Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1221/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 25 tháng 07 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CÔNG ƯỚC LAO ĐỘNG HÀNG HẢI NĂM 2006

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Công ước Lao động Hàng hải năm 2006;

Căn cứ Quyết định số 547/2013/QĐ-CTN ngày 22/3/2013 của Chủ tịch nước về việc gia nhập Công ước Lao động Hàng hải 2006;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước Lao động Hàng hải năm 2006 (sau đây gọi tắt là Công ước MLC 2006) của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;
- Phòng Thương mại & Công nghiệp VN;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, QHQT (3).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CÔNG ƯỚC LAO ĐỘNG HÀNG HẢI NĂM 2006
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1221/QĐ-TTg ngày 25 tháng 07 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Triển khai thực hiện đầy đủ, toàn diện các quy định của Công ước Lao động Hàng hải 2006 (MLC 2006) mà Việt Nam là thành viên nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của thuyền viên, nâng cao chất lượng đội ngũ thuyền viên để khai thác hiệu quả đội tàu biển của Việt Nam.

b) Phát triển nguồn nhân lực của ngành hàng hải theo quy định của Công ước MLC 2006 nhằm nâng cao an toàn và chất lượng vận tải biển quốc tế.

2. Yêu cầu

a) Việc triển khai thực hiện Kế hoạch phải đồng bộ, phù hợp với Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011- 2020 (ban hành kèm theo Quyết định số 579/2011/QĐ-TTg ngày 19/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ), các nội dung, định hướng phát triển đội tàu biển Việt Nam đến năm 2020 theo Quy hoạch phát triển Vận tải biển Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt.

b) Việc triển khai Công ước phải bảo đảm hài hòa và thống nhất với quy định của Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển năm 1974 đã được bổ sung, sửa đổi (SOLAS), Công ước quốc tế về Tiêu chuẩn huấn luyện, đào tạo, cấp chứng chỉ chuyên môn và trực ca của thuyền viên năm 1978 đã được bổ sung, sửa đổi (STCW) và Công ước quốc tế về phòng ngừa ô nhiễm dầu từ tàu biển năm 1973 và nghị định thư năm 1978 đã được bổ sung, sửa đổi (MARPOL) mà Việt Nam là thành viên.

c) Các Bộ, cơ quan, địa phương được giao chủ trì hoặc tham gia phối hợp thực hiện nhiệm vụ nêu trong Kế hoạch phải tích cực chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức triển khai đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả;

d) Bảo đảm sự quan hệ chặt chẽ và phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, cơ quan, địa phương, kịp thời giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Kế hoạch;

đ) Việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện Công ước MLC 2006 và pháp luật về lao động hàng hải phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, kịp thời.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Nhiệm vụ:

a) Hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong nước về lao động hàng hải để triển khai đầy đủ, toàn diện các quy định, tiêu chuẩn của Công ước MLC 2006, trong đó tập trung triển khai xây dựng Nghị định về Lao động hàng hải. Thời gian thực hiện: từ năm 2013 đến năm 2015;

b) Tổ chức triển khai việc kiểm tra, đánh giá và cấp giấy chứng nhận cho tàu theo yêu cầu của công ước MLC, bao gồm Giấy chứng nhận Lao động hàng hải (Maritime Labour Certificate - MLC) và Tuyên bố phù hợp lao động hàng hải (Declaration of Maritime Labour Compliance - DMLC). Thời gian thực hiện: năm 2013;

c) Xây dựng hệ thống kiểm tra, giám sát nhằm thực hiện nghĩa vụ kiểm tra nhà nước cảng biển đối với tàu biển mang quốc tịch nước ngoài ra vào cảng biển Việt Nam. Xây dựng hệ thống biện pháp bảo đảm thực thi quy định của Công ước, bao gồm công tác kiểm tra, kiểm soát để thực hiện trách nhiệm của quốc gia đối với tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam và trách nhiệm của quốc gia có cảng. Thời gian thực hiện: từ năm 2013 đến năm 2014;

d) Đầu tư phát triển hệ thống công nghệ thông tin nhằm đáp ứng yêu cầu của Công ước, tạo sự kết nối thông tin thông suốt giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Thời gian thực hiện: từ năm 2013 đến năm 2015;

đ) Xây dựng cơ sở dữ liệu về lao động hàng hải theo hướng dẫn của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Thời gian thực hiện: từ năm 2013 đến năm 2015;

e) Thiết lập cơ chế tham vấn Hội đồng ba bên để giải quyết các vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện công ước. Thành phần Hội đồng ba bên sẽ bao gồm đại diện của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (đại diện Chính phủ), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (đại diện người sử dụng lao động) và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (đại diện người lao động), Hội đồng ba bên hoạt động trên cơ sở kiêm nhiệm và vụ việc (ad hoc). Thi gian thực hiện: năm 2013;

g) Thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Công ước bao gồm đại diện các Bộ, ngành liên quan và do Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải làm Trưởng Ban chỉ đạo. Thời gian thực hiện: năm 2013.

h) Tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước MLC 2006 tới các doanh nghiệp vận tải biển, các cơ sở đào tạo, huấn luyện, cung ứng thuyền viên, các cơ sở đóng tàu và thuyền viên Việt Nam và người lao động hàng hải. Thời gian thực hiện: từ năm 2013 đến năm 2014;

i) Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phúc lợi công cộng theo lộ trình đáp ứng nhu cầu văn hóa, giải trí, thông tin cho thuyền viên tại các cảng biển theo quy định của Công ước MLC 2006. Thời gian thực hiện: từ năm 2013 đến năm 2020;

k) Định kỳ báo cáo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về kết quả thực hiện Công ước MLC 2006. Tăng cường hợp tác với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các tổ chức quốc tế khác nhằm trao đổi thông tin, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo công chức, viên chức quản lý và đội ngũ sỹ quan, thuyền viên và chuyển giao công nghệ liên quan đến thực hiện Công ước MLC 2006; Thúc đẩy hợp tác song phương với các nước thành viên của Công ước để tham khảo kinh nghiệm và tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ kỹ thuật của các nước này. Thời gian thực hiện: hàng năm.

2. Trách nhiệm và phân công thực hiện

a) Bộ Giao thông vận tải:

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện các nhiệm vụ nêu tại mục 1, trừ các nhiệm vụ giao Bộ, ngành khác chủ trì;

- Làm đầu mối chủ trì tổ chức thực hiện cơ chế tham vấn ba bên theo quy định của Công ước MLC 2006;

- Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc triển khai áp dụng các quy định của Công ước MLC 2006 tại Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

b) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan trong quá trình sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về lao động hàng hải cũng như trong việc triển khai các nhiệm vụ nêu tại mục 1.

- Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan trong việc tổ chức thực hiện cơ chế tham vấn ba bên theo quy định của Công ước MLC 2006.

- Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan trong việc tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc triển khai áp dụng các quy định của Công ước MLC 2006.

- Chủ trì xây dựng, ban hành các quy định và hướng dẫn quốc gia về quản lý an toàn lao động, bảo vệ sức khỏe và trợ cấp tai nạn nghề nghiệp cho người làm việc trên tàu.

- Chủ trì nghiên cứu xây dựng và trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với lao động trong khu vực phi chính thức (trong đó có lao động hàng hải).

- Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải định kỳ báo cáo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về kết quả thực hiện Công ước MLC 2006.

c) Bộ Y tế:

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan trong quá trình sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về tiêu chuẩn sức khỏe và chăm sóc y tế cho thuyền viên.

- Công bố danh sách cơ sở khám sức khỏe, bác sỹ được cấp phép khám sức khỏe cho thuyền viên và cơ sở cung cấp dịch vụ tư vấn chăm sóc sức khỏe cho thuyền viên làm việc trên tàu ở trong và ngoài nước.

d) Bộ Ngoại giao:

- Thông báo tới Tổ chức Lao động Quốc tế về việc Việt Nam cam kết bảo đảm thực hiện 03 thành tố an sinh xã hội đối với người lao động hàng hải phù hợp với quy định của Công ước MLC 2006, bao gồm: (i) chăm sóc y tế; (ii) trợ cấp tai nạn nghề nghiệp; (iii) trợ cấp hưu trí.

đ) Bộ Tài chính:

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan khác cân đối, bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ, chương trình triển khai theo Kế hoạch này phù hợp với quy định của pháp luật.

- Chủ trì việc quy định mức phí, lệ phí cấp giấy chứng nhận phù hợp theo quy định của Công ước MLC 2006.

e) Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: cử đại diện tham gia Hội đồng ba bên và phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức triển khai các quy định của Công ước MLC 2006 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đối với các doanh nghiệp vận tải biển.

g) Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: cử đại diện tham gia Hội đồng ba bên và phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức hướng dẫn triển khai và giám sát việc thực hiện các quy định của Công ước MLC 2006 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đối với người lao động hàng hải.

h) Các cơ sở đào tạo, huấn luyện, cung ứng thuyền viên có trách nhiệm chủ động xây dựng các nội dung, kế hoạch thực hiện các quy định của Công ước MLC 2006.

i) Doanh nghiệp vận tải biển có trách nhiệm chủ động xây dựng các nội dung, kế hoạch thực hiện cụ thể theo yêu cầu của Công ước MLC 2006.

III. KINH PHÍ BẢO ĐẢM

Kinh phí thực hiện Kế hoạch này do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Hàng năm, các Bộ, cơ quan Trung ương chủ động lập dự toán ngân sách, bảo đảm kinh phí của Bộ, cơ quan mình, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Riêng năm 2013, các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương chủ động bố trí kinh phí trong dự toán ngân sách nhà nước đã được giao năm 2013 để triển khai thực hiện nhiệm vụ.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình, các Bộ, ngành và các cơ quan hữu quan chủ động bổ sung nhiệm vụ thực thi Công ước MLC 2006 vào chương trình, kế hoạch công tác của mình.

2. Giao Bộ Giao thông vận tải là cơ quan thường trực thực hiện Công ước MLC 2006, có nhiệm vụ tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch này trên phạm vi cả nước.

3. Hàng năm, Bộ Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo Chính phủ về tình hình kết quả triển khai thực hiện Công ước MLC 2006.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Decision No.1221/QD-TTg of July 25, 2013, approving plan on implementation of the maritime labor Convention 2006

  • Số hiệu: 1221/QD-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 25/07/2013
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản