Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5937/TCHQ-KTTT | Hà Nội, ngày 19 tháng 11 năm 2008 |
Kính gửi: | Ông Phan Văn Tuấn |
Tổng cục Hải quan nhận được công văn số 1179/PCVB-VPCP ngày 31/10/2008 của Văn phòng Chính phủ về việc thư điện tử của ông Phan Văn Tuấn - Trưởng phòng XNK Công ty TNHH Hóa dầu AP kiến nghị vướng mắc khi nộp thuế xuất nhập khẩu bằng chuyển khoản tại Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh. Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
1. Xác định ngày đã nộp thuế:
Căn cứ điều 46 Luật quản lý thuế: Ngày đã nộp thuế được xác định là ngày:
- Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác hoặc tổ chức dịch vụ xác nhận trên chứng từ nộp thuế của người nộp thuế trong trường hợp nộp thuế bằng chuyển khoản;
- Kho bạc Nhà nước, cơ quan quản lý thuế hoặc tổ chức được cơ quan quản lý thuế uỷ nhiệm thu thuế cấp chứng từ thu tiền thuế đối với trường hợp nộp tiền thuế trực tiếp bằng tiền mặt.
Trên thực tế, người nộp thuế đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế với nhà nước nhưng khi tra cứu trên các chương trình kế toán 559, chương trình quản lý rủi ro, hệ thống mạng của cơ quan hải quan thông báo doanh nghiệp đang có nợ thuế quá hạn, nợ tiền phạt chậm nộp thuế, hoặc đã từng nợ thuế, nợ phạt quá hạn quá 90 ngày... dẫn đến việc người nộp thuế không được áp dụng thời hạn nộp thuế nhập khẩu đối với người nộp thuế chấp hành tốt pháp luật thuế theo quy định điểm 2.2, Mục III, phần C, phải nộp thuế xong trước khi nhận hàng theo quy định điểm 2.3 Mục III, phần C Thông tư số 59/2007/TT-BTC ngày 14.06.2007 của Bộ Tài chính.
Việc này xảy ra do một số nguyên nhân như việc cập nhật chứng từ nộp thuế, thanh khoản thuế chưa kịp thời giữa Ngân hàng, Kho bạc và cơ quan Hải quan, giữa cơ quan Hải quan với nhau do chậm trễ trong tác nghiệp, lỗi đường truyền mạng... Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang phối hợp với Kho bạc nhà nước và Tổng cục thuế triển khai hệ thống thông tin quản lý thuế sẽ sớm khắc phục, hạn chế những lỗi trên.
Tổng cục Hải quan xin chân thành cảm ơn những phản ảnh và những ý kiến đóng góp của ông và Công ty để ngành Hải quan có thể ngày càng phục vụ tốt hơn cộng đồng doanh nghiệp.
2. Chứng minh việc đã nộp thuế, kiểm tra chứng từ nộp thuế:
2.1. Người nộp thuế:
Nếu đã thanh toán, thanh khoản xong, không còn nợ thuế quá hạn, nợ tiền phạt chậm nộp thuế, hoặc không từng nợ thuế, nợ phạt quá hạn quá 90 ngày... người nộp thuế có thể chứng minh và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật bằng việc xuất trình bản chính hoặc/và nộp bản sao y bản chính để cơ quan Hải quan đối chiếu và lưu cùng tờ khai hải quan các chứng từ sau:
- Các tờ khai có liên quan bị thông báo là đã hoặc đang nợ thuế, nợ phạt chậm thuế quá hạn.
- Giấy nộp tiền vào Ngân sách nhà nước bằng chuyển khoản, uỷ nhiệm chi có chữ ký và đóng dấu của ngân hàng phục vụ doanh nghiệp; Giấy nộp tiền vào Ngân sách nhà nước bằng tiền mặt có chữ ký, đóng dấu của Kho bạc nhà nước; Biên lai nộp thuế, nộp phạt do cơ quan Hải quan phát hành, các chứng từ nộp thuế hợp pháp khác...
2.2. Cơ quan Hải quan:
Nếu nghi ngờ về tính trung thực, hợp pháp của chứng từ nộp thuế, thanh khoản nợ thuế do người nộp thuế xuất trình, cơ quan Hải quan nơi kiểm tra chứng từ có thể:
- Trực tiếp liên hệ trực tiếp với đơn vị hải quan nơi quản lý tờ khai hiện đang bị thông báo nợ thuế quá hạn, nợ tiền phạt chậm nộp thuế để xác minh tình trạng nợ thuế, nợ phạt của người nộp thuế.
- Trực tiếp liên hệ với Kho bạc nhà nước nơi quản lý tài khoản thu Ngân sách nhà nước của cơ quan Hải quan nơi quản lý tờ khai hiện đang bị thông báo nợ thuế quá hạn, nợ tiền phạt chậm nộp thuế, tờ khai không được ân hạn thuế, tờ khai phải nộp thuế ngay để xác minh việc nộp thuế, thanh khoản nợ thuế của người nộp thuế.
- Hoặc yêu cầu người nộp thuế tiếp tục chứng minh và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật bằng việc xuất trình bản chính hoặc/và nộp bản sao y bản chính các chứng từ để cơ quan hải quan kiểm tra việc nộp thuế, thời điểm đã chuyển nộp tiền thuế, tiền phạt, để lưu cùng tờ khai hải quan. Cụ thể như: Giấy báo nợ của Ngân hàng phục vụ doanh nghiệp hoặc Sổ, bảng kê chi tiết giao dịch có ký, đóng dấu của ngân hàng..., hoặc xác nhận (nếu có) của các đơn vị hải quan nơi quản lý tờ khai hiện đang bị thông báo nợ thuế quá hạn, nợ tiền phạt chậm nộp thuế về tình trạng nợ thuế của người nộp thuế ...
3. Xử lý vi phạm:
Căn cứ Nghị định số 97/2007/NĐ-CP ngày 07/06/2007 của Chính phủ quy định việc xử lý vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan:
- Nếu cơ quan Hải quan xác định được người nộp thuế có hành vi giả mạo, gian lận trong việc nộp, xuất trình chứng từ nộp thuế, chứng từ thanh khoản nợ thuế để được hưởng ân hạn thuế, giải phóng hàng thì phải lập biên bản vi phạm hành chính để làm cơ sở tiếp tục xử lý vụ việc vi phạm theo quy định của pháp luật.
- Nếu cơ quan Hải quan, công chức Hải quan vi phạm thì thực hiện xử lý vi phạm theo điều 20, điều 21 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP và các quy định khác của pháp luật.
Tổng cục Hải quan thông báo để Ông, Công ty TNHH Hóa dầu AP, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, Cục Hải quan các tỉnh thành phố biết và thực hiện./.
| KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
- 1Luật quản lý thuế 2006
- 2Nghị định 97/2007/NĐ-CP quy định việc xử lý vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan
- 3Thông tư 59/2007/TT-BTC hướng dẫn thi hành thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu do Bộ Tài Chính ban hành
- 4Công văn 4285/TCHQ-TXNK về nộp thuế xuất nhập khẩu do Tổng cục Hải quan ban hành
Công văn số 5937/TCHQ-KTTT về việc vướng mắc khi nộp thuế xuất nhập khẩu bằng chuyển khoản do Tổng cục Hải quan ban hành
- Số hiệu: 5937/TCHQ-KTTT
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 19/11/2008
- Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
- Người ký: Vũ Ngọc Anh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra