Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 778/CP-CN
V/v Thông qua Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (mới)

Hà Nội, ngày 08 tháng 7 năm 2002

 

Kính gửi:

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
- Bộ Xây dựng,
- Bộ Tài chính,
- Văn phòng Quốc hội,
- Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội.

 

Căn cứ kết luận của Bộ Chính trị tại thông báo số 53-TB-TW ngày 08 tháng 4 năm 2002 và công văn số 73-CV/TW ngày 17 tháng 6 năm 2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; xét đề nghị của Bộ Xây dựng (các tờ trình số 04/TTr-Bộ Xây dựng ngày 12 tháng 02 năm 2001 và số 23/TTr-Bộ Xây dựng ngày 24 tháng  4 năm 2002; các công văn số 709/BXD-KTQH ngày 14 tháng 5 năm 2002 và số 920/BXD-VăN PHòNG ngày 21 tháng 6 năm 2002); ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (các công văn số 2740 BKH/VPTĐ ngày 02 tháng 5 năm 2001 và số 3447 BKH/VPTĐ ngày 31 tháng 5 năm 2002) về việc phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư  xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (mới), Thủ tướng Chính phủ có ý kiến như sau:

1. Thông qua Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (mới) với những nội dung chính sau đây:

Tên dự án: Dự án đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (mới).

Dự án đầu tư nêu trên sẽ được sử dụng như một công trình thống nhất.

- Địa điểm xây dựng: Tại lô D trong Khu Trung tâm chính trị Ba Đình, Thủ đô Hà Nội theo ranh giới như sau:

+ Phía Bắc giáp đường Hoàng Văn Thụ;

+ Phía Nam giáp đường Bắc Sơn;

+ Phía Đông giáp đường Hoàng Diệu;

+ Phía Tây giáp đường Độc Lập - Quảng Trường Ba Đình.

- Chủ đầu tư: Bộ Xây dựng.

- Quy mô, tính chất: Phòng họp toàn thể của Nhà Quốc hội có quy mô 700 chỗ; Phòng họp chính Hội trường Ba Đình (mới) có quy mô tối thiếu 3.000 chỗ. Công trình phải đẹp, trang trọng, hiện đại, mang đậm tính dân tộc.

- Tổng mức vốn đầu tư: Cần được tính toán cụ thể trong Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án; bảo đảm công trình có chất lượng cao, đáp ứng đầy đủ yêu cầu đặt ra, nhưng tiết kiệm nhất;

- Nguồn vốn đầu tư: Ngân sách tập trung của nhà nước;

- Thời gian hoàn thành công trình: cuối năm 2005;

2. Giao Bộ Xây dựng:

- Tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo  xây dựng dự án do một Phó Thủ tướng làm Trưởng Ban, một đồng chí lãnh đạo Bộ Xây dựng làm Phó trưởng Ban thường trực, một đồng chí Uỷ viên Thường vụ Quốc hội làm Phó Trưởng Ban;

- Khẩn trương lập nhiệm vụ thiết kế công trình, với nội dung cụ thể của từng chức năng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định;

- Khẩn trưởng tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc theo 2 phương án: giữ lại và không giữ lại Hội trường Ba Đình hiện nay; lấy ý kiến của nhân dân, của các nhà khoa học có liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định trước khi trình duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án;

- Thành lập Ban Quản lý dự án theo quy định hiện hành.

3. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối đủ vốn thực hiện dự án nêu trên theo tiến độ đề ra.

4. Giao Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên khẩn trương tổ chức di  dời tái định cư các đơn vị, cá nhân hiện còn trong khu vực xây dựng Dự án nêu trên; bàn giao mặt bằng cho Bộ Xây dựng vào quý IV năm 2002./.

 

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phan Văn Khải

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 778/CP-CN ngày 08/07/2002 của Chính phủ về việc thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (mới)

  • Số hiệu: 778/CP-CN
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 08/07/2002
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/07/2002
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản