Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/ĐA-UBND

Ninh Bình, ngày 18 tháng 11 năm 2016

 

ĐỀ ÁN

VỀ VIỆC ĐẶT TÊN CÁC TUYẾN ĐƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN THỊ TRẤN THIÊN TÔN, HUYỆN HOA LƯ, TỈNH NINH BÌNH

Phần thứ nhất

NHỮNG CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. Căn cứ pháp lý

1. Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

2. Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ về việc ban hành quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng;

3. Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/2/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

4. Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 của Bộ Giao thông - Vận tải về việc Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/2/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

5. Thông tư số 36/TT-BVHTT ngày 20/3/2006 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) hướng dẫn thực hiện một số Điều của Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 91/2005/NĐ-CP;

6. Quyết định 1266/2014/QĐ-TTg ngày 28/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

7. Quyết định số 04/2009/QĐ-UBND ngày 21/1/2009 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

II. Hiện trạng về đường phố trên địa bàn thị trấn Thiên Tôn

Thiên Tôn là thị trấn của huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Tên của thị trấn được đặt theo tên của thần Thiên Tôn, là một vị thần theo truyền thuyết có nguồn gốc xuất xứ ở vùng đất kinh đô Hoa Lư, trấn trạch phía Đông Hoa Lư tứ trấn, hiện thần vẫn được thờ ở động Thiên Tôn và đền Hàng Tổng ở thị trấn.

Thị trấn Thiên Tôn được thành lập ngày 07/01/2004 theo quyết định số 126/QĐ-CP, ngày 31/12/2003 của Thủ tướng Chính phủ, có diện tích 215.98 ha, hiện có 1047 hộ, 3507 nhân khẩu, được chia thành 06 tổ dân phố trực thuộc quản lý, và có 61 cơ quan đơn vị hành chính sự nghiệp đóng trên địa bàn.

Thị trấn Thiên Tôn là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của huyện Hoa Lư, phía Đông giáp Xã Ninh Khang, phía Tây giáp xã Ninh Hòa, phía Nam giáp xã Ninh Mỹ, phía Bắc giáp xã Ninh Giang. Thị trấn Thiên Tôn nằm trên Quốc lộ 1A, cách thủ đô Hà Nội 85km, thị trấn có vai trò là cửa ngõ phía Bắc của thành phố Ninh Bình đồng thời cũng là nơi có ngã ba Cầu Huyện để theo Quốc lộ 38B rẽ vào Cố Đô Hoa Lư và các xã của huyện Hoa Lư. Thị trấn có vị trí địa lý thuận lợi cho phát triển lên một thị trấn giàu mạnh về kinh tế, đa dạng về văn hóa, đảm bảo về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Thị trấn Thiên Tôn qua 12 năm hình thành và phát triển đến nay có 1225 hộ, 4166 nhân khẩu, đã từng bước ổn định về kinh tế, an ninh chính trị xã hội, đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng được đảm bảo và nâng cao các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm sau cao hơn năm trước. Năm 2004 mức thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn thị trấn đạt 6,5 triệu đồng/năm. Đến năm 2015 thu nhập bình quân đầu người đạt 24,5 triệu đồng/năm. Cán bộ và nhân dân thị trấn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của chính quyền nhà nước; công tác tuyên truyền của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội của địa phương.

Với kết quả đã đạt được, trong thời gian qua và đứng trước sự phát triển chung của toàn xã hội trong thời gian tới Thị trấn Thiên Tôn tất yếu phải chuyển mình hoàn thiện từng mục tiêu phát triển để trở thành một thị trấn hoàn chỉnh và đảm bảo, có đủ các điều kiện đáp ứng với đô thị hiện nay.

1. Về hạ tầng giao thông

Toàn thị trấn Thiên Tôn có 47,36 km đường giao thông, (bê tông hoặc trải nhựa). Khu vực trung tâm thị trấn Thiên Tôn có 13 tuyến đường trục chính dài 17,36km. Mạng lưới giao thông nội thị được đầu tư nâng cấp, nhiều tuyến đường mới được cải tạo nâng cấp xây dựng trong trung tâm thị trấn nhằm chỉnh trang đô thị đón nhận huyện nông thôn mới. Mạng lưới giao thông đối ngoại của huyện đang được đầu tư cải tạo gồm tuyến đường Quốc lộ số 1A, Quốc lộ 38B. Trên địa bàn thị trấn có 03 loại cấp đường, đó là: Đường do Trung ương quản lý (gồm đường Quốc lộ số 1A và Quốc lộ số 38B); đường do huyện quản lý (11 tuyến đường) và đường do thị trấn quản lý.

2. Thực trạng về tên đường phố trên địa bàn thị trấn Thiên Tôn

Hiện tại, trên địa bàn thị trấn Thiên Tôn, tên các tuyến đường phần lớn trước đây đều do chính quyền địa phương và nhân dân tự đặt tên gọi, vì thế nhiều tuyến đường được đặt tên theo cảm tính, không mang nhiều ý nghĩa và thiếu tính khoa học. Bên cạnh đó, do quá trình đô thị hóa và chỉnh trang, mở rộng đô thị đã điều chỉnh và hình thành một số khu dân cư, khu đô thị mới, với nhiều tuyến đường bộ được quy hoạch mới chưa có tên.

Tổng số tuyến đường đề nghị được đặt tên gồm 10 tuyến đường.

III. Lý do, sự cần thiết đặt tên các tuyến đường trên địa bàn thị trấn Thiên Tôn, huyện Hoa Lư

1. Việc đặt tên các tuyến đường của thị trấn Thiên Tôn, huyện Hoa Lư là việc làm hết sức cần thiết, khách quan, nhằm chỉnh trang đô thị để đón nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới và kỷ niệm 110 năm thành lập huyện Gia Khánh (nay là huyện Hoa Lư); phù hợp với quy hoạch chung thành phố Ninh Bình đến năm 2030 tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; góp phần quan trọng trong công tác thực hiện chủ trương mang tính chiến lược và toàn diện của Tỉnh ủy Ninh Bình về xác định việc quản lý, xây dựng và phát triển thành phố Ninh Bình trở thành thành phố du lịch, nằm trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh; phù hợp nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân huyện Hoa Lư nói riêng và nhân dân tỉnh Ninh Bình nói chung trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

2. Việc đặt tên các tuyến đường trên địa bàn làm cơ sở cho việc đặt tên các ngõ, ngách, gắn biển số nhà trên địa bàn thị trấn, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các hoạt động giao dịch kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo để các ngành, các cấp thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước của chính quyền cơ sở. Đồng thời, đây còn là một việc làm mang đậm ý nghĩa nhân văn nhằm tôn vinh những người anh hùng dân tộc, những danh nhân văn hóa, các nhà chính trị - quân sự lỗi lạc..., tuyên truyền giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa của dân tộc Việt Nam nói chung và của nhân dân Ninh Bình nói riêng trong công cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

Để đảm bảo tên gọi của các tuyến đường phù hợp theo quy định của pháp luật, mang tính nhân văn sâu sắc và xứng đáng với tầm vóc của một huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Ninh Bình, việc đặt tên cho các tuyến đường là vấn đề hết sức cần thiết, khách quan.

IV. Những nguyên tắc đặt tên cho các tuyến đường và quy trình triển khai thực hiện

Tuân thủ các quy định hiện hành của Nhà nước có liên quan đến việc đặt tên, đổi tên đường phố và công trình công cộng.

1. Giữ nguyên cách gọi các tuyến đường, phố là “Đường”. Giữ sự ổn định đối với những tuyến đường hiện hữu đã có tên, ăn sâu vào tiềm thức của dân, trừ những trường hợp quá bất hợp lý. Nhằm không gây xáo trộn về về tâm lý người dân, về quản lý hành chính Nhà nước, không gây ảnh hưởng đến việc thay đổi tên trên các văn bản, giấy tờ pháp lý hiện có trong nhân dân như giấy tờ tùy thân, giấy tờ giao dịch kinh tế, văn hóa, hộ khẩu thường trú...

2. Tất cả các tuyến đường phố trên địa bàn thị trấn Thiên Tôn được xây dựng theo quy hoạch, sử dụng ổn định thì được xem xét để đặt tên (Đặt tên cho các tuyến đường chưa có tên và các tuyến đường mở mới theo quy hoạch).

3. Không chia cắt nhỏ các tuyến đường nếu không có ngã ba hoặc ngã tư chắn ngang, để không ảnh hưởng đến việc thay đổi tên trên các văn bản, giấy tờ pháp lý hiện có trong nhân dân.

4. Cần lưu ý đến các thiết chế văn hóa, kinh tế, chính trị của địa phương trên các tuyến đường được mang tên để đặt tên đường thích hợp.

Để thuận tiện theo dõi trên bản đồ dự kiến đặt tên đường phố, trong bảng thống kê tên đường của Đề án được sắp xếp từ trên xuống dưới, từ trái sang phải.

Phần thứ hai

NỘI DUNG ĐẶT TÊN CÁC TUYẾN ĐƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN THỊ TRẤN THIÊN TÔN, HUYỆN HOA LƯ

Căn cứ những quy định pháp lý của Nhà nước, hiện trạng các tuyến đường phố trên địa bàn thị trấn Thiên Tôn và điều kiện thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh dự kiến việc đặt tên cho 10 tuyến đường trên địa bàn thị trấn Thiên Tôn, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, cụ thể như sau:

1. Đường Trần Minh Công.

2. Đường Phạp Hạp.

3. Đường Phạm Cự Lượng.

4. Đường Đại Cồ Việt.

5. Đường Đào Cam Mộc.

6. Đường Lê Xuân Phôi.

7. Đường Dương Đình Nghệ.

8. Đường Hoa Lư.

9. Đường Vĩnh Lợi.

10. Đường Võ Nguyên Giáp.

(Mô tả chi tiết tại phụ lục)

Phần thứ ba

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ủy ban nhân dân huyện Hoa Lư chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh:

a) Chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực và cơ sở vật chất để thực hiện việc đặt tên, gắn biển các tuyến đường trên địa bàn thị trấn Thiên Tôn sau khi Đề án được phê duyệt, đảm bảo yêu cầu:

- Tiến hành nhanh, gọn, chính xác và hạn chế tối đa những vướng mắc trong quá trình tổ chức thi công theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước.

- Thực hiện tốt công tác thanh kiểm tra về tiến độ thực hiện, quy trình các bước thực hiện, đảm bảo an toàn, tiết kiệm khi thi công công trình với mục tiêu đáp ứng sự phát triển của huyện theo quy mô ngày càng lớn, theo kịp nhu cầu phát triển chung của các đô thị lớn trong cả nước.

b) Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Bình tuyên truyền, giới thiệu về việc đặt tên các tuyến đường trên địa bàn thị trấn Thiên Tôn, huyện Hoa Lư.

2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Bình theo chức năng nhiệm vụ thực hiện tuyên truyền rộng rãi về việc đặt tên các tuyến đường trên địa bàn thị trấn Thiên Tôn, huyện Hoa Lư./.

 

 

Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh;
- Ban Văn hóa Xã hội, Hội đồng nhân dân tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Văn phòng Tỉnh ủy;
- Văn phòng HĐND tỉnh;
- Chánh Văn phòng, các Phó CVP UBND tỉnh;
- Các Sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thông tin và Truyền thông;
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh;
- Báo Ninh Bình;
- UBND huyện Hoa Lư;
- Lưu VT, các VP: 6,2,4,5.
TN/

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Tống Quang Thìn

 

PHỤ LỤC

CHI TIẾT DANH MỤC CÁC TUYẾN ĐƯỜNG ĐẶT TÊN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN THỊ TRẤN THIÊN TÔN, HUYỆN HOA LƯ
(Kèm theo Đề án số: 23/ĐA-UBND ngày 18/11/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình)

STT

Tên đường

Chiều dài hiện trạng (km)

Chiều dài tuyến kéo dài (km)

Lộ giới đường (m)

Điểm đầu

Điểm cuối

Mô tả, diễn giải

1

Đường Trần Minh Công

0,60

0,60

40,5

Đường Võ Nguyên Giáp (Quốc lộ 1A, Km258+30)

Đường Dương Đình Nghệ

- Điểm đầu Đường Võ Nguyên Giáp (nút giao QL.1A tại KM 258+30), dự kiến đặt tên.

- Điểm cuối giao với đường Dương Đình Nghệ (dự kiến đặt tên).

* Trần Minh Công (? - 967), hay còn gọi là Trần Lãm là người gốc Hán, chiếm đóng ở vùng Bố Hải Khẩu (Kỳ Bố Hải Khẩu) nay là khu vực thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình. Cha là Trần Công Đức sang Việt Nam chiếm giữ, lập nghiệp ở vùng ven biển Bố Hải Khẩu (vùng Thái Bình - Nam Định ngày nay đều có đền thờ). Khi Trần Đức mất, Trần Lãm trở thành người kế nghiệp, đã cùng mẹ là Lâm Thị và các em Trần Thăng, Trần Nguyên Thái gây dựng lực lượng ở Kỳ Bố Hải Khẩu. Ông là người lãnh đạo một trong mười hai sứ quân cát cứ ở Việt Nam giữa thế kỷ 10. Theo các tài liệu ghi lại, ông là sứ quân trấn giữ vùng cửa biển, có tiềm lực mạnh về kinh tế dựa vào lợi thế của nghề đánh cá biển. Khi Nam Tấn mất, 12 sứ quân đua nhau nổi lên. Đinh Bộ Lĩnh vốn dựa vào Minh Công. Minh Công chết rồi mới thay lĩnh số quân đó. Theo sử sách thì Đinh Bộ Lĩnh chính là con nuôi của Trần Minh Công.

2

Đường Phạm Hạp

0,68

0,68

19,0

Đường Võ Nguyên Giáp (Quốc lộ 1A, Km259+67)

Đường Dương Đình Nghệ

- Điểm đầu Đường Võ Nguyên Giáp (nút giao QL.1A tại KM 259+67), dự kiến đặt tên.

- Điểm cuối giao với đường Dương Đình Nghệ (dự kiến đặt tên).

* Phạm Hạp (? - 979), còn gọi là Hợp (theo phát âm Hán Việt), là một võ tướng đồng thời cũng là một trong những vị tướng trung thần của vua Đinh Tiên Hoàng. Ông là người làng Trà Hương, Nam Sách, Hải Dương. Ông là tổ 8 đời của tướng quân Phạm Ngũ Lão thời Trần. Ông được sử sách Trung Hoa liệt vào danh sách “Giao Châu thất hùng”, tức 7 anh hùng người Giao Châu gồm: Đinh Bộ Lĩnh, Dương Đình Nghệ, Lê Hoàn, Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp và Phạm Cự Lượng.

Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống võ nghệ. Ông nội là Phạm Chiêm, giữ chức Đông giáp tướng quân đời Ngô Quyền. Cha là Phạm Mạn, làm tham chính đô đốc đời Ngô Nam Tấn vương Ngô Xương Văn. Ngay từ nhỏ Phạm Hạp đã tỏ rõ tư chất thông minh, có chí lớn, văn võ đều thấu hiểu. Ông thường cùng em trai là Phạm Cự Lạng đem tiền của chiêu dụ mọi người, mua ngựa luyện quân. Khi nhà Đinh gặp đại nạn, cha con nhà vua bị sát hại, ngờ Lê Hoàn có mưu cướp ngôi nhà Đinh, ông cùng một số tướng thần trung thành hội quân chống lại Lê Hoàn nên bị Lê Hoàn giết chết.

3

Đường Phạm Cự Lượng

0,458

0,458

19,0

Đường Võ Nguyên Giáp (Quốc lộ 1A, Km259+68)

Đường Dương Đình Nghệ

- Điểm đầu Đường Võ Nguyên Giáp (nút giao QL.1A tại KM 259+68), dự kiến đặt tên.

- Điểm cuối giao với đường Dương Đình Nghệ (dự kiến đặt tên).

* Phạm Cự Lượng (944 - 984), có sách viết là Lạng (do cách phát âm Hán Việt), người làng Trà Hương (nay thuộc Nam Sách, Hải Dương), là danh tướng đời Đinh Tiên Hoàng và được Lê Đại Hành phong cho đến chức Thái úy. Ông là người có vai trò rất quan trọng trong sự kiện đưa Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế cuối năm 980 thay nhà Đinh, và cuộc chiến phá Tống xâm lược nước ta năm 981. Ông được sử sách Trung Hoa liệt vào danh sách “Giao Châu thất hùng”, tức 7 anh hùng người Giao Châu gồm: Đinh Bộ Lĩnh, Dương Đình Nghệ, Lê Hoàn, Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp và Phạm Cự Lượng. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống võ nghệ: Ông nội là Phạm Chiêm, giữ chức Đông giáp tướng quân đời Ngô Quyền. Cha là Phạm Mạn, làm Tham chính đô đốc đời Ngô Nam Tấn vương (Xương Văn), anh ruột tướng quân Phạm Hạp.

Ngay từ nhỏ Phạm Cự Lượng đã tỏ rõ tư chất thông minh, có chí lớn, văn võ đều thấu hiểu. Ông thường cùng anh cả là Phạm Hạp đem tiền của chiêu dụ mọi người, mua ngựa luyện quân, sau đầu quân dưới trướng Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh, lập nhiều công lớn cả hai triều Đinh và Tiền Lê.

4

Đường Đại Cồ Việt

1,30

1,30

33,0

Đường Võ Nguyên Giáp (Cầu huyện, Quốc lộ 1A, Km259+49)

Cầu Thiên Tôn (Giáp xã Ninh Hòa)

- Điểm đầu Đường Võ Nguyên Giáp (Cầu Huyện nút giao QL.1A tại KM 259+49), dự kiến đặt tên.

- Điểm cuối là Cầu Thiên Tôn (Giáp xã Ninh Hòa).

* Đại Cồ Việt (nước Việt to lớn), là quốc hiệu thời Đinh-Tiền Lê và 44 năm đầu nhà Lý; tồn tại 86 năm kể từ khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp yên loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, lên ngôi hoàng đế năm 968, đến đời vua Lý Thánh Tông năm 1054, đánh dấu lần đầu tiên sau hơn 1000 năm Bắc thuộc, người Việt có một quốc gia thống nhất, độc lập, khá cường thịnh về nhiều mặt, nhất là về thể chế quân chủ và quân đội, xây dựng nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử nước ta.

5

Đường Đào Cam Mộc

0,458

0,458

19,0

Đường Võ Nguyên Giáp (Quốc lộ 1A, Km259+55)

Đường Hoa Lư

- Điểm đầu Đường Võ Nguyên Giáp (nút giao QL.1A tại KM 259+55), dự kiến đặt tên.

- Điểm cuối giao với đường Hoa Lư (dự kiến đặt tên).

* Đào Cam Mộc (? - 1015), ông là đại thần nhà Tiền Lê, giữ chức Chi hậu nội nhân, không rõ năm sinh và quê quán. Cuối đời Tiền Lê, ông cùng Nguyễn Đê liên kết với quốc sư Vạn Hạnh tôn lập Điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn lên ngôi, dứt nhà tiền Lê, dựng nên nhà Lý. Sau khi Lý Công Uẩn lên ngôi, ông được phong tước Nghĩa Tín Hầu. Ông mất tháng 06 năm Ất Mão 1015, Lý Thái Tổ truy tặng là Thái Sư, tước Á Vương.

6

Đường Lê Xuân Phôi

0,484

0,484

19,0

Đường Võ Nguyên Giáp (Quốc lộ 1A, Km260+6)

Đường Hoa Lư

- Điểm đầu Đường Võ Nguyên Giáp (nút giao QL.1A tại KM260+6), dự kiến đặt tên.

- Điểm cuối giao với đường Hoa Lư (dự kiến đặt tên).

* Lê Xuân Phôi: (1930-1965) là Anh hùng Liệt sỹ, quê quán Thôn Đa Giá, xã Ninh Mỹ, huyện Gia Khánh (nay là thị trấn Thiên Tôn, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình). Ông nhập ngũ tháng 3 năm 1947, hy sinh ngày 17 tháng 11 năm 1965. Đã được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (QĐ số 557/KT ngày 30/8/1995).

7

Đường Dương Đình Nghệ

0,602

0,602

20,5

Đường Trần Minh Công

Đường Đại Cồ Việt

- Điểm đầu là nút giao với đường Trần Minh Công (dự kiến đặt tên), Đường Đại Cồ Việt (dự kiến đặt tên).

* Dương Đình Nghệ (? - 937), có sách chép là Dương Diên Nghệ, người làng Dương Xá, huyện Thiệu Hóa, Ái Châu (Thanh Hóa), là tướng thời Khúc Hạo (907-917). Đời Hậu Lương, Lưu Nghiễm (Nam Hán) tiếm hiệu vua ở đất Quảng Châu, lấy cớ Khúc Hạo chiếm cứ đất Giao Châu, sai Lý Khắc Chính và Lý Tri Thuận đánh chiếm Giao Châu. Con trai Khúc Hạo là Khúc Thừa Mĩ bị bắt. Năm 931, Dương Đình Nghệ dấy binh kéo ra Đại La, đánh bại Lý Khắc Chính. Vua Nam Hán cho Lý Tiến thay làm Thứ sử Giao Châu. Dương Đình Nghệ lại vây hãm. Vua Nam Hán sai Trần Bảo đem quân cứu Lý Tiến, lại bị Dương Đình Nghệ đón đánh chém chết, ông chiếm thành Đại La, tự xưng là Tiết độ sứ, sai Đinh Công Trứ làm thứ sử Hoan Châu, Ngô Quyền làm thứ sử Ái Châu. Tháng 4 - 937, Dương Đình Nghệ bị nha tướng, cũng là con nuôi của mình là tên phản tặc Kiều Công Tiễn giết chết tiếm ngôi. Ngô Quyền kéo quân từ Ái Châu ra giết Kiều Công Tiễn, lên ngôi năm 938, xưng vương, sử gọi là Ngô Vương Quyền. Dương Đình Nghệ cầm quyền được 7 năm.

8

Đường Hoa Lư

1,268

1,268

24,0

Đường Trần Minh Công

Đường Lê Xuân Phôi

- Điểm đầu là nút giao với đường Đường Trần Minh Công (dự kiến đặt tên), điểm cuối giao với đường Lê Xuân Phôi (dự kiến đặt tên).

* Hoa Lư là kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam - nhà Đinh - Tiền Lê (968-1010). Kinh đô Hoa Lư tồn tại 42 năm, gắn với sự nghiệp của ba triều đại liên tiếp là nhà Đinh, nhà Tiền Lê và năm đầu nhà Lý với các dấu ấn lịch sử: thống nhất quốc gia, phá Tống - bình Chiêm, khai sáng nhà Lý, là nơi hoạch định và ban bố kế sách định đô Thăng Long (Hà Nội). Tháng 7-1010, vua Lý Thái Tổ dời kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Đại La, lập đô Thăng Long (Hà Nội). Các triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn sau đó dù không đóng đô ở Hoa Lư, nhưng vẫn cho tu bổ và xây dựng thêm ở đây nhiều công trình kiến trúc như đền, lăng, đình, chùa, phủ... Kinh đô Hoa Lư xưa, nay là Cố đô Hoa Lư. Hoa Lư còn là địa danh ban đầu khởi nghiệp của nghĩa quân Hoa Lư từ những năm 951 đến năm 967 (nay thuộc xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn) dưới sự thống soái tài ba của người anh hùng dân tộc Đinh Tiên Hoàng. Ngày nay Hoa Lư là tên huyện thuộc tỉnh Ninh Bình.

9

Đường Vĩnh Lợi

0,613

0,613

20,5

Đường Phạm Cự Lượng

Nhà văn hóa phố Mỹ Lộ

- Điểm đầu là nút giao với đường Phạm Cự Lượng (dự kiến đặt tên),

- Điểm cuối giao với nhà văn hóa phố Mỹ Lộ (Km 0 + 602).

* Vĩnh Lợi là tên huyện thuộc tỉnh Bạc Liêu, là huyện kết nghĩa với huyện Gia Khánh, nay là huyện Hoa Lư, trong những năm chống Mỹ cứu nước.

10

Đường Võ Nguyên Giáp

2,2

2,2

43,0

Quốc Lộ 1A, Km 257+600 Giáp xã Ninh Giang

Quốc Lộ 1A, Km 259+800 Giáp xã Ninh Mỹ

Đường Võ Nguyên Giáp (Quốc lộ 1A) đi qua địa phận thị trấn Thiên Tôn, huyện Hoa Lư.

- Điểm đầu Quốc lộ 1A tại Km257+600, giáp xã Ninh Giang.

- Điểm cuối Quốc lộ 1A tại Km259+800, giáp Xã Ninh Mỹ.

* Võ Nguyên Giáp (1911 - 2013), quê ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ông sinh ra trong một gia đình nhà nho, thân phụ là Võ Quang Nghiêm (Võ Nguyên Thân), một nhà nho đức độ và mẹ là bà Nguyễn Thị Kiên. Ông còn anh Văn (tên do Bác Hồ đặt), là một nhà chỉ huy quân sự lỗi lạc Việt Nam. Ông là Đại tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam, cũng là người chỉ huy đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, là một trong những người góp công thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được chính phủ Việt Nam đánh giá là “người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, là chỉ huy chính trong các chiến dịch và chiến thắng trong Chiến tranh Đông Dương (1946-1954) đánh bại Thực dân Pháp, Chiến tranh Việt Nam (1960-1975) chống Mỹ, thống nhất đất nước.

Xuất thân là một nhà giáo dạy lịch sử, ông trở thành người được đánh giá là một trong những nhà lãnh đạo quân sự lỗi lạc nhất trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Ông cũng được đánh giá là một trong 10 vị tướng tài giỏi nhất trong lịch sử trung cận và hiện đại của thế giới.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Đề án 23/ĐA-UBND năm 2016 về đặt tên tuyến đường trên địa bàn thị trấn Thiên Tôn, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình

  • Số hiệu: 23/ĐA-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 18/11/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Bình
  • Người ký: Tống Quang Thìn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/11/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản