Hệ thống pháp luật

BAN CHỈ ĐẠO KIỂM KÊ TRUNG ƯƠNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01/KK-TW
Về việc thành lập Ban chỉ đạo kiểm kê các cấp

Hà Nội, ngày 16 tháng 9 năm 1999

 

Kính gửi:

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ
- Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Các Tổng công ty 90, 91

Thực hiện Quyết định số 150/1999/TTg ngày 8/7/1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiến hành tổng kiểm kê tài sản và xác định lại giá trị tài sản của doanh nghiệp nhà nước, Ban chỉ đạo kiểm kê Trung ương hướng dẫn việc thành lập Ban chỉ đạo kiểm kê các cấp, Hội đồng kiểm kê doanh nghiệp, thành phần và nhiệm vụ như sau:

1. Thành lập Ban chỉ đạo kiểm kê các cấp:

a. Thành phần Ban chỉ đạo kiểm kê:

Các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Ban chỉ đạo kiểm kê của Bộ, ngành, địa phương, thành phần như sau:

- Ban chỉ đạo kiểm kê của các Bộ, ngành Trung ương do một lãnh đạo Bộ, ngành làm Trưởng ban, thành viên Ban chỉ đạo kiểm kê gồm có đại diện các Vụ Tài chính kế toán, Kế hoạch đầu tư, Thống kê, Khoa học kỹ thuật... do Bộ, ngành quyết định.

- Ban chỉ đạo kiểm kê các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là Ban chỉ đạo kiểm kê địa phương) do lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm Trưởng Ban, thành viên Ban chỉ đạo kiểm kê địa phương gồm: lãnh đạo các Sở Tài chính Vật giá, Cục Thống kê, Sở Xây dựng, Sở Công nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường; Thường trực Ban chỉ đạo kiểm kê địa phương là Sở Tài chính Vật giá.

b. Nhiệm vụ của Ban chỉ đạo kiểm kê:

- Ban chỉ đạo kiểm kê các Bộ, ngành có nhiệm vụ:

+ Căn cứ phương án kiểm kê của Ban chỉ đạo kiểm kê Trung ương để hướng dẫn kiểm kê và phương pháp xác định lại giá trị tài sản cố định mang tính đặc thù thuộc Bộ, ngành quản lý;

+ Kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc Bộ, ngành triển khai thực hiện theo văn bản hướng dẫn của Ban chỉ đạo kiểm kê Trung ương và Ban chỉ đạo kiểm kê của Bộ, ngành; Phúc tra hoặc phối hợp với Ban chỉ đạo kiểm kê Trung ương phúc tra công tác kiểm kê và xác định lại giá trị TSCĐ của một số doanh nghiệp nếu phát hiện những sai sót lớn;

+ Tổng hợp báo cáo kết quả kiểm kê của các doanh nghiệp thuộc Bộ, ngành quản lý, bao gồm cả các Tổng công ty 91;

+ Tổng hợp, phân tích đánh giá công tác quản lý vốn và tài sản, công tác bảo toàn vốn, khả năng trả nợ của doanh nghiệp thuộc Bộ, ngành quản lý.

- Ban chỉ đạo kiểm kê của các địa phương có nhiệm vụ:

+ Căn cứ phương án kiểm kê của Ban chỉ đạo kiểm kê Trung ương để hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp địa phương triển khai thực hiện công tác kiểm kê và xác định lại giá trị tài sản;

+ Kiểm tra số liệu kiểm kê, cách xác định giá trị của TSCĐ của từng doanh nghiệp thuộc địa phương. Tiến hành phúc tra kiểm kê tại một số doanh nghiệp địa phương nếu phát hiện những sai sót trong báo cáo kiểm kê của doanh nghiệp;

+ Tổng hợp kết quả kiểm kê của doanh nghiệp địa phương (theo các chỉ tiêu của Ban chỉ đạo kiểm kê TW) báo cáo gửi Ban chỉ đạo kiểm kê TW;

+ Tổng hợp, phân tích đánh giá tình hình quản lý sử dụng vốn, tài sản, việc bảo toàn vốn và khả năng thanh toán nợ của các doanh nghiệp địa phương;

+ Tổng hợp ý kiến đề nghị xử lý kết quả kiểm kê của doanh nghiệp địa phương báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý;

+ Trình cấp có thẩm quyền ra thông báo kết quả kiểm kê của doanh nghiệp địa phương làm căn cứ điều chỉnh số liệu sổ kế toán của doanh nghiệp.

2. Thành lập Hội đồng kiểm kê các Tổng công ty, doanh nghiệp

a. Thành phần Hội đồng kiểm kê

Các Tổng công ty 90, 91 và các doanh nghiệp nhà nước hạch toán kinh tế độc lập (bao gồm doanh nghiệp nhà nước hạch toán kinh tế độc lập là thành viên các Tổng công ty 90, 91 và doanh nghiệp nhà nước hạch toán kinh tế độc lập trực thuộc các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) thành lập Hội đồng kiểm kê của đơn vị mình.

Hội đồng kiểm kê của các Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước hạch toán kinh tế độc lập do Tổng giám đốc hoặc Giám đốc làm Chủ tịch, các thành viên do Chủ tịch Hội đồng kiểm kê doanh nghiệp quyết định trong đó có hai thành viên bắt buộc là kế toán trưởng và trưởng phòng kỹ thuật.

b. Nhiệm vụ của Hội đồng kiểm kê:

- Hội đồng kiểm kê của Tổng công ty 90, 91 có nhiệm vụ:

+ Hướng dẫn, đôn đốc, chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên triển khai thực hiện theo văn bản hướng dẫn của Ban chỉ đạo kiểm kê các cấp;

+ Kiểm tra số liệu kiểm kê, cách xác định giá trị của TSCĐ của các doanh nghiệp thành viên. Tổng hợp kết quả kiểm kê của toàn Tổng công ty (theo các chỉ tiêu của Ban chỉ đạo kiểm kê Trung ương) báo cáo gửi Ban chỉ đạo kiểm kê Trung ương và Ban chỉ đạo kiểm kê của Bộ, ngành, địa phương;

+ Phân tích đánh giá công tác quản lý và sử dụng tài sản của Tổng công ty;

+ Đánh giá mức độ bảo toàn vốn, khả năng thanh toán nợ của toàn Tổng công ty;

+ Xử lý những tồn tại trong kiểm kê vượt quá thẩm quyền của doanh nghiệp. Kiến nghị cấp trên xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền của Tổng công ty.

+ Đối với phần hạch toán tập trung của Tổng công ty phải thực hiện các nhiệm vụ như đối với Hội đồng kiểm kê của doanh nghiệp hạch toán kinh tế độc lập được quy định ở phần dưới đây.

- Hội đồng kiểm kê của doanh nghiệp nhà nước hạch toán kinh tế độc lập có nhiệm vụ:

+ Tổ chức thực hiện kiểm kê toàn bộ tài sản hiện có tại doanh nghiệp, các khoản nợ phải trả và vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo kiểm kê các cấp và Hội đồng kiểm kê của Tổng công ty (nếu là doanh nghiệp thành viên các Tổng công ty);

+ Phân tích đánh giá đúng giá trị thực tế, tình hình quản lý và sử dụng tài sản của doanh nghiệp, xác định đầy đủ các khoản nợ, phân loại nợ và khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp;

+ Xác định mức độ bảo toàn, tăng trưởng vốn Nhà nước theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo kiểm kê Trung ương;

+ Lập và gửi báo cáo kiểm kê theo đúng biểu mẫu và thời gian quy định của Ban chỉ đạo kiểm kê Trung ương;

+ Đề xuất phương án xử lý kết quả kiểm kê với Ban chỉ đạo kiểm kê cấp trên trực tiếp;

3. Báo cáo công tác tổ chức thành lập Ban chỉ đạo kiểm kê các cấp và Hội đồng kiểm kê doanh nghiệp

Các Bộ, ngành, địa phương và Tổng công ty 91 gửi danh sách, địa chỉ làm việc, điện thoại, FAX của Ban chỉ đạo kiểm kê và của Hội đồng kiểm kê báo cáo về Ban chỉ đạo kiểm kê Trung ương (cơ quan thường trực là Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính, số 8 Phan Huy Chú, Hà Nội, điện thoại: (04) 8262277, FAX: (04) 8241923) để thuận tiện cho việc chỉ đạo công tác.

Các Tổng công ty 90, doanh nghiệp nhà nước hạch toán kinh tế độc lập (trực thuộc các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) gửi danh sách, địa chỉ làm việc, điện thoại, FAX của Hội đồng kiểm kê báo cáo về Ban chỉ đạo kiểm kê cấp trên trực tiếp.

Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị các Tổng công ty 90, 91 chịu trách nhiệm thực hiện và hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc các doanh nghiệp trực thuộc thực hiện theo các quy định tại văn bản này.

 

Trần Văn Tá

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn về việc thành lập Ban chỉ đạo kiểm kê các cấp

  • Số hiệu: 01/KK-TW
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 16/09/1999
  • Nơi ban hành: Ban Chỉ đạo Kiểm kê Trung ương
  • Người ký: Trần Văn Tá
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản