Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
TỔNG CỤC HẢI QUAN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1887/TCHQ-GSQL | Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 1994 |
CÔNG VĂN
CỦA TỔNG CỤC HẢI QUAN SỐ 1887/TCHQ-GSQL NGÀY 28 THÁNG 12 NĂM 1994 VỀ VIỆC QUÁ CẢNH GỖ VÀ NHẬP KHẨU GỖ CAMPUCHIA
Kính gửi: Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố:Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tầu, Gia Lai, Đắc Lắc, Bình Định, Quảng Nam - Đà Nẵng, Sông Bé, Tây Ninh, Long An, An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ và Trường Hải quan Việt Nam.
Căn cứ vào biên bản làm việc của hai đoàn đại biểu Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và đoàn đại biểu Chính phủ Hoàng gia Campuchia họp tại Hà Nội ngày 24-11-1994 và tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 21-12-1994 về việc gỗ của Campuchia quá qua cảnh Việt Nam và gỗ Việt Nam nhập khẩu từ Campuchia, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 6839/KTTH ngày 6-12-1994 về việc nói trên, Tổng cục Hải quan hướng dẫn một số điểm có liên quan đến công tác giám sát, kiểm tra của hải quan để Hải quan các tỉnh, thành phố quán triệt thực hiện.
1- Một số vấn đề có tính nguyên tắc cần quán triệt nắm vững trong việc làm thủ tục đối với gỗ quá cảnh và gỗ nhập khẩu gỗ từ Campuchia lần này.
a) Đối tượng được làm dịch vụ vận chuyển gỗ quá cảnh và gỗ nhập khẩu từ Campuchia của Việt Nam phải là doanh nghiệp được Bộ Thương mại Việt Nam cho thành lập theo Quyết định 388/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng.
- Gỗ Campuchia quá cảnh và gỗ nhập khẩu từ Campuchia phải được Bộ Thương mại cho phép bằng văn bản (văn bản này có gửi Tổng cục Hải quan).
b) Đối tượng gỗ được phép quá cảnh và nhập khẩu phải là gỗ đã được chặt hạ, khai thác trước ngày 20-11-1994 và thực sự là gỗ hợp pháp của Campuchia (có lý lịch rõ ràng, gỗ tròn quá cảnh hoặc nhập khẩu phải có dấu búa hình vuông của Cục Kiểm lâm Campuchia đóng tại bốn góc đầu lóng gỗ, nếu dấu búa hình tam giác của Cục kiểm lâm Campuchia là gỗ Campuchia cấm xuất khẩu).
c) Gỗ tròn và gỗ xẻ Campuchia quá cảnh qua Việt Nam chủ yếu chỉ cho phép vận chuyển bằng đường sông theo tuyến Vĩnh Xương (An Giang - Cảng Vũng Tầu (Bà Rịa - Vũng Tầu) theo phương thức vận chuyển đi thẳng, không cho phép lưu kho, lưu bãi.
- Tuy nhiên, có trường hợp trở ngại cụ thể nào đó, phía Campuchia không thể khắc phục được, có văn bản đề nghị Chính phủ Việt Nam xin được đi bằng đường bộ, thì tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng tại thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra, làm báo cáo cụ thể để Bộ Lâm nghiệp trình Chính phủ xét quyết định. Nếu được Chính phủ cho phép bằng văn bản thì mới cho quá cảnh đường bộ theo phương thức đi thẳng.
Trong trường hợp này, chỉ được vận chuyển qua các cặp cửa khẩu quy định trong Hiệp định quá cảnh của Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Campuchia ký ngày 3-4-1994. Trường hợp phía Campuchia đề nghị cho vận chuyển qua cửa khẩu không thuộc cửa khẩu ghi trong Hiệp định quá cảnh, phải được Chính phủ Việt Nam xem xét quyết định như đã nói trên.
d) Gỗ tròn và gỗ xẻ quá cảnh phải được chuyên chở trên tầu, thuyền của Campuchia, của Việt Nam hoặc của nước thứ ba, không được để gỗ trên bè mảng cho thả trôi sông. Riêng gỗ được phép vận chuyển bằng đường bộ chỉ được chuyên chở trên ô tô của Việt Nam.
e) Gỗ xẻ quá cảnh vận huyển bằng đường sông đều phải đóng trong container, nếu vận chuyển đường bộ phải đóng thành kiện hoặc container có niêm phong cặp chì của hải quan Campuchia, Hải quan cửa khẩu (nơi có gỗ tạm nhập) kiểm tra cặp chì của Campuchia và niêm phong thêm cặp chì của ta.
g) Gỗ của Campuchia quá cảnh và gỗ nhập khẩu của Campuchia được hai Chính phủ Việt Nam và Campuchia thoả thuận cho phép lần này là trường hợp đặc cách duy nhất, sẽ được thực hiện từ ngày 24-12-1994 đến hết ngày 30-4-1995 là kết thúc. Người có gỗ quá cảnh và gỗ nhập khẩu phải nộp lệ phí theo quy định hiện hành của Nhà nước Việt Nam.
2- Một số điểm cần chú ý trong việc giám sát và kiểm tra hải quan.
Cán bộ hải quan được cử làm thủ tục cho gỗ quá cảnh và gỗ nhập khẩu nói trên, cần nắm vững quy trình, thủ tục hải quan đối với hàng hoá quá cảnh, hàng hoá kinh doanh nhập khẩu nói chung đối chiếu với những vấn đề có tính nguyên tắc Tổng cục đã quy định tại công văn này để làm thủ tục bảo đảm chặt chẽ, thuận tiện không để hàng hoá ách tắc tại cửa khẩu. Đối với việc giám sát, kiểm tra lần này cần chú ý thêm các điểm sau:
a) Gỗ xẻ và gỗ tròn quá cảnh đường sông, nếu xét thấy cần thiết thì Cục trưởng Cục hải quan (nơi có hàng nhập đi qua) quyết định cử cán bộ hải quan đi áp tải theo hàng - gỗ xẻ quá cảnh, đi đường bộ nhất thiết phải có cán bộ hải quan áp tải theo hàng.
b) Kiểm tra xác định gỗ hợp pháp và xác định khối lượng gỗ phải căn cứ vào các nội dung Tổng cục hải quan hướng dẫn tại điểm 1 công văn này để xác định, nhưng cần thận trọng hơn đối với các việc sau:
- Đối với gỗ tròn quá cảnh phải kiểm tra kỹ dấu búa của Campuchia để xác định khối lượng được phép quá cảnh ghi trong giấy phép với khối lượng gỗ thực tế được quá cảnh, đề phòng lợi dụng trà trộn gỗ tròn của Việt Nam vào để xuất khẩu trốn thuế.
- Đối với gỗ nhập khẩu cần kiểm tra quy cách kích thước để xác định khối lượng chính xác và loại nhóm gỗ (quý hiếm hay gỗ thường). Trường hợp gỗ thực nhập vượt trên 10% so với giấy phép thì ngoài việc thu đủ thuế, lệ phí còn phải phạt vi phạm hành chính. Gỗ quá cảnh vượt trên 10% phải lập biên bản xử lý phạt, hoặc tịch thu.
c) Việc mua, bán giao nhận gỗ lần này giữa các bên đối tác do tình hình đặc điểm cụ thể của hai bên, Nhà nước Campuchia cho phép doanh nghiệp Việt Nam giao nhận gỗ trong lãnh thổ Campuchia. Do đó nếu phía Campuchia có yêu cầu phía Việt Nam mang phương tiện thiết bị của Việt Nam sang Campuchia phục vụ cho việc bốc xếp, vận chuyển số gỗ của Campuchia đã hạ trước ngày 20-11-1994, Hải quan tỉnh, thành phố (nơi họ có yêu cầu) xét cấp giấy phép cho phương tiện, máy móc tạm xuất tái - nhập, mở sổ theo dõi bảo đảm tạm xuất bao nhiêu phải tái nhập về đủ.
d) Theo văn bản số 202/KTTH ngày 14-7-1994 của Văn phòng Chính phủ, người và phương tiện của ta tuyệt đối không được qua đất Campuchia để tiếp tục chặt hạ gỗ mới, hoặc vận chuyển gỗ dưới hình thức làm thuê cho phía Campuchia, hoặc cho người nước ngoài đã mua gỗ của Campuchia. Hải quan các cửa khẩu kiểm tra phát hiện, ngăn chặn kịp thời các trường hợp vi phạm văn bản số 202/KTTH nói trên. Trường hợp cố ý làm trái thì lập biên bản vi phạm hành chính để xử lý đúng mức.
Tổng cục yêu cầu Hải quan các tỉnh, thành phố nhận được công văn này tổ chức phổ biến, quán triệt để thực hiện nghiêm túc. Trong thực hiện có phát sinh, hoặc vướng mắc phải kịp thời báo cáo về Tổng cục Hải quan để có ý kiến chỉ đạo cụ thể.
| Phan Văn Dĩnh (Đã ký) |
Công văn về việc quá cảnh gỗ và nhập khẩu gỗ Campuchia
- Số hiệu: 1887/TCHQ-GSQL
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 28/12/1994
- Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
- Người ký: Phan Văn Dĩnh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 28/12/1994
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra