BỘ THƯƠNG MẠI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2016/TM-XNK | Hà Nội, ngày 14 tháng 8 năm 2001 |
CÔNG VĂN
CỦA BỘ THƯƠNG MẠI SỐ 2016/TM-XNK NGÀY 14 THÁNG 8 NĂM 2001 VỀ VIỆC XIN ĐÀM PHÁN ĐIỀU CHỈNH HIỆP ĐỊNH DỆT MAY VỚI EU
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
1. Hiệp định về buôn bán hàng dệt may với EU mới được điều chỉnh, bổ sung ngày 31 tháng 3 năm 2000 và có hiệu lực đến ngày 31 tháng 12 năm 2002 với mức tăng khoảng 25% về khối lượng, 20% về giá trị.
Tuy năm 2000, xuất khẩu các mặt hàng mới được tăng đều đạt mức cao, từ 100 đến 114% hạn ngạch cơ sở (sau khi điều chỉnh) nhưng chỉ tăng 10% về trị giá so với năm 1999, thấp hơn dự kiến ban đầu. Nguyên nhân tình hình đó là kinh tế EU năm 2000 có những khó khăn, tỷ giá đồng EURO giảm gần 30% so với đồng USD, ảnh hưởng trực tiếp tới các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng; mặt khác, sự cạn tranh giữa các nước xuất khẩu rất gay gắt làm cho giá bán và giá gia công giảm đáng kể.
Với việc thực hiện giai đoạn 3 Hiệp định dệt may (ATC) giữa các nước thành viên Tổ chức Thương mại thế giới, bắt đầu từ 1/1/2002, một số hạn ngạch tương đối nhậy cảm sẽ được loại bỏ, trong khi đó nước ta chưa phải là thành viên nên vẫn bị áp dụng hạn ngạch. Nếu Hiệp định không được điều chỉnh, hàng của ta càng khó cạnh tranh, đặc biệt là khi Trung Quốc trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới.
2. Trước tình hình trên, Bộ Thương mại xin Thủ tướng Chính phủ cho phép tiến hành đàm phán nhằm điều chỉnh Hiệp định về buôn bán hàng dệt may đã ký với EU:
- Loại bỏ những hạn ngạch mà EU sẽ loại bỏ cho các nước thành viên Tổ chức thương mại thế giới;
- Tăng thêm hạn ngạch cho những mặt hàng còn lại ít nhất 30%;
- Loại bỏ bớt hạn ngạch những mặt hàng mà hiện nay EU không áp dụng với các nước khác;
3. Để đạt được mục tiêu trên, ta cần đáp ứng một số đòi hỏi của phía EU. Gần đây Uỷ viên Thương mại của EU Pascal LAMY đã gửi thư cho Bộ trưởng Bộ Thương mại đề nghị giải quyết một số vấn đề mà EU đã đề cập để thuyết phục các nước thành viên ủng họ tiến hành đàm phán theo tinh thần đề nghị của ta:
- Đề nghị không áp dụng phụ thu đối với gạch ốp lát nhập khẩu từ EU, (năm 2000, ta nhập khẩu gạch, đá ốp lát từ Italia và Tây Ban Nha với trị giá 2.397.000 USD, với thuế suất 40%, nếu phụ thu 10% ta thu thêm được 239.700 USD). Bộ Thương mại cho rằng, thị phần gạch đá ốp lát nhập khẩu từ EU rất nhỏ, năm 1999, khi ta cho nhập tự do loại gạch đá ốp lát trên 400x400mm đã không áp dụng phụ thu, nên có thể tính đến việc bỏ để tạo điều kiện tranh thủ thêm hạn ngạch hàng dệt may).
- Đề nghị không áp dụng thuế nhập khẩu rượu trên cơ sở giá tối thiểu mà trên cơ sở giá hợp đồng.
(Năm 2000 ta nhập khẩu các loại rượu từ EU với trị giá7.489.000 USD, trong đó có 2.382.000 USD cho các cửa hàng miễn thuế. Bộ Thương mại cho rằng, để chống buôn lậu và gian lận từ các nước lân cận, có thể vẫn áp giá tối thiểu đối với các nước khác; Riêng nhập khẩu trực tiếp từ EU, đề nghị cho tính theo giá hợp đồng, kèm theo chứng nhận xuất xứ).
- Giảm bớt danh mục các hoạt chất dược phẩm không cho đăng ký lưu hành tiếp tại Việt Nam.
(Những năm qua, Bộ Y tế đã giảm bớt một phần, hiện nay còn 25 hoạt chất chưa cho đăng ký tiếp, EU đề nghị bỏ thêm và có lịch trình loại bỏ dần. Trong tiến trình hội nhập nói chung, Bộ Thương mại thấy rằng ta có thể chấp nhận đề nghị của phía EU).
- Đề nghị giảm thuế hàng dệt may của EU nhập khẩu vào Việt Nam.
(Trong các đợt đàm phán trước, ta đã thoả thuận lịch trình giảm thuế hàng dệt may cho EU đến năm 2005, hiện nay họ chỉ có thể yêu cầu mở rộng các mặt hàng được giảm thuế. Mặc dù năm 2000 ta mở thêm 183 mặt hàng nhưng kim ngạch nhập khẩu cũng chỉ đạt 60 triệu USD, trong đó 90% là nguyên, phụ liệu cho ngành may. Uỷ ban EU cũng cho biết, họ đưa vấn đề này vào cốt để thuyết phục các nước thành viên, chứ không phải vì quyền lợi thực sự của EU. Từ năm 1995 đến nay, qua 3 lần điều chỉnh với thoả thuận giảm thuế và mở rộng mặt hàng giảm thuế nhưng kim ngạch nhập khẩu không tăng và hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên phụ liệu cần thiết cho ngành dệt may, nếu ta chấp nhận mở thêm diện hàng giảm thuế cũng sẽ không ảnh hưởng đến chính sách bảo hộ của ta trong giai đoạn hiện nay).
4. Hiệp định với EU ký từ năm 1992 và đã được điều chỉnh 3 lần, mỗi lần điều chỉnh đều có tác động tích cực đến sự phát triển của ngành dệt may nước ta và tạo thêm được hàng vạn việc làm, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Trong giai đoạn hiện nay, yêu cầu này càng trở lên cấp bách, do đó Bộ Thương mại kính trình Thủ tướng Chính phủ cho phép được đàm phán điều chỉnh Hiệp định theo tinh thần trên.
Kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
| Vũ Khoan (Đã ký) |
Công văn về việc xin đàm phán điều chỉnh Hiệp định dệt may với EU
- Số hiệu: 2016/TM-XNK
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 14/08/2001
- Nơi ban hành: Bộ Thương mại
- Người ký: Vũ Khoan
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 14/08/2001
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực