Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 9643/BGD&ĐT-KT&KĐ | Hà Nội, ngày 20 tháng 10 năm 2005 |
Kính gửi:
| - Các sở giáo dục và đào tạo |
Tại công văn 8597/BGD&ĐT-KT&KĐ ngày 22 tháng 9 năm 2005 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thi trắc nghiệm khách quan đối với môn ngoại ngữ trong kì thi tốt nghiệp THPT và kì thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ từ năm 2006 đã được chính thức thông báo. Bộ hướng dẫn cụ thể như sau:
I. THI TRẮC NGHIỆM VÀ CÂU TRẮC NGHIỆM NHIỀU LỰA CHỌN
Trong kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông tháng 6 năm 2006 và thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng tháng 7 năm 2006, các đề thi ngoại ngữ (Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung) được ra hoàn toàn dưới hình thức trắc nghiệm cho thí sinh học chương trình phân ban và thí sinh học chương trình không phân ban.
Trắc nghiệm khách quan (thường được gọi tắt là trắc nghiệm) là phương pháp thi mà trong đó đề thi thường gồm rất nhiều câu hỏi, mỗi câu nêu ra một vấn đề cùng với những thông tin cần thiết, sao cho thí sinh chỉ phải trả lời vắn tắt đối với từng câu. Có nhiều kiểu câu hỏi trắc nghiệm khác nhau nhưng các câu trắc nghiệm dùng trong các đề thi ngoại ngữ từ năm 2006 đều là câu nhiều lựa chọn.
Câu trắc nghiệm nhiều lựa chọn có hai phần, phần đầu được gọi là phần dẫn, nêu ra vấn đề, cung cấp thông tin cần thiết hoặc nêu một câu hỏi; phần sau là các phương án để chọn, được đánh dấu bằng các chữ cái A, B, C, D,… Trong các phương án để chọn chỉ có duy nhất một phương án đúng hoặc một phương án đúng nhất; các phương án khác được đưa vào có tác dụng “gây nhiễu” đối với thí sinh. Nếu không nắm vững kiến thức về vấn đề đã nêu, thí sinh sẽ không thể nhận biết được trong tất cả các phương án để chọn đâu là phương án đúng, đâu là phương án nhiễu.
Thí dụ (câu trắc nghiệm môn tiếng Anh):
Chọn cụm từ thích hợp với phần để trống trong câu sau:
If he had listened to our advice, he............his examination.
A. won't fail B. would not have failed
C. would not fail D. did not fail
Trả lời: B
Các câu trắc nghiệm trong đề thi ngoại ngữ năm 2006 đều có 4 lựa chọn A, B, C, D. Mỗi đề thi tốt nghiệp THPT có khoảng 50 câu trắc nghiệm; mỗi đề thi tuyển sinh đại học, cao đẳng có khoảng 70 đến 100 câu trắc nghiệm.
Thời gian làm bài thi là 45 phút đối với bài thi tốt nghiệp THPT và 90 phút đối với bài thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng. Đề thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn, được in sẵn và có nhiều phiên bản, do máy tính tự động xáo trộn thứ tự câu cũng như thứ tự các phương án A, B, C, D
Việc đáp ứng các yêu cầu của đề thi, phạm vi kiến thức, thang điểm và yêu cầu về giám sát, bảo mật đối với đề thi trắc nghiệm được thực hiện theo quy định như đối với đề thi tự luận.
II. QUI TRÌNH THI TRẮC NGHIỆM ĐỐI VỚI THÍ SINH
1. Những quy định chung:
Khi thi trắc nghiệm, thí sinh phải tuân thủ các quy định chung trong Qui chế thi hiện hành.
Thí sinh mang vào phòng thi bút mực (hoặc bút bi), bút chì đen loại mềm (2B ... 6B), gọt bút chì và tẩy chì. Nên mang theo đồng hồ để theo dõi giờ làm bài.
2. Điền vào phiếu trả lời trắc nghiệm:
Trước giờ làm bài thí sinh được phát một phiếu trả lời trắc nghiệm. Đây là tờ giấy được in sẵn (như hình vẽ trong phụ lục đính kèm) để thí sinh làm bài và để chấm bằng máy.
Thí sinh có thể dùng bút mực hoặc bút bi (chỉ được dùng một thứ mực không phải là mực đỏ) để viết phần chữ hoặc chữ số trong các mục 1, 2, 3... trên phiếu trả lời trắc nghiệm; dùng bút chì đen tô kín các ô tròn nhỏ, để khi tô sai có thể tẩy chì dễ hơn tẩy mực.
Ngay sau khi nhận được phiếu trả lời trắc nghiệm thí sinh dùng bút mực điền đầy đủ vào các mục để trống (từ số 1 đến số 9: Hội đồng thi, Hội đồng coi thi...); đặc biệt lưu ý ghi chính xác họ và tên thí sinh bằng chữ in hoa, ngày sinh, chữ ký; ghi đầy đủ, chính xác số báo danh vào các ô vuông nhỏ trên đầu các cột của khung số báo danh. Sau đó, dùng bút chì, lần lượt theo từng cột tô kín ô tròn có chữ số tương ứng với chữ số ở đầu cột (như trên hình vẽ). Lưu ý chưa ghi mã đề thi.
3. Nhận đề thi:
Khi nhận được đề thi, thí sinh ghi tên và số báo danh của mình vào đề thi.
Phải kiểm tra xem đề thi có đủ số lượng câu hỏi như đã ghi trong đề; nội dung đề được in rõ ràng, không thiếu chữ, mất nét; tất cả các trang của đề thi đều có ghi cùng một số mã đề thi không ? Nếu có những chi tiết bất thường, thí sinh phải báo ngay cho giám thị để xử lý.
Đề thi có mã số riêng. Thí sinh xem mã đề thi (in trên đầu đề thi) và ghi ngay 3 chữ số của mã đề thi vào 3 ô vuông nhỏ ở đầu các cột của khung chữ nhật (mục số 10 trên phiếu trả lời trắc nghiệm); sau đó lần lượt theo từng cột tô kín ô tròn có chữ số tương ứng với chữ số đầu mỗi cột.
4. Làm bài:
Khi làm từng câu trắc nghiệm, thí sinh cần đọc kỹ nội dung câu trắc nghiệm, phải đọc hết trọn vẹn mỗi câu trắc nghiệm, cả phần dẫn và bốn lựa chọn A, B, C, D để chọn phương án đúng hoặc đúng nhất (A hoặc B, C, D) và tô kín ô tròn tương ứng với chữ cái A hoặc B, C, D trong phiếu trả lời trắc nghiệm.
Chẳng hạn, câu trắc nghiệm tiếng Anh trong ví dụ trên đây là câu 18, chọn B là đúng thì thí sinh dùng bút chì tô đậm ô chữ B trên dòng có số 18 của phiếu trả lời.
Cần chú ý làm đúng những điều sau:
- Không dừng lại quá lâu trước một câu hỏi nào đó; nếu không làm được câu hỏi này thí sinh nên tạm thời bỏ qua để làm câu hỏi khác; cuối giờ có thể quay trở lại làm câu hỏi đã bỏ qua, nếu còn thời gian.
- Làm đến câu hỏi nào thí sinh tô ngay câu đó vào phiếu trả lời, tránh làm toàn bộ các câu của đề thi trên giấy nháp hoặc trên đề thi rồi mới tô vào phiếu trả lời trắc nghiệm, vì mất nhiều thời gian.
- Khi tô các ô tròn, phải tô đậm và lấp kín diện tích cả ô. Tuyệt đối không
gạch chéo, hoặc đánh dấu vào ô được chọn.
- Ứng với mỗi câu trắc nghiệm chỉ được tô 1 ô tròn; khi câu trắc nghiệm
có 2 hay nhiều khả năng đúng thì chỉ tô 1 ô tròn ứng với khả năng đúng nhất; nếu tô 2 ô trở lên máy sẽ không chấm và câu đó không có điểm.
- Trong trường hợp tô nhầm hoặc muốn thay đổi câu trả lời, thí sinh dùng
tẩy tẩy thật sạch chì ở ô cũ và tô kín ô khác mà mình mới lựa chọn.
- Số thứ tự câu trả lời mà thí sinh làm trên phiếu trả lời trắc nghiệm phải trùng với số thứ tự câu hỏi của đề thi. Tránh trường hợp trả lời câu hỏi này nhưng tô vào hàng của câu hỏi khác trên phiếu trả lời trắc nghiệm.
- Chỉ có phiếu trả lời trắc nghiệm mới được coi là bài làm của thí sinh, do đó nếu thí sinh chỉ trả lời ngay trên đề thi hoặc giấy nháp thì bài làm sẽ không được chấm.
- Để cho bài làm của thí sinh được chấm (bằng máy) thí sinh phải giữ cho phiếu sạch sẽ, không được làm rách, làm nhàu hoặc có vết gấp, mép giấy bị quăn.
- Ngoài 10 mục cần ghi trên phiếu bằng bút mực và các câu trả lời tô chì, thí sinh tuyệt đối không được viết gì thêm hoặc để lại dấu hiệu riêng trên phiếu trả lời trắc nghiệm và đề thi. Bài có dấu riêng sẽ bị coi là phạm qui và không
được chấm điểm.
- Thí sinh có thể viết nháp trên giấy nháp, nhưng không được chép lại bất cứ câu hỏi nào của đề thi ra giấy.
- Bài làm phải có 2 chữ ký của 2 giám thị phòng thi.
5. Nộp bài:
Khi hết giờ làm bài trắc nghiệm, có lệnh thu bài, thí sinh phải ngừng làm bài, bỏ bút xuống, chờ nộp phiếu trả lời trắc nghiệm và đề thi theo hướng dẫn của giám thị. Thí sinh không làm được bài vẫn phải nộp phiếu trả lời trắc nghiệm và đề thi.
III. VỀ TỔ CHỨC KÌ THI
1. In sao đề thi:
Việc in sao đề thi trắc nghiệm được thực hiện tại các sở giáo dục và đào tạo (trong kỳ thi tốt nghiệp) và các cơ sở in sao đề tự luận (trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng).
2. In phiếu trả lời trắc nghiệm:
Phiếu trả lời trắc nghiệm do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức in chung và gửi về các sở GD&ĐT, các trường đại học thi khối D.
3. Coi thi:
Việc sắp xếp chỗ ngồi trong phòng thi cho thí sinh, bố trí các giám thị và qui trình coi thi trắc nghiệm môn ngoại ngữ được thực hiện hoàn toàn như các môn thi tự luận, trừ một số quy định sau:
- Giám thị phát đề thi cho thí sinh theo hàng ngang trong phòng thi và liên tục theo thứ tự từ trên xuống dưới phòng thi.
- Số đề thi còn dư ở phòng thi được bàn giao lại cho Hội đồng coi thi ngay trong lúc thí sinh làm bài.
- Yêu cầu thí sinh làm xong bài phải ngồi tại chỗ, không nộp bài trắc nghiệm trước khi hết giờ làm bài.
- Thí sinh chỉ được rời khỏi chỗ của mình sau khi giám thị đã kiểm đủ số phiếu trả lời trắc nghiệm và đề thi của cả phòng thi.
4. Chấm thi:
Bài thi trắc nghiệm của thí sinh được giữ trong túi niêm phong từ Hội đồng thi và chuyển về những trung tâm chấm thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức theo vùng (Bắc, Trung, Nam).
Chấm thi trắc nghiệm được thực hiện trên máy quét chuyên dụng với phần mềm chấm thi. Điểm bài thi trắc nghiệm được qui về thang điểm 10 như thi tự luận.
Qui định cách li, giám sát, bảo mật trong khâu chấm thi trắc nghiệm được thực hiện như đối với thi tự luận theo qui chế hiện hành; thực hiện giám sát tại chỗ và liên tục trong lúc chấm và xử lí kết quả thi.
Kết quả chấm thi trắc nghiệm được gửi về các Hội đồng thi của các sở giáo dục và đào tạo, Hội đồng tuyển sinh của các trường đại học nơi thí sinh dự thi.
5. Phúc khảo:
Bài thi trắc nghiệm của thí sinh được phúc khảo như bài tự luận.
IV. CHUẨN BỊ CHO KÌ THI NĂM 2006
1. Nhận được văn bản hướng dẫn này các sở giáo dục và đào tạo phổ biến đến các trường trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp; các đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng (khối D) thông báo cho thí sinh trong kì thi tuyển năm 2006; Cục Nhà trường (quân đội) phổ biến cho các đơn vị liên quan.
2. Tháng 11/2005 Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục tổ chức thí điểm thi ở một số vùng miền (sẽ có thông báo riêng). Mục đích của cuộc thi là khảo sát trình độ học sinh lớp 12 và định cỡ đề thi; không tính điểm vào kết quả học tập của học sinh.
Từ tháng 12/2005 tiến hành tập huấn về in sao đề thi và coi thi trắc nghiệm cho tất cả các sở GD&ĐT, các trường đại học có thi khối D.
Tháng 01/2006 tổ chức thi thử trắc nghiệm ngoại ngữ cho học sinh đang học lớp 12 trên toàn quốc để tập dượt. Điểm thi thử không tính vào kết quả học tập của học sinh, nhưng kì thi phải được tiến hành nghiêm túc, với đầy đủ yêu cầu của một kì thi chính thức (từ khâu ra đề thi ở Bộ, in sao đề và coi thi ở cơ sở, chấm thi ở các trung tâm, báo kết quả thi).
Ngoài kế hoạch chung trên đây, các sở GD&ĐT có thể chủ động đề ra kế hoạch tập dượt trong phạm vi địa phương mình như Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã làm ngày 5/10 vừa qua rất thành công: Tổ chức cho 22.000 học sinh lớp 12 kiểm tra trắc nghiệm môn ngoại ngữ (dùng phiếu trả lời trắc nghiệm).
Trong quá trình triển khai chuẩn bị và tổ chức thi trắc nghiệm, nếu có vướng mắc, các địa phương, nhà trường liên hệ với Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục theo địa chỉ: Cục Khảo thí và Kiểm định CLGD, số 49 Đại
Cồ Việt, Hà Nội, Email: CucKT&KD@moet.edu.vn, Fax: 04.8683892, ĐT:
04.8693686 hoặc nhắn tin theo ĐTDĐ: 0913493152 để giải quyết kịp thời.
Thí sinh có thể liên hệ tại chuyên mục: "Giải đáp về thi" theo địa chỉ trên mạng: http://diendan.edu.net.vn
Nơi gửi: | TL. BỘ TRƯỞNG |
Công văn số 9643/BGD&ĐT-KT&KĐ của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn tổ chức thi trắc nghiệm đối với môn ngoại ngữ năm 2006
- Số hiệu: 9643/BGD&ĐT-KT&KĐ
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 20/10/2005
- Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Người ký: Nguyễn An Ninh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra