Hệ thống pháp luật

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 40/KHXX

Hà Nội, ngày 06 tháng 7 năm 1996

 

CÔNG VĂN

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO SỐ 40/KHXX NGÀY 6 THÁNG 7 NĂM 1996 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LỆNH THỦ TỤC GIẢI QUYẾT CÁC TRANH CHẤP LAO ĐỘNG

 

Pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động (sau đây gọi tắt là Pháp lệnh) đựoc Uỷ ban thương vụ Quốc hội thông qua ngày 11-4-1996 và có hiệu lực từ ngày 1-7-1996. Để thi hành đúng và thống nhất các quy định của Pháp lệnh, Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn một số điểm như sau:

A. VỀ THỦ TỤC GIẢI QUYẾT CÁC VỤ ÁN LAO ĐỘNG

1. Về các vụ án về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án.

Theo quy định tại Điều 166, Điều 168 của Bộ luật Lao độngĐiều 11 của Pháp lệnh thì Toà án có thẩm quyền giải quyết các vụ án lao động về tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể.

- Tranh chấp lao động cá nhân là tranh chấp giữa cá nhân người lao động với người sử dụng lao động về quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác, về thực hiện hợp đồng lao động và trong quá trình học nghề; về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; về bồi thường thiệt hại cho người sử dụng lao động.

-Tranh chấp lao động tập thể là tranh chấp giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động về quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác; về thực hiện thoả ước lao động tập thể; về quyền thành lập, gia nhập, hoạt động công đoàn.

2.Về quyền khởi kiện, khởi tố vụ án lao động.

Khác với việc khởi kiện vụ án dân sự, việc khởi kiện vụ án lao động có những đặc thù riêng; cụ thể là:

a.Theo quy định tại Điều 1 của Pháp lệnh thì những người sau đây có quyền khởi kiện vụ án lao động tại Toà án có thẩm quyền để yêu cầu Toà án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp mình:

- Người lao động;

- Tập thể lao động;

- Người sử dụng lao động.

b. Trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể lao động thì theo quy định tại Điều 1 của Pháp lệnh, công đoàn cấp trên của công đoàn cơ sở có quyền khởi kiện vụ án lao động tại Toà án có thẩm quyền.

c. Theo quy định tại Điều 28 của Pháp lệnh thì đối với những vi phạm pháp luật có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động là người chưa thành niên, người tàn tật và các vi phạm pháp luật nghiêm trọng khác, nếu không có ai khởi kiện, thì Viện kiểm sát có quyền khởi tố vụ án lao động tại Toà án có thẩm quyền. Người lao động chưa thành niên theo quy định tại Điều 119 của Bộ luật lao động là người dưới 18 tuổi.

d. Trong trường hợp người nộp đơn không thuộc một trong các trường hợp a và b trên đây thì Toà án phải trả lại đơnn kiện theo quy định tại điểm a Điều 34 của Pháp lệnh.

đ. Theo quyđịnh tại Điều 120, Điều 125 của Bộ luật lao động, thì ngoài những người thành niên (từ đủ 18 tuổi trở lên), người lao động có thể là người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi, người chưa đủ 15 tuổi (đối với một số nghề và công việc được nhận trẻ em chưqa đủ 15 tuổi vào làm việc, học nghề, tập nghề... do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định), người tàn tật...; do đó, khi có một trong các bên đương sự là người lao động thuộc diện này, Toà án cần chú ý thực hiện đúng các quy định tại Điều 21 của Pháp lệnh, cụ thể là:

- Người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên có quyền tự mình thực hiện quyền ,nghĩa vụ của đương sự trong tố tụng.

- Trẻ em chưa đủ 15 tuổi thực hiện quyền, nghĩa vụ của đương sự trong tố tụng thông qua người đại diện. Người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể tự mình tham gia tố tụng, những khi cần thiết, Toà án triệu tập người đại diện của họ tham gia tố tụng.

- Nếu đương sự là người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần mà không thể tham gia tố tụng được thì phải có người đại diện của họ tham gia tố tụng.

Trong trường hợp không có người đại diện cho đương sự nói tại khoản 33 Điều này tham gia tố tụng, Toà án chỉ định một người thân thích của đương sự hoặc một thành viên của một tổ chức xã hội làm người đại diện cho họ.

e. Theo quy định tại Điều 18 của Bộ luật lao động, thì tranh chấp lao động được giải quyết theo những nguyên tắc thương lượng trực tiếp và tự dàn xếp giữa hai bên tranh chấp tại nơi phát sinh tranh chấp; thông qua hoà giải, trọng tài trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên, tôn trọng lợi ích của xã hội và tuân theo pháp luật. Xuất phát từ những nguyên tắc đó và theo quy định tại Điều 166 của Bộ luật lao động Điều 11 của Pháp lệnh, Toà án chỉ thụ lý giải quyết các tranh chấp lao động với những điều kiện sau đây:

- Nếu tranh chấp lao động cá nhân, thì trước khi khởi kiện tại Toà án, các bên phải đưa việc tranh chấp ra Hội đồng hoà giải cơ sở hoặc hoà giải viên lao động của cơ quan lao động cấp huyện hoà giải. Chỉ trong trường hợp hoà giải không thành, kèm theo đơn khởi kiện phải có biên bản hoà giải không thành của Hội đồng hoà giải cơ sở hoặc của hoà giải viên của cơ quan lao động cấp huyện lập) thì toà án mới thụ lý giải quyết. Thời hạn khởi kiện đối với các tranh chấp này là sáu tháng, kể từ ngày hoà giải không thành (điểm b, khoản 1 Điều 32 của Pháp lệnh)

Đối với tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; tranh chấp về bồi thương thiệt hại cho người sử dụng lao động (theo quy định tại các điểm a, b khoản 2 Điều 166 của Bộ luật lao động và các điểm a, b khoản 1 Điều 11 của Pháp lệnh), thì Toà án thụ lý giải quyết không đòi hỏi điều kiện nhất thiết phải qua hoà giải tại cơ sở. Thời hạn khởi kiện đối với các tranh chấp này là 1 năm, kể từ ngày phát sinh tranh chấp (điểm a khoản 1 Điều 32 của Pháp lệnh). Quy định này không hạn chế quyền của các bên đưa tranh chấp ra Hội đồng hoà giải cơ sở hoặc hoà giải viên của cơ quan lao động cấp huyện hoà giải và ngược lại, việc họ đưa tranh chấp ra hoà giải đó cũng không hạn chế quyền của họ khởi kiện ra Toà án (nếu họ thấy khả năng hoà giải không thành) và vẫn trong thời hiệu khởi kiện 1 năm kể từ ngày phát sinh tranh chấp. Trong trường hợp họ đã tiến hành hoà giải tại cơ sở và đã có kết quả hoà giải thì Toà án chỉ thụ lý giải quyết nếu kết quả hoà giải không thành. Thời hạn khởi kiện trong trường hợp này là 6 tháng, kể từ ngày hoà giải không thành. Toà án không thụ lý vụ án nếu sự việc đã được hoà giải thành (có biên bản hoà giải thành) do hội đồng hoà giải cơ sở hoặc do hoà giải viên lao động thực hiện, vì hai bên có nghĩa vụ chấp hành các thoả thuận trong biên bản hoà giải thành theo quy định tại khoản 2 Điều 164 của Bộ luật lao động mà trả lại đơn khởi kiện theo quy định tại điểm d - Điều 34 của Pháp lệnh.

- Theo quy định tại Điều 172 của Bộ luật lao độngkhoản 2 Điều 11 của Pháp lệnh, thì Toà án chỉ thụ lý giải quyêt các tranh chấp lao động tập thể, nếu đã được Hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh giải quyết mà một trong các bên hoặc cả hai bên không đồng ý với quyết định của Hội đồng trọng tài lao động. Kèm theo đơn khởi kiện, bên khởi kiện phải nộp bản sao quyết định của Hội đồngtrọng tài lao động về việc giải quyêt tranh chấp lao động. Thời hạn khởi kiện là 3 tháng kể từ ngày cóquyết định của Hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh.

Cần lưu ý là theo quy định tại khoản 2 Điều 172 của Bộ luật lao động nếu tập thể lao động không đồng ý với quyết định của Hội đồng trọng tài lao động, thì họ có quyền chọn một trong hai biện pháp giải quyết tranh chấp lao động tập thể, đó là:

- Khởi kiện vụ án lao động yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp và không được đình công, trừ trường hợp họ rút đơn khởi kiện trước khi toà án ra quyết định giải quyết tranh chấp lao động đó.

- Thực hiện quyền đình công theo quy định của Pháp luật mà không có quyền khởi kiện vụ án lao động để yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp lao động tập thể.

Trong trường hợp Thủ tướng Chính phủ quyết định việc hoãn hoặc ngừng cuộc đình công theo quy định tại Điều 175 của Bộ luật lao động, nếu tập thể lao động khởi kiện tại toà án, thì Toà án thụ lý giải quyết tranh chấp lao động theo quy định chung và giải thích để tập thể lao động đó biết là họ không có quyền đình công nữa.

3.Về thời hiệu khởi kiện.

Khi xem xét về thời hiệu khởi kiện được quy định tại khoản 1 Điều 32 của Pháp lệnh để quyết định thụ lý vụ án (Điều 35), trả lại đơn kiện (điểm c Điều 34), đình chỉ giải quyết vụ án (điểm d khoản 1 Điều 41), cần áp dụng theo các quy định tại các Điều từ 168 đến 171 của Bộ luật dân sự về thời gian không tính vào thời hạn khởi kiện, tính lại thời gian khởi kiện để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện.

Bộ luật lao động có hiệu lực từ ngày 1/1/1995, do đó các tranh chấp lao động mà Bộ luật quy định thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân (Điều 157) lẽ ra phải được thụ lý giải quyết các tranh chấp lao động có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/1996, vì vậy các loại tranh chấp lao động phát sinh từ ngày 1/1/1995 đến trước ngày 1/7/1996 đều được áp dụng thời hiệu khởi kiện quy định tại Điều 32 của Pháp lệnh và thời hiệu đó chỉ được tính từ ngày 1/7/1996. Riêng đối với bốn tranh chấp lao động được quy định tại Nghị định số 10/NĐ-HĐBT ngày14/1/1985 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) thì thời hạn khởi kiện được tính theo quyđịnh của Nghị định này, Thông tu liên ngành số 03/TTLN ngày 2/10/1995 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiẻm sát nhân dân tối cao , Tổng cục dạy nghề (nay là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ) hướng dẫn thực hiện thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân về một số việc tranh chấp lao động và các văn bản pháp luật có liên quan; đó là:

- Công nhân, viên chức Nhà nước bị xử lý bằng hình thức buộc thôi việc;

- Học sinh học nghề, giáo viên dạy nghề và thực tập sinh ở nước ngoài bị buộc phải bồi thường phí tổn đào tạo cho Nhà nước vì bị xử lý kỷ luật;

- Những người đi hợp tác lao động với nước ngoài bị buộc phải bồi thường phí tổn cho Nhà nước vì vi phạm hợp đồng, bị kỷ luật phải về nước trước thời hạn;

- Những tranh chấp giữa người làm công với chủ tư nhân.

Các tranh chấp lao động phát sinh trước ngày Bộ luật có hiệu lực (1/1/1995), ngoài 4 loại tranh chấp nói trên không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân; do đó, nếu có đơn khởi kiện, thì Toà án không thụ lý giải quyết và giải thích rõ cho đương sự rõ.

4. Về việc hoà giải trong quá trình giải quyết vụ án lao động.

Điều 38 quy định việc hoà giải để các đương sự có thể thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án. Trong trưòng hợp các bên thoả thuận được với nhau về giải quyết vụ án, thì Toà án lập biên bản hoà giải thành có chữ ký của các bên đương sự, của Thư ký toà án, Thẩm phán ký tên và đóng dấu của Toà án vào biên bản thoả thuận đó. Khác với thủ tục công nhận thoả thuận giữa các đương sự trong vụ án dân sự là Toà án phải gửi biên bản hoà giải thành cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp và sau khi hết hạn 15 ngày đươbg sự không thay đổi ý kiến, Viện kiểm sát không kiến nghị thì Toà án mới ra quyết định công nhận sự thoả thuận giữa các đương sự. Trong vụ án lao động, Toà án ra ngay quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự; quyết định này có hiệu lực pháp luật, các đương sự không có quyền kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm, mà chỉ có quyền khiếu nại theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Viện kiểm sát nếu phát hiện thấy có vi phạm pháp luật trong quá trình hoà giải hoặc áp dụng pháp luật khi ra quyết định công nhận thoả thuận giữa các đương sự, thì có quyền kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm hoặc theo trình tự tái thẩm (nếu phát hiện có tình tiết mới).

Trong trường hợp hoà giải không thành thì Toà án lập biên bản hoà giải không thành và ra quyết định đưa vụ án ra xét.

5. Về một số vấn đề khác.

a) Hội đồng xét xử vụ án lao động có trình tự sơ thẩm gồm hai Thẩm phán và một Hội thẩm nhân dân theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Pháp lệnh.

b) Ngoài những hướng dẫn trên đây, các quy định khác như:

- Về việc bị đơn từ chối khai báo, cố tình vắng mặt không có lý do chính đáng;

- Về việc thay đổi thành phần Hội đồng xét xử hay những người tiến hành tố tụng khác;

- Về người đại diện của đương sự;

- Về việc tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án lao động;

- Về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

...

Các Toà án áp dụng các hướng dẫn tương ứng tại Nghị quyết số 03/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao "hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án quân sự" để giải quyết những vấn đề tương tự trong quá trình giải quyết các vụ án lao động.

B. VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT CÁC CUỘC ĐÌNH CÔNG

Theo quy định tại khoản 2 Điều 176 của Bộ lao động, Toà án nhân dân có thẩm quyền kết luận cuộc đình công hợp pháp hay bất hợp pháp. Đây là loại việc mới và rất nhạy cảm; do đó, khi có đơn yêu cầu Toà án kết hợp cuộc đình công hợp pháp hoặc bất hợp pháp thì cần khẩn trương nhưng thận trọng giải quyết nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của cuộc đình công tới tình hình chính trị và trật tự xã hội tại địa phương. Việc thụ lý giải quyết các cuộc đình công phải chú ý một số điểm sau đây:

1. Những người có quyền nộp đơn đến Toà án yêu cầu kết luận cuộc đình công hợp pháp hoặc bất hợp pháp

Theo quy định tại Điều 87 của Pháp lệnh thì những người sau đây có quyền nộp đơn đến toà án yêu cầu kết luận cuộc đình công hợp pháp hoặc bất hợp pháp:

a. Ban chấp hành công đoàn cơ sở nơi tập thể lao động đình công có quyền nộp đơn dến Toà án yêu cầu kết luận cuộc đình công hợp pháp;

b. Người sử dụng lao động nơi tập thể lao động đình công có quyền nộp đơn đến Toà án yêu cầu kết luận tính bất hợp pháp của cuộc đình công.

c. Trước khi bắt đầu đình công hoặc trong quá trình đình công cơ quan lao động cấp tỉnh, Liên Đoàn lao động cấp tỉnh nơi có cuộc đình công có quyền gửi văn bản đến toà án yêu cầu kết luận cuộc đình công hợp pháp hoặc bất hợp pháp;

d. Viện kiểm soát nhân dân có quyền khởi tố để yêu cầu Toà án kết luận cuộc đình công là bất hợp pháp.

2. Về việc thụ lý yêu cầu, văn bản yêu cầu, văn bản khởi tố yêu cầu kết luận cuộc đình công hợp pháp hoặc bất hợp pháp.

Khi xem xét thụ lý đơn yêu cầu theo quy định tại Điều 91 của Pháp lệnh, Toà án cần kiểm tra nội dung đơn yêu cầu và các tài liệu kèm theo đơn như đã được quy định tại điều 88 của Pháp lệnh, cụ thể là:

a. Nếu đơn yêu cầu Toà án giải quyết cuộc đình công của tập thể lao động, của người sử dụng lao động thì cần phải xem xét đã có đầy đủ các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 88 của Pháp lệnh hay chưa? Nếu chưa có đầy đủ các nội dung đó, thì yêu cầu tập thể lao động hoặc người sử dụng lao động làm lại đơn đúng theo quy định tại khoản 1 Điều 88 của Pháp lệnh. Nếu đã có đầy đủ các nội dung đó, thì xem xét kèm theo đơn yêu cầu đã có các bản yêu cầu, bản thông báo về cuộc đình công, quyết định của Hội đồng Trọng tài lao động cấp tỉnh về việc giải quyết vụ tranh chấp lao động tập thể và các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến việc giải quyết cuộc đình công hay chưa? Đối với người nộp đơn là người sử dụng lao động thì cần phải xem xét họ đã nộp tiền lệ phí theo mức do chính phủ quy định hay chưa?

b. Nếu văn bản yêu cầu toà án kết luận cuộc đình công hợp pháp hoặc bất hợp pháp của cơ quan lao động cấp tỉnh, của Liên đoàn lao động của cấp tỉnh, cũng như văn bản khởi tố của Viện kiểm sát nhân dân, thì cần phải xem xét đã có đầy đủ các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 88 của Pháp lệnh hay chưa? Nếu chưa có đầy đủ các nội dung đó, thì yêu cầu cơ quan làm lại văn bản yêu cầu theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 88 của Pháp lệnh. Nếu đã có đầy đủ các nội dung đó, thì xem xét kèm theo văn bản yêu cầu đã có các tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc yêu cầu kết luận cuộc đình công hợp pháp hoặc bất hợp pháp hay chưa?

c. Nếu sau khi xem xét, thấy đơn yêu cầu, văn bản yêu cầu, văn bản khởi tố đã có đầy đủ các nội dung theo yêu cầu quy định tại khoản 1, 2 Điều 88 của Pháp lệnh và đã có đầy đủ các giấy tờ, tài liệu, chứng cứ kèm theo và xết thấy doanh nghiệp nơi tập thể lao động đình công không thuộc danh mục các doanh nghiệp cấm đình công do Chính phủ quy định, đồng thời xét thấy việc giải quyết cuộc đình công thuộc thẩm quyền của mình, thì Toà án vào sổ thụ lý đơn và thông báo cho ban chấp hành công đoàn cơ sở; người sử dụng lao động, cơ quan lao động cấp tỉnh, Liên đoàn lao động cấp tỉnh và Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp biết.

d. Việc thụ lý và giải quyết đình công phải được tiến hành khẩn trương nhằm tạo hạn chế ảnh hưỏng của nó tới quyền lợi của ngưòi lao động, của người sử dụng lao động và ảnh hưởng của nó tới trật tự an toàn xã hội; do đó, ngoài việc không được vượt quá thời hạn quy định tại các Điều 91, 92 của Pháp lệnh, Toà án phải tích cực rút ngắn thời hạn thụ lý và thời hạn giải quyết việc đình công.

3. Những việc cần tiến hành ngay sau khi thụ lý đơn yêu cầu.

a. Ngay sau khi thụ lý đơn yêu cầu Chánh toà Toà lao động Toà án nhân dân cấp tỉnh phân công một Thẩm phán giải quyết cuộc đình công và một Thư ký Toà án giúp Thẩm phán trong việc lập hồ sơ giải quyết việc đình công.

b. Sau khi được phân công giải quyết cuộc đình công Thẩm phán cần nhanh chóng triển khai thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình quy định tại Điều 93 của Pháp lệnh. Việc xác minh tại chỗ, tiến hành hoà giải giữa Ban chấp hành công đoàn cơ sở và người sử dụng lao động về việc giải quyết cuộc đình công cần phải được lập biên bản, có chữ ký của những người tham gia vào các công việc này. Thẩm phán và Thư ký toà án phải ký vào biên bản và đóng dấu của toà án vào biên bản.

Nếu trong quá trình giải quyết cuộc đình công, nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì Thẩm phán cung cấp tài liệu cho Viện kiểm soát nhân dân xem xét khởi tố về hình sự đối với người có hành vi phạm tội.

Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu, văn bản yêu cầu, văn bản khởi tố, Thẩm phán đựơc phân công giải quyết cuộc đình công phải ra quyết định đưa cuộc đình công ra giải quyết hoặc quyết định đình chỉ việc giải quyết cuộc đình công.

Thẩm phán ra quyết định đình chỉ việc giải quyết cuộc đình công khi có một trong các trường hợp quy định tại Điều 95 của Pháp lệnh; cụ thể là: khi người có yêu cầu rút yêu cầu; khi Viện kiểm sát rút văn bản khởi tố; khi Ban cấp hành công đoàn cơ sở và người sử dụng lao động thoả thuận được với nhau về việc giải quyết cuộc đình công, trước khi Toà án ra quyết định giải quyết cuộc đình công.

c. Trong quá trình giải quyết cuộc đình công, nếu xét thấy cần thiết, thì Thẩm phán đựơc phân công giải quyết hoặc hội đồng giải quyết cuộc đình công chỉ có thể ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời "cấm hoặc buộc tập thể lao động, người sử dụng lao đọng thực hiện một số hành vi nhất định". Ví dụ: cấm người sử dụng lao động bán máy móc, thiết bị; cấm tập thể lao động khi đình công tụ tập ngoài địa phận của doanh nghiệp v.v... Cần chú ý là trong Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cần ghi rõ thời hạn có hiệu lực của quyết định. Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được thi hành ngay và có thể bị thay đổi hoặc huỷ bỏ theo quy định tại Điều 45 của Pháp lệnh.

4. Về hội nghị hoà giải.

a. Hội nghị hòa giải là thủ tục bắt buộc trong quá trình giải quyết cuộc đình công và có ý nghĩa, vai trò quan trọng trong việc giải quyết cuộc đình công; do đó thẩm phán được phân công giải quyết cuộc đình công phải chuẩn bị tốt chương trình, nội dung cũng như về hình thức cho việc tiến hành hoà giải. Hội nghị hoà giải có thể được tiến hành tại trụ sở của toà án hoặc tai doanh nghiệp nơi xảy ra đình công.

b. Theo quy định tại Điều 98 của Pháp lệnh thì đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở, người sủ dụng lao động hay người đại diện hợp pháp của họ phải có mặt tại hội nghị hoà giải. Nếu vắng mặt người đại diện Ban cháp hành công đoàn cơ sở hoặc người sử dụng lao động hay người đại diện hợp pháp của họ thì Hội nghị hoà giải phải được hoãn.

Đói với đại diện Viện kiểm soát nhân dân, cơ quan lao động cấp tỉnh, Liên đoàn lao động cấp tỉnh, thì có nhiệm vụ tham dự hội nghị hoà giải. Trong trưòng hợp cần thiết, Toà án có thể mời các chuyên gia về lĩnh vực hữu quan làm tư vấn tại hội nghị hoà giải. Nếu vắng mặt đại diện hoặc các chuyên gia được Toà án mời làm tư vấn hội nghị hoà giải, thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà có thể hoãn hội nghị hoà giải hoặc tiến hành hội nghị hoà giải.

c. Hội nghị hoà giải phải được tiến hành theo trình tự và thủ tục theo quy định tại Điều 99 của Pháp lệnh.

Trong trường hợp các bên tham gia không thương lượng, thoả thuận được với nhau về việc giải quyết cuộc đình công tạo hội nghị hoà giải này, thì Thẩm phán lập biên bản hoà giải không thành có chữ ký của Thẩm phán, Thư ký hội nghị hoà giải và các bên đương sự. Đồng thời với việc lập biên bản hoà giải không thành, Thẩm phán cần ra quyết định buộc người sử dụng lao động trong thời hạn ba ngày kể từ ngày lập biên bản hoà giải khôngthành phải lập và đưa ra phương án mới về việc giải quyết cuộc đình công. Sau khi có phương án mới, Thẩm phán tổ chức hội nghị hoà giải lại và để cho các bên phải thương lượng với nhau về phương án đó. Nếu qua thương lượng hai bên nhất trí với nhau về phương án mới đó, thì thẩm phán lập biên bản hoà giải thành và ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các bên. Trong trưòng hợp các bên không thoả thuận được với nhau về phương án mới đó, thì Thẩm phán giao cho ban chấp hành công đoàn cơ sở tổ chức lấy ý kiến của tập thể lao dộng (những người tham gia đình công) bằng phương pháp bỏ phiếu kín về phương án mới đó. Nếu kết quả kiểm phiếu mà quá nửa tập thể lao động đồng ý với phương án mới do người lao động đưa ra, thì thẩm phán ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các bên về việc giải quyết cuộc đình công. Nếu kết quả kiểm phiếu mà quá nửa tập thể tập thể lao động không đồng ý với phương án mới do người sử dụng lao động đưa ra, thì Thẩm phán ra quyết định mở phiên họp xét tính hợp pháp của đình công.

Trong mọi trường hợp, trước khi ra quyết định mở phiên họp xét tính hợp pháp của cuộc đình công, Thẩm phán phải báo cáo với Chánh toà Toà lao động để chỉ định thêm hai Thẩm phán tham gia Hội đồng giải quyết cuộc đình công.

5. Về phiên họp của hội đồng giải quyết cuộc đình công.

a. Phiên họp của Hội đồng giải quyết cuộc đình công phải mở trong thời gian ba ngày, kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp và có đủ thành phần những ngưòi tham gia phiên họp theo quy định tại Điều 100 của Pháp lệnh. Trường hợp vắng mặt đại diện viện kiểm sát nhân dân hoặc Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc người sử dụng lao động (hay đại diện hợp pháp của họ) thì phải hoãn phiên họp; thời hạn hoãn không quá ba ngày (áp dụng theo quy định tại điểm 2 khoản 3 Điều 98 của Pháp lệnh).

b. Trình tự phiên họp xét tính hợp pháp của cuộc đình công phải tuân theo quy định tại Điều 101 cuả Pháp lệnh. Hội đồng thảo luận và quyết định giải quyết cuộc đình công theo quy định về nghị án được quy định tại khoản 1 Điều 54 của Pháp lệnh. Nếu cuộc đình công là hợp pháp, trong quyết định phải ghi rõ chấp nhận yêu cầu của tập thể lao động, buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương và bảo đảm các quyền lợi khác của tập thể lao động trong thời gian đình công theo quy định của pháp luật. Việc giải quyết tiền lương và những quyền lợi khác cho tập thể người lao động trong trường hợp cuộc đình công do Toà án tuyên bố là bất hợp pháp theo đúng quy định của Chính phủ (Toà án nhân dân tối cao sẽ có văn bản hướng dẫn riêng về vấn đề này).

6. Về căn cứ để xem xét các cuộc đình công hợp pháp hoặc bất hợp pháp.

a. Theo quy định tại khoản 1 Điều 80 của Pháp lệnh thì cuộc đình công khi có đủ các điều kiện sau đây được công nhận là hợp pháp.

- Phát sinh từ tranh chấp lao động tập thể và trong phạm vi quan hệ lao động;

- Được những người lao động làm việc tại một doanh nghiệp tiến hành trong phạm vi doanh nghiệp đó;

- Tập thể lao động không đồng ý với quyết định của Hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh mà không khởi kiện để yêu cầu toà án giải quyết;

- Tuân theo quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 173 của Bộ luật Lao động;

- Doanh nghiệp nơi tập thể lao động tiến hành đình công không thuộc danh mục doanh nghiệp phục vụ công cộng và doanh nghiệp thiết yếu cho nền kinh tế quốc dân hoặc an ninh, quốc phòng do Chính phủ quy định;

- Không vi phạm quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc hoãn hoặc ngừng cuộc đình công;

b. Theo quy định tại khoản 2 Điều 80 của Pháp lệnh, thì cuộc đình công thiếu một trong các điều kiện trên đây là bất hợp pháp.

c. Cần lưu ý trong trường hợp tuyên bố cuộc đình công bất hợp pháp do không tuân theo các quy định tại Khoản 2 Điều 173 của Bộ luật lao động (điểm d khoản 1 Điều 80 của Pháp lệnh), thì Toà án cần giải thích cho tập thể lao động biết họ vẫn có quyền tiến hành đình công lại sau khi đã tuân thủ đầy đủ các quy định tại khoản 2 Điều 173 của Bộ luật lao động.

7. Về việc giải quyết đơn khiếu nại đối với quyết định giải quyết đình công.

Khi có khiếu nại đối với quyết định của Toà lao động Toà án nhân dân cấp tỉnh, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao có thẩm quyền (theo lãnh thổ) phải tién hành giải quyết ngay theo đúng thành phần Hội đồng và đúng thời hạn 5 ngày theo quy định tại khoản 3 Điều 102 của Pháp lệnh. Quyết định của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao là quyết định cuối cùng; do đó, khi giải quyết khiếu nại, các Toà phúc thẩm toà án nhân dân tối cao cần xem xét thận trọng, kỹ càng các quyết định của Toà Lao động Toà án nhân dân cấp tỉnh có khiếu nại để quyết định chính xác, đúng pháp luật.

Trong quá trình thực hiện, nếu có gì vướng mắc, các Toà án nhân dân các cấp báo cáo về Toà án nhân dân tối cao để có hướng dẫn bổ sung kịp thời.

 

Phạm Hưng

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn về việc hướng dẫn thi hành một số quy định của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động

  • Số hiệu: 40/KHXX
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 06/07/1996
  • Nơi ban hành: Tòa án nhân dân tối cao
  • Người ký: Phạm Hưng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/07/1996
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản