Hệ thống pháp luật

TỔNG CỤC HẢI QUAN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1439/TCHQ-GSQL

Hà Nội, ngày 03 tháng 5 năm 1997

 

CÔNG VĂN

CỦA TỔNG CỤC HẢI QUAN SỐ 1439/TCHQ-GSQL NGÀY 3 THÁNG 5 NĂM 1997 VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT NHỮNG VƯỚNG MẮC TRONG QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN THỦ TỤC NHẬP KHẨU CÁC LÔ HÀNG QUÀ BIẾU

Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố

 

Theo báo cáo của một số Cục Hải quan địa phương về một số vướng mắc trong quá trình thực hiện Thông tư số 42/TCHQ-GSQL ngày 22/3/1997 của Tổng cục Hải quan, để khắc phục những vướng mắc trên, Tổng cục hướng dẫn bổ sung một số nội dung sau:

1. Cục trưởng Cục Hải quan địa phương được giải quyết (phê duyệt trực tiếp, không cấp giấy phép) đối với các lô hàng nhập khẩu là quà biếu vượt mức quy định (20 triệu đồng) có giá trị đến 40 triệu đồng (kết cả các lô hàng có vận đơn sau ngày 22/3/1997), cụ thể như sau:

a. Các lô hàng nhập khẩu là quà biếu không thuộc danh mục Nhà nước quản lý theo hạn ngạch, theo kế hoạch định hướng hoặc nhóm hàng tiêu dùng được giải quyết đến hết ngày 30/9/1997. Từ 01/10/1997 các lô hàng loại này có giá trị trên 40 triệu đồng thì phần vượt mức quy định 40 triệu đồng phải tái xuất trong phạm vi 30 ngày, ngoài thời hạn này nếu không tái xuất thì tịch thu sung công quỹ Nhà nước.

b. Các lô hàng nhập khẩu là quà biếu thuộc danh mục Nhà nước quản lý theo hạn ngạch, theo kế hoạch định hướng (bao gồm cả những phụ tùng ôtô các loại) thì Hải quan cửa khẩu phải lập biên bản vi phạm hành chính Hải quan và xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

Các trường hợp lô hàng thuộc loại này (nói ở điểm b) có giá trị đến 40 triệu đồng, Tổng cục Hải quan chỉ giải quyết cho nhận hàng, thu đủ các loại thuế theo quy định đến hết ngày 30/6/1997. Kể từ ngày 01/7/1997 Hải quan cửa khẩu lập biên bản vi phạm đối với loại hàng này và yêu cầu chủ hàng buộc tái xuất toàn bộ trong phạm vi 30 ngày, nếu không tái xuất thì xử lý tịch thu toàn bộ sung công quỹ Nhà nước.

2. Những trường hợp quà biếu cá nhân là xe gắn máy, xe ôtô các loại, xe chuyên dụng, xe thi công đã gửi về từ 02 xe trở lên thì Hải quan cửa khẩu có trách nhiệm lập biên bản vi phạm hành chính về Hải quan và chỉ cho nhận 01 chiếc, phải nộp đủ thuế nhập khẩu; thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập theo pháp luật quy định. Việc xử lý từ chiếc thứ hai trở lên phải xin ý kiến chỉ đạo của Tổng cục.

- Đối với xe đã qua sử dụng, chất lượng sử dụng còn lại của xe phải đảm bảo đúng theo quy định tại CV số 3001/TCHQ-GSQL ngày 19/9/1996 của Tổng cục Hải quan.

- Quà biếu thuộc loại hàng này (nêu ở điểm 2) chỉ được xem xét giải quyết đến hết ngày 30/6/1997. Kể từ ngày 01/7/1997 Hải quan cửa khẩu lập biên bản từ chiếc xe thứ 01 trở đi và yêu cầu chủ hàng tái xuất tất cả, trong phạm vi 30 ngày nếu không tái xuất thì xử lý tịch thu toàn bộ và sung công quỹ Nhà nước.

3. Các loại hàng không mang tính chất quà biếu như hàng mẫu, hàng quảng cáo, hàng đền bù hư hỏng, theo các loại hợp đồng thương mại phục vụ cho sản xuất, có chứng nhận giám định của Vinacontrol thì Hải quan địa phương yêu cầu chủ hàng mở tờ khai mậu dịch (không phải cấp giấy phép nhập khẩu) và nộp đủ các loại thuế theo Luật định.

Nếu loại hàng trên không thể hiện trong các hợp đồng thương mại thì phải điều chỉnh bởi các quy định tại Thông tư số 42 TCHQ/GSQL ngày 22/3/1997 của Tổng cục Hải quan.

4. Cục trưởng Cục Hải quan các địa phương chịu trách nhiệm triển khai thực hiện ngay các quy định trên và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như dán thông báo tại trụ sở Hải quan Cục và Cửa khẩu để nhân dân được biết.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc yêu cầu báo cáo kịp thời về Tổng cục Hải quan để có chỉ đạo giải quyết.

 

Phan Văn Dĩnh

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn về việc giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục NK các lô hàng qùa biếu

  • Số hiệu: 1439/TCHQ-GSQL
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 03/05/1997
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Phan Văn Dĩnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/05/1997
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản