Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 82/LĐTBXH-TL
V/v: Xây dựng định mức lao động và đơn giá tiền lương trong công ty nhà nước

Hà Nội, ngày 09 tháng 01 năm 2006 

 

Kính gửi:

Tổng công ty địa ốc Sài Gòn 
Số 94-96, Nguyễn Du, P.Bến Nghé, Q.1 TP Hồ Chí Minh

 

Trả lời công văn số 1370/CV-VP ngày 13/12/2005 của Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn về việc ghi tại trích yếu, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau:

Việc xây dựng định mức lao động và đơn giá tiền lương trong các doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn từ năm 2001 đến năm 2004 được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 28/CP ngày 28/3/1997, Nghị định số 03/2001/NĐ-CP ngày 11/01/2001, Nghị định số 114/2002/NĐ-CP ngày 31/12/2002 của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn số 14/LĐTBXH-TT ngày 10/04/1997, Thông tư số 05/2001/TT-BLĐTBXH ngày 29/01/2001, Thông tư số 12/2003/TT-BLĐTBXH ngày 30/5/2003, của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Từ năm 2005, thực hiện theo quy định tại Nghị định số 114/2002/NĐ-CP ngày 31/12/2002. Nghị định số 206/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn số 12/2003/TT-BLĐTBXH ngày 5/01/2005 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cụ thể như sau:

1/ Các doanh nghiệp có trách nhiệm xây dựng hệ thống định mức lao động bảo đảm các nguyên tắc quy định tại khoản 2, Điều 5 Nghị định số 114/2002/NĐ-CP ngày 31/12/2002 của Chính phủ để xác định kế hoạch lao động, tổ chức, sử dụng lao động, xác định đơn giá tiền lương và trả lương cho người lao động. Hàng năm, doanh nghiệp phải đánh giá tình hình thực hiện định mức lao động, nếumức thực tế thực hiện của người lao động thấp hơn 5% hoặc cao hơn 15% so với mức được giao thì phải điều chỉnh cho phù hợp.

2/ Định mức lao động tổng hợp được xây dựng theo phương pháp trên đơn vị sản phẩm và được xác định trên cơ sở các định mức lao động chi tiết (mức nguyên công: nguyên công công nghệ, phục vụ, phụ trợ), hoặc phương pháp định biên được xác định từ định biên cho từng bộ phận công nghệ, phục vụ, phụ trợ, lao động quản lý và thời gian làm việc theo chế độ quy định (nghỉ lễ, tết, nghỉ hàng tuần, nghỉ thai sản, việc riêng…). Vì vậy, để xác định được mức lao động thực tế phải xuất phát từ việc khảo sát, đánh giá, phân tích tình hình thực hiện mức lao động chi tiết, từ định biên của từng bộ phận, trong đó phải loại trừ các yếu tố không đồng nhất hoặc phải bổ sung những yếu tố chưa tính đến khi xây dựng mức. Người định mức khác người thực tế sử dụng.

Việc xây dựng kế hoạch định mức lao động tổng hợp theo định biên (tổng số lao động định biên kế hoạch sử dụng, đơn vị tính là người) làm căn cứ để xây dựng đơn giá tiền lương, xác định chi phí tiền lương ở đâu vào phải gần với kế hoạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh trong năm của doanh nghiệp. Nêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh bằng với thực hiện năm trước liền kề thì tổng số lao động định biên kế hoạch sử dụng có thể bằng hoặc cao hơn tổng số lao động thực tế sử dụng bình quân của nămt rước liền kề (tính theo quy định và hướng dẫn tại Thông tư số 08/1998/TT-BLĐTBXH ngày 7/5/1998 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nhưng cao hơn tối đa không vượt quá 15% (số lao động định biên cao hơn là do quỹ thời gian lao động theo chế độ của người lao động nhỏ hơn quỹ thời gian theo lịch). Trường hợp kế hoạch sản xuất, kinh doanh thấp hơn hoặc cao hơn thực hiện của năm trước liền kề thì số lao động định biên thấp hơn hoặc cao hơn định biên của năm trước liền kề.

3/ Một trong các điều kiện để được áp dụng hệ số điều chỉnh tăng thêm tiền lương tối thiểu khi xác định đơn giá tiền lương là doanh nghiệp phải có lợi nhuận và lợi nhuận kế hoạch không thấp hơn so với lợi nhuận của năm trước liền kề đã thực hiện, trừ các trường hợp đặc biệt quy định tại tiết b.3, điểm 2, mục III Thông tư số 05/2001/TT-BLĐTBXH nêu trên. Các nguyên nhân khách quan khác, do đại diện chủ sở hữu (Bộ quản lý ngành. Ủy ban nhân dân tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương) căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để xem xét, quyết định cho phù hợp.

4/ Đối với trường hợp doanh nghiệp xây dựng đơn giá tiền lương bảo đảm các thông số tiền lương, các điều kiện áp dụng hệ số điều chỉnh tăng thêm tiền lương tối thiểu theo đúng quy định của Nhà nước và đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định (áp dụng từ năm 2004 trở về trước) hoặc đã đăng ký với đại diện chủ sở hữu (áp dụng từ năm 2005) thì đơn giá tiền lương đã được thẩm định hoặc đã đăng ký là căn cứ pháp lý để xác định quỹ tiền lương thực hiện. Quỹ tiền lương thực hiện theo đơn giá được xác định bằng đơn giá tiền lương nhân với chỉ tiêu sản xuất kinh doanh thực hiện (tổng sản phẩm, doanh thu, tổng thu trừ tổng chi chưa có lương, lợi nhuận). Khi xác định quỹ tiền lương thực hiện, nếu có các yếu tố làm tăng hoặc giảm chỉ tiêu sản xuất kinh doanh thực hiện mà không do năng suất lao động tạo ra thì phải loại trừ khi xác định quỹ tiền lương thực hiện.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời để Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn được biết và thực hiện đúng quy định của Nhà nước./.

 

Nơi nhận:
- Như trên
- Lưu: VT, Vụ TLTC (3b)

TL. BỘ TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ TIỀN LƯƠNG - TIỀN CÔNG



 
Phạm Minh Huân

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 82/LĐTBXH-TL của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc xây dựng định mức lao động và đơn giá tiền lương trong công ty nhà nước

  • Số hiệu: 82/LĐTBXH-TL
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 09/01/2006
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Phạm Minh Huân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản