựng trung tâm tài chính, triển lãm quốc tế và thể dục thể thao Đông Anh.
- Thực hiện việc di dời các cơ sở cao đẳng, đại học, y tế ở khu vực nội đô. Xây dựng các cụm trường đại học mới và các tổ hợp y tế đa chức năng theo quy hoạch.
- Chương trình, kế hoạch để đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ quản lý đô thị.
b) Đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật.
- Giao thông:
Xây dựng và hoàn chỉnh các trục giao thông hướng tâm và vành đai: Nhật Tân – Nội Bài, Tây Thăng Long, Hồ Tây – Ba Vì, Đỗ Xá – Quan Sơn ….; đường vành đai 1; vành đai 2, vành đai 2,5; vành đai 3; vành đai 3,5; vành đai 4 các trục đường chính đô thị. Xây dựng hệ thống đường bộ nhiều tầng, nút giao khác mức, hệ thống bến, bãi đỗ xe. Nâng cấp giao thông nông thôn. Ưu tiên xây dựng hệ thống đường sắt đô thị, BRT, xe buýt đáp ứng phần lớn nhu cầu giao thông vận tải công cộng của Thủ đô.
- Cấp nước: nâng công suất nhà máy nước mặt: sông Đà (600.000 m3/ngày đêm), sông Hồng (300.000 m3/ngày đêm), sông Đuống (300.000 m3/ngày đêm).
- Cấp điện: Xây mới các trạm 500 KV Quốc Oai, Hiệp Hòa, Đông Anh; cải tạo mở rộng trạm 500 KV Thường Tín, đường dây 500 KV từ Việt Trì qua Quốc Oai về Thường Tín; cải tạo 22 trạm biến áp 220KV (9000 MVA).
- Thoát nước thải: Xuất khẩu hệ thống thu gom và xử lý nước thải khu vực đô thị trung tâm; xử lý nước thải cho khu đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc, các KCN tập trung.
- Cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý và thực hiện quy hoạch, kiến trúc.
- Hoàn thiện, bổ sung và xây dựng mới những quy định pháp lý liên quan đến quy hoạch xây dựng và quản lý phát triển đô thị.
- Xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách, huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn.
- Xây dựng cơ chế, chính sách, quy định, hướng dẫn việc triển khai không gian ngầm, khu vực bảo vệ các vùng cảnh quan.
- Xây dựng danh mục và giải pháp bảo vệ, tôn tạo các công trình có giá trị về văn hóa lịch sử và kiến trúc.
Việc quản lý thực hiện quy hoạch được quy định cụ thể trong “Quy định quản lý theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” ban hành kèm theo Quyết định phê duyệt này.
a) Giao Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội:
- Phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức công bố công khai, lưu trữ hồ sơ đồ án theo quy định.
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành lập các đồ án quy hoạch ngành phù hợp với quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung các nội dung quy hoạch trong các đồ án quy hoạch và quy định quản lý liên quan đã ban hành phù hợp với Quy hoạch quản lý theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng được phê duyệt.
- Tổ chức lập và phê duyệt các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy hoạch xây dựng các khu dân cư nông thôn, quy chế quản lý Quy hoạch kiến trúc, … phù hợp Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, quy định của pháp luật và hoàn thành theo đúng thời hạn quy định tại Nghị định số 37/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị.
- Chỉ đạo việc rà soát, quản lý các công trình cao tầng trên địa bàn thành phố theo điều kiện cụ thể của từng khu vực, phù hợp quy định quản lý theo đồ án Quy hoạch chung được duyệt.
- Xây dựng cơ chế chính sách để thực hiện quy hoạch theo tiến độ và trình tự ưu tiên.
- Chỉ đạo lập kế hoạch, chương trình cải tạo chỉnh trang đô thị, chương trình phát triển đô thị, kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội - kỹ thuật; quản lý chặt chẽ các quỹ đất dự kiến để phát triển các công trình, các khu chức năng quan trọng của đô thị theo đúng quy hoạch.
b) Giao Bộ Xây dựng:
- Chủ trì tổ chức công bố quy hoạch, lưu trữ hồ sơ đồ án theo quy định.
- Kiểm tra việc thực hiện đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được duyệt, Quy định quản lý theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội theo quy định chức năng, nhiệm vụ.
- Chủ trì tổ chức thực hiện điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội.
c) Giao các Bộ, ngành và địa phương có liên quan trên cơ sở quy hoạch được duyệt phối hợp với Thành phố Hà Nội triển khai thực hiện các quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng của địa phương đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | THỦ TƯỚNG |
- 1Decision No.04/2001/QD-TTg, approving the readjusted general planning on building Hai Phong city up to 2020, promulgated by the Prime Minister of Government.
- 2Decision No. 49/2000/QD-TTg of April 21, 2000 ratifying the readjusted general plan of building Vinh city, Nghe An province, up to 2020
- 3Decision No. 140/1999/QD-TTg of June 11, 1999, ratifying the general planning for construction of thanh hoa city till the year 2020
- 1Decree No. 37/2010/ND-CP of Apirl 07, 2010, on the formulation, evaluation, approval and management of urban planning
- 2Law No. 30/2009/QH12 of June 17, 2009, on urban planning
- 3Decision No. 490/QD-TTg of May 5, 2008, approving the planning on construction of hanoi capital region up to 2020, with a vision toward 2050.
- 4Law No. 16/2003/QH11 of November 26, 2003, on Construction.
- 5Law No. 32/2001/QH10 of December 25, 2001 on organization of the Government
- 6Decision No.04/2001/QD-TTg, approving the readjusted general planning on building Hai Phong city up to 2020, promulgated by the Prime Minister of Government.
- 7Decision No. 49/2000/QD-TTg of April 21, 2000 ratifying the readjusted general plan of building Vinh city, Nghe An province, up to 2020
Decision No. 1259/QD-TTg of July 26, 2011, approving the general planning on construction of Hanoi capital up to 2030, with a vision toward 2050
- Số hiệu: 1259/QD-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 26/07/2011
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 26/07/2011
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết