Hệ thống pháp luật

BỘ THƯƠNG MẠI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 5666/TM-ĐB
V/v xác định trị giá tính thuế nhập khẩu theo GATT/CVA

Hà Nội, ngày 04 tháng 12 năm 2003

 

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Bộ Thương mại nhận được công văn số 5729/VPCP-KTTH ngày 19 tháng 11 năm 2003 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho Bộ Tài chính được triển khai thực hiện Nghị định số 60/2002/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2002 của Tài chính được triển khai thực hiện Nghị định số 60/2002/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ theo tinh thần của Tờ trình số 11693 TC/CST ngày 10 tháng 11 năm 2003 của Bộ Tài chính. Về vấn đề này, Bộ Thương mại xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ như sau:

1. Việc bãi bỏ bảng giá tính thuế tối thiểu và thực hiện xác định trị giá tính thuế hải quan theo GATT/CVA là vấn đề được rất nhiều Thành viên WTO quan tâm trong quá trình đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam. Vì vậy, Bộ Thương mại nhất trí về cơ bản với đề xuất của Bộ Tài chính về việc áp dụng Nghị định số 60/2002 với tất cả các nước, liên minh và vùng lãnh thổ đã ký điều khoản MFN trong quan hệ thương mại với Việt Nam trên cơ sở có đi có lại, chỉ xin bổ sung thêm như sau:

1.1. Yêu cầu “đã ký kết điều khoản MFN” có thể sẽ gây ảnh hưởng tới hàng hoá nhập khẩu từ Nhật Bản, Đài Loan và Hồng Kông. Trên thực tế, ta và Nhật bản mới chỉ trao đổi như thảo thuận về MFN trong lĩnh vực thuế. Hàng hoá nhập khẩu từ Đài loan được hưởng MFN trên cơ sở thực tế. Ta và Hồng Kông cũng không ký với nhau điều khoản MFN. Các đối tác loại này đã được Pháp lệnh MFN và NT đề cập đến. Vì vậy, đề nghị Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo để Bộ Tài chính có sự điều chỉnh phù hợp, bảo đảm không xảy ra vướng mắc thực hiện Nghị định.

1.2. Để tránh bất lợi cho đàm phán WTO như Bộ Tài chính đã chỉ ra. Bộ Thương mại đề nghị thủ tục để thoả mãn điều kiện “có đi có lại” cần được quy định rõ trong Thông tư của Bộ Tài chính và chủ động thông báo càng sớm càng tốt cho mọi đối tác đang đàm phán gia nhập WTO với ta. Khi thông tư được ban hành và có hiệu lực cần tính đến trường hợp một số nước yêu cầu ta áp dụng hồi tố (có hiệu lực ngược từ thời điểm 10 tháng 12 năm 2003, thời điểm GATT/CVA áp dụng cho Hoa Kỳ) để có quan điểm xử lý thống nhất khi làm việc với các đối tác.

2. Bộ Thương mại rất quan ngại với việc bảo lưu bảng giá tính thuế tối thiểu (áp dụng cho tất cả các nước, kể cả Hoa Kỳ). Việc này đã được Bộ Thương mại báo cáo nhiều lần với Phó Thủ tướng Vũ Khoan khi ta gửi tài liệu đàm phán Phiên 7 đi WTO. Như Bộ Tài chính đã chỉ ra, việc ta bảo lưu bảng giá tính thuế tối thiểu có thể sẽ gây phản ứng không lợi từ phía Hoa Kỳ. Hoa Kỳ đã nhiều lần khẳng định việc thực hiện GATT/CVA theo BTA là điều Hoa Kỳ đặc biệt quan tâm và việc thực hiện nghiêm chỉnh BTA sẽ là điều kiện tiên quyết để Hoa Kỳ ủng hộ ta gia nhập WTO. Xét đàm phán WTO đang có một số tiến triển thuận lợi trong thời gian gần đây (Hoa Kỳ và nhiều nước đã ghi nhận những nỗ lực của ta và hứa sẽ có phản hồi thoả đáng trong đàm phán), Bộ Thương mại nhận thấy ta nên tính toán rất kỹ việc bảo lưu bảng giá tính thuế tối thiểu. Nếu tình thế bắt buộc phải bảo lưu bảng giá tính thuế tối thiểu, cần xem xét rất kỹ các mặt hàng và chuẩn bị các lý lẽ để thuyết phục các đối tắc, đặc biệt là Hoa Kỳ.

Bộ Thương mại chia sẻ các quan ngại của Bộ Tài chính về tình trạng gian lận thương mại dãn đến thất thu thuế nhưng trên thực tế chúng ta đã có tới hơn 3 năm để chuẩn bị áp dụng GATT/CVA. Nếu không có nỗ lực thực sự trong việc kiện toàn hệ thống thu thuế và thay đổi phương pháp tính thuế đối với một số mặt hàng (thí dụ như chuyển sang thu thuế theo giá trị tuyệt đối) thì bảo lưu giá tính thuế tối thiểu thêm 3 năm nữa có thể không giải quyết được vấn đề. Trong khi đó, việc áp dụng GATT/CVA lại là một yêu cầu của các nước trong đàm phán WTO. Ngoài ra, khi chúng ta đã áp dụng GATT/CVA cho các nước ASEAN và trong trường hợp Hoa Kỳ không đồng ý lùi thời gian áp dụng GATT/CVA mà phải áp dụng vào tháng 12 năm 2003, và do đó phải thực hiện cam kết với EU về việc Việt Nam sẽ không phân biệt đối xử giữa EU với Hoa Kỳ thì việc áp dụng GATT/CVA cho tất cả các nước cũng là điều cần tính đến bởi hàng hoá nhập khẩu từ những đối tác trên chiếm tỷ trọng rất cao trong nhập khẩu hàng hoá của ta.

Kính trình Thủ tướng xem xét.

 

 

BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI




Trương Đình Tuyển

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 5666/TM-ĐB ngày 04/12/2003 của Bộ Thương mại về việc xác định trị giá tính thuế nhập khẩu theo GATT/CVA

  • Số hiệu: 5666/TM-ĐB
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 04/12/2003
  • Nơi ban hành: Bộ Thương mại
  • Người ký: Trương Đình Tuyển
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/12/2003
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản