Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7984/BGDĐT-GDTrH
V/v: HD dạy học Ngoại ngữ

Hà Nội, ngày 01 tháng 9 năm 2008

 

Kính gửi: Các Sở Giáo dục và Đào tạo

Căn cứ hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2008-2009 tại công văn số 7475/BGDĐT-GDTrH ngày 15/8/2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo (BGDĐT) hướng dẫn dạy học môn Ngoại ngữ như sau:

I. ĐỊNH HƯỚNG CHUNG

1. Trên địa bàn mỗi tỉnh, thành phố, trong các trường trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) cần bố dạy một số ngoại ngữ (NN) nhằm đáp ứng nhu cầu học NN của học sinh và yêu cầu đa dạng của xã hội về đào tạo nguồn nhân lực. Quan tâm duy trì và phát triển đội ngũ giáo viên NN cả về số lượng và chất lượng; không chuyển giáo viên NN sang dạy NN khác hoặc môn học khác. Xây dựng quy hoạch để bảo đảm sự liên thông trong việc dạy học NN giữa các cấp học phổ thông.

2. Thực hiện chương trình giảng dạy NN thứ nhất (NN1) là một trong các thứ tiếng: Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Nga và Tiếng Trung Quốc từ cấp THCS, tiến tới dạy đại trà chương trình 7 năm ở cả cấp THCS và cấp THPT; hạn chế để sớm chấm dứt việc thi tốt nghiệp bằng môn khác thay thế môn NN do chưa tổ chức cho học sinh hoàn thành chương trình NN.

3. Tích cực triển khai dạy NN thứ 2 (NN2) cho học sinh đã học NN1, trước hết tại các trường chuyên, trường chất lượng cao, trường học trên 6 buổi/tuần và các trường khác có điều kiện để đáp ứng nhu cầu NN của học sinh trong thời kỳ hội nhập với thế giới và phù hợp với xu thế quốc tế.

4. Tiếp tục củng cố và phát triển Chương trình dạy tăng cường tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp tại các tỉnh, thành phố đã triển khai, có thể mở rộng ra khi các địa phương khác có yêu cầu và có đủ các điều kiện thực hiện.

5. Tiếp tục triển khai chương trình thí điểm dạy tiếng Nhật, tiếng Đức ở cấp THCS và cấp THPT.

II. TỔ CHỨC DẠY HỌC NGOẠI NGỮ

1. Ngoại ngữ 1

a) Cấp Trung học cơ sở:

Dạy học NN1 theo Khung phân phối chương trình (KPPCT) của Bộ GDĐT. Khi lựa chọn NN1 để dạy học ở cấp THCS cần có kế hoạch và quy hoạch bảo đảm sự liên thông với cấp THPT trên địa bàn.

b) Cấp Trung học phổ thông:

- Ban Khoa học tự nhiên (KHTN): Sử dụng sách giáo khoa (SGK) biên soạn theo chương trình chuẩn;

- Ban Khoa học xã hội và Nhân văn (KHXH-NV): Sử dụng sách giáo khoa (SGK) nâng cao;

- Ban Cơ bản: Tuỳ theo hình thức dạy học phân hoá, môn NN1 có thể thực hiện như ban KHTN hoặc ban KHXH-NV; đối với những nơi khó khăn về đội ngũ giáo viên, trình độ học sinh, khi chọn môn NN nâng cao (NC) có thể sử dụng SGK biên soạn theo chương trình chuẩn cùng với các Chủ đề tự chọn nâng cao.

Ở lớp 10, trường hợp học sinh chưa học hết chương trình Tiếng Anh ở cấp THCS thì dạy học theo chương trình 3 năm. Việc áp dụng chương trình 3 năm đối với các NN khác cần căn cứ vào tình hình thực tế và đội ngũ giáo viên các NN đó để quyết định. Trong thời gian tới, Bộ vẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho chương trình 3 năm. Hàng năm, các Sở GDĐT cần đăng kí số lượng SGK NN theo chương trình 3 năm với Nhà xuất bản Giáo dục để phát hành đủ SGK cho học sinh.

2. Ngoại ngữ 2

a) Có thể tổ chức dạy học NN2 cho một số lớp hoặc toàn trường.

- Đối với cấp THCS: Là 1 trong 3 môn học, hoạt động giáo dục tự chọn bắt đầu từ lớp 6 (NN2, Tin học, Hoạt động giáo dục Nghề phổ thông), với thời lượng 2 tiết/tuần. Sử dụng SGK dùng cho NN1 với KPPCT môn NN2.

- Đối với cấp THPT: Là môn học tự chọn có thời lượng 2 tiết/tuần. Tiếp tục triển khai dạy Tiếng Pháp NN2 theo chương trình 3 năm từ lớp 10 với tài liệu ADO1 và KPPCT ban hành năm 2008. Các NN2 khác dạy ở lớp 10 khi có học sinh đã học NN2 đó từ cấp THCS.

b) Việc kiểm tra, cho điểm, tính điểm trung bình môn học đối với NN2, thực hiện theo quy định tại Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và học sinh THPT.

Riêng ở cấp THPT, để khuyến khích học NN2, tuỳ theo thực tế ở mỗi địa phương, các Sở GDĐT có thể lựa chọn thực hiện theo 1 trong 2 hình thức sau đây:

- Lấy điểm trung bình môn NN2 tham gia tính điểm trung bình các môn học (học kỳ, cả năm học) như môn học khác;

- Lấy điểm trung bình môn NN2 làm điểm khuyến khích khi tính điểm trung bình các môn học (học kỳ, cả năm học): Điểm trung bình môn NN2 được lấy làm điểm khuyến khích cộng vào điểm trung bình các môn học theo các mức sau đây:

+ Điểm trung bình từ 8 (tám) đến 10 (mười): cộng thêm 0,3 điểm;

+ Điểm trung bình từ 6,5 (sáu rưỡi) đến dưới 8 (tám): cộng thêm 0,2 điểm;

+ Điểm trung bình từ 5,0 (năm) đến dưới 6,5 (sáu rưỡi): cộng thêm 0,1 điểm;

+ Điểm trung bình dưới 5,0 (năm): không được cộng điểm khuyến khích.

Nếu do cộng điểm khuyến khích vào điểm TB cộng các môn vượt quá 10 thì cho điểm tối đa là 10.

3. Chương trình Dạy tăng cường tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp và chương trình thí điểm tiếng Nhật, tiếng Đức (có hướng dẫn riêng đối với một số địa phương đăng ký thực hiện).

III. YÊU CẦU TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới kiểm tra, đánh giá

a) Đổi mới phương pháp dạy học:

- Phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập NN, coi trọng rèn luyện 4 kỹ năng để tăng cường năng lực giao tiếp cho học sinh. Sáng tạo các hình thức dạy học đa dạng đối với môn NN trong nhà trường, trong lớp học, trong sinh hoạt tập thể để học sinh có thêm nhiều cơ hội sử dụng NN;

- Thực hiện dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng trong Chương trình giáo dục phổ thông của các môn NN. Có thể sử dụng tài liệu tham khảo để bổ sung các bài thực hành và cập nhật nội dung kiến thức cũng như phương pháp dạy học.

b) Đổi mới kiểm tra, đánh giá:

Thực hiện kiểm tra, đánh giá theo quy định tại Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và học sinh THPT, căn cứ vào chuẩn kiến thức, kỹ năng trong Chương trình môn học. Đánh giá toàn diện cả kiến thức ngôn ngữ, hiểu biết văn hóa và các kỹ năng giao tiếp (nghe, nói, đọc, viết) của học sinh. Việc kiểm tra đánh giá phải thực sự thúc đẩy nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập và sát đúng kết quả học tập của học sinh.

2. Tăng cường sử dụng thiết bị dạy học

a) Đầu tư thiết bị dạy học cần thiết cho môn NN theo danh mục tối thiểu đã được Bộ GDĐT ban hành. Các thiết bị nghe nhìn phục vụ việc rèn luyện kỹ năng sử dụng NN là yêu cầu bắt buộc đối với các trường THCS, THPT. Đối với các địa phương có điều kiện và các trường ngoài công lập, không chỉ bảo đảm thiết bị tối thiểu mà phấn đấu đầu tư các trang thiết bị hiện đại, phần mềm dạy NN để phát triển kỹ năng giao tiếp bằng NN cho học sinh. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác sử dụng internet phục vụ cho việc dạy học NN của giáo viên và học sinh.

b) Tăng cường kiểm tra việc thực hiện yêu cầu đầu tư đầy đủ, có chất lượng các thiết bị tối thiểu phục vụ dạy học NN và tình hình sử dụng thiết bị dạy học.

Các Sở GDĐT cần lập kế hoạch để tổ chức thực hiện dạy học NN theo định hướng tại văn bản Hướng dẫn này; tiến hành kiểm tra, rà soát tình hình dạy học ở các trường THCS, THPT và báo cáo nhanh kết quả thực hiện với Bộ GDĐT (qua Vụ GDTrH) trước ngày 25/9 /2008. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, cần báo cáo với Bộ GDĐT để hướng dẫn giải quyết.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng                     (để b/cáo);
- TTTT Bành Tiến Long  (để b/cáo);
- TT Nguyễn Vinh Hiển   (để b/cáo);
- ĐA TC tiếng Pháp       (để th/hiện);
- Website Bộ GDĐT;
- Lưu: VT, Vụ GDTrH.

TL. BỘ TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ GIÁO DỤC TRUNG HỌC




Lê Quán Tần

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 7984/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn dạy học môn Ngoại ngữ do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 7984/BGDĐT-GDTrH
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 01/09/2008
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Lê Quán Tần
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/09/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản