Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 630/TCT-PCCS | Hà Nội, ngày 06 tháng 02 năm 2007 |
Kính gửi: Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
Thời gian qua, một số Cục Thuế và doanh nghiệp có phản ánh về việc vướng mắc đối với việc xử lý hành vi bán hàng hóa, dịch vụ không xuất hóa đơn, kê khai sai thuế suất thuế GTGT trên hóa đơn và hóa đơn trả lại hàng. Về việc này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
1/ Đối với hành vi bán hàng hóa, dịch vụ không xuất hóa đơn:
Tại điểm 1, mục VI, phần B Thông tư số 120/2002/TT-BTC ngày 30/12/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành về in, phát hành, sử dụng, quản lý hóa đơn quy định: "1.1 Tổ chức, cá nhân khi bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ phải lập hóa đơn theo quy định và giao cho khách hàng.
1.2 Thời điểm lập hóa đơn: Hóa đơn phải được lập ngay khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ và các khoản thu tiền phát sinh theo quy định".
Tại điểm 1, mục IV, phần B Thông tư số 120/2002/TT-BTC ngày 30/12/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành về thuế GTGT quy định: "Cơ sở kinh doanh thuộc đối tượng nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế GTGT phải sử dụng hóa đơn GTGT…".
Trường hợp doanh nghiệp bán hàng hóa, dịch vụ nhưng không xuất hóa đơn ngay tại thời điểm chuyển giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ (do nguyên nhân bên mua chưa trả tiền hoặc hai bên không nắm rõ quy định), sau đó cơ quan thuế kiểm tra phát hiện thì xử lý như sau:
a/ Trường hợp sau khi bán hàng hóa, dịch vụ, mặc dù không xuất hóa đơn nhưng doanh nghiệp bán vẫn kê khai, nộp thuế đối với khoản doanh thu bán hàng này thì bị xử phạt vi phạm theo quy định tại Khoản 2, Điều 14 Nghị định số 89/2002/NĐ-CP ngày 07/11/2002 của Chính phủ quy định về in, phát hành, sử dụng, quản lý hóa đơn và lập lại hóa đơn làm căn cứ kê khai, nộp thuế.
b/ Trường hợp sau khi bán hàng hóa, dịch vụ, doanh nghiệp bán không xuất hóa đơn và không kê khai, nộp thuế thì xử lý như sau:
- Nếu thời điểm lập hóa đơn cùng năm so với thời điểm bán hàng (chưa đến thời điểm doanh nghiệp phải quyết toán thuế) thì chỉ xác định là hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn, chứng từ và bị xử phạt theo quy định tại Khoản 2, Điều 7 Nghị định số 89/2002/NĐ-CP nêu trên.
- Nếu thời điểm lập hóa đơn khác năm so với thời điểm bán hàng (đã qua thời điểm doanh nghiệp phải quyết toán thuế) thì xác định là hành vi trốn thuế và bị xử phạt hành chính theo hướng dẫn tại Thông tư số 41/2004/TT-BTC ngày 18/5/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 100/2004/NĐ-CP ngày 25/02/2004 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế hoặc chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xử lý hình sự.
c/ Sau khi bên bán hàng đã lập hóa đơn giao cho bên mua hàng, bên mua hàng không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT tại hóa đơn này. Số thuế GTGT này được tính vào chi phí hợp lý của năm hiện hành lập hóa đơn.
2/ Ghi sai thuế suất thuế GTGT trên hóa đơn:
a/ Tại điểm 1.10, mục VI, phần B Thông tư số 120/2002/TT-BTC ngày 30/12/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 89/2002/NĐ-CP ngày 07/11/2002 của Chính phủ về việc in, phát hành, sử dụng, quản lý hóa đơn quy định: "Trường hợp lập lại hóa đơn: những trường hợp hóa đơn đã xé rời khỏi quyển, sau đó phát hiện sai phải hủy bỏ thì tổ chức, cá nhân phải lập biên bản có chữ ký xác nhận của bên mua hàng, bên bán hàng, nếu là tổ chức phải có ký xác nhận (đóng dấu) của người đứng đầu tổ chức; bên mua hàng, bên bán hàng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về số hóa đơn hủy bỏ".
Trường hợp doanh nghiệp ghi sai thuế suất thuế GTGT trên hóa đơn thì khi phát hiện, hai bên mua và bán phải lập biên bản có chữ ký xác nhận (đóng dấu) của người đứng đầu hai doanh nghiệp để hủy hóa đơn cũ sai sót và xuất lại hóa đơn GTGT mới với thuế suất thuế GTGT chính xác thay thế hóa đơn cũ ghi sai thuế suất và thuế GTGT đầu ra do sai thuế suất doanh nghiệp bán phải điều chỉnh vào tờ khai thuế GTGT của tháng xuất hóa đơn mới thay thế hóa đơn cũ bị hủy bỏ.
b/ Căn cứ quy định tại tiết g1, điểm 1, mục IV, phần B Thông tư số 41/2004/TT-BTC ngày 18/5/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, trường hợp bên bán không tự phát hiện sai thuế suất thuế GTGT mà do cơ quan thuế kiểm tra phát hiện thì bị truy thu, xử phạt vi phạm hành chính đối với số thuế GTGT tăng thêm và không được lập lại hóa đơn.
3/ Hóa đơn trả lại hàng:
Căn cứ quy định tại điểm 5.8, mục IV, phần B Thông tư số 120/2002/TT-BTC ngày 30/12/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành về thuế GTGT, trường hợp doanh nghiệp bán hàng hóa, đã xuất hóa đơn cho bên mua, nhưng sau một thời gian bên mua không chuyển được quyền sở hữu và phải trả lại hàng hóa thì hai bên mua, bán phải lập biên bản khi xuất hàng trả lại cho người bán và doanh nghiệp mua phải xuất hóa đơn trên hóa đơn ghi rõ là hàng trả lại người bán. Hóa đơn này là căn cứ để bên bán, bên mua điều chỉnh doanh số mua, bán, số thuế GTGT đã kê khai.
Trường hợp người mua hàng là đối tượng không có hóa đơn thì hai bên phải lập biên bản ghi rõ số lượng hàng hóa trả lại, giá không có thuế, thuế GTGT, lý do trả lại hàng kèm theo hóa đơn GTGT gửi cho bên bán. Biên bản này được lưu giữ cùng hóa đơn bán hàng làm căn cứ điều chỉnh doanh thu, thuế GTGT.
Tổng cục Thuế thông báo để Cục thuế biết và thực hiện./.
| KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
- 1Nghị định 89/2002/NĐ-CP quy định về việc in, phát hành, sử dụng, quản lý hoá đơn
- 2Thông tư 120/2002/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 89/2002/NĐ-CP về việc in, phát hành, sử dụng, quản lý hoá đơn do Bộ Tài Chính ban hành
- 3Thông tư 41/2004/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 100/2004/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế do Bộ Tài chính ban hành
Công văn số 630/TCT-PCCS của Tổng cục Thuế về việc Vướng mắc về xuất hóa đơn
- Số hiệu: 630/TCT-PCCS
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 06/02/2007
- Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
- Người ký: Phạm Duy Khương
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra