Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------------------

Số: 9003/BTC-TCHQ
V/v hướng dẫn bổ sung Thông tư số 116/2008/TT-BTC ngày 04/12/2008

Hà Nội, ngày 24 tháng 06 năm 2009

 

Kính gửi: Cục Hải quan tỉnh, thành phố

Ngày 04/12/2008, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 116/2008/TT-BTC hướng dẫn thủ tục hải quan đối với hàng hóa gia công với thương nhân nước ngoài và Thông tư này có hiệu lực thực hiện từ 08/01/2009.

Qua một thời gian triển khai thực hiện Thông tư này, một số doanh nghiệp và Cục Hải quan tỉnh, thành phố phản ánh khó khăn, vướng mắc. Để thống nhất thực hiện, Bộ Tài chính hướng dẫn bổ sung một số nội dung sau:

1. Nơi làm thủ tục hải quan đối với hợp đồng gia công

Điểm 1, khoản III, mục I Thông tư số 116/2008/TT-BTC hướng dẫn: Thủ tục hải quan đối với hợp đồng gia công được thực hiện tại một Chi cục Hải quan cửa khẩu/Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu thuộc Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi có cơ sở sản xuất của doanh nghiệp thực hiện hợp đồng gia công (kể cả cơ sở gia công lại). Trường hợp có cơ sở sản xuất ở nhiều nơi thì doanh nghiệp được chọn một Chi cục Hải quan phù hợp để đăng ký làm thủ tục hải quan.

Trường hợp tại nơi có cơ sở sản xuất không có tổ chức hải quan thì doanh nghiệp có thể chọn một Chi cục Hải quan thuận tiện để đăng ký làm thủ tục hải quan.

Nay hướng dẫn bổ sung như sau:

Đối với doanh nghiệp đăng ký hợp đồng gia công lần đầu thì chỉ được đăng ký hợp đồng gia công tại Chi cục Hải quan thuộc Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp có cơ sở sản xuất (kể cả cơ sở gia công lại).

Riêng đối với doanh nghiệp đã đăng ký thực hiện hợp đồng gia công tại Chi cục Hải quan thuộc Cục Hải quan tỉnh, thành phố (nơi doanh nghiệp không có cơ sở sản xuất theo hướng dẫn tại Quyết định số 69/2004/QĐ-BTC ngày 24/8/2004 của Bộ Tài chính), quá trình thực hiện hợp đồng gia công được đánh giá là doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật Hải quan, không còn hợp đồng gia công tồn đọng chưa thanh khoản, nếu doanh nghiệp có nhu cầu tiếp tục đăng ký hợp đồng gia công tại Chi cục Hải quan nơi đã thực hiện hợp đồng gia công thì được tiếp tục đăng ký hợp đồng gia công tại Chi cục Hải quan này.

Đối với doanh nghiệp nhận gia công có cơ sở sản xuất không ổn định, phải thuê nhiều cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ khác (như gia công ở làng nghề, hộ gia đình), gia công các mặt hàng như thêu tay, vàng mã… thì doanh nghiệp lựa chọn Chi cục Hải quan thuận tiện để đăng ký hợp đồng gia công với thương nhân nước ngoài.

2. Thủ tục đăng ký, điều chỉnh, kiểm tra định mức:

2.1. Về việc điều chỉnh định mức sau khi đã xuất khẩu sản phẩm gia công:

Điểm 1.2, Khoản II, mục II Thông tư số 116/2008/TT-BTC hướng dẫn: Trong quá trình thực hiện hợp đồng gia công nếu do thay đổi tính chất nguyên liệu, điều kiện gia công, yêu cầu của từng đơn hàng xuất khẩu dẫn đến thay đổi định mức thực tế thì doanh nghiệp được phép điều chỉnh định mức mã hàng đã đăng ký với cơ quan Hải quan phù hợp với định mức thực tế mới, nhưng phải có văn bản giải trình lý do cụ thể cho từng trường hợp điều chỉnh. Định mức điều chỉnh không áp dụng cho những sản phẩm đã xuất khẩu.

Điểm 2.2, khoản II, mục II Thông tư số 116/2008/TT-BTC hướng dẫn: Thời điểm điều chỉnh định mức là trước khi làm thủ tục xuất khẩu sản phẩm mã hàng cần điều chỉnh định mức.

Nay hướng dẫn bổ sung như sau:

Yêu cầu Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện đúng theo hướng dẫn trên, theo đó định mức điều chỉnh không áp dụng cho những sản phẩm đã xuất khẩu.

Trường hợp sau khi xuất khẩu sản phẩm gia công, doanh nghiệp tự phát hiện định mức thực tế sử dụng nguyên vật liệu gia công hàng hóa xuất khẩu không đúng với định mức đã đăng ký và tự khai báo trước thời điểm nộp hồ sơ thanh khoản, thì chấp nhận cho doanh nghiệp được điều chỉnh định mức với điều kiện chỉ được điều chỉnh định mức thấp hơn định mức đã đăng ký với cơ quan Hải quan. Không chấp nhận các trường hợp điều chỉnh định mức cao hơn định mức đã đăng ký với cơ quan Hải quan đối với các sản phẩm gia công đã xuất khẩu.

2.2. Về thời điểm đăng ký định mức:

Điểm 2.1, khoản II, mục II Thông tư số 116/2008/TT-BTC hướng dẫn: Thời điểm đăng ký định mức được tiến hành cùng với việc đăng ký hợp đồng gia công hoặc tại thời điểm đăng ký tờ khai làm thủ tục hải quan nhập khẩu lô hàng nguyên liệu, vật tư đầu tiên của hợp đồng gia công.

Nay hướng dẫn bổ sung như sau:

Theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 của Chính phủ thì định mức sử dụng nguyên liệu, phụ liệu; định mức vật tư tiêu hao và tỷ lệ hao hụt nguyên liệu trong gia công phải được thỏa thuận trong hợp đồng gia công hoặc phụ lục hợp đồng gia công. Nếu trong hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công đã thỏa thuận được định mức thực tế để sản xuất sản phẩm gia công thì thời điểm đăng ký định mức thực hiện theo hướng dẫn tại điểm 2.1, khoản II, mục II Thông tư số 116/2008/TT-BTC. Trường hợp trong hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công hai bên đã thỏa thuận có định mức, nhưng chưa phải là định mức thực tế để sản xuất sản phẩm gia công, doanh nghiệp có văn bản giải trình và được lãnh đạo Chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công chấp nhận thì thời điểm đăng ký định mức là trước hoặc cùng thời điểm làm thủ tục xuất khẩu lô sản phẩm đầu tiên của mã hàng thuộc hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công đó.

2.3. Về thời gian áp dụng kiểm tra định mức đối với các doanh nghiệp đã bị xử lý về hành vi gian lận định mức:

Điểm 4.1, khoản II, mục II, Thông tư số 116/2008/TT-BTC hướng dẫn các trường hợp phải kiểm tra định mức: Doanh nghiệp thực hiện hợp đồng gia công với thương nhân nước ngoài mà cơ quan Hải quan có nghi ngờ định mức đã đăng ký hoặc trong quá trình thực hiện loại hình gia công đã bị xử lý vi phạm về gian lận định mức.

Nay hướng dẫn bổ sung như sau:

Đối với hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công nếu có nghi ngờ gian lận định mức thì thực hiện kiểm tra định mức. Nguyên tắc kiểm tra thực hiện theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ, việc kiểm tra được giới hạn ở mức vừa đủ.

Đối với doanh nghiệp đã bị xử lý vi phạm về gian lận định mức thì thời gian áp dụng kiểm tra định mức là trong phạm vi 365 ngày kể từ ngày doanh nghiệp bị xử lý về hành vi gian lận định mức. Trong thời gian này, lãnh đạo Chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công quyết định cụ thể việc kiểm tra định mức. Quá thời gian này nếu không phát hiện có gian lận định mức thì chỉ thực hiện kiểm tra khi có nghi ngờ gian lận định mức.

3. Về gia công chuyển tiếp:

3.1. Về việc xuất trình hóa đơn thuế giá trị gia tăng:

Điểm 2.1.b, khoản X, mục II Thông tư số 116/2008/TT-BTC hướng dẫn bên giao tờ khai hải quan và giao tờ khai cho bên nhận như sau: … Giao sản phẩm kèm theo 04 tờ khai hải quan và bản chính hóa đơn GTGT cho bên nhận.

Nay hướng dẫn bổ sung như sau:

Theo hướng dẫn tại Thông tư số 129/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng và hướng dẫn Nghị định số 123/2008/NĐ-CP ngày 08/12/2008 của Chính phủ về thuế giá trị gia tăng thì đối với hàng gia công chuyển tiếp để được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào thì doanh nghiệp phải xuất trình hóa đơn giá trị gia tăng. Trường hợp thuế suất thuế giá trị gia tăng của hàng hóa là 0% thì hàng hóa vẫn có hóa đơn giá trị gia tăng, do vậy khi làm thủ tục hải quan đối với sản phẩm gia công chuyển tiếp doanh nghiệp phải xuất trình hóa đơn giá trị gia tăng.

Việc chuyển tiếp nguyên phụ liệu gia công (kể cả chuyển tiếp nguyên phụ liệu dư thừa sau khi thanh khoản hợp đồng gia công) nếu không phát sinh thuế giá trị gia tăng thì doanh nghiệp không phải xuất trình hóa đơn giá trị gia tăng.

3.2. Về chuyển tiếp sản phẩm gia công:

Khoản X, mục II, Thông tư số 116/2008/TT-BTC hướng dẫn: “Thủ tục giao nhận sản phẩm hoặc nguyên phụ liệu gia công chuyển tiếp”.

Nay hướng dẫn bổ sung như sau:

Theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/1/2006 của Chính phủ thì gia công chuyển tiếp chỉ áp dụng đối với sản phẩm gia công: sản phẩm gia công của hợp đồng gia công này được sử dụng là nguyên liệu gia công cho hợp đồng gia công khác tại Việt Nam hoặc sản phẩm gia công của hợp đồng gia công công đoạn trước giao cho thương nhân theo chỉ định của bên đặt gia công cho hợp đồng gia công công đoạn tiếp theo. Như vậy, nguyên phụ liệu gia công không phải là gia công chuyển tiếp mà chuyển từ hợp đồng này sang hợp đồng khác trong quá trình thực hiện hợp đồng gia công hoặc khi thanh khoản, cụ thể như sau:

Trong quá trình thực hiện hợp đồng gia công, doanh nghiệp nhận gia công được chuyển nguyên phụ liệu, máy móc, thiết bị thuê, mượn theo chỉ định của bên đặt gia công sang hợp đồng gia công khác có thể cùng hoặc khác đối tác gia công với điều kiện:

- Đối với máy móc, thiết bị đã thực hiện xong công đoạn của hợp đồng gia công trước, được chuyển sang thực hiện công đoạn của hợp đồng gia công tiếp theo cùng hoặc khác đối tác đặt gia công.

- Đối với nguyên phụ liệu do bên đặt gia công có yêu cầu thay đổi mẫu mã áp dụng cho 02 hợp đồng gia công (hợp đồng giao và hợp đồng nhận) cùng hoặc khác đối tác đặt gia công.

- Đối với nguyên phụ liệu do bên đặt gia công giao nhầm hàng áp dụng cho 02 hợp đồng gia công cùng đối tác đặt gia công.

Thủ tục giao nhận nguyên phụ liệu, máy móc, thiết bị áp dụng như thủ tục chuyển tiếp sản phẩm gia công hướng dẫn tại khoản X, mục II Thông tư số 116/2008/TT-BTC.

4. Về việc xác nhận thực xuất đối với sản phẩm gia công nhập khẩu để kinh doanh nội địa:

Tại điểm 2, khoản VIII, mục II Thông tư số 116/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính không hướng dẫn việc xác nhận thực xuất đối với sản phẩm gia công nhập khẩu để kinh doanh nội địa.

Nay hướng dẫn bổ sung như sau:

Đối với sản phẩm gia công nhập khẩu để kinh doanh nội địa, sau khi làm xong thủ tục hải quan, Chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công nơi có sản phẩm xuất khẩu tại chỗ thực hiện xác nhận thực xuất vào tờ khai xuất khẩu. Công chức Hải quan xác nhận thực xuất ghi số, ngày, ký hiệu của tờ khai nhập khẩu tương ứng, nơi đăng ký tờ khai nhập khẩu, nơi giao hàng vào ô 27 của tờ khai xuất khẩu. Việc xác nhận thực xuất để làm cơ sở thanh khoản hợp đồng gia công.

5. Về việc tiêu hủy phế liệu, phế phẩm, phế thải trong quá trình thực hiện hợp đồng gia công:

Theo hướng dẫn tại điểm 6, khoản XII, mục II Thông tư số 116/2008/TT-BTC thì việc xử lý phế liệu, phế phẩm, phế thải, doanh nghiệp được thực hiện sau khi kết thúc hợp đồng gia công; không hướng dẫn trường hợp tiêu hủy phế liệu, phế phẩm, phế thải trong quá trình thực hiện hợp đồng gia công.

Nay hướng dẫn bổ sung như sau:

Trong quá trình thực hiện hợp đồng gia công nếu doanh nghiệp muốn tiêu hủy phế liệu, phế phẩm, phế thải gia công thuộc loại được phép tiêu hủy mà có đủ cơ sở xác định số phế liệu, phế phẩm, phế thải này thuộc một hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công cụ thể thì doanh nghiệp được làm thủ tục tiêu hủy theo hướng dẫn tại điểm 6.2.5, khoản XII, mục II Thông tư số 116/2008/TT-BTC.

6. Về lập bảng kê chứng từ thanh toán:

Tại điểm 1.3, khoản XII, mục II Thông tư số 116/2008/TT-BTC hướng dẫn nộp và xuất trình chứng từ thanh toán, không hướng dẫn việc lập bảng kê chứng từ thanh toán.

Nay hướng dẫn bổ sung như sau:

Khi thanh khoản, đề nghị doanh nghiệp lập bảng kê chứng từ thanh toán theo hướng dẫn tại điểm a6, khoản 1,Điều 117 Thông tư số 79/2009/TT-BTC ngày 20/4/2009 dẫn trên (theo mẫu 08/BKCTTT-GC kèm theo văn bản này): 02 bản, 01 bản trả doanh nghiệp sau khi thanh khoản xong và lưu 01 bản.

7. Về các biểu bảng thanh khoản:

Về cơ bản, các biểu mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 116/2008/TT-BTC đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan, thuận lợi cho việc kiểm tra, đối chiếu khi thanh khoản và phục vụ kiểm tra nghiệp vụ khi có yêu cầu. Giao Tổng cục Hải quan căn cứ yêu cầu thực tế để hướng dẫn Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện.

Văn bản này là một phần không tách rời Thông tư số 116/2008/TT-BTC. Khi nhận được văn bản này, yêu cầu Cục Hải quan tỉnh, thành phố quán triệt, tổ chức thực hiện và phổ biến rộng rãi để doanh nghiệp thuộc địa bàn quản lý biết, phối hợp thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ Tài chính;
+ Lãnh đạo Bộ (để b/c);
+ Vụ Chính sách thuế, Vụ Pháp chế-BTC (để phối hợp);
- Phòng TM&CN Việt Nam (để phối hợp);
- Trang Website;
- Lưu VT, TCHQ.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG    




Đỗ Hoàng Anh Tuấn   

 

MẪU 08/BKCTTT-GC

TÊN CÔNG TY: ………………
Địa chỉ: …………………………

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------------------

 

BẢNG KÊ CHỨNG TỪ THANH TOÁN

STT

HỢP ĐỒNG GC (số, ngày, tháng, năm), THỜI HẠN HỢP ĐỒNG

BÊN ĐẶT GIA CÔNG

MẶT HÀNG GIA CÔNG

TRỊ GIÁ TIỀN CÔNG

CHỨNG TỪ THANH TOÁN

Ghi chú

Số, ngày

Hình thức

Trị giá

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Doanh nghiệp xin chịu trách nhiệm về tính chính xác của bảng kê chứng từ thanh toán.

 


Người lập bảng
(ký, ghi rõ họ tên)

……….Ngày ….tháng ……năm ……….
GIÁM ĐỐC DOANH NGHIỆP
(ký tên, đóng dấu)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 9003/BTC-TCHQ do Bộ Tài chính ban hành để hướng dẫn bổ sung Thông tư số 116/2008/TT-BTC ngày 04/12/2008

  • Số hiệu: 9003/BTC-TCHQ
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 24/06/2009
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Đỗ Hoàng Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/06/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản