BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 72 | Hà Nội, ngày 12 tháng 11 năm 1996 |
CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN SỐ 72 NGÀY 12 THÁNG 11 NĂM 1996
Kính gửi: Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thi hành Quyết định 821/TTg ngày 6/11/1996 của Thủ tướng Chính phủ về khai thác và xuất khẩu gỗ pơ mu. Ngày 9/11/1996 liên Bộ, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thương mại, Tổng cục Hải quan, Nội vụ và Văn phòng Chính phủ đã họp để triển khai thực hiện toàn diện.
Để thực hiện có hiệu lực việc đóng cửa rừng có gỗ pơ mu kể từ ngày ký quyết định (ngày 6/11/1996). Liên Bộ, Ngành thống nhất hướng dẫn việc tổng kiểm kê như sau:
1. Đình chỉ trên phạm vi toàn quốc việc khai thác gỗ pơ mu kể từ ngày 06/11/1996 (có Chỉ thị riêng) theo đó thời điểm kiểm kê tính từ ngày 06/11/1996 trở về trước.
2. Uỷ ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo việc tổng kiểm kê theo đúng yêu cầu của Quyết định 821/TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Thành phần đoàn kiểm kê gồm có các đơn vị Kiểm lâm, Hải quan, Nội vụ sở tại của tỉnh.
3. Đối tượng kiểm kê: là các chủ rừng, các doanh nghiệp có gỗ và sản phẩm từ gỗ pơ mu trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (bao gồm cả doanh nghiệp Trung ương đóng tại địa phương, các doanh nghiệp trong và ngoài quốc doanh).
4. Nội dung kiểm kê:
Yêu cầu cơ bản là phải thống kê phân loại chính xác từng mặt hàng, từng loại quy cách sản phẩm, không để sót nhưng cũng không trùng lặp. Nghiêm cấm khai khống.
a. Đối với gỗ tròn, gỗ xẻ, gỗ hộp và bán thành phẩm tồn đọng đến ngày ký Quyết định số 821/TTg (ngày 06/11/1996): trước mắt phải ngưng việc chế biến để tiến hành kiểm kê.
Gồm:
- Báo cáo chính xác về sản lượng khai thác được duyệt của năm 1995 và 1996 (theo quyết định cho phép mở rừng khai thác, tận thu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
- Tổng số lượng gỗ đã khai thác của năm 1995, năm 1996 và tổng số cả 2 năm.
- Tổng số lượng gỗ đã tiêu thụ (cho các doanh nghiệp trong tỉnh và ngoài tỉnh).
- Số lượng gỗ đã nhập xưởng và số lượng gỗ chưa nhập xưởng (được phân loại theo gỗ tròn, gỗ xẻ, gỗ hộp, gỗ bán thành phẩm...).
- Số lượng gỗ đã chế biến ra sản phẩm và đã xuất đi (trong tỉnh, ngoài tỉnh và đã xuất khẩu).
- Số lượng gỗ hiện tồn đến ngày 06/11/1996 gồm: tồn rừng, tồn bãi, tại doanh nghiệp chế biến (kể cả gỗ theo hợp đồng chưa nhập xưởng).
Gồm:
- Gỗ tròn (m3).
- Gỗ xẻ các loại (và quy về m3 tròn).
- Bán thành phẩm (quy về m3 xẻ và m3 quy tròn, trong đó ghi rõ từng loại mặt hàng từng loại quy cách sản phẩm).
- Bìa bắp, đầu mẩu, cành ngọn, gốc... (quy về m3 tròn, kg, tấm).
b. Đối với gỗ pơ mu đã chế biến thành sản phẩm và đã kiểm kê theo nội dung văn bản số 2550/KTTH ngày 28/5/1996 của Văn phòng Chính phủ thì tổng hợp chung vào đợt tổng kiểm kê này.
5. Trên cơ sở tổng kiểm kê, Uỷ ban nhân dân tỉnh lập báo cáo bao gồm bản báo cáo của Uỷ ban nhân dân tỉnh và các biên bản kiểm kê chi tiết cụ thể của từng doanh nghiệp và phương án đề nghị xử lý theo nguyên tắc sau:
- Đối với gỗ đã là sản phẩm hoàn chỉnh: phải theo đúng quy định của Quy định số 664/TTg và Quyết định số 821/TTg của Thủ tướng Chính phủ.
- Đối với gỗ tròn, gỗ xẻ, gỗ hộp, bán thành phẩm... (có nguồn gốc khai thác của năm 1995, năm 1996 và trước năm 1995): Kể từ ngày 06/11/1996 đều phải ngưng việc chế biến ra sản phẩm cho đến khi có Chỉ thị mới của Chính phủ.
6. Thời hạn nộp báo cáo: ngày 30/11/1996. Nếu không có báo cáo, đều được coi là không có gỗ và sản phẩm pơ mu tồn đọng. (Báo cáo gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Cục phát triển lâm nghiệp).
Công điện này cần được triển khai ngay và thông báo kịp thời cho các đơn vị, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố thực hiện.
| Nguyễn Quang Hà (Đã ký) |
Công văn về việc thi hành Quyết định 821/TTg ngày 06/11/1996 của Thủ tướng Chính phủ về khai thác và xuất khẩu gỗ pơ mu
- Số hiệu: 72
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 12/11/1996
- Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Người ký: Nguyễn Quang Hà
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 12/11/1996
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực