Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 997/UBND-PCNC
Về ngăn chặn nguy cơ gây cháy nổ do đốt thả đèn trời và sử dụng các loại pháo

TP.Hồ Chí Minh, ngày 13 tháng 3 năm 2009

 

Kính gửi:

- Lãnh đạo Sở-ngành thành phố;
- Ủy ban nhân dân quận-huyện;
- Ban quản lý các KCX-KCN thành phố;
- Các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thành phố.

 

Trong thời gian qua, tình hình cháy nổ trên địa bàn thành phố tuy có giảm về số vụ và thiệt hại, nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, số vụ cháy xảy ra còn nhiều và thiệt hại về người và tài sản còn nghiêm trọng. Nguyên nhân gây cháy nổ, chủ yếu do chạm, chập điện gây ra. Tuy một số ngành, địa phương đã có quan tâm cải tạo lại mạng lưới, hệ thống điện tại một số cơ sở, khu dân cư, nhưng chưa nhiều, chưa đáp ứng so với thực trạng và yêu cầu chung. Gần đây lại xuất hiện và nổi lên một số nguyên nhân khác cũng gây ra nguy cơ cháy, nổ rất nghiêm trọng, làm tăng thêm nguy cơ không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy trên địa bàn thành phố. Đáng lo ngại hơn, nguy cơ đó chưa được người dân quan tâm cảnh giác, đó là: việc đốt thả đèn trời cho bay lên không phận; đốt pháo hoa, múa lửa tại các vũ trường, quán bar, nhà hàng, nhà cao tầng. Tuy hành vi này chưa gây thiệt hại ở thành phố Hồ Chí Minh, nhưng đã gây ra 10 vụ cháy trong cả nước (Tết Kỷ sửu 2009) thiệt hại 6000m2 rừng, làm tê liệt 172 trạm biến áp hạ thế, gây nguy hiểm cho Tổng kho xăng dầu Thượng Lý (Hải Phòng) và Chánh Mỹ (Bình Dương). Ở nước ngoài, do đốt pháo hoa gây cháy: sân khấu ca nhạc Vũ Vương (Quảng Đông, Trung Quốc) làm chết 43 người, bị thương 88 người; hộp đêm Santika Bangkok (Thái Lan) làm chết 61 người, bị thương 200 người…

Để chủ động phòng ngừa và hạn chế tối đa các nguy cơ gây cháy từ những hành vi đốt các loại pháo, múa lửa và đốt thả đèn trời trên địa bàn thành phố; Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thành phố, Thủ trưởng các sở - ngành thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, theo chức năng nhiệm vụ của mình, khẩn trương tổ chức chỉ đạo thực hiện các nội dung công tác sau đây:

1. Quản lý hoạt động sản xuất, vận chuyển, kinh doanh và việc đốt thả đèn trời:

a) Kịp thời kiểm tra, quản lý chặt chẽ ngay từ cơ sở (cá nhân, hộ gia đình, hộ tập thể; tổ dân phố, tổ nhân dân và các tổ chức đoàn thể tự quản khác ở cơ sở) các cá nhân, tổ chức trong việc sản xuất, mua bán, vận chuyển đèn trời trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Kiên quyết ngăn chặn các hoạt động đốt thả đèn trời trong mọi trường hợp. Trước mắt vận động, giáo dục, thuyết phục để người dân, cán bộ - công chức - viên chức tự giác chấp hành, nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.

b) Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… có hoạt động, kinh doanh, dịch vụ liên quan đến xăng dầu, khí đốt và các loại hóa chất, bông vải sợi, điện lực, bưu chính, viễn thông, các loại rừng và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nhiều nguy cơ cháy nổ khác; cần tăng cường tổ chức công tác tự bảo vệ, tuần tra, canh gác; trường hợp phát hiện có đèn trời, phải chủ động tổ chức ứng phó, ngăn chặn hiệu quả từ xa với khoảng cách đảm bảo an toàn, trường hợp đến gần phải có biện pháp tích cực xử lý theo phương án chữa cháy cao nhất; kiên quyết ngăn ngừa thiệt hại do cháy gây ra. Chú trọng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong tổng kho xăng dầu, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, các khu rừng…

c) Các lực lượng công an, quân đội, quản lý thị trường…  tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát theo chức năng mỗi ngành và phối hợp thường xuyên, chặt chẽ, giữa các ngành liên quan để phát huy cao nhất về chuyên môn, nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi sản xuất, vận chuyển, mua bán và sử dụng đèn trời không theo đúng quy định của pháp luật chuyên ngành và pháp luật có liên quan trên địa bàn thành phố. Làm rõ tính chất từng vụ việc vi phạm, cảnh giác, phát hiện âm mưu, thủ đoạn của kẻ xấu, lợi dụng đốt thả đèn trời để nhằm mục đích phá hoại.

d)  Giao Sở - ngành thành phố:

- Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp các sở - ngành
liên quan, thống nhất nội dung, có văn bản kiến nghị Bộ chuyên ngành
sớm quy định cụ thể về việc đốt thả đèn trời, bảo đảm tuân thủ nghiêm hệ thống pháp luật của Nhà nước và đáp ứng với yêu cầu công tác phòng chống cháy nổ.

- Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy chủ trì, phối hợp Sở Tư pháp và sở - ngành liên quan khác, rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của thành phố, tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố khẩn trương ban hành mới hoặc ban hành bổ sung văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc đốt thả đèn trời trên địa bàn thành phố.

Trước mắt, Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy phối hợp Sở Tư pháp và các cơ quan báo, đài thành phố; các cơ quan, đơn vị; Ủy ban nhân dân quận - huyện, phường - xã - thị trấn; tổ chức liên tục, đa dạng, nhiều đợt tuyên truyền rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân, cán bộ - công nhân - viên chức (trong từng tổ dân phố, cơ quan, xí nghiệp, trường học… ) về những nguy cơ, thiệt hại về người và tài sản, kể cả tác hại của các vụ cháy lớn gây ngưng trệ về kinh doanh, sản xuất, ô nhiễm nghiêm trọng về  môi trường do việc đốt thả đèn trời gây ra.

2. Quản lý hoạt động sản xuất, vận chuyển, kinh doanh và việc đốt pháo hoa, múa lửa:

a) Đối với chủ cơ sở vũ trường, quán bar, nhà hàng, nhà cao tầng:

- Xây dựng, bổ sung quy chế, nội qui bảo vệ cơ quan, phòng cháy chữa cháy, qua đó quy định rõ: Tuyệt đối không sử dụng ngọn lửa trần để phục vụ biểu diễn. Trong trường hợp thực sự có nhu cầu phục vụ, phải có phương án phòng cháy chữa cháy cụ thể, phù hợp, hiệu quả và phải được cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, chấp thuận.

- Nghiêm túc tuân thủ các quy định của pháp luật về cấm tàng trữ, mua bán, vận chuyển, sử dụng các loại pháo nổ, pháo hoa, pháo sáng và các loại pháo biến tướng khác.

- Thường xuyên tự kiểm tra chặt chẽ về điều kiện an toàn của các hệ thống: điện, thoát nạn, thông gió, hút khói…  đảm bảo đúng theo tiêu chuẩn đã được quy định.

b) Các sở - ngành chức năng và Ủy ban nhân dân các quận - huyện:

 Tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về sử dụng ngọn lửa trần để phục vụ biểu diễn; tàng trữ, mua bán, vận chuyển và sử dụng các loại pháo nổ, pháo hoa, pháo sáng và các loại pháo biến tướng khác… tại các cơ sở vũ trường, quán bar, nhà hàng, nhà cao tầng. Nơi nào xảy ra vi phạm phải làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trực tiếp quản lý để xử lý nghiêm minh, kể cả biện pháp tạm đình chỉ hoặc rút giấy phép kinh doanh của cơ sở vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

3. Giao Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan, thực hiện nghiêm các nội dung công tác tại Công văn này và có báo cáo kết quả về Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố theo quy định chung ./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Công an;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam TP;
- Các đoàn thể Thành phố;
- Tòa án nhân dân thành phố;
- Viện kiểm soát nhân dân TP;
- VPHĐ-UB: CPVP;
- Các Phòng Chuyên viên, Trung tâm;
- Lưu: VT, (NC-P) P.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Trung Tín

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 997/UBND-PCNC về ngăn chặn nguy cơ gây cháy nổ do đốt thả đèn trời và sử dụng các loại pháo do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 997/UBND-PCNC
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 12/03/2009
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Trung Tín
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản