Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
CỤC KHẢO THÍ VÀ KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------

Số: 543/KTKĐCLGD
V/v Những điểm mới trong Dự thảo lần thứ 20 của Đề án đổi mới thi và tuyển sinh

Hà Nội, ngày 05 tháng 6 năm 2008

 

Kính gửi:

- Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam;
- Các sở giáo dục và đào tạo;
- Các đại học, học viện;
- Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp.

 

Theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Dự thảo lần thứ 20 của Đề án đổi mới thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh vào đại học, cao đẳng, trung cấp được gửi tới các đơn vị để lấy ý kiến chính thức.

Những nội dung chỉnh sửa cơ bản trong Dự thảo lần thứ 20 so với Dự thảo lần thứ 16 đã được công bố, như sau:

I. BỔ SUNG MỤC I VÀO PHẦN NỘI DUNG:

1. Tổ chức một kỳ thi, với tên gọi Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, thực sự nghiêm túc, khoa học, đảm bảo kết quả chính xác, tin cậy để công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và làm một căn cứ quan trọng xét tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp.

2. Điểm xuất phát của đổi mới thi và tuyển sinh ở nước ta là tập trung vào kỳ thi trung học phổ thông quốc gia:

a) Một số quốc gia có nền giáo dục khá phát triển, trình độ dân trí cao, đã phổ cập giáo dục trung học, lựa chọn phương án đổi mới thi cử bằng cách không tổ chức thi tốt nghiệp mà chỉ tổ chức thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, với đặc thù của nền giáo dục của nước ta, trong một số năm tới, chưa thể thực hiện việc công nhận tốt nghiệp cho người học mà không tổ chức kỳ thi đánh giá có tính chất quốc gia, bởi lẽ: khi chưa triển khai áp dụng mô hình đảm bảo chất lượng trong quá trình đào tạo thì vẫn phải sử dụng mô hình kiểm soát chất lượng đầu ra; khoản 3 Điều 31 Luật giáo dục năm 2005 đã quy định “Học sinh học hết chương trình trung học phổ thông có đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được dự thi và nếu đạt yêu cầu thì được Giám đốc sở giáo dục và đào tạo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông”. Đồng thời, yêu cầu tuyển sinh cho mỗi ngành học của từng trường đại học, cao đẳng và cả tính tự chủ của các trường chỉ đòi hỏi thí sinh thi một số môn đặc thù phù hợp với ngành nghề đào tạo. Trước thực tiễn là có thi thì mới học, nếu không thi quốc gia thì không nhất quán chuẩn quốc gia, nếu bỏ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, sẽ dẫn đến hậu quả: trong suốt những năm học phổ thông, người học chỉ tập trung vào những môn sẽ thi tuyển đầu vào đại học, cao đẳng, dẫn đến sự thiếu kiến thức phổ thông toàn diện khi bước vào đời, lập thân, lập nghiệp.

b) Do vậy, phải giữ kỳ thi quốc gia để công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông nhằm đảm bảo cho người học ngay trong nhà trường luôn phải cố gắng học tập, trang bị cho mình đầy đủ những kiến thức phổ thông, toàn diện, cần thiết cho cuộc sống lao động và học tập sau này. Đây là một sứ mạng lớn và là một yêu cầu quan trọng đặt ra đối với ngành giáo dục, nhằm đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

3. Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia được thiết kế với 2 phần: Tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và Sử dụng kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia.

II. CHỈNH SỬA THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM TỔ CHỨC KỲ THI TRUNG HỌC PHỔ THÔNG QUỐC GIA:

1. Tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia vào tuần thứ 2 của tháng 6 hằng năm tại các tỉnh.

2. Lựa chọn các địa điểm có điều kiện tổ chức thi tốt, sử dụng phần lớn các cơ sở vật chất của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, các trường trung học phổ thông đạt yêu cầu làm địa điểm thi.

III. CHỈNH SỬA QUY ĐỊNH VỀ SỐ MÔN THÍ SINH PHẢI THI ĐỂ ĐƯỢC CÔNG NHẬN TỐT NGHIỆP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG:

Ngoài các điều kiện về học lực và hạnh kiểm theo quy chế quy định: 6 môn, bao gồm 3 môn công cụ chung bắt buộc đối với tất cả thí sinh (Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ); 1 môn do Bộ quy định hằng năm, 2 môn do thí sinh tự quyết định trong số các môn còn lại của kỳ thi, có thể từ năm 2010 hoặc năm 2011, cho phép thí sinh tự quyết định 3 môn trong số các môn còn lại của kỳ thi.

IV. QUY ĐỊNH RÕ HƠN VỀ HÌNH THỨC VÀ CƠ CẤU ĐỀ THI, CỤ THỂ NHƯ SAU:

1. Hình thức đề thi được giữ như các năm 2007, 2008 (thi trắc nghiệm các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ; các môn khác thi tự luận). Sau năm 2011 sẽ tổng kết và có lộ trình phù hợp về hình thức đề thi cho từng môn thi;

2. Để đảm bảo cho kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia vừa đánh giá được trình độ tốt nghiệp trung học phổ thông, vừa đánh giá được khả năng vào học trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trong đề thi có khoảng 60% số điểm ứng với nội dung cơ bản trong chương trình trung học phổ thông chuẩn, đảm bảo cho những thí sinh có học lực trung bình, nắm được kiến thức cơ bản có thể tốt nghiệp. Phần còn lại trong đề thi ứng với khoảng 40% số điểm có nội dung trong chương trình trung học phổ thông chuẩn và chương trình trung học phổ thông nâng cao, đòi hỏi thí sinh làm chủ và vận dụng kiến thức cơ bản ở mức cao hơn, đáp ứng yêu cầu phân loại trình độ thí sinh để tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp. Không chia cơ học các câu hỏi thành 2 phần riêng biệt trong đề thi;

3. Đề thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn. Việc in sao đề thi đảm bảo 3 vòng cách ly độc lập như tuyển sinh đại học, cao đẳng những năm vừa qua và in sao đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2007 và 2008; có sự phối hợp tham gia của lực lượng cán bộ, giảng viên đại học, cao đẳng và các sở giáo dục và đào tạo dưới sự chỉ đạo của Bộ. In sao và niêm phong đề thi cho từng phòng thi.

V. QUY ĐỊNH RÕ HƠN VỀ CÔNG TÁC COI THI, CHẤM THI, PHÚC KHẢO:

1. Về cơ bản, việc tổ chức coi thi được thực hiện như tuyển sinh đại học, cao đẳng những năm qua và thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2007, 2008. Huy động lực lượng cán bộ, giáo viên phổ thông của tỉnh và cán bộ, giảng viên của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp từ các tỉnh khác đến.

2. Chấm thi và phúc khảo tại các tỉnh, thực hiện sự giám sát trực tiếp và liên tục (cả tự luận và trắc nghiệm). Thực hiện việc đổi chéo Hội đồng chấm thi giữa các địa phương và có sự tham gia của cán bộ, giảng viên của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp.

3. Chấm thi trắc nghiệm (kể cả phúc khảo) bằng máy và công cụ tin học, theo đúng cách của phương pháp trắc nghiệm. Dữ liệu được quét, niêm phong và gửi ngay về Bộ trước khi các cơ sở tổ chức chấm.

VI. BỔ SUNG VÀO ĐỀ ÁN NỘI DUNG ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THI, NHƯ SAU:

1. Thang điểm bài thi là 10 điểm (6 điểm + 4 điểm ứng với 60% + 40%)

2. Xếp loại tốt nghiệp (sơ bộ):

- Đạt tốt nghiệp: 18 điểm trở lên và không có điểm 0 (18 điểm là 50% của 36 điểm đối với 6 môn thi – phần để công nhận tốt nghiệp);

- Loại trung bình: 18 đến 32 điểm;

- Loại khá: Lớn hơn 32 điểm đến 46 điểm;

- Loại giỏi: Trên 46 điểm.

VII. BỔ SUNG VÀO ĐỀ ÁN MỤC XÉT TUYỂN VÀO ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG, TRUNG CẤP, VỚI NHỮNG NỘI DUNG CỤ THỂ SAU:

1. Nguyên tắc chung;

2. Chỉ tiêu tuyển sinh;

3. Đối tượng đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng;

4. Khung chính sách ưu tiên;

5. Xét tuyển.

Trong đó, lưu ý, đối với các ngành đòi hỏi phải thi những môn đặc thù, ngoài các môn văn hóa trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất với các trường để thống nhất các môn thi đặc thù. Các trường xây dựng văn bản về tuyển sinh đối với các ngành đòi hỏi phải thi những môn đặc thù, sau khi được Bộ công nhận, trường sẽ công bố quy định cụ thể về việc tổ chức thi các môn này theo từng ngành đào tạo.

VIII. BỔ SUNG VÀO GIẢI PHÁP 1 NỘI DUNG:

Tăng cường hình thức tự luận đối với các bài kiểm tra học kỳ, kiểm tra cuối năm ở các nhà trường.

IX. CẬP NHẬT, BỔ SUNG VÀO PHẦN PHỤ LỤC:

1. Bổ sung vào phần sự lựa chọn của Việt Nam trong Phụ lục 3 “Kinh nghiệm quốc tế về thi tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh đại học - sự lựa chọn của Việt Nam”:

2. Bổ sung mục II. Các kỳ thi năm 2008 vào Phụ lục 4: Những tiền đề cho việc tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia:

a) Năm 2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các địa phương, đơn vị tổ chức các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng thật nghiêm túc, khách quan, công bằng, coi đây là các bước tập dượt cho kỳ thi trung học phổ thông quốc gia.

b) Một số giải pháp thiết kế cho kỳ thi trung học phổ thông quốc gia tiếp tục được triển khai trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2008 diễn ra từ ngày 28 đến 30/5/2008; trong đó, nổi bật là sự phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả giữa các lực lượng tham gia tổ chức kỳ thi. Công tác kiểm tra, thanh tra được thực hiện một cách đồng bộ, việc thu thập và xử lý thông tin về thi ở các cấp quản lý giáo dục đảm bảo chính xác, kịp thời. Công tác coi thi và chấm thi được Ban chỉ đạo thi của Bộ và dư luận xã hội đánh giá là nghiêm túc hơn các kỳ thi trước, các đoàn thanh tra của Bộ được tăng cường về lực lượng tiếp tục phát huy vai trò giám sát việc tổ chức thi và thực hiện quy chế ở tất cả các địa điểm thi trên toàn quốc.

3. Chỉnh sửa lại nội dung của Phụ lục 5: Đổi mới kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ ở nhà trường), Phụ lục 6: Tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia.

4. Bổ sung các phụ lục:

a) Phụ lục 8: Phương án xét tuyển sinh đại học, cao đẳng dựa vào kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia;

b) Phụ lục 9: Mẫu giấy chứng nhận kết quả thi kỳ thi trung học phổ thông quốc gia;

c) Phụ lục 10: Mẫu phiếu đăng ký dự tuyển vào trường đại học, cao đẳng.

Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục trân trọng đề nghị các đơn vị góp ý./.

 


Nơi nhận:

- BT. Nguyễn Thiện Nhân (để b/c);
- TTTT. Bành Tiến Long (để b/c);
- Website Bộ;
- Lưu: Cục KTKĐCLGD.

CỤC TRƯỞNG
TRƯỞNG BAN SOẠN THẢO ĐỀ ÁN




Nguyễn An Ninh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 543/KTKĐCLGD về việc những điểm mới trong Dự thảo lần thứ 20 của Đề án đổi mới thi và tuyển sinh do Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục ban hành

  • Số hiệu: 543/KTKĐCLGD
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 05/06/2008
  • Nơi ban hành: Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục
  • Người ký: Nguyễn An Ninh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản