Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1058/QĐ-BGTVT | Hà Nội, ngày 22 tháng 04 năm 2010 |
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản số 38/2009/QH12 ngày 19 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; Nghị định số 83/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức;
Căn cứ Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Nghị định số 113/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư;
Căn cứ Thông tư số 03/2009/TT-BXD ngày 26 tháng 3 năm 2009 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải giao nhiệm vụ và ủy quyền cho Tổng giám đốc, Giám đốc Ban quản lý dự án (sau đây viết tắt là Ban QLDA) được giao nhiệm vụ quản lý các dự án do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư (sau đây viết tắt là Bộ GTVT) theo hình thức chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án thực hiện một số nhiệm vụ của chủ đầu tư, như sau:
1. Khảo sát lập báo cáo đầu tư (đề xuất dự án), dự án đầu tư, điều chỉnh dự án đầu tư:
Ban QLDA thực hiện các quyền và trách nhiệm của chủ đầu tư theo quy định trừ các công việc sau:
- Thẩm định, phê duyệt kế hoạch đấu thầu;
- Thẩm định, phê duyệt đề cương nhiệm vụ, chi phí khảo sát lập báo cáo đầu tư (đề xuất dự án), dự án đầu tư, điều chỉnh dự án đầu tư;
- Thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu tư vấn trừ tư vấn thẩm tra các dự án nhóm B, C;
- Các trường hợp khác, Bộ GTVT sẽ có ủy quyền và giao nhiệm cụ thể.
2. Về thiết kế, dự toán:
2.1. Ban QLDA tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công đối với công trình thiết kế 3 bước trừ những công trình đã được Bộ quy định cấp thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công tại quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật.
2.2. Ban QLDA tổ chức thẩm định, phê duyệt các nội dung điều chỉnh, bổ sung thiết kế kỹ thuật (đối với công trình thiết kế 3 bước), điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công (đối với công trình thiết kế 2 bước), điều chỉnh bổ sung dự toán đảm bảo nguyên tắc những nội dung điều chỉnh không làm thay đổi địa điểm, quy mô, tiêu chuẩn thiết kế của dự án đã được phê duyệt, mục tiêu dự án và không vượt tổng mức đầu tư.
2.2.1. Việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung thiết kế theo nguyên tắc sau:
a) Công trình đường, cầu đường bộ và đường sắt:
- Bình đồ: Điều chỉnh khoảng cách dịch chuyển ngang tim tuyến nhỏ hơn hoặc bằng 3m, thay đổi bán kính đường cong bằng (tăng hoặc giảm) để phù hợp với điều kiện địa hình thực tế nhưng không làm thay đổi tính chất kỹ thuật của tuyến so với thiết kế đã được duyệt và không nhỏ hơn bán kính đường cong bằng tối thiểu (Rmin) đã được phê duyệt.
Các điều chỉnh trên phải đảm bảo nguyên tắc không ảnh hưởng tới phạm vi giải phóng mặt bằng vĩnh viễn của dự án cũng như tiến độ của công trình.
- Trắc dọc: Điều chỉnh thiết kế đảm bảo các tiêu chuẩn về độ dốc dọc nằm trong quy định và không vượt trị số độ dốc lớn nhất đã được phê duyệt (nằm trong tiêu chuẩn cho phép), trường hợp sử dụng độ dốc châm chước phải báo cáo Bộ GTVT,
- Mặt cắt ngang: Điều chỉnh mái dốc taluy âm và dương phù hợp với điều kiện địa chất và địa hình thực tế của những đoạn tuyến trên cơ sở báo cáo phân tích đề xuất của Tư vấn giám sát.
Phê duyệt những thay đổi về cấp đất, đá theo điều kiện địa chất thực tế hiện trường trên cơ sở báo cáo xác nhận của tư vấn giám sát và tư vấn khảo sát thiết kế.
- Xử lý nền đường:
+ Phê duyệt điều chỉnh chiều dài các loại cọc cát, bấc thấm, các loại vật liệu khác đã được phê duyệt trong thiết kế kỹ thuật; điều chỉnh giảm diện tích xử lý nền đất yếu; điều chỉnh tăng không vượt quá 5% phạm vi đã duyệt để phù hợp với điều kiện địa chất sau khi có kết quả thi công thử.
+ Phê duyệt biện pháp đào thay đất yếu cục bộ theo đề xuất của TVGS đối với các đoạn có chiều sâu < 1m so với cao độ đỉnh nền do quá trình thi công phát sinh, trường hợp lớn hơn 1 m Ban QLDA báo cáo Bộ chấp thuận về chủ trương.
+ Các trường hợp khác phê duyệt sau khi có ý kiến chấp thuận của Bộ GTVT.
- Kết cấu kiến trúc tầng trên đường sắt, kết cấu mặt đường bộ: Giữ nguyên kết cấu mặt đường đã được phê duyệt, điều chỉnh chiều dày các lớp bù phụ mặt đường cũ cho phù hợp với điều kiện thực tế (đối với đường bộ).
- Công trình cống:
+ Điều chỉnh vị trí cống, chiều dài, gia cố thượng, hạ lưu cống cho phù hợp với điều kiện thực tế địa hình và dòng chảy.
+ Điều chỉnh bổ sung số lượng, khẩu độ cống cho phù hợp thực tế sau khi có ý kiến chấp thuận của Bộ GTVT.
+ Bổ sung, sửa đổi hệ thống thoát nước dọc, rãnh đỉnh trên cơ sở các giải pháp kỹ thuật đã được phê duyệt trong thiết kế kỹ thuật.
- Đối với cống chui dân sinh:
+ Điều chỉnh vị trí, chiều dài cống chui dân sinh cho phù hợp với điều kiện thực tế địa hình và đường dân sinh.
+ Điều chỉnh bổ sung số lượng, khẩu độ cống chui dân sinh cho phù hợp thực tế sau khi có ý kiến chấp thuận của cấp phê duyệt thiết kế bước trước.
- Công trình cầu:
+ Điều chỉnh vị trí cầu phù hợp với điều kiện thực tế địa hình, dòng chảy theo đề nghị của tư vấn (tư vấn thiết kế và tư vấn giám sát) với điều kiện không làm thay đổi sơ đồ nhịp và kết cấu cầu.
+ Điều chỉnh cao độ đáy móng (mố, trụ) và chiều dài cọc phù hợp với điều kiện địa chất sau khi có kết quả khoan hoặc kết quả thử cọc,
Thay đổi đường kính thép nhưng không làm thay đổi tổng tiết diện và chủng loại thép trên cơ sở đảm bảo các yếu tố kỹ thuật đã được phê duyệt.
- Các công trình phụ tạm và an toàn giao thông:
Duyệt thiết kế các công trình phụ tạm (đường tránh, bến bãi, đường công vụ,...) chưa có trong thiết kế được duyệt sau khi có ý kiến của Bộ GTVT chấp thuận về chủ trương.
Bổ sung, điều chỉnh các hạng mục đảm bảo an toàn giao thông như dải phân cách, sơn kẻ đường, cột Km, cọc tiêu, biển báo, rào tôn lượn sóng,... cho phù hợp với thực tế hiện trường sau khi Bộ đã duyệt chủ trương.
- Công trình phòng hộ (kè, tường chắn, gia cố bảo vệ mái taluy):
Điều chỉnh kích thước, vị trí và cao độ móng kè, tường chắn cho phù hợp với điều kiện địa hình, địa chất thực tế trên cơ sở đề xuất của tư vấn giám sát. Trường hợp cần bổ sung hoặc thay đổi kết cấu tường chắn, Ban QLDA báo cáo Bộ xem xét chấp thuận.
Bổ sung, điều chỉnh các biện pháp gia cố bảo vệ mái taluy trên cơ sở đề xuất, của tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế và sau khi Bộ chấp thuận về chủ trương.
- Các nút giao, đường vuốt nối:
Điều chỉnh cục bộ các nhánh tuyến và chiều dài vuốt nối để tránh đền bù, giải tỏa lớn, phù hợp với qui hoạch chung của địa phương, tính chất nút giao cắt, đường vuốt nối sau khi có ý kiến của Bộ GTVT chấp thuận về chủ trương.
- Công trình hầm:
Duyệt thiết kế chi tiết khi có sự thay đổi so với thiết kế bước trước đã được phê duyệt bao gồm:
+ Phương án gia cố bề mặt của mái dốc ở những vị trí cần thiết để đảm bảo chống xói hoặc sụt lở sau khi cấp phê duyệt thiết kế bước trước đã chấp thuận về chủ trương hoặc Bộ GTVT đã duyệt thay đổi quy mô.
+ Những thay đổi về cấp đất, đá theo điều kiện địa chất thực tế hiện trường trên cơ sở báo cáo và xác nhận của Tư vấn giám sát.
+ Khối lượng đào hoặc sụt lở bất khả kháng do điều kiện địa chất, thủy văn thiên tai và khối lượng bê tông phun bù phần đào vượt (khống chế phần đào vượt trung bình không vượt quá 15 cm) và sụt lở tương ứng.
+ Thay đổi chủng loại và khoảng cách giữa các vỉ thép chống phù hợp với điều kiện địa chất thực tế trên cơ sở báo cáo và xác nhận của Tư vấn giám sát.
+ Tăng hoặc giảm khối lượng và chủng loại neo đá cho phù hợp với điều kiện địa chất thực tế và kết quả đo biến dạng theo quy định kỹ thuật trong quá trình thi công trên cơ sở báo cáo và xác nhận của Tư vấn giám sát,
b) Công trình cảng, đường thủy:
- Xây dựng đê chắn sóng, nạo vét bến và luồng:
+ Điều chỉnh khoảng cách dịch chuyển ngang của tim tuyến (trong phạm vi nhỏ hơn 5,0m) và thay đổi bán kính đường cong (tăng hoặc giảm) để phù hợp với điều kiện địa hình thực tế nhưng không làm thay đổi quy mô, cấp hạng kỹ thuật của tuyến so với thiết kế đã được phê duyệt ở bước trước và không nhỏ hơn bán kính đường cong nằm tối thiểu (Rmin) đã được phê duyệt.
+ Điều chỉnh mái dốc ta luy và phạm vi nạo vét phần nền móng đê chắn sóng, bến và luồng phù hợp với điều kiện địa chất, địa hình thực tế trên cơ sở số liệu báo cáo và xác nhận của tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế.
+ Thay đổi về cao độ, độ dốc của đê chắn sóng phù hợp với điều kiện địa chất, địa hình thực tế trên cơ sở số liệu báo cáo và xác nhận của tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế nhưng đảm bảo không làm thay đổi kết cấu, các yêu cầu kỹ thuật đã được phê duyệt.
+ Các điều chỉnh trên phải đảm bảo nguyên tắc không làm thay đổi các tiêu chuẩn kỹ thuật đã được phê duyệt, không tăng kinh phí xây dựng, trường hợp tăng phải nằm trong phạm vi giá trị dự phòng của gói thầu được ghi trong hợp đồng và không ảnh hưởng tới giải phóng mặt bằng cũng như tiến độ và khả năng chịu lực của công trình.
- Các công trình cầu cảng, cầu vượt kênh, âu tàu, kè bờ:
+ Duyệt thay đổi, bổ sung những chi tiết nhỏ, phương pháp sửa chữa trên cơ sở thiết kế bước trước đã được phê duyệt và không làm thay đổi kết cấu, khả năng chịu lực của chi tiết đó.
+ Các điều chỉnh trên phải đảm bảo nguyên tắc không làm tăng kinh phí, trường hợp tăng nằm trong giá trị dự phòng của gói thầu được ghi trong hợp đồng và không ảnh hưởng tới giải phóng mặt bằng cũng như tiến độ công trình.
- Phao tiêu báo hiệu: Duyệt điều chỉnh vị trí và bổ sung trên cơ sở báo cáo và xác nhận của tư vấn giám sát.
c) Công trình cơ khí, kiến trúc và các hạng mục khác:
- Thay đổi nhỏ về cao độ đặt móng và các kết cấu khác phù hợp với điều kiện địa chất thực tế trên cơ sở số liệu báo cáo và xác nhận của tư vấn giám sát thi công nhưng không làm thay đổi khả năng chịu lực của công trình.
- Các thay đổi nhỏ về cách bố trí, diện tích của các phòng phù hợp với yêu cầu sử dụng.
2.2.2. Về dự toán:
Thẩm định, phê duyệt dự toán bổ sung cho khối lượng phát sinh, bù giá hợp đồng theo các quy định hiện hành đã được thể hiện trong điều kiện hợp đồng, tổng giá trị dự toán bổ sung không vượt quá giá trị dự phòng của gói thầu đã được ghi trong hợp đồng. Trường hợp vượt quá giá trị dự phòng của gói thầu được ghi trong hợp đồng, Ban QLDA phải có văn bản trình Bộ GTVT xem xét, quyết định.
2.3. Đối với những nội dung đã được ủy quyền cho Tổng giám đốc Ban QLDA nêu trên, nhưng việc điều chỉnh thiết kế, dự toán phức tạp cần xin ý kiến của Bộ, Ban QLDA có văn bản báo cáo Bộ xem xét cho ý kiến trước khi thẩm định, phê duyệt điều chỉnh thiết kế theo quy định.
3. Công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, chuẩn bị mặt bằng xây dựng
Ban QLDA thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chủ đầu tư dự án theo các quy định hiện hành đối với công tác giải phóng mặt bằng. Ban QLDA có trách nhiệm theo dõi, giám sát, hỗ trợ các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng để đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng thực hiện dự án khi Bộ đã có Quyết định giao chủ đầu tư cho địa phương thực hiện theo Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ.
4. Công tác lựa chọn nhà thầu trong quá trình thực hiện đầu tư:
4.1. Bộ giao nhiệm vụ và ủy quyền cho Ban QLDA thực hiện một số công việc trong công tác lựa chọn nhà thầu như sau:
a) Quyết định thành lập tổ chuyên gia đấu thầu.
b) Đối với đấu thầu rộng rãi gói thầu tư vấn: Phê duyệt hồ sơ mời quan tâm, danh sách ngắn nhà thầu tham gia đấu thầu.
c) Đối với đấu thầu hạn chế: Tổ chức lựa chọn và phê duyệt danh sách nhà thầu tham gia đấu thầu.
d) Tổ chức thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu dịch vụ tư vấn kiểm toán, nhà thầu bảo hiểm công trình của các dự án nhóm B và C. Tổ chức thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu các gói thầu tư vấn thẩm tra thiết kế và dự toán.
đ) Phê duyệt danh sách nhà thầu đạt yêu cầu về mặt kỹ thuật, danh sách xếp hạng nhà thầu.
e) Phê duyệt hồ sơ yêu cầu đối với các gói thầu áp dụng hình thức chỉ định thầu và chào hàng cạnh tranh trong mua sắm hàng hóa.
g) Phê duyệt kết quả chỉ định thầu đối với các gói thầu áp dụng hình thức chỉ định thầu có giá trị trong hạn mức được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Nghị định 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ trừ gói thầu thẩm tra thiết kế kỹ thuật và dự toán.
h) Quyết định xử lý tình huống đấu thầu đối với các gói thầu được ủy quyền phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.
4.2. Đàm phán, thương thảo, hoàn thiện, ký kết hợp đồng và điều chỉnh, bổ sung hợp đồng:
a) Ban QLDA đàm phán, thương thảo, ký kết hợp đồng với các nhà thầu (tư vấn, cung cấp, xây dựng...) căn cứ theo các quyết định có liên quan của cấp thẩm quyền. Ban QLDA quyết định phê duyệt theo quy định (nếu cần đối với nguồn vốn vay ODA của JICA) và chịu trách nhiệm về nội dung hợp đồng; ký kết hợp đồng với nhà mầu được lựa chọn và thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng đã ký kết với nhà thầu.
b) Đối với việc điều chỉnh, bổ sung hợp đồng: Ban QLDA tổ chức thực hiện thỏa thuận, thương thảo, ký kết phụ lục bổ sung hợp đồng với nhà thầu (tư vấn, cung cấp, xây dựng...) trên cơ sở các quyết định điều chỉnh dự án, tổng mức đầu tư, điều chỉnh thiết kế, dự toán được duyệt. Trường hợp giá trị điều chỉnh bổ sung vượt quá giá trị dự phòng của gói thầu đã được ghi trong hợp đồng Ban QLDA phải báo cáo Bộ xem xét chấp thuận.
c) Đối với việc quản lý nhân sự của nhà thầu và tư vấn: Ban QLDA xem xét và chấp thuận việc thay đổi nhân sự của tư vấn và nhà thầu với điều kiện các nhân sự thay thế có trình độ, năng lực và kinh nghiệm tương đương hoặc tốt hơn.
5. Điều chuyển khối lượng và bổ sung nhà thầu phụ:
a) Xem xét, chấp thuận đề xuất của nhà thầu về việc bổ sung nhà thầu phụ hoặc điều chuyển khối lượng hợp đồng của nhà thầu theo hợp đồng đã ký kết trong trường hợp khối lượng này có giá trị nhỏ hơn 10% giá trị phải tự thực hiện của nhà thầu chính (sau khi trừ phần công việc thuộc trách nhiệm của nhà thầu phụ theo hợp đồng ban đầu đã ký kết).
b) Đối với trường hợp khối lượng cần điều chuyển, bổ sung cho nhà thầu khác thực hiện có giá trị lớn hơn 10% giá trị nhà thầu chính phải tự thực hiện (sau khi trừ phần công việc thuộc trách nhiệm của nhà thầu phụ theo hợp đồng ban đầu đã ký kết): Ban QLDA báo cáo đề xuất phương án điều chuyển bằng cách bổ sung nhà thầu hoặc chấm dứt hợp đồng để lựa chọn nhà thầu thay thế trình Bộ GTVT xem xét quyết định.
6. Về công tác quản lý tài sản của dự án và quyết toán dự án hoàn thành
6.1. Công tác quản lý tài sản: Ban QLDA chịu toàn bộ trách nhiệm của chủ đầu tư theo quy định của pháp luật trong việc quản lý tài sản (bao gồm tài sản của Ban QLDA và tài sản của dự án) trong quá trình thực hiện dự án và thu hồi tài sản khi kết thúc dự án. Ban QLDA trình Bộ để Bộ thống nhất với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định các nội dung về quản lý và xử lý đối với tài sản của dự án trong quá trình thực hiện và kết thúc dự án theo các quy định hiện hành.
6.2. Công tác quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành:
Ban QLDA cần hoàn thiện các thủ tục pháp lý ngay từ giai đoạn chuẩn bị, thực hiện và kết thúc đầu tư; phải rà soát các thủ tục pháp lý, lưu giữ và tập hợp đầy đủ hồ sơ quyết toán, lập báo cáo quyết toán dự án hoàn thành, tổ chức kiểm toán độc lập và trình cấp có thẩm quyền thẩm tra phê duyệt quyết toán theo quy định.
Ban QLDA có trách nhiệm bổ sung, cung cấp đầy đủ các tài liệu thanh tra, kiểm tra trước và sau khi quyết toán dự án hoàn thành làm cơ sở thực hiện, xử lý các kết luận của Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra các Bộ, ngành theo quy định.
7: Nghiệm thu, hoàn công, quyết định đưa công trình vào khai thác và bảo hành:
7.1. Ban QLDA thực hiện các nhiệm vụ của chủ đầu tư theo quy định hiện hành về nghiệm thu, hoàn công công trình xây dựng.
7.2. Đối với việc đưa công trình vào khai thác sử dụng, Bộ giao cho Ban quản lý dự án hoàn tất các thủ tục, ký biên bản nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình hoặc công trình làm cơ sở hoàn tất hồ sơ, thủ tục trình Bộ quyết định đưa công trình vào khai thác sử dụng.
7.3. Ban QLDA thực hiện nhiệm vụ của chủ đầu tư theo các quy định hiện hành về bảo hành công trình.
Điều 2. Công tác thanh tra, kiểm toán, làm việc với các Hội đồng thẩm định nhà nước, Hội đồng nghiệm thu nhà nước, các hội đồng và các cơ quan kiểm tra về chất lượng công trình
1. Ban QLDA chịu trách nhiệm báo cáo giải trình theo yêu cầu và làm việc trực tiếp với các cơ quan thanh tra, kiểm toán đối với các dự án có sự tham gia hoặc yêu cầu phải thanh tra, kiểm toán. Trường hợp cần thiết Ban QLDA có báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Bộ và sự phối hợp của các cơ quan chức năng thuộc Bộ.
2. Ban QLDA đại diện chủ đầu tư làm việc với các Hội đồng thẩm định nhà nước, Hội đồng nghiệm thu nhà nước, các hội đồng khác và các cơ quan kiểm tra về chất lượng công trình đối với các dự án được quy định phải có sự kiểm tra giám sát của các cơ quan nêu trên. Ban QLDA có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các Vụ, Cục tham mưu và kịp thời báo cáo Bộ những nội dung, kết quả trong quá trình làm việc với các cơ quan nêu trên.
3. Ban QLDA báo cáo Bộ về kế hoạch làm việc của các Đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và những tồn tại (nếu có) để phối hợp giải quyết ngay khi có dự thảo kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
Điều 3. Ban QLDA có trách nhiệm thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư của chủ đầu tư dự án theo quy định. Ngoài ra, Ban QLDA thực hiện chế độ báo cáo đáp ứng các yêu cầu sau:
1. Ban QLDA có trách nhiệm thực hiện đầy đủ, kịp thời mọi báo cáo thống kê định kỳ theo quy định; có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện các nội dung công việc được giao nhiệm vụ và ủy quyền định kỳ hàng quý và đột xuất theo yêu cầu của Bộ.
2. Trong quá trình thực hiện các nội dung được giao nhiệm vụ và ủy quyền, Ban QLDA có trách nhiệm kịp thời báo cáo Bộ những trường hợp phát sinh tình huống đặc biệt, khẩn cấp hoặc các vấn đề phức tạp khác gặp phải trong quá trình, thực hiện để có sự chỉ đạo, phối hợp giải quyết.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, thay thế các quy định trước đây có liên quan. Trước thời điểm quyết định này có hiệu lực, các Ban QLDA và các đơn vị có liên quan thực hiện theo Quyết định số 64/2007/QĐ-BGTVT ngày 28/12/2007 của Bộ Giao thông vận tải Ban hành "Quy định về việc giao nhiệm vụ và ủy quyền cho Ban quản lý dự án trong quản lý đầu tư xây dựng đối với các dự án do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư”.
Người đứng đầu Ban QLDA chịu trách nhiệm cá nhân trước Bộ trưởng và trước pháp luật về các nội dung được giao nhiệm vụ và ủy quyền.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời có văn bản báo cáo Bộ GTVT để xem xét, hướng dẫn, chỉnh sửa hoặc bổ sung cho phù hợp.
Điều 5. Thủ trưởng các đơn vị: Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, các Vụ trực thuộc Bộ Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, các Ban quản lý dự án được giao quản lý các dự án do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư và các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
- 1Decree No. 113/2009/ND-CP of December 15, 2009, on investment monitoring and evaluation
- 2Decree No. 112/2009/ND-CP of December 14, 2009, on management of work construction investment expenses
- 3Decree No. 83/2009/ND-CP of October 15, 2009, amending and supplementing a number of Articles of the Government''s Decree No. 12/2009/ND-CP of February 12, 2009, on management of work construction investment projects
- 4Decree No. 85/2009/ND-CP of October 15, 2009, guiding the Bidding Law and the selection of construction contractors under the Construction Law
- 5Law No. 38/2009/QH12 of June 19, 2009, amending and supplementing a number of articles of the Laws concerning capital construction investment
- 6Circular No. 03/2009/TT-BXD of March 26, 2009, detailing a number of provisions of the Government''s Decree No. 12/2009/ND-CP of February 12, 2009, on management of investment projects on the construction of works
- 7Decree No. 12/2009/ND-CP of February 12, 2009, on management of investment projects on the construction of works
- 8Decree of Government No. 51/2008/ND-CP of April 22, 2008 defining the functions, tasks, powers and organizational structure of the ministry of transport
- 9Decision No. 64/2007/QD-BGTVT of December 28, 2007, promulgating the regulation on assignment and authorization or tasks to Project Management Units in the construction investment management of projects of which the investor is the Ministry of Transport.
- 10Decision No. 59/2007/QD-BGTVT of November 22, 2007, promulgating the regulation on management decentralization and authorization of state budget-funded work construction investment projects managed by the Ministry of Transport.
- 11Decree of Government No.131/2006/ND-CP of November 09, 2006 promulgating the regulation on management and use of official development assistance
- 12Law no. 61/2005/QH11 of November 29,2005 on tendering
- 13Law No. 16/2003/QH11 of November 26, 2003, on Construction.
Decision No. 1058/QD-BGTVT dated April 22nd, 2010, on assignment and authorization to project management board in management of investment in projects invested by The Ministry of Transport
- Số hiệu: 1058/QD-BGTVT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 22/04/2010
- Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
- Người ký: Hồ Nghĩa Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra