Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 7328/ĐA-UBND | Quảng Nam, ngày 27 tháng 9 năm 2024 |
ĐỀ ÁN
ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CHUYÊN SÂU ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
Thực hiện Đề án số 10-ĐA/TU, ngày 30/3/2022 của Tỉnh ủy về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Đề án đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, cụ thể như sau:
Phần I
SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SỞ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức có vai trò rất quan trọng, góp phần tích cực trong việc nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực công tác, chất lượng, hiệu quả làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; từ đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Trong thời gian qua, Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều Chương trình, Đề án, Nghị quyết, Kế hoạch đào tạo bồi dưỡng nhằm góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Các nội dung đào tạo, bồi dưỡng tập trung nâng cao lý luận chính trị, cập nhật kiến thức trên các lĩnh vực chuyên môn, bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng, tiêu chuẩn theo yêu cầu của vị trí việc làm và thực tiễn phát sinh. Số lượng cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo sau đại học tăng. Chất lượng bồi dưỡng cán bộ trong diện quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp được nâng cao. Bồi dưỡng kỹ năng quản lý, năng lực lãnh đạo cho đội ngũ cán bộ; bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới, bồi dưỡng qua thực tiễn, ở nước ngoài; bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học, quản lý nhà nước… ngày càng được chú trọng và tổ chức thường xuyên.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo, bồi dưỡng trên địa bàn tỉnh còn mang tính dàn trải, chưa chú trọng trong việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh chưa có sự đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức mặc dù đã đáp ứng yêu cầu chuẩn hoá theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế trên một số lĩnh vực; chưa thực sự gắn với yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh và phù hợp với vị trí việc làm đang đảm nhiệm. Cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn ở ngoài nước chưa đảm bảo chỉ tiêu đề ra tại các kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hằng năm; chưa có chuyên gia giỏi, đầu ngành trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt các lĩnh vực kinh tế trụ cột và các ngành, lĩnh vực được định hướng, quy hoạch phát triển trong giai đoạn đến. Số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý có khả năng dự báo, xử lý tốt những vấn đề phát sinh từ thực tiễn và cán bộ có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, xử lý thông tin trên không gian mạng còn hạn chế.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2010 - 2022, các chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng chưa đổi mới và đáp ứng điều kiện thực tiễn để trở thành một trong những yếu tố thúc đẩy công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định một trong những giải pháp để đẩy mạnh thực hiện 03 nhiệm vụ đột phá chiến lược là: “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách đào tạo, thu hút, tuyển dụng và sử dụng nhân tài, tạo môi trường làm việc thuận lợi, đồng thời với việc đào tạo về năng lực tiếp cận, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với môi trường công nghệ hiện đại. Chuẩn hoá và tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, từng bước thích ứng với môi trường công nghệ số”.
Từ những nội dung trên, việc ban hành Đề án đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là hết sức cần thiết; vừa là cơ sở để triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực, vừa góp phần đáp ứng yêu cầu hội nhập, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.
II. CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
1. Văn bản chỉ đạo
- Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP;
- Thông tư số 03/2023/TT-BNV ngày 30/4/2023 của Bộ Nội vụ về hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP;
- Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025;
- Chương trình hành động số 01-CTr/TU, ngày 04/12/2020 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh;
- Nghị quyết số 20-NQ/TU, ngày 20/12/2021 của Tỉnh uỷ về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cán bộ và kiện toàn tổ chức bộ máy giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030;
- Đề án số 10-ĐA/TU, ngày 30/3/2022 của Tỉnh uỷ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030;
- Quyết định số 1207-QĐ/TU, ngày 18/01/2024 của Tỉnh uỷ ban hành Bảng Danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở;
- Kế hoạch số 256-KH/TU, ngày 10/3/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước giai đoạn 2023 - 2025 và định hướng đến năm 2030;
- Nghị quyết số 11/2023/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định hỗ trợ và mức chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh;
- Quyết định số 25/2022/QĐ-UBND ngày 05/9/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 16/2024/QĐ-UBND ngày 02/7/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 25/2022/QĐ-UBND ngày 05/9/2022 của UBND tỉnh;
- Quyết định số 1898/QĐ-UBND ngày 18/7/2022 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030;
- Quyết định số 2298/QĐ-UBND ngày 26/10/2023 của UBND tỉnh ban hành Hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/2023/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định hỗ trợ và mức chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh.
2. Căn cứ thực tiễn
a) Kết quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian qua
Thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh được thực hiện thường xuyên. Hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; theo đó, các Sở, Ban, ngành chủ trì, mở các lớp cập nhật kiến thức trên các lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Từ năm 2010 đến năm 2023, trung bình mỗi năm có 619 lượt cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo; 3.395 lượt cán bộ, công chức, viên chức được cử đi bồi dưỡng về lý luận chính trị, quốc phòng – an ninh, kiến thức và kỹ năng lãnh đạo quản lý, kiến thức và kỹ năng quản lý nhà nước, bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm và bồi dưỡng cập nhật kiến thức trên các lĩnh vực. Tỷ lệ lượt cử bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức còn thấp (7,68%). Tỷ lệ bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm tuy chiếm đa số nhưng chủ yếu là bồi dưỡng theo yêu cầu tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (24,57%).
Nhìn chung, trong giai đoạn 2020 - 2023, số lượt cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng có xu hướng giảm so với giai đoạn trước; các nội dung bồi dưỡng về tin học, ngoại ngữ chưa thực sự được chú trọng.
Năm | Đào tạo | ||||||
Tổng số lượt cử đi đào tạo | Sau đại học | Đại học | Cao đẳng | ||||
Cán bộ, công chức | Viên chức | Cán bộ, công chức | Viên chức | Cán bộ, Công chức | Viên chức | ||
2010 | 1528 | 43 | 59 | 305 | 820 | 5 | 296 |
2011 | 533 | 30 | 47 | 95 | 291 | 8 | 62 |
2012 | 566 | 36 | 44 | 72 | 353 | 1 | 60 |
2013 | 760 | 34 | 63 | 269 | 286 | 4 | 104 |
2014 | 659 | 33 | 52 | 101 | 415 | 4 | 54 |
2015 | 529 | 23 | 57 | 72 | 314 | 2 | 61 |
2016 | 581 | 24 | 47 | 56 | 275 | 3 | 176 |
2017 | 698 | 58 | 99 | 63 | 324 | 2 | 152 |
2018 | 607 | 52 | 92 | 48 | 316 | 6 | 93 |
2019 | 674 | 36 | 131 | 43 | 368 | 18 | 78 |
2020 | 510 | 28 | 67 | 70 | 273 | 13 | 59 |
2021 | 446 | 17 | 74 | 10 | 290 | 10 | 45 |
2022 | 342 | 10 | 95 | 7 | 197 | 8 | 25 |
2023 | 231 | 7 | 82 | 22 | 107 | 0 | 13 |
Tổng | 8664 | 431 | 1009 | 1233 | 4629 | 84 | 1278 |
Bảng 1. Thống kê lượt cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo[1]
Năm | Bồi dưỡng | |||||||||||
Tổng số lượt cử đi bồi dưỡng | Kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý | Kiến thức, kỹ năng QLNN | Theo yêu cầu của VTVL | Tin học | Ngoại ngữ | Khác | ||||||
Cán bộ, Công chức | Viên chức | Cán bộ, Công chức | Viên chức | Cán bộ, Công chức | Viên chức | Cán bộ, Công chức | Viên chức | Cán bộ, công chức | Viên chức | |||
2010 | 6092 | 125 | 132 | 241 | 93 | 76 | 291 | 326 | 865 | 238 | 916 | 2789 |
2011 | 1721 | 87 | 27 | 105 | 42 | 194 | 129 | 48 | 319 | 52 | 244 | 474 |
2012 | 2573 | 71 | 35 | 382 | 106 | 194 | 160 | 130 | 341 | 41 | 281 | 832 |
2013 | 2919 | 156 | 31 | 174 | 48 | 409 | 145 | 136 | 474 | 49 | 501 | 796 |
2014 | 4530 | 220 | 52 | 304 | 34 | 740 | 155 | 154 | 214 | 55 | 271 | 2331 |
2015 | 3097 | 184 | 63 | 310 | 38 | 622 | 139 | 69 | 436 | 79 | 417 | 740 |
2016 | 3668 | 195 | 133 | 558 | 65 | 93 | 429 | 134 | 471 | 146 | 512 | 932 |
2017 | 4082 | 110 | 50 | 617 | 82 | 592 | 613 | 25 | 406 | 31 | 428 | 1128 |
2018 | 4359 | 152 | 133 | 439 | 191 | 325 | 1431 | 125 | 402 | 50 | 307 | 804 |
2019 | 4356 | 314 | 160 | 249 | 127 | 169 | 802 | 316 | 486 | 254 | 442 | 1037 |
2020 | 2975 | 246 | 159 | 200 | 171 | 44 | 726 | 225 | 193 | 147 | 162 | 702 |
2021 | 3424 | 308 | 194 | 476 | 79 | 99 | 1144 | 34 | 121 | 3 | 134 | 832 |
2022 | 2408 | 178 | 52 | 119 | 47 | 496 | 663 | 5 | 89 | 7 | 104 | 648 |
2023 | 1326 | 57 | 30 | 139 | 61 | 91 | 711 | 1 | 2 | 17 | 4 | 232 |
Tổng | 47549 (100%) | 2403 (5,06%) | 1251 (2,62%) | 4313 (9,07%) | 1184 (2,49%) | 4144 (8,72%) | 7538 (15,86%) | 1728 (3,64%) | 4819 (10,14%) | 1169 (2,42%) | 4723 (9,93%) | 14277 (30,04%) |
Bảng 2. Thống kê lượt cử cán bộ, công chức, viên chức đi bồi dưỡng[2]
b) Thực trạng trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý
Tính đến tháng 01/2024, toàn tỉnh có 2.262 cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận, Đoàn thể giữ chức vụ từ Phó Trưởng phòng và tương đương trở lên (không bao gồm viên chức lãnh đạo, quản lý các trường thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện); gồm 04 nhóm cụ thể như sau:
Đối tượng | Số lượng | Trình độ chuyên môn | ||
Đại học | Thạc sĩ, BS CKI | Tiến sĩ, BS CKII | ||
Nhóm 1. Trưởng các sở, ban, ngành và tương đương | 65 | 23 | 32 | 10 |
100% | 35.38% | 49.23% | 15.38% | |
Nhóm 2. Phó trưởng các sở, ban, ngành và tương đương | 150 | 64 | 82 | 4 |
100% | 42.67% | 54.67% | 2.67% | |
Nhóm 3. Trưởng, Phó phòng cấp tỉnh và tương đương | 850 | 415 | 398 | 37 |
100% | 48.82% | 46.82% | 4.35% | |
Nhóm 4. Trưởng, Phó phòng cấp huyện và tương đương | 1197 | 903 | 294 | 0 |
100% | 75.44% | 24.56% | 0% | |
TỔNG | 2262 | 1405 | 806 | 51 |
100% | 62.11% | 35.63% | 2.25% |
Bảng 3. Thống kê trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý
Chất lượng cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn về trình độ đào tạo theo yêu cầu của vị trí việc làm, chức vụ, chức danh đảm nhiệm theo các quy định hiện hành. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ Phó trưởng phòng cấp tỉnh trở lên có trình độ Thạc sĩ và tương đương chiếm tỷ lệ cao so với trình độ chung của từng nhóm chức danh lãnh đạo, quản lý. Trình độ chuyên môn sau đại học của nhóm chức danh lãnh đạo, quản lý Trưởng, Phó phòng cấp huyện và tương đương chưa cao. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý có trình độ Tiến sĩ và tương đương còn thấp, phân bố không đồng đều giữa các nhóm chức danh quản lý.
STT | Chức danh, chức vụ | Độ tuổi | |||||
Dưới 40 tuổi | Từ 40 - 45 tuổi | Từ 45 - 50 tuổi | Từ 50 - 55 tuổi | Trên 55 tuổi | Tổng | ||
TỔNG: - Trong đó: | 259 (11,45%) | 521 (23,03%) | 648 (28,65%) | 367 (16,32%) | 467 (20,64%) | 2262 (100%) | |
1 | Trưởng các Sở, ban, ngành và tương đương | 1 | 2 | 17 | 16 | 29 | 65 |
2 | Phó Trưởng các Sở, Ban, ngành và tương đương | 6 | 13 | 57 | 40 | 34 | 150 |
3 | Trưởng, Phó Trưởng phòng cấp tỉnh và tương đương | 72 | 193 | 291 | 157 | 179 | 892 |
4 | Trưởng, Phó trưởng phòng cấp huyện và tương đương | 180 | 313 | 283 | 154 | 225 | 1155 |
Bảng 4. Thống kê độ tuổi của cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý
Đối tượng | Số lượng | Tỷ lệ |
Dưới 45 tuổi và có trình độ tiến sĩ và tương đương (so với tổng số lượng CBCCVC có trình độ tiến sĩ) | 8 | 1% |
Dưới 45 tuổi và có trình độ thạc sĩ và tương đương (so với tổng số lượng CBCCVC có trình độ thạc sĩ) | 366 | 47% |
Dưới 45 tuổi và có trình độ đại học và tương đương (so với tổng số lượng CBCCVC có trình độ đại học) | 406 | 52% |
Tổng | 780 | 100% |
Bảng 5. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý trẻ theo trình độ chuyên môn
Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý từ 50 tuổi trở lên chiếm hơn 60% tổng số lượng cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo quản lý. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức trẻ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý còn hạn chế. Dư địa để phát triển trình độ chuyên môn sau đại học đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý dưới 45 tuổi có tỷ lệ cao.
Đối tượng | Số lượng | Ngành, lĩnh vực |
| |||||||
Kinh tế, tài chính, kế toán… | Công nghệ thông tin, khoa học máy tính… | Y tế | Giáo dục | Quy hoạch, Phát triển đô thị… | Tài nguyên môi trường, Quản lý đất đai | Nông nghiệp, Phát triển nông thôn | Quản lý hành chính, Luật… | Khác | ||
Nhóm 1. Trưởng các sở, ban, ngành và tương đương | 65 | 15 | 1 | 2 | 5 | 3 | 1 | 4 | 18 | 16 |
100% | 23% | 2% | 3% | 8% | 5% | 2% | 6% | 28% | 25% | |
Nhóm 2. Phó trưởng các sở, ban, ngành và tương đương | 150 | 39 | 2 | 4 | 8 | 6 | 3 | 10 | 51 | 27 |
100% | 26% | 1% | 3% | 5% | 4% | 2% | 7% | 34% | 18% | |
Nhóm 3. Trưởng, Phó phòng cấp tỉnh và tương đương | 850 | 153 | 43 | 80 | 182 | 17 | 19 | 56 | 113 | 187 |
100% | 18% | 5% | 9% | 21% | 2% | 2% | 7% | 13% | 22% | |
Nhóm 4. Trưởng, Phó phòng cấp huyện và tương đương | 1197 | 312 | 23 | 7 | 87 | 4 | 36 | 125 | 288 | 315 |
100% | 26% | 2% | 1% | 7% | 0% | 3% | 10% | 24% | 26% | |
TỔNG | 2262 | 519 | 69 | 93 | 282 | 30 | 59 | 195 | 470 | 545 |
23% | 3% | 4% | 12% | 1% | 3% | 9% | 21% | 24% |
Bảng 6. Thống kê trình độ chuyên môn cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý theo chuyên ngành, ngành đào tạo.
Các chuyên ngành, ngành đào tạo chuyên môn của cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo quản lý có sự đa dạng trên nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội và tập trung vào các nhóm ngành, lĩnh vực liên quan đến quản lý kinh tế, tài chính, luật, hành chính, chính sách công... Bên cạnh đó, các nhóm ngành chuyên môn về nông nghiệp, phát triển nông thôn, tài nguyên môi trường, công nghệ thông tin, quy hoạch, kiến trúc… chưa được chú trọng đào tạo.
Số lượng cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý tại các lĩnh vực Quy hoạch, phát triển đô thị, Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính, Tài nguyên và môi trường, Quản lý đất đai,… chiếm tỷ lệ thấp. Số lượng chuyên gia đầu ngành và cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý có chuyên môn sâu ở một số lĩnh vực còn hạn chế.
Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập, phát triển hiện nay, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý của tỉnh cần chủ động hơn nữa trong việc học tập, bồi dưỡng kiến thức mới, trau dồi kinh nghiệm thực tiễn để kịp thời nắm bắt xu thế, đề ra phương án, giải pháp xử lý phù hợp, tham mưu tốt công tác quản lý nhà nước và góp phần phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.
Thực tiễn về chất lượng cán bộ, công chức, viên chức và nhu cầu đặt ra về phát triển kinh tế, xã hội của địa phương là tiền đề rất quan trọng để Uỷ ban nhân dân tỉnh đặt ra các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng; thực hiện có trọng tâm, trọng điểm và tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu, từng bước xây dựng nguồn nhân lực tại chỗ chất lượng cao.
Phần II
NỘI DUNG ĐỀ ÁN
I. CÁC NHÓM ĐỐI TƯỢNG ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG
Đề án tập trung đào tạo, bồi dưỡng 04 nhóm lãnh đạo, quản lý bao gồm:
Nhóm 1. Trưởng các sở, ban, ngành và tương đương
Nhóm 2. Phó Trưởng các sở, ban, ngành và tương đương
Nhóm 3. Trưởng, Phó phòng cấp tỉnh và tương đương
Nhóm 4. Trưởng, Phó phòng cấp huyện và tương đương
(Các chức danh tương đương tại các nhóm trên căn cứ danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở ban hành tại Quyết định số 1207-QĐ/TU, ngày 18/01/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và các quy định khác có liên quan).
II. PHẠM VI, NỘI DUNG ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG
Đề án triển khai các nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý trên các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm về phát triển kinh tế - xã hội đã được đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025; cụ thể:
- Đối với cán bộ, công chức: Bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước, thực thi công vụ gắn với chuyển đổi số, quản lý chính quyền địa phương, quản lý phát triển đô thị và nông thôn.
- Đối với viên chức: Bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng quản trị đơn vị và chuyên môn nghiệp vụ.
- Đào tạo sau đại học.
Thực hiện quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng có trọng tâm, trọng điểm và cử đào tạo theo chỉ tiêu được giao hằng năm đối với từng nhóm lãnh đạo, quản lý theo định hướng một số lĩnh vực sau:
1. Bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý và năng lực thực thi công vụ trên các lĩnh vực trong và ngoài nước
STT | Nhóm đối tượng tập trung thực hiện | Nội dung định hướng bồi dưỡng |
1. | Nhóm 1, Nhóm 2 | - Tài chính công, đầu tư công (trong đó tập trung nâng cao kỹ năng quản lý trên lĩnh vực đấu thầu), tài sản công. - Công nghệ - thông tin, chuyển đổi số trong xây dựng chính quyền số, đô thị thông minh. - Ứng dụng khoa học – công nghệ trong lĩnh vực y tế; kỹ năng quản lý, quản trị hệ thống y tế tại các nước tiên tiến và các tỉnh, thành khác. - Quy hoạch, phát triển đô thị; quy hoạch, phát triển mạng lưới giao thông; quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông - vận tải; bồi thường đất đai, tái định cư, xử lý rác thải, thoát nước, cảnh quan đô thị. |
2. | Nhóm 3, Nhóm 4 | - Quy hoạch, phát triển đô thị và giao thông vận tải, chú trọng kỹ năng quy hoạch xây dựng đô thị thông minh, đô thị xanh, phát triển hạ tầng đô thị; nâng cao năng lực quy hoạch - kiến trúc đô thị; quy hoạch, phát triển mạng lưới giao thông; quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông - vận tải; bồi thường đất đai, tái định cư, xử lý rác thải, thoát nước, cảnh quan đô thị. - Kiến thức về các nội dung mua sắm, quản lý tài sản công, đấu thầu. - Hệ thống mạng, bảo mật hệ thống cơ sở dữ liệu, xử lý mã độc và các vấn đề liên quan trên không gian mạng, công nghệ máy tính, công nghệ AI, … - Chuyên sâu các nội dung thực tiễn y – dược theo yêu cầu cụ thể (ưu tiên hình thức hội thảo, hội nghị chuyên đề, thành lập đoàn học tập kinh nghiệm thực tiễn tại các nước tiên tiến). |
2. Đào tạo sau đại học
- Đối tượng tập trung thực hiện: Nhóm 3, Nhóm 4.
- Nội dung định hướng đào tạo: Tập trung đào tạo các ngành và chuyên ngành liên quan đến các lĩnh vực khoa học máy tính, công nghệ thông tin, quy hoạch, kiến trúc đô thị, tài nguyên, môi trường, nông nghiệp, y - dược phù hợp với từng vị trí việc làm và chuyên môn nghiệp vụ theo đối tượng và chỉ tiêu được giao (Chi tiết tại Phụ lục II đính kèm).
III.MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Hình thành đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên sâu về chuyên môn, nghiệp vụ; có khả năng nghiên cứu, đề xuất, xây dựng, thẩm định và tổ chức thực thi chính sách hiệu quả, sử dụng thành thạo các kiến thức bổ trợ khác nhằm đáp ứng yêu cầu về nhiệm vụ được giao trong các lĩnh vực, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội từng giai đoạn của tỉnh.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Đến năm 2026
- Đối với nội dung bồi dưỡng:
+ Phấn đấu đạt 20% cán bộ, công chức, viên chức thuộc 04 nhóm lãnh đạo, quản lý được tham gia bồi dưỡng các nội dung chuyên sâu theo định hướng của Đề án.
+ Phấn đấu hằng năm có ít nhất 02 đoàn cán bộ, công chức, viên chức thuộc 04 nhóm lãnh đạo, quản lý tham gia bồi dưỡng tại nước ngoài (trong đó có ít nhất 01 đoàn có sự tham gia của đối tượng thuộc Nhóm 01, 02).
- Đối với nội dung đào tạo: Phấn đấu cử ít nhất 5% cán bộ, công chức, viên chức cán bộ, công chức, viên chức thuộc 04 nhóm lãnh đạo, quản lý đào tạo sau đại học.
b) Giai đoạn 2026 - 2030
- Đối với nội dung bồi dưỡng: Phấn đấu đạt 50% cán bộ, công chức, viên chức thuộc 04 nhóm lãnh đạo, quản lý được tham gia bồi dưỡng các nội dung chuyên sâu theo định hướng của Đề án.
- Đối với nội dung đào tạo: Phấn đấu đạt 40% cán bộ, công chức, viên chức thuộc 04 nhóm lãnh đạo, quản lý đạt trình độ sau đại học.
- Hình thành được đội ngũ chuyên gia ở một số lĩnh vực trọng tâm như: y tế, quy hoạch phát triển đô thị, xây dựng đô thị thông minh, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp…
IV. ĐIỀU KIỆN, TIÊU CHUẨN CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC THAM GIA ĐỀ ÁN
Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo quản lý tham gia Đề án cần đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn sau:
1. Đối với các nội dung đào tạo
- Đảm bảo các điều kiện về đào tạo sau đại học quy định tại Điều 6 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và các quy định hiện hành của Nhà nước.
- Cán bộ, công chức, viên chức tham gia các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phải thực hiện báo cáo kết quả đào tạo khi kết thúc khóa đào tạo và báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ sau đào tạo theo yêu cầu cụ thể của Đề án và Kế hoạch triển khai Đề án.
2. Đối với các nội dung bồi dưỡng
Điều kiện bồi dưỡng trong nước và ở nước ngoài thực hiện theo quy định hiện hành và theo tiêu chuẩn, điều kiện của từng chương trình bồi dưỡng.
V. LỘ TRÌNH THỰC HIỆN
1. Đến năm 2026
- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các kế hoạch, đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, tránh trùng lặp, lãng phí.
- Phối hợp với các đơn vị đào tạo, bồi dưỡng có chức năng và đủ năng lực xây dựng Chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu của các chương trình, kế hoạch triển khai Đề án, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
- Liên kết, hợp tác quốc tế trên lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng để tổ chức đoàn học tập, lựa chọn cơ sở bồi dưỡng ở nước ngoài uy tín, chất lượng và phù hợp với quan điểm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng, Nhà nước và điều kiện thực tiễn của địa phương.
- Xây dựng các kế hoạch triển khai theo quy định để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định
- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch.
- Tổ chức sơ kết việc thực hiện Đề án, đánh giá, rút kinh nghiệm và hoàn thiện đề án, kế hoạch phù hợp với giai đoạn tiếp theo.
2. Giai đoạn 2026 - 2030
- Điều chỉnh, bổ sung lĩnh vực, nội dung định hướng bồi dưỡng hằng năm hoặc giai đoạn tại Phụ lục kèm theo Đề án và chương trình, tài liệu bồi dưỡng để phù hợp yêu cầu trong giai đoạn mới (trường hợp cần thiết).
- Tiếp tục xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng theo Đề án.
VI. KINH PHÍ, QUYỀN LỢI, TRÁCH NHIỆM, NGHĨA VỤ CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC THAM GIA ĐỀ ÁN
1. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức
- Kinh phí tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thực hiện theo quy định tại Điều 36 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Điều 18 Quyết định số 25/2022/QĐ-UBND ngày 05/9/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Quảng Nam (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 1 Quyết định số 16/2024/QĐ-UBND ngày 02/7/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 25/2022/QĐ-UBND ngày 05/9/2022 của UBND tỉnh) và các quy định khác có liên quan.
- Cán bộ, công chức, viên chức tự túc kinh phí đào tạo sau đại học (trừ các đối tượng thuộc phạm vi hỗ trợ tại Nghị quyết số 11/2023/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định hỗ trợ và mức chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh và các quy định khác có liên quan).
2. Quyền lợi của cán bộ, công chức, viên chức
- Cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng được đảm bảo các quyền lợi quy định tại Điều 37 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và các chế độ hỗ trợ khác theo quy định hiện hành.
- Cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo lần đầu có kết quả học tập đạt loại giỏi trở lên được ưu tiên quy hoạch đào tạo ở bậc cao hơn theo nguyện vọng, phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm và nhu cầu của cơ quan, đơn vị.
3. Trách nhiệm, nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức
- Cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình được quy định tại Điều 38 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ; thực hiện đầy đủ cam kết của bản thân đối với tổ chức khi được cấp có thẩm quyền thống nhất cử đi đào tạo; phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ đền bù chi phí đào tạo nếu thuộc một trong các trường hợp phải đền bù chi phí đào tạo quy định tại Điều 7 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ.
- Sau khi kết thúc chương trình đào tạo, cán bộ, công chức, viên chức phải báo cáo kết quả học tập cho cơ quan quản lý, sử dụng và cung cấp văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền theo đúng quy định.
- Sau khi kết thúc chương trình bồi dưỡng, cán bộ, công chức, viên chức tham gia có trách nhiệm tham gia khảo sát, đánh giá chất lượng khóa bồi dưỡng theo yêu cầu (nếu có), báo cáo kết quả thu hoạch sau khóa bồi dưỡng.
VII. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP TRIỂN KHAI THỰC HIỆN
1. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ về phát triển đội ngũ trí thức theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các chính sách đào tạo, bồi dưỡng hiện nay trên địa bàn tỉnh.
2. Thực hiện tốt các quy định về thu hút, tuyển dụng và sử dụng nhân tài, tạo môi trường làm việc thuận lợi, đồng thời đào tạo năng lực tiếp cận và khả năng thích ứng với môi trường công nghệ hiện đại.
3. Đổi mới phương pháp, nội dung đào tạo theo hướng chuyên môn hoá công tác đào tạo, bồi dưỡng theo từng cơ quan chuyên môn cụ thể. Mỗi cơ quan, đơn vị quản lý, phụ trách theo từng lĩnh vực cụ thể chịu trách nhiệm lựa chọn, xây dựng nội dung bồi dưỡng phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh trong từng giai đoạn, phối hợp với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thực hiện tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu của từng ngành để hình thành đội ngũ chuyên gia trên từng lĩnh vực cụ thể. Đa dạng hoá các hình thức đào tạo, bồi dưỡng; ưu tiên cho các hoạt động bồi dưỡng trực tuyến, hội thảo, hội nghị, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với từng đối tượng và nội dung cụ thể.
4. Đẩy mạnh hợp tác với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước. Lựa chọn cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thật sự chất lượng, phù hợp với nhu cầu thực tiễn; hợp tác, liên kết với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có uy tín ở nước ngoài, đặc biệt là các nước có nhiều ưu thế về những ngành, lĩnh vực là trọng tâm phát triển của tỉnh để thực hiện bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ, công chức, viên chức.
5. Sử dụng có hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước cho công tác đào tạo, bồi dưỡng. Bảo đảm nguồn lực từ ngân sách nhà nước; đồng thời, thu hút các nguồn lực khác trong và ngoài nước dành cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo quy định. Khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo diện học bổng được hỗ trợ toàn phần hoặc một phần của Trung ương.
6. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về tầm quan trọng và ý nghĩa thực tiễn của công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu trong việc nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất trong triển khai thực hiện.
Phần III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
I. TRÁCH NHIỆM TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Đề nghị Ban Tổ chức Tỉnh uỷ
- Chủ trì xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Chương trình bồi dưỡng theo các nội dung định hướng tại Đề án liên quan đến lĩnh vực cơ quan phụ trách (theo phân công cụ thể tại Phụ lục I đính kèm Đề án); ban hành danh mục lĩnh vực chuyên môn tập trung đào tạo, bồi dưỡng theo từng năm hoặc trong giai đoạn; chủ trì dự toán tổ chức lớp bồi dưỡng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức mở lớp bồi dưỡng trên cơ sở chương trình đã được phê duyệt đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo quản lý khối Đảng, Mặt trận - Đoàn thể (trong đó, bao gồm các nội dung liên quan đến việc thực hiện lựa chọn các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng uy tín, phối hợp được với các chuyên gia đầu ngành, giảng viên, báo cáo viên có kinh nghiệm, chuyên sâu trong lĩnh vực được mời thỉnh giảng, báo cáo, thực hiện quy trình đấu thầu, ký kết hợp đồng với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng theo quy định - nếu có).
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cho ý kiến cử cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quản lý đi đào tạo, bồi dưỡng.
- Thực hiện rà soát, đề xuất nội dung, chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu theo yêu cầu; tổng hợp nhu cầu đào tạo của cơ quan, đơn vị khối Đảng, Mặt trận
- Đoàn thể; cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo đảm bảo đúng đối tượng và tuân thủ quy trình theo quy định, tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng.
- Phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính trong việc triển khai thực hiện các nội dung đào tạo, bồi dưỡng có liên quan.
2. Sở Nội vụ
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành danh mục lĩnh vực chuyên môn tập trung đào tạo, bồi dưỡng theo từng năm hoặc trong giai đoạn.
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan (tại Phụ lục kèm theo Đề án) xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt.
- Tổng hợp đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng hằng năm và đánh giá cán bộ, công chức, viên chức sau đào tạo, bồi dưỡng, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh.
- Phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng, kết nối với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước
- Chủ trì, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, đôn đốc các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện các nhiệm vụ đề ra tại Đề án.
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Đề án.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn cụ thể đối với các trường hợp được cử đi đào tạo sử dụng nguồn ngân sách nhà nước hoặc kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức không đạt yêu cầu phải thực hiện đền bù chi phí đào tạo theo quy định hiện hành và tham mưu xử lý (nếu có).
3. Sở Tài chính
- Tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh bảo đảm kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo quy định.
- Chủ trì thẩm định dự toán kinh phí theo đề xuất của các cơ quan, đơn vị, địa phương; tham mưu bố trí, phân bổ kinh phí và thực hiện thanh quyết toán hoặc hướng dẫn thanh quyết toán kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đối với các nội dung đào tạo, bồi dưỡng tại Đề án theo quy định; hướng dẫn các cơ quan, đơn vị xây dựng dự toán kinh phí.
- Phối hợp với Sở Nội vụ và các Sở, ban, ngành có liên quan trong giải quyết, xử lý đền bù chi phí đào tạo đối với các trường hợp được cử đi đào tạo sử dụng nguồn ngân sách nhà nước hoặc kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức.
- Phối hợp với Sở Nội vụ kiểm tra việc triển khai thực hiện về các nội dung triển khai tại Đề án theo thẩm quyền.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn các Sở, ban, ngành có liên quan về thủ tục, quy trình thực hiện phê duyệt lựa chọn nhà thầu/đơn vị tổ chức và thực hiện các thủ tục đấu thầu theo quy định.
5. Sở Ngoại vụ
- Chủ trì hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng; chú trọng tham mưu đẩy mạnh hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng nhằm tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ của các đối tác, địa phương nước ngoài, nhất là các lĩnh vực mà địa phương chưa có chuyên gia.
- Chủ trì kết nối, giới thiệu liên kết với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài có uy tín, chất lượng đào tạo cao.
- Phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan liên quan trong việc cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài.
- Phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thủ tục, quy trình thực hiện ký kết hợp đồng với nhà thầu cung cấp dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài.
6. Đối với các Sở, Ban, ngành thuộc tỉnh
- Căn cứ định hướng nội dung bồi dưỡng và phân công tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng (tại Phụ lục I kèm theo Đề án), thực hiện rà soát, đề xuất chỉ tiêu mở lớp bồi dưỡng chuyên sâu; chủ trì xây dựng, trình Hội đồng đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC tỉnh xem xét, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt Chương trình bồi dưỡng và Kế hoạch bồi dưỡng chuyên sâu thuộc lĩnh vực được phân công; chủ trì xây dựng dự toán tổ chức lớp bồi dưỡng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức mở lớp bồi dưỡng trên cơ sở chương trình đã được phê duyệt (trong đó bao gồm các nội dung liên quan đến việc thực hiện lựa chọn các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng uy tín, phối hợp được với các chuyên gia đầu ngành, giảng viên, báo cáo viên có kinh nghiệm, chuyên sâu trong lĩnh vực được mời thỉnh giảng, báo cáo, thực hiện quy trình đấu thầu, ký kết hợp đồng với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, thanh quyết toán theo quy định).
- Chủ trì tổng hợp, đề xuất kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức gửi cơ quan tài chính tại thời điểm lập dự toán ngân sách năm sau để phối hợp tham mưu bố trí kinh phí triển khai thực hiện Đề án đối với các nội dung chủ trì đào tạo, bồi dưỡng thuộc phân công chủ trì.
- Tổng hợp nhu cầu đào tạo của cơ quan, đơn vị gửi cơ quan liên quan; cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo đảm bảo đúng đối tượng và tuân thủ quy trình theo quy định, tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị tham gia đào tạo, bồi dưỡng.
- Thực hiện quy trình đền bù chi phí đào tạo đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý được cử đi đào tạo sử dụng nguồn ngân sách nhà nước hoặc kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức.
- Phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính trong việc triển khai thực hiện các nội dung đào tạo, bồi dưỡng liên quan đến lĩnh vực đơn vị phụ trách.
- Thực hiện chế độ báo cáo về đánh giá chất lượng các nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng; chất lượng cán bộ, công chức, viên chức sau đào tạo, bồi dưỡng định kỳ hoặc khi có yêu cầu.
7. Đối với Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Thực hiện rà soát, đề xuất nội dung, chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu theo yêu cầu; tổng hợp nhu cầu đào tạo và cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo đảm bảo đúng đối tượng và tuân thủ quy trình theo quy định; không cử 01 đối tượng tham gia đồng thời các chương trình đào tạo, bồi dưỡng khác nhau tại cùng một thời điểm công tác; tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị tham gia đào tạo, bồi dưỡng.
- Thực hiện quy trình đền bù chi phí đào tạo theo quy định đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý được cử đi đào tạo sử dụng nguồn ngân sách nhà nước hoặc kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức.
- Phối hợp với các Sở, ban, ngành trong việc triển khai thực hiện các nội dung đào tạo, bồi dưỡng.
- Thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình, kết quả học tập của học viên theo học các chương trình; thực hiện chế độ báo cáo về đánh giá chất lượng các nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng; chất lượng cán bộ, công chức, viên chức sau đào tạo, bồi dưỡng định kỳ hoặc khi có yêu cầu.
II. QUY ĐỊNH CHUYỂN TIẾP
Trong trường hợp các quy định được viện dẫn tại Đề án này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì thực hiện theo quy định được sửa đổi, bổ sung, thay thế và các văn bản có giá trị pháp lý cao hơn.
Trên đây là Đề án đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
PHỤ LỤC I
ĐỊNH HƯỚNG NỘI DUNG BỒI DƯỠNG ĐẾN NĂM 2025 VÀ PHÂN CÔNG TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ BỒI DƯỠNG
(Kèm theo Đề án số 7328 /ĐA-UBND ngày 27/9/2024 của UBND tỉnh Quảng Nam)
STT | Nội dung định hướng bồi dưỡng | Nhiệm vụ và thời gian hoàn thành | Đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ | Đơn vị phối hợp tổ chức lớp | Đối tượng ưu tiên bồi dưỡng | Hình thức tổ chức |
A. Lĩnh vực quản lý tài chính, tài sản công | ||||||
1 | Về tài chính, tài sản công | - Xây dựng chương trình: 2024; - Tổ chức mở lớp bồi dưỡng: 2024, 2025 | Sở Tài chính | Sở GĐ&ĐT: phối hợp xây dựng chương trình (nếu có) | Văn phòng, Phòng chuyên môn có liên quan của các Sở, Ban, ngành, địa phương | Tối thiểu 02 lớp tập trung hoặc trực tuyến/ 01 năm. |
2 | Về đấu thầu, mua sắm tài sản công | - Xây dựng chương trình: 2024; - Tổ chức mở lớp bồi dưỡng: 2024, 2025 | Sở Kế hoạch và Đầu tư | |||
B. Lĩnh vực công nghệ - thông tin, chuyển đổi số | ||||||
1 | Ứng dụng Công nghệ thông tin trong các lĩnh vực | - Xây dựng chương trình: 2024; - Tổ chức mở lớp bồi dưỡng: 2024, 2025 | Các Sở, ban, ngành | - Sở Ngoại vụ: phối hợp mở lớp quốc tế (nếu có) - Sở GĐ&ĐT: phối hợp xây dựng chương trình (nếu có) | Các Sở, ban, ngành, địa phương | - Tối thiểu 01 lớp tập trung hoặc trực tuyến/ 01 nội dung định hướng/ 01 năm. - Tối thiểu 01 đoàn tham gia bồi dưỡng tại nước ngoài/ 01 năm. - Tối thiểu 01 Hội thảo trao đổi chuyên môn/ 01 năm. |
2 | Chuyển đổi số trên các lĩnh vực | |||||
3 | Chính quyền điện tử, chính quyền số | Sở Thông tin và Truyền thông | ||||
4 | Ứng phó, xử lý với thông tin xấu độc trên không gian mạng |
| ||||
5 | Chuyên sâu về hệ thống mạng, bảo mật hệ thống cơ sở dữ liệu, xử lý mã độc và các vấn đề liên quan trên không gian mạng | Trung tâm QTI | ||||
C. Lĩnh vực y tế | ||||||
1 | Quản lý y tế | - Xây dựng chương trình: 2024; - Tổ chức mở lớp bồi dưỡng: 2024, 2025 | Sở Y tế | - Sở Ngoại vụ: phối hợp mở lớp quốc tế (nếu có) - Sở GĐ&ĐT: phối hợp xây dựng chương trình (nếu có) | Các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến khu vực; Các Trung tâm y tế tuyến huyện, thị xã, thành phố (có thể mở rộng nhóm đối tượng bồi dưỡng đến viên chức chuyên môn giữ chức vụ Trưởng, Phó Trưởng khoa và tương đương) | - Tối thiểu 01 lớp tập trung hoặc trực tuyến/ 01 nội dung định hướng/01 năm. - Tối thiểu 01 đoàn tham gia bồi dưỡng tại nước ngoài/01 năm. - Tối thiểu 01 Hội thảo trao đổi chuyên môn/ 01 năm. |
2 | Kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực y – dược | |||||
D. Lĩnh vực quản lý hành chính, tổ chức bộ máy hành chính | ||||||
1 | Xây dựng chính quyền địa phương, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước | - Xây dựng chương trình: 2024; - Tổ chức mở lớp bồi dưỡng: 2024, 2025 | Sở Nội vụ | Sở GĐ&ĐT: phối hợp xây dựng chương trình (nếu có) | Các Sở, ban, ngành, địa phương | Tối thiểu 01 lớp tập trung hoặc trực tuyến/ 01 lĩnh vực/ 01 năm. |
2 | Xây dựng Đảng, hệ thống chính trị | - Xây dựng chương trình: 2024; - Tổ chức mở lớp bồi dưỡng: 2024, 2025 | Ban Tổ chức Tỉnh uỷ | |||
3 | Học tập kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, quản trị nhân lực ở các nước tiên tiến | - Xây dựng chương trình: 2024; - Tổ chức mở lớp bồi dưỡng: 2024, 2025 | Sở Ngoại vụ | Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Sở Nội vụ | Tối thiểu 01 đoàn tham gia bồi dưỡng tại nước ngoài/ 01 năm. | |
Đ. Lĩnh vực quy hoạch, phát triển đô thị | ||||||
1 | Quy hoạch xây dựng đô thị thông minh, đô thị xanh | - Xây dựng chương trình: 2024; - Tổ chức mở lớp bồi dưỡng: 2024, 2025 | Sở Xây dựng | - Sở Ngoại vụ: phối hợp mở lớp quốc tế (nếu có) - Sở GĐ&ĐT: phối hợp xây dựng chương trình (nếu có) | - Các địa phương; - Ban Quản lý Dự án ĐTXD; - Ban Quản lý Dự án ĐTXD các công trình GTVT; - Ban Quản lý dự án ĐTXD các công trình NN&PTNT; - Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp | - Tối thiểu 01 lớp tập trung hoặc trực tuyến/ 01 nội dung định hướng/ 01 năm. - Tối thiểu 01 đoàn tham gia bồi dưỡng tại nước ngoài/ 01 năm. - Tối thiểu 01 Hội thảo trao đổi chuyên môn/ 01 năm. |
2 | Nâng cao năng lực quy hoạch - kiến trúc đô thị, phát triển hạ tầng đô thị | |||||
3 | Quy hoạch, phát triển mạng lưới giao thông | - Xây dựng chương trình: 2024; - Tổ chức mở lớp bồi dưỡng: 2024, 2025 | Sở Giao thông - Vận tải | |||
4 | Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông - vận tải | |||||
E. Lĩnh vực đất đai - môi trường | ||||||
1 | Nâng cao kỹ năng quản lý nhà nước về đất đai (bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất…) | - Xây dựng chương trình: 2024; - Tổ chức mở lớp bồi dưỡng: 2024, 2025 | Sở Tài nguyên và Môi trường | - Sở Ngoại vụ: phối hợp mở lớp quốc tế (nếu có) - Sở GĐ&ĐT: phối hợp xây dựng chương trình (nếu có) | Các địa phương và các Sở, ban, ngành có liên quan | - Tối thiểu 01 lớp tập trung hoặc trực tuyến/ 01 nội dung định hướng/ 01 năm. -Tối thiểu 01 đoàn tham gia bồi dưỡng tại nước ngoài/ 01 năm. - Tối thiểu 01 Hội thảo trao đổi chuyên môn/ 01 năm. |
2 | Bồi dưỡng về xây dựng đô thị xanh (thu gom xử lý rác thải, thoát nước, cây xanh, ứng phó biến đổi khí hậu…) | |||||
G. Lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | ||||||
1 | Ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào phát triển nông nghiệp, nông thôn mới trên địa bàn tỉnh | - Xây dựng chương trình: 2024; - Tổ chức mở lớp bồi dưỡng: 2024, 2025 | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | - Sở Ngoại vụ: phối hợp mở lớp quốc tế (nếu có) - Sở GĐ&ĐT: phối hợp xây dựng chương trình (nếu có) | Các địa phương và các Sở, ban, ngành có liên quan | - Tối thiểu 01 lớp tập trung hoặc trực tuyến/ 01 nội dung định hướng/ 01 năm. -Tối thiểu 01 đoàn tham gia bồi dưỡng tại nước ngoài/ 01 năm. - Tối thiểu 01 Hội thảo trao đổi chuyên môn/ 01 năm. |
2 | Phòng chống thiên tai | |||||
H. Lĩnh vực Khoa học và Công nghệ | ||||||
1 | Bồi dưỡng kiểm định viên các thiết bị liên quan đến X- quang trong y tế | - Xây dựng chương trình: 2024 - Tổ chức mở lớp bồi dưỡng: 2024, 2025 | Sở Khoa học và Công nghệ | - Sở Y tế: phối hợp mở lớp - Sở Ngoại vụ: phối hợp mở lớp quốc tế (nếu có) - Sở GĐ&ĐT: phối hợp xây dựng chương trình (nếu có) | Trung tâm Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo | Tối thiểu 02 lớp tập trung/02 nội dung/01 năm |
2 | Bồi dưỡng kiểm định viên các thiết bị liên quan đến phương tiện đo nhóm II | - Xây dựng chương trình: 2024 - Tổ chức mở lớp bồi dưỡng: 2024, 2025 | Sở Khoa học và Công nghệ | - Sở Y tế: phối hợp mở lớp - Sở Ngoại vụ: phối hợp mở lớp quốc tế (nếu có) - Sở GĐ&ĐT: phối hợp xây dựng chương trình (nếu có) | Trung tâm Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo | Tối thiểu 01 lớp tập trung/01 nội dung/01 năm |
3 | Bồi dưỡng kiến thức đánh giá hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 tại cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Nam | - Xây dựng chương trình: 2024 - Tổ chức mở lớp bồi dưỡng: 2024, 2025 | Sở Khoa học và Công nghệ | - Sở Ngoại vụ: phối hợp mở lớp quốc tế (nếu có)- Sở GĐ&ĐT: phối hợp xây dựng chương trình (nếu có) | Các Sở, ban, ngành, địa phương | Tối thiểu 01 lớp tập trung hoặc trực tuyến/01 năm |
4 | Bồi dưỡng kiến thức về Sở hữu trí tuệ | - Xây dựng chương trình: 2024 - Tổ chức mở lớp bồi dưỡng: 2024, 2025 | Sở Khoa học và Công nghệ | Trưởng, phó phòng cấp huyện và cấp sở, ngành có liên quan | Tối thiểu 01 lớp tập trung/01 năm | |
5 | Bồi dưỡng kiến thức về thị trường KHCN, chuyển giao công nghệ | - Xây dựng chương trình: 2024 - Tổ chức mở lớp bồi dưỡng: 2024, 2025 | Sở Khoa học và Công nghệ |
| Trưởng, phó phòng cấp huyện và cấp sở, ngành có liên quan | Tối thiểu 01 lớp tập trung/01 năm |
PHỤ LỤC II
GIAO CHỈ TIÊU CỬ ĐÀO TẠO SAU ĐẠI HỌC THEO CÁC LĨNH VỰC
(Kèm theo Đề án số 7328/ĐA-UBND ngày 27/9/2024 của UBND tỉnh Quảng Nam)
STT | Nội dung định hướng đào tạo | Cơ quan, tổ chức, địa phương thực hiện | Đối tượng thực hiện | Chỉ tiêu thực hiện đến năm 2026 | |
Công chức | Viên chức | ||||
1 | Khoa học máy tính và công nghệ thông tin | Sở Thông tin và Truyền thông |
| Nhóm 3, Nhóm 4 | 02 chỉ tiêu |
Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn, Bắc Trà My | Nhóm 3, Nhóm 4 |
| 01 chỉ tiêu/ địa phương | ||
2 | Kiến trúc đô thị; quy hoạch, phát triển đô thị | Sở Xây dựng | Nhóm 1, Nhóm 2, Nhóm 3, Nhóm 4 | Nhóm 1, Nhóm 2, Nhóm 3, Nhóm 4 | 02 chỉ tiêu |
Sở Kế hoạch và Đầu tư | 02 chỉ tiêu | ||||
Sở Giao thông vận tải | 02 chỉ tiêu | ||||
Ban Quản lý dự án Đầu tư và xây dựng | 02 chỉ tiêu | ||||
Ban Quản lý dự án Đầu tư và xây dựng các công trình giao thông | 02 chỉ tiêu | ||||
Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố | 02 chỉ tiêu/ địa phương | ||||
3 | Quản lý tài nguyên, môi trường | Sở Tài nguyên và môi trường | Nhóm 1, Nhóm 2, Nhóm 3, Nhóm 4 | Nhóm 1, Nhóm 2, Nhóm 3, Nhóm 4 | 02 chỉ tiêu |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | 03 chỉ tiêu | ||||
Ban Quản lý Vườn Quốc gia Sông Thanh |
| Nhóm 1, Nhóm 2, Nhóm 3 | 02 chỉ tiêu | ||
Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố | Nhóm 3, Nhóm 4 |
| 01 chỉ tiêu/ địa phương | ||
4 | Nông nghiệp, nông thôn | Sở Tài nguyên và Môi trường | Nhóm 3, Nhóm 4 |
| 01 chỉ tiêu |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Nhóm 3, Nhóm 4 |
| 03 chỉ tiêu | ||
Ban Quản lý dự án Đầu tư và xây dựng các công trình nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
| Nhóm 2, Nhóm 3 | 01 chỉ tiêu | ||
Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố | Nhóm 3, Nhóm 4 | Nhóm 3, Nhóm 4 | 01 chỉ tiêu/ địa phương | ||
5 | Y - dược | Các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến khu vực; Trung tâm y tế thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố | Nhóm 3 | Nhóm 3 | 30 chỉ tiêu |
6 | Đối ngoại (Quan hệ quốc tế, Luật Quốc tế) | Ủy ban nhân dân các thành phố: Tam Kỳ, Hội An | Nhóm 3, Nhóm 4 | Nhóm 3, Nhóm 4 | 01 chỉ tiêu/ UBND thành phố |
7 | Khác | Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố | Nhóm 2, Nhóm 3, Nhóm 4 | Nhóm 2, Nhóm 3, Nhóm 4 | 01 chỉ tiêu/ mỗi Sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố |
- 1Kế hoạch 2713/KH-UBND năm 2024 đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dân số các cấp đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
- 2Quyết định 26/2024/QĐ-UBND sửa đổi Quy chế kèm theo Quyết định 14/2019/QĐ-UBND về Quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
- 3Kế hoạch 8994/KH-UBND đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2021-2025 năm 2024 do tỉnh Khánh Hòa ban hành
Đề án 7328/ĐA-UBND năm 2024 đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do tỉnh Quảng Nam ban hành
- Số hiệu: 7328/ĐA-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 27/09/2024
- Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
- Người ký: Lê Văn Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra